Monday, February 23, 2015

Niết-bàn

Bài học: Niết bàn

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhama ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta đọc câu Phật ngôn Đức Phật dạy có hai Niết-bàn giới tức hai cảnh giới Niết-bàn: Một là Vô Dư, hai là Hữu Dư, đây là danh từ rất chuyên môn. 

Chúng ta nói đơn giản hơn:

- Hữu Dư Niết-bàn đề cập đến trạng thái một vị đã viên thành quả giải thoát đã đoạn tận phiền não gọi là phiền não Niết-bàn. Vị này không còn phiền não tham sân si. Ở đây cũng nói rõ vô minh và ái hoàn toàn không còn nữa nhưng vị này vẫn còn thân ngũ uẩn đó là hình ảnh của Đức Phật và các đệ tử của Ngài sau khi đã viên thành quả vị giải thoát. Chúng ta gọi là hữu dư Niết-bàn.

- Vô Dư Niết-bàn còn gọi là ngũ uẩn Niết-bàn, đó là mầm tương lai không có, nhưng quả quá khứ cũng đọan. Thí dụ như Đức Thế Tôn Ngài viên tịch tại Kusinārā hay Ngài Xá Lợi Phất viên tịch tại Nàlandà. Điều đó chúng ta gọi là vô dư Niết-bàn hay ngũ uẩn Niết-bàn.

Cả hai trạng thái Hữu Dư và Vô Dư đều không dễ dàng để hiểu đối với tất cả chúng ta ngay cả những nhà tư tưởng Phật học lớn. Và điều thú vị là những vị tổ của Phật giáo Đại Thừa như Ngài Long Thọ, Ngài Thế Thân, Ngài Vô Trước, đặc biệt là Ngài Long Thọ và Ngài Vô Trước đều có những linh họa về Niết-bàn rất gần với Phật giáo Nguyên Thủy. Nhưng về sau các vị thừa tiếp Phật giáo Đại Thừa đặc biệt ở Trung Hoa và Việt Nam nhìn sự việc khác đi, điều này  chẳng những ảnh hưởng lớn cái nhìn của Phật tử đối với cứu cánh giải thoát mà còn có một tác động vô cùng quan trọng trong sự phân hóa cái nhìn khác biệt của các bộ phái khi nhìn về cứu cánh của đời sống tu tập.  

Như tất cả chúng ta đều biết để hiểu Niết-bàn chúng ta phải hiểu Sanh Tử. Sanh Tử ở đây là sự hiện hữu của chúng ta, sự hiện hữu Đức Phật dạy chúng ta có trong giờ phút này đó là sắc thân, cảm thọ, sự trải nghiệm, sự tạo tác và nhận thức của các giác quan. Trong danh từ Phật học gọi ngũ uẩn, sắc uẩn là thành phần vật chất đó là thân của chúng ta. Thân này do tứ đại hợp thành bằng xương bằng thịt phải ăn phải uống và phải chịu bệnh tật. Ngay cả một tấm thân già nua đau bệnh nhưng chúng ta vẫn thương vẫn qúi. Có những người rất già rất bịnh vẫn chăm chút hằng giờ trước gương để làm đẹp. Có những người rất già rất bệnh nhưng bỏ thân này ra đi thì không đành không cam lòng. Cho chúng ta thấy rằng đây là thân của chúng ta nó khổ, nó là ổ bệnh tật nhưng chúng ta bỏ nó không dễ tại vì nó là của mình. 

Tương tựa như một người mua một dàn máy stereo cách đây 20 năm và thời đó dàn máy họ mua rất tốt, tốn hàng ngàn Mỹ kim để mua bây giờ dàn máy đó đã cổ lỗ xĩ đã lỗi thời không đáng giá bao nhiêu, nó kềng kàng nhưng đem quăng đi một món mình đã bỏ ra bao nhiên ngàn Mỹ kim để mua cách đây mười mấy năm thì không đành lòng.

 Chúng ta cũng vậy nếu sắc thân này cho dù giả hợp bệnh hoạn già nua chúng ta cũng không đành bỏ , cảm thọ hay trạng thái vui buồn không vui không buồn, cảm thọ đó là những cái gì dày xéo cuộc sống chúng ta rất nhiều. Cụ Nguyễn Công Trứ viết rằng "Kiếp sau xin chớ làm người Làm cây thông đứng giữa trời mà reo " Nhiều người trong cuộc sống trước những vui buồn thăng trầm cảm thấy cuộc đời nản quá chỉ mong làm sao đời sau làm cây thông reo ở giữa núi rừng bạc ngàn. Bởi vì người ta nghĩ như vậy là hạnh phúc hơn nhiều.

   Có bao nhiêu người trong chúng ta lãnh đủ thứ những chuyện vinh nhục thăng trầm, đủ thứ sự bất an nhìn một cặp thiên nga hay một con vịt lội trên bờ hồ hay con sáo tắm trên thác nước nghĩ rằng ước gì mình là chim, ước gì mình là con thiên nga bơi lội thanh thản nhởn nhơ vậy mà hạnh phúc.
   
     Chúng ta thường cảm thấy:
      - Cảm thọ làm cho mình khổ, cảm thọ nhiều khi nó thường là một vết thương không băng bó đụng đến là đau nhức. Nhưng chúng ta vẫn yêu thọ uẩn, chúng ta vẫn dính mắc vào thọ uẩn.
 
   - Tưởng uẩn, là sự trải nghiệm, sự hấp thụ, sự giáo dục chúng ta có được trong cuộc đời. Nói một cách cải lương hơn đó là dĩ vãng là quá khứ. Và khi nói về dĩ vãng quá khứ thì theo năm tháng chồng chất rất nhiều. Có nhiều người muốn sống với quá khứ và thường nhai đi nhai lại quá khứ một thời oanh liệt một kỷ niệm êm đềm. Nhưng cũng có nhiều người muốn quên đi quá khứ. Thậm chí người ta uống rượu để tiêu sầu bởi vì người ta không muốn nhớ không muốn nhắc.
   
   - Hành uẩn, là một cơ phận năng động tạo tác chủ trương thiện ác. Có nhiều thứ liên quan đến hành uẩn nhưng chính là một bộ phận của cuộc sống và cho chúng ta những quyết định nên làm thế này không nên làm thế kia. Không thể dễ dàng để chúng ta làm một quyết định và những quyết định đó tạo rất nhiều hệ lụy, nhất là tạo nghiệp. Nếu chúng ta đóng vai trò của một vị lãnh đạo thì chúng ta hiểu rằng để làm một sự lựa chọn không dễ, không dễ chút nào hết. 
   
   - Thức uẩn, là cái biết của các giác quan thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Nếu chúng ta sanh ra có phước thì những gì mình có như cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp tương đối tốt. Nếu  chúng ta kém phước, trong đời quá khứ đã tạo những ác nghiệp thì đúng rằng những sắc, thinh, khí, vị, súc không có khả ái. 
   
      Cho dù năm uẩn mình nói thế nào, mình nhìn thế nào thì nếu năm uẩn của ta chúng ta cũng cảm thấy mình dính mắc với nó mặc dầu nó cho chúng ta rất nhiều hệ lụy. Đức Phật dạy sự hiện hữu của chúng sanh tức là sự hiện hữu của năm uẩn và nếu một người học Phật hiểu được nguyên lý duyên khởi thì năm uẩn là quả và quả tạo ra bởi nghiệp và nghiệp tạo ra bởi phiền não, phiền não nghiệp quả là vòng luân chuyển để tạo sự hiện hữu của chúng ta. 
 
