(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
Biết nghe là một nghệ thuật trong đời sống
Biết nghe là một nghệ thuật trong đời sống
TT Giác Ðẳng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 27-05-2010, Minh Hạnh chuyển biên
Chánh Văn: Ba hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn.
TT Giác Đẳng giảng: Ngài Walpola Rahula có viết một cuốn sách với với tựa đề là "The Buddha 's Sense of Humor - hài hước hay là dữ dội khi chúng ta đọc kinh điển." Đúng ra thì Đức Phật Ngài không thuyết pháp để chọc cười chúng sanh, nhưng đôi khi những điều Đức Phật dạy trong trường hợp như chúng ta đang thảo luận sau đây là thứ gì mà đôi khi chúng ta nói lên quả thật là nghe cũng rất là vui.
Đó là khi nói trí tuệ được úp xuống, nghe thì chuyện đó không vui nhưng nó cho chúng ta ý nghĩa rất rõ ràng là trí tuệ lộn ngược là cái gì mà úp xuống thì nó không chứa được.
Nhưng cái trí tuệ cho chúng ta cảm thấy thú vị đó là Đức Phật gọi là trí tuệ ở bắp vế. Cái gì để ở trên đùi của chúng ta rồi không để ý mà đứng dạy thì nó rớt xuống hết.
Và hạng thứ ba Đức Phật giảng đó là trí tuệ rộng lớn là nghe pháp có chú ý, có lãnh hội và có thẩm thấu. Tức là chúng ta có tiêu hóa có ghi nhận có đem vào trong lòng. Người xưa có dùng chữ thụ nhân, thụ nhân tức là một người đặt mình ở trong phương tiện là một người hấp thụ, là một người bền giữ, người có tâm cầu học, thì điều đó cho chúng ta một số lợi ích nhất là trên phương diện học Phật Pháp.
Đọc lại bài kinh Đức Phật giảng có rất nhiều trường hợp trước khi Đức Phật thuyết pháp Ngài gọi: "Này chư tỳ kheo, hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ Như Lai sẽ giảng".
Trước khi Đức Phật thuyết pháp Ngài nói chư Tỳ Kheo hãy lắng nghe Như Lai sẽ giảng, có lẽ là một trong các phương chặng đầu tiên khiến cho Phật Pháp thấm nhuần tâm tư của chúng ta đó là sự chú ý hôm nay đề tài nói gì, và sự hướng tâm rất quan trọng. Chẳng những vậy mà chúng ta thấy trong bài kinh này Đức Phật Ngài nói rằng chú ý ở đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối. Điều này rất là đơn giản, như hồi chúng ta học khi làm một bài luận văn hay một bài viết phải có phần mở đầu, rồi phần thân bài rồi đến phần kết luận, nếu không có sự dẫn nhập hay lời giới thiệu ban đầu thì thật sự người ta không có ý niệm về cái gì. Giống như mình nhóm lửa thì mình phải có mồi lửa ban đầu. Dẫn nhập giúp cho chúng ta có khái niệm tổng quát. Đúng ra thì việc dẫn nhập là việc rất là lợi ích, đầu tiên trước khi chúng ta đi vào chi tiết thì chúng ta nên có một cái khái niệm chung chung là bài học hôm nay sẽ nói về vấn đề gì, rồi phần thân bài tức là đoạn giữa là chúng ta khai triển đầy đủ và đoạn kết thì chúng ta phải có khả năng để tóm tắt lại, nhắc lại điều trên.
