Thursday, April 7, 2016

Kinh Vị Ngọt - Tăng Chi Bộ - Phẩm Chánh Giác

Kinh Vị Ngọt - Tăng Chi Bộ - Phẩm Chánh Giác

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 11-11-2015.

 Minh Hạnh chuyển biên.

TT Giác Đẳng: Người VN chúng ta có chữ "Tu sĩ" để chỉ các vị sống và hoạt động liên quan đến tôn giáo. 

Trong xã hội Ấn Độ  những người làm việc tôn giáo được phân làm hai: 

-1. Các vị giáo sĩ Balamon những vị này học hỏi giáo điển lo  nghi lễ, nặng về cúng tế, người VN gọi là thầy cúng.  Nhưng chỉ giáo sĩ Balamon ảnh hưởng nhiều sinh hoạt của người Balamon vì những vị này hiểu được cách hành trì.

- 2. Tầng lớp khác là Samon tức là những vị tu sĩ nhưng khác với những vị giáo sĩ, những vị tu sĩ này được hiểu là trao dồi thân tâm để chuyển hóa bản thân mình có những tiến bộ trong đời sống tinh thần. Đức Phật và Chư Tỳ Kheo nằm trong số các vị tu sĩ gọi là Samon. Người ngoại đạo thường gọi Đức Phật là Samon Cồ Đàm.

 Ngày hôm nay thỉnh thoảng trong giới tu sĩ Phật Giáo cũng có những vị dùng chữ Samon là Phạn âm của chữ Samaṇa. Đức Phật Ngài định nghĩa  chữ Samon trong một định nghĩa tương đối khác với định nghĩa bình thường. Khi chúng ta định nghĩa chữ Samon là tu sĩ là định nghĩa thường thấy, nhưng ở đây Đức Phật định nghĩa Samon là người tu tập với sự hiểu biết về cuộc sống trong cách hiểu biết Đức Phật Ngài dạy  hiểu biết chân thực, hiểu biết chân xác về cuộc đời qua 3 khía cạnh:  VỊ NGỌT, SỰ NGUY HIỂM, VÀ SỰ XUẤT LY. 

Để thật sự hiểu những điều này, vị tu sĩ hay vị Samon cần có nhận thức rõ ràng. Đối với những chúng sanh đang sống với sự tham đắm có nghĩa  những chúng sanh đó đang hưởng vị ngọt của cuộc sống, cuộc sống không có vị ngọt người ta không tham cầu, rõ ràng  nó phải có cái gì đó người ta mới tham đắm, nhưng trong sự tham cầu đó còn có một cái khía cạnh khác chúng ta cần đề cập đến đó là sự đau khổ. 

Sự đau khổ được xem là bản chất nguy hiểm của đời sống. Ví dụ, khi đi du lịch chúng ta nhìn thấy các quốc gia phát triển rất mạnh mẽ,  những thành phố được xây cất càng ngày càng lớn, càng ngày càng qui mô, càng ngày càng tráng lệ, chúng ta hiểu người ở xứ này đang hưởng vị ngọt. Nhưng rồi chiến tranh, sự ô nhiễm của môi sinh, sự căng thẳng ở trong đời sống của con người, đó là những khía cạnh nguy hiểm có thể tạm kể ra.

 Thí dụ, trong đời sống hôn nhân có thể cho con người những niềm hạnh phúc. Chúng ta tìm thấy hình ảnh của những đôi nam nữ dắt tay nhau đi dạo phố, họ sống chung nhau với những sự ngọt ngào trong tình yêu. Đối với Phật Pháp họ đang hưởng thụ vị ngọt của đời sống. Nhưng mà rồi những phiền não, những đau khổ từ bi kịch của hôn nhân như sự ghen tuông, hay sự đòi hỏi, hay sự bực bội, hay sự ràng buột đó là sự nguy hiểm. Người ta thường thấy được một phương diện của câu chuyện, chuyện của người khác thì mình sáng nhưng chuyện mình thì quáng, đặc biệt lúc mình vui mình thấy đời màu hồng, lúc mình bi quan mình thấy toàn màu đen tối. 

