Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
22. Đại kinh Niệm xứ (Mahàsatipatthana sutta)
Quán thân – Quán Tử Thi, Quán Hài Cốt
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 23 tháng 10, năm 2018
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Trong nhiều bài học trước đây chúng ta đề cập đến sự ái luyến bản thân, chúng ta vốn thương yêu nâng niu trao chuốt vẻ đẹp ngoại hình cũng giống như thể lực khỏe mạnh, và chúng ta tìm nhiều cách để thoả mãn sắc thân của mình, từ việc ăn uống để thoả mãn nhục dục hay quần là áo lụa.
Nhưng, có một thực tế tất cả người tu Phật được hiểu về đặc tánh vô thường, khi tâm thức không còn nữa thân này chỉ là một xác chết, và xác chết đó dù trước kia oanh liệt bao nhiêu, đẹp bao nhiêu, bây giờ xác chết chỉ là một xác chết, tất cả xác chết trừ khi để đông lạnh hay dùng hóa chất để ướp, thì một xác chết tự nhiên sẽ tan rã hủy hoại trong nhiều điều kiện khác nhau theo thời gian.
Nếu chúng ta có dịp nhìn vào xác chết và có một suy tư cảm nhận sâu sắc thân thể của chúng ta rồi cũng sẽ như vậy, không vượt khỏi trạng thái đó, điều đó không những có lợi ích cho chúng ta nhận chân thực tại và khiến chúng ta có một nhân sinh quan tương đối rất khác, nhất là sự chấp thủ về danh, về tướng, về nhân ngã bỉ thử, chấp về nhiều thứ.
Ít khi chúng ta quán tưởng như vậy, thông thường khi nhìn thấy một xác chết, cảm giác của đa số chúng ta là né tránh, cảm giác thường có là ghê sợ, hầu như không muốn nhìn không muốn ngó. Chúng tôi nhớ có những lần đi tụng kinh đám tang, khi tụng kinh chúng tôi đến đứng gần xác chết, nhưng con cái trong gia đình dù rất thương mẹ thương cha nhưng không dám đến gần, đứng xa ngó thôi, mặc dù xác chết ở Mỹ họ làm rất kỹ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt còn đa phần đứng gần không sao hết, nhưng người ta vẫn sợ xác chết.
Xã hội Ấn Độ có hai hình thức, một là điểu táng, hai là hỏa táng.
Điểu táng: Khi một người chết, người ta quấn vải chung quanh xác chết đó và làm tang lễ đơn giản, sau đó họ khiêng đến bãi tha ma. Nếu qúi vị sang những thành phố lớn hay một ngôi làng ở Ấn Độ thấy một nơi giống như sân vận động lớn có tường rất cao bao chung quanh thì rất có thể đó là bãi tha ma, nơi người ta giữ xác chết.
Người chết được mang đến bãi tha ma, người trông coi bãi tha ma mở cửa cho người ta mang xác chết vào đặt ở bên trong rồi ra về, người giữ bãi tha ma sẽ đóng cửa lại. Xác chết sẽ sình chương mục rữa. Tại Ấn Độ có rất nhiều những con kên kên và con quạ sẽ xuống xử lý xác chết đó bằng cách chúng xuống ăn, đó là hình thức điểu táng. Ngày nay cách điểu táng vẫn còn phổ thông tại Ấn Độ.
Hỏa táng. Ở nơi khác người ta có hình thức hoả táng. Hỏa táng có hai cách, một là hỏa táng kín đáo ở trong lò như tại Mỹ, Nhật, Âu Châu, hay tại Thái Lan bây giờ người ta hoả táng rất kín đáo nghĩa là người ta bỏ xác chết vào trong quan tài đưa vào lò thiêu đóng kín giữ nhiệt.
Theo cách hỏa táng của Ấn Độ, người ta để xác chết nằm trên dàn củi và đốt. Trường hợp người giàu thì họ đốt xác chết thành tro, nhưng người nghèo họ đốt không hết, vì những xương người phải dùng nhiều củi và đốt rất lâu, và cách đốt khơi khơi lộ thiên ngoài trời thì không cách gì tan hết bộ xương. Sau đó họ đem tro cốt đổ xuống sông.