      Nói cách khác, cái gọi chúng sanh, cái gọi anh, chị, tôi, cái gọi ông này bà kia trên phương diện thuần túy Phật học đó là sự hiện hữu của năm uẩn. Và năm uẩn là sản phẩm của phiền não, năm uẩn là quả của nghiệp, và nghiệp được tác động bởi phiền não, vô minh và ái chính là đầu mối. Sản phẩm của vô minh và ái, của sự mê mờ và dính mắc, mê mờ và khao khát thì nó không thể là sản phẩm tuyệt hảo, một sản phẩm hoàn hảo như chúng ta nghĩ. 
 
Trong vòng luẩn quẩn của duyên khởi hành trình dẫn đến giác ngộ giải thoát Đức Phật đưa ra không phải nói rằng mình có thân mình khổ bây giờ leo lên lầu nhảy xuống tự tử thì hết khổ. Đức Phật không dạy như vậy. Tại cái khổ không đơn thuần là mình khổ về mắt thì mình khoét mắt, khổ về tai mình phải thọc tai cho điếc thì mình hết khổ, không phải như vậy. Vấn đề không phải giải quyết ở tại đó. Chúng tôi thấy có trường hợp cha mẹ đôi khi không có thì giờ cho con cái, con cái hư hỏng sang hàng xóm ăn cắp ăn trộm hoặc giả phá làng phá xóm, cha mẹ kêu về đánh, đánh đứa con thậm chí những trận đòn chí tử, hoặc giả là đòi giết đứa con, điều đó chỉ là một giải pháp có tánh cách bề ngoài, nhưng thật sự sâu xa một điều là cha mẹ không thể giết con được, và cha mẹ không thể làm cho con tốt hơn vì những trận đòn chí tử mà cha mẹ phải có sự giáo dục khác, sự giáo dục đó đòi hỏi có chiều dài, đòi hỏi giải quyết vấn đề tận gốc. Đứa con ham chơi lêu lổng vì nó không thích học, nó không siêng học, mình phải làm sao để cho con thích thú với việc học hành thì đó là một chuyện mà chỉ có những bậc cha mẹ có trình độ mới làm được. Thì ở đây chúng ta nói như vầy, năm uẩn tuy là khổ nhưng bảo rằng mình hủy hoại năm uẩn bằng cách đoạn mạng đi thì không có nghĩa giải quyết được vấn đề tại vì mầm mống vô minh và của khát ái vẫn còn đó. Nên Đức Phật đã dạy chúng ta con đường tu tập để đoạn trừ phiền não bằng định, bằng niệm và nhiều thiện pháp khác.

Bây giờ chúng ta nói sang một chuyện rất tế nhị. Rồi đến một ngày ở cuối hành trình hành giả nhờ vào sự tu tập đoạn tận được phiền não. Ở đây chúng ta chỉ nói đoạn tận được phiền não chứ chúng ta chưa nói đoạn tận được quả cũ, chúng ta gọi đó là hình ảnh của các bậc thánh các bậc đã đoạn tận phiền não như Thinh Văn Giác, Độc Giác và Toàn Giác.

Và câu hỏi chúng ta đặt ra: Đối với một vị sống ở trong cuộc đời này đoạn tận phiền não thì vị đó ra sao?
 Thật ra mình không mường tượng được. Ông bà chúng ta nói "lấy bụng ta suy ra bụng người", suy bụng ta ra bụng người. Cái suy bụng ta ra bụng người là mình dựa trên kinh nghiệm của mình, mình sống thì mình dựa trên nấc thang giá trị của xã hội trên danh lợi, dựa trên những đam mê những tha thiết bây giờ không có những thứ đó thì nó ra sao? "Phật dữ Phật tri, Thánh dữ Thánh tri" chuyện đó của bậc Thánh  chúng ta khó có thể hiểu, thật khó hiểu.

   Nó khó hiểu bởi vì ba lẽ: 
   
    -Thứ nhất, tất cả những gì chúng ta suy nghĩ đều dựa trên hữu vi pháp, dựa trên kinh nghiệm của quá khứ. Một bậc Thánh đã chứng đã tỏ ngộ Niết-bàn, vị đó nhìn sự việc một khác đi. Nó khó cho chúng ta hiểu về bậc Thánh là tại vì các vị hành động bằng tâm kiriya citta là tâm duy tác, tâm này là một trạng thái  thí dụ như Đức Phật thuyết pháp hay tôn giả Xá Lợi Phất, Ngài hoằng pháp Ngài dạy dỗ các vị sadi, tất cả những việc đó đều không mang dấu ấn của nghiệp của vô minh của ái dục và không tạo nghiệp. Các Ngài hoằng pháp độ sinh thuần vì tâm bi mẫn nhưng không tạo phước không tạo ra quả tại vì đối với các Ngài thì việc tạo tác nhân quả nghiệp báo để sanh tử thì không còn nữa. 
    - Thứ hai. Nói cách khác, chỉ đơn thuần trên phương diện vị Alahán hành xử bằng tâm duy tác đã là chuyện khó hiểu cho chúng ta, thật sự khó hiểu, đừng nói chi chúng ta bàn nhiều. Lấy ví dụ trong cuộc đời chúng ta khi nói về chuyện gì đó mình phải nói cho lâm li bi đát cho nhiều kịch tính. 
    Ví dụ, trong Phật giáo Bắc Truyền có hình ảnh của Ngài Mục Kiền Liên đi vào trong địa ngục thấy mẹ là bà Thanh Đề đang chịu tội khổ, người ta diễn tả Ngài đã khóc, khóc thật nhiều, cầm bát cơm dâng lên cho mẹ mà rưng rưng nước mắt. 
    Thật ra hình ảnh của một người con thấy mẹ bị khổ trong địa ngục xót xa rung động sầu não, hình ảnh đó thật sự là hình ảnh rất con người rất gần gủi và rất cảm động đối với chúng ta.
     Nhưng bây giờ giả xử như hình ảnh của một vị Alahán trong trường hợp thấy mẹ bị tội khổ như vậy nhưng trong bản tâm của một vị Alahán không mảy may có sự xúc động thì chúng ta thấy có cái gì đó lạ không giống chúng ta. 
 
      Trong kinh Pháp Cú có đề cập đến hình ảnh của một vị Sadi và vị Sadi đắc đạo chứng quả Alahán đoạn tận phiền não, vị sadi này có người mẹ, người mẹ cũng là tỳ kheo ni xuất gia và đặc biệt người mẹ rất thương người con của mình nhưng vì hoàn cảnh nên mẹ cũng đi tu và con cũng đi tu, và con chứng quả Alahán. Vị tỳ kheo ni này vẫn thường đứng đầu đường để mong được thấy người con của mình là vị Sadi nhỏ đi khất thực. Có một lần vị Sadi Alahán nghĩ rằng mình phải tế độ mẹ mình, thành ra vị này đã gặp bà mẹ là một vị tỳ kheo ni và nghiêm nghị nói với vị tỳ kheo ni là sự dính mắc đối với con sự dính mắc bằng ái dục không xứng đáng đối với một người mặc áo càsa xuất gia như vậy.
 
       Có lẽ khi chúng ta nghe câu chuyện một bà mẹ nhìn thấy đứa con đi xuất gia con còn nhỏ đi khất thực mình không nuôi được thương quá đứng lề đường trông dõi mắt để nhìn từng bước chân đứa con mình, hình ảnh đó rất cảm động. Nhưng rồi đứa con lại có thái độ rất nghiêm nghị đối với mẹ thì hình ảnh đó không cảm động chút nào hết.
  