 Đức Phật dạy, một người sống hiểu biết là người thấy được cả hai vị ngọt và sự nguy hiểm. Và một vị tu sĩ một vị Samon thật sự phải thấy cả ba: thế nào là vị ngọt, thế nào là nguy hiểm và cũng thấy được sự xuất ly một phương thức vượt ra ngoài 2 điều đó. 

Chúng ta lấy một ví dụ, mình sống ở trong một xã hội có nhiều tiện nghi vật chất, mình mua được chiếc xe vừa ý, mình rất thích, đó là vị ngọt. Nhưng trong vị ngọt đó cũng có sự nguy hiểm, có cái mình vừa ý thì cũng có những hệ lụy của nó, có những phiền hà, mình có được chiếc xe tốt  cũng lo lắng. Vì vậy cần có sự xuất ly tức là phương cách nào đó để  sống đạt đến một cảnh giới tương đối nhẹ nhàng không bị chao đảo bởi cả hai vui và khổ,  vị ngọt và nguy hiểm của vấn đề.

 Điều này thể hiện một thứ bản lãnh, bản lãnh đó là bản lãnh có thể giải thoát được, có thể vượt lên trên được không bị dính liú vào những việc phiền hà những  vui những buồn.  Nếu chưa có khả năng xuất ly để tâm của chúng ta trở thành bình đạm với mọi sự việc Đức Phật dạy  người đó chưa đủ sự hiểu biết và chưa đủ sự sống của một vị Samon.

 Nói cách khác, trong cái nhìn của Đức Phật chúng sanh thường tình có hưởng thụ tức là có vị ngọt, có khổ đau, có sự nguy hiểm và vượt qua khỏi những điều đó tức là có phương cách để xuất ly. Một vị tu sĩ đúng nghĩa vị tu sĩ phải có sự hiểu biết chân thật, nếu không hiểu biết về vị ngọt người đó sẽ nhìn một cách phiến diện cũng như chỉ nghĩ tới sự nguy hiểm, biết chỉ một chiều, biết chỉ một mặt không đủ và đồng thời vị này cũng phải có khả năng để vượt ra khỏi điều đó. 

Ví dụ, trong sự tranh luận. Vị ngọt của sự tranh luận là làm cho người ta có cảm giác thoả mãn, thoả mãn mình đúng, thoả mãn mình hay. Nhưng sự nguy hiểm của tranh luận là dẫn đến hơn thua, dẫn đến thù oán. Và khả năng xuất ly tức là khả năng làm sao để mình không bị cuốn hút vào sự tranh luận đó. Nếu một vị tu sĩ lúc nào cũng tranh luận hơn thua về sự hành trì, về tông phái, về thế này thế kia. Vô chùa tu chưa biết mình đạt được sự giải thoát gì nhưng qua sự tu tập của mình đầu tiên là tạo sự so đo, tạo thành một sự luận chiến tức là tạo phiền phức trong việc phải phân bua về đúng, sai, phải, quấy và làm cho mình trở lên phiền hà khổ não, là do chúng ta không hiểu sự xuất ly. Một vị tu sĩ thật sự phải hiểu được tại sao chúng sanh tham đắm vào cái gì đó? tại vì nó có vị ngọt, tại sao chúng ta khổ? tại vì nó có sự nguy hiểm, nhưng vị đó còn phải hiểu khả năng xuất ly làm sao đừng để cho  bị vướng vấp nhiều quá, đừng bị cho bị kẹt vào thế giới đó.

Chúng tôi vừa  đưa ra một thí dụ rất thường thấy trong giới tu sĩ. Mình chưa làm cho tâm được ổn định đã tự bị lôi cuốn vào những tranh luận; đây là pháp môn đúng, kia là pháp môn sai, mình tu cao, người kia tu thấp v.v..  Một khi tâm bị vướng vấp vào những chuyện đó mình không thể nào thanh thản, không thể nào định tỉnh, không thể nào sống với cuộc sống tinh thần. Đời sống đi tu, vị Samôn thật sự không phải ngồi đó để tranh hơn thua với người khác, đời sống tu sĩ thật sự không phải là đời sống để mình chứng tỏ mình cao hơn người khác, không phải, mà là khả năng bản lĩnh vượt ra khỏi những hệ lụy và những hệ lụy rất thường tình. Nếu mình vẫn tiếp tục đắm chìm trong hệ lụy đó tức là mình đang sống trong sự nguy hiểm của cuộc sống.

