Saturday, April 23, 2016

Kinh Điềm Lành - Tâm Không Động

Kinh Điềm Lành - Khi xúc chạm việc đời tâm không động 

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Bud dhadhama ngày 10-5-2015, 

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kệ sau cùng của kinh Điềm Lành nói về 4 chi pháp:

Khi xúc chạm pháp thế gian
Tâm không động, không sầu
Tự tại, và vô nhiễm
Là phúc lành cao thượng

Bài giảng hôm nay nói về pháp "Tâm Không Động"

Khi  nói: Tâm tiếp xúc với pháp thế gian không bị giao động, không sầu muộn, không bị ràng buột, không bị dính mắc là  những điềm lành tối thượng. Những pháp Không Động, Không Sầu, Tự Tại, Vô Nhiễm đều liên hệ đến câu đầu " khi xúc chạm pháp thế gian". 

Pháp thế gian là Loka Dhamma.

 Loka Dhamma được hiểu theo ý nghĩa bình thường nhất của cuộc sống. Trong thế gian này khi sanh ra đời và trở nên  thành viên của xã hội trong cuộc sống chúng ta thường phải đối diện với 8 pháp và 8 pháp gọi là Loka Dhamma là 8 pháp thế gian hay 8 ngọn gió đời: khen, chê, vui, khổ, đặng, thất, vinh, nhục.

Khen, chê:  Trong cuộc sống, chúng ta mỗi người đều có một ý kiến. Một ca sĩ hát hay, một người làm việc tốt cũng có người phê bình. Việc chê hay  khen thường vượt ngoài lẽ thật, Đức Phật Ngài dạy ở trong đời này hiếm có những bậc thiện trí, chỉ có bậc thiện trí mới thật sự khen cái đáng khen, chê cái đáng chê. Phần đông người ta khen chê theo xu hướng, dựa theo thói thường, ai khen mình cũng khen, ai chê mình cũng chê theo  hay hoặc giả có những người lập dị họ ưa khen ưa chê.

Cuộc sống của một người  trưởng thành, càng trưởng thành và càng từng trải nhiều và đặc biệt có được Pháp của Phật dạy dần dà chúng ta ý thức được rất rõ  sống không thể đặt quá nặng sự khen chê và cũng không nên để lời khen chê đó giao động trong đời sống. 

Người ta có khuyên chúng ta như vầy "Một trong dấu hiệu của người trưởng thành là người có thể có đủ khả năng bình thản trước lời khen tiếng chê". Không phải mình hoàn toàn dửng dưng nhưng ít nhất trong một căn bản nào đó mình hiểu khen và chê vốn là sự thường. Ở trong xã hội Đông Phương của chúng ta đôi khi người ta không thẳng thắn, người ta rất tế nhị, món ăn dở cũng khen ngon, cái gì không hay cũng khen là tuyệt. Chính vì vậy đôi khi lúc nào đó chúng ta nhận được một lời khen chúng ta cảm thấy rất giao động, nhưng kỳ thật thì đó là lẽ thường.

 Ví dụ, khi qúi vị chuẩn bị một món ăn cho người thân của mình với rất nhiều tâm huyết để làm món ăn đó, nhưng khi ăn món ăn đó người thân không thích ăn canh, hay không thích ăn rau sống, hoặc giả họ không thích ăn cay họ gặp món ăn mình nấu họ chê, thì không nên vì vậy mà buồn bởi vì đó là lẽ tự nhiên của đời sống.

 Cái vuông tròn, dài ngắn, rộng hẹp, thế này thế kia có thể nói chúng ta thường có hàng trăm lý do để khen để chê, và đặc biệt trong một xã hội có nhiều ý kiến, người ta nói "bá gia bá tánh." 

Nên các bậc hiền trí và dĩ nhiên đối với Đức Phật dạy thì một người có đủ sự tỉnh táo trong cuộc đời này người đó không để tâm mình quá vui trước lời khen của người khác và cũng không để tâm mình bị quá giao động trước lời chê của người khác. Khen chê là pháp của thế gian.

Ở đây, Đức Phật Ngài cũng nói đến Pháp khác gọi là "vui khổ". Vui khổ có nghĩa giữa cuộc đời này không phải cái gì cũng như ý mình. Dĩ nhiên, những người có phước thì họ có đầy đủ  nhiều niềm vui hơn nguời khác, người không có phước bị khổ, nhưng chúng ta đừng quên rằng cái vui cái khổ  chỉ là một phần bé nhỏ của sự tự nhiên của cuộc sống.