Chúng ta trở lại với bài học hôm nay, một vị Tỳ Kheo khi tu tập pháp quán tử thi hay quán hài cốt, vị này hoặc tình cờ đi gặp tử thi hoặc có chủ tâm đến để quán tưởng.
Chúng tôi có đến ngôi chùa Wat Luang ở vùng Đông Bắc Thái Lan tỉnh Udon (Ubon Ratchathani), để tu quán xác chết, là chùa rừng Wat Pa gọi là chùa Thiền Lâm, chùa rất rộng lớn, một chùa có thể có mấy trăm mẫu đất rừng. Thông thường chùa có một miếng đất ở ngoài mé rừng, tại chỗ đó người ta đào một cái huyệt, trường hợp này chỉ có ở Thái Lan và Miến Điện, những người lớn tuổi họ có lời phát nguyện hiến xác chết của họ cho Chư Tăng tu tập sau khi họ chết, thường là đàn ông, ít có người nữ hiến xác, sau khi chết thay vì hỏa táng xác chết thì đem ra để trong cái huyệt đất và để xác chết nằm tại đó và không lắp đất lại, xác chết sẽ sình chương sẽ mục rã và Chư Tăng đến đó quán tưởng. Muốn đi quán tưởng thường phải xin vị Sư Cả hay vị Thiền Sư hướng dẫn chúng ta, ví dụ như phải đứng ở thế nào ở trên gió để mùi không đi vào trong người mình, và đôi lúc cũng có sự cẩn thận cân nhắc như không mang theo chất béo như dầu mè, ít khi có chuyện đó nhưng những thứ đó người ta gọi là mời gọi phi nhân thì không mang theo, quán tưởng như thế nào mà đến đó mình có tâm niệm để khỏi bị ám ảnh. Đây là việc tương đối cụ thể.Chúng tôi không đào sâu vào điểm đó ở tại đây. Chỉ một chi tiết là chánh niệm thì phải thấy thật sự, phải dùng hình ảnh thật sự, tức là tận mắt mục kích, tận mắt mình thấy chứ không phải do người khác kể lại.
Sau khi thấy hình ảnh xác chết mục rữa đó, vị hành giả quán thân mình với thân đó giống nhau, khi mình chết, nếu không hỏa táng mà đem chôn thì ở trong đáy mộ mình cũng mục rã giống hệt như vậy, và do sự mục rã như vậy thì thân này với thân đó là một, bàn tay, bàn chân, màu da mình trau chuốt thương yêu hàng ngày chăm xóc rồi nó cũng mục rữa như vậy, ở trên thân này cái thân mình chìu chuộng, cái thân mình bảo vệ, cái thân mình tự hào hãnh diện v.v... rồi nó cũng sẽ giống như vậy. Thì dùng hình ảnh đó để quán tưởng.
Trong kinh Pháp Cú phẩm 11, Phẩm Già, có nhiều bài kệ Đức Phật Ngài dạy chúng ta nhìn xác thân huyển hóa. HT Minh Châu dịch:
Như trái bầu mùa thu,
Bị vất bỏ quăng đi,
Nhóm xương trắng bồ câu,
Thấy chúng còn vui gì?
Thi sĩ Tâm Cao có dịch một vài câu thi hóa:
"Người nay như lá vàng khô,
phất phơ đứng tựa cửa mồ diệt vong,
tử thần chờ đợi bên trong,
tư lương sao chửa dọn lòng lo tu"
Trong bài kinh này, Đức Phật đặc biệt lập đi lập lại rất nhiều lần:
"thân này tánh chất là như vậy bản chất là như vậy không vượt khỏi tánh chất ấy".
- "Ayam pi kho kāyo evaɱ dhammo evaɱ bhāvī etaɱ anatīto,' ti"
- nghĩa là "Thân này tánh chất là như vậy, bản tánh là như vậy, không vượt khỏi tánh chất ấy."
Câu kinh này là một câu khi chúng ta gặp tử thi tình cờ hay cố ý chúng ta có thể quán tưởng.