Bây giờ chúng ta lại nghe câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên gặp mẹ là bà Thanh Đề trong địa ngục, ngồi trên bàn chông Ngài đã khóc Ngài đã sầu não. Tại vì câu chuyện mang nhiều kịch tính điều đó cho chúng ta thấy rằng ở trong thế giới loài người chúng ta cảm nhận và cảm nhận hết không đủ, khó lắm. 
Thứ ba: Đừng nói chi phàm với Thánh, đừng nói chi Niết Bàn với Sanh Tử. Chúng ta chỉ nói đơn giản một chuyện người VN mới qua Mỹ. Ở đây chúng tôi thỉnh thoảng gặp một vài vị nhiều cái ở bên Mỹ mà ở VN hiểu không ra. Thí dụ như người bên Mỹ rất bận rộn gặp người nào ở VN qua thì dành thì giờ rất ân cần giúp đỡ việc này việc kia xong thì thôi, nhưng các vị ở VN thì nghĩ người giúp đỡ mình phải là tử tế lắm và cứ thường xuyên liên lạc gọi điện thoại nói tới nói lui làm cho những người này trốn hết, tại vì sao vậy? Tại vì cách suy nghĩ của người ở Mỹ và người ở VN rất là khác. Hay hoặc giả chúng tôi sống bên Mỹ lâu, giả sử Phật tử đến chùa mang cơm đến chư tăng trong lúc họ bận rộn và chúng tôi đến bàn ăn ngồi xuống và thấy thiếu ly nước, chỗ lấy nước kế bên ở đằng sau lưng thôi mình đứng dậy đi lấy ly nước thì mấy vị bên VN ngạc nhiên, các vị nói rằng có Phật tử sao không gọi họ lấy. Bây giờ mình sống ở Mỹ quen rồi mình thấy Phật tử đang bận lăng xăng việc này việc kia họ chưa mang nước ra thì mình đứng dậy đi lấy ly rót nước lạnh là chuyện bình thường. Ý chúng tôi muốn nói trong văn hóa đã là khó cảm thông khó có thể hiểu nhau thì đừng nói chi là giữa bậc Thánh và người phàm, giữa Niết-bàn và Sanh Tử. 
Một vị đoạn tận vô minh và ái, đoạn tận phiền não thì đời sống vị đó không dễ để chúng ta hình dung. Nhưng trong kinh nói rằng người đoạn tận vô minh và ái vị đó vẫn còn thân ngũ uẩn và tại vì còn ngũ uẩn do đó các hệ lụy của quá khứ còn lại. Thí dụ như là Ngài Rahula khi Ngài chứng Alahán  Ngài vẫn còn có dáng đẹp do phước trong quá khứ Ngài còn để lại. Hay là Ngài Cakkhupala đắc đạo quả Alahán nhưng Ngài vẫn chịu nghiệp trong quá khứ làm cho Ngài mù mắt v.v... Thì điều đó Đức Phật gọi là hữu dư Niết-bàn.
 
Chúng ta nói Vô Dư Niết-bàn. Nếu sự hiện hữu của 5 uẩn làm sản phẩm của vô minh, của ái, của phiền não, của nghiệp, chấm dứt vô minh và ái thì không còn sanh tử. Đa số Phật tử đều thấy sanh tử trầm luân là điều Đức Phật Ngài dạy chúng ta phải giải thoát nhưng khi không còn sanh tử trầm luân nữa thì chúng ta sẽ ra sao? Đây là điều có nhiều người luận bàn, cái gì sẽ xảy ra sau khi một vị A la Hán viên tịch Niết-bàn. Vị đó còn tồn tại hay không tồn tại, vị ấy còn hiện hữu hay không hiện hữu. Thậm chí trong lời tựa của cuốn sách "Đọc kinh Pháp Cú Nam Tông " của HT Trí Quang, HT cũng nói là HT không tin một vị Alahán sau khi viên tịch Niết-bàn chấm dứt 5 uẩn, nói chấm dứt 5 uẩn tức là đoạn kiến. HT nói rằng Đức Phật đã từng làm cha làm mẹ làm thầy làm bạn để độ chúng sanh thì sau khi viên tịch Ngài cũng sẽ trở lại làm cha làm mẹ làm thầy làm bạn để độ chúng sanh.

 Chúng tôi hoàn toàn hiểu tại sao một số các vị suy tư và nghĩ như vậy. Nhưng chúng ta thử lấy 3 thí dụ.
  
1.Thí dụ thứ nhất, mình đang bị nhức răng bây giờ có người đề nghị một phương pháp để trị bịnh nhức răng  như lấy gân máu ở chân răng chẳng hạn. Chúng ta đặt vấn đề là sau khi hết nhức răng rồi thì mình sẽ ra sao? Thật ra không cần đặt vấn đề như vậy, nếu bịnh thì mình cứ chữa thôi, bịnh thì bịnh thôi không cần phải đặt vấn đề mình sẽ ra sao. Đó là một thí dụ

Thí dụ thứ hai, một đứa nhỏ đi học, nó muốn biết là đi học lớn lên sẽ thành ông gì bà gì và mình hết còn thơ dại nữa, không còn nhút nhác nữa thì mình sẽ ra sao, rất khó. 

Thứ ba: Một học giả người Tích Lan viết một đoạn rất thú vị đó: ở trong thế giới trẻ con cái đẹp là những món đồ chơi, con gái thì có búp bê, con trai có xe tăng vũ khí bằng nhựa bằng mủ. Cha mẹ dẫn đứa con đến trường để học và nói rằng một ngày nào đó con sẽ lớn lên thành người tốt thì đứa con đó hỏi rằng khi con thành người tốt phải chăng con có nhiều đồ chơi hơn, thì cha mẹ nói những thứ con chơi bây giờ đến lúc đó không còn giá trị gì nữa. Rất khó khăn để cho một đứa nhỏ nghĩ đến cái gọi là tương lai tươi sáng mà không có những món đồ chơi đó tại vì những món đồ chơi đó là tất cả là sự khao khát ở trong cuộc sống đối với một đứa nhỏ, nhưng với người lớn thì nó không có nghĩa gì hết.

Thì, Hữu Dư Niết-bàn đã khó để cho chúng ta hiểu rõ, để chúng ta mường tượng nói gì đến Vô Dư Niết-bàn. 

Nên phương cách Đức Phật Ngài đề ra cho chúng ta là chúng ta phải thấy rõ sự khổ, thấy rõ nhân sanh khổ, thấy rõ sự diệt khổ và thấy rõ con đường đưa đến sự diệt khổ. Một thí dụ chúng ta nghe trong kinh một người bị mũi tên bắn không cần phải hỏi dài dòng,  vấn đề quan trọng làm sao để rút mũi tên ra. Nếu chúng ta ý thức được khổ trong đời sống này, ý thức thật rõ, thật kỹ về Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thì chúng ta chấp nhận Niết-bàn ở trong tri kiến của chúng ta Niết-bàn là cái gì vượt qua ngoài những thứ đó. Vì vậy, Đức Phật đặc biệt Ngài chú trọng đến tính cách thực tiễn. Thực tiễn ở tại đây là chúng ta phải nhìn nhận mình đang có khổ và từ cái nhìn nhận mình đang có khổ chúng ta tìm phương linh dược, tìm phương cách để trị cái khổ đó. Nói cách khác là cái nhìn qua giáo lý Tứ Đế. 

