Tuesday, June 20, 2017

Kinh Paritta là kinh gì?

Kinh Paritta là kinh gì?

Do nhân duyên được nghe Chư Tăng lớp Phật Pháp Buddhadhamma thuyết giảng có nhắc đến kinh Paritta. Và vì không biết kinh Paritta là kinh gì và có uy lực ra sao nên chúng tôi đã tìm hiểu và dịch lại. Vì lý do đang tìm hiểu nên có điều gì sai hoặc thiếu xót xin chư vị chỉ dạy thêm. 

Minh Hạnh


Từ vựng Paritta (Pali) được dịch là "sự che chở" hay "sự bảo vệ". Những bài kinh Paritta là những bài kinh đề cập đến việc tu tập thực hành Phật Pháp, và được tụng trong việc xua đuổi tà ma hoặc những lúc gặp nguy hiểm. Được miêu tả như những bài kinh có uy lực tâm linh. Việc tụng niệm hay nghe kinh điển Paritta đã có từ rất sớm trong lịch sử Phật giáo. 

Một số những bài kinh Paritta được tin rằng sẽ đem lại kết quả mong muốn nhờ phát triển sự hộ trì hiệu quả của Chư Thiên như những bài nguyện cầu sự thịnh vượng, an lành và hạnh phúc của các Phật tử. 

Trong kinh điển  Pali, những bài kinh này được Đức Phật thuyết giảng như là một sự tu tập để tránh khỏi những phiền não. Niềm tin vào sức mạnh có hiệu quả để chữa lành, hoặc sự bảo vệ, của năng lực thần thông, hoặc sự tương ứng của một cái gì đó. 

Nhiều người tin rằng tụng kinh Paritta bởi Chư Tăng sẽ mang lại nhiều phước báu. Những lời kinh tán thán cũng được tụng trong những dịp tốt đẹp, chẳng hạn như lễ khánh thành ngôi đền mới hoặc nhà mới hoặc để ban phước cho những người nghe. Ngược lại, có những bài kinh Paritta được tụng  trong những lễ tang hay vào dịp ngày giỗ kỵ  của người thân yêu đã quá vãng. Cũng có thể được tụng để xoa dịu sự phiền não. 

Trong các loại Kinh Paritta Sutta này được tụng niệm một mình hoặc tập thể nhiều người. Một số hoặc tất cả những Kinh Paritta được tụng niệm như những câu trú nguyện thông thường của Phật tử, nhằm chống lại những hiểm nguy và tai hoạ hoặc phòng tránh những chuyện không may mắn đang diễn ra và vô hiệu hoá các rủi ro từng xảy ra là mục đích chính của việc tụng niệm.

Cần phải lưu ý là mỗi bài kệ Paritta Sutta có chức năng đặc trưng khác nhau, mặc dù bất cứ bài kệ Paritta nào cũng có thể được tụng niệm như một biện pháp hộ trợ thông thường. Và người tụng phải có chánh niệm cũng như lòng tin vào sự hộ trì của bài kinh.

Có những câu kinh Paritta tụng lên để trực tiếp cầu xin Đức Phật bảo hộ như trong kinh Nguyệt Thiên Tử-Candima Sutta và kinh Nhật Thiên Tử-Suriya Sutta. Trong hai đoạn kệ này Chư Thiên Canda và Surya đã tụng đọc để mong sự bảo hộ của Đức Phật trước sự đe doạ của vua A Tu La Ràhu.

- Đảnh lễ đấng Giác Ngộ, 
Bậc Anh Hùng muôn thuở,
Ngài là bậc Giải Thoát, 
Thoát ly thật viên mãn, 
Còn con bị trói buộc,
Hãy cho con quy ngưỡng. 

Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Candima, nói lên bài lệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:

Canda đã quy y,
Như Lai, bậc La-hán, 
Ràhu, hãy thả nó, 
Vì chư Phật thương đời.

Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Candima. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la, run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:

Vì sao, như hốt hoảng, 
Ràhu thả Canda, 
Ông đến, lòng run sợ,
Ông đứng, tâm kinh hoàng? 
Đầu con bể thành bảy, 
Đời con không hạnh phúc, 
Với lời kệ đức Phật, 
Nếu không thả Canda. 

Có những bài kinh Paritta khác dựa trên đức hạnh cá nhân của người nói lời chân ngôn được ghi lại trong kinh điển thay vì tán thán Đức Phật như trong kinh Angulimala Sutta, nói về Tỳ Kheo Angulimala, một người sát hại 999 người được Đức Phật chuyển hoá chứng đắt đạo quả, khi một phụ nữ mang thai gặp khó khăn trong khi sinh nở, Ngài Angulimala được chuyển đến để hỗ trợ. Hỏi Đức Phật làm thế nào để có thể giúp đỡ, Đức Phật bảo Angulimala ban phước lành cho người phụ nữ bằng cách đọc một câu chân ngôn về đức hạnh của mình:

"Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn!"

Câu Kinh Paritta này được coi như là lời ban phước lành cho các phụ nữ mang thai sắp đến ngày sanh nở trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy.

Đức Phật và các vị A La Hán có thể tập trú vào các bài kinh Paritta mà không cần sự trợ giúp của người khác. Tuy nhiên, khi Đức Phật hoặc các vị Alahán bị bịnh, các Ngài dễ dàng chánh niệm lắng nghe những gì người khác niệm, và do đó tập trung tâm trí vào giáo pháp mà các kinh điển chứa đựng, hơn là tự nghĩ về Pháp. Có lần Đức Phật bịnh vị thị giả đã tụng kinh Thất Giác Chi, Ngài chánh niệm nghe và sau đó hết bịnh.

Tại các nước theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy các bài kinh Paritta được phổ biến và được biết đến rộng rãi, mặc dù không nhất thiết phải hiểu.

Những Phật tử tại Miến Điện thì tin rằng có 11 kinh có uy lực Paritta. Đó là:

1. Kinh Hạnh Phúc (Mangala sutta) Khp 5, Sn 2.4
2. Kinh Châu Báu ( Ratana sutta) Khp 6, Sn 2.1
3. Kinh Từ Bi (Metta sutta) Khp 9, Sn 1.8
4. Kinh Các Uẩn ( Khandha sutta) .SN 22.48
5. Kinh  Mora sutta. Ja 159
6. Luân Hồi Kinh (Vatta sutta) dựa trên Bổn sanh truyện và sở Hành Tạng ( Cariyapitaka) trong Tiểu A Hàm.
7. Kinh Đầu Lá Cờ ( Dhajagga sutta) -.Dhajagga-paritta ("Đầu Lá Cờ") SN 11.3
8. Atanatiya Sutta ("Kinh A-sá-nang-chi") DN 32
9. Ương Quật Ma La Kinh ( Angulimala sutta, Vô Não Kinh) AN 10.60
10. Kinh Thất Giác Chi ( Bojjhanga sutta) SN 46.14, SN 46.15, SN 46.16
11. Kinh buổi sáng tốt lành (Pubbanha sutta - Buổi Sáng Tốt Lành) AN 3.150

Trong khi đó theo wikipedia.org thì cho là có 29 bài kinh có uy lực Paritta được ghi dưới đây:

1. Sarana-gama ("Tam Quy") Khp 1
2. Dasa-sikkhapada ("Mười Giới") Khp 2
3. Samanera-pañha ("Nam Tử Hỏi Đạo") Khp 4
4. Dvattimsakara ("32 Thể Trược") Khp 3
5. Paccavekkhana ("Những điều quán tưởng của người Xuất Gia") MN 2 (excerpt), passim
6. Dasa-dhamma Sutta ("Mười Pháp") AN 10.48
7. Mahamangala Sutta ("Kinh Điềm Lành") Khp 5, Sn 2.4
8. Ratana Sutta ("Kinh Châu Báu") Khp 6, Sn 2.1
9. Karaniya Metta Sutta ("Kinh Từ Bi") Khp 9, Sn 1.8
10. Khandha-paritta ("Kinh Các Uẩn") SN 22.48
11. Metta-anisamsa ("Kinh Từ Bi") AN 11.16
12. Mitta-anisamsa ("Tiền Thân Mùga-Pakka") Ja 538
13. Mora-paritta ("Tiền thân Mora") Ja 159
14. Canda-paritta ("Kinh Nguyệt Thiên Tử") SN 2.9
15. Suriya-paritta ("Kinh Nhật Thiên Tử") SN 2.10
16. Dhajagga-paritta ("Đầu Lá Cờ") SN 11.3
17. Mahakassapa Thera Bojjhanga ("Trường Lão Mahà Kassapa bịnh và Đức Thế Tôn thuyết Thất Giác Chi , Trưởng Lão Kassapa sau khi nghe xong liền khỏi bịnh") SN 46.14 (Kinh người bệnh I)
18. Mahamoggallana Thera Bojjhanga ("Tôn Giả Maha Moggalana's Mục Kiền Liên bị bịnh và Đức Thế Tôn giảng Thất Giác Chi, Tôn Giả nghe xong đã khỏi bịnh") SN 46.15 (Gilana Sutta II)
19. Mahacunda Thera Bojjhanga ("Đức Phật bị bịnh Tôn Giả Maha Cunda thuyết giảng Thất Giác Chi và Đức Phật sau khi nghe xong đã khỏi bịnh") SN 46.16 (Gilana Sutta III)
20. Girimananda Sutta ("Tôn Giả Girimananda bị bịnh Đức Phật sai Tôn Giả Ananda đến thuyết giảng 10 quán tưởng Ngài Girimananda nghe xong liền khỏi bịnh") AN 10.60
21. Isigili Sutta ("Kinh Thôn Tiên") MN 116
22. Dhammacakkappavattana Sutta ("Kinh Như Lai Thuyết") SN 56.11
23. Maha-samaya Sutta ("Kinh Dai Hoi") DN 20
24. Alavaka Sutta ("Kinh Da Xoa Alavaka ") SN 46.11
25. Kasi Bharadvaja Sutta ("Farmer Bharadvaja Discourse") Sn 1.4
26. Parabhava Sutta ("Kinh Bại Vong") Sn 1.6
27. Vasala Sutta ("Kinh Kẻ Bần Tiện") Sn 1.7
28. Sacca-vibhanga Sutta ("Kinh Phân biệt về Sự thật") MN 141
29. Atanatiya Sutta ("Kinh A-sá-nang-chi") DN 32
Ghi Chú: Xem các bài kinh theo số thứ tự tại trang Tam Tạng Thánh Điển theo địa chỉ sau

http://tamtangkinhdien.blogspot.com/2017/06/kinh-paritta-la-kinh-gi.html

Phải chăng tụng kinh Paritta có uy lực giải trừ bịnh?

Thảo luận: Phải chăng tụng kinh Paritta có uy lực giải trừ bịnh?

Câu thảo luận giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma.

 Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Bệnh phát sanh do 4 nguyên nhân: 

1 . Bệnh do vật thực.
2.  Bệnh do thời tiết.
3. Bệnh do tâm phiền não.
4. Bốn là bệnh do nghiệp.

- Bệnh do vật thực thì phải điều chỉnh vật thực. 
- Bệnh do thời tiết thì phải  tránh thời tiết khắc nghiệt. 
- Bệnh do nghiệp thì phải làm phước, phải tạo duyên. Nghiệp nào mạnh hơn chúng ta chú nguyện để chuyển nghiệp. 
-  Bệnh do phiền não, bệnh này chúng ta phải trị bằng mẹo tức là chúng ta phải thuyết phải nói cái gì để cho người bệnh họ giải toả được phiền não đó. 

