Tuesday, August 27, 2019

Tám thắng xứ - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP TÁM CHI 8.8

Tám thắng xứ

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 17 tháng 6, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đề tài ngày hôm nay là một đề tài nói về chiều sâu của Thiền. Trong bảng dịch có vài điểm chúng ta cần lưu ý. 

Trước nhất: Chữ thắng xứ

- Xứ là đề mục niệm.

- Thắng xứ là đề mục niệm có tánh cách đặc thù.

Thật ra, trong nguyên văn gồm có hai chữ nhập lại với nhau đó là chữ abhibh-àvatana ( Abhibhāyatanāni ). 

Chữ abhibhayati  là chuyển hóa. Có nghĩa là đối tượng mình tập trung tâm định và có khả năng chuyển hóa là Abhibhāyatanāni.

 Ví dụ như mình đi học và học một môn học nào đó, như ở Mỹ có môn dạy chuyên về cách điều khiển cá heo. Thật ra khi  học môn này ra trường sự ứng dụng làm việc không bao nhiêu, mặc dầu có một số người rất thích cá heo, họ có thể tham gia trường của Hải Quân hay ở một vài khu giải trí như  SeaWorld, ngoài ra họ không thể xử dụng trong lãnh vực khác được.

 Khi chúng ta học về ngôn ngữ, học về vật lý, hóa học, học về điện toán, có những ngành phổ thông mình học ra trường mình có thể ứng dụng nhiều nơi. 

 Hoặc giả, Phật Giáo Tây Tạng, chương trình tiến sĩ Phật học gọi tắt là Geshe  học 18 năm, ở trong 18 năm có những môn học mất rất nhiều thì giờ, như học ngành vẽ Mạn-dà-la  3 năm, hay học xử dụng pháp khí pháp cụ, những ngành đó cũng đặc biệt nhưng chỉ dùng trong một lãnh vực nào đó thôi, không xử dụng rộng như chúng ta học những môn khác. Lấy ví dụ như ở trong chùa có những vị bỏ ra rất nhiều thì giờ để học về đắp tượng hay làm thuốc, làm thuốc nhiều quá thì mở phòng thuốc từ thiện, hay làm tượng thì suốt cuộc đời chỉ làm tượng thôi, đó không phải môn học thù thắng, không phải môn học có thể đưa chúng ta đi xa, không làm một chuyển hóa lớn, hay chuyển hóa có thay đổi.

Riêng tám thắng xứ này hay 8 đề mục có khả năng chuyển hóa trong đề mục thiền định. Đây là bài học đặc biệt. Chữ thắng xứ đọc dịch từ chữ abhibh là một đề mục có khả năng chuyển hóa hay khả năng đi xa hơn. 

Khi nói đến những điều này, ở trong bài kinh Trung Bộ Kinh bài kinh  Mahàsakuludàyin Đức Phật Ngài dạy đây là những điều nằm ở trong tầm giác ngộ của Chư Phật, giống như  37 pháp trợ bồ đề. Nhiều vị Tăng bên Nam Tông giảng  Thiền Quán là do Đức Phật giác ngộ, còn Thiền Chỉ thì ngoại đạo cũng giác ngộ được, và ngoại đạo giác ngộ về Thiền Chỉ họ không hiểu về 8 thắng xứ và 8 giải thoát. 

Như hồi nãy chúng tôi nói mình học môn nào đó, thí dụ trị bệnh thì có nhiều thuốc đôi khi có những thuốc uống thấy công hiệu liền nhưng về lâu về dài nó không có những biến chứng thì đó là một chuyện khác nữa, chúng ta nói về đường dài đó là câu chuyện hoàn toàn khác, cái nhất thời rất khó phân biệt như câu chuyện đường dài thế nào thì con đường dài vẫn lợi lạc, nó vẫn thăng tiến vẫn đi tới được cái đó chúng ta gọi là những đối tượng có khả năng chuyển hóa. Chữ āyatanān chữ xứ ở đây chúng tôi tạm gọi là đối tượng thiền định,  đối tượng của định tâm có khả năng chuyển hóa được. Tám thắng xứ này đặc biệt là những điều được Đức Phật Ngài giảng dạy trong sự giác ngộ của vị Chánh Đẳng Chánh Giác.

 Điều thứ hai chúng tôi cũng muốn nói trong bản dịch tiếng Việt có câu:

Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu.

Câu dịch này cũng ổn.

Nhưng câu thứ ba và câu thứ tư:

- Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm.....

 Thì câu đó rất là sai.

 Cả bốn pháp quán tưởng đầu đều liên quan đến sắc, và nó không có cái gì gọi là vô sắc ở đó hết.

Câu đầu là:  vị đó quán tưởng nội sắc và câu thứ hai là không quán tưởng nội sắc nhưng mà thấy được ngoại sắc.

Điểm đó rất là quan trọng.

 Không phải là vị đó quán tưởng vô sắc ở nội tâm, cái mà mình không quán tưởng sắc ở nội tại khác với quán tưởng vô sắc ở nội tại

 Chúng tôi cũng mong rằng qúi Phật tử để ý điều đó.

 Điều thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, tuy bốn điều đề cập đến bốn màu sắc khác nhau, chúng ta gọi là những màu nguyên thủy, màu xanh, vàng, đỏ.

Đây là điểm rất thú vị, bởi vì loài người mãi trong thời gian sau này người ta mới tìm thấy trên thế gian này có nhiều màu nhiều sắc, đặc biệt trong lãnh vực điện toán, như máy vi tính của chúng ta bây giờ có 64 triệu màu, màn ảnh máy vi tính thời trước chỉ có 16 triệu màu. Ngay cả điện thoại cầm tay  bây giờ có 64 triệu màu cho chúng ta những hình ảnh sắc nét màu sắc trung thực, rất đẹp.

 Khi chúng ta nói có 64 triệu màu, thì thật sự không phải trên thế gian này có 64 triệu màu khác nhau,  mà ở đó là một sự pha trộn màu này với màu kia. Và ba màu nguyên thủy con người mới khám phá về sau này là màu xanh, màu vàng, màu đỏ. Đức Phật trong cái nhìn của vị Chánh Đẳng Chánh Giác từ ngàn xưa Ngài đã dạy có 4 màu nguyên thủy, tức là ngoài 3 màu kia thì Ngài tính có thêm màu trắng. 