Ở đây, bài kinh đặc biệt nói về tử thi có hai thứ, một là tử thi đổi màu như xác chết của chúng ta khi tâm thức không còn, chất ấm không còn bị sình chương, thứ hai là tử thi bị mục rã.
Tiếp theo là quán về hài cốt tức quán về xương.
Có những xương mới mục rã, thí dụ như một xác chết bị chim ăn còn lại bộ xương, thì bộ xương còn dính máu gọi là xương mới hiển lộ. Nhưng có những xác chết đã quá lâu, những bộ xương đã quá lâu bây giờ bị mục nát thành bột màu xương trắng. Những hình ảnh đó chúng ta thường phản ứng bằng sự ghê tởm kinh sợ, nếu người nào sợ ma sợ xác chết, nhưng với một người tu tập nhìn bằng chánh niệm, nhìn rất đơn giản, nhìn thấy xác chết đó bộ xương đó giống như thân này rồi cũng như vậy.
Như trái bầu mùa thu,
Bị vất bỏ quăng đi,
Nhóm xương trắng bồ câu,
Thấy chúng còn vui gì?
Đọc bài kệ trên, đặc biệt với hành giả tu tập về pháp quán tử thi là những điều rất lợi lạc nếu chúng ta sống nặng phiền não tham sân si, nặng về oan trái oán thù, nặng về sự đam mê sắc dục, nhục dục v.v.... những điều này lợi ích cho chúng ta rất lớn. Phải nói như vầy, một khi chúng ta sống lỡ vương vào chuyện hận thù phiền não, người này ghét người kia hận người nọ v.v... thì rất khó gỡ cho chúng ta, khó gỡ là tại vì chúng ta thường xuyên nhìn việc đó trên một cái nhìn đối đãi nhân ngã bỉ thử, nó mắng tôi, nó đánh tôi, nó cướp tôi, nó hại tôi v.v... đó là tôi, chuyện mình là nạn nhân họ là kẻ gây tội v.v... thường nó cứ theo trong người mình theo hoài không nhả ra, cuộc sống không nhẹ nhàng, tâm chúng ta không được thanh thản, thì chính pháp quán thân này rồi sẽ trở thành một xác chết, và khi mình thích nghi thì câu nói "dậu đổ bìm leo" còn nhẹ, cái thân của mình khi không còn ý thức bị vất bỏ thì dầu là ở dưới đáy mộ bị trùng đục khoét, dầu ở bãi tha ma cho chim ăn có khi những con vật khác ăn, một xác chết mà bị con vật ăn thì hoàn toàn bị vứt bỏ.
Chúng ta là ai và chúng ta được cái gì, tại sao chúng ta cứ luôn oan trái, tại sao chúng ta hận thù rồi cái thân đó bị mục bị bỏ. Giống như thỉnh thoảng có người đi xe bus dành nhau chỗ ngồi cãi lộn chửi lộn, có một lần chúng tôi thấy hai người đánh nhau vì chỗ ngồi trên xe bus nhưng chỗ ngồi đó chỉ có 5, 10 phút thôi, khi xe đến nơi mọi người xuống ra đi, khi mọi người ra đi thì chỗ ngồi đó không thuộc về ai hết. Đời sống chúng ta cũng vậy, khi chúng ta sống với thân này chúng ta không nghĩ đến cái chết không nghĩ đến vô thường, không nghĩ đến một ngày nào đó rồi cũng bỏ thân này, không phải chỉ có cái nhà của chúng ta là chỗ tạm, mà thân chúng ta cũng là chỗ tạm, trong cõi tạm đó chúng ta khổ sở, chúng ta vật vã, chúng ta nặng lòng, chúng ta trân trọng, nhưng mà rồi nó trở thành vô nghĩa.
Bài kinh này đặc biệt có bốn đoạn: 2 đọan nói về tử thi, và 2 đoạn nói về hài cốt. Dù là tử thi hay hài cốt đều cho chúng ta một cái nhìn rất lợi lạc.
