Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - Chương 6 -XII. Phẩm Các Kinh Không Nhiếp - (123) Tham (3) (124) Tham
Sáu pháp tưởng cần tu tập
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 18 tháng 9, 2017
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Trong Tam Tạng kinh điển đưa ra nhiều danh sách về các phiền não. Trong Vi Diệu Pháp có 14 tâm sở hay 14 thuộc tánh bất thiện. Và khi đề cập đến những phiền não ở trong danh sách khác ngay cả trong Vi Diệu Pháp cũng đưa ra nhiều danh mục khác nhau. Trong Kinh Tạng những danh mục này rất phong phú.
Bài học hôm nay, Đức Phật đề cập đến tham, sân, si, phẫn nộ, hiềm hận, giả dối, não hại, tật đố, xan lận, lừa đảo, man trá, phản trắc, ngoan cố, bồng bột, nông nỗi, mạn, thượng mạn, kiêu, phóng dật.
Bây giờ, chúng ta cứ hình dung trong thế giới màu sắc người ta có những màu căn bản và những màu pha lẫn, lấy ví dụ như khi chúng ta học về computer có 3 màu căn bản đó là màu đỏ, màu xanh lá cây, và màu xanh nước biển. Ba màu đó là 3 màu chính, nếu màu đỏ đi với màu xanh lá cây thì tạo ra màu vàng, màu đỏ đi với màu nước biển thì tạo ra màu tím, màu xanh nước biển và màu xanh lá cây nhập lại tạo ra màu da trời. Từ 3 màu này chúng ta gộp chung với nhau tạo thành màu trắng, và người ta sẽ tạo ra 16 triệu màu khác nhau do sự pha màu.
Chúng ta thấy từ 3 màu tạo ra 16 triệu màu khác nhau. Thì ở đây, mình hiểu đó là hiện tượng vật lý về quang học. Nhưng trên phương diện tâm lý cũng tương tự như vậy. Chúng tôi tạm mượn đó làm thí dụ là có những phiền não chính. Rất là thích thú khi chúng ta học vào Vi Diệu Pháp một tâm như tâm tham, tâm sân, tâm si mà chúng ta thường nói thì tâm đó có nhiều thuộc tánh bất thiện hay nhiều tâm sở bất thiện đi chung với nhau. Căn bản thì tất cả tâm bất thiện đều có những tâm sở bất thiện biến hành ở trong nhóm si phần.
Cuộc sống là một sự hỗn hợp nó kết cấu bởi nhiều thành tố khác nhau và đây là A kia là B, A+B thành C. Tương tự như vậy chúng ta gọi là thiên biến vạn hóa. Phiền não có rất nhiều thứ phiền não như Đức Phật dạy ở trong kinh Tạng căn bản có tham sân si đọc ở đây thì có danh sách là tật đố, man trá, não hại v.v.... Điều này chúng ta cũng phải để ý là liệt kê của những phiền não nó có nhiều sự khác biệt, một tâm man trá nó là một sự hỗn hợp pha lẫn bởi nhiều thứ.
Về từ vựng "sanna" giải thích như sau:
- Sanna dịch là nhận biết
- Nhận là nhận ra một cái gì đó mình từng biết từng trải.
- Thức là biết
Từ vựng "nhận thức" đúng nghĩa theo tiếng Anh là "conception". Và cũng đúng với khái niệm ở trong Vi Diệu Pháp và khái niệm ở trong kinh Tạng tức là "biết cái đã từng biết".
Sáu pháp tưởng này khi áp dụng vào pháp hành một hành giả phải y cứ nhận thức của mình trên một cái gì đó mình đã từng trải nghiệm.
Nói cho rõ ràng, một vị Tỳ Kheo hay một vị Sadi đi tụng kinh cầu siêu nhìn thấy quan tài hay thấy xác chết khi trở về phòng ngồi thiền thì nhớ lại hình ảnh đó mình có thể quán tưởng thân mình rồi cũng sẽ giống như vậy.
Dĩ nhiên, khi chúng ta nói mình nhớ lại không có nghĩa là nhớ lại cái gì rất là lâu có thể là năm trước, có thể là tháng trước, giờ trước, hoặc giả chỉ mới mảy may nào đó thời gian vừa qua.