Ở đây có tất cả 8 thắng xứ,  hay là 8 đối tượng định tâm có công năng chuyển hóa.
Thì 4 cái đầu gồm: 

- Hai đối tượng đầu là quán tưởng nội sắc thấy ngoại sắc.

- Hai đối tượng kế, thứ ba và thứ tư là không quán tưởng nội sắc mà thấy được nội sắc. 

Thì mỗi một cặp như vậy, đối tượng một và hai khác nhau ở chỗ là thấy có hạn lượng và thấy không hạn lượng.

Và thứ ba thứ tư cũng như vậy, thấy có hạn lượng và không có hạn lượng.

 Ở đây là một ở trong những cánh cửa rất hiếm hoi cho chúng ta biết về những hiện tượng gọi là jhàna nghĩa là sự thẩm thấu hay khi nội tâm an định miên mật, tập chú mạnh mẽ thì có những thứ tạo nên hiện tượng về tâm sinh lý.

Chúng tôi tạm lấy một ví dụ, trong thiên nhiên có rất nhiều loại dược thảo, nhưng không phải dược thảo nào mình ăn, uống vào cũng tạo cảm giác đê mê, mà có một số dược thảo mình ăn vào thì nó tạo cho cảm giác lạ. 

Trong những đề mục vật chất, đề mục về sắc pháp, không phải đề mục nào mình tập trú vào cũng giống nhau, lấy ví dụ như chúng ta ngắm một đóa hoa hay nhìn một ngọn núi, hoặc ngắm sơn thủy hữu tình có tác dụng với tâm nhưng ở mức độ nào đó thôi.

Tuy nhiên, có điểm rất đặc biệt liên hệ đến đề mục định ở trong Thiền Chỉ (samadha). Ở đây, trong sớ giải của Trung Bộ Kinh, bài kinh số 77 có đề cập đến những hiện tượng liên quan đến nội sắc và ngoại sắc, chúng ta tạm gọi là nội sắc. 

Trong sớ giải nói: vị đó dùng màu của đôi mắt để thấy được màu xanh, màu xanh của đôi mắt. (Chúng ta biết người Ấn Độ, người Aryan, một số người phương Tây đôi mắt họ màu xanh). Hay màu vàng của da đôi khi chúng ta gọi là màu ngà. Hoặc màu đỏ của máu. Những thứ đó được xem là nội sắc, đó là theo trong sớ giải. 

Một vị tập trung vào đề mục định, mà gọi là đúng đề mục, chúng ta tạm dùng chữ là đúng tầng số, nó sẽ tạo nên hai hiện tượng: một hiện tượng đầu tiên là nimitta là quang tướng, hiện tượng thứ hai gọi là kiến giải. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, một đề mục định khi mình tập trung và tập trung đúng nó sẽ tạo thành một ấn tượng rất sâu sắc. Chúng ta tạm hiểu như vầy, nhiều lúc một vật thể hay một cảnh gì đó để cho chúng ta một ấn tượng sâu sắc và sau đó chúng ta nhìn cái này thì chúng ta lại liên tưởng đến cái kia.

Trong các cuộc nghiên cứu của tâm lý học Tây Phương người ta đặc biệt nói nhiều về phương diện này. Thí dụ có một người đội một chiếc nón màu xanh và họ làm cái gì đó cho mình có cảm tình có thiện cảm thì về sau này mình gặp người khác đội chiếc mũ màu xanh như vậy mình có cảm tình ngay lập tức, nhưng có người nào đó đội mũ màu đỏ mà họ làm cho mình khó chịu thì về sau này thấy ai đội mũ màu đỏ mình cũng khó chịu. Điều đó chúng ta tạm gọi là ảnh hưởng của nimitta  gọi là ảnh hưởng của hiện tượng hay của tướng, và ảnh hưởng này thì thật ra nó là một ở trong những hiện tượng tâm lý đôi khi chúng ta rất khó biết. 

Trong kinh ghi trường hợp, có một vị Tỳ Kheo đang niệm về đề mục xương, vị đó tập trung tâm định quán tưởng về xương, quán tưởng về hài cốt của mình, lúc bấy giờ có một người phụ nữ đi ngang vị này nhìn thấy người phụ nữ đó, một lát sau người chồng chạy đi tìm người phụ nữ đó đã hỏi vị Tỳ Kheo có nhìn thấy người phụ nữ đi ngang qua đây không, vị Tỳ Kheo đó trả lời một cách thành thật: "tôi có thấy một bộ xương đi ngang". Câu chuyện đó như một câu chuyện truyền đời ở trong Thiền Tông, và chúng ta tìm thấy trong Thanh Tịnh Đạo và ở trong sớ giải. Vị Tỳ Kheo này không phải nói quá đáng, nhưng bởi vì một khi mình đã thể nhập một trạng thái gì thì mình sẽ nhìn thấy trạng thái đó biến mãn ở trong nhiều hình thái khác nhau, một vị niệm đề mục xương thì vị đó thấy tất cả mọi người là xương, chỉ là những bộ xương di động thôi, đơn giản như vậy. 

Thì ở đây, một vị tu Thiền Chỉ nếu sự tập trung có trình độ cao miên mật, có nghĩa là tập trú một cách hết sức là tập trung thì vị đó có thể biến mãn từ đề mục này bao trùm cả thế giới. 

Chúng tôi lấy ví dụ cho dễ hiểu là một câu thơ của Nguyên Sa nghe rất phàm tục nhưng trên phương diện tâm lý thì nó lại rất rõ để chúng ta hiểu: 

Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc.

Áo nàng xanh, tôi mến lá sân trường.

Thì "Áo nàng vàng, tôi về yêu hoa cúc" đó chỉ là lời thơ thường tình, đại khái một người đã tập trung vào một điểm nào đó mà tâm thể nhập rồi thì nó sẽ đạt đến tình trạng biến mãn, nó phủ sóng phủ qua những thứ khác, đó là một hiện tượng của tâm lý và hiện tượng của định lực.

 Bây giờ có trường hợp, vị này nhìn vào nội tại quán thấy sắc nội tại. Hồi nãy chúng tôi nói màu xanh của mắt, màu vàng của da, màu đỏ của máu. Màu xanh, vàng, đỏ, những màu đó khi biến mãn từ phần nội tại qua ngoại giới thì đó là một điểm rất tự nhiên bởi vì bản chất của nội tâm dù trong Kinh Tạng hay trong A Tỳ Đàm đều nói đến hai cảnh giới đối lập nhau gọi là nội phần và  ngoại phần, như chúng ta nói "lấy bụng ta suy bụng người". Cái nội phần và cái ngoại phần, cái trong và cái ngoài luôn luôn tương tác với nhau, liên hệ với nhau bằng cách này và cách khác. Thì vị đó nhìn nội sắc nhưng có thể thấy được ngoại sắc, đó là điểm thứ nhất.  Và ở trong đó ngoài cái thấy của nimitta của quang tướng hiện tượng, nó còn có tánh cách là hữu hạn hay vô hạn, thành ra nó chia hai điều. 

