Tôn Giả Ratthapala - Tăng Chi Bộ - Chương 1
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 22-2-2016, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Thời Đức Phật còn tại thế tại một vùng đất những người dân có duyên lành đặc biệt với thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Quán, vùng đất tên Kuru. Vùng đất đó ngày nay người Ấn Độ đặt thủ đô là Tân Đề Ly, nơi này vẫn còn có bia ký của vua A Dục đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đã thuyết trình kinh Đại Niệm Xứ. Người Kuru đặc biệt mỗi khi gặp nhau thường hỏi nhau "anh chị có thực hành Tứ Niệm Xứ không? có đạt được tiến bộ gì không?" Và việc hành thiền đã trở nên một sự thực hành rất phổ cập tại đây.
Tại Kuru một lần Đức Thế Tôn về thuyết pháp, một số đông các vị Balamon đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và nghe Ngài thuyết pháp họ rất hoan hỉ, sau khi nghe pháp xong họ đảnh lễ Đức Phật đi về, riêng một thanh niên trẻ tuổi ở lại không về, thanh niên đó đúng với chữ trong kinh thường đề cập kulaputta nghĩa là một thiện gia nam tử trong từ chữ Hán. Thiện gia nam tử chỉ cho một người xuất thân từ trong một gia đình gia giáo còn trẻ có đầy đủ những điều kiện tốt đẹp của đời sống nhưng lại là một người được hấp thụ đầy đủ về giáo dục và rất có thiện tâm, Ratthapala là một thiện gia nam tử như vậy.
Thanh niên trẻ tuổi đó đến trước Đức Phật đảnh lễ Ngài và khẩn khoản xin được xuất gia bởi vì vị này sau khi nghe pháp hiểu rằng chỉ có đời sống xuất gia mới có thể thực hành phạm hạnh viên mãn được, đời sống gia đình rất khó. Đức Phật Ngài rất hoan hỉ, Ngài dạy trước khi xuất gia cần phải về nhà xin phép cha mẹ. Ratthapala đảnh lễ Đức Phật và bạch sẽ làm tất cả những gì cần làm để có được sự chấp thuận của cha mẹ cho đi xuất gia.
Thanh niên Ratthapala trở về nhà thưa với cha mẹ về ý định của mình mong cha mẹ chấp nhận. Phản ứng đầu tiên Ratthpala tìm thấy ở cha mẹ là sự phủ quyết, sự phản đối mạnh mẽ. Cha mẹ Ratthapala nói: "Con là con trai duy nhất của ta, con muốn tạo phước thì đây là tiền, đây là của, con muốn làm phước như thế nào cũng được nhưng con không thể đi xuất gia được, tại vì con là con độc nhất trong gia đình".
Với một sự phản đối mạnh mẽ gần như không có cách gì có thể lay chuyển, công tử Ratthapala đành phải dùng cách tuyệt thực. Ratthapala đã ngồi một chỗ không ăn không uống và nói: " Con sẽ không ăn không uống và sẽ không rời chỗ này cho đến khi được phép của cha mẹ đi xuất gia".
Ban đầu cha mẹ Ratthapala nghĩ cứ để yên như vậy một lúc thì đói khát Ratthapala chắc chắn sẽ bỏ cuộc. Nhưng mà không, từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối Ratthapala vẫn ngồi yên bất động. Bấy giờ bà cụ xót xa, tại vì chưa bao giờ thấy con mình nhịn đói nhịn khát trong một thời gian dài như vậy, hai ông bà lại nghĩ một điều bây giờ phải nhờ những người bạn. Ratthapala có rất nhiều bạn bè bởi vì là một thanh niên trẻ giàu có hoạt bát do đó bạn bè đông, Ông bà gọi những người bạn đến, những người bạn này được yêu cầu khuyên nhủ Ratthapala thay đổi ý định. Nhưng mà rồi khuyên nhủ không được, không ai có thể thay đổi ý tưởng của Ratthapala.
Cha mẹ của vị công tử nhận ra một điều chỉ còn một cách duy nhất cho vị này đi xuất gia rồi sau đó tìm cách để kéo trở về. Cha mẹ Ratthapala cũng nghĩ rằng cho Ratthapala xuất gia cũng còn có hi vọng Ratthapala không chịu được những gian khổ của đời sống không nhà không gia đình và sẽ trở về với đời sống thế tục.
