Thursday, August 17, 2017

Lợi ích của việc tụng đọc kệ ngôn Phật - TT Tuệ Siêu

Thảo luận: Lợi ích của việc tụng đọc kệ ngôn Phật như thế nào? 

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-7-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Tụng đọc Phật ngôn một cách rộng rãi như đã được nghe như đã được học thông suốt, thì ở đây chúng ta nên hiểu không phải chúng ta tụng như tụng kinh Paritta để tạo uy lực, mà sự tụng đọc ở đây là sự ôn nhuần kinh điển, có những bài kinh hay những câu Phật ngôn đọc qua rồi mình hiểu và nhớ từng câu từng lời nhưng nếu mình không tụng đọc thì một thời gian sau sẽ quên chi pháp đó, nhưng nếu chịu khó tụng đọc ít nhất một câu Phật ngôn học thuộc lòng mình phải tụng đọc khoảng chừng một tháng hoặc hai tháng để nhớ rồi thì không quên câu Phật ngôn đó.

Một vị Tỳ Kheo tụng Phật ngôn có 4 điều lợi:

1. Điều lợi thứ nhất, lợi cho bản thân mình khi những gì mình đã học đã biết mà mình tụng đọc thường xuyên điều đó giúp cho mình nhớ. Đương nhiên ở đây khi chúng ta tụng phải hiểu thì mới tốt. Chúng tôi cũng thường khuyến khích các vị học Pali bởi vì Phật ngôn Pali hay và chính xác, còn chúng ta học kinh nghĩa dịch thì bây giờ chúng ta tụng theo bản dịch của vị nào đây, vị này tụng văn này vị kia tụng văn kia tụng để cho có thời kinh thì được nhưng mà để gọi là tụng để thắm nhuần Phật Pháp thì chúng ta cứ tụng ngay trong chánh kinh Pali nhưng chúng ta phải hiểu ngữ nghĩa Pali. 

Có những bài kệ Pháp Cú chúng tôi thuyết pháp cách đây 10 năm, vào năm 2007 trong dịp tang lễ của cô Bảy Vĩnh Phúc một vị đại tín nữ đệ tử của Ngài Tịnh Sự, lễ tang tại chùa Siêu Lý quận 6. Chúng tôi nhớ hôm đó chúng tôi từ Vĩnh Long đi lên để viếng tang cùng với Chư Tăng lúc đó Phật tử cũng đông và ban tổ chức thỉnh chúng tôi thuyết một bài pháp. Chúng tôi đã thuyết bài kệ làm đề tài thường quán. 

Pariji.n.namida.m ruupa.m rogani.d.dha.m pabha'ngura.m
Bhijjati puutisandeho mara.nanta.m hi jiivita.m. 

Sắc này bị suy già, Ổ tật bịnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đổ vỡ, Chết chấm dứt mạng sống!

Khi chúng tôi đọc và coi tại đó rồi thuộc lòng và thuyết, thuyết xong sợ quên nên khi về chùa sáng lên tụng kinh trước khi hành thiền bởi vì câu đó chỉ có mình chúng tôi đọc nên chúng tôi ngồi nhẩm trong tâm vậy mà trôi qua 10 năm chúng tôi còn nhớ như in không quên. Những bài kệ Pháp Cú chúng tôi nhớ nhiều là do nhờ tụng đọc thường xuyên.

Do vậy lợi ích thứ nhất là khi chúng ta tụng đọc pháp thường xuyên sẽ giúp chúng ta có trí nhớ.

2 - Điều lợi thứ hai, khi đọc qua một lần chúng ta hiểu chỉ đến chừng đó nhưng nếu chúng ta cứ tụng đọc hoài, cứ mỗi ngày chúng ta thấm một khía cạnh, một ý nghĩa nhiều ngày như vậy thì câu Phật ngôn đó chúng ta hiểu rộng rãi do nhờ sự tụng đọc nhiều.

3 - Điều lợi ích thứ ba, có những hạng Chư Thiên nhất là Chư Thiên hộ pháp có niềm tin nơi Tam Bảo nghe vị Tỳ Kheo tụng đọc Phật ngôn Pali khi đi ngang họ dừng lại nghe. Vào thời Đức Phật cũng vậy, chẳng hạn những vị  thánh cư sĩ Hatthaka hay Citta đêm nào cũng đọc tụng Phật ngôn những điều đã được nghe và các vị Chư Thiên rất hoan hỉ để được nghe, khi Chư Thiên có sự hoan hỉ như vậy họ sẽ hộ trì cho người tụng đọc.

4 - Lợi ích thứ tư, khi đọc tụng Phật ngôn chúng ta thuộc lòng nó trở thành thường cận y duyên và trong tương lai nếu chúng ta gặp một vị Phật trong tương lai  Đức Thế Tôn ấy biết được sở hành của mình trong quá khứ quen với Pháp như vậy thì Ngài thuyết lại câu đó nghe xong chứng quả. Trong kinh ghi vào thời Đức Phật Kassapa có 500 vị Tỳ kheo tu thiền với đề mục là quán các hành là vô thường cho nên trong hiện tại 500 vị ấy tái sanh trở lại và cùng là một hội chúng khi các vị đó đến viếng thăm Đức Phật Gotama Ngài biết rõ những vị này có duyên quán về pháp vô thường cho nên Ngài thuyết câu 

Sabbe sankhara anicca'ti; yada pannaya passati, atha nibbindati dukkhe, esa maggo vissuddhiya.

khi nào có trí tuệ thấy rõ,  các hành là vô thường,  sẽ yểm ly sự khổ,  là con đường đưa đến thanh tịnh tức là đưa đến Niết-bàn

Nghe xong bài kệ 500 vị Tỳ Kheo chứng quả Alahan. 

Có những vị khác trong đời qúa khứ đã quen đã nhớ về pháp khổ dukkha nên hiện tại Đức Phật Ngài cũng đọc bài kệ y như vậy nhưng chỉ thay đổi sabbe sankhara dukkhati . Và vị đó có duyên nên chứng đạo quả.

Cho nên khi chúng ta đọc tụng nhiều:

- Ngoài 2 lợi ích cho mình một  là không quên chi pháp, không quên Phật ngôn,  lợi ích thứ hai cho mình là càng tụng đọc chúng ta càng thấm thía với nghĩa lý cao siêu.

- Hai chi pháp phần sau hai lợi ích là Chư Thiên nghe qua hoan hỉ, và bản thân mình nêú ngay trong hiện tại chưa có duyên đắc được đạo quả thì cũng sẽ là nhân duyên cho kiếp tương lai. 

Đó là ý nghĩa chúng tôi xin được chia sẻ cho câu thảo luận này./.

No comments:

Post a Comment