 Lấy ví dụ, chúng tôi sống ở thành phố Houston có những ngày hè rất nóng, nóng đến đỗi từ trong nhà bước ra xe mình ngán ngẩm, và có những ngày rất lạnh, lạnh tê tái, lạnh mà máy sưởi trong phòng mở mình vẫn còn cảm thấy lạnh trong xương. Đó là cái vui và cái khổ của cuộc đời sống. 

Đôi khi bên cạnh khen chê thì cái vui khổ làm tâm của chúng ta giao động và không giao động, nhưng mình phải hiểu cuộc sống là như vậy. Cái vui cái khổ chúng ta thấy ở giữa cuộc đời này hiển hiện đến đỗi chúng tôi gặp rất nhiều người  từ Việt Nam sang Mỹ,  VN nghe nói bên Mỹ vui nhưng qua đây thấy người ta làm việc nhiều thì thấy tội nghiệp cho những người bên này. Ở Việt Nam tuy cực, tuy đôi khi tiền bạc không bằng bên Mỹ nhưng sự nhọc nhằng làm việc đầu tắt mặt tối từ sáng đến chiều thì không bằng người ở bên Mỹ. 

Như vậy cũng là một thí dụ cho chúng ta thấy người nghèo cũng khổ, người giàu cũng khổ, người cô đơn có cái khổ của người cô đơn, người đông bà con có cái khổ của người đông bà con, đôi khi mình thấy người ta có bà con đông đảo thấy vui sao mình không được phước như vậy  nhưng khi có bà con đông rồi có nhiều trở ngại, bà con đông có nhiều vấn đề. Do vậy, trong cuộc sống người ta nói "sống trong chăn mới biết chăn có rận" mình sống trong hoàn cảnh nào mình biết cái vui cái khổ hoàn cảnh đó.

Một dấu hiệu cho chúng ta thấy một người tương đối được hạnh phúc đó là không đặt nặng về vui khổ nhiều quá. Khi vui thì mình thoải mái một chút, khi khổ mình học hạnh kiên nhẫn. Nhưng nếu mình lấy đó làm lớn chuyện, gặp khổ mình giẫy nảy, điều đó về lâu về dài thật sự không có tốt cho mình. Chúng ta phải học kiên nhẫn, phải chịu đựng những cái khổ lớn, phải nhẫn nại. 

Ngài Ajhan Chah có nhắc chư Tỳ Kheo: "Một trong những đặt điểm của đời sống tu là mình phải biết nhẫn nại với cái khổ, cái khổ của sự thiếu thốn, cái khổ của đợi chờ, cái khổ của nóng lạnh, cái khổ của những việc không vừa ý, mình có kiên nhẫn với cái khổ thì mình mới trưởng thành".

Bao giờ cũng vậy, khi chúng ta sống giữa cuộc đời này trước khi mình được tự tại được thoải mái với cái thăng trầm vui khổ của đời sống thì chúng ta phải học hạnh nhẫn nại, hạnh chịu đựng  với cái vất, vả chịu đựng với cái không vừa ý. Chúng ta nhớ Đức Phật dạy "cũng giống như khen chê đời thường thì cái vui khổ cũng là thường, không lấy chuyện đó làm vấn đề cá nhân tại sao tôi bị khổ người khác không bị khổ? hay tại sao chỉ mình tôi bị khổ?" Thật ra nhiều người khổ họ không than và không ai sống trong cuộc đời này được khen mà không bị chê, được vui mà không bị khổ. Chuyện đó là chuyện dĩ nhiên.

Hai pháp kế trong 8 ngọn gió đời là Đặng và Thất. Đặng và thất là được lợi và mất lợi, được một cơ hội đánh mất cơ hội, được lợi lộc không có lợi lộc.

Hai chi pháp cuối cùng là Vinh, Nhục nói về Danh tức là được quyền cao chức trọng, được địa vị và cái mất đi địa vị mất đi quyền cao chức trọng.