Tâm tư và trí tuệ của con người nó có một cách tình tự nhất định, dĩ nhiên là có nhiều trường hợp chúng ta tình cờ nghe một câu thơ hay bất chợt nghe ai nói điều gì đó thì chúng ta lãnh hội được, nhưng đa phần thì sự lãnh hội nhận thức của chúng ta nó đi theo một tình tự nhất định. Nếu chúng ta đã từng ngồi ở trên ghế nhà trường và nghe vị giáo sư giảng bài thì chúng ta hiểu rất rõ là một người nói chuyện mà khiến cho chúng ta hiểu rõ, thì người đó nói phải có đầu có đuôi. Lời nói có đầu có đuôi là lời nói đó có thể cho chúng ta khái niệm chung, nó phải có sự bắt đầu, rồi có phần khai triển, rồi sau cùng có phần tóm tắt lại. Nói có đầu có đuôi thì vấn đề được hiểu rõ ràng hơn, còn nói mà không có đầu có đuôi thì thật sự rất khó hiểu. Chúng tôi biết có một số người khi nào cần nói cái gì thì nói, nói ngang vậy thôi, bình thường thì chúng ta không để ý khi ở gần những người đó thì chúng ta mới nhận ra đó là cách nói chuyện của họ, nếu chúng ta không có thân thiết hay chúng ta không hiểu rõ thì thật sự là chúng ta không hiểu họ nói cái gì. Chúng tôi lấy ví dụ là đang ngồi ăn cơm vị đó nói về chuyện đi hành hương Ấn Độ, mà khi nói về chuyện đi hành hương Ấn Độ thì vị đó không nói là "à kỳ rồi chúng ta đi hành hương Ấn Độ Sư có nhớ là ông đó hay bà đó như vậy như vậy..., hay là mình lên chỗ đó như vậy như vậy...." mà vị đó cứ nói ngang là "Sư có thấy cục đá đặt ở lối vào vườn Lộc Giả như thế nào?" Nhiều lúc thưa qúi vị những người nói không có đầu không có đuôi như vậy khiến chúng ta không nhận ra rằng họ đang nói cái gì. Vì vậy tâm linh và trí tuệ của chúng ta tuy rất mẫn tiệp, rất nhanh chóng, nhưng trong cách truyền đạt thì bắt buộc chúng ta phải được có điểm khởi đầu có khái niệm trước rồi tiếp theo đó là khai triển mở rộng và sau cùng chúng ta tóm tắt lại để kết thúc đến chỗ chúng ta gọi hoàn mãn.
Đức Phật là một nhà giáo dục và có lẽ hơn ai hết khi Ngài giảng giải cho chúng thấy rằng Ngài chú trọng rất nhiều về phương pháp giảng giải. Bài học này là một thí dụ. Bài học này nhắc cho chúng ta thấy một điều là Đức Phật Ngài đã đi vào trong một số những chi tiết. Bây giờ chúng ta nói lại từng phần: Đức Phật Ngài nói có ba hạng người, hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ bắp vế, và hạng người với trí tuệ rộng lớn. Đó là phần mở đầu của Đức Phật. Bao giờ cũng vậy, khi Đức Phật Ngài giảng thì đầu tiên thường là Ngài đi vào trực khởi, không đi vào luân khởi, Ngài đi trực khởi Ngài nói rất rõ những gì mà Ngài nói, Ngài cũng có thí dụ luân khởi mà ít lắm, đa phần là Ngài đi thẳng vào đề tài nhưng Ngài tóm lượt lại mấy phần. Thí dụ ở đây Ngài nói có ba hạng người ở đời đó là; hạng người có trí tuệ lộn ngược, hạng người có trí tuệ bắp vế, và hạng người có trí tuệ rộng lớn. Rồi bắt đầu Ngài đi vào chi tiết thế nào là hạng người có trí tuệ lộn ngược. Đúng ra cách nói của Đức Phật không dư thừa mà rất trong sáng rõ ràng nếu chúng ta để ý thì chúng ta học được thật nhiều
"Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người đi đến khu vườn (tinh xá) thường thường nghe pháp từ các Tỷ-kheo, các vị Tỷ-kheo thuyết pháp cho người ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh."