Hữu hạn là như vậy:

- Chúng ta thấy mùa thu chỉ là những chiếc lá vàng, nhìn mùa thu nằm ở chiếc lá vàng, thì đó là hữu hạn. Mùa thu nằm ở trong chiếc lá vàng

Còn vô hạn:

- Nhưng thấy lá vàng thấy cả một mùa thu thì đó là vô hạn.

Điều này hơi khó hiểu một chút: 

- Nhìn cái tổng thể để hiểu cái cá thể, chúng ta gọi là hữu hạn. 

- Nhìn cái cá thể để nghĩ đến cái tổng thể đó là vô hạn. 

Nó hơi khó hiểu một chút, nhưng đôi khi một thế giới lớn nào đó được chúng ta nhận thức nằm vỏn vẹn ở trong chiếc lá vàng như một người có thể nhìn thấy mùa thu ở những chiếc lá vàng, nhưng cũng có những người nhìn ngược lại là thấy chiếc lá vàng là thấy mùa thu về.

 Về việc này chúng ta chỉ cần hiểu về phương diện tâm lý một chút thì chúng ta sẽ thấy ở đây tại sao điều một và điều hai giống nhau, trong danh từ chuyên môn ở đây là thấy các ngoại sắc có hạn lượng đẹp và xấu (đúng ra chữ đẹp xấu ở đây chúng ta nói là thô hay tế), nhưng mà rồi, đây là một điểm rất quan trọng là khi thấy những sắc có hạn lượng hay không hạn lượng đẹp xấu, thì cái đó thuộc về quang tướng thuộc về nimitta, nhưng trong sớ giải nói rằng khi vị đó rời khỏi tâm định thì vị này có khả năng nhận thức rằng sau khi nhiếp thắng chúng ta biết ta thấy tức là một vị thành tựu được tâm định đó, nhưng nếu thành tựu tâm định đó mà vị đó không có được sự hồi quán, không nhìn lại được, không có thấy được đó là hiện tượng, thì gọi là tẩu hỏa nhập ma hay là đi lạc đường. Đi lạc đường là vị đó không thấy. Khi mình vào trạng thái đó thì mình thấy nó như vậy nhưng mình rời khỏi trạng thái đó thì mình có thể nhìn lại một cách toàn bộ.

Chúng tôi lấy ví dụ: Một người nghe một bản nhạc ở trong lúc rất cao hứng cảm thấy tâm tư mình hoà theo bản nhạc đó. Nhưng sau khi bản nhạc hết rồi, rời khỏi bản nhạc đó rồi, vị đó nhìn lại toàn bộ cảm giác của mình thì mới đánh giá bản nhạc đó hay, tâm của mình đã hoà với bản nhạc đó thế nào, vị đó nhìn lại như vậy, vị đó mới nắm rõ hoàn toàn được giá trị của bản nhạc, lời nhạc, điệu nhạc và cái cảm thụ về âm nhạc của mình, như vậy là vị đó không phải chỉ cảm nhận bản nhạc lúc mà vị đó đang nghe nhạc mà sau khi vị đó đã rời cái nơi nghe nhạc đã không còn nghe nhạc nữa và nhìn lại cảm giác của mình, nhìn lại bản nhạc nhìn lại hồi thức thì cái đó chúng ta gọi là khả năng hồi quán thấy và biết, trong Phật Pháp gọi đó là tuệ, thuộc về tri kiến.

Không có tri kiến như vậy là chúng ta có vấn đề, tức là đi vào trong thế giới đó mình chỉ có mê mệt, mình chỉ có đắm đuối, chỉ có miên man trong đó, chúng ta hoàn toàn không có khả năng hồi quán thì cái đó không gọi là mình hưởng thụ nữa mà là mình bị ma nhập, mình bị ghiền, cái này nó là một điểm rất tế nhị.

Nhiều người hình dung Thiền Chỉ là một thế giới hoàn toàn mình không biết. Hồi chúng tôi còn nhỏ có một vị Hoà Thượng nổi tiếng ở bên Nam Tông, vị đó luôn luôn chủ trương khi một người nhập thiền họ có thể không biết được, và HT đó cũng cổ võ là người hành thiền có thể ngồi thiền ba bốn ngày hoàn toàn không biết, ngồi càng lâu càng tốt, gọi là nhập định. Nhưng thật ra trong thế giới của Thiền Chỉ thì mặc dầu ngay lúc nhập định vị đó không có cái biết như chánh niệm của Thiền Quán, nhưng khi xuất định rời khỏi đề mục đó thì vị hành giả có khả năng hồi quán tức là nhìn lại toàn bộ chứ không phải là ở trong đó người hành giống như một người ghiền cần sa ma túy hay một người chỉ biết đem tâm tư mình chú ý vào trong đó, mê mệt ở trong đó, rồi hoàn toàn không biết trời trăng gì nữa, đó không phải là samadha của Đức Phật Ngài dạy, vị hành giả phải có khả năng hồi quán, đó là cái thứ nhất và thứ hai này giống nhau. Cái thứ nhất và thứ hai chỉ khác nhau ở hữu hạn và vô lượng, lấy cái hữu hạn để biết cái vô lượng hay lấy vô lượng biết hữu hạn, cái đó là chúng ta nói lấy một cái cá thể để biết tổng thể, lấy tổng thể để biết cá thể, cái nhìn như vậy khác biệt hai điều. 

Trong điều thứ ba và thứ tư khác với hai điều trên ở chỗ là vị này không có dùng nội sắc.

 (ở trong bài học câu này dịch là vị này quán tưởng vô sắc nội tâm, chúng tôi hồi nãy có nói rằng câu đó nên dịch là không quán sắc ở nội tâm mà chỉ thấy sắc ở ngoại sắc thôi, nếu chúng ta dịch là quán vô sắc ở nội tâm cái đó rất là dễ làm cho chúng ta hiểu lầm, ở đây chúng ta học phải cố gắng chú ý. khi có nhiều bản dịch thì chúng ta không thể nào chỉ dịch bằng ngôn ngữ được mà chúng ta phải dịch dựa lên trên ý nghĩa của sớ giải đó, chuyện đọc sớ giải rất là quan trọng ở đây). 

