Chương Năm Pháp
(XIV. Phẩm Vua
(139) Người sống để mà ăn
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 14-3-2017, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học 2 bài kinh 138 và 139, tất cả những ý nghĩa của bài kinh 139 đã bao gồm luôn ý nghĩa của bài kinh 138.
Ý nghĩa ở tại đây, giống như con voi của vua nhưng thiếu đặc tính được huấn luyện đầy đủ và nó chỉ mang tiếng hữu danh vô thực. Tức là voi của vua nhưng chỉ biết ăn và đại tiện chứ thực ra nó không xứng đáng. Giống như một vị Tỳ Kheo nếu trong đời sống tu tập có chiếc y, có danh xưng Tỳ Kheo nhưng không có kham nhẫn, thì đối với một vị Tỳ Kheo như vậy dù không phải là tội lớn để phải bị trục xuất nhưng căn bản mà nói thì vị đó chỉ được danh gọi là Tỳ Kheo hữu danh vô thực chứ không có ý nghĩa lợi lạc gì.
Điều Đức Phật muốn nói ở tại đây; một người tu tập thật sự phải thấy sự kham nhẫn quan trọng trong đời sống tu tập của chúng ta.
Sự kham nhẫn đó được hiểu thế nào?
Trong một cách nói nào đó của kinh điển, đặc biệt A-Tỳ-Đàm và Thiền Quán thì A-Tỳ-Đàm và Thiền Quán gặp nhau ở điểm là đôi khi không cần phải nói về văn học, về lịch sử, về triết lý xa vời mà nói ở đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, đây là sắc, thinh, khí, vị, xúc, pháp. Tức là 6 giác quan của chúng ta. Đặc biệt đối với ngoại cảnh thì có 5 giác quan là thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác và 5 cảnh cái gì mình thấy, cái gì nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm. Khi nói bố thí A-Tỳ-Đàm nói bố thí sắc, thinh, khí, vị, xúc.
Khi nói về cuộc sống sự hoạt dụng của các giác quan và ở đây nói sự kham nhẫn thì đặc biệt cũng nói về sự kham nhẫn đối với 5 cảnh ở bên ngoài. Điều thú vị ở tại đây thường mình nói kham nhẫn chỉ nói đến nghịch cảnh tức là cái gì trái ý nghịch lòng, nhưng ở đây, Đức Phật Ngài dùng chữ kham nhẫn là đối với những điều gì lôi cuốn, những gì quyến rủ, cái gì hấp dẫn mà mình giữ vững lòng không bị lôi cuốn thì như vậy gọi là có sự kham nhẫn. Và chúng ta sẽ thấy đôi khi đối với sự khổ mình dễ chịu đựng hơn là cái gì hấp dẫn lôi cuốn mình, về điểm đó đòi hỏi hành giả phải có sự kiên tâm chịu đựng.
Ý nghĩa tổng quát con voi của nhà vua phải là con voi được tinh luyện thuần hóa và phải được huấn luyện để có khả năng thích nghi khả năng chịu đựng. Nếu con voi không có khả năng thích nghi khả năng chịu đựng thì khó có thể ra trận được và nó khó có thể đáp ứng được sự kỳ vọng của nhà vua ,nó không xứng đáng là con voi của nhà vua mặc dầu có thể ban đầu thấy dáng nó đẹp thấy dáng nó khỏe người ta đem về nhưng vì sự huấn luyện không thành công thế nào đó thì con voi đó chỉ còn có cái tên là voi của nhà vua đó gọi là hữu danh vô thực. Để thực sự con voi tinh luyện thì nó phải có khả năng kham nhẫn.
Trong cuộc sống của người tu tập có thể là một người tu tập mặc chiếc y, có thể là một người tu tập có danh xưng Hoà Thượng, Thượng Toạ, vị Pháp Sư, vị Trụ Trì có danh nghĩa này có danh nghĩa khác nhưng điểm chính của một người tu tập không phải là những danh nghĩa hay hình thức đó, người ta nói "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng ở đây điều quan trọng đó là sự kham nhẫn. Chúng ta nói một cách chừng mực ngay trong đời sống hiện tại của chúng ta đó là sự chịu đựng sự kham nhẫn.