Không dễ dàng để một người phàm chúng ta hình dung được điều đó. Riêng đối với bản thân của chúng tôi thì chúng tôi có hai điều đơn giản thôi:
1. Một là Giác Ngộ.
2. Hai là Giải Thoát.

 Giác ngộ tức là khả năng nhận ra bản chất chung thực của các pháp, nó là Vô Thường thì mình nhận nó là Vô Thường. Nó là khổ mình nhận nó là Khổ. Nó là Vô Ngã mình nhận nó là Vô Vgã. Đó là giác ngộ.
 Và sự giải thoát là nguyện ước khả cầu giải thoát ở đây tức là giải thoát những nỗi đau khổ ở trong cuộc sống chúng ta có những bất an khổ đau. 

 Như mấy hôm nay chúng tôi đi tụng kinh đám tang một người phụ nữ có 7 đứa con nuôi lớn lên thành người trong cuộc sống bao nhiêu vui buồn bây giờ nằm đó thì trở nên vô nghĩa, bây giờ nằm đó nó không có ý nghĩa gì hết. Tại vì một khi thức lìa bỏ thân này thì thân này nằm ở trên mảnh đất nằm, ở trong quan tài giống như khúc gỗ vô dụng. 

Do vậy, Đức Phật Ngài dạy chúng ta rất rõ ràng nếu chúng ta nhìn thấy Sự KhổNhân Sanh Khổ thì chúng ta đủ để tha thiết với sự Diệt KhổCon Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ. Khi chúng ta hiểu như vậy, khi chúng ta nhận thức như vậy thì chúng ta có thể mường tượng được thế nào là Niết-bàn.

 Qúi vị nhớ một điều rằng Đức Phật chưa bao giờ khuyến khích chúng ta phải thấy được Niết-bàn qua ngôn từ. Mà Ngài nói rằng chỉ có những vị Đoạn Sanh Tử mới thấy được Niết-bàn như là trong bốn tầng thánh vức chẳng hạn.

  Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ bài học hôm nay về Vô Dư và Hữu Dư Niết-bàn ./. 

Thursday, February 5, 2015

Ba tiêu chí của cuộc sống

Hỏi: Ba tiêu chí của cuộc sống - Kinh Như Thị Thuyết (LIV) (Tik. I, 5) (It. 48)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 30-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đối với tất cả những người tu tập, chúng ta đều biết hoài bảo hay trí hướng trở nên rất quan trọng, ảnh hưởng sâu xa vào đời sống của mình. Đặc biệt đối với một người hành thiền. Ngày hôm nay chúng ta nói về ba sự tầm cầu và sự tầm cầu trong bài kinh đề cập đến chữ "esanà" có nghĩa là hoài bảo  là trí hướng, là sự mong mỏi. Thật ra, khi chúng ta đi vào ý nghĩa của những điều này rất cần để chúng ta trả mình về một thế giới tương đối rất riêng tư bớt đi nghĩa lý để có thể hiểu và có thể áp dụng được những gì Đức Phật dạy ở trong đời sống của chúng ta.

Trước nhất, chúng ta nói về Dục Tầm Cầu. Dục tầm cầu là một sự đi truy tìm, mong mỏi điều gì để thỏa mãn thị dục. Thị dục trong đời sống chúng ta có rất nhiều thứ. Ví dụ như, ăn ngon, mặc đẹp, cuộc sống có đầy đủ những khoái lạc về vật chất. Và phải nói rằng ở trong thế giới ngày hôm nay, thế giới chúng ta sống ở tại đây là một thế giới đặc biệt rất tinh vi về sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc.

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ  định nghĩa thế nào là đẹp, thế nào là ngon, thế nào là thơm, thì những định nghĩa đó giản dị, giản dị đến nỗi nhiều khi mình không thể hình dung ra được cái gì là cái ngon ở trong đời sống. Một tô canh chua, hay một chén nước tương ớt chan vô cơm mình gọi là ngon. Nhưng trong xã hội tiêu thụ chỉ mới mấy mươi năm thôi nhìn lại thì định nghĩa gọi là ngon tinh tế hơn nhiều. Từ đông sang tây, từ quốc gia này sang quốc gia khác cái gọi là ngon và đặc biệt là tiêu chuẩn  trên thế giới này thì chúng ta phải nhận rằng càng ngày càng trở nên rất tinh tế. Sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, những thứ đó có thể làm cho chúng ta cảm thấy thích, cảm thấy bằng lòng, cảm thấy đam mê. Nhưng mà rồi, nếu nó trở thành cái tiêu trí để chúng ta theo đuổi thì có lẽ suốt cuộc đời của chúng ta lúc nào cũng nghĩ mình sẽ thoả mãn thị dục của chính mình. 

Vấn đề của thị dục là chúng ta không biết bao nhiêu là tận cùng, bao nhiêu là đủ. Một người thích uống trà ngon không phải mình được uống một hai bình trà ngon là mình hết uống, không phải mình uống một hai tách trà ngon mình sẽ thoả mãn mà nó tạo ra một cảnh giới khó có thể đo lường được. Với một hành giả đang tu tập ở trong trường thiền khi nghĩ đến đồ ăn ngon điều đó sẽ dẫn đến một hành trình không có chỗ chấm dứt được. 

Bản thân của chúng tôi, ngày đầu tiên đến Thái Lan vào trong trường thiền Wat Pah Nanachat cảm giác của chúng tôi về chỗ ở thật sự đơn sơ, một am thất ở nơi rất vắng, quả thật đúng nghĩa của chỗ tu thiền. Nhưng mà, thưa qúi vị, chỉ có được một buổi thôi, ngày hôm sau chúng tôi đi vào trong làng để khất thực, theo qui luật của chùa ai cũng phải đi khất thực ngay ngày hôm sau, khi đó chúng tôi mới khám phá ra một điểm lôi cuốn rất lớn tại chùa của Ngài Ajahn Chah, tất cả các chùa của Ngài đều ăn một ngày chỉ một bữa, không có bữa điểm tâm, cách của Ngài tổ chức vào buổi sáng Chư Tăng uống một chút nước mino hay càfê sữa, uống xong mới đi khất thực, sau khi xong khất thực trở về giao thực phẩm cho nhà bếp, khoảng 8 giờ rưỡi lên phước xá nghe Ngài Cả nói pháp cho quí vị Phật tử. Sau khi nói pháp xong đến giờ tụng kinh.  Chư Tăng  tụng kinh đến 9 giờ thì thọ trai tức là dùng cơm, đó là bữa cơm duy nhất trong ngày lúc 9 giờ sáng. Đến 4 giờ chiều Chư Tăng dùng nước và như vậy cho đến ngày hôm sau. Nhưng có một vấn đề chúng tôi phải nhìn nhận đó là mặc dầu ăn một ngày một bữa nhưng thức ăn ở Thái Lan rất ngon, người Phật tử cúng dường Chư Tăng rất đầy đủ và thức ăn rất phong phú, người nào chịu ăn cay một chút hay thích ăn chua một chút thức ăn có nhiều đó là chưa kể trái cây, đồ ngọt thì nhiều lắm. Khi chúng tôi ở chùa Wat Pah Nanachat hầu như ngày nào cũng có những người Phật tử từ thành phố Bangkok đến chùa. Chuyện Chư Tăng đi khất thực một lẽ Phật tử cúng dường thêm thức ăn nhiều lắm. Một lần chúng tôi phải gặp Ngài Thiền Sư để thưa với Ngài: "Con cảm thấy những thức ăn ở đây có sức chi phối con rất lớn", và Ngài dạy chúng tôi ngưng ăn ở tại giảng đường ăn mà ăn tại phước xá và từ đó chúng tôi chỉ ăn thức ăn khất thực, nhưng dù thức ăn khất thực đi nữa nó cũng trở lên một cái gì rất đầy đủ rất hấp dẫn tại vì Phật tử cúng dường rất nhiều. 

