Thảo luận. Phân biệt danh sắc (như ý định hành động và hành động) có tác dụng gì với hành giả tu Tứ Niệm Xứ?
Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 29-3-2018, Minh Hạnh chuyển biên
TT Tuệ Siêu: Đối với một người không tu tập thì họ chấp thể xác và linh hồn (tâm) là một, hoặc thể xác là khác và linh hồn là khác. Và hễ họ chấp là một hay là khác thì cũng rơi vào tình trạng thường kiến hay đoạn kiến, hoặc họ chấp ngã sở, ngã đắc, ngã chấp thủ, ngũ uẩn là ta, ta là ngũ uẩn, ngũ uẩn có ta, trong ta có ngũ uẩn, sắc thọ tưởng hành thức.
Đối với một người tu tập Tứ Niệm Xứ, vị này có chánh niệm tỉnh giác sanh diệt sẽ hiện khởi và sự diệt mất của danh và sắc, vị này sẽ đạt được trí tuệ Nāmarūpapariccheda ñāṇa tức là tuệ phân biệt danh sắc.
Thất giác chi có tác dụng gì?
Ở đây, khi chánh niệm nhận thức được rõ ràng, ghi nhận rõ ràng sự sanh diệt của danh sắc thì tác dụng thứ nhất là thấy danh sắc có sanh có diệt nó vô thường, và cái gì vô thường sanh diệt không theo ý muốn thì là vô ngã, vị đó nhận thức được.
Rồi lại ghi nhận cái này là danh cái này là sắc. Chẳng hạn như ghi nhận hơi thở ra hơi thở vào. Vị hành giả chánh niệm nhận biết hơi thở đó là sắc pháp, thuộc về sắc nó sanh khởi ở rún và nó diệt ở chóp mũi được gọi là hơi thở ra sanh và diệt. Hơi thở vào thì hơi thở được ghi nhận sanh ở mũi và diệt ở rún. Bởi vì hơi thở vào trước hết là mình cảm nhận được từ ở chóp mũi và vô cho đến khi không còn thở vô nữa để mà thở ra thì nó dừng lại ở rún. Ghi nhận như vậy hơi thở vị đó thấy sự sanh diệt rõ ràng.
Hơi thở đó là sắc tâm cittasamuṭṭhānarūpaṃ và hơi thở này thuộc một trong bảy sắc hành động do tâm điều khiển do tâm sanh khởi, do tâm khiến cho sanh lên thì tâm là ý muốn thuộc về danh pháp. Thì hễ hơi thở có sanh có diệt, thì tâm khởi lên nhanh hơn gấp 17 lần sanh diệt của sắc pháp. Cứ ghi nhận như thế vị hành giả sẽ thấy rõ ở đây danh sanh diệt sắc sanh diệt cái đó là vô thường. Mặc dù danh và sắc có sự liên đới với nhau nhưng danh sanh diệt nhanh hơn sắc pháp cứ như thế hành giả chánh niệm cho đến khi vị hành giả nhận thức rõ danh sắc này vốn tương quan nhưng nó độc lập.
Rồi lại danh sắc này vì có sanh có diệt cho nên có đặc tính là vô thường, không có gì là trường tồn, không có gì là vĩnh hằng bất hoại. Và rồi vì sanh diệt một cách tự nhiên theo định lý sanh rồi diệt, diệt rồi sanh cho nên vị hành giả nhận thức được không theo ý muốn thế là các pháp danh sắc là vô ngã. Mà trọng tâm của vị tu tập quán Tứ Niệm Xứ là để nhận thức được danh sắc là vô thường, khổ đau và vô ngã, cái tiêu chí của vị đó, cái đặc điểm mục đích của vị hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ là để nhận thức được sanh diệt để nhận thức được nó vô thường, khổ đau, vô ngã và khi đã nhận thức được 3 ấn tướng của pháp hữu vi thì lúc bấy giờ tuệ đạo tuệ quả sẽ sanh khởi.
Cho nên ở đây nhận thức và phân biệt được danh sắc quan trọng lắm, người mà có tuệ quán phân biệt được danh sắc là bắt đầu tuệ quán thấy được pháp chân đế của danh sắc. Còn như hàng ngày đối với chúng ta thì chúng ta quen chấp nơi tục đế, chúng ta cũng biết đây người nam, đây là người nữ, đây là đẹp, đây là xấu, chúng ta nhận thức theo khái niệm giả lập, khái niệm qui ước cho nên lúc bấy giờ làm cơ sở cho phiền não, ngã chấp cứ như thế mình chấp do vọng tưởng, mà cứ như thế đó thì bắt đầu phiền não dựa vào đó sanh khởi, chúng ta không nhận ra được.
Cũng giống như khi một bức tường bị đóng rong nhìn thấy nó bị ố người ta sơn hay quét vôi đè lên, người ta tưởng làm như vậy cho nó đẹp nhưng thật sự bên trong bị ẩm ướt người ta không nhận thức được, người ta không khắc phục được từ chỗ bức tường loan lỗ do rong rêu đóng, lẽ ra người ta phải cạo bỏ lớp rong đó hoặc chỗ nào hư mục phải lóc chỗ đó ra xong rồi mới trám vữa hồ làm cho bằng phẳng rồi để khô mới sơn lên thì nó mới đẹp bền.
Cũng như phàm phu chúng ta hễ gặp phiền não chúng ta cứ cố gắng suy nghĩ để khỏa lấp sự phiền muộn đó, nhưng mà cố gắng làm cho khoả lấp bằng quan niệm chấp thường, chấp lạc, chấp ngã, chấp tịnh thì là môi trường để cho phiền não sanh lên. Muốn giải quyết vấn đề này thì phải làm sao nhận thức được danh sắc (ý muốn hành động và hành động) rõ ràng thì lúc đó phiền não mới dừng lại. Đây là vấn đề mà chúng tôi xin được chia sẻ qua câu thảo luận vừa nêu ./.
No comments:
Post a Comment