Kham nhẫn là gì?
Trường hợp thứ nhất, Sắc
Một hình ảnh rất rõ ràng; một con voi của nhà vua gọi là một chiến tượng là con voi có khả năng để xông trận và khi con voi xông trận có nhiều thứ nó phải đối diện. Lấy ví dụ như khi ra trận nó thấy ở bên kia dàn binh mã hùng hậu, cờ xí rợp trời ,thấy bên kia la hét nó chỉ mới thấy mà đã bủn rủn thì thật sự nó chưa phải là một con voi được huấn luyện đầy đủ. Một con voi được huấn luyện đầy đủ phải là con voi đối diện những sự áp đảo những gì thấy nó vẫn tỉnh táo đó là điều quan trọng. Con người chúng ta thường hay bị hù dọa bởi ngoại cảnh ở bên ngoài, sự hù dọa ở đây đặc biệt khi nói về một con voi ra trận thì quả thật rất là nguy hiểm, ngày hôm nay chúng ta thường dùng chiến xa những xe bọc thép để đưa quân đội đi và người tài xế chỉ lái xe bọc thép nhưng ngày xưa khi binh sĩ ra trận thì những kị binh trông cậy vào tượng binh mã tức là ngựa và voi. Theo những nhà quân sự thời xưa thì con ngựa dễ điều khiển hơn con voi, con voi rất mạnh, con voi cho vị tướng ở vị thế rất cao và chúng ta thấy trong lịch sử hình ảnh bà Trưng bà Triệu cưỡi voi hay Phạm Ngũ Lão cưỡi voi qua đánh nước Lào chẳng hạn, nhưng đại khái con voi nếu không khéo huấn luyện khi ra trận thấy bên địch dàn cờ xí la hét đánh trống đánh chiên mà nó bủn rủn không chịu đi tới thì thật sự trở ngại cho đoàn quân, những con voi như vậy không thể là một chiến tượng. Nói một cách khác, không thể để cái gì mình thấy mà khiến cho mình bủn rủn tay chân mất đi nhuệ khí mà phải có đủ sự lì lợm và đặc tánh lì lợm là đủ sự can đảm đủ khả năng bất chấp trước những đe dọa trước những sự áp đảo ít nhất về phương diện kỹ thuật ở bên ngoài gọi là chiến tranh tâm lý, có nhiều người đụng tới chuyện là bắt đầu bủn rủn tay chân rồi thì thật ra những người đó chưa có khả năng như con voi trận.
Trường hợp thứ hai, Thinh
Trường hợp thứ hai, con voi còn bị áp đảo bởi âm thanh. Ngày xưa khi 2 bên đánh sáp trận ngày đó không dùng súng đạn mà dùng gươm giáo và khi tiến lên đánh sáp trận thì những con voi con ngựa rất là quan trọng và những người tướng hay những người chỉ huy hoặc giả một số kỵ binh ngồi trên voi trên ngựa được lợi thế. Người ta dùng cách để áp đảo là dùng những âm thanh như tù và trống chiên làm ồn để áp đảo tinh thần. Cờ phướn hay binh sĩ đông đảo có thể làm cho con voi sợ nhưng âm thanh cũng làm sự áp đảo và sự áp đảo đó có thể làm cho nhục chí mất đi nhuệ khí. Và âm thanh đó tác động rất ghê gớm bởi vì thông thường trong đời có nhiều khi mình gặp những người ăn to nói lớn dao to búa lớn để áp đảo gìống như nạt nộ để áp đảo, nếu mình thiếu kinh nghiệm hay non tay thì sự áp đảo làm cho mình sợ, mới thấy họ áp đảo là thấy run sợ rồi thì cái đó là một cái dở là con voi không có khả năng kham nhẫn đối với âm thanh. Kham nhẫn ở đây chỉ cho khả năng vừa có sự chịu đựng được, vừa có khả năng bất chấp, vừa có khả năng không để cho những thứ đó làm cho mình giao động, làm cho mình bị chi phối, làm cho mình bị bào cùn đối với con voi trận.
Trường hợp thứ ba, Khí.