Cuối cùng công tử Ratthapala đạt được yêu cầu đó là sự đồng ý của cha mẹ cho đi xuất gia. Ratthapala trở lại gặp Đức Thế Tôn, Đức Phật Ngài đã cho phép thọ đại giới. Rất nhanh chóng sau đó không lâu với sự hướng dẫn chỉ dạy của Đức Phật Ratthapala thành tựu quả vị viên mãn giác ngộ giải thoát trở thành vị Alahán.
Nhưng câu chuyện mang đầy kịch tính của vị tỳ kheo trẻ tuổi Ratthapala không dừng lại ở đó, chúng ta được Tôn Giả Ananda tiếp tục kể lại.
Có một lần Tôn Giả Ratthapala đi ngang căn nhà nơi mình đã lớn lên từ thời thơ ấu. Cha của Tôn Giả Ratthapala đang ngồi phía trước cửa thấy ở xa có một vị Samon khất thực mang bình bát đi đến, ông nổi cơn giận, ông nghĩ trong lòng chính do những ông thầy tu này mình mất đi đứa con yêu qúi. Ông quay lưng vào trong nhà, ông nói với những người gác cổng: "Thấy ông thầy tu từ xa đi đến không? Chính vì ông thầy tu như vậy ta mất một đứa con do đó khi nào ông thầy đi ngang qua các ngươi phải to tiếng chửi".
Vì ông chỉ thấy Ratthapala từ xa do đó chưa nhận ra đó là con của mình, và vì quá bực ông đã ra lệnh cho những người khác chửi bới xỉ vả cũng vì ông không biết đó là con của mình. Những người gác cổng phải nghe lời ông chủ khi Ngài Ratthapala đi ngang nhà họ dùng nhiều lời thậm tệ chửi mắng Ngài.
Tất nhiên, là một vị Samon một vị Alahan khi bị người khác chửi mắng đó không phải việc làm cho Ngài xao xuyến.
Một chuyện xảy ra là khi Ngài đi ngang qua nhà đến một bãi cỏ tương đối lớn, Ngài gặp một người nữ tỳ đang bưng một thau cháo đi đổ. Gia đình của Ngài Ratthapala rất giàu có, người Ấn Độ ít khi nấu ăn dư thừa, thường họ nấu canh rất kỹ nhưng những gia đình giàu có thường mời người này người kia đến và để có đủ số thức ăn cho tất cả mọi người họ thường nấu dư, đó là dấu hiệu của gia đình giàu có, và có một điều khác nữa người ta không ăn thức ăn qua đêm lý do thời đó không có tủ lạnh những thức ăn nấu với sữa để qua đêm thường bị hư nên thức ăn thừa đổ đi cũng là dấu hiệu của người giàu có. Và khi đem đổ người ta không đổ trong nhà vì sợ nó hôi, họ đổ xa. Thì Ngài thấy một người gia nhân ở trong nhà của mình trước kia muốn đổ bỏ cháo Ngài mới nói: "này chị, nếu phải đổ bỏ cháo này thì hãy đổ vào bát của tôi" . Tại vì Ngài biết cháo đó vẫn còn ăn được người ta muốn đổ đi là tại vì ở trong nhà không muốn ăn đồ cũ. Ngài nói: "cứ đổ vào bát của tôi". Người nữ tỳ nhìn lên thấy Ngài bởi vì nghe được giọng nói của Ngài người tỳ nữ nhận ra đó chính là thiếu gia, chính là vị thiếu chủ mình đã từng chăm sóc khi còn là một cư sĩ.
Người nữ tỳ sớt cháo vào trong bình bát của Tôn Giả một cách lễ độ và nhanh chóng chạy về nhà gặp mẹ của Ngài Ratthapala thưa với bà cụ: "Thưa Tôn Mẫu, Tôn Mẫu có biết là công tử đã trở về không?"
Khi nghe người nữ tỳ nói như vậy mẹ của Ngài Ratthapala nói với người nữ tỳ: "Nếu thật sự là Ratthapala về thì con sẽ không còn là người ở đợ trong nhà của ta nữa". Ý muốn nói nếu Ratthapala thật sự trở về thì bà sẽ cho tiền người nữ tỳ trở về lập nghiệp để trở thành một người có đời sống tự lập độc lập không còn thân phận người nữ tỳ nữ.