 Nhưng sống với sự nguy hiểm của cuộc sống mà không hiểu sự xuất ly thì Đức Phật Ngài chưa gọi người đó là một vị tu sĩ thật sự, vị Samon thật sự. 

Đức Phật Ngài cho thấy một điều, một vị Samon một vị tu sĩ thật sự phải có khả năng chứng đạt chánh trí thắng trí. Thắng trí là trí tuệ thù thắng trí tuệ vượt lên trên. Chứng đạt và an trú mục đích của Samôn hạnh. 

Chứng đạt được mục đích chính của đời sống tu là gì? Mục đích chính của đời sống tu không phải mình tu rồi mình làm trụ trì, mình có ngôi chùa lớn, mình có địa vị, mình có chức vụ. Thật sự mục đích chính của đời sống Samon hạnh  là thành tựu những giai đoạn tu tập nội tại, sự tu tập nội tại đó đủ làm cho vị đó sáng suốt, an lạc, và giảm phiền não. Nếu không thấy được điều này thật sự chúng ta xa rời mục đích của Samôn hạnh. 

Giống như một học sinh đến trường ngày nay nhiều người quá quan trọng quần áo mặc gì cho đẹp để hãnh diện với bạn bè, họ quá quan trọng vào chiếc xe, quá quan trọng vào những thú vui chơi. Nhìn bên ngoài thấy những vị đó hay nhưng thật ra mục đích của đời sống sinh viên hay đời sống đi học không phải chuyện mình đua đòi hơn thua với bạn bè, mà mục đích làm sao mình học được thật sự tốt, có điểm cao, có sự tiến bộ để hoàn tất công việc học của mình. Đời sống tu tập cũng đơn giản như vậy. Nếu một học sinh trong thời gian đi học không thấy được vị ngọt không thấy được sự nguy hiểm  và không thấy được giải pháp cho vấn đề, dễ bị lôi cuốn và những chuyện không đâu vào đâu hết.

Chúng tôi đọc một vài bài báo gần đây  họ nói về những cậu ấm con nhà giàu, cha mẹ rất giàu, và muốn chứng tỏ sự giàu có bằng cách đốt tiền bằng cách tiêu pha cực kỳ phung phí. Thật sự những điều đó làm cho người ta hãnh diện thoả mãn mình giàu mình có tiền. Nhưng với một người còn trẻ  thật sự hiểu biết thì đó không phải là điều để hãnh diện. Mình may mắn sinh ra trong gia đình giàu có tiền để tiêu pha phung phí điều đó không có gì hãnh diện nhiều. Điều đáng hãnh diện là mình còn trẻ cha mẹ tuy giàu nhưng mình biết tập trung, biết lo chuyện học hành, biết trao dồi nhân cách của mình. Nhưng ít có người nghĩ được như vậy.

Đức Phật Ngài dạy rất rõ, đời sống của một vị tu sĩ không phải là chiếc áo, không phải vai trò địa vị hay gì đó làm cho một vị tu sĩ trở thành vị tu sĩ thật sự, vị tu sĩ thật sự là thành tựu thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích của Samôn hạnh. Mục đích Samon hạnh là tâm giải thoát và tuệ giải thoát.  

Xuyên qua nhiều lời dạy Đức Phật Ngài đã rất rõ ràng, bản thân của Ngài khi chưa thành tựu chánh đẳng chánh giác khi chưa thành Phật thì Ngài nhìn cuộc đời này cũng là cái nhìn cuộc sống phải có ý trí nhận thức được có vị ngọt, đúng là nó có vị ngọt, nhưng mà rồi nó có nguy hiểm làm chúng sanh đau khổ, Ngài nghĩ đến  con đường xuất ly. 

Và bây giờ Ngài là một vị Phật khi trình đạt giáo pháp khi hướng dẫn người ta tu tập Ngài cũng khẳng định tương tự như vậy, thế nào là một vị Samon? thế nào là một vị tu tập thật sự? Vị tu tập là vị có hiểu biết về vị ngọt của cuộc sống, hiểu biết sự nguy hiểm của cuộc sống, hiểu biết về sự xuất ly. Không hiểu được điều đó  cuộc sống mình nghèo nàn, phiến diện, và chưa gọi là đủ để tự tại trong cuộc đời này. 