Người Tây Phương có lễ hội halloween là mùa lễ vui chơi, nhất là tại Mỹ, họ bán rất nhiều thứ ở các siêu thị, các cửa hàng bách hóa những sản phẩm trang trí cho mùa lễ, có một thứ chúng tôi rất thích và thường mua để tặng cho những người quen đó là một trái cầu thủy tinh ở trong đó đựng 2 người nam và nữ đang ôm nhau, 2 người nam nữ đó là hai bộ xương hình dạng rất ma qủi nhưng họ để trong trái cầu, hình ảnh đó là một vật thể một hình ảnh người ta chơi trong mùa lễ hội halloween, lễ hội ma qủi của người Tây Phương. Nếu chúng ta nhìn vào trong đó cái nhìn rất đặc biệt, đời sống của chúng ta từ cái đẹp, cái xấu, cái hay, cái dở, cái phải, cái quấy, cái đúng, cái sai thì thật ra nếu chúng ta nhìn vào thực trạng thì nó là như vậy, bây giờ còn tâm thức còn giá trị nhưng một khi tâm thức không còn nữa Đức Phật Ngài dạy rằng nó sẽ bị vứt bỏ nằm ở trên mặt đất như khúc gỗ vô dụng. Thật ra khúc gỗ vô dụng người ta không sợ, người ta có thể đem đốt để dùng được nhưng thân mình nằm trên đất người ta ghê sợ người ta bỏ chạy không muốn lại gần. Thì lúc đó chúng ta là ai, chúng ta là ông này bà kia, là anh hùng, là giai nhân, là người đẹp, người xấu, cái thương, cái ghét, cái vui, cái buồn, cái giận dữ tất cả đều tan biến,
Một hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ những điều này giúp chúng ta tìm lại được sự bình tâm, rất cần cho sự tu tập. Điểm đặc biệt của pháp tu niệm không phải chúng ta dựa trên sự suy diễn. Suy diễn là mình ngồi đó đọc kinh hay nghe người khác nói lại mà do chính mình thấy. Ví dụ, khi mình đi tụng kinh đám ma, bên Mỹ thường thì quan tài không đóng lại nên có thể nhìn thấy xác chết, chúng tôi không nhớ là có bao nhiêu lần đứng trước xác chết và những xác chết đó có thể là của một người đã từng làm tướng hét ra lửa, của một người rất giàu có, hay của một người đã từng lời qua tiếng lại trong cộng đồng rất lâu, bây giờ nằm đó xác chết là xác chết, nó vô nghĩa, tất cả là vô nghĩa, đã nằm xuống rồi thì những thứ đó không còn nghĩa gì hết. Chúng ta hãy ngồi nhìn lại ở trong cuộc sống của mình bao nhiêu những thứ mình thấy rất quan trọng, bao nhiêu những thứ mình rất nặng lòng, lúc đó nghĩ rằng mình sống chết với nó nhưng mà rồi một khi mình ra đi thì nó hoàn toàn vô nghĩa. Đặc biệt điều đó không phải là vật ngoại thân mà chính cái thân này, chúng ta tắm rửa, chúng ta trao chuốt, chúng ta xức lotion mỗi ngày, chúng ta trang điểm quần là áo lụa, thân đó chúng ta tự hào ngoại hình đẹp v.v... Rồi một ngày nào đó:
- "Như trái bầu mùa thu, bị vất bỏ quăng đi, giống xương trắng bồ câu, thấy chúng còn vui gì".
Kinh Pháp Cú 149.
Không phải Đức Phật Ngài dạy chúng ta một hình ảnh bi quan, nhưng Ngài dạy chúng ta một phương thuốc để trị liệu bịnh phiền não. Phiền não, phải nói rằng có trăm muôn ngàn thứ, không dễ dàng mà chúng ta lên án nó hay ra lệnh cho nó biến mất, phiền não nó trở đi trở lại. Chính cái nhìn trung thực, nhìn thật rõ. Đức Phật Ngài không dạy chúng ta phải tưởng tượng và Ngài cũng không dạy chúng ta nhồi nặn quan niệm của chúng ta, Ngài chỉ dạy chúng ta hãy mở mắt nhìn một cách thật trung thực, thử xem như thế nào, có phải là những tử thi đó những hài cốt đó với thân của chúng ta cũng là một bản chất, và cái thân của chúng ta có vượt ngoài bản chất đó hay không, vượt ngoài tự tánh đó không, tự tánh đó là vô thường là biến hoại và nếu hành giả mới thấy như vậy chỉ mới là ghi nhận, chỉ có yếu tố là niệm, nhưng khi nói đến yếu tố định thì chúng ta cần yếu tố bền,và thường xuyên.