Nhưng ở đây, pháp tưởng (sanna) là cái gì mình nhận định từ kinh nghiệm đã trải qua ở trong cuộc sống, và khi tiếp xúc với việc đó thì ngay trong giờ phút tiếp xúc là mình chỉ mới tiếp xúc thôi thì khi nó vừa đi qua chúng ta có thể nhìn lại. Giả xử tâm của chúng ta hồi nãy đang vui nhưng sau vì có chuyện gì đó tâm lại bực bội buồn phiền, rồi bây giờ nó trở nên tự nhiên. Thì hành giả có thể nhìn thấy ở đó tâm mình sáng nay có thay đổi vui buồn đó là vô thường.
Cảm thọ cũng vậy và tất cả mọi thứ đều vô thường dựa trên cái mình đã từng trải qua ở trong giây lát hay ở trong một ngày.
Thật sự mà nói, khi đề cập đến dĩ vãng người ta đề cập đến một quá khứ đã qua rất lâu như vài ba năm trước hay một cái gì đó kết thúc và bây giờ nó là một bóng mờ ở trong tâm tưởng của mình, cái đó gọi là dĩ vãng, và chữ quá khứ người ta quan niệm như vậy.
Nhưng với Phật Pháp quá khứ là cái gì đã xảy ra, có những quá khứ đã hoàn thành, có những quá khứ còn tiếp diễn, tức là vừa mới xảy ra bây giờ vẫn còn.
Nói chung, với Phật Pháp thì chữ tưởng bao hàm cả quá khứ hoàn thành và quá khứ tiếp diễn, nhưng quá khứ đó đủ để chúng ta nhận định, đủ để chúng ta thấy
Đặc biệt trong trường hợp những gì mới xảy ra, như hồi nãy chúng tôi đề cập đến một người ở trong sự tu tập chánh niệm đủ bén nhạy thì có thể nhận ra được là hồi sáng thức dậy tâm mình an lạc rồi mình nghe một cú phone về chuyện gì đó làm tâm mình buồn phiền, rồi sau đó mình tâm mình ổn định lại, thì nếu nhìn lại trạng thái tâm của chúng ta trong thời gian ngắn chúng ta thấy đúng là vui đó, buồn đó, an lạc đó, phiền não đó, sanh đó, diệt đó, mình thấy nó biến đổi, như mây trên trời như cá dưới nước, và vạn hữu là một dòng chảy mà dòng chảy đó là sự tiếp nối của sanh diệt, và chúng ta thấy tự tánh như vậy bản chất như vậy.
1 - Đầu tiên Đức Phật dạy tu tập pháp niệm tưởng vô thường.
Pháp tưởng đây là sự nhận thức, chúng ta nhận thức về sự biến dịch hay nhận thức về sự thay đổi. Ở trong sự nhận thức về sự thay đổi chúng ta không đánh giá không phê bình mà chúng ta chỉ ghi nhận. Ghi nhận ở đây là sự ghi nhận phải sắc bén, cái ghi nhận của chánh niệm, cái ghi nhận của cái gì rất là tỉnh táo. Nhiều lúc chúng ta nghĩ cái đó nó đến, nó ở lại và nó nằm yên tại đó, không như vậy, thật ra thì có rất nhiều thứ đến trong đời sống chúng ta nhưng nó không nằm yên ở đó, một bình hoa mình cắm rất đẹp để trên bàn thờ hay trên bàn làm việc chúng ta nhìn thấy bình hoa đó nằm yên, thật ra nó không nằm yên, từ lúc cắt cành hoa để vào trong bình thì tự nó đã có quyết định là hoa đó chỉ tồn tại ở trong một thời gian nhất định hai ngày ba ngày, tại vì nó bị cắt rời cây của nó và bị ngâm trong nước thì nó phải có tuổi thọ nhất định.