Con voi gọi là chiến tượng đặc biệt voi của nhà vua thì ở những nơi tương đối được chăm sóc sạch sẽ nhưng khi nó ở sạch sẽ quá ra trận người ta dùng những mùi xú uế đôi khi có những mùi làm nó chịu không nổi nó bỏ đi. Trong một số câu chuyện kể về một số những chiến trận ngày xưa người ta đánh nhau đặc biệt khi đánh bằng tượng binh, bên Ấn Độ người ta xử dụng một số những mùi hôi như nước đái qủi (dung dịch amoniacque) hay một số những mùi hôi con voi không chịu nổi khi ngửi thấy mùi đó nó bỏ chạy. Ngay cả trong thế giới loài vật thì có nhiều mùi lại kị với một số con vật nào đó, thì một con voi trận thật sự đúng nghĩa một con chiến tượng con voi trận phải có khả năng kham nhẫn trước những mùi khó ngửi khó .
Trường hợp thứ tư, Vị
Người ta có thể bỏ độc vào trong cỏ và đem cỏ đó để ở ngoài chiến trận, con chiến tượng khi ra trận đói thấy cỏ nó ăn và như vậy sẽ bị ngộ độc. Những cỏ được bày ra ở ngoài trận chiến không nên là điều thu hút, một con voi trận giỏi sẽ làm ngơ mấy bó cỏ đó nó không màng đến dù đang đói nó phải ra trận phải có kỷ luật và chỉ ăn khi trở về hậu cứ an toàn và người nài cho ăn, nó không vì đói trong khi ra trận mà ăn bừa bãi những cỏ nước để ở mặt trận vì điều đó là chuyện rất nguy hiểm nếu người ta bỏ độc vào voi ăn vào thì chết, thành ra con voi phải biết làm ngơ những thứ đó.
Trường hợp thứ năm, xúc
Một chuyện rất quan trọng khi chúng ta nói đến xúc chạm, ở đây chúng ta nói đến xúc giác. Một câu kệ trong kinh Pháp Cú:
Như voi chiến lâm trận
Hứng chịu bao lằn tên
Ta gánh chịu phỉ báng
Giữa đời lắm đảo điên
Voi thuần, đưa dự hội
Ngựa thuần, được vua cưỡi
Bậc tự hoá, tối thượng
Trước phỉ báng, nhẫn nại
Như con voi chiến ở ngoài mặt trận phải hứng chịu lằn tên mũi đạn, người tu phải có những sự kham nhẫn trước những đòn thù trước sự tấn công của người khác. Ở đây khả năng chịu đựng tương tựa như con voi trận, không phải vì người ta lấy gươm lấy giáo đâm vào chân, đâm vào nách của nó, đâm vào trong vòi của nó mà nó bỏ chạy, nếu bị người ta lấy gươm lấy giáo đâm mà bỏ chạy thì không còn là con voi trận nữa, một con voi trận là phải chấp nhận, một con voi trận mà được huấn luyện đầy đủ cho dù bị đâm đi nữa vẫn bước tới vẫn hùng dũng đi tới thì gọi là con voi có kham nhẫn.
Nếu con voi không kham nhẫn được những thứ đó thì con voi không xứng đáng được là con voi của vua, con voi xứng đáng của vua là con voi có kham nhẫn được với những gì nó thấy, những gì nó nghe, những gì nó ngửi, những gì liên quan đến nếm hay ăn uống, những gì xúc chạm nó phải có khả năng kham nhẫn.
Đời sống tu tập của vị Tỳ Kheo, đúng nghĩa vị Tỳ Kheo là phải làm một chiến sĩ ra trận một chiến sĩ được trang bị đầy đủ cụ túc giới, một chiến sĩ phải chấp nhận để vượt qua những thử thách để làm cái gì cần phải làm mà không để những cái này cái khác chi phối nửa chừng.
Ở đây bài học này rất lợi lạc cho chúng ta một điều rằng Đức Phật Ngài không nêu lên những cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm mà nó làm trái ý nghịch lòng. Thật ra đau khổ ít có làm cho chúng ta bị lạc lòng bị lạc hướng bị phân tâm như những gì cám dỗ những gì quyến rũ, nhất là cuộc sống ngày hôm nay thì Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài dùng chữ kham nhẫn, chúng ta nhớ như vầy là đừng bao giờ nghĩ rằng chữ kham nhẫn nó chỉ đối với những điều khó chịu trái ý nghịch lòng mà kham nhẫn ở đây kể cả những gì khả ái khả ý khả lạc cái gì mà mình cảm thấy bị lôi cuốn vào cuộc bị cuốn hút.