Khi một hành giả thấy được hài cốt thấy được tử thi, hành giả có thể nhìn chung quanh thân của mình và thân người khác, thậm chí có những xác thân rất đẹp. Thời Đức Phật còn tại thế giống như hôm nay khi một người chết họ bỏ vào bãi tha ma cho chim ăn, có một kỹ nữ rất đẹp và chết trong một cơn bạo bịnh, chết nhanh, thay vì đem đi hỏa táng thì Đức Phật Ngài dạy nhà vua nên để lại cho chư vị Tỳ Kheo quán tưởng, và lúc đó Đức Phật Ngài gọi chư Tỳ Kheo đến nhìn xác chết đó, hình ảnh mỹ miều của cô kỹ nữ lúc còn sống người ta có thể bỏ ra hàng ngàn đồng vàng để ở chung với nàng một đêm, nhưng bây giờ một đồng người ta cũng không muốn tại vì chỉ là một xác chết. Những bài học đó thật sự là những bài học lớn, những bài học không phải dể cho chúng ta đem vào trong lòng mà để chúng ta tu tập, tất nhiên bài học này giúp chúng ta rất nhiều.
Có thời gian chúng tôi vào chùa Watt Chanachat để tu tập, ở chùa cử một Sư người Do Thái làm công việc giữ kho cho Chư Tăng, vị Sư này rất khó chịu, vị nào xin gì Sư này hỏi:
- "Có cần không?"
Thì có nhiều vị tự ái không xin. Có một vị Sư người Tàu gốc Mã Lai đến xin một sợi giây cột bình bát thì vị Sư giữ kho nói rằng:
- "Sợi giây cột bình bát của Sư còn sài được sao lại đòi cái mới".
Thì vị Sư người Mã Lai đem tâm oan trái. Chúng tôi không biết sự việc ra sao nhưng tâm oan trái rất mạnh, vị đó về nghĩ rằng "đồ đạc trong kho là đồ của Tăng chúng đâu phải của riêng Sư người Do Thái, mình hỏi xin mà còn thắc mắc xét nét giây mình giây mới hay cũ, còn sài được hay không sài được".
Và nghĩ càng nhiều thì tâm càng bực bội mới nghĩ người Do Thái là dân tộc đáng ghét. Thì có một ngày vị Sư người Mã Lai đi khất thực chung với chúng tôi, chúng tôi nói vị này nói vị Sư Do Thái cùng đi khất thực chung thì vị Sư đó đem chuyện này nói với chúng tôi.
Chúng tôi nhớ lời của Ngài Ajahn Cha nói rằng:
"Thật ra đó cũng là cơ hội để chúng ta tu tập",
Không phải là chuyện đổi giây bình bát mà chuyện ở trong lòng chúng ta có cái vui cái buồn có oan trái chúng ta cũng nên suy nghĩ.
Ngày hôm sau vị Sư Mã Lai cũng đi khất thực với chúng tôi vị đó nói rằng không biết tại sao mà càng suy nghĩ thì càng phiền, càng suy nghĩ thì càng giận, càng suy nghĩ thì càng cảm thấy phiền não, và thậm trí vị này nói rằng nếu ngày nào vị Sư Do Thái đó còn coi kho đồ tứ vật dụng của Chư Tăng thì các vị này bỏ chùa đi nơi khác. Nghĩa là đôi lúc chuyện nhỏ mình suy nghĩ nhiều đâm ra quẩn trí đâm phiền não thêm.