Một buổi sáng thức dậy mình rất phấn khởi ở thân ở tâm hay một trạng thái rất khỏe mạnh ở thân. Thì dù là thân dù là tâm chúng ta cũng nên hiểu nó có giới hạn về thời gian của nó, chúng ta không thể khỏe hoài mà có lúc mệt, tâm của chúng ta không an lạc hoài mà nó sẽ thay đổi. Cái khả năng để thấy vạn pháp vốn biến dịch, vốn không đứng yên không nằm yên một chỗ thì nó có thể hiểu bằng một cách nhỏ nhất và nhỏ nhất ở trong những trạng thái thay đổi chóng mặt, thay đổi liên hồi của tâm tư chúng ta cho đến thế giới này.
Nếu chúng ta có dịp đọc các bài viết liên quan đến thiên văn học chúng ta sẽ thấy cả vũ trụ này không có một vật thể nào nằm yên, từ các hành tinh cho đến định tinh, như mặt trời hay cả một dãy thiên hà như Milky Way, một dãy ngân hà chẳng hạn. Tất cả cái đó mình nhìn lên bầu trời hồi nhỏ cũng dãy ngân hà đó bây giờ mình nhìn cũng dãy ngân hà đó mình nghĩ nó nằm yên, không phải, nó luôn luôn có sự biến dịch liên hồi, ở trong sự biến dịch đó có những thứ này xoay quanh thứ khác, có những thiên thể quyến lại nhau trở thành một quần thể. Nhưng mà rồi dù nó lẻ loi cô độc đi một chiều như những sao chổi hay đi theo đường qũy đạo của một hành tinh đi nữa thì rồi nó cũng luân lưu cũng vận hành cũng thay đổi liên tục, thay đổi vị trí, thay đổi từ bản chất tuổi thọ của nó, mặt trời rồi cũng sẽ bị hủy diệt, trái đất cũng bị hủy diệt, thiên hà cũng diệt, ngay cả những black hole cũng bị diệt. Đó là chúng ta nói đến cái gì rất rộng, rất cao, rất xa ngày nay ở trong thế giới này được biết.
Đặc điểm của sự vô thường là chúng ta không cần phải suy nghĩ phải đánh giá mà chúng ta chỉ cần dùng chánh niệm. Chánh niệm tức là khả năng tỉnh táo ghi nhận như hơi thở vô hơi thở ra, ghi nhận những cảm giác khổ, lạc, ưu, bi, hỉ, xả, ghi nhận những thay đổi ở chung quanh.
Ban đầu chúng ta chỉ thấy được những thay đổi lớn, ví dụ như một người thân mất đi, hay một vật nào đó chúng ta sài đang tốt như cái tủ lạnh đang tốt bây giờ bị hỏng, rồi dần dà chúng ta có thể ghi nhận được cái tương đối bình thường hơn như một bình hoa trưng rất đẹp vài ba ngày hoa tàn, thời tiết chung quanh chúng ta sáng nắng chiều mưa, tâm tư chúng ta như vậy, nhưng mà rồi chúng ta cũng thấy được dần dà sự vô thường đó lại càng gần càng rõ hơn như hơi thở ra vào, như cảm giác vui buồn, như những sanh diệt chợt đến chợt đi.
Ngày xưa người ta dùng câu "bóng câu qua cửa sổ", bóng câu là con ngựa chạy ngang qua cửa sổ, tại vì khung cửa sổ là một không gian hẹp cho chúng ta một cái nhìn ở một mảng giới hạn và bóng ngựa đi qua cửa sổ chúng ta thấy nhanh hơn mặc dầu nó cũng vậy, hơn là chúng ta nhìn ở bên ngoài không xuyên qua cửa sổ, cái gì hiện ra nơi cửa sổ rồi nó biến mất khỏi cửa sổ rất là nhanh không giống như chúng ta nhìn chiếc máy bay bay trên bầu trời hay chúng ta nhìn một con ngựa chạy bên ngoài.
Ví dụ "bóng câu qua cửa sổ" là hình ảnh rõ ràng để hiểu một khi dựa trên cái nhìn của chúng ta trên một khung hình, một lãnh vực nào đó như thân, thọ, tâm, pháp, chúng ta sẽ nhận ra được những thay đổi rất nhanh, hơn chúng ta tưởng.