Đức Phật dạy rằng sơ thiện, trung thiện, hậu thiện tức là thuyết pháp tốt đẹp ở đoạn đầu, tốt đẹp ở đoạn giữa, tốt đẹp ở đoạn cuối, nhưng ba cách căn bản này chúng ta thường hiểu rằng đó là pháp học, pháp hành, và pháp thành. Pháp học tức là giáo pháp được trình bày trên phương diện lý thuyết, pháp hành là giáo pháp được trình bày trên phương diện thực hành, và pháp thành tức là giáo pháp được trình bày trên phương diện chứng ngộ. Ba đoạn đó không trái trống nhau giống như một thứ thuốc uống khi chúng ta uống vào thì nó giảm đau lại có tác dụng tốt lâu dài, nó không có những tác dụng phụ, không dị ứng, không biến chứng, và cuối cùng là hết bịnh, do vậy chúng ta gọi là sơ thiện, trung thiện, hậu thiện là tốt đẹp ở đoạn đầu, ở đoạn giữa và ở đoạn cuối. Hay nói một cách khác là giáo pháp tốt đẹp ở chỗ lý thuyết, ở chỗ thực hành, ở chỗ chứng ngộ, có nghĩa, có văn, giáo pháp được trình bày rõ ràng ở trên hai phương diện ngôn từ và nghĩa lý trong sáng. Nhiều khi người ta nói rằng ngôn ngữ không cần thiết quan trọng là lấy ý thôi, nhưng mà ngôn ngữ nó là một cách diễn đạt. Hồi nãy chúng ta nói nếu mình trình bày một điều gì đó mà mình trình bày không trong sáng, không rõ ràng thì thật sự nó có vấn đề, dễ tạo ra hiểu lầm. Chúng tôi lấy ví dụ như là ngày nay người ta có hàng mấy trăm quyển giải thích về Lão Tử Đạo Đức kinh, và các nhà phê bình nói rằng Lão Tử Đạo Đức kinh thì có quá nhiều cách khác nhau không biết ai là người thật sự nắm được cái tinh yếu Lão Tử Đạo Đức kinh. Chuyện này dễ hiểu thôi. Lão Tử Đạo Đức kinh có nhiều điều rất thú vị nhưng có rất nhiều câu mơ hồ, mơ hồ đến đỗi mà ai muốn giải thích sao cũng được, như câu "Đạo khả đạo phi thường đạo," người ta có trăm cách giải thích. Đức Phật Ngài không bao giờ muốn giáo pháp được giảng dạy mơ hồ, hiểu sao cũng được, giải thích cách nào cũng được mà Đức Phật Ngài đặt nặng về sự trong sáng và sự tinh xác. Dĩ nhiên là nhiều vị không đồng ý, mà cho rằng đạo là ở chỗ nào có vẻ mơ hồ mới linh, mới đặc biệt. Nhưng chúng ta nên nhớ học pháp căn bản là ở chỗ thực hành và chứng ngộ, mà muốn thực hành thì lý thuyếp phải trong sáng và rõ ràng. Ngày nay phần nhiều chúng ta sống trong thời đại này có trăm muôn ngàn thứ mà chúng ta cần phải biết cái nào càng rõ ràng càng trong sáng thì cái đó càng lợi ích. Chúng tôi có đọc một số các cẩm nang hay sổ tay hướng dẫn, như hướng dẫn phương diện máy móc, xử dụng nhu liệu, chúng tôi thấy rằng ngay cả những công ty lớn có nhiều công ty họ viết cuốn cẩm nang mình đọc không hiểu gì hết cho đến khi một người nào đó kinh nghiệm họ lượt bớt cho chúng ta. Cái đó là khuynh hướng rắc rối và rõ ràng là cái khuynh hướng nào mà làm cho thân thiện gọi là friendly thân thiện trong sáng dễ hiểu là điều tốt nhất, chúng ta nói đến tinh thần phục vụ. Bởi vậy nó phải có nghĩa, nó phải có văn, trình bày phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Cho dù chúng ta sống trong thế giới phiền não tại vì bản thân của chúng ta có phiền não thì chúng ta phải nhìn nhận rằng Phật Pháp hướng chúng ta đến chỗ trí thiện, trí thiện đó là sự trong sạch kể cả đoạn lià những cái chấp trước, cái ngã chấp đối với các pháp
"Người ấy, tại chỗ ngồi ấy, đối với bài thuyết giảng ấy, không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối."