Chính thật ra những pháp thế gian này mới nhìn mình cảm tưởng chúng mang tính riêng lẽ, mang tánh cách may rủi hay mang tánh cách hên xui mà nó ảnh hưởng cá nhân chúng ta. Nhưng một người có đủ hiểu biết Pháp mới thấy dù khen chê, dù là vui khổ, đặng thất, vinh nhục là chuyện hiển nhiên của thế gian, hiển nhiên của cuộc đời. Nếu chúng ta chỉ muốn một thứ thì đó là ý nghĩ sai lầm. Không ai trong cuộc đời chỉ có được một thứ. Cũng giống như quả lắc đồng hồ đi về bên phải rồi nó qua bên trái, chứ nó không qua bên phải rồi nó nằm ở giữa và trở lại bên phải, không có chuyện đó. Thì trong cả cuộc đời này những pháp thế gian những pháp khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục vốn tự nhiên, vốn phải có và vốn không tránh khỏi. Nên không phải là chỉ có một câu chuyện mà có vô số câu chuyện, thời Đức Thế Tôn còn tại thế nhắc đến khả năng hành xả khả năng giữ tâm tự tại. 

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ vô trong chùa Sư Trưởng có viết một bài thơ chúng tôi còn nhớ đến bây giờ: 

Bồ Tát tâm tuy sống giữa trần. 
Tâm luôn thanh thoát mọi gian truân, 
khen chê không động lòng trí giả. 
Vui khổ đâu sờn dạ giác chánh. 
Quyền tước mất còn không tủi phận. 
Lợi danh đắc thất chẳng than thân. 
Tâm luôn hành xả trò dâu bể. 
Có thế mới thành bậc thượng nhân.

Một đặc tính của người trưởng thành hay của một vị có tiến bộ trên đường tu tập là nội tâm của người đó không giao động nhiều với những pháp của thế gian. Nếu chúng ta để nó giao động chúng ta sẽ bị chi phối nhiều bị lôi kéo nhiều. Hồi Ngài Hộ Giác còn sống Ngài thường nói với chúng tôi rằng mình đi tu mình không nên để tâm mình giống như cục bột người ta muốn nặn vuông thì vuông nặn tròn thì tròn, ý muốn nói là người ta muốn mình vui người ta khen mình một câu người ta muốn mình buồn họ chê mình một câu như vậy mình dễ bị chi phối. 

Tâm của người nào tương đối trong sự khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục ít bị giao động Đức Phật gọi là "Etammaṅgalamuttamaṃ. - đó là dấu hiệu điềm lành dấu hiệu các tường.

Trong đời chúng tôi có gặp một vài người có được tâm như vậy, đi đâu chung có cực khổ một chút cũng chấp nhận mà vui thì cũng vui vừa chừng, có ai khen thì cười một chút và ai chê thì gật đầu chầm ngâm một chút rồi thôi không để tâm mình giao động nhiều, chúng tôi xem đó là một cái đức của sự tu tập. 

Người Trung Hoa có tác phẩm của Lão Tử là Đạo đức Kinh, kinh nói cái đức là cái bản lãnh hàm tàng ở tự thân của mình. Chúng tôi tin rằng cái đức quan trọng của người tu tập là đối với những khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục của đời sống tâm mình tương đối tự tại,bình an, tương đối không để bị chi phối nhiều. Muốn được như vậy  chúng ta phải trải qua rất nhiều thứ để tâm không bị giao động, thật ra con người chúng ta là một sinh vật sống rất nặng về thị dục huyễn ngã tức là chấp ngã. Nói mình không chấp ngã tức là mình nói dối, nói mình chấp ngã là mình thành thật nhận rằng mình là phàm phu. Nhưng nếu mình có quán tưởng, có chuẩn bị, có sự hiểu biết, mình có bạn lành thì mình sẽ bớt đi.

Lấy ví dụ, nếu mình có sự hiểu biết thì mình hiểu rằng những điều đó vốn là phải xảy ra, cuộc đời người ta khen mình được thì người ta chê mình được. Cuộc đời có vui thì có khổ, cái gì mình có được thì mình có thể mất được, mình có địa vị có chức phận thì một ngày nào đó mình cũng sẽ mất đi địa vị chức phận, cái đó gọi là khen chê vui khổ vinh nhục đặng thất là pháp thường của thế gian, khi mình hiểu như vậy thì mình phải thường xuyên quán tưởng. Có những pháp quán tưởng giúp cho mình vượt qua những chi phối tại vì mình biết trước, không phải chỉ mình biết trước mà mình biết là nó có tính đối đãi có cái này thì phải có cái kia. 

Phật xưa rằng kiếp nhân sinh,

Lắm điều khổ lụy chẳng dành riêng ai,

Xuân xanh rồi cũng tàn phai,

Thời hoa mộng tựa xuân mai đầu cành

Tấm thân tứ đại hợp thành,

Ốm đau tất bật thường tình xưa nay,

Dù cho thọ mạng ngắn dài,

Cổ kim nào kẻ thoát tay tử thần,

Người thân ly biệt người thân,

Trăm năm bao lượt khó ngăn lệ nhoà,

Mỗi người riêng biệt thiểu đa, 

Rừng mê bể khổ phải qua một mình.