Chúng ta bình thường rất chung thành bảo vệ cảm giác của mình, ai làm gì cho mình vui mình cảm thấy thương thấy qúi người đó, ai làm gì mình buồn mình giận người đó. Đối với tất cả chúng ta cái quan trọng là cái vui cái buồn, nhưng một khi hành giả tu tập chánh niệm lâu hành giả mới thấy cảm thọ vui buồn của chúng ta không ổn định. Người hành giả có thể buổi sáng rất thích am thất của mình để tu thiền vì có cây cao trời mát mẻ nên thơ, nhưng buổi trưa cảm thấy nóng nực, cảm thấy buồn chán, buồi chiều khi tiếng côn trùng kêu cảm thấy rất não nùng cảm thấy không thích thú gì với am thất thiền thất của mình, nhưng thiền thất chỉ là thiền thất thôi, buổi sáng buổi trưa buồi chiều cho mình cảm giác khác nhau. Đó là ở bên ngoài, còn ở trong tâm chúng ta cảm giác lại rất là vô chừng.
Và ở đây, trong bước đầu tiên của một người tu tập chúng ta không nhất thiết phải đặt quá nặng sự phê phán mà chỉ là ghi nhận, ghi nhận sanh và diệt, ghi nhận đến và đi, ghi nhận sự hiện hữu và sự biến mất của hiện hữu, rất dễ dàng để chúng ta nhận thấy sự thay đổi.
Như chúng tôi làm việc ở trong paltalk lâu lâu chúng tôi gặp lại một số qúi Phật tử những người đã từng làm việc, ngày hôm qua chúng tôi đến chùa Từ Quang trong chương trình 3 ngày trại hè của Giáo Hội, năm nay Giáo Hội đặc biệt tổ chức sinh hoạt trại hè ở 3 nơi, ngày đầu học về lịch sử và những công việc quan trọng tại chùa Huyền Quang, ngày thứ hai sinh hoạt dạ ngoại ở Lake Tahoe học kinh Pháp Cú, và ngày cuối cùng của trại hè tại chùa Huyền Quang. Tại chùa Huyền Quang chúng tôi gặp một vài Phật tử trong đó có cô Dạ Lan, cô là một Phật tử chúng tôi có sinh hoạt vào năm 2000 lúc đó phong trào paltalk đang phát triển nhiều người biết đến, cô Dạ Lan là người mời chúng tôi vào rơom Thảo Luận Phật Pháp Online buổi tối để giảng pháp, thì khi nói chuyện với cô nhìn lại thoáng đã 17 năm rồi, từ năm 2000 cho đến năm nay là 2017. Thời gian đi qua rất nhanh, nhanh đến mức độ đôi khi mình cũng không nghĩ thời gian nhanh như vậy,17 năm là dài lắm, qua bao nhiêu là thay đổi, đời sống là một dòng chảy liên tục, dòng chảy đó là một sự tiếp nối sanh và diệt.
Chúng ta nhìn dòng sông tưởng nó là dòng sông muôn thuở, dòng sông là vậy, nó mãi mãi là vậy nhưng ở trong lưu lộ của dòng nước thì nó luôn luôn thay đổi biến dịch, nước trong đó đã đi qua biết bao nhiêu là ghềnh thác, từ non cao chảy ra biển cả và nó đã đi qua không biết bao nhiêu và nó cộng lẫn không biết bao nhiêu thứ và tạo nên một dòng sông. Chúng ta thì rất hững hờ nhìn dòng sông chỉ là dòng sông, mình thấy dòng sông nó luôn luôn là như vậy cuộc sống nó phải là như vậy.
Thì khả năng để dám mở mắt ra, dám nhìn, dám nhận nó đã thay đổi, nó là vô thường, và nhất là ở trong tâm tư của chúng ta nhận thức sự vô thường dựa lên trên kinh nghiệm mình đã từng trải, và kinh nghiệm đó chúng tôi nhắc lại là không phải là của 10 năm trước, 15 năm trước, 1 năm trước, của tháng trước mà ngay có thể là một vài tích tắc, một vài giờ trước, từ sáng cho đến bây giờ, hay từ trưa cho đến chiều chúng ta đã cảm nhận được sự vô thường.
