(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh bị dính mắc
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5-3-2015, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Thành Savatthi kinh đô xứ Kiều-Tát-La (Kosala) là một giao điểm của một trục lộ giao thông thương mại rất quan trọng. Một kinh đô rất phồn thịnh, đặc biệt có 4 điều:
- Một là nằm ở vị thế rất trù phú, ngày xưa các quốc gia phồn thịnh phần lớn do hai yếu tố nông nghiệp và giao thương, Xá vệ có cả hai điều đó.
- Điều thứ hai, thời tiết ở thành Xá Vệ tương đối tốt, đi về hướng Bắc thì lạnh, ví dụ như gần chân núi Hy Mã Lạp Sơn vùng đất ngày nay chúng ta gọi là Népal, đi về phía Nam mùa hè tương đối rất nóng như vương quốc Ma Kiệt Đà, nhưng Xá Vệ tương đối không khí ôn hoà.
- Điều thứ ba, thành Xá Vệ thời Đức Thế Tôn còn tại thế có một đặc điểm là kinh đô của vương Quốc Kiều Tát La, một ở trong 2 vương quốc trù phú của châu thổ sông Hằng, vương quốc khác là Ma-Kiệt-Đà với kinh đô Vương Xá. Riêng về xứ Kosala (Kiều-Tát-La) là một quốc gia lớn, tại thành Xá Vệ có rất nhiều nhà triệu phú và nổi tiếng, chúng ta được nghe đến ông Cấp-Cô-Độc và bà Vishaka tất cả đều là đệ tử Đức Phật.
- Điều thứ tư. Đức Thế Tôn Ngài đã an cư 24 mùa hạ tại thành Xá Vệ đó là 24 mùa hạ cuối đời Ngài. Ở trong suốt thời gian gần 1/4 thế kỷ không phải lúc nào Đức Thế Tôn cũng ở Xá Vệ mà là tới mùa mưa Ngài ở thành Xá Vệ thời gian khác Ngài cũng đi du hành đó đây, 24 năm, đó là sự tuần hoàn của rất nhiều chu kỳ về kinh tế.
Ví dụ như chúng ta thấy nền kinh tế Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng tăng trưởng ở một nhịp độ giống nhau, có sự trồi sụt đó là chuyện rất bình thường, để đi theo chu kỳ hết tăng trưởng rồi suy thoái, hết suy thoái rồi tăng trưởng, vì vậy điều này ảnh hưởng lớn những người dân ở trong xứ khi kinh tế có dấu hiệu tăng trưởng, niềm tin vào kinh tế được mạnh mẽ người ta bắt đầu chuyển hướng từ cần kiệm qua sự hưởng thụ, và khi người ta có tiền sự hưởng thụ đó có nhiều thứ. Tại Mỹ người ta thường gắng liền hai chỉ số của comsumer confidence và comsumer spending tức là niềm tin của giới tiêu thụ và chỉ số tiêu dùng của người tiêu thụ, khi người ta có niềm tin vào kinh tế tốt người ta sài tiền mạnh tay hơn và đời sống có vẻ hưởng thụ nhờ đó kinh tế phát triển nhiều khía cạnh nhiều lãnh vực.
Bài kinh ngày hôm nay gợi nhắc chúng tôi hình ảnh của Thái Lan 20 năm về trước, đó là thời đất đai ở Bangkok với giá trị tăng vọt, đó là thời cả đất nước Thái Lan đều hướng tới sự mở mang tăng trưởng. Bangkok chuyển mình khắp nơi đều có cao ốc được xây cất và thế lực của đồng tiền chi phối trong mọi lãnh vực của đời sống. Chẳng những vậy, Bangkok đã mở ra một chương mới về sự hưởng thụ, những khu thương mại sầm uất mọc lên, có thể nói rằng đã đưa rất nhiều người trở thành những người cự phú, cực kỳ giàu có và đời sống xa hoa đã tồn tại ở trong rất nhiều khu phố của Thái Lan, của Bangkok.