Nếu chúng ta thường tu tập pháp ngũ quán là 5 pháp quán tưởng Đức Phật dạy:

- Không ai trẻ hoài mà không già, đến tuổi nào đó chúng ta phải bị già

- Không ai khỏe mạnh hoài không bệnh,

- Không ai sống hoài không chết,

- Không ai luôn luôn sum vầy với người thân không chịu cảnh sanh ly tử biệt tức là phải chia cách với người thân của mình.

- Và mỗi chúng sanh có nghiệp riêng.

Nếu chúng ta thường quán tưởng những pháp đó chúng ta giảm thiểu đi sự giao động đối với khen chê vui khổ. Nhưng để có thể giảm đi quan trọng là mình thường tự nhắc chính mình tới lúc nó xảy ra rồi thì đôi khi tâm chúng ta bị giao động lắm.

Hồi chúng tôi còn nhỏ mới vào chùa tu mỗi lần bị ai chỉ trích chuyện gì tâm chúng tôi giao động rất nhiều hơn bây giờ, không có nghĩa bây giờ chúng tôi hoàn toàn giải thoát, không phải như vậy, nhưng đỡ hơn tại vì gặp nhiều tiếp xúc nhiều và trải qua nhiều việc thành mình cảm thấy mình bình tâm hơn.

Một ví dụ, qúi Phật tử nào có sinh hoạt ở trong paltalk, qúi vị nhớ một thời có những người thường vào trong các rơom phá phách, họ text chat chửi các vị giảng sư, lúc mới vào sinh hoạt thì cảm thấy buồn nản vì sao mình vô đây với thiện chí đóng góp lại bị chỉ trích. Nhưng sinh hoạt lâu rồi biết chuyện là như vậy đó. Ở đây mỗi người có nick riêng và họ có quyền chửi bới và nếu để tâm chi phối thì không làm việc được. Và một khi tâm mình dửng dưng với chuyện đó rồi thì dần dà nó mất tác dụng người ta không phá nhiều nữa. Đó cũng là một cách để tâm của chúng ta làm quen với khen chê vui khổ chúng ta nhẫn nại nhiều hơn trong cuộc sống. 

Thì ban đầu chúng ta tập tự chế là:

- Gặp tám pháp thế gian khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục thì mình cũng khổ nhưng mình tự chế tức là mình không để cho bực bội, mình than vài tiếng, có chuyện mình nói vài câu, nhưng mình không đi quá đà gọi là tự chế. 

- Rồi từ từ chúng ta học hạnh nhẫn nại tức là chúng ta tập im lặng, chúng ta tập nhìn sự vật như vậy, mình tập chịu đựng im lặng với chuyện đó.

- Rồi qua thời gian nhẫn nại chúng ta bắt đầu cảm thấy từ từ đi đến chỗ chúng ta bình thản tức tâm chúng ta thanh thản hơn gặp chuyện đó thấy bình thường.

- Sau giai đoạn bình thản có thể chúng ta khởi lên đại bi tâm tức là thương xót những người như vậy, họ chửi mình nhưng mình thương xót họ vì mình thấy rằng những người đó họ cũng khổ, mình thấy những người đó họ cũng có điểm đáng thương 

Muốn hành được như vậy cũng phải mất thời gian không phải một sớm một chiều mình làm được.

Trong kinh Phạm Võng ghi; Một lần Đức Phật Ngài có một cuộc hành trình dài đi với một đoàn Tỳ Kheo Tăng. Đức Phật và Chư Tăng không phải là bạn bè mà là Thầy trò, bậc Đạo Sư. Đức Phật đi trước Chư Tăng đi một hàng dài sau lưng Đức Phật và tận phía sau vị tỳ kheo có 2 thầy trò người Balamon đi theo, người thầy dùng hết lời để chỉ trích Đức Phật và Chư Tăng, người học trò thì dùng hết lời để ca tụng. Tới chừng đến nơi dừng chân Chư Tăng mới nói hôm nay đi dọc đường có chuyện kỳ lạ có 2 người Balamon đi theo, một thầy một trò,, ông thầy thì miệt thị Đức Phật, miệt thị Pháp, miệt thị Tăng và người học trò thì lại ca ngợi đủ thứ. Đức Phật Ngài dạy rằng:

 "Người có trí khi nghe người ta ca ngợi hay chê bai không để tâm mình chi phối nhiều nên giữ tâm bình tỉnh, tâm thanh thản để có khả năng nhận ra khen và chê hợp lý hay phi lý chỗ nào, biết như vậy thôi nhưng đừng để chi phối chúng ta nhiều."