Là nghe pháp mà không để ý, một người nghe pháp có để ý thì người đó sẽ có khái niệm chung chung, giống như chúng ta coi một cuốn phim. Có nhiều người coi cuốn phim mà không hiểu phim diễn về cái gì là tại vì họ không chú ý. Nhưng một người tinh tế một chút, họ coi họ có chú ý đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối thì họ mới thấy những đoạn đó có liên hệ với nhau, những đoạn đó được nối kết lại với nhau. Chúng tôi thí dụ một người thợ may khi cắt vải họ cắt ra nhiều mảnh nhưng mà rồi họ dùng những đường kim sợi chỉ để kết những mảnh vải lại với nhau thành áo quần chúng ta mặc. Thì tương tựa như vậy tất cả những sự trình bày nó sẽ là những mảnh rời nếu chúng ta không để ý đoạn đầu đoạn giữa đoạn cuối.
"Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên, đối với bài thuyết giảng ấy, người ấy không có tác ý đến đoạn đầu, không có tác ý đến đoạn giữa, không có tác ý đến đoạn cuối. Ví như này các Tỷ-kheo, một cái ghè bị lộn ngược, nước chứa trong ấy tuôn chảy, không có dừng lại. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ở đây, có hạng người đi đến khu vườn ... không có tác ý đoạn cuối. Cũng vậy, khi người ấy từ chỗ ngồi ấy đứng lên ... không có tác ý đoạn cuối. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người với trí tuệ lộn ngược."
Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ ở với Sư Trưởng, Sư Trưởng có nói một câu là ngay cả một vị giới tử thuyết trình, tức là lên đọc bài soạn sẵn thì Sư Trưởng ngồi lắng nghe và khám phá ở đó có nhiều điều hay để học. Một người có tâm nghe pháp chỉ cần nghe một bài kinh được đọc lên, nghe vị giảng sư nào đó nói một vài điều thì chúng ta cũng có thể học được, quan trọng là sự học hỏi của chúng ta. Có một vài lần chúng tôi đi hành hương với những phái đoàn Phật tử, chúng tôi có nhận ra một điểm này, có những người Phật tử đi đến một khu chợ, như kỳ rồi chúng tôi đến thành phố Mumbai của Ấn Độ, thì người ta dẫn chúng tôi đến một khu nhà ga ở chỗ đó như là một khu chợ trời, trăm muôn ngàn thứ bán các vật lưu niệm của Ấn Độ kể cả các Phật cụ, nhưng có vài Phật tử họ đi một buổi rồi quay về nói ở đây không có gì để mua hết thì chúng tôi cũng nhận rằng mỗi người có nhu cầu riêng. Sau đó có một số Phật tử khác cũng đi cùng chuyến họ lại mua được một số vật kỷ niệm của người Ấn Độ bán ngoài chợ và khi về tới khách sạn thì những người kia nói "tại sao nãy mình đi mà mình không thấy." Cũng đi mà không thấy, và dù có thấy cũng không để ý nhiều. Chúng tôi nhận ra rằng có một lý do rất đơn giản, đó là đa số những người sống tại Âu Mỹ quen đi mua sắm ở những khu shopping có tánh cách gọi là sắp đặt nhất định. Thí dụ như mình cần mua quần áo thì đi đến tiệm chuyên bán quần áo, mình cần mua thức ăn thì đến tiệm chuyên bán về thức ăn và ngay cả những khu shopping có những khu bình dân, có những