Thì vị này "không có quán sắc ở nội tâm, nhưng vị này khi nhìn ngoại sắc"  thì cũng có nimittaquang tướng, và cũng có cái sự hồi quán và có khả năng để nhiếp quán tức là không để tâm mình đi quá xa.

Bốn cái còn lại là thứ năm, thứ sáu, thứ bảy, thứ tám, thì ở đây chúng ta phải nói một ở trong những giác quan có ảnh hưởng lớn đến tâm thức đó là cái nhìn của con mắt, và con mắt chúng ta nhìn thấy do ánh sáng, và bản chất của ánh sáng về quang học luôn luôn là màu sắc, cái gì chúng ta phân biệt được luôn luôn có màu sắc, bốn màu sắc tiên khởi, màu nguyên thủy là xanh, vàng, đỏ, trắng.

 Những màu khác ví dụ như màu hoa cà hay màu hồng phấn hay màu xanh lá mạ những màu khác chúng ta gọi là secondary là loại màu ở cấp hai. Màu sắc  biến hóa vô cùng, màu này pha với màu kia biến hóa vô cùng, nhưng những màu biến hóa càng xa thì khả năng để biến mãn càng hạn chế, chính màu gốc màu nguyên thủy mới là màu có khả năng biến mãn, có khả năng chuyển hóa được. Những màu để tu tập thiền phải là màu nguyên thủy

Ngày hôm nay con người dần dà phát hiện màu sắc ảnh hưởng thế giới của chúng ta nhiều, trong ghi chú của các nhà tâm lý học Tây Phương có những màu làm cho chúng ta hăng hái, có những màu làm cho chúng ta mát dịu, có những màu làm chúng ta lười, có những màu làm lãng mạn, từ nghiên cứu này dẫn đến một phương pháp trị liệu, gọi là sắc thể liệu pháp tức là những cách trị liệu bằng màu. Ví dụ, có những người tâm thần họ bị kích động trong điều kiện nào đó thì người ta cho vào trong căn phòng mang một loại màu đối trị và do màu đó khiến cho người bị kích động tâm thần này dịu xuống. Nhưng cũng có những trường hợp một người đang rất bình thường nhưng khi thấy màu nào đó họ bị kích động, do vậy bây giờ người ta nghiên cứu rất nhiều về màu sắc. 

Ngoài ra màu sắc còn ảnh hưởng đến vị giác của con người, người ta còn dùng màu sắc làm cho thực phẩm trở nên hấp dẫn, nhưng không phải màu nào cũng dùng cho thực phẩm được. 

Màu sắc có thể liên quan đến tâm định. Người Tây Tạng sống ở miền núi, họ nghiên cứu về sự tu tập tâm định, thì người Tây Tạng tạo ra những tượng Tara có nhiều màu sắc khác nhau và màu sắc này thật sự tương ứng với tâm thái của hành giả nào đó, không phải tất cả hành giả đều có thể tập trú vào đề mục Tara màu đỏ, hay Tara màu xanh, hay Tara màu vàng, người ta phát hiện người hành giả khi mới tập trung thì không thấy gì nhưng tu tập dài lâu thì màu sắc phải thích hợp với vị hành giả đó để có thể tiếp tục tâm định, đó là một trong những phát hiện lớn đến sự tu tập thiền định của người Tây Tạng.

Riêng đối với một hành giả tu tập Thiền Chỉ chúng ta được biết màu sắc phải thích hợp mới tạo ra tâm định. Như ở trong cuộc đời này có nhiều nghề, nhiều môn học, nhưng có những nghề và môn học chúng ta đi vào trong thế giới đó thích hợp sẽ khiến chúng ta đi xa, đi sâu, nhưng nếu không thích hợp thì không làm chúng ta đi xa, đi sâu được.

Trong sách xưa, Cổ Học Tinh Hoa kể một câu chuyện, có một đứa nhỏ tên A Lưu được cha mẹ gửi đến ở đợ nhà một viên ngoại. Mọi người trong nhà ai cũng cười vì nghĩ rằng một đứa bé ngờ nghệch chậm chạp, và đầu óc không bình thường. 

Lúc biểu nó đi tưới cây thì nó nhổ cây lên để coi rễ dài bao nhiêu, người ta hỏi sao tưới cây mà lại nhổ cây lên cây chết thì sao, thì nó nói "phải biết rễ  ăn sâu dưới đất bao nhiêu mình mới tưới nhiều hay ít nước được, chứ nếu  không biết rễ ăn sâu xuống bao nhiêu thì sao tưới được".

Biểu nó đi lau đồ gỗ thì nó cạo sơn cho tróc ra, ở nhà nổi giận hỏi tại sao làm chuyện ngu ngốc như vậy, đồ gỗ cạo ra nó bị hư, thì nó nói " muốn biết màu gỗ thật sự là gì, vì màu bên ngoài chỉ là lớp bụi, không phải là màu đồ gỗ nguyên thủy". 

Nhà cần cái nạng cắm để phơi đồ, kêu nó đi chặt cây nào có hai cái chảng để cắm xuống đất như hai cái chân cho vững, rồi có cái cây ở giữa gác ngang qua. Nó đi cả ngày mà không mang được cây nào, hỏi tại sao, thì nó nói: "Cành cây có chạc đều chỉa trở lên cả, không có cành nào mọc chúc xuống đất ". 

Mọi người trong nhà ai cũng nói thằng nhỏ đầu nó bị hư rồi, nếu nó có học tới đâu làm tới đâu thì cũng không ra gì, nhưng riêng ông viên ngoại kêu A Lưu lại gần và nói: "Ta vẽ tranh thấy con đứng chăm chú nhìn vậy chứ con có thích vẽ không?

 A Lưu gật đầu nói thích vẽ, ông đưa giấy đưa sơn đưa cọ, A Lưu lấy giấy sơn cọ và chỉ trong chốc thoáng thì nó vẽ tấm tranh rất xuất sắc. Bấy giờ ông mới nói: :Thằng nhỏ này nó làm những việc rất kỳ khôi nhưng điều đó nó chỉ tỏ ra nó có sự kén chọn, ví dụ như nó nghĩ về cái chiêu kích, nó nghĩ về màu sắc và nó có những đòi hỏi thì đó là thiên tư của một bậc danh họa, quả thật về sau này A Lưu là một bậc danh họa.