Phải nói nếu có pháp gì đó mà mình có thể áp dụng Phật Pháp trong đời sống hàng ngày thì đây chính là pháp để chúng ta áp dụng. 

Chúng tôi nhớ Ngài Ajahn Liem có nói: "Đôi khi người tu buổi sáng sớm thức dậy đến tối đi ngủ nguyên một ngày giống như một người đi qua một khu rừng, quan trọng không phải hơn thua, không phải là tự hào, không phải là thế này thế kia với khu rừng đó, khu rừng là khu rừng mình làm sao từ lúc đi vào rồi đi qua khỏi đoạn đường đó tay chân được lành lặn, không sụp hầm sụp hố, không bị gai góc làm trầy sướt". 

Thật ra đời sống tu tập của chúng ta đôi khi đơn giản như vậy, từ sáng cho đến tối chắc chắn chúng ta gặp 8 pháp thế gian khen chê, vui khổ, đặng thất, vinh nhục. Nói cách khác những cái được, cái không được, những cái thích, và không thích xảy ra và làm sao buổi sáng thức dậy có tâm thanh thản buổi tối có tâm thanh thản, buổi tối đi ngủ không để cho lời khen tiếng chê chi phối mình, không để cái vui cái khổ làm bận lòng mình, không để cái đặng danh mất danh, đặng lợi mất lợi chi phối mình như vậy là hoan hỉ, là mỗi một ngày chúng ta đi vào một khu rừng với tâm tự tại, chúng tôi thấy cũng là một cách tu. 

Ở trong cuộc sống này có thể nói rằng có rất nhiều thứ. Nhưng Đức Phật gọi "Dấu hiệu cát tường" là tâm người nào ít bị chi phối ít bị giao động, ít có bận lòng, ít có nặng lòng với những chuyện nhân ngã bị thử những thị phi chuyện này chuyện kia.

Ví như ngọn gió kiên trì 

Gió cuồng tứ hướng dễ gì chuyển lay, 

Tiếng đời chê dở khen hay

Không làm chao động đôi mày trí nhân.

Càng sống càng đi càng làm việc chúng ta mới thấy chuyện khen chê thương ghét bình thường lắm, nếu nghĩ mình làm mình sống cho tất cả mọi người thương mình không ai ghét mình, người ta khen mình không ai chê mình, và mình chỉ vui không có khổ thì ý tưởng đó nông nỗi, nó nông nỗi là chúng ta đòi một thứ mà khó được, cuộc sống nó vốn là như vậy bất kỳ sự việc nào nó cũng phải có những thăng trầm những cái được cái không được

Chúng ta may mắn là con của Đức Phật và may mắn được học Phật Pháp, Đức Phật thường nhắc chúng ta nên biết bản chất tự nhiên của cuộc sống là như vậy, bởi vì nó là như vậy nên không đặt quá nặng, không quá ngây thơ nghĩ mình làm cái gì đó bằng cách này cách khác để mình bảo vệ chính mình.

Thật ra người giàu có nhiều cái được hơn người nghèo, nhưng người giàu có cái khổ của người giàu, những người có tiền thường họ dùng đồng tiền để mua những thứ họ muốn, họ mua cái tiện nghi, mua cái thoải mái, mua cái hàng rào để bao bọc, họ mua tháp ngà để sống trong đó. Khi mua tháp ngà sống trong đó nghĩ mình có tiền thì phải được như vậy nhưng rốt cuộc chúng ta sống co rút vào cũng bị chê. Có rất nhiều người giàu có tiền lên núi xây nhà đầy đủ tiện nghi xa rời mọi người nhưng không chắc mình trốn trong một thế giới nào đó trong cõi tháp ngà trong cõi riêng tư mà mình được tự tại hoàn toàn. Nó bớt cái này nhưng cũng có cái kia, con người mình càng sợ khổ, con người mình càng sợ những chi phối thì tâm mình càng yếu đuối rất là mỏng manh, và khi nó càng yếu mỏng manh thì nó dễ bị chi phối. Giống như có luật trớ trêu là có những người họ sợ ma, họ càng sợ thì họ càng cảm thấy bị yếu đuối đến một lúc nào đó họ không sợ tâm bình thường vậy thôi.