Kham Nhẫn Đối Với Sắc
Thì ở đây Đức Phật Ngài dạy mình có thể nhìn thấy cảnh sắc tự nhiên, sắc ở đây là sắc khả ái làm tâm mình không định tỉnh được tâm mình bị tán loạn và không kham nhẫn được với sắc. Phải nhìn nhận ở trong cuộc đời sắc làm cho con người đôi khi dễ đánh đổ những cái giá trị mà mình đang theo đuổi chỉ đơn thuần là mình không có kham nhẫn với nó được. "Vũ vô kiềm toả năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân" con người chúng ta có thể là một người rất thành công, con người chúng ta làm rất nhiều việc nhưng trong lúc nhất thời bị chi phối bởi sắc có thể mình không giữ được tâm mình, có thể làm mình chìm đắm.
Và điều đó Đức Phật Ngài dạy ngay trong phần đầu của bài kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật Ngài dạy:
"không có sắc nào có sức thu hút đối với người nam hơn là sắc của người nữ, không có sắc nào đối với người nữ thu hút hơn là sắc của người nam" .
Chúng ta cũng phải nói ngoài cái sắc đối với sự thu hút người khác phái hay đối với tình cảm nam nữ nó còn những thứ mà trong đời sống nó làm cho mình cảm thấy chịu không nổi. Ví dụ như ngày hôm nay có những bộ quần áo quá đẹp, hay một nơi nào đó quá đẹp, hoặc giả ví dụ như có những người họ thích bỏ tiền ra mua chiếc xe tại vì chiếc xe quá đẹp, có thể nói chúng ta sống trong thế giới các công ty các nhà sản xuất những mặt hàng tiêu thụ họ xử dụng đủ thứ kỷ sảo đánh vào tâm lý chúng ta.
Chúng tôi đọc một bài báo nói về những công ty mở những shopping mail nghiêng cứu như thế nào đó bắt mắt khiến cho những người đi trong mail cảm thấy muốn đi hoài không chán, ngày xưa shopping mail chỉ bày hàng ra bán thôi nhưng bây giờ họ có kỹ thuật khiến người mua bị cuốn hút cứ đi hoài không muốn đi ra thì đó cũng là một trong những đặc biệt. Nhưng phải nói con mắt của chúng ta dẫn chúng ta tới rất nhiều cảnh giới khác nhau trong cuộc đời này, qua đôi mắt chúng ta đón nhận rất nhiều thứ từ thế giới bên ngoài, âm thanh cũng vậy nhưng không bằng mắt, các mùi thơm cũng vậy nhưng mà không bằng mắt, vị cũng không bằng mắt, mắt cho chúng ta một thế giới mênh mông rộng lớn muôn màu muôn sắc từ thô cho đến tế từ cách này hay cách khác,
Thật ra Đức Phật Ngài dạy người tu tập là phải kham nhẫn với sắc. Ngài Ajahn Jayasaro trong quyển sách có một đoạn nói về Ngài Ajahn Cha khi còn trẻ Ngài biết trong tâm của Ngài dễ bị ái nhiễm bởi người nữ, có một lần Ngài phát nguyện trong 3 tháng nhập hạ không nhìn người nữ, ánh mắt Ngài luôn luôn nhìn xuống, đi khất thực Ngài nhìn xuống và ai cúng dường gì Ngài chỉ giở bát thôi chứ không để ý người đó là nam hay là nữ, đẹp hay xấu, sau 3 tháng an cư Ngài thấy đã ổn định tâm, Ngài ngẩn đầu lên Ngài nhìn vị thí chủ đến cúng, không may ngày hôm đó vị thí chủ là người phụ nữ rất đẹp thì vừa mở mắt ra nhìn thấy giống như bị điện giựt, và lúc đó Ngài mới nhận ra một điều rằng những phiền não như vậy nó chi phối rất nhiều ở trong tâm tư và cuộc sống của mình.