Câu nói đó thể hiện thể hiện tình thương bao la của bà mẹ, mừng lắm, vui lắm khi được nghe đứa con trở về. Bà đi đến cha của Ngài Ratthapala hỏi: "Ông có biết con trai mình trở về không?" Khi ông nghe nói con trai mình đã trở về ông vội chạy ra đường và đi theo hướng người nữ tỳ nói, từ xa ông thấy một vị Samon ngồi dựa vào bức tường, mau chóng ông nhận ra đó là đứa con trai của mình Ratthapala đang ngồi trong sự thanh tịnh yên lặng thọ thực, thực phẩm đó chính là phần cháo trong nhà biểu người nữ tỳ đem đổ.
Ông chạy đến nói: "Này con thân yêu, có phải con đang ăn cháo bị đổ bỏ không? Đây là nhà của con tại sao con không vào nhà?" Câu nói đó của người cha nói lên đủ tất cả sự thương yêu của bậc cha mẹ đối với đứa con của mình.
Ngài Ratthapala từ tốn trả lời: "Đối với đời sống Samon chỗ nào cũng là nhà".
Câu nói đó là một câu nói rất hay về sau này có một nhà thơ viết câu này thành một bài thơ rất đẹp:
"Trong trời đất nơi nào không quán trọ,
tâm tư vô danh lai khứ cũng vô danh."
Chúng ta có câu nói "bốn biển là nhà". Nhưng câu nói ở đây, với vị Samon đã xuất gia rồi thì không có nhà, đã từ bỏ gia đình rồi thì không có nhà nữa. Thật ra một sự khác biệt giữa vị tu sĩ Bàlamon và Samon. Đời sống Samon là đời sống từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống không nhà.
Ngài Ratthapala nói Ngài có đi ngang nhà nhưng không nhận được thực phẩm, chỉ nghe những lời chửi mắng thôi.
Cha của Ngài nói bây giờ hãy về nhà tại vì lúc đó không biết, bây giờ hãy về nhà.
Tôn Giả Ratthapala nói hôm nay thọ thực như vậy đã đầy đủ rồi, Ngài nói hôm nay Ngài ăn cháo vậy là đủ rồi.
Cha của Ngài nói "vậy ngày mai đến nhà dùng cơm". Đó là lời mời trai tăng và Tôn giả im lặng, sự im lặng là cách nhận lời của những đệ tử Phật, và chính Đức Phật cũng đã như vậy.
Cha của Tôn Giả Ratthapala lập tức trở về nhà gọi những người trong nhà chuẩn bị những gì cần thiết. Ông cho dọn dẹp trang trí nhà rất đẹp, nhà đã giàu đã đẹp rồi bây giờ phải làm cho đẹp thêm, đặc biệt trong nhà được trang trí bằng hai đống vàng đống bạc. Ngày xưa người ta không dùng tiền giấy như chúng ta bây giờ, họ dùng vàng và bạc. Và vàng và bạc được chất thành đống lớn được những tấm màn để che lại giống như một cách để trang trí. Cha của Ngài cũng gọi những người vợ cũ của Ratthapala, trước khi Ratthapala đi xuất gia cha Ngài cũng đã tìm những mỹ nữ những người đẹp về đề làm vợ cho đứa con trai của mình. Ông dặn những người vợ này hãy trang điểm thật đẹp, mặc đẹp với những bộ quần áo đẹp ngày xưa đã từng được Ratthapala ưa thích.
Đêm đó Ngài ngủ ở ngoài rừng dưới một cội cây. Sáng hôm sau Tôn Giả Ratthapala từ chỗ nghỉ của mình đi đến ngôi nhà xưa để làm theo lời hứa với người cha đến để nhận thực phẩm trai tăng. Khi Ngài Ratthapala đến trong nhà đã soạn một chỗ ngồi giống như ở trong nhà thường mời các vị Balamon đến ăn cơm. Người Ấn Độ rất quen thuộc với nghi thức này, thỉnh thoảng họ mời các vị tu sĩ đến nhà dùng cơm, cho đến bây giờ cũng như vậy, những vị đi học ở Ấn Độ lâu lâu cũng được các người Balamon mời đến nhà ăn cơm.