Và thuyết nói cái gì đó không nhất thiết phải là kinh Parritta. Bởi vì có những trường hợp người ta nói lời chân ngôn người bịnh cũng sẽ hết bịnh như trường hợp bài kinh hôm nay (Tăng Chi Bộ - Chương 6 - Phẩm  Cần Phải Nhớ bài (VI) (16) Cha Mẹ Của NakuLa (1).

Nữ gia chủ mẹ của Nakula nói với nam gia chủ cha của Nakula 6 điều, thì trong ba điều được nêu lên như sau:

Điều thứ nhất là:

 - "Chớ để mệnh chung một cách đau khổ vì nghĩ rằng sau khi ông chết tôi sẽ không nuôi dưỡng được con cái và duy trì đời sống gia đình ông yên tâm tôi rất khéo tay dệt vải và trải lông cừu hai nghề đó tôi kiếm tiền nuôi con được rồi".
Lời nói như vậy trấn an ông ta không phải băn khoăn lo nghĩ.

Điều thứ hai Mẹ Nakula nói với cha Nakula: 

"Ông chớ có băn khoăn chớ suy nghĩ rằng sau khi ông chết rồi tôi sẽ đi đến một gia đình khác tái giá, ở đây sống chung với nhau 16 năm trời thì ông đã biết phạm hạnh của tôi như thế nào". 
Nói như vậy khiến ông ta yên tâm giải toả được điều thứ hai.

Điều thứ ba, mẹ của Nakula với cha của Nakula:

"Ông chớ có nghĩ ngợi rằng sau khi ông mệnh chung thì tôi không có thường xuyên đi đến yết kiến Đức Phật và yết kiến Chư Tăng, ở đây ông hãy yên tâm sau khi mệnh chung tôi còn đi đến yết kiến Đức Phật và yết kiến Tăng Chúng nhiều hơn nữa". 

Nói như vậy có nghĩa là bà khẳng định lòng tin của bà đối với Tam Bảo không phải là vì chồng là người Phật tử mà vợ phải theo mà chính bà đã là người đạt đến lòng tin bất động, bà nói để ông giải toả.

Chúng tôi chỉ muốn nói 3 điều đầu rõ ràng ở đây mình nói bất cứ điều gì để giải tỏa cho người khác cái tâm trạng nhưng mà ở đây chúng ta nói nên nhớ những điều gì chúng ta nói điều đó là nói chân ngôn tức là lời nói chân thật bởi vì chỉ có lời nói chân thành chân thật mới có uy lực chúng ta gọi là saccavādī  là chân ngôn.

Chẳng hạn như trong chuyện tiền thân của Đức Phật khi còn là vị Bồ Tát lúc mẹ của Ngài bị bệnh thầy thuốc nói phải bắt con thỏ còn sống đem về cắt cổ lấy máu tươi hoà thuốc cứu mẹ mới được. Người anh của Bồ Tát sai Ngài đi đặt bẫy, khi Ngài đặt bẫy một buổi thì bẫy được con thỏ mắc vào Ngài nhìn thấy nó hốt hoảng và trong ánh mắt của nó như là rưng rưng nước mắt Ngài động lòng nên đã tháo bẩy thả con thỏ vào rừng. Khi Ngài về nhà anh Ngài hỏi thì Ngài thú thật như vậy người anh mắng Ngài Ngài im lặng trú trong tâm từ bi như khi nãy lúc Ngài đã thả con thỏ Ngài đi vào giường bệnh của người mẹ chú nguyện rằng: 

- "Hôm nay đi vào rừng đánh bẫy được con thỏ ta có tâm bi mẫn thả con thỏ không có một ác ý giết hại chúng sanh mong với sự thật này xin cho mẹ ta hết bịnh

Lúc Bồ Tát chú nguyện lời chân ngôn xong Ngài nắm tay bà mẹ và bà mẹ của Ngài tức khắc được thuyên giảm khỏi cần uống thuốc. Lời chân ngôn như vậy.