Cũng tương tự như vậy nếu cuộc sống mình rất hoan hỉ, rất nhạy cảm, rất mẫn cảm với những chuyện khen chê vui khổ đặng thất vinh nhục thì chuyện đó càng to chuyện càng chi phối mình nhiều. 

Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên sống bằng con mắt hiểu biết tánh tự nhiên của các pháp là như vậy.

Cách giúp chúng ta bớt khổ bớt giao động là mình giúp cho người khác, thấy người khác khổ mình lao xuống giúp cho người khác thì mình sẽ bớt khổ, những người chung quanh khổ minh sẵn sàng giúp thì mình bớt khổ. Và con người mình càng sống càng bảo vệ chính mình, càng sống mà càng muốn được cái này tránh cái kia thì  càng muốn như vậy con người mình đặc biệt càng rất mẫn cảm mà cái mẫn cảm đó cũng làm cho mình khổ. 

Bởi vậy kiến thức của Phật Pháp và sự tu tập mà có chứng minh được gì trong đời sống chúng ta là chúng ta có tiến bộ hay không đó là khả năng của chúng ta đương đầu với những ngọn gió đời, cái chi phối đến mức độ nào nếu mình gặp chuyện vui mình quá vui chuyện buồn thì mình quá buồn, người ta khen mình thì mình cảm thấy quá sung sướng, người ta chê mình thì mình như bị đạp xuống bùn thì như vậy chúng ta chưa có Phật Pháp trong lòng, tâm của chúng ta chưa vững. Cái chính của cuộc sống là không phải mình may mắn được hạnh phúc, cái chính của cuộc sống là mình có hạnh phúc mà hạnh phúc đó ít bị chi phối bởi những cái ở bên ngoài vào. Cũng đời sống nhưng có những người khổ hơn những người khác là bởi vì tâm họ dễ bị chi phối. 

Tuần vừa qua chúng tôi có một tuần lễ tu tập ở chùa, ở trong tuần lễ này có nhiều Chư Tăng giảng pháp và có nhiều Phật tử đến nghe Pháp. Khi chúng tôi đi xuống đài kỷ niệm của Ngài HT Hộ Giác có một Phật tử nói với chúng tôi một câu mà thật sự chúng tôi nghe ở trong lòng hoan hỉ, đạo hữu đó nói 

-"từ trước đến giờ đi chùa nhiều nhưng có đi dự khóa tu học nghe Chư Tăng giảng mới thấy thật ra mình tu theo Phật Pháp mình không có gìn giữ tâm mình cho được an tịnh gìn giữ tâm mình cho được an lạc. thì hầu như cái gì mình học chỉ ở ngoài da thôi"

Chúng tôi nghe lời phát biểu của vị Phật tử trong lòng  rất vui, vui không phải vì người ta khen Phật Pháp mà mình vui, mà vui vì thấy  Phật Pháp đem lại an lạc cho qúi Phật tử. Chư Tăng vị này giảng bài kinh, vị kia giảng bài kinh nhưng trong lời giảng dạy đó cho qúi Phật tử thắm thía một điểm là sự tu tập của người Phật tử chính là chỗ nội tâm của mình, nội tâm đó có được thanh tịnh có được tự tại có được vững vàng không. 

Đức Phật Ngài dạy tâm của người ít có giao động trước những pháp  là dấu hiệu cát tường dấu hiệu tốt đẹp. 

Tưởng tượng mình sống và làm việc với người nào  mà gặp chút gì vui chút gì buồn  cũng khổ sở cũng hí hửng lên thì thật ra  rất là nguy hiểm, tại vì tâm của người đó giống cây rất mềm yếu gió thổi qua thì ngã liền. 

Chúng ta không muốn như vậy, đời sống muốn cho được vững vàng không bị giao động chúng ta cần phải tu tập. Nhưng đôi khi chúng ta không hiểu, chúng ta thấy tại sao trong Phật Pháp thường nói những chuyện bi quan, những chuyện mình không thích nghe như vô thường, khổ, vô ngã, hay sự chết. Khi mình có tu tập mới hiểu những pháp đó là tự tánh hiển nhiên của các pháp. Và  tâm của chúng ta ít có bị chi phối, tâm không bị giao động , không sầu muộn, được thanh thản được tự tại vô nhiễm đó là những dấu hiệu cát tường ./.

No comments:

Post a Comment