Khi Tôn Giả ngồi xuống, cha của Ngài gọi các gia nhân kéo những tấm màn lêm, khi hững tấm màn được kéo thì hiện ra những đống vàng ngọc ngà châu báu thật lớn, lớn đến nỗi Ngài sống trong gia đình giàu có mà Ngài chưa thể tưởng tượng là trong nhà có tiền bạc nhiều như vậy, lâu này cha của Ngài chưa bao giờ mang vàng bạc ra chất đống nhiều như vậy.
Người cha nói với Tôn Giả Ratthapala bằng tất cả sự thương yêu của người cha: "Này con Ratthapala, đây là tiền tài là gia sản của mẹ, của cha, của tổ tiên, con có thể hưởng thụ vật chất những gì con muốn và đồng thời làm các công đức làm các việc phước đức, con hãy rời bỏ đời sống xuất gia hoàn tục để hưởng thụ các tài vật và làm các phước thiện".
Ý người cha muốn nói chỉ cần Ratthapla hoàn tục tất cả tài sản này giao hết cho Ratthapala có quyền hưởng thụ và cũng có thể làm phước nếu qúi đạo, thi dụ như qúi đời sống hiền thiện thì Ratthapala có thể làm công đức được.
Ngài Ratthapala đã nhẹ nhàng nhưng rất rõ ràng Ngài nói : "Thưa gia chủ, nếu thật sự gia chủ có thể làm theo lời của bần đạo đem tất cả vàng bạc châu báu này đổ xuống giữa giòng sông Hằng tốt hơn, bởi vì chính những thứ tài sản này làm cho gia chủ sầu bi khổ ưu não nhiều.""
Ngài nhìn từ góc cạnh của người xuất gia do sự giàu có hưởng thụ con người sanh ra phiền não và sống trong phiền não thì sanh sầu bi khổ ưu não."
Khi nghe Ngài nói như vậy những người vợ cũ của Ngài chạy đến ôm chân Ngài hỏi: "Thưa phu quân có phải vì một thiên nữ nào đó phu quân sống phạm hạnh không?"
Ý muốn nói có phải vì Ngài mơ ước sanh về cõi trời để sống với một thiên nữ nào, hay nói cách khác vì một người nào đó đẹp hơn những người vợ cũ Ngài đi xuất gia chăng, sống phạm hạnh chăng?.
Ngài Ratthapala không nói không phân bua nhiều, Ngài nói: "Này các chị, không phải vì thiên nữ nào mà chúng tôi sống phạm hạnh".
Những người vợ nghe Ngài Ratthapala kêu mình bằng chị thì mấy vị đó xỉu liền ngã ra bất tỉnh là tại vì chưa bao giờ Ngài Ratthapala gọi những người vợ bằng chị hết.
Kế đó Tôn Giả Ratthapala nói với cha của Ngài: "Này gia chủ nếu Ngài muốn bố thí đồ ăn thì xin cứ cho đồ ăn và xin đừng phiền nhiễu".
Người cha thấy Ngài dứt khoát như vậy bèn nói với những người trong nhà dọn thực phẩm cho Ngài ăn. Những người trong nhà mang thức ăn rất ngon, thức ăn thượng vị được chuẩn bị rất kỹ lưỡng để cúng dường Ngài Ratthapala.
Sau khi thọ thực xong Ngài Ratthapal đứng dậy và Ngài nói một bài kệ, bài kệ rất đẹp, bài kệ được Tôn Giả Ananda nghe và trùng tuyên lại, bài kệ này lẽ ra dịch là thơ thì rất là hay. Bài kệ đã ảnh hưởng của chúng tôi, bài kệ này đã đi vào trong tuổi thơ của chúng tôi. Thật ra khi TT Tuệ Siêu và chúng tôi còn nhỏ vào chùa đọc những bài kinh này có thể những bài kinh đọc rất sớm từ lúc mới vô chùa, bài kệ đã để lại một ấn tượng rất lâu dài rất đẹp.
Hãy nhìn hình bóng trang sức này,
Một nhóm vết thương được tích tụ,
Bệnh nhiều, tham tưởng cũng khá nhiều,
Nhưng không gì kiên cố, thường trú.
Hãy nhìn dung mạo trang sức này,
Với các châu báu, với vòng tai,
Một bộ xương được da bao phủ,
Được y phục làm cho sáng chói.