Một khi người ta sống trong thời kỳ hay trong giai đoạn kinh tế tăng vọt thì tự nhiên sự hưởng thụ trở thành điều tất yếu, và hình ảnh đó đập vào con mắt của Chư Tỳ Kheo. Tương tự như 20 năm trước chúng tôi đi trên những con phố ở Bangkok đã từng thấy sự náo nhiệt của hàng quán ăn uống, của bông hoa của đèn, của quần là áo lụa, nam thanh nữ tú, bao nhiêu là sự phấn khởi nghĩ về tương lai của đất nước.
Dĩ nhiên nó là một giai đoạn, không phải lúc nào cũng như vậy, nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng điều đó đã hiện rõ ở trên đường phố ở trên những hành trình Chư Tỳ Kheo đi khất thực và các vị này trở về để trình với Đức Phật về đời sống của những người trong thành Xá Vệ bây giờ họ đặt nặng sự hưởng thụ các dục lạc. Nhân đó Đức Phật Ngài dạy bài kệ:
Chúng sanh bị tham đắm,
Trong các loại ái dục,
Họ không thấy lỗi lầm,
Trong phiền não kiết sử,
Chắc chắn các chúng sanh,
Tham đắm trong ái dục,
Họ không vượt qua được,
Thác nước rộng và lớn.
Trong bài kệ Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh, có lẽ qúi vị nào ngày xưa trước năm 1975 có đọc tác phẩm "Vô gia đình" một tác phẩm của Hà Mai Anh dịch và cũng là người dịch cuốn "Tâm hồn cao thượng" sau này cuốn là "Vô gia đình", đó là một quyển tiểu thuyết nhỏ nói về một bé trai lạc loài trở thành một người lang thang trải qua bao nhiêu truân chuyên đưa đẩy và trở thành một khách lữ đi trên một con thuyền dọc theo dòng sông Nile. Sông Nile chúng ta được biết ở Ai Cập chảy ra Địa Trung Hải nhưng từ giòng sông Nile ngược giòng đã đi qua nhiều quốc gia Phi Châu và có lúc giòng thủy lưu đã đưa con thuyền đến các ghềnh thác nước. Chúng ta hiểu được ngày nay trên thượng nguồn của con sông vẫn còn có những thác nước, nhỏ gọi là ghềnh, lớn gọi là thác, và những thác ghềnh rất nguy hiểm cho những người đi, khi nó đổ xuống nếu mình không may mắn thoát chết thì từ trên cao rớt rơi xuống kể như từ chết tới chết thôi.
Ở đây, Đức Phật Ngài dùng hình ảnh của một giòng nước chảy mạnh đưa chúng ta đến thác nước và thác nước đó quá lớn, quá cao, quá rộng không thoát được khi đổ từ trên cao xuống.
Tương tự như vậy, ở trong cuộc đời này có những trào lưu, trào lưu của phát triển, của hưởng thụ. Giống như bây giờ chúng ta đang có trào lưu về tin học, về internet, về điện thoại thông minh, ai cũng có ai cũng sài, và nó trở thành một phần của cuộc sống.
Nhưng Đức Phật Ngài dạy: chúng sanh bị đắm chìm trong ái dục không thấy được lỗi lầm của ái dục trong phiền não kiết sử tức phiền não trói buột, họ không vượt qua được thác nước rộng và lớn.