2 - Pháp thứ hai: tưởng về khổ trong vô thường
Pháp kế tiếp về tưởng, Đức Phật Ngài dạy chúng ta tưởng về khổ ở trong vô thường.
Khổ trong vô thường là một liên hệ khác giữa chúng ta và đại tự nhiên. Ở trong thế giới của đại tự nhiên mọi việc đều biến dịch đều thay đổi nhưng sự thay đổi đó làm chúng ta khổ, tại vì sự an lạc của chúng ta nằm ở chỗ ổn định, an lạc của chúng ta là sự đặt để.
Chúng tôi lấy một ví dụ, thử nghĩ hôm nào mình mời một người lạ về sống trong căn nhà của chúng ta, khi họ về sống chung căn nhà thì vốn cái bàn đặt chỗ này, bình hoa để chỗ nọ, và mình cảm thấy an lạc như vậy, mình đi đâu về bước vào căn phòng cảm thấy vui tại vì nó sắp theo ý mình nhưng bây giờ có một người đến làm xáo trộn những thứ đó lúc đó chúng ta mới thấy sự thay đổi đó làm cho chúng ta phiền. Tất cả những pháp như phiền não, bỏn xẻn, ganh tị đều là sự đe dọa của thay đổi, cái của mình mà người ta lấy đi, hay cái của mình không còn giá trị lớn tại vì người ta có cái giá trị lớn hơn của mình, rồi kiêu mạn, rồi man trá tất cả những điều đó đều là những phản ứng, cái phản ứng trong vô hình chung mà chúng ta không có biết là nó đến từ cảm giác chúng ta muốn mọi thứ nó nằm yên như vậy.
Chúng ta có khổ không? Chúng ta bỏ quá nhiều sức lực, bỏ quá nhiều nỗ lực để đạt được điều gì đó và khi đạt đến điều đó chúng ta chỉ muốn nó nằm yên tại đó nhưng nó không nằm yên. Tương tự như một người rất thích mua một cái điện thoại cầm tay mới tối tân, bỏ bao nhiêu tiền bạc để mua nhưng ngay khi mua về vài bữa sau người ta ra cái mới khác cái của mình không còn mới nữa, nó không còn tối tân nữa, bây giờ lâu lâu chúng ta cầm lại phone cũ nó là bài học rất tốt, ở trong giờ phút nào đó chúng ta rất nhiệt thành rất tha thiết mong mỏi để mua cái phone đó tại vì lúc đó nó làm rất tối tân hiện đại nó có nhiều điểm đặc trưng mà chúng ta nghĩ không phone nào có được v.v... Bây giờ cầm lại thì nó lỗi thời, ngay cả sài nó cũng khó khăn, người ta nhìn thấy nó cũng cũ kỹ lỗi thời và nó không có giá trị gì với chúng ta hết.
Thì ở đó, vô thường khổ, tại sao khổ, khổ ở đây không phải là vò đầu bức tóc mới là khổ, mà khổ ở đây là sự thất vọng, sự chán nản, sự lãnh đạm bởi vì nó không còn là nó nữa, chúng ta thất vọng vì nó.
Một lần, có một diễn giả đến chùa nói chuyện về một tác phẩm văn học và vị này bỏ ra 5 phút để nói một lời ở trong một bài hát của Trầm Tử Thiêng, ở trong đó có câu "Duờng như trong em ta có điều tuyệt vọng", vị diễn giả này đã nói câu đó rất thú vị, vì không phải ở trong tình yêu, không phải là ở trong cuộc sống bình thường mà hầu như ở trong tất cả mọi thứ gì mình muốn đạt đến thì mình mong cái cốt lõi của nó, mình mong nó có sự hoàn hảo của nó, mình mong nó có một cực điểm, nó phải tốt hơn hết, nhưng kỳ thật khi mình đạt đến chỗ đó thì mình thấy giống như trong kinh Phật dạy như một cây chuối hay một củ hành cứ lột hết lớp vỏ này sang lớp vỏ khác, hết lớp này sang lớp khác cuối cùng thì cái gọi là củ hành chỉ là từng lớp từng lớp một và mình lột hết thì nó trống rỗng, chữ trống rỗng cũng là ý nghĩa chữ dukkha là ý nghĩ của sự khổ, và cây chuối cũng vậy chúng ta lột hết lớp này sang lớp khác.