Thì ở đây, chúng tôi muốn nói một điều là trong thế giới của nội tại, và đặc biệt là thế giới của nội tâm thật ra rất khó biết, rất khó hiểu về cách sống của mỗi người, về tư duy của mỗi người. 

Cuổn sách "Nẻo về của ý" của HT Nhất Hạnh  là một tập hồi ức rất thú vị, trong đó kể lại một quảng đời ở chung với anh em người giỏi việc này người giỏi việc kia, HT Nhất Hạnh không giỏi việc chỉ phụ giúp tay chân chút thôi, HT sống gần như có thế giới riêng của mình. HT Nhất Hạnh là một người rất có tài, là một ở trong những người hiếm hoi, nhưng một người có tài có thể ở một giai đoạn nào đó không được xã hội đón nhận như một người bình thường, bởi người ta không thương mình nhiều. Người ta nói những người có tài thì rất cô đơn. Khổng Tử ít có người nào mà biết được Khổng Tử khi chết cũng là một người rất cô đơn, sau này  khoảng 200 năm sau khi Khổng Tử mất bắt đầu người ta mới thấy giá trị của một vị đáng tôn kinh. Khổng Tử cả đời đi làm chính trị nhưng bị thất bại cho đến khi gần 60 tuổi mới mở lớp dạy học trò lúc bấy giờ mới để lưu lại cho hậu thế những lời dạy vàng ngọc. Một họa sĩ có tài như Magoo, hay nhà soạn nhạc lỗi lạc  Mozart, cả hai chết đi trong sự nghèo khó, mãi đời sau này người ta mới thấy được giá trị của hai nhà thiên tài đó. 

Điều chúng tôi muốn nói, trong thế giới chúng ta sống ở tại đây không phải cái gì  cũng có một giá trị hiển lộ rõ ràng trước mắt chúng ta, mà vấn đề đó là đường dài. Chúng tôi có nghe vài trường hợp có người bị quảng cáo mê hoặc uống loại thuốc nào đó tự nhiên đường xuống trị bịnh tiểu đường, uống thuốc nào đó vạn năng được chuyện này tốt chuyện kia tốt mặc dầu không có cái gì để gọi là bảo đảm về lâu về dài, nhưng cách suy nghĩ của chúng ta ngắn hạn  đoản kỳ uống vô thấy có hiệu quả thì uống liền, trong lúc đó có những pháp trị bịnh đòi hỏi sự kiên nhẫn lâu dài, thí dụ như bị bịnh mình đi bác sĩ Tây họ chích liền một liều thuốc rất mạnh, nhưng bác sĩ Mỹ thì họ quan niệm không để cho cơ thể nóng sốt quá, khi nóng sốt cao thì uống thuốc hạ sốt Tylenol còn ngoài ra thì để cơ thể khởi lên kháng thể để có thể vuợt qua chứng bịnh, nó mất thời gian thôi nhưng về lâu về dài lại tốt cho sức khỏe hơn. 

Thì thế giới về tâm sinh lý của con người rất phức tạp, chẳng những phức tạp như vậy mà về sự tu tập tâm định lại càng tế nhị hơn. Tế nhị ở đây điều  chúng tôi muốn nói cái gì thích hợp, cái gì có thể đi được đường dài, cái gì  có khả năng chuyển hóa, cái gì có khả năng biến mãn, những điều đó không đơn giản, phải đắn đo phải hiểu.

 Đức Phật Ngài dạy tám thắng xứ này không nặng về lý thuyết, tất cả đều nói về nimitta nói về quang tướng, nói về kiến giải, và nói về các đề mục Thiền, chúng ta gọi là thuần về chuyên môn. Ở đây không có màu sắc của tôn giáo nhưng những điều này rất quan trọng. Những khám phá về sự tương tác giữa nội tại và ngoại tại, giữa hiện tượng và bản chất, giữa những màu sắc nguyên thủy ảnh hưởng tâm lý thế nào, cho chúng ta những cái khung rất thú vị khi chúng ta hiểu về hiện tượng tâm lý. Mặc dù trên phương diện tâm định chúng ta có giới hạn, không có thành tựu mau chóng, nhưng những bài học này rất lợi lạc để chúng ta biết ./. 

Saturday, August 17, 2019

Ái - Phẩm Chỗ Cư Trú Của Hữu Tình - TT Giác Đẳng

Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Chương IX - 
III. Phẩm Chỗ Cư Trú Của Hữu Tình

(III) (23) Ái


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5 tháng 3, năm 2018

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học bài kinh nói về sự bắt nguồn từ ái. Sự bắt nguồn này được Đức Thế Tôn Ngài trình bày theo giáo lý duyên khởi mang tánh cách liên hoàn, do có cái này nên có cái kia, do cái này sanh cái kia sanh, do cái này hiện hữu cái kia hiện hữu.

Sự khác biệt giữa bài kinh này và những bài kinh khác khi nói đến sự bắt nguồn về ái chúng ta thấy có một số hình thái mang tính xã hội, và nội dung của đoạn kinh ngắn này nếu muốn nhìn xa hơn thì trong một bài kinh dài của Trường Bộ Kinh, số 15 kinh Đại Duyên, cũng là bài kinh rất thú vị, Đức Phật Ngài dạy về giáo lý Duyên Khởi. Nhưng đa số những bài kinh nói về ái, những tác động giây truyền của ái thường đề cập đến những tác động có tánh cách  cá nhân nội tại, trong phạm vi tâm lý hay nhân quả của một cá nhân.

 Ở đây, chúng ta tìm thấy một ảnh hưởng của xã hội. Người ta thường nói những ai cùng chung lo một việc thì thương nhau mà cùng thích một việc thì ghét nhau. Ví dụ như cùng thương một người hay cùng theo đuổi mục tiêu gì đó, muốn địa vị gì đó hay muốn vật gì đó thì nó tạo ra những khủng hoảng. Một câu nói của người Tây Phương: "Khi hai con chó đang chơi thân với nhau thì hãy cầu trời đừng có một miếng xương rơi xuống", tại vì khi có miếng xương rơi xuống hai con chó đang thân nhau có thể tranh dành nhau dẫn đến chỗ cắn xé, về điểm này ở chùa có hai con chó chuyện như thế thấy rất thường. Sự ham muốn của bất cứ điều gì ở trong cuộc sống thường dẫn đến va chạm, sự va chạm đó thường người ta nói lên nhiều lý lẽ bên này đúng bên kia sai, bên này tà bên kia chánh, thế này thế kia v.v... nhưng hầu hết những sự tranh chấp của nhân loại đều bắt nguồn từ sự ham muốn, chúng ta gọi là tanha.