Cho nên Đức Phật đặc biệt Ngài dạy mình nên kham nhẫn. Kham nhẫn ở đây một lần nữa không phải là với cái gì mình cảm thấy khó chịu với cái gì cuốn hút đôi khi vì một thói quen nào đó trong cuộc đời trước hay vì một lý do gì đó mình gặp một người có khuôn mặt, có mái tóc, có nét mặt mà họ hoàn toàn có đủ sự chinh phục và làm cho tâm hồn của mình tê tái, Đức Phật dạy mình phải vận dụng rất nhiều kham nhẫn đối với việc đó.
Kham Nhẫn Đối với Thinh
Đối với âm thanh cũng vậy, âm thanh có những thứ làm chết người. Ngày hôm nay chúng ta có một nền âm nhạc chưa bao giờ loài người lại có một nền âm nhạc hấp dẫn quyến rủ như thời bây giờ. Không phải từ giọng hát của những ca sĩ rất tài năng mà còn về kỹ thuật thu âm, hòa âm, ngày xưa người ta chỉ hát tiếng hát thôi còn bây giờ ở trong một tiếng hát được hòa âm phối khí kết hợp làm một bản nhạc mê hồn người.
Trong kinh điển ghi rất nhiều trường hợp có những vị tu sĩ ở trong rừng, thì thật sự tu trong rừng là một sự kềm chế đôi khi là sự phấn đấu ở sự phấn đấu đó có những giai đoạn gian nan và khô khan, tự nhiên đang tu tập như vậy nghe một cô sơn nữ đi hái hoa hay đi nhặt củi trong rừng ca một điệu hát làm cho vị tỳ kheo đó không chịu nổi và phải hoàn tục. Thì trường hợp như vậy xảy ra không ít trong kinh có ghi lại như trường hợp cháu của Ngài Cakkhupàla chẳng hạn và nhiều trường hợp khác. Nhưng phải nhận rằng sống trong thời đại ngày hôm nay thế giới của âm nhạc, thế giới của âm thanh không phải chỉ màu sắc không mà âm thanh cũng rất dễ sợ.
Ngay cả Phật Giáo Bắc Truyền trong kinh Kim Cang cũng có câu "Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thanh cầu ngã, thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai" nghĩa là lấy sắc cầu Phật lấy âm thanh cầu Phật thì là tà đạo chứ không thể thấy Như Lai được. Nhưng mà rồi ngày hôm nay phải nhìn nhận ngay cả trong thế giới tu tập thế giới chùa chiền thì kỷ sảo về thanh âm cũng đạt đến mức độ càng ngày người ta càng có nhiều thu hút đối với những cách tụng đọc. Ngày xưa Đức Phật Ngài dạy Chư Tỳ Kheo không nên tụng kinh kéo dài giọng như ca hát, nhưng bây giờ người ta có khuynh hướng ngược lại là làm sao tụng kinh cho thật hấp dẫn tụng kinh thật hay và từ cái hay đó người ta mới phổ biến trên youtube rồi mới ra dĩa CD, đâu có ai mà phổ biến giọng tụng kinh không hay. Nhưng ở một phương diện nào đó thì nó giúp cho người ta thích đến với đạo giống như có một cô ca sĩ ở Mã Lai phổ nhạc bài Từ Bi Kinh tiếng Phạn và cô hát lên nghe rất hay nhưng có nhiều người nghe bài đó chỉ nghe âm thanh hay mà không hiểu ý nghĩa đó, điều đó là một điều đáng tiếc. Phật Giáo Nguyên Thủy dạy chúng ta là nên có chừng mực, phải coi chừng đôi lúc chúng ta thấy những âm thanh hay quá nó làm chúng ta quên đạo, hay chúng ta quá bận rộn việc trang trí làm sao có bàn Phật thật đẹp, một Phật cảnh rất tuyệt mỹ, ai cũng nghĩ đến cái đẹp của sắc tướng ở bên ngoài và họ không còn hiểu được âm thanh không biết ý nghĩa đằng sau đó.