Đời sống cũng vậy nó là sự đắp đổi liên hồi, đời sống nó là một hỗn hợp là một sự pha lẫn của nhiều thứ kết thành ở trong đó có vui, có buồn, có thăng, có trầm, có cái rõ ràng, có cái mơ hồ, nó trộn lẫn với tất cả mọi thứ chúng ta thì mong tìm một cái gì đó tối hậu, đi tìm cái gì đó gọi là tuyệt đối, cái gì tuyệt vời, cái gì tốt nhất, cái gì đẹp nhất, cái gì hoàn hảo nhất.
Không có cái hoàn hảo ở trong cuộc sống, thân của chúng ta, nhận thức của chúng ta vốn đã chập chờn rồi thì cuộc sống lấy gì ổn định. Thành ra cái nhìn của một hành giả tu tập thì cái gọi là rỗng không, cái gọi là bất toàn, không hoàn hảo, cái gọi là không ổn định, nó đến từ trạng thái vô thường và trong cảnh trạng huống vô thường này rất dễ dàng để chúng ta nhận thấy bởi vì cuộc sống luôn luôn biến dịch, bởi vì cuộc sống luôn thay đổi, mình đòi hỏi mọi thứ là hoàn hảo, mọi giá trị đứng yên, là tuyệt đối, là vĩnh viễn, đó là do sự ngây thơ do chúng ta muốn nó như vậy rồi chúng ta không bao giờ được như vậy.
3 - Quán tưởng thứ ba là quán tưởng sự vô ngã trên khổ não.
Điều này trong kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy rất rõ ràng:
- Này Chư Tỳ Kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn là vô ngã không phải là của ta. Này các Tỳ Kheo, nếu các uẩn ấy thật là của ta thì người đời có thể nói xin cho các uẩn của ta như thế này hoặc đừng như thế kia. Này các Tỳ Kheo, các uẩn thật là vô ngã nên người đời không thể nói xin cho các uẩn của ta như thế này hoặc đừng như thế kia.
Gọi là hữu ái, gọi là vô ngã không cần phải triết lý, đơn thuần nếu nó là của mình thì nó phải là theo ý mình, ví dụ mình nói thân là thân của mình thì mình muốn nó khỏe hoài không bịnh, trẻ hoài không già, tươi tỉnh hoài không có trạng thái ủ dột, nếu ra lệnh được thì thân đó là của mình. Nhưng thật sự nó không phải là của mình, nó có những tàn phai, nó có những thay đổi, nó có những xáo trộn không nằm trong sự kiểm soát của mình, mình không thể bảo nó như thế này hoặc đừng như thế kia, thì đó là bản chất của vô ngã. Tâm mình cũng vậy, mình đinh ninh thọ đó, tưởng đó, hành đó, thức đó, cảm giác đó, nhận thức đó, hành xử đó, giác quan đó là của mình là của ta, nhưng chúng ta ngồi nhìn kỹ bây giờ mình nói thức uẩn, thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ, thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác những thứ đó nó có hoàn toàn nằm ở trong sự điều khiển của mình không? - Không.
Cái gì mình thấy không nhất thiết thấy cảnh đẹp hoài, chúng ta cũng thấy những điều không đẹp, nghe cũng không phải nghe những gì tốt đẹp hoài có những cái chúng ta nghe rất buồn nản dù không muốn cũng phải nghe, ví dụ đôi khi mình nói điện thoại có những người mình không muốn nghe mà vẫn phải nghe. Do vậy đời sống này, chữ vô ngã theo Đức Phật dạy là nếu cái đó là của ta thì mình có thể nói nó phải như thế này và đừng như thế kia, nhưng bởi vì mình không thể nói là nó phải như thế này phải như thế kia nên nó là vô ngã. Vì vậy, ở đây pháp thứ ba tưởng là sự vô ngã trên khổ não.
4 - Pháp thứ tư là quán tưởng đoạn tận.