Chúng ta phải nói một điều ở trong sự trống vắng của đời sống tu tập, ở bước ban đầu khi chúng ta vẫn chưa thấy được  giá trị thật sự của việc hành đạo, một điều chúng ta thường nghĩ là chúng ta thoả mãn thị dục của chúng ta, thị dục ở đây là cái ăn cái mặc. Đặc biệt là thức ăn và những gì làm chúng ta thỏa mãn ở trong 5 dục Đức Phật gọi là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Những thứ đó trở thành một cái gì đó chi phối lôi kéo chúng ta đi. Chúng ta thấy có nhiều vị lớn tuổi không làm gì hết chỉ chuyên nghiên cứu làm sao uống trà ngon là được, hay nghiên cứu về rượu làm sao uống rượu ngon là được, những điều đó nó trở thành một nhu cầu lớn và điều đó qúi vị phải để ý nhiều nhất. Điều đó Đức Phật gọi là Dục Tầm Cầu.

Điều thứ hai chi phối chúng ta rất nhiều, đó là Hữu Tầm Cầu. 

Chữ "hữu" Đức Phật Ngài dạy chúng ta ở đây, chữ hữu trong Phật Pháp mang nhiều ý nghĩa. Khi chúng ta nói đến hữu tầm cầu là chúng ta mong mỏi trở thành một ai đó với cương vị gì đó. Thí dụ, hồi còn nhỏ mình là một người vô danh tiểu tốt thì mình không quan trọng chức vụ, không quan trọng địa vị và cũng không quan trọng người khác nghĩ mình là ai. Nhưng khi lớn lên ở một tuổi nào đó, ở một giai đoạn nào đó tự nhiên mình sẽ cảm thấy rất sung sướng, cảm thấy rất vui khi người ta biết đến mình là người giữ chức vụ này, chức vụ kia, là người này, là người kia. Mình trở thành một người nào đó, mình trở thành một ai đó, điều đó trở nên ăn sâu vào trong tâm của mình. Khi có mình rất vui và khi mất mình rất khổ, tại vì chúng ta rất nặng lòng với định nghĩa mình là ai. Chính về điểm này khiến cho chúng ta nặng với danh nặng với lợi, cái nặng này nó trở thành một gánh nặng cho đời sống của mình.

Chúng ta còn nói đến một thứ khác, ở đây Đức Phật gọi là Phạm Hạnh Tầm Cầu. 

Phạm hạnh tầm cầu này được xem mình tu là để mình được một kiểu nào đó, được một cung cách nào đó, được một cái hạnh nào đó, và cái đó trở thành cứu cánh đối với mình. Như thời gian gần đây chúng tôi đọc câu chuyện về ông đạo dừa. Ông Đạo Dừa là một người tu rất là khác với kiểu cách riêng của mình. Người đi tu thì có nhiều người rất thích bày vẽ, rất thích đặt nặng một kiểu nào đó ở trong cuộc sống. Ngày xưa ở bên Nhật người ta đã ban ra một luật để cấm các nhà Sư trong việc chuẩn bị cách chết, có nhiều vị muốn chết ở trong cái chết rất là thiêng liêng rất đặc biệt như chết trong tư thế ngồi hay chết xác không bị mục rữa, các vị chuẩn bị cái chết rất là kỹ. Qúi vị nghe thấy cũng lạ người ta chuẩn bị cái sống chứ ai chuẩn bị cái chết, nhưng có thời gian các nhà Sư Nhật họ rất quan trọng họ chết như thế nào để thấy họ có nội hàm, chết như thế nào để thấy họ có đức tu, và chết như thế nào để thấy họ hiển thánh, họ trở thành cái gì rất đặc biệt. Thật ra phạm hạnh tầm cầu  nó cũng đi với một kiến giải, một kiến chấp đặc biệt ở trong đời sống.

Ở đây, chúng ta nói đến ba hoài bảo hay ba ước vọng của cuộc sống, về điều này Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta hai điều rất rõ: 
1. Điều thứ nhất, cứu cánh của đời sống phạm hạnh hay đời sống tu tập nó vượt lên trên cả hai quan niệm thiện và ác. 
2. Điều thứ hai, ngay trong đời sống hiện tại này chúng ta phải nhận thức được tất cả bằng chánh niệm, chánh trí. Chánh niệm ở đây là chúng ta thấy rõ cái gì đang xảy ra, thấy được tâm tư của mình. Nhiều người trong chúng ta rất hãnh diện, rất tự hào vì mình đi guốc trong bụng người khác, nhưng chuyện đó không quan trọng, cái quan trọng là làm sao biết rõ mình đang muốn cái gì và khi chúng ta thấy được ý muốn đó lâu ngày những thứ đó sẽ không có trở thành một cái gì đó ám ảnh và chi phối chúng ta nhiều. 

Thành ra, nếu chúng ta đi sâu vào đời sống tu hành, đặc biệt trong giới tu sĩ thường hay dính mắc một trong ba thứ tầm cầu đó: 

- Hoặc giả một người vào chùa lâu thời gian ban đầu có bao nhiêu hạn chế khiến cho mình mong mỏi được thoả mãn cái này được thoả mãn cái kia về thị dục, chúng ta gọi là Dục Tầm Cầu. 

- Cũng có người rất nặng về Hữu Tầm Cầu. Mình đi tu rồi có khi ăn không cần, có khi gia đình không cần, có khi quyền lợi không cần nhưng rất cần cái danh. Chưa có thời đại nào như thời đại hôm nay, từ vị lớn đến vị nhỏ, đi đâu một vị tu sĩ cũng giới thiệu đủ thứ chức vụ và chúng tôi có cảm nhận một điều rằng đôi khi một người tu sĩ không chức vụ gì hết thì người ta cảm thấy người ta nhẹ thể. Thật ra đó chỉ là hư danh thôi, tất cả chỉ là hư danh. Và cũng phải nói trong thời buổi điên đảo vọng tưởng trăm chuyện thì những chức vụ đó là hư ảo. Chúng tôi lấy ví dụ là cách đây 3, 4 chục năm danh vị Hoà Thượng, một vị được tấn phong lên Hoà Thượng hay Thượng Tọa là chuyện rất lớn, nhưng ngày nay chuyện đó trở nên rất bình thường, một người trên 40 tuổi xưng là Thượng Toạ, trên 60 tuổi thì xưng là Hoà Thượng. Thì khi mình đi tu nặng về danh nó cũng là vấn đề. 

- Và có những vị đi tu chỉ thích làm theo cái hạnh nào đó, thí dụ như mình muốn người ta biết đến mình sống khổ hạnh, mình muốn người ta biết đến mình là mình sống chuyên về niệm Phật, mình muốn người ta biết đến mình chuyên về một cái hạnh nào đó. Nhưng đối với Đức Phật, cái đó không phải là cứu cánh của cuộc sống phạm hạnh, cái cứu cánh của đời sống tu tập nếu vị nào đọc ở trong bài kinh Cetanasutta là bài kinh số 45 ở trong Tương Ưng Bộ kinh, Đức Phật định nghĩa rõ một vị thật sự sống vượt ngoài những tuế toái đó là vị sống với chánh tri kiến, sống với chánh niệm và sống với một ý thức trọn vẹn về cái gì cần làm, nên làm ở trong giờ phút này.