Câu chuyện tại trường thiền 

Các vị thiền sư thường nhắc nhở ngay cả với một hành giả đang tu tập vẫn có vị ngọt và sự nguy hiểm đuợc tìm thấy nhưng ở mức tế nhị hơn. Chúng tôi nhớ có một vài trường thiền như trường thiền của Ngài Axàphạ ở Thái Lan, khi bước vào trường thiền cảm giác đầu tiên sẽ rất thích thú, trường thiền được xây trên một mảnh đất rất rộng với nhiều cây cao bóng mát và đặc biệt rất nhiều hoa sứ đã được trồng từ hơn 60 năm về trước bây giờ nó trở thành những cội hoa sứ già gốc to, có hoa màu nửa vàng nửa trắng và mùi thơm hoa sứ thoang thoảng. Hầu như 4 lần chúng tôi trở lại trường thiền này vào nhiều thời gian khác trong năm chúng tôi có cảm tưởng như hoa sứ nở 4 mùa. 

Trường thiền được chăm sóc quá kỹ càng, những am thất được thiết kế tiêu chuẩn quá đẹp do vậy chúng tôi có cảm tưởng như trường thiền biến thành một khu resort một nơi nghỉ hè, những người đi tu học ở tại đây thức ăn không phải trả tiền được cung cấp mỗi ngày rất dồi dào, am thất không có điện nước nhưng tương đối cao thoáng đẹp thoải mái và những con đường đi lại có hoa cỏ có cây cao bóng mát. 

Có một lần chúng tôi đến đó nghe một vị Sư đệ tử đời thứ ba của Ngài Axàphạ hướng dẫn. Vị này nói ngay cả trong thiền viện người ta cũng dễ dàng để dính mắc với vị ngọt. Vị ngọt ở đây là cảm giác rất thanh thản, rất nhàn hạ, rất đẹp, rất hữu tình của những con đường đi lại của hoa sứ của am thất. Nhưng mà rồi cũng có sự nguy hiểm, sự nguy hiểm ở tại đây là hành giả cũng có thể tự mình sống trong một thế giới mà nó quá tế nhị, nó quá thanh thản, nó quá tốt để con người hưởng sự nhàn hạ sanh ra dính mắc rồi sanh ra không tinh tấn, nó có sự nguy hiểm.

 Vị này nhắc nhở một người tu tập là phải thấy được bịnh của mình, mình sống có khi nay bịnh mai đau hay có những thay đổi về tâm lý lúc vui lúc buồn và phải nhận ra được sự vô thường của thân và tâm để tinh tấn tu tập. Nếu chúng ta vào trong trường thiền ở trong một khung cảnh thoải mái dễ chịu  không khéo chúng ta chỉ hưởng được sự nhàn hạ hay hoặc giả chúng ta sẽ bị rơi vào sự nguy hiểm khi tâm của chúng ta bị phiền lụy về những cái không được như ý. Và khả năng của một hành giả ở trong trường thiền là phải đối diện, phải tiêu hóa, phải hóa giải được những phiền hà hệ lụy. Trong mọi cuộc sống bắt buộc chúng ta phải đối diện với trạng huống tương tự. 

Câu chuyện tại Mỹ. 

Chúng tôi qua Mỹ năm 1980, khi đó được lái xe một mình đi đến nơi này nơi khác ở trong miền Nam California, cảm thấy hạnh phúc, thấy thật sự mình được tự do, thật sự sống trong xã hội tiến bộ. Nhưng, trong thế giới đó cũng có bao nhiêu thứ nguy hiểm,  phiền lụy giữa con người với con người, giữa những nhu cầu. Cũng có người thấy nước Mỹ như  một thiên đường, cũng có nhiều người nghĩ ở Mỹ có vị ngọt. Thí dụ, một người đi làm chỉ một ngày ở Mỹ  họ có thể mua một chiếc xe đạp, ở Việt Nam không cách gì đi làm chỉ một ngày mua được chiếc xe đạp, thậm chí ở đây có nhiều người chỉ đi làm một giờ cũng đủ mua một chiếc xe đạp, hoặc có người đi làm một ngày mua được cái TV. Ngày xưa lúc chúng tôi còn nhỏ ở VN cái TV trắng đen là tài sản lớn của đời người không dễ gì mua được, bây giờ đi làm mua được cái TV. Tuy nhiên ở bên Mỹ lại có bao nhiêu bi kịch, đủ thứ bi kịch từ trong gia đình ra ngoài xã hội chứ không phải đơn giản chỉ có vị ngọt không có sự nguy hiểm. Và để sống giữa cuộc đời này, giữa hai mặt nguy hiểm và vị ngọt mình có thể tồn tại ở trong sự thanh thản, có thể có những giây phút thắp một nén nhang trước bàn Phật, tụng một thời kinh, ngồi thiền, hoặc giả chúng ta đang ngồi đây để cùng nhau đọc lại những lời Đức Phật dạy, suy niệm lời của Đức Phật dạy, có những giây phút tương đối không bị vướng vấp bị kẹt vào những chuyện bên ngoài, thì không đơn giản. 