Đức Phật Ngài trình bày chi tiết có giải thích qua nhiều giai đoạn:

 1 - Từ gốc của ham muốn, mình quá muốn, quá thích, quá chuộng thứ gì đó, dù đó là địa vị, quyền lợi, đó là thực phẩm v.v... sẽ dẫn đến sự thủ đắc. 

2 - Thủ đắc là do mình muốn thì mình sẽ có được cái đó, mình có được cái đó bằng cách mình đi làm, mình có được cái đó bằng cách dành dựt bon chen làm sao cho có được. 

3 - Rồi từ chỗ thủ đắc con người đưa ra những phán quyết  cái này đẹp cái kia xấu, cái này hay cái kia dở. Phán quyết đó mang tánh cách cá nhân, tương tự như ở trong nhà mình có những món đồ, có những cái ly lớn ly nhỏ, ly bằng thủy tinh, ly bằng ceramic, trong sự phán quyết của chúng ta thì cái này qúi hơn cái kia, cái nọ đáng được ưa chuộng hơn cái kia, sự phán quyết đó tất cả do dị biệt mà ra, nhưng trong sự phán quyết đó dẫn đến dục tham.

4 - Dục tham ở đây là chanda là ý muốn nhỏ, và tham ở đây là ý muốn rất mạnh, ý muốn-cetana là một ham muốn ở góc độ nặng hơn. 

5 - Từ dục tham dẫn đến chấp thủ đây là tôi, đây là của tôi, mình tự nhận cái đó là mình, cái đó sang có nghĩa là mình sang, ví dụ đi xe tốt mình nghĩ là mình tốt, mặc bộ quần áo tốt thì mình nghĩ là mình tốt. Cái "tôi" và cái "của tôi" gọi là ngã, và ngã sở từ chỗ đó định hình một cách rõ nét. 

6 - Khi có sự chấp thủ về ngã và ngã sở thì một pháp tự nhiên đó là san lận hay bủn xỉn. 

7 - San lận tức là mình không muốn chia cái mình có cho người khác, mình muốn độc chiếm, muốn cái đó hoàn toàn thuộc về mình, thí dụ, có cái gì tốt  một người có tánh xan lẫn thì không muốn sài chung không muốn chia với ai hết, muốn dành trọn cái đó, chúng ta gọi là macchāriya. 

8 - Từ  xan tham dẫn chúng ta tới chỗ thủ hộ, tìm cách giữ, nào là kín cổng cao tường, dùng khóa, dùng rào cất giữ.  

9 - Từ chỗ thủ hộ chúng ta lại xử dụng đến những biện pháp liên quan đến binh khí như gậy gộc, như dùng chó, hay vũ khí, như súng đạn v.v.... và nó trở thành những hiện tượng xã hội đó là con người làm sao phải coi chừng nhau, phải xử dụng nhũng biện pháp mạnh với nhau. 

Thì ở đây, trong chín tác động này đều bắt nguồn từ sự ham muốn. Đôi lúc chúng ta cầu nguyện cho thế giới được hoà bình, chúng ta nghĩ sự tranh chấp và chiến tranh do một cái gì đó nằm ngoài ý muốn của loài người, như câu nói khi con người sống có đụng chạm, có tranh chấp lời qua tiếng lại chúng ta nói đó là sự việc ngoài ý muốn. 
Đó là cách nói ở ngoài thế gian của chúng ta. Nhưng nói chính xác trong Phật học không có chuyện ngoài ý muốn mà do bắt đầu từ tham muốn. 

Lấy ví dụ, sự tranh chấp ở biển đông, nước VN khi người Pháp cai trị Đông Dương họ đã khoanh vùng khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của VN, lúc bấy giờ các nước như Brunei, Trung cộng, Philippines, Indonesia, Mã Lai vì nhiều lý do đã không cãi với người Pháp thời đó, thứ nhất là không ai thấy có cái gì mà phải độc chiếm giữ những đảo san hô ở ngoài biển đông, miễn là tàu bè có thể đi lại thì được người Pháp bảo đảm, và cũng không có ai nghĩ ở những đảo san hô đó có dầu hỏa có khí đốt thiên nhiên, và thời đó dầu người ta biết đi nữa thì người ta cũng không khai thác, do vậy đã nhiều thập niên trôi qua không có tranh chấp. Đến khi người ta bắt đầu khám phá tại thềm lục địa của VN và đặc biệt ở đảo Trường Sa và Hoàng Sa có lượng dầu hỏa rất lớn mà ngày nay với nhiều sự nghiên cứu thì người ta cho rằng lượng dầu hỏa đó nhiều hơn Ả Rập. Bây giờ thì Trung cộng là một nước đang đói khát về tài nguyên thiên nhiên lại là một nước nhiều tham vọng đã tạo ra nhiều sóng gió ở trên biển đông, và cả thế giới bây giờ đang ghìm nhau để làm sao khai triển vùng biển đông được đi lại mà không nằm ở trong sự đòi hỏi của Trung cộng do đường lưỡi bò chín điểm mà chúng ta biết. 

Nói về biển đông thì gần, một vùng đất băng giá lạnh lẽo hồi xưa không ai muốn nghĩ đến đó là Bắc CựcNam Cực, bây giờ thì Bắc Cực đã dần dà trở thành điểm nóng mặc dù ở đó rất lạnh lẽo. Điểm nóng bởi vì qua nhiều cuộc khai thác từ sự khai thác dầu hỏa Alaska và những cuộc thăm dò đối với kỹ thuật hiện đại người ta thấy dưới những tảng băng giá có dự trữ một số lượng rất lớn,  hiện nay Bắc Cực đang là một điểm có thể bùng nổ chiến tranh. Nga mặc dầu có một dự trữ lượng dầu rất lớn nhưng vẫn gửi quân đội đến Bắc Cực đặt những căn cứ quân sự, dĩ nhiên người Mỹ và một số các quốc gia khác cũng đưa những phương tiện vũ khí như tàu ngầm v.v... đến để chiếm hữu Bắc Cực.