Thì hai ngày sau có một ông thiện nam thường hay đi chùa cúng dường Chư Tăng vào ngày thứ Tư, bây giờ ông chết, ông rất thương qúi Chư Tăng trong chùa, ông làm di chúc thay vì xác đem hoả táng thì ông cúng xác của ông để Chư Tăng quán tưởng. Chúng tôi rủ vị Sư Mã Lai và 2 vị nữa đi ra ngoài bìa rừng nơi có cái huyệt có xác chết vị thiện nam để ở đó. Việc đầu tiên chúng tôi đi ra đó một là đi thăm xác chết hai là tụng kinh, vì người thiện nam đó cũng đi chùa mấy tháng chúng tôi gặp. Qua ngày hôm sau trở ra xác bắt đầu hôi vì nó sình lên trông ghê lắm, nó sình trương nó đổi màu. Con người mình bình thường, thí dụ như người phụ nữ quen trang điểm, bây giờ không trang điểm đôi khi nhìn thấy đã sợ rồi nhưng xác người mà để đó tự nó sình trương thì dễ sợ lắm. Tới ngày thứ ba, vị Sư Mã Lai mới nói với chúng tôi rằng mấy hôm nay đi coi xác chết thấy có lợi lắm, mới thấy rằng sự phiền não trong lòng mình, sự giận hờn trong lòng mình, cái oan trái trong lòng mình tự nhiên nó không có giá trị nó trở nên vô nghĩa.
Học Phật Pháp thì mình hiểu không phải Đức Phật Ngài muốn chúng ta nhìn những khía cạnh bất toàn, nhìn những khía cạnh khổ của đời sống để làm khổ chính mình, không phải như vậy, nhưng Ngài hiểu đó là những phương thuốc có công năng trị bịnh phiền não và có lợi ích cho chúng ta rất nhiều. Phải nói con người chúng ta khi rời bỏ nhà cao cửa rộng, rời bỏ chuyện tranh danh đoạt lợi vào trong thiền viện lúc bấy giờ sự chấp thủ về thân ,chấp thủ về tôi nặng lắm, nó vẫn còn theo mình, "Tôi là một vị Tỳ Kheo", "Tôi là người này", "Tôi là người kia" và chuyện quán thân, nhìn thấy thân của mình đối với xác chết kia bản chất giống nhau, không rời bỏ tánh chất đó, những điều đó có lợi cho đời sống nội tâm của chúng ta rất nhiều.
Nhưng nhớ như vầy, trên phương diện tu tập ấn tượng đó phải là ấn tượng thật, chúng ta phải tận mắt thấy ấn tượng đó, không phải do kể lại hay do tưởng tượng. Như nãy giờ chúng ta nói ở đây là tưởng tượng. Tu tập chánh niệm là phải thấy một xác chết thật, tức là phải có niệm, và sau niệm phải có định, định ở đây là sự nuôi dưỡng thường xuyên, nhìn xác chết rồi trở về nhìn lại là bản thân của mình, của những người chung quanh mình rồi tất cả sẽ trở thành xác chết như vậy, rồi thấy xác chết đó vô nghĩa như vậy nằm ở chỗ huyệt lạnh ở nơi đó bị côn trùng đục khoét, rồi cho trùng đến ăn, rồi con này con kia ăn. Mình thấy thân thể mình đã bảo vệ, mình đã trau chuốt, mình tự hào hãnh diện, bây giờ không còn gì thì điều đó là điều có lợi rất lớn.
Chúng tôi cũng xin nói một điểm là khóa tu quán tử thi tương đối cần sự hướng dẫn tốt của một người có kinh nghiệm, nếu một người không có kinh nghiệm thì có thể chúng ta bị phản ứng ngược. Chúng tôi nhớ một lần có một vị Sư được vào trong bệnh viện ở Bangkok để xem các sinh viên cắt tử thi để học, vị Sư đó về ói mửa cả ba ngày chúng tôi tạm gọi là ói tới mật xanh, tại vì vị này không được chuẩn bị, không được hướng dẫn trước. Pháp tu này đôi khi cần một chút kỷ năng, có người hướng dẫn, cần để chia sẻ về điểm này hơn là mình muốn thế nào mình làm như vậy ./.
No comments:
Post a Comment