Câu chuyện cổ tích

Chúng tôi nói về một chuyện giản dị nhất đó là chuyện cổ tích. Thi dụ, ngày xưa chúng ta hiểu những câu chuyện cổ tích bà mẹ dạy con đi đường phải cẩn thận, em bé thì ngây thơ và con đường đi rất đẹp có hoa có bướm, nhưng cũng có sự nguy hiểm, có những loài lang sói, có những con sói  như vị phù thủy nó có thể dụ em bé, cuối cùng bắt em bé. Đôi khi trong một chừng mực nào đó đời sống của chúng ta giống như một em bé nhỏ ngây thơ đi lang thang ở đời trên con đường nhìn thấy bao nhiêu thứ hoa thơm cỏ lạ, có hoa có bướm đẹp, cũng có những nguy hiểm đang trực chờ phải làm sao đi đến nơi về đến chốn, phải làm sao để không  bị rơi vào sự nguy hiểm. Đó là điều trong chuyện cổ tích chúng ta thường đọc.

Sáng hôm nay chúng ta thức dậy bắt đầu một ngày mới, ngày mới có thể cho chúng ta niềm vui vị ngọt nhưng chúng ta đừng quên có bao nhiêu nguy hiểm đang trực chờ. Khả năng kéo tâm tư của mình về thực tại, khả năng ý thức được vô thường bất toại và vô ngã trong đời sống, khả năng để sống tỉnh táo tỉnh thức với cái vui cái buồn với vị ngọt của nguy hiểm, khả năng đó là khả năng của vị hành giả tu tập của đời sống Samon hạnh. Khả năng để có thể bình tâm  để giữ tâm mình bình đạm trước những xáo trộn và những chi phối về vị ngọt của đời sống điều đó không phải là chuyện đơn giản. Chúng ta thường vui rất nhiều và khổ rất nhiều, chúng ta thường đưa mình lên tận mây xanh tận đỉnh cao của vị ngọt rồi chúng ta bị lôi xuống vực thẳm của khổ đau. Đời sống đôi khi có sự xáo trộn cực kỳ nó xé chúng ta thành hai ba mảnh đời và nó đưa chúng ta vào một hành trình vô định, và chính chúng ta đôi lúc giống như một con thuyền hay một chiếc lá bị cuốn theo giòng cuồng lưu và bản thân mình không thể cầm tay lái được.

 Thì ở đây Đức Phật Ngài luôn luôn nhắc chúng ta đời sống Samon và bản lãnh của Samon là khả năng có đủ sự hiểu biết về vị ngọt, về nguy hiểm, về xuất ly, vị đó có khả năng thành tựu được thắng trí, chứng đạt và an trú mục đích Samon hạnh trong đời sống này. 

 Đức Thế Tôn đặc biệt Ngài giảng bài kinh này với một cách trình bày Samon hạnh. thế nào là một vị Samon thật sự, và qua đó Đức Phật cũng đề cập đến 3 điểm của một người tu đúng nghĩa, một vị Samon đúng nghĩa, một vị Samôn theo Đức Phật dạy là một người có khả năng hiểu biết vị ngọt của đời sống, sự  nguy hiểm của đời sống, và sự xuất ly của đời sống, thành tựu được thắng trí chứng đạt và an trú mục đích của đời sống Samon ngay  trong hiện tại này ./.

No comments:

Post a Comment