Chúng tôi lấy ví dụ, chúng ta ở đây đang làm việc trong rơom Phật Pháp, cũng thời tích cực làm việc trong sự tích cực làm việc đó có thể chúng ta có được ba thứ:

 1. Một là chúng ta làm việc vì Dục Tầm Cầu. Chúng ta mong muốn được nghe được thấy những âm thanh những hình ảnh rất thân thương, rất quen thuộc, rất khả ái. Chúng ta gọi là Dục Tầm Cầu

  2. Và cũng có thể chúng ta làm việc ở đây vì Hữu Tầm Cầu. Bởi vì chúng ta làm việc tích cực dấn thân để mong rằng người đó biết mình là ai, mình ở địa vị nào đó, mình được sự nể trọng sao đó. Gọi là Hữu Tầm Cầu. 

  3. Nhưng cũng có những vị muốn làm việc đó như để thể hiện cái hạnh của mình, cái này là cái thật sự mình làm, cái này là cái mình nghĩ rằng quan trọng nhất trong cuộc đời của mình.

    Thì cả ba điều đó đều nằm trong thế khiến chúng ta quên đi chánh niệm. Chúng ta có thể làm, chúng ta có thể hành động, chúng ta có thể thể hiện. Nhưng cái thể hiện hành động đó chúng ta hiểu được mức độ tương đối, mức độ vừa phải, mà chúng ta không nhìn thấy ở đó sự tuyệt đối, không phải là cứu cánh của chúng ta. 

    Thật ra điều này khó lắm, rất khó để trong cuộc sống chúng ta sống bằng chánh niệm. Hễ con người nhập cuộc làm việc gì thì chúng ta cứ nghĩ rằng mình phải sống chết với điều đó, đó là tất cả. Cũng như ở trong tình yêu, trong công ăn việc làm, ở trong sự dấn thân của chúng ta, một người nào đó, một điểm nào đó, một công việc nào đó, thì thường nó làm cho chúng ta nghĩ rằng cái đó là tất cả, cái đó là mục đích tối hậu và chúng ta chỉ biết có điều đó thôi, chúng ta không muốn biết điều khác nữa mà chúng ta chỉ muốn biết điều đó. Những thứ đó thật sự là chúng ta thất niệm, thật sự là chúng ta không có quán chiếu, không biết rõ.

Khi Đức Phật trở về thành Ca Tỳ La Vệ lần đầu tiên có 7 vị, trong đó có 6 vị hoàng tử giòng Thích Ca và Ngài Upali là người thợ hớt tóc và trong số 6 vị hoàng tử đi xuất gia có Ngài Anuruddha là một vị rất lỗi lạc nhưng trong sự tu tập thì quả thật Ngài bị chướng ngại. Và Ngài đem chuyện đó nói với Ngài Xá Lợi Phất, ở trong câu nói Ngài trình bày: "Này Hiền giả tôi đã chứng ngộ điều này. tôi đã chứng ngộ điều kia". Tôn Giả Xá Lợi Phất đọc tư tưởng đó Ngài nói: "này Hiền giả, khi nói tôi chứng cái này, tôi chứng cái kia, nó là sự kiêu mạn sanh khởi". 

Chúng ta thường có những hi cầu có một sự mong mỏi mình sẽ đóng một vai nào đó, trở thành một người nào đó quan trọng trong cuộc  đời. Thật ra nói cho cùng tất cả những điều chúng ta biết được trong cuộc sống nó đều rất tạm, nó đều phù du. 

Một lần Ngài HT Hộ Giác bệnh, chúng tôi ở trong bệnh viện với Ngài và lúc đó bác sĩ họ đã chuẩn bệnh Ngài xong, chúng tôi cầm tay của Ngài thoa bóp, một phần là trưởng lão, phần nữa đôi khi chúng tôi cảm tưởng chúng tôi xoa bóp tay chân của Ngài như một cử chỉ nói lên sự quan tâm của chúng tôi đối với Ngài. Và hôm đó chúng tôi thấy da của Ngài trổ đồi mồi, nhăn nheo. Chúng tôi nói với Ngài rằng: 

- "Bây giờ con xoa tay cho Ngài con nhớ khi Ngài Ananda khi xoa tay cho Đức Phật thấy tay Đức Phật giống như vậy thì Đức Phật Ngài nói rằng sự vô thường".

 Ngài Hộ Giác Ngài hiểu chúng tôi nghĩ cái gì vì câu chuyện đó Ngài đọc nhiều lần lắm, Ngài nói trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy 

 - "Thân ta như lá úa, diêm chúa đang trực chờ. Đường dài không quán trọ, dặm trường thiếu tư lương" 

 Và Ngài cũng nhắc với chúng tôi rằng câu đó đọc chánh văn Pali nghe thắm thía và Ngài đọc bằng tiếng Pali. 

 Thì lúc nói chuyện với Ngài và nhìn Ngài chúng tôi có cảm nhận một điều; Ngài đã sống qua một cuộc đời, ở trong cuộc đời đó có đủ thăng trầm, có đủ vinh nhục, có rất nhiều những giai đoạn. Nhưng khi Ngài nằm ở trên giường bệnh trong tuổi già, trong tuổi giống như ngọn đèn leo lét sắp tắt. Thì thưa qúi vị, những địa vị, những danh vọng, những cái này cái kia nó không quan trọng mà chúng ta thấy quan trọng nhất đó là Chánh Trí và Chánh Niệm. Chánh Trí và Chánh Niệm đó là khả năng có thể nhìn, có thể thấy mà không có tha thiết với những điều vốn tạm bợ. 

Thật sự về điều này rất khó để tất cả chúng ta có thể tỉnh táo ngay trong giờ phút hiện tại và sự tỉnh táo thấy biết rõ Đức Phật gọi là sati sampajañña  là biết rõ ràng. Theo các nhà sớ giải sự biết rõ ràng cũng gọi là trạng thái bujjhati tức là giác niệm hay tỉnh giác biết rõ. Chúng ta cứ tưởng tượng rằng ở trong cuộc tu có những thứ rất hấp dẫn nó chi phối chúng ta rất nhiều và chúng ta nghĩ rằng nó là tất cả. Có nhiều vị tha thiết với những chuyện ăn, có người tha thiết chuyện mặc, có người tha thiết với danh, có người tha thiết với lợi, và họ dở sống dở chết với cái đó, không có cái đó họ sống không được, không có cái đó thì họ chịu không nổi, không có cái đó thì họ khổ. Cho dù đó là Dục Tầm Cầu, Hữu Tầm Cầu, Phạm Hạnh Tầm Cầu thì đối với Đức Phật chúng ta phải vượt lên trên sự tầm cầu đó bằng chánh niệm trong hiện tại. 