Cho nên ở đây chúng ta hãy nói lời chân ngôn cho dù một đề tài ý nghĩa như thế nào nhưng mà nó là chân ngôn thì chúng ta chú nguyện cũng trở thành uy lực chứ không nhất thiết phải là tụng kinh tụng pháp.

Khi chúng ta nói đến vấn đề tụng kinh Paritta. Thì ở đây chúng tôi cũng xin nhắc thêm để các Phật tử ghi nhớ. 

Không phải lúc nào tụng kinh Paritta cũng có hiệu lực. 

Người nghe kinh Paritta và người tụng kinh Paritta mỗi người đều phải có những yếu tố. 

Nếu Chư Tăng tụng kinh Paritta thì:

- Thứ nhất. Tụng kinh Paritta một vị Tỳ Kheo tụng kinh Paritta hay Chư Tăng tụng kinh Paritta lúc đó Chư Tăng phải có CHÁNH NIỆM, không được phóng dật không phải là tụng ê a mà tụng phải có sự CHÁNH NIỆM.

Thứ hai là phải có sự chú tâm về lòng bi mẫn đối với người bệnh thì lúc đó mới thành tựu được uy lực của kinh Paritta do vị đó tụng.

Còn về người bệnh thì:

Trong kinh Milindapañhā, Ngài Nāgasenai có nhắc đến vấn đề tụng kinh Paritta cho người bệnh và người đó thành tựu được năng lực kinh Paritta một là do:

- Thứ nhất, họ có đức tin

- Thứ hai, trong khi nghe kinh Paritta tâm của họ chăm chú không bị thất niệm

- Và thứ ba, họ có tạo được một phước thiện gì giống như cây trồng xuống đất rễ còn tươi tốt và cây đó còn sống thì lúc bấy giờ người ta vun phân tưới nước cây mới phát triển thêm. Còn nếu như cây khô đem cặm xuống đất dầu cho có vun phân tưới nước thì cây nó không thể mọc ra lá được không thể phát triển được. Cũng vậy chỉ có người đã tạo được một thiện hạnh công đức gì thì lúc bấy giờ Chư tăng tụng kinh Paritta hổ trợ mới có hiệu lực chứ còn nếu như một người ác tà kiến và không tin Phật Pháp họ không làm điều thiện gì mà họ chỉ làm việc ác thì như vậy đối với người này dầu tụng kinh Paritta cũng vô ích thôi. Đó là điều chúng ta phải lưu ý là như vậy.

Những trường hợp như Đức Phật thuyết kinh Thất Giác Chi cho Tôn Giả MahaKassapa bị bệnh Ngài nghe xong thì hết bịnh, hay là Ngài thuyết cho Tôn Giả Mahamoggallana - Mục Kiền Liên bị bịnh Đức Phật Ngài thuyết kinh Thất Giác Chi cho Tôn Giả Mục Kiền Liên nghe Ngài cũng hoan hỉ mà hết bịnh, hoặc chính bản thân của Đức Phật khi bị bệnh Ngài bảo Tỳ Khưu MahaCudan thị giả của Ngài thuyết lại kinh Thất Giác Chi cho Ngài nghe, Ngài nghe xong Ngài hết bệnh. Thì trong những trường hợp này không phải là vì các vị đó cần phải tu tập hay là có nhiều thiện pháp bởi vì Đức Phật và hai vị Tôn Giả kia đều là bậc Alahán là bậc giải thoát  những gì các Ngài đã đạt được do sự tu tập viên mãn về Thất Giác Chi nên bây giờ nghe lại Pháp Thất Giác Chi với tâm tư hoan hỉ, ngay tức khắc dứt khỏi bịnh, và cũng vậy Đức Phật sau khi nghe xong Pháp Thất Giác Chi này có sự hoan hỉ với Pháp thì Ngài dứt được bệnh thì trong trường hợp này chúng ta thấy đó là trường hợp đặc biệt các bậc Thánh vô lậu như Đức Phật và hai vị Thinh Văn đã có sự hoan hỉ trong pháp chứng đạt.