Chúng ta hiểu con người thường hay chạy theo trào lưu, chạy theo những quan niệm thời thượng và với trào lưu đó chúng ta bị cuốn hút vào quan niệm của phần đông, cái xu thế của cuộc đời thế nào thì chúng ta lại chạy theo xu thế đó, vì chúng ta không có khả năng để rời khỏi đám đông để nhìn lại vấn đề coi nó ra sao, nó như thế nào. Sự việc đó chi phối chúng ta mãnh liệt, mãnh liệt lắm. Để thấy được lỗi lầm của dục lạc không phải chuyện đơn giản. Nó cũng giống như có thời nào đó tất cả những ngôi chùa Phật Giáo đều đua nhau xây càng to càng tốt, có thời nào đó người ta cố gắng tích tập tài sản càng nhiều càng tốt, có thời nào đó người ta cố gắng hưởng thụ càng nhiều càng tốt v.v... Đó là xu thế, nó là một sự lôi cuốn, nó là giòng cuộn chảy, giòng cuộn chảy đó chúng ta không có ngừng được.
Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên tỉnh táo nhận ra được lỗi lầm của các dục lạc, sự cột trói của các dục lạc, cái gì khiến chúng ta mất đi sự tự tại mà có quá nhiều vướng vấp, quá nhiều sự ràng buột, quá nhiều sự cột trói chúng ta phải thấy được lầm lỗi của các dục.
Thí dụ, Đức Phật Ngài dạy lầm lỗi các dục là: do các dục nên cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha, anh em tranh chấp với anh em, vợ chồng tranh chấp với vợ chồng.
Khi dục lạc càng tăng thịnh những sự tranh chấp càng nhiều, người ta hơn nhau từng lời từng chút, người ta sẵn sàng phỉ báng mạ lỵ nhau để tìm cách nâng uy tín của mình trở thành nổi tiếng và chà đạp những người khác để cho người khác không được cái mà đáng lẽ họ phải được.
Tất cả những hiện tượng đó đều từ lỗi lầm tự nhiên của dục lạc. Dục lạc phải có tranh dành và trong tranh dành thì có bao nhiêu sự tổn thương, bao nhiêu phiền lụy, bao nhiêu uẩn khúc, bao nhiêu khổ ải, chúng ta không thấy được điều đó, chúng ta không thấy được sự sa đà của một trào lưu mà người ta đang quá đặt nặng về nó. Thì thưa qúi vị, chúng ta bị cuốn phăng đi giống như một giòng nước từ trên cao đổ xuống chảy mạnh và cuốn phăng đưa chúng ta đi đến thác ghềnh và trước mắt là một giòng thác rất rộng rất lớn, nó quá rộng để chúng ta có thể chạy trốn có thể tấp vào bên này hay tấp vào bên kia, chúng ta bắt buộc phải chảy phăng xuống giòng thác và rơi xuống. Hình ảnh đó chúng ta tìm thấy rất nhiều ở các nơi.
Hiện nay chúng ta đang sống trong một thời đại có rất nhiều sự tăng trưởng về kinh tế. Các quốc gia đang mở rộng những biên giới, và ngành giao thương càng mạnh thì tạo nên nhiều điều kiện tốt về tiền bạc, cùng với khoa học kỹ thuật cho phép chúng ta có những thành tựu rất lớn, chưa có thời nào có nhiều những sản phẩm mới như thời đại này, hầu như mỗi tuần mỗi ngày đều có những sản phẩm mới mời mọc người tiêu thụ, và biên giới của các quốc gia cũng mở rộng, với thông hành passport đã cho chúng ta đi rất nhiều quốc gia khác nhau, ngày xưa đi thì khó khăn bây giờ đi tương đối là dễ dàng từ Âu Châu sang Á Châu. đặc biệt các quốc gia Á Châu. Con người đang tôn sùng chủ nghĩa về kim tiền, bên cạnh chủ nghĩa kim tiền chúng ta có thì phải nhận người ta có muôn ngàn cách để hưởng thụ, chính về điều này là những lôi kéo rất lớn. Bài kinh ngày hôm nay theo lời của Đức Phật dạy là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta, chúng ta bị cuốn hút, chúng ta lao vào đó bởi chúng ta không thấy sự lỗi lầm chúng ta không thấy cái giây cột trói, lỗi lầm ở đây tức là nó có những hệ lụy, giây cột trói ở tại đây tức là những cái ràng buộc.