Chân được sơn với son với sáp,
Mặt được thoa với phấn, với bột,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Tóc được uốn bảy vòng, bảy lớp,
Mắt được xoa với thuốc, với son,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Như hộp thuốc trang hoàng mới mẻ,
Là uế thân được điểm thời trang,
Vừa đủ làm mê hoặc kẻ ngu,
Nhưng vô phương kẻ cầu bờ giác.
Người thợ săn đặt bày lưới sập,
Loài nai (khôn) chẳng chạm bén chân,
Ăn lúa xong, chúng ta lên đường,
Mặc cho kẻ bắt nai than khóc.
Ngài đọc câu kệ như vậy với phong thái thoát tục nhẹ nhàng.
Sau đó Tôn Giả Ratthapala rời khỏi ngôi nhà của mình, nơi đó có cha có mẹ có những người vợ cũ có cả một gia sản khổng lồ bạc vàng châu báu. Ngài đi đến một vườn có cây cao bóng mát, là một công viên do vua Koravya tạo nên để thỉnh thoảng đến nghỉ mát.
Cũng trong bài kinh này lại có thêm một phần đối thoại, phần đối thoại này không mang nhiều kịch tính nhưng lại có ý nghĩa rất đẹp và ý nghĩa này cũng thường được các vị Giảng Sư nhắc lại.
Hôm đó vua Koravya muốn đi đến vườn, đây là một khu vườn nhiều nai với cây cao bóng mát thỉnh thoảng nhà vua đến để săn bắn. Những vị vua giàu có họ thường có một khu rừng riêng những khu rừng đó người ở bên ngoài không được phép đến săn bắn, chỉ có nhà vua lâu lâu đến đó để săn bắn, đi săn bắn chỉ là thú vui của các vị vua.
Hôm đó nhà vua đến khu vườn để săn có một người thợ săn đi theo nhà vua, khi đến vườn nai người thợ săn nhận ra Ngài Ratthapala và thưa với nhà vua là ở trong vườn nai đã chuẩn bị sẵn sàng cho nhà vua đi săn nhưng tại vì trong vườn nai có Tôn Giả Ratthapala đang thiền định ở dưới một gốc cây.
Lời nói của người thợ săn có 2 ý nghĩa: một là trước khi nhà vua đi săn thì người thợ săn đi dò thám trước thấy hôm nay có những con nai sẵn sàng để bắn, và điểm thứ hai người thợ săn cũng thưa rằng ở tại đó có một vị samon, vị samon này thợ săn biết là Tôn Giả Ratthapala. Bởi vì khi Ngài Ratthapala đi xuất gia chấn động cả kinh thành, con trai của một gia đình giàu có là một vị công tử kiến văn quảng bác và có tương lai sáng lạng từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình nên rất nhiều người biết Ngài, và hôm nay thì ở trong chiếc áo của vị Samon Tôn Giả Ratthapala đang ngồi thiền định ở trong rừng người thợ săn có hàm ý rằng vì sự có mặt của Ngài nên chuyện đi săn là không hợp lý.
Vua Koravya là một vị vua có đạo đức, khi nghe người thợ săn nói như vậy vua nói người thợ săn hôm nay mình đi vào rừng như vậy là đủ rồi đừng săn bắn, hãy đem những thức ăn ngon đem đến cúng dường cho Tôn Giả (Vì khi đi săn tùy tùng của nhà vua mang theo thức ăn ngon để nhà vua dùng).
Nhà vua cùng đoàn tỳ tùng đi đến chỗ Tôn Giả Ratthapala và nhà vua thấy phong thái của Tôn Giả nhà vua cũng hiểu đó là một vị công tử giàu đi xuất gia nên nhà vua sai mang nệm da rất đẹp của vua để xuống mời Tôn Giả ngồi, nhưng Tôn Giả từ chối và Tôn Giả nói đủ rồi.
Câu đầu tiên vua Koravya hỏi Tôn Giả Ratthapala:
- Thường thường người ta đi tu do 4 điều suy vong:
1. là lão suy vong tức là già rồi, tức là khi còn trẻ thì oanh liệt bây giờ già mình không còn oanh liệt tự nhiên mình nản mình đi xuất gia.