 Đối với phàm phu chúng ta khi được nghe kinh Paritta thì chỉ có hai điều làm chúng ta hết bịnh:

- Một là chúng ta nghe với tâm hoan hỉ để chúng ta dẹp được phiền não uẩn khúc ở trong lòng.

- Hai là chúng ta tạo được duyên phước công đức gì giờ nghe kinh Paritta có uy lực để chuyển hướng làm chúng ta hết bịnh. 

Chỉ như vậy thôi, chúng ta lưu ý hai điểm này./.

Xem tiếp : Kinh Paritta là kinh gì? 

Monday, June 12, 2017

vái nguyện Chư Thiên mỗi khi có chuyện gì. Như vậy phải chăng điều đó gọi là tùy niệm Thiên?

Thảo luận. Có những người Phật tử thường vái nguyện Chư Thiên mỗi khi có chuyện gì. Như vậy phải chăng điều đó gọi là tùy niệm Thiên?

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 10-6-2017.

Minh Hạnh chuyển biên và tóm lượt

TT Tuệ Quyền: Khi chúng ta van vái cầu khẩn Chư Thiên xin giúp điều gì không gọi là tùy niệm Chư Thiên. Chúng ta hằng Niệm Tưởng Chư Thiên nhiều và đến khi chúng ta cầu khẩn Chư Thiên xin giúp thì điều này đúng. 
-  Niệm Tưởng Thiên là chúng ta tưởng nhớ suy xét những ân đức của Chư Thiên, chúng ta suy xét rằng có những chúng sanh trong đời này được sanh vào cảnh giới an lạc, có sự sung túc về vật chất, về sắc đẹp, được an vui được làm Chư Thiên, những chúng sanh này có do nơi đức tin mà được hưởng quả báu ở cõi trời, do nơi đời quá khứ chúng sanh này nghe pháp thính pháp, với tâm hoan hỷ, chúng sanh này năng bố thí, năng trì giới nên được sanh làm Chư Thiên nhiều oai lực, nhiều phúc lành vốn dĩ thành tựu là do phúc quả thiện nghiệp, do thiện pháp tích lũy trong quá khứ. Mình suy nghĩ lại, luôn luôn phải so sánh với chính mình, khi mình có niềm tin và nghĩ rằng ta đã có niềm tin rồi cho nên mình sẽ sanh về cõi Chư Thiên, cộng trú với Chư Thiên. 
- Chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ bố thí, ta đã bố thí rồi, 
- Chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ giữ  giới trong sạch, ta đã giữ giới rồi, 
- Chúng sanh được sanh về cõi Chư Thiên nhờ có tâm hoan hỷ nghe pháp khi ở cõi người, ta đã có tâm hoan hỷ nghe pháp rồi.  
Chúng ta nghĩ rằng chúng sanh được sanh vào cõi Chư Thiên là nhờ chúng sanh đó hành thiện pháp, ta đã hành thiện pháp rồi, thì do đó chúng ta cũng sẽ được sanh làm Chư Thiên.  
Ðó là cách chúng ta niệm Thiên.
Không phải là chúng ta cứ cầu nguyện họ :Chư Thiên ơi, Chư Thiên hỡi hãy cứu con, hãy ban cho con được giàu có, cho con được tiêu tai nạn khỏi, cho con được buôn may bán đắt v.v..." Không phải như vậy. 
Khi chúng ta làm thiện phước chúng ta nhớ đến Chư Thiên chia phước đến họ, nhớ đến họ mong các vị Chư Thiên tùy hỉ phước báu mà chúng ta đang làm đây, những Chư Thiên được biết và những Chư Thiên không được biết khi biết được thì xin hãy hoan hỉ tùy hỉ phước mong  được  an lạc nơi cảnh giới thiên. 