Câu chuyện về những vùng đất có tài nguyên thiên nhiên là một nguyên nhân sâu xa cho chiến tranh, không phải mới đây, chúng ta đọc trong nhiều bài kinh, thí dụ kinh Khởi Thế Nhân Bổn, Đức Phật Ngài đã cho chúng ta thấy một tiến trình để tạo nên những hiện tượng xã hội từ chỗ những tài nguyên thực phẩm dư thừa từ thiên nhiên đã cho loài người đến chỗ người ta muốn chiếm hữu dành phần trọn về mình, đất đai được phân ranh và quyền tư hữu được áp đặt tạo nên sự tranh chấp mạnh được yếu thua xảy ra. 

Ở VN cũng vậy, có thời đất đai nhà cửa hầu như người ta ra đi bỏ lại mà có thủ đắc có sở hữu những thứ đó thì giá trị nó không có nhiều, lúc đó nhiều gia đình bỏ lại, hoặc cho người nào đó hầu như cho không để vược biên, đến khi thời thế thay đổi luật pháp thay đổi một số người ra đi có thể trở về để tìm lại quyền sở hữu miếng đất đó, có bao nhiêu là tranh chấp, sự tranh chấp đôi khi dẫn đến việc huynh đệ tương tàn, cảnh trong gia đình anh chị em vì tài sản không nhìn mặt nhau, có bao nhiêu thứ chúng ta thấy ở trên cõi đời này.

Ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết cội nguồn của vấn đề phát xuất từ sự ham muốn. Sự ham muốn này là cái gì xâu xa, mình thấy thích thì mình muốn làm sao tìm cho có, và tìm thì phải được, và khi có được chúng ta lại đưa nhận định phán xét của chúng ta là cái này thế này thế kia, từ nhận định phán quyết đó tạo thành dục tham, dục tham tạo nên ngã chấp sự chấp về ngã về ngã sở, từ ngã chấp ngã sở dẫn đến chỗ thủ đắc là cái đó phải thuộc về của mình, từ chỗ thủ đắc dẫn đến xan tham.

 Chùa chiền cũng vậy, Phật giáo hưng thịnh không phải ở cơ sở to lớn đẹp đẽ mà ở Pháp họcPháp hành được chư vị xuất gia có lương tâm đặt trọng trách nhiều. Thật sự mà nói khi thời nào tiền bạc đổ vào những ngôi chùa to lớn đẹp đẽ nó tạo thành chỗ tranh chấp, cái đẹp đẽ không biết mang lại bao nhiêu lợi ích cho qúi Phật tử nhưng thường thường dẫn đến thủ đắc tài sản, sự thủ đắc đó  khiến làm hỏng sự tu tập của các vị tu sĩ, và nó cũng đi theo tiến trình về danh về lợi. Thật ra nếu chúng ta nghĩ đến trường tồn của Phật giáo thì những gì là nguyên nhân của lòng tham giảm thiểu thì sự tranh chấp sẽ bớt đi, nhưng nếu chúng ta gửi vào trong đó bao nhiêu những giá trị để ham muốn để truy cầu, càng lúc càng dễ tạo nên những sự tranh chấp. Đây là một thời đại quyền tư hữu của con người được bảo vệ rất nhiều và sự giàu có về vật chất làm cho con người hãnh diện, một người có căn nhà đẹp cho dù  họ không có tài sản nhiều họ vẫn cảm thấy hãnh diện hơn là sống đời sống thanh đạm.

Hình ảnh một bậc thế ngoại cao nhân của một người sống ngoài vòng danh lợi không tham chấp đúng là hình ảnh rất mờ nhạt ở trong giá trị của con người ngày hôm nay. Từ lãnh vực tu hành tôn giáo cho đến lãnh vực giải trí điện ảnh, âm nhạc cho đến chính trị v.v... người ta luôn luôn làm một mức thang giá trị đo về cái gì đó mà người ta có, người ta càng giàu có về tài sản thì được xem như sự thành công, xem như là cá nhân tốt. Với tất cả quan niệm như vậy của xã hội dẫn đến một sự tranh chấp hầu như không có lối thoát trong xã hội của con người. Ở đâu cũng vậy, lãnh vực nào cũng vậy.

Nếu chúng ta đọc kỹ từng giòng chữ mặc dầu đây là những giòng chữ rất ngắn, từng mệnh đề một chúng ta thấy được Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta thấy ái không phải chỉ đơn thuần là nguyên nhân của sanh khổ của cá nhân, mà ái cũng là cội rễ tạo ra bao nhiêu khủng hoảng tranh chấp ở trong xã hội, từ lãnh vực gia đình cho đến lãnh vực chùa chiền, ở trong lãnh vực tổ chức, ở trong lãnh vực xã hội kinh tế chính trị. 

-  Từ cái nguồn đó nó tạo ra cho chúng ta va chạm, va chạm đó là vũ khí, gậy gộc hay của miệng lưỡi. Thì vũ khí như vậy, bởi vì có:

 -  sự thủ hộ sự phòng hộ những tài sản mình đang có. 

-  sự phòng hộ đến từ sự san lận hay bỏn xẻn không muốn chia phần

-  và sự san tham đến từ sự thủ đắc,

-  sự thủ đắc đến từ quan niệm về ngã, ngã sở,

-  quan niệm ngã ngã sở đến từ dục tham, 

-  dục tham đến từ nhận định phán quyết về cái này tốt cái kia xấu, cái này đáng hi cầu cái kia không đáng hi cầu, 

- và cái phán quyết đó đến từ sự thủ đắc, 

- thủ đắc đến từ sự ham muốn, 

Nói một cách đơn giản; ở trong môi trường nào, trong điều kiện nào càng có nhiều điều để ham muốn thì càng dễ có va chạm, đơn giản như vậy, mình sống ở đây mình ít có ham muốn thì tâm thanh thản. Chúng tôi lấy ví dụ như mình có một đạo tràng tu học và trong đạo tràng tu học đó đôi khi vì sự khuyến khích Phật tử tu học Chư Tăng không khéo có những lời ca ngợi một  cá nhân nào đó quá, hay là đưa ra sự đề cao cá nhân quá, điều đó tạo nên sự ghen ghét của những người khác. Chúng sanh sống trong sự háo danh háo lợi, ngay cả trong môi trường chùa chiền khi những chức vụ chức quyền càng ngày càng nặng thì tinh thần càng xuống. Hồi xưa những vị tu sĩ ở chùa không có nhiều chức vị như bây giờ, thường thường người ta kêu là Sư hay là Thầy, lớn thì gọi Sư Cụ, Sư Ông, bây giờ chúng ta có nhiều chức vụ đôi khi cũng tạo ra những sự phức tạp từ phía các vị xuất gia và chung cho cả cộng đồng Tăng chúng. 