2. Bệnh suy vong. Là con người mình không được khỏe, mình mang bệnh thì mình đi tu cho rồi.
3. Tài sản suy vong. Mình đến thời nào đó tự nhiên công ăn việc làm thất bại, tán gia bại sản nản đời người ta đi tu.
4. Thân tộc suy vong. Gia đình vì lý do gì đó tan nát bị chết vì thiên tai hoả hoạn hay gì đó, bây giờ tứ cố vô thân nên đi tu.
Nhà vua nghĩ người ta đi tu do 4 sự suy vong: lão suy vong, bệnh suy vong, tài sản suy vong, thân tộc suy vong.
Ở đây, không có chuyện vì thất tình giống như chuyện tình Lan và Điệp rồi đi tu bởi vì ở bên Ấn Độ chuyện đó không có. Ở Ấn Độ một người giàu có khi nào họ muốn cưới vợ thì cưới vợ thôi chứ không đến đỗi phải đi tu như vậy. Ở đây chuyện thất tình đi tu không có nói mà nói người bị già, bị bệnh, bị tài sản khánh kiệt, hay bị gia đình tan nát nên đi tu.
Nhà vua cũng nói thêm về những quan niệm của mình sau đó nhà vua nói nếu dựa trên 4 điều này Tôn Giả không có điều nào trong đó hết, Tôn Gỉa còn rất trẻ, rất khỏe và gia đình rất giàu có, và gia đình còn đầy đủ cha mẹ đầy đủ người thân, không có 4 suy vong đó tại sao lại đi tu.
Ít bao giờ có một người hỏi, sau lời hỏi đó lại là một lời trình bày rất li chi cặn kẽ như nhà vua. Có lẽ nhà vua thấy vị này còn trẻ tuổi khỏe mạnh giàu có gia tộc đông đảo lại đi xuất gia phải có cái gì đặc biệt nên nhà vua đã hỏi rất cặn kẽ.
Cái hay của Tôn Giả Ratthapala là Ngài cũng dùng 4 điều để trả lời cho nhà vua, nhà vua đã nêu lên 4 điều người đời thường đi xuất gia Ngài Ratthapala cũng nói lên 4 điều vì sao Ngài đi xuất gia.
Lời đầu tiên của Ngài Ratthapala Ngài nói rằng: Có 4 điều được Đức Thế Tôn giảng dạy, Đức Thế Tôn là bậc Trí Giả, kiến giả, là bậc Alahan Chánh Đẳng Chánh Giác, do tôi biết, tôi thấy, tôi nghe 4 điều giảng dạy ấy tôi xuất gia từ bỏ gia đình sống không gia đình.
Ngài trình bày:
1. điều đầu tiên là "Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt". Thế giới này dù là đẹp, là xấu, là nhỏ, là lớn, là thực vật, động vật thì tất cả những gì hiện hữu trên thế giới này đều có chung cuộc đó là sự hoại diệt theo luật sanh diệt. "Thế giới là vô thường đi đến hủy diệt".
2. Điều thứ hai Ngài nghe từ Đức Phật, ngài hiểu, Ngài nhận thức hoàn toàn đó là "Thế giới là vô hộ vô chủ".
3 Điều thứ ba. "Thế giới là vô sở hữu ra đi bỏ tất cả".
4. Điều thứ tư. "Thế giới là khiếm khuyết, nô lệ cho tham ái".
Khi chúng ta nói:
- "Thế giới là vô thường đi đến chỗ hủy diệt" ý muốn nói tất cả mọi thứ đều có chung cuộc là sự hoại diệt.
- "Thế giới là vô hộ vô chủ" là không ai làm chủ, không ai có thể bảo vệ được bởi vì nó đi theo tự tánh riêng của nó.
- "Thế giới là vô sở hữu ra đi bỏ tất cả", cái gì mình tích tập, cái gì mình có được, cái gì mình thủ đắc mình ra đi thì bỏ hết tất cả.
- "Thế giới là nô lệ cho tham ái" mỗi chúng ta có bao nhiêu cũng không đủ và tiếp tục nô lệ cho lòng tham của mình. Đó là khiếm khuyết nô lệ tham ái.
Ngài Ratthapala đã nghe được, học được điều này từ chính Đức Thế Tôn 4 điều này.