Chúng tôi nghe rất nhiều những câu chuyện đau lòng, câu chuyện đó là ở VN có những người bỏ xứ ra đi vượt biên giao nhà cửa lại cho người thân cho cha cho mẹ, rồi cha mẹ sống trong căn nhà đó thì nhiều năm qua những người này gửi tiền về để lo chăm sóc cha mẹ, chuyện đó rất là tốt. Nhưng có một ngày người con khám phá ra căn nhà cha mẹ đang ở rất được giá, nhà ở VN mà giá cao hơn ở Mỹ, thì những người này trở về VN tìm cách lấy lại căn nhà để bán đi có số tiền khổng lồ và phải mời cha mẹ anh em ra khỏi nhà rồi chẳng những vậy còn dẫn đến kiện tụng, dẫn đến bao nhiêu nước mắt bao nhiêu sự đau lòng. Chúng tôi ở bên Mỹ này cũng gặp nhiều trường hợp con cái đi làm đầu tắt mặt tối, nhà bên California rất đắc người ta tìm mọi cách để làm sao có lợi tức để trả tiền nhà hàng tháng, cha mẹ già hàng tháng sống chung với những vị này thì chúng ta cũng hiểu đi làm cực quá tiền bạc thì cũng không dư giả thành ra những vị này lại nghĩ rằng cha mẹ già rồi lãnh tiền hàng tháng cũng không sài cái gì sao cha mẹ không đóng góp vào việc nhà, cha mẹ vì thương con thương cháu ở trong nhà nên cũng đóng góp vào nhưng đôi khi cũng có những lời trách móc nặng nhẹ là sao ba má không giúp cái này không giúp cái kia. Khi nghĩ những chuyện đó bi kịch rất là buồn, buồn ở độ là lẽ ra sống trên một quốc gia có điều kiện về kinh tế nhiều làm ra tiền nhiều chúng ta sẽ vui hơn nhưng bởi vì chúng ta mong muốn nhiều quá, chúng ta mong muốn có nhà cửa, chúng ta mong muốn có đầu tư về dài và đôi khi chúng ta quên đi cái tình, quên đi cái ân sâu, quên đi ơn nghĩa cha mẹ mà chỉ mong sao cha mẹ không có giúp cái này cha mẹ không giúp mình cái kia.
Cuộc đời là như vậy. Đức Phật Ngài dạy chính do những dục lạc tạo nên những sự tranh dành tạo nên những va chạm, tạo nên những hệ lụy giữa người thân với người thân, nó còn có vô số chuyện khác. Chúng ta đọc tin tức ở VN thấy có nhiều trường hợp con cái cần cái gì đó, cần tiền để đi với bạn trai, đi với bạn gái, cần tiền để chơi game hay làm cái gì đó mà cha mẹ có tiền không cho thì giết cha giết mẹ chỉ để lấy tiền bạc để lấy ít đồ trang sức, đó là bi kịch của cuộc sống. Cuộc sống của con người đến mức độ nào đó mình quá mong muốn, mình quá khao khát chuyện gì đó thì mình có thái độ bất chấp và sự bất chấp đó tạo ra đau thương ngay cả trên người thân rất thân của mình, Đức Phật gọi là đó là lỗi lầm của dục lạc. Các dục lạc vui ít khổ nhiều và nguy hiểm lại nhiều hơn. Đó là điều Đức Phật Ngài dạy.
Chưa có thời nào chúng ta sống dễ dàng để cảm nhận điều Đức Phật dạy như thời này và với câu Phật ngôn này thì đúng là một giòng thác, một giòng nước lũ cuốn phăng, một giòng nước chảy rất mạnh dẫn đến một thác ghềnh và thác ghềnh đó quá lớn để chúng ta tránh né chúng ta phải rơi xuống từ trên cao.