Như vậy, khi nào thấy có những va chạm những khủng hoảng hệ lụy của con người với con người chúng ta nên nhớ lời dạy của Đức Phật đó chính do cội rễ của ham muốn. Bây giờ vẫn còn có những trường thiền những trung tâm tu học  trong đó chỗ ở đơn giản, thức ăn thanh đạm, sinh hoạt hàng ngày tương đối nhẹ nhàng, trong môi trường như vậy đời sống tinh thần rất thoải mái bởi vì ít có đụng chạm, một người phát tâm tu ở am thất tương đối vắng vẻ, bớt nói chuyện lại, bớt ăn bớt ngủ lại, thì bản thân của người hành giả ít có phiền não, nhưng nếu một ngôi chùa rất đẹp, rất cao sang, hành giả vào trong chùa kén chọn chỗ này tốt chỗ kia xấu thì ở đó có vấn đề.

 Như vậy, ở trong mỗi lãnh vực cuộc sống một điểm tất cả chúng ta nhìn nhận  con người vốn sống bằng lòng tham, nếu ở nơi đó, đạo tràng đó, ở bối cảnh đó, chúng ta quá chú trọng đến những gì khiến lòng ham muốn sanh khởi không sớm thì muộn cũng có khủng hoảng có những va chạm, chỗ nào mình thấy bớt đi những điều đó cuộc sống lại nhẹ nhàng hơn. 

Bài học ngày hôm nay mặc dầu đề cập đến những phiền toái của xã hội bắt nguồn từ ái tạo ra những khủng hoảng, thì trong nhiều đoạn khác Đức Phật Ngài cũng dạy chính ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu duyên cho sanh, duyên lão tử. Để hiểu được điều này là bài học khó tiêu hóa cho chúng ta bởi vì mọi người trong chúng ta đều thấy sự ham muốn chính là vị ngọt, chính là cái gì khiến cho cuộc sống có ý nghĩa, chính là cái gì đó làm chúng ta thấy phấn khởi để theo đuổi. Nhưng nếu dựa trên cái nhìn từ lời Phật dạy chúng ta phải cẩn thận, ở đó là mầm mống cội rễ của tranh chấp, của hận thù, của tranh dành, của đố kỵ. 

Lớn hơn nữa không phải chỉ phạm vi gia đình xã hội mà cả thế giới này con người đang càng ngày càng có những ngân sách quốc phòng lớn, một bảng báo cáo mới đây Trung cộng năm vừa rồi đã tăng ngân sách quốc phòng hơn 8%, đó là những con số người ta biết, còn hơn thế nữa. Đọc những báo cáo về các tài khoản binh viện của cả thế giới hầu như nước nào cũng tăng, không may cho chúng ta là trong đó có cả VN. 

Ngân sách quốc phòng tăng giống như điều thứ 9 Đức Phật Ngài đề cập đến tại đây, dĩ nhiên khi mình phải bảo vệ phải thủ hộ cái gì mình có, hay hoặc giả để dành giựt với người khác mình phải có những vũ khí những phương tiện. Trong trường hợp này chúng ta thấy ở trong một thế giới nhân loại đang điêu đứng vì bệnh tật, về thực phẩm, về môi sinh ô nhiễm, thì họ lại sài một khoản tiền rất lớn cho bom đạn, cho vũ khí, bởi vì sự tranh chấp. Tại sao có sự tranh chấp? Bởi vì có những vấn đề phát sanh từ sự ham muốn, từ ái. 

Chúng ta trở về với phạm vi tương đối gần với mình, một quan hệ của gia đình trong quan hệ của những người sống trong một ngôi chùa, ở trong một tổ chức, nếu chúng ta có thể tạo ra được nhiều sự tương quan sự sinh hoạt và giảm bớt đi sự ham muốn và đặt nặng đời sống tinh thần nhiều thì ít có tranh chấp.

 Ông bà chúng ta ngày xưa đã có một cách sống càng lớn tuổi càng nhẹ nhàng, ngày hôm nay thì chúng ta sống càng lớn tuổi thì càng chất chứa, nhiều tranh dành, nhiều va chạm. Đức Phật Ngài cũng xác nhận do tham dục nên có sự tranh chấp giữa anh với em, chồng với vợ, cha với con, bạn bè với nhau. Thế giới này có sự đụng chạm khủng hoảng từ đó mà ra. 

Nhờ cái nhìn này, nhờ nhận thức này dần dà chúng ta thay đổi một số quan niệm, mình sẽ chọn cách sống nào nhẹ nhàng, cách sống nào nghiêng về đời sống nội tâm, nghiêng về những giá trị tinh thần, nghiêng về những giá trị, về đạo giáo hơn là quá nặng về vật chất, điều này là cái khéo của một người. 

Một thời nào đó trong xã hội người ta ca ngợi những giá trị về tinh thần, con người đẹp không phải vì y phục đắc tiền, con người đẹp không phải vì đi bác sĩ thẩm mỹ, mà thời đó người ta ca ngợi con người đẹp bởi vì có những đức tính cao qúi, có những cuộc sống đáng để ngưỡng mộ.

 Bây giờ xã hội họ có cái giá trị khác, và không trách chi chúng ta sống ở trong xã hội có nhiều khủng hoảng, có nhiều sự va chạm, có nhiều sự tranh chấp.

 Trở lại đời sống bình thường hàng ngày của mình nếu chúng ta có một quan hệ nào về lâu về dài tốt đẹp giữa cá nhân này với cá nhân khác dù là anh em, dù là chồng vợ, dù là bạn bè v.v... chúng ta đặt quan hệ đó trên một giá trị có tánh chất về tinh thần, không có sự tranh dành thì nó lâu dài bền bĩ.

 Nhưng nếu ở đó có danh, có lợi, có những thứ đáng ham muốn, có những thứ khả ái khả hỉ thì dễ dàng có tranh chấp, và đó là sự việc đương nhiên nó là sự việc tất nhiên trong cuộc sống của thế gian này, ở đâu có ái thì ở đó có hệ lụy, hệ lụy ở đây là bao gồm sự ngã chấp, bao gồm sự chấp thủ, bao gồm sự san tham, bao gồm sự khủng hoảng chiến tranh va chạm trăm muôn ngàn thứ, thì chúng ta suy niệm điều đó dựa trên bắt nguồn từ ái mà ra ./.