khu giàu có, và có những khu có tánh cách trang trí và những thứ mà chúng ta dùng như là quần áo giày dép thì nó cũng có phân loại riêng như những Departments Store chẳng hạn. Bằng thói quen đi shopping đó khi qúi vị đi vào chợ trời thì thật sự là khó để shopping lắm, tại vì chúng ta thấy ở đó nó lộn xộn không có thứ lớp gì hết, có những cửa hàng của người Tây Tạng bán Phật cụ tuy gian hàng rất nhỏ nhưng có một số tượng Phật có thể thỉnh được nhưng những vị này hoàn toàn không để ý, chúng ta quen sống ở trong cái nếp nào đó đi qua chỗ xa lạ thì chúng ta không có nhận ra. Thì cũng tương tựa như vậy, một số các vị có thói quen là mình học Phật Pháp thì phải đến chùa ngồi ở trong chánh điện rồi phải có vị Pháp Sư đăng toà thuyết pháp, rồi trong đó phải chuông trống rầm rộ mới gọi là học Phật Pháp. Còn bình thường mà nói một cách rất gọn rất ngắn không bày vẽ mang nặng về hình thức thì chúng ta không để ý. Tuy nhiên nếu chúng ta đi vào trong kho tàng kinh điển của Đạo Phật thì thấy rằng rất nhiều trường hợp, Đức Phật Ngài đã giảng cho những người Ngài gặp dọc đường, Ngài giảng cho những người đến đảnh lễ Ngài, ở trong một bài giảng rất ngắn vậy mà thay đổi tâm tư của người đó. Do đó nếu chúng ta quen thuộc với Phật Pháp thì một quyển pháp nhỏ cũng đáng cho chúng ta lưu tâm chứ không phải là chúng ta cần đến cả bộ kinh điển to lớn. Nhưng thí dụ đầu tiên Đức Phật Ngài thí dụ ở tại đây là trí tuệ lộn ngược nghe cũng thú vị, đầu óc của chúng ta tiếp thu không có khả năng chất chứa để chứa đựng như bình đựng nước bị lộn úp lại, đã bị lộn úp lại thì đâu chứa đựng được cái gì. Chúng tôi nhớ ở trong thiền tông có câu chuyện là đầu óc của một người mà có nhiều sự cố chấp thì giống như một ly trà và đã đầy rồi có chế thêm vào cũng tràn ra, nhưng câu chuyện thí dụ ly trà tràn ra thì chúng tôi nghĩ rằng nó cũng còn có thể chứa ít hoặc nhiều, còn ở đây nói trí tuệ lộn ngược thì nó không chứa được cái gì hết.
Đức Phật Ngài lại nói đến trường hợp thứ hai là có người lắng nghe và cũng có nhận thức nhưng mà rồi chỉ nghe và nhận thức ngay chỗ mình ngồi thôi khi đứng lên thì quên hết tất cả, đây là trường hợp xảy ra rất thường. Chúng tôi có một vị sư đệ là ĐĐ Giác Nguyên mà thường qúi vị nghe là ĐĐ Uyên Minh. Vị nào nghe sư Uyên Minh thuyết pháp rồi thì biết là Sư Uyên Minh thuyết pháp rất vui, nhưng nó lại có một chuyện là sư Uyên Minh đôi lúc sư thuyết pháp vì quá vui nên qúi Phật tử ngồi nghe sư thuyết pháp chỉ cười, mỗi lần chúng tôi về bên Tampa, Florida, sư thuyết pháp ở trên chánh điện có khi Phật tử ngồi cười từng chập, nhưng sau đó có người khi gặp những người khác họ nói bữa nay sư Uyên Minh thuyết pháp hay quá vui quá, rồi người ta hỏi là sư Uyên Minh nói cái gì thì vị Phật tử đó nói rằng không nhớ được chỉ biết là rất hay. Biết rất hay mà không nhớ được thì chuyện đó rất