Có một lần Đức Phật ngồi trong hội chúng Tỳ Kheo và lúc đó Ngài đang im lặng, Tôn Giả Xá Lợi Phất ngồi không xa Ngài bao nhiêu, trong lúc Thế Tôn không nói gì hết thì Ngài Xá Lợi Phất nhìn vào hơi thở ra hơi thở vào, Đức Phật Ngài đọc được tư tưởng đó Ngài mới dạy Chư Tỳ Kheo rằng đó là hình ảnh của một vị Tỳ Kheo, Đức Phật muốn tất cả chư Tỳ Kheo biết và thực hành đó là an trú chánh niệm
Chánh niệm ở đây là không đi tìm nó, không đặt nặng nó trở thành một cứu cánh của đời sống, nó không trở thành mình phải là thế này phải là thế kia. Bởi vì chúng ta có vẽ vời bao nhiêu đi nữa chúng ta muốn trở thành bao nhiêu người đi nữa thì nó cũng không bằng chúng ta ngồi xuống nhìn hơi thở  ra hơi thở vào. Cái khả năng có thể nhìn vào hơi thở ra hơi thở vào, cái khả năng ý thức biết được thân và tâm của mình ở trong từng chập từng phút nó đang sanh đang diệt đối với Đức Phật điều đó quan trọng.

 Nên chi, trong truyền thống Phật Giáo thì sự vô  cầu, vô tranh, vô trước là những từ ngữ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều, chúng ta sống vốn luôn luôn đi với sự truy cầu:  
 -"Ra đi khắp bốn phương trời,
 Tìm ai mỏi mắt trọn đời không kham,
Ta về gặp lại tình ta,
Dấu chân viễn mộng cũng là phù du".

 Chúng ta đã là một người như vậy từ thời nhỏ lớn lên mình luôn luôn đi truy cầu, truy cầu cái gì mình thích, mình luôn luôn truy cầu, truy cầu là mình sẽ trở thành một người nào đó, hay truy cầu mình sẽ làm việc gì đó trong đời sống tu tập của mình. Nhưng mà đối với tất cả thì Đức Phật dạy chánh niệm mới là quan trọng. Bởi vậy chúng ta có làm gì đi nữa thì chúng ta phải trở về với ý thức là mình đang cỡi rô bôt, đang bước bằng chân phải, đang bước bằng chân trái, mình đang thọ khổ hay thọ lạc, tâm mình đang định tỉnh hay là phân tán. Những điều đó rất quan trọng, và đặc biệt thiết yếu đối với người tu tập hơn là sự đuổi bắt. Chúng ta có thể đi đuổi bắt cả cuộc đời nhưng mà rồi chúng ta không tìm ra được chân lý thật sự, không tìm ra được cứu cánh thật sự. Thậm chí chúng tôi thấy một điểm như vầy là có những người suốt cuộc đời họ giống như một nhân vật trong một cuốn phim nào đó, họ bỏ ra cả cuộc đời chỉ đi trả thù, suốt cuộc đời họ chỉ có tranh chấp, suốt cuộc đời họ để ra sẽ chống lại một ai đó và cái đó nó là lý tưởng nó là cứu cánh. Thật ra nó không là lý tưởng là cứu cánh, chúng ta sanh ra đời để hận thù, sanh ra đời để chống người này chống người kia, đó không phải là cứu cánh của người con Phật. Cứu cánh của người con Phật là thắp sáng được ý thức thực sự thân mình như thế nào, tâm mình như thế nào. Và khi chúng ta thắp sáng được ý tưởng đó, thắp sáng được chánh niệm đó, thắp sáng được chánh trí đó thì dần dà chúng ta sẽ làm được như lời Đức Phật dạy:

 - "Này chư Tỳ Kheo, bậc Thanh Văn được nghe và thấy như thế rồi liền sanh tâm nhàm chán đối với sắc thọ tưởng hành thức, do nhàm chán vị ấy ly tham, do ly tham tâm được giải thoát, khi tâm được giải thoát vị ấy biết rõ sanh đã tận phạm hạnh đã thành những gì nên làm đã làm và không còn tái sanh nữa". 

Bài học này thật ra là bài học rất lớn, chúng ta vẫn thường đưa ra những gì rất dao to búa lớn, đưa ra những gì rất hấp dẫn, đưa ra cái gì để chúng ta đuổi bắt nhưng trên thực tế tất cả những điều đó chỉ làm cho chúng ta mất đi khả năng quán chiếu hiện tại.

 Có một lần chúng tôi gặp  một anh Phật tử tên Steven đi dự hai khóa thiền ở thiền đường IMS. Sau khi tham dự hai khóa hành thiền anh muốn trở thành thiền sinh thật thụ, anh mua một ngôi nhà ở trong khu tương đối rất yên tịnh, dọn một phòng thờ Phật rất đẹp, ở trong phòng thiền đó được trang trí rất đầy đủ gồm toạ cụ kể cả bộ quần áo mặc để hành thiền anh cũng lựa rất kỹ dệt bằng cotton và bông hoa rất là kỹ kể cả mọi thứ đều rất là kỹ như là một thiền sinh chính hiệu. nhưng mà rồi có một lần anh thỉnh một Thiền Sư người Anh là Ngài Amaro đến nhà, sau khi nghe pháp thì anh mới hỏi Ngài Amaro "chỗ con sắp xếp ở đây Ngài thấy có thích hợp cho sự tu tập không?" Thì Ngài Amaro trả lời rằng "lẽ ra thì nó lý tưởng lắm nhưng nếu anh chấp rằng chỉ có trong nhà này, chỉ có trong bối cảnh này, chỉ có trong bộ đồ này, chỉ trong khung cách này anh mới tu thiền được, anh mới tu tập được thì anh có vấn đề". Anh nghe như vậy anh rất thất vọng, tại vì anh nghĩ rằng anh cố gắng làm theo một thiền sinh thật thụ. Nhưng mà thưa quí vị, nói cho cùng tất cả sự truy cầu đó đều là sự đóng khung, và sự đóng khung đó khiến cho anh không tu tập được. Có nhiều sự tu tập ở trong đời, mình tu tập ở giữa chợ, mình tu tập ở trong hoàn cảnh khó khăn, mình tu tập ở chỗ không ra cái gì hết, có nhiều khi mình không là ai hết cũng như một thi sĩ nói rằng "xin đại nguyện giữa vô cùng sa mạc lấy muôn thân đảnh lễ Phật lên đường". Lấy muôn thân đó thật sự là một mình có thể lên đường bất cứ giờ phút nào. 

 Bài học ngày hôm nay,  chúng ta nói về ba sự truy cầu của cuộc sống và khi nói ba sự truy cầu ở đây ý nghĩa rất rộng. Chúng ta tha thiết theo đuổi và nghĩ rằng đó là cứu cánh, đó là tất cả, đó là điều chúng ta mong mỏi trong cuộc sống. Nhưng kỳ thật thì đối với người Phật tử điểm chính của chúng ta đó là thắp sáng Chánh Niệm, thắp sáng Chánh Trí và thấy rõ được hiện tướng thực tướng của thân tâm mình. Và chúng ta không có kỳ vọng, không truy cầu một cái gì đó nó trở thành lý tưởng hoàn toàn của chúng ta. Cũng như tất cả chúng ta đang sống ở trong giây phút này cho dù qúi vị đang ở Hoa Kỳ, đang ở Âu Châu, đang ở Việt Nam, cho dù buổi sáng hay buổi chiều, cho dù khoẻ hay không khỏe, với giờ phút chúng ta có được và chúng ta hãy đem tất cả chánh niệm ý thức mình đang hiện hữu, đây là thân, đây là tâm, đây là hơi thở vô, đây là hơi thở ra, đây là pháp Đức Phật chúng ta đã nghe. Nhưng chúng ta không nhất thiết ngồi đây để tưởng tượng rằng vốn mình sẽ trở thành thế này mình sẽ trở thành thế kia. Bởi vì tất cả sự truy cầu thường dẫn chúng ta đến rời xa với thực tại 

Sunday, February 1, 2015

Người tu tập cầu giải thoát có cần thể hiện hạnh bố thí chăng?