Chúng tôi thường thường khuyên người Phật tử khi làm việc phước nhớ chia phước đến Chư Thiên thì khi gặp những hoạn nạn chúng ta cầu họ giúp họ sẽ giúp chúng ta nhiều. Bởi vì chính ai niệm tưởng đến Chư Thiên ai hồi hướng đến Chư Thiên ai niệm ân đức của Chư Thiên thì Chư Thiên sẽ biết đến khi chúng ta có sự hữu họ sẽ giúp đỡ.
Trong kinh kể chuyện ông Cấp Cô Độc sau khi bố thí cúng dường đến Chư Tăng thời Đức Phật tài sản của ông vơi đi không còn nữa thì Chư Thiên đã đem tiền của ở dưới đại dương vàng bạc châu báu dưới đó đưa vào kho báu của ông ta,  Chư Thiên đáp đền ân tình mà ông Cấp Cô Độc đã hồi hướng phước báu đến Chư Thiên khi họ nương náu ở trong nhà, đã chia phước đến cho họ. 
Đây là ý nghĩa lớn lắm cho nên xin xác định rõ là hành động chúng ta cầu Chư Thiên van vái Chư Thiên khác với niệm tưởng Chư Thiên.
 Chư Thiên họ có nhiều thần lực họ có thể cảm nhận, họ có thể chiêu cảm được phước mà chúng ta khấn chúng ta nguyện chúng ta hướng tâm đến họ. bởi vì họ hiểu biết được người nào có tâm tùy hỉ, có tâm hoan hỉ cho nên họ tăng thêm phần phước báu ở nơi cảnh giới của chính họ kéo dài tuổi thọ ở cảnh giới Chư Thiên của họ nên họ luôn luôn làm những việc lành họ hộ trì họ nâng đỡ họ giúp cho Phật Pháp cho những người có tâm hành các thiện sự trên cuộc đời này. Đây là một điều rất quan trọng trong việc cần phải có cái tâm, cần có sự hiểu biết để từ đó chúng ta sẽ thực hành nhiều phúc lành phúc lạc cao cả nhất
 Chúng ta đừng cầu đừng khẩn gì, chúng ta cứ hồi hướng cho họ rồi đến lúc có đại sự quan trọng chúng ta cầu họ mới linh thiêng.
Chúng ta có bài tụng thỉnh Chư Thiên  rất hay. 
Ðạo tràng thanh tịnh bồ đề
Mười phương thiên chúng hội về nghe kinh
Pháp mầu diệt tận vô minh
Pháp mầu cứu khổ sinh linh vạn loài
Từ dục giới vân đài sáu cõi
Ðến thiên cung sắc giới hữu hình
Duyên xưa đã tạo nghiệp lành
Kết thành phúc quả thiện sanh đến giờ 
Ngự khắp chốn bến bờ đồng ruộng
Hoặc hư không châu quận thị phường
Non xanh rừng rậm đất bằng
Hoặc nơi quán cảnh xóm làng gần xa
Xin đồng thỉnh dạ xoa chư chúng
Càn thát bà long chủng nơi nơi
Miếu đền thành quách lâu đời
Sông hồ hoang đảo biển khơi trùng trùng
Pháp vi diệu nghìn thân nan ngộ
Phước nhân thiên muôn thuở khó cầu
Ngày tàn tháng lụn qua mau
Ðắm say trần cảnh vùi đầu tử sinh
Ðây là giờ chuyển kinh vô thượng
Ðây là giờ đọc tụng pháp âm
Lời vàng lý nghĩa cao thâm
Xin chư hiền giả lắng tâm thọ trì 
Xin tóm lại là chúng ta nhớ tưởng đến ân đức của Chư Thiên nhớ đến những phước lành và nên làm phước như bố thí, cúng dường, làm những thiện sự rồi nhớ đến họ và hồi hướng phước báu đến họ đến khi hữu sự chúng ta cầu khẩn thì họ sẽ giúp đỡ./