Phần chánh kinh Ngài giảng cho vua Koravya:
Điều đầu tiên thế nào là thế giới là vô thường đi đến hủy diệt:
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Khi Ngài 20 tuổi, hay 25 tuổi, Ngài có thiện nghệ về voi, thiện nghệ về ngựa, thiện nghệ về xe, thiện nghệ về cung, thiện nghệ về kiếm, bắp vế mạnh và cánh tay mạnh, có khả năng và thiện nghệ trong nghề đánh giặc?
Thì nhà vua xác nhận là có
Thưa Đại vương. Ngày hôm nay Đại Vương còn có sự mạnh khỏe trẻ trung thời còn trai tráng không?
nhà vua Koravya trả lời:
– Không như vậy, thưa Tôn giả Ratthapala, nay tôi đã già, niên cao, lạp lớn, đã đến tuổi trưởng thượng, đã sống mãn kỳ, đã gần mệnh chung, gần 80 tuổi thọ. Có đôi lúc, thưa Tôn giả Ratthapala, tôi nghĩ: "Ở đây, ta sẽ bước chân", nhưng tôi lại bước chân tại chỗ khác.
- Chính liên hệ với nghĩa này, này Đại vương, Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Thế giới là vô thường, đi đến hủy diệt", và tôi sau khi biết, sau khi thấy và sau khi nghe như vậy đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.
Nhà vua hỏi tiếp:
Khi nói "Thế giới này vô hộ vô chủ". Nhưng thưa Tôn giả Ratthapala, ở vương quốc này, có đội quân voi, cũng có đội quân ngựa, cũng có đội quân xa, cũng có đội quân bộ, nếu chúng tôi gặp nguy khốn thời các đội quân bảo vệ chúng tôi. Tôn giả Ratthapala đã nói: "Thế giới là vô hộ, vô chủ", ý nghĩa của lời nói này, cần phải được hiểu như thế nào, thưa Tôn giả Ratthapala ?
Nhà vua thấy mình được bảo vệ kỹ càng tại sao thế giới lại vô hộ vô chủ.
Tôn Giả Ratthapala mới hỏi rằng:
– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có mắc chứng bệnh kinh niên nào không ?
Nhà vua nói là nhà vua có bệnh.
Và nhà vua có những người thân không?
- Dạ có.
- Khi nhà vua bệnh nhà vua có người thân thì trong lúc nhà vua đang đối diện với bệnh tật đang đối diện với cái chết thì nhà vua nghĩ rằng những người thân thuộc đó, những bạn thân đó những người trong hoàng thân quốc thích những người nhà vua rất thương yêu họ cũng rất thương yêu nhà vua họ có chia sẻ được cái bệnh của nhà vua không?, có làm cho nhà vua khỏi chết không?
Thì nhà vua trả lời thành thực là không.
Như trong kinh Pháp Cú có câu nói:
Một khi thần chết hiện về
Nào ai có thể chở che cho mình
Thân nhân dẫu có chí tình
Ngậm ngùi chỉ biết đứng nhìn khóc thôi.
Ở đây Ngài Ratthapala dùng hình ảnh khi nhà vua bị bệnh thì những người thân của ông dầu có thương đến đâu cũng không làm gì được và chính vì ý nghĩa đó Đức Phật dạy "thế giới này vô hộ vô chủ".
Nhà vua đồng ý với điều đó. Nhà vua hỏi tiếp:
- Trong vương quốc này rất giàu có, bản thân của nhà vua và nhiều người hãnh diện thấy mình có rất nhiều tại sao nói thế giới này vô sở hữu ra đi bỏ tất cả.
Ngài Ratthapala một lần nữa lại nhắc rằng tất cả tài sản và vàng bạc sau khi mất đi thì sẽ bỏ lại trao tay cho người khác không ai mang theo được, nhà vua cũng đồng ý.
Sau cùng Ngài giải thích về "thế giới là khiếm khuyết nô lệ cho tham ái". Ngài Ratthapala hỏi nhà vua về một tâm trạng là "nhà vua đã có một vương quốc phú cường nhưng khi nghe nói phía Đông, phía Nam, phía Tây, phía Bắc có những quốc gia nhỏ đất đai màu mỡ ,có vàng bạc châu báu, nhưng nền quốc phòng yếu. Nhà vua có ý định đến xâm chiếm mở mang bờ cõi không?"