Ở trong kinh cũng nói có thời nào đó con người rất khôn ngoan rất qủi quyệt, từ sự tranh chấp tạo ra chiến tranh, tạo ra điêu linh, tạo ra sự tàn hại lẫn nhau, rồi những người có trí bỏ tất cả đi vào trong rừng để tránh xa những sự tranh chấp đó. Bây giờ chúng ta nhìn lại trên thế giới thay vì sự giàu có làm cho con người được sống bình an được hưởng thụ, thì chính sự sự giàu có sự phát triển làm cho con người tranh chấp. Quê hương Việt Nam của chúng ta nằm ở trên vị thế Viễn Đông là một thùng thuốc nổ có thể nổ ra bất cứ lúc nào trước những cuồng vọng xâm lăng trước những tham vọng điên cuồng tại vì nguồn hải sản phong phú đó, khoáng sản phong phú đó, dầu khí phong phú đó nằm ở dưới đáy biển và người ta sẽ tạo thành một cái thế để khơi dậy bất cứ mọi trận chiến nào nếu người ta thấy rằng người ta có đủ sức lực mạnh, nếu người ta thấy rằng người ta có đủ vũ khí để theo đuổi những tham vọng điên cuồng như vậy. Thì nó là bi kịch muôn thuở của nhân loại. Và đó là cái khổ muôn đời mà Đức Phật dạy rằng đó là lầm lỗi của các dục. Chúng ta quá khao khát cái gì đó dẫn đến sự bất chấp thủ đoạn.
Một người học Phật, thỉnh thoảng chúng ta ngồi nhắc lại đọc lại, chiêm nghiệm những lời của Đức Phật. Đức Phật Ngài dạy chúng ta rất rõ ràng là chúng ta nên ý thức những điều đó và làm thế nào để cuộc sống không trở thành một thảm kịch, nó không dẫn chúng ta đến một chung cuộc quá khổ ải, quá phiền lụy. Không phải chỉ có thời xưa mà thời nay cũng vậy, sự phát triển, sự tăng thịnh của nền kinh tế thường hay dẫn con người đến chỗ xa đoạ ngông cuồng và để lại không biết bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu bi kịch cho cuộc sống.
Chúng ta tu tập theo Đức Phật và gọi Ngài là Phật tại vì chúng ta hiểu Phật là bậc tỉnh thức. Ngài tỉnh thức trong cả hai trường hợp, sự tỉnh thức trước những nghịch cảnh khổ nạn và Ngài tỉnh thức trước những đam mê dục lạc của cuộc sống. Trong cả hai trường hợp Đức Phật Ngài đều là bậc tự mình thấy rõ biết nên chúng ta gọi Ngài là Phật, bậc tỉnh thức.
Con người chúng ta có bao nhiêu thứ nhu cầu và đặc biệt sở thích của chúng ta là những cuồng vọng. Phải nói, chúng ta tự hỏi nếu mình có nhiều tiền bạc, có chức cao quyền trọng con người chúng ta sẽ như thế nào? Chúng ta có trở thành điên đảo, chúng ta có đánh mất đi giá trị chân thật của mình không? Điều đó dám có lắm chứ không phải không.
Tại Hoa Kỳ, người ta có làm một cuộc nghiên cứu tìm hiểu nhiều người khi trúng số độc đắc, cái giàu có của họ không hẳn mang lại cho họ được hạnh phúc mà đa phần mang lại cho họ nhiều khổ lụy và khổ lụy đó có thể nói là vô cùng, họ mất đi người thân, họ mất đi chính họ, họ mất đi cuộc sống ổn định và bao nhiêu thứ chồng chất, đến nỗi có một vài người mong muốn phải chi họ đừng có trúng số để trở lại cuộc sống bình thường trước kia.