Kỳ rồi chúng tôi sang Thái Lan rồi qua Miến Điện đi lên Kanchinambury từ bên này ngó sang bên kia có một ngôi chùa Thái, người Thái hay làm tượng Phật lớn nhưng khuôn mặt không đẹp thì có nhiều Phật tử nói với chúng tôi rằng bỏ công ra để làm tượng Phật mà tượng Phật xấu quá họ không muốn làm. Ở Thái Lan đôi khi gặp nhiều pho tượng tự nhiên chúng tôi lại có ý nghĩ ngược lại, chúng tôi nghĩ đôi lúc những tượng Phật lớn người ta làm không đẹp để nhắc cho chúng ta thấy một điều rằng chúng ta đừng quá chấp vào hình tướng ở bên ngoài, mình lạy Phật nghĩ rằng đó là tượng trưng dầu là Phật đẹp hay Phật xấu hay Phật bằng ngỗ, hay bằng ngọc, hay bằng đất, hay bằng ximăng thì chỉ là biểu tượng thôi, đừng đặt quá nặng vào việc đó, đôi khi chúng ta quá chấp vào sắc tướng âm thanh cũng là một điểm rất nguy hiểm.
Kham nhẫn với Khí.
Trong chuyện Kiều có câu "hương gây mùi nhớ", mùi hương cũng có những tác động rất lớn trong việc chi phối nội tâm của chúng ta. Đôi khi nó tạo ra nhiều nhục cảm như là nước hoa hay hoặc giả đôi khi nó nhẹ nhàng giống như mùi hương của trầm hay mùi hương của hoa. Một lần chúng tôi sang thăm Hawaii, những người Phật tử đưa đi thăm một vườn hoa xứ, trong đời chúng tôi chưa bao giờ thấy vườn hoa xứ rộng hơn 35 hecta trồng đủ loại hoa xứ, đi sâu vào trong rừng hoa mùi hoa nhẹ nhàng và thơm. Thì phải nhìn nhận một điều là tùy theo mỗi cá nhân có người tham đắm về sắc, có người tham đắm về âm thanh, có người tham đắm mùi hương, có người tham đắm về ăn uống về vị giác của mình, có nhiều người tham đắm về xúc chạm. Nhưng ở đây Đức Phật Ngài dạy mùi hương cũng có thể là cạm bẫy. Người ta đã bỏ ra hàng trăm triệu hàng trăm tỷ vào kỹ nghệ nước hoa, mỗi lần chúng tôi lên máy bay thấy những xe họ bán đồ miễn thuế đẩy ngang thì phần lớn là những chai nước hoa và người mua cũng nhiều. Nó cho chúng ta thấy rằng mùi hương cũng đóng vai trò rất lớn.
Chúng ta có âm nhạc, chúng ta có cảnh thinh, chúng ta có những màu sắc những hình thức đẹp như quần áo thời trang, và chúng ta cũng có mùi hương.
kham nhẫn với vị giác.
Điều thứ tư là những gì liên quan đến vị giác hay là cảnh vị. Vị giác là cái biết của lưỡi, và cảnh vị là cái gì được vị giác biết. Chuyện này chúng ta không cần nói nhiều vì thế giới ăn uống bây giờ rất tinh vi, không phải người ta ăn chỉ những thứ ăn mặn đắng chua cay là đủ mà đôi khi ăn thức ăn của Pháp, thức ăn của Tàu, thức ăn của Nhật, thức ăn Thái Lan và họ ăn đủ cách. Những thức uống như trà cafe hay rượu những thức ăn như những món ăn càng ngày càng ngon miệng càng vừa miệng càng tinh vi làm ham ăn mê ngủ, ham ăn nó trở thành một thói tật muôn thuở của loài người.