Nhà vua trả lời là có.
Không biết bao nhiêu là đủ, mình có vương quốc giàu có rồi nhưng nghe người ta có được mình vẫn muốn chiếm đoạt thì Tôn Giả Ratthapala gọi đó là "Thế giới là khiếm khuyết nô lệ cho tham ái".
Khi nghe Tôn Giả Ratthapala trình bày 4 điều này nhà vua đặc biệt hoan hỉ phát tâm trong sạch. Ở tuổi gần 80 tuổi nhà vua đã có rất nhiều nhưng chính ở tuổi 80 nhà vua lại học hiểu được những điều gọi là lẽ thật của cuộc sống mà chúng ta gọi là chân lý vi diệu. Chân lý đó không có gì dấu diếm hay không minh bạch mà là nó rất rõ ràng, thì đó là một điều vi diệu.
Sau khi Tôn Giả Ratthapala giảng cho nhà vua nghe xong thì Ngài đọc một bài kệ:
Ta thấy người giàu sang ở đời,
Có của vì si không bố thí.
Vì tham, họ tích tụ tài vật,
Và chạy theo dục vọng càng nhiều.
Dùng bạo lực, chinh phục quả đất,
Vua trị vì cho đến hải biên,
Không thỏa mãn bờ biển bên này,
Và chạy theo bờ biển bên kia.
Vua cùng rất nhiều loại người khác,
Ái chưa ly, mạng chung đã đến,
Bị thiếu thốn, không bỏ thân họ,
Không thỏa mãn lòng dục ở đời.
Quyến thuộc tán loạn, khóc người ấy:
"Than ôi, người ấy không bất tử ! ".
Mạng thân người ấy vải bao phủ,
Họ đốt lửa làm lễ hỏa thiêu.
Bị thọc với cây, người ấy cháy,
Độc mảnh vải, bỏ tiền của lại.
Ở đây, quyến thuộc cùng thân hữu,
Không nơi nương tựa cho kẻ chết.
Kẻ thừa tự, nhận mang tài sản,
Riêng con người, theo nghiệp phải đi,
Tiền của đâu có theo người chết,
Cả vợ con, tài sản, quốc độ.
Tài sản không mua được trường thọ,
Phú quý không tránh được già suy,
Kẻ trí nói đời này thật ngắn,
Thật vô thường, biến đổi luôn luôn.
Kẻ giàu, kẻ nghèo đều cảm xúc,
Người ngu, kẻ trí đồng cảm thọ,
Kẻ ngu bị ngu đánh nằm ngã,
Bậc trí cảm xúc, không run sợ.
Do vậy, trí tuệ thắng tài vật,
Nhờ trí, ở đây được viên thành.
Không thành mãn trong hữu, phi hữu,
Kẻ ngu tạo tác các ác nghiệp.
Nhập thai thác sanh thế giới khác,
Người ấy luân hồi, tiếp tục sanh,
Kẻ thiểu trí chắc hẳn phải là
Nhập thai và sanh thế giới khác.
Như kẻ trộm bị bắt khi trộm,
Ác tánh hại mình do tự nghiệp,
Chúng sanh cũng vậy chết đời khác,
Ác tánh hại mình, do tự lực.
Dục vọng nhiều loại, ngọt, khả ái,
Nhiễu loạn tâm dưới nhiều hình thức,
Thấy hoạn nạn trong dục trưởng dưỡng,
Nay tôi xuất gia, tâu Đại vương !
Như quả từ đây, người bị rụng,
Cả già lẫn trẻ, khi thân hoại,
Do thấy chính vậy, tôi xuất gia,
Hạnh Sa-môn phải là tối thắng. Thưa Đại Vương.
Với bài kệ này Tôn Giả kết thúc cuộc đối thoại với vua Koravya,
Đức Thế Tôn về sau này khi nhắc lại một người xuất gia với niềm tin tối thắng ở trong số đệ tử của Ngài là Tôn Giả Ratthapala một khi nghe pháp một khi lãnh hội pháp và quyết tâm đi xuất gia rồi thì rất khẳng khái, rất cương quyết, rất quyết đoán ở trong nỗ lực của mình làm sao để sống phạm hạnh và Ngài đã sống phạm hạnh một cách viên mãn ./.
No comments:
Post a Comment