Chúng tôi sống ở trong chùa quen biết những người xuất gia, có những người đáng lẽ đời sống tu tập tốt lắm nhưng vì một chút hư danh, vì một chút địa vị nào đó mà đánh mất đi định hướng của mình, trở thành cuồng nhiệt ở trong danh trong lợi, cuối cùng ở trong cuộc sống chỉ từ khổ đau đến khổ đau chứ không được gì hết.
Và khi nghĩ đến những vị đó, nhìn những vị đó thì bản thân của chúng ta cũng nên thắp sáng nhận thức của mình liệu mình có đi theo con đường đó hay không? Đó là tại sao mỗi ngày chúng ta ngồi đây đọc lời Đức Phật dạy mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi lạc. Bởi vì chính có Đức Phật có lời dạy của Ngài và có sự gợi nhắc về lời dạy của Đức Phật lâu lâu cho chúng ta hồi tỉnh một chút, cho chúng ta nhìn lại vấn đề khác đi. Từ chỗ nghèo rồi có tiền bạc, từ chỗ tầm thường rồi có địa vị, từ chỗ một cuộc sống rất an lạc vì không đặt quá nặng cái "tôi" cái "ta", cái mình trở thành rất quan trọng, trở thành vĩ đại. Và đời sống mình thay đổi rất nhiều để có thể đi, có thể sống, có thể an lạc với cái gì bình dị nó không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta thường chạy đuổi theo những hư danh, chúng ta thường chạy đuổi theo những mồi danh bã lợi, và rồi đến lúc nào đó mình nhìn lại mình cảm thấy mệt mỏi về đủ thứ chuyện.
Chúng tôi có mắn ở trong đời được tiếp xúc với một vài vị trưởng lão và những vị này có một quá khứ lừng lẫy, có địa vị cao trọng và cuối đời có được tâm rất thanh thản. Hình ảnh của những vị đó quả thật dạy cho chúng ta rất nhiều. Mình cứ tưởng tượng một người sống cuối đời khi kề cận cái chết mà cứ nghĩ đến danh đến lợi thì thật sự khổ sở lắm. Những lúc đó tâm chúng ta thanh thản thì đỡ hơn nhiều, những lúc đó tâm của chúng ta nhẹ nhàng thì chúng ta bớt đi cái khổ. Mình khách quan thì mình có thể nói như vậy nhưng nếu người đó là chính mình thì điều đó không đơn giản, không phải dễ hiểu và cũng không phải dễ làm. Chúng ta thường bị cuốn hút, cuốn hút vào những quan niệm của phần đông, cuốn hút vào xu thế và chúng ta không thể cưỡng lại được. Hãy nhìn giòng nước chảy rất mạnh, giòng nước đưa đến những thác nghềnh và những thác nghềnh này có thể làm chết người khi mình rơi xuống liệu chúng ta có đủ sự bình tỉnh để làm thể nào để vượt qua khỏi giòng nước đó rồi lên bờ hay không? Câu trả lời là ở mỗi chúng ta.
Ở đây hình ảnh Đức Phật dạy về sự cột trói. Nhiều khi mình thấy đó là cái gì mình được, cái gì mình có, cái gì mình thủ đắc. Nhưng kỳ thật Đức Phật dạy rằng đó là sự cột trói. Sự cột trói đó nó bắt buột chúng ta phải làm cái này không làm cái kia, hay buột dính với cái này không được buông cái kia, đó là sự buột trói.
Trong Đạo Phật dạy một chữ rất đẹp, những phiền não nội tại là những kiết sử, là những dây trói buột. Và cứu cánh của chúng ta là giải thoát. Giải thoát cái gì? Giải thoát khỏi phiền não, giải thoát khỏi hệ lụy của năm uẩn. Nhưng trước nhất là giải thoát khỏi phiền não. Và cách cởi giải thoát là bắt đầu bằng sự giác ngộ. Giác ngộ và giải thoát ./.
No comments:
Post a Comment