Chúng tôi một lần đi đầu đà với một vị Sư người Hòa Lan, Sư tâm sự với chúng tôi một điểm là không biết tại sao Sư là người Hòa Lan lại thích ăn thức ăn Thái Lan, thức ăn Thái Lan dọn cái gì cũng thấy ngon kể cả sầu riêng. Vị đó nói với chúng tôi vị đó có lời phát nguyện là nếu trong khi ăn không có chánh niệm thì vị đó sẽ tự phạt mình bằng cách là không ăn đồ ngọt, bên Thái Lan sau bữa cơm chính họ dâng thực phẩm như trái cây bánh ngọt. Thì một bữa Sư để nguyên nắp bát thức ăn ngọt người ta cúng dường để trước mặt, ăn cơm xong vị đó ngó tôi cười và nói: "Sư Jotika bữa nay tôi phải phạt mình không được ăn đồ ngọt tại vì lúc tôi ăn món chính nó ngon quá và bị thất niệm". Nghe vậy chúng tôi rất thương hình ảnh đó là vì ở bên Thái Lan Chư Tăng ăn một ngày đúng một bữa, các chùa buổi sáng điểm tâm sớm và buổi trưa là bữa chính rồi sau bữa chính thì không ăn gì cho tới ngày hôm sau, và khi bình thường mình muốn ăn gì thì ăn thì thật sự thực phẩm đó không ảnh hưởng mình nhiều nhưng mà một ngày ăn một bữa thì chúng tôi phải nói là rất gay go. Qúi Phật tử nào mất khẩu vị tức là mất khả năng ăn thì qúi vị chỉ cần nhịn ăn thôi hay một ngày chỉ ăn một bữa thì khi ăn thấy ngon vì đang đói cơ thể mình thiếu lúc đó ăn rất ngon. Và Phật tử cúng dường thực phẩm bên Thái Lan nhiều thực phẩm ngon nên ăn vào dễ sanh phiền não tham đắm nên phải rất là kham nhẫn.
Kham Nhẫn Đối Với Xúc
Chúng ta đừng nói chỉ có cảnh sắc hay chỉ có sắc tướng mới làm hấp dẫn, đừng nói chỉ có âm thanh hay những cảnh vị tức là cái mặn ngọt chua cay những thức ăn thức uống trong đời sống nó lôi cuốn thu hút chúng ta rất nhiều và Đức Phật Ngài cũng dạy về thân cảm xúc đôi khi nó dễ chịu nó làm cho mình dính mắc thì ở đó nó cũng làm cho mình bị lạc hướng.
Kết luận
Ở đây Đức Phật Ngài dùng hình ảnh của con voi và hình ảnh của vị Tỳ Kheo. Ngài dạy con voi kham nhẫn được gọi là con voi trận một chiến tượng khi nó ra trận nó không bị hình ảnh bên địch đông đảo cờ phướng dương cao làm cho nó bủn rủn nản chí, hay kham nhẫn với âm thanh la hét, tiếng trống trận, tiếng thổi tù và, phèn la chập chõa mà làm nó rủn chí hay người ta dùng những mùi xú uế mà làm cho nó khó chịu nó nản chí, hay bó cỏ nước uống để cho bị mắc bẫy nó tham đắm hoặc giả gươm giáo đâm vào thân nó kham nhẫn được. Thì hình ảnh đa phần là những gì có tánh cách đe dọa trái ý nghịch lòng nhưng riêng về vị tỳ kheo thì Đức Phật Ngài dạy mang tánh ngược lại là kham nhẫn đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc là sự kham nhẫn đối với những gì gọi là khả ái mắt thấy, cái gì khả ái khả ý tai nghe, cái gì khả ái khả ý mũi ngửi, khả ái khả ý của lưỡi nếm, khả ái khả ý của thân cảm xúc.
Giá trị của đời sống tu hành, bản lãnh của đời sống tu, và thực chất của đời sống tu sĩ nằm ở sự kham nhẫn đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc. Nếu chúng ta hiểu được chừng đó thì chúng ta hiểu được yếu lý của thiền định. Ví dụ, cả ngày nhịn không ăn tới bữa ăn mình ăn thấy ngon và cảm thấy tham đắm thì ở trong trường thiền dạy là mình nên ăn chậm lại và ăn có quán tưởng.
Quán tưởng mình thọ thực không phải là vì đam mê, mình thọ thực không phải để vui đùa, mình thọ thực không phải để làm đẹp, không phải để tráng kiện mà thọ thực để duy trì thọ mạng, để ngăn ngừa bệnh tật, ngăn ngừa cảm thọ chưa sanh, không làm cho cảm thọ khổ chưa sanh lại phát sanh, và sống đời phạm hạnh không có lỗi lầm thì đó là pháp quán tưởng. Không phải dễ dàng phải kham nhẫn với nó.