là bình thường. Tức là lúc sư Giác Nguyên thuyết pháp quí Phật tử rất là vui nhưng mà vì quá vui với cái duyên dáng với sự chọc cuời của sư Giác Nguyên và cũng có thể là quí vị chỉ lo để ý đến cái gì vui thôi nên vị đó không nhớ được pháp, khi bước ra khỏi chánh điện biểu lập lại cái sư Uyên Minh nói thì không nhớ, họa hoằn lắm thì mới nhớ được một chuyện. Chúng tôi nghĩ việc đó cũng là một việc bình thường, như đa phần chúng ta đi nghe pháp, ngồi trong pháp hội, lúc nghe lúc ngồi mình nhớ được nhiều thứ nhưng nghe xong thì quên hết, về điểm này thì chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng mỗi người có một tư chất, cái tư chất đó là trí nhớ và sự thẩm thấu. Nói điểm này thì chúng tôi nhớ đến câu chuyện người ta nói rằng ở bên Tây có hai vợ chồng, bà vợ khi coi phim ở trên TV hay trong rạp thì chỉ nhớ đến một việc là Tây trắng với Tây đen thôi, cứ Tây trắng đánh Tây đen, ông này ông kia không nhớ tên nhớ tuổi gì hết chỉ nhớ người này đánh người kia và đôi khi bà vợ nhắc lại chuyện phim làm ông chồng phải suy nghĩ rất nhiều mới nhận ra là bà vợ nói cái gì, mặc dù lúc coi phim thì người ta cũng cảm thấy hay cũng biết được nhân vật này nhân vật kia nhưng sau đó không có khả năng nhớ và gìn giữ lại. Thì Đức Phật Ngài có một cái ví dụ ở tại đây mà chúng ta đọc ở đoạn thứ hai
"Ví như này các Tỷ-kheo, trên bắp vế của một người, các loại đồ ăn được chồng lên như hạt mè, hột gạo, các loại kẹo và trái táo. Khi từ chỗ ngồi đứng dậy, vì vô ý, người ấy làm đổ vãi tất cả."
Ở đây gọi là trí tuệ trên đùi hay trí tuệ bắp vế, thì cái gì mình để trên đùi hay bắp vế khi đứng dạy bị đổ hết, khi mình nghe Pháp, khi mình lắng nghe hội luận hay thuyết trình mà lúc nghe thì nghe rất là nhiều, cười trong cái cười chung, vui trong cái vui chung, xúc động trong cái xúc động chung nhưng khi đứng dạy thì quên tất cả thì chúng ta nhớ rằng lúc đó cái trí tuệ người ta giống như trí tuệ bắp vế, cái gì để trên đùi thì khi đứng dạy đi mất hết.
Và sau cùng Đức Phật Ngài đề cập đến một thứ trí tuệ gọi là trí tuệ rộng lớn, trí tuệ này biết lắng nghe, biết lãnh hội và biết thẩm thấu tức là biết tiêu hóa. Đoạn này Đức Phật Ngài dùng nhiều thí dụ, ở trong một thí dụ Ngài nói rằng cái lưỡi mà tinh tế dù chỉ nếm một chút vị canh thì cũng cảm nhận được mùi vị của vị canh, hay là một người có mắt tinh tế thì khi có ánh sáng họ nhìn thấy họ sẽ nhận ra được vật nào xấu, vật nào đẹp, vật nào gần, vật nào xa. Người có tinh tế thì họ rất dễ nhận ra pháp nào là pháp nào. Có một sự việc mà đôi lúc thật ra chúng ta không thể truyền cho nhau được, chúng tôi lấy một ví dụ ở đây không phải nói để tự phụ, nhưng việc học Phật Pháp cũng có một điều là vị nào quen đọc kinh điển hay thường đọc sách cầm lên một quyển sách chỉ đọc thoáng vài ba trang hay chỉ nhìn lượt qua thôi thì đa phần là có thể đánh giá