Hỏi: Người tu tập cầu giải thoát có cần thể hiện hạnh bố thí chăng? 

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma. Ngày 11-1-2015, Minh Hạnh chuyển biên

TT Pháp Tân: Trong kinh Đức Phật Ngài dạy trong sự tu tập có ba loại phước, đó là: phước vật, phước đức và phước trí.  

 Trong giai đoạn tu của một người tu tập có loại phước như phước vật, bồi bổ phước vật rồi bồi bổ phước trí cũng như bồi bổ phước đức. Như mười công đức thiện sự chư Phật tử  chúng ta cũng thường nghe từ việc bố thí, trì giới, rồi tham thiền, cung kính phục vụ, tùy hỉ phước, hồi hướng phước và thính pháp, thuyết pháp chánh tri kiến, đó là mười việc làm tạo nên ba loại phước là phước đức, phước vật và phước trí. 

  Đối với người cư sĩ có những điều kiện thuận lợi để bố thí, tùy vào mỗi một người, tùy vào những hoàn cảnh đời sống khác nhau nhưng có những điều kiện thuận lợi để bố thí cúng dường. Vì người cư sĩ có công việc làm tạo ra tài sản bằng bàn tay lao động chính đáng của mình tạo ra.
  
   Đức Phật Ngài dạy trong kinh Thi Ca La Việt, một người cư sĩ tạo ra tài sản chia làm 5 phần, là trả nợ cũ  cho vay nợ mới, đền ơn cha mẹ ông bà, nuôi cha mẹ ông bà, nuôi con cái cháu chắc, nuôi những người thân của mình, rồi lo chi dụng cho đời sống hàng ngày, để dành tiếp đãi một phần là chôn của để dành, tạo phước để dành hoặc để dành của  trong tương lai. Khi nói chia tài sản ra làm 5  trong đó có một phần là bố thí cúng dường để tạo phước cho mình, người cư sĩ có những thuận lợi là do tạo ra những của cải tài sản nên chúng ta có thể dể dàng bố thí cúng dường. 
   
   Trong kinh Tăng Chi, công chúa Sumana hỏi Đức Phật: "có khác chăng giữa hai người xuất gia đồng niềm tin, đồng chí tuệ, đồng giới hạnh giống nhau nhưng một người có bố thí một vị không bố thí có khác nhau ở chỗ nào?" 
   
   Đức Phật Ngài dạy rằng: "vị có bố thí vị đó sẽ được những vật dụng thí dụ như được những người đàn tín mời đi trai tăng cúng dường những vị đó sẽ được y áo cũng sẽ được những thuận lợi trên phương diện vật chất. Còn vị không bố thí sẽ bị thiếu đi những điều đó". 
   
   Chúng ta chưa kể những nhân chúng ta gieo làm cản trở phước. Chẳng hạn như chúng ta thấy trong những đệ tử của Đức Phật có vị đệ nhất về tài vật là Ngài Sivali Ngài có đầy đủ những tài vật đi đâu dù Chư Tăng ở trong rừng trong một đoạn đường vắng không có xóm làng thôn ấp nhưng nếu có Ngài Sivali trong đoàn thì Chư Tăng không bao giờ bị thiếu thốn về vật thực, tức là do phước của Ngài Sivalilớn vậy. Nhưng ngược lại, một vị cả một buổi ăn cũng không được no đó là Tôn Giả Losaka, Tôn Giả bị đói là do quả của đời trước có thể một là do không bố thí hoặc do cản trở hay hủy hoại vật thực của một vị Alahán nên bị quả đói trong nhiều kiếp, kiếp cuối cùng mặt dù đã chứng quả vị Alahán nhưng vẫn bị đói không có một bữa no cuối cùng thì Ngài Xá Lợi Phất biết được điều đó Ngài mới cho dùng một bữa cơm cuối cùng rồi Ngài Losaka tịch diệt. 
   
   Đó là chúng tôi nói hai mảnh đời cuả hai vị Thánh, một vị đầy đủ về vật thực, một vị thiếu thốn về vật thực. Thì ở đây, hạnh bố Đức Phật Ngài dạy chung, dạy cho những ai biết tu. Trong mười pháp độ Balamật có pháp bố thí Ba la Mật. Thì bây giờ muốn tu để đạt được sự giải thoát, mình tu ở vai trò một người cư sĩ hay tu ở vai trò của một bậc xuất gia thì hạnh bố thí vẫn cần thiết cho đời sống tu tập của mình.
   
   Người ta có câu "Tại gia thí tài, xuất gia thí pháp". Thí pháp thì tạo phước trí có thể là nhân để tạo phước trí. Nhưng thí tài là nhân tạo phước vật. Nếu mình tạo phước vật thì mình có nhiều thuận duyên hơn như trường hợp chúng tôi đã nói khi nãy Đức Phật trả lời công chúa Sumana là :"cả hai vị xuất gia cùng đồng niềm tin, đồng giới hạnh, đồng trí tuệ thì chuyện đắc đạo đắc quả giống như nhau nhưng về một vị có bố thí cúng dường thì vị đó sanh trong đời nhiều kiếp sẽ đầy đủ vật dụng hơn, còn nếu như vị không bố thí cúng dường thì vị đó sẽ thiếu thốn vật thực thiếu thốn về tài vật v.v... 
   
   Thì ở đây, nếu như mình có nhiều thuận lợi về vật chất tuy rằng vật chất của cải cũng chỉ là vật tạm thôi, mình hiểu trong lý của Phật giáo nó cũng là vật ngoài thân, nó cũng chỉ là một phương tiện nhưng nếu như mình có được những sự thuận lợi đó giống như chúng tôi thường nói câu "lấy củi đậu nấu đậu" tức là mình có phước thì mình bố thí cúng dường để mình tạo những sự thuận lợi nữa để mình tu tập thêm nữa. Vì vậy cho nên việc tu tập chúng tôi nghĩ rằng dù một vị xuất gia hay một vị tại gia hạnh bố thí là hạnh rất cần thiết.
   
    Nhưng nói về người cư sĩ thì có những sự thuận lợi hơn. Người cư sĩ tạo ra tài sản bởi vì: Một là  có tinh cần, có sự siêng năng để tạo ra tài sản. Hai là có phước để giữ được tài sản, hay có được sự thuận lợi để giữ được tài sản, đó là nhờ mình có phước.
 Cho nên, tu tập bố thí cúng dường để tạo phước, vừa là tập hạnh xả ly cho chính mình và vừa tạo phước cho chính mình để có những sự thuận lợi ở trong đời sống hiện tại, cũng như là đời sống tương lai. Trong đời sống luân hồi mình cầu đạo giải thoát mình nhờ có hạnh bố thí. 
 
Tuy nhiên, trong mười thiện sự thì thiện sự nào mình có thể làm được thì mình vẫn phải làm chứ không nhất thiết phải là hạnh bố thí là dành cho người cư sĩ mà bậc xuất gia cũng có. Nhưng người cư sĩ có những sự thuận lợi do phương diện vật chất tạo ra của cải vật chất có thể bố thí cúng dường một cách dễ còn Chư Tăng xuất gia sống nhờ phước nhờ sự hộ độ của những người đàn na tín thí nhưng Chư Tăng thì thí pháp, và nếu Chư Tăng có tài vật thì đó là một sự thuận lợi để Chư Tăng bố thí cúng dường đến Tăng Chúng đó là cái điều cần thiết  ./.