Chúng tôi nhắc lại về khái niệm kham nhẫn, chúng ta thường nghĩ đến cái gì nó khó chịu mình phải kham nhẫn, nhưng thật ra sự kham nhẫn ở đây chúng ta kể cả những cái gì quyến rủ cuốn hút mình điều đó coi vậy mà dễ sợ hơn.
Hồi hồi nhỏ chúng tôi nghe ông ngoại kể chuyện xưa là có ông thần gió, ông thần mưa, ông thần sấm, ông thần chớp, còn gọi là lôi phong điển vũ tập hợp lại với nhau nói chuyện phiếm, mấy ông làm cuộc thách thức: Bấy giờ ở trên cây có con khỉ đang đu trên cây làm sao cho nó rớt xuống đất. Thì ông thần sấm thần chớp nói chuyện đó dễ quá, ông làm sấm sét ầm ĩ, nhưng càng sợ thì con khỉ bám càng chặt, đến ông thần gió thổi gió ào ào thì con khỉ lại bám càng chặt hơn không rớt xuống. Tới ông thần mưa là ông thần sau cùng, ông nghĩ ra một cách là với con khỉ mà mình làm tới tấp thì nó càng sợ càng bám chặt nó sẽ không rớt xuống, ông mới nghĩ tới việc làm cho mưa chầm chậm chầm chậm, con khỉ lúc bấy giờ coi thường trời mưa nhưng mưa xuống thì khí hậu lạnh làm nó co ro và ngay lúc nó co ro ông thần mưa làm cơn giông nhẹ thế là nó rớt xuống. Đối với đời sống con người đôi khi trời xập, đôi khi bão tố phong ba, đôi khi người ta làm khổ mình, người ta nghi kị, mình người ta bôi nhọ mình, những chuyện đó không đáng sợ mà cái đáng sợ là cái êm ái ru ngủ, có những cái êm ái ru ngủ rất nhẹ nhàng và mình khinh địch làm cho mình chểnh mãng làm cho mình lạc hướng và lúc đó chỉ cần thổi cái nhẹ là mình rớt xuống, thành ra mình phải rất cẩn thận về việc đó.
Tựa đề bài kinh hôm nay "Người sống để mà ăn" nghĩa là con voi mang tiếng là con voi của vua nhưng nó chỉ biết ăn và biết đại tiện gọi là hữu danh vô thực không có đáng gì là con voi của nhà vua. Một vị tỳ kheo không có kham nhẫn với sắc, thinh, khí, vị, xúc thì vị đó chưa gọi là người có tu, người có tu là biết kham nhẫn với sắc, thinh, khí, vị, xúc. Một người không có kham nhẫn thì không xứng đáng với 5 chữ:
1. Āhuneyyo là xứng đáng để thọ nhận tặng phẩm.
2. Pāhuneyyo là xứng đáng nhận thịnh tình hay là thương mến.
3. Dakkhineyyo là xứng đáng để cúng dường.
4. Añjalikaraneyyo là xứng đáng để chấp tay kính lễ.
5. Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa là phước điền vô thượng.
Cho đến khi nào vị tỳ kheo thật sự có kham nhẫn đối với sắc, thinh, khí, vị, xúc thì vị đó gọi là có tu là vị xứng đáng 5 chữ đó.
Bài kinh này cũng như nhiều bài kinh khác Đức Phật Ngài lưu ý chúng ta về sự tu tập qua đó Đức Phật Ngài luôn luôn nhắc chúng ta một điểm là chúng ta phải tôi luyện phải được thuần hóa do sự tôi luyện chúng ta mới có bản lãnh. Con người sanh ra đời làm chuyện gì cũng phải có bản lãnh, có khả năng, và khả năng đó không phải trên trời rớt xuống mà khả năng đó là do mình tu tập, một ở trong khả năng đó rất quan trọng cho một người tu tập đó là kham nhẫn. Và kham nhẫn ở tại đây không phải là kham nhẫn đối với nghịch cảnh mà kham nhẫn đối với điều làm cho mình trệch hướng, làm cho mình đánh mất đi mục tiêu đang theo đuổi và cái làm cho mình đánh mất mục tiêu nhiều đó là sắc, thinh, khí, vị, xúc, khả hỉ, khả ái, khả ý ./.
No comments:
Post a Comment