được quyển sách đó có giá trị hay không có giá trị, nhất là khi chúng ta đứng trước một tủ sách lớn, nhưng một người không quen thuộc với việc đó thì đứng cả ngày lựa hết cuốn sách này đến cuốn sách kia rốt cuộc lựa cuốn sách nào bìa đẹp nhất in đẹp nhất mang về, nhưng đẹp nhất về hình thức không nhất thiết là có giá trị về nội dung. Khi chúng tôi ở Sàigòn với HT Tịnh Sự thì chúng tôi có đem tâm sự này nói với một người ở trong chùa đó là cô Tư Yên, bây giờ cô đã mất rồi, cô là người nấu ăn cho HT ở trong chùa. Có lần tôi nói với cô Tư là nếu mình quen thuộc với sách vở thì không cần đọc hết cả ngàn trang mình mới biết giá trị của cuốn sách, mình cầm cuốn sách lên đọc cách họ chú thích, cách họ viết thì mình có thể nhận được giá trị của cuốn sách. Cô Tư Yên cười và nói cho chúng tôi nghe một thí dụ mà chúng tôi vẫn nhớ đến bây giờ, cô nói rằng: "Chuyện đó giống như đi chợ sư ơi. Một người biết đi chợ hay quen đi chợ, ra chợ ngó thoáng qua là biết cái nào mình nên mua, cái nào nó tươi cái nào nó tốt thì mình mua, còn người không quen đi chợ đi ra mua trái cây thì trái cây không ngon, đồ ăn thì lại không tươi mà mua mang về, tại vì không biết đi chợ."
Cái biết và cái không biết, cái tinh tế và cái không tinh tế, cái chính xác và không chính xác này nó là cái khéo mà đôi khi chúng ta rất khó để giải thích. Ở trên cuộc đời này người ta gọi là một chợ đời có trăm muôn ngàn thứ cho mình lựa chọn, nào là bạn bè, nào là sách vở, nào là những gì nên nghe và không nên nghe. Có Phật tử nói với chúng tôi rằng không hiểu tại sao mà những chuyện thị phi ông này bà kia nghe xong thì nhớ liền, thí dụ như nghe người ta nói xấu bà này thế này bà kia thế kia thì dễ nhớ, nhưng sao nghe Phật Pháp thì cứ lùng bùng bên tai vậy, không nhớ được. Thì thưa qúi vị, chúng tôi cũng phải nhìn nhận rằng quen trong cảnh giới nào thì mau mắn để ghi nhận, mau mắn để lãnh hội, mau mắn để ghi nhớ về điều đó, nó quen thuộc thôi. Do vậy bình thường chúng tôi có sự cố ý đó là chúng tôi không viết lại những bài kinh mà chúng tôi đem nguyên chánh văn bài kinh vào trong lớp học, qúi vị đọc thì hơi khó nghe, tại vì có nhiều đoạn dịch nguyên văn thì nghe hơi khác với chúng ta một chút xíu, nhưng chúng tôi muốn qúi Phật tử có cơ hội làm quen với văn phong của kinh điển, khi chúng ta làm quen với kinh điển rồi, như ở trong lớp học này có nhiều Phật tử nói với chúng tôi rằng hồi xưa đọc kinh rất ngán, bây giờ đọc kinh bắt đầu thích là bởi vì quen thuộc với sự hành văn với văn phong, với cách trình bày kinh điển, đó là một điều lợi cho chúng ta, khi chúng ta quen với điều gì thì chúng ta dễ phân biệt, dễ đón nhận, dễ lãnh hội, dễ nhận thức, và thế giới đó là một thế giới mở rộng ra, chúng ta đi vào thế giới đó chúng ta được một điều mới và đi vào thế giới đó là chúng ta tìm thấy được cả một vùng trời cao rộng.
Thỉnh thoảng có nhiều vị text chat riêng với chúng tôi, qúi vị đó cũng đồng ý một điều là nghe pháp là một điều rất an lạc nhất là nghe những đoạn đọc từ kinh điển, chúng tôi phải thưa với qúi vị rằng những lúc chúng tôi đọc kinh điển đôi khi chúng tôi cảm thấy Đức Phật như một ông cha Ngài ngồi đó Ngài dạy một cách rất là cặn kẽ cho những đứa con của mình, các vị tỳ kheo tỳ kheo ni, thiện nam tín nữ, Ngài chỉ dẫn rất nhiều điều như bài học này qúi vị nghe Đức Phật Ngài giảng Ngài không nói những điều xa xôi huyền hoặc, Ngài nói những điều rất thực tế, và ở trong kinh điển không phải có một hay vài thí dụ như vậy mà có hàng trăm hàng ngàn thí dụ như vậy. Và với cá nhân của chúng tôi đi vào thế giới đó thì quả thật là một thế giới thân quen, ở ngoài cuộc sống bình thường có bao nhiêu là hệ lụy phiền phức nhưng trở về đọc lại kinh điển, lật từng trang kinh thì tìm về một thế giới quen thuộc, thế giới đó quả thật là cho chúng ta rất nhiều.
Mấy hôm nay chúng tôi đang soạn chú thích những bức tranh về cuộc đời của Đức Phật, có 108 bức tranh như vậy, chúng tôi làm việc này không thấy cực mà cảm thấy rất vui là khi soạn thì mỗi một bức tranh chúng tôi có một câu thơ lục bát ngắn, ví dụ như trong bức tranh về Đức Bồ Tát lúc Ngài đứng ra nhận công quả dọn một con đường để rước Đức Phật Nhiên Đăng, nhưng khi Đức Phật Nhiên Đăng đến thì Ngài vẫn chưa hoàn tất con đường đó và Ngài đã nằm xuống thỉnh cầu Đức Phật và Chư Tăng bước lên người của Ngài để đi qua, và cái việc làm với tấm lòng cao qúi đó Ngài đã phát nguyện là Ngài sẽ thành Phật trong tương lai, Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài. Chúng tôi chú thích là:
"Kiếp xưa đại nguyện cúng dường
Hình hài gieo xuống trải đường Phật đi."
Chúng tôi làm những vần thơ như vậy tuy rất ngắn, theo thể lục bát, nhưng chúng tôi muốn rằng những vần thơ đó được qúi vị nào đọc dễ nhớ khi liên tưởng đến ý nghĩa của bức tranh, trong lúc soạn những chú thích của những bức tranh này thì trong lòng của chúng tôi rất vui và rất an lạc, là tại vì sao? là tại vì đó là một thế giới thân quen khi chúng ta đọc lại những giai thoại liên quan đến cuộc đời của Đức Phật thì chúng ta thấy rằng Đức Phật là bậc đại phúc, đại đức, đại từ, đại bi. Có người thương Ngài, có người ghét Ngài, có người phỉ báng Ngài, có người lắng nghe Ngài, có người mạ lỵ Ngài, nhưng mà với tất cả thì Đức Phật có một thái độ của bậc giác ngộ, thái độ của bậc tỉnh thức, chúng ta đọc những đoạn đó chúng ta thấy an lạc vô cùng.
Và bài học ngày hôm nay chúng ta thấy Đức Phật Ngài dạy về ba hạng người: hạng người với trí tuệ lộn ngược, hạng người với trí tuệ như bắp vế, hạng người với trí tuệ rộng lớn. Nghe thì có một chút khôi hài nhưng nó là một thực tế mà chúng ta thấy trong đời sống. Trí tuệ bị lộn ngược giống như một cái ghè đựng nước mà nó úp xuống thì nó không chứa được cái gì hết, trí tuệ như bắp vế là cái gì để trên đùi của chúng ta rồi đứng dạy nó rớt xuống hết, nhưng trí tuệ rộng lớn là người biết lắng nghe, lắng nghe đây là chú ý đoạn đầu, chú ý đoạn giữa, chú ý đoạn cuối, chẳng những biết nghe mà còn biết lãnh hội, chẳng những lãnh hội mà còn biết tiêu hóa nữa thì như vậy là một người biết hưởng nhiều sự lợi lạc. Đó là ý nghĩa của bài học này./.
No comments:
Post a Comment