Đoạn tận ở đây nằm trong ý niệm về tư duy, ba tà tư duy của chúng ta đó là đi tầm cầu cái gì mình thích thú:
- suy nghĩ đến cái gì mình ham muốn,
- suy nghĩ cái gì thuộc về sân hận,
- suy nghĩ cái gì thuộc về não hại.
Ba trạng thái này vốn là hiện tượng tự nhiên của tâm chúng ta, khi nói đến đi tầm cầu cái gì mình ham muốn thì nên hiểu bản chất tâm của chúng ta, chẳng hạn suy nghĩ món ăn gì đó ăn làm sao cho ngon, mặc thì mặc làm sao cho đẹp, làm cái gì cho mình được thỏa mãn, làm cái gì cho mình được thích thú và liên tục trong đời sống chúng ta đi tầm cầu những cái như vậy trong cuộc sống. Một ngày từ sáng đến chiều tùy theo cách sống của mỗi người nhưng nói chung là chúng ta luôn luôn đi truy cầu cái gì vừa ý mình thoả mãn cho sự ham muốn.
Nhưng cũng có người vì sự nghèo nàn nào đó của nội tâm hay vật chất thì luôn luôn suy nghĩ đến cái chúng ta bất bình cái chúng ta bất mãn cuộc sống, sự bất mãn đó mình càng nghĩ thì càng lớn. Chuyện này là một bi kịch muôn thuở của cuộc sống một người nào đó họ chỉ làm một việc mình không hài lòng là mình đem cả lý lịch từ đời cha ông của họ, tất cả cuộc sống của họ, từ chi tiết cho đến đại cương, từ cái đi đứng nằm ngồi của họ, từ cử chỉ hành động của họ ra phê phán, mình cứ nhai đi nhai lại nói tới nói lui để cuối cùng mình đưa ra hình ảnh người đó là một con quái vật. Thật ra thì người đó cũng là một con người giống như mọi người khác nhưng do sân tâm của chúng ta nhiều quá cứ nghĩ tới nghĩ lui hoài.
Gìống như trong trường hợp thương hay thích một người nào đó thì mình mình nghĩ đến mái tóc tướng đi của người đó cái gì cũng đẹp cũng thích hết. Mình thích cái gì thuộc về tham, mình luôn luôn nghĩ rất nhiều, rất nghĩ kỹ, rất lung, rất thiên biến vạn hóa để có nhiều điểm mình thích thú.
Nhưng cái gì làm bực bội thì mình nghĩ nhiều chuyện để bực bội, và hận thù cũng vậy. Hận thù thì luôn luôn là chuyện bé xé to, hận thù luôn luôn là cột kết, là oan kết và cái oan kết về hận thù càng nghĩ càng nói thì nó lại càng lớn thêm.
Tư duy hay ý nghĩ của chúng ta nên hiểu nó như bèo ở trong ao, nó luôn luôn lan nhanh lớn mạnh ra chớ không nằm yên một chỗ. Người tu tập nên ý thức bản chất tự nhiên của tâm, điều này không ai có thể nhắc mình mà chính mình phải nhắc mình. Lấy ví dụ, ý muốn của mình giống như bèo ở trong ao hay giây leo lan nhanh, tâm sân hận bực bội của mình nó cũng lan nhanh nó cũng như bèo, mình thoáng không để ý nó có thể phủ cả mặt hồ, ai có nuôi bèo hay có thả một vài tai bèo ở trong ao thì biết nó cũng lan nhanh mọc lớn tăng trưởng rất nhanh.
Hận thù cũng vậy, trong kinh Pháp Cú Đức Phật nhắc chúng ta khi mình khởi lên thiện tâm thì cố gắng làm liền tại vì nếu mình không làm liền thì tâm thiện dễ bị mai một. Và khi khởi lên ác niệm một niệm bất thiện thì mình phải chặn nó liền, tại vì niệm bất thiện mình không dẹp thì nó sẽ lan nhanh.
Dục tư duy, sân tư duy, hại tư duy, ý nghĩ về sự ham muốn, về sự bực bội khó chịu, về hận thù cũng lan rất nhanh. Và khả năng của một người tu tập là khả năng có thể quán tưởng sự đoạn tận điều đó, do suy nghĩ của mình, ví dụ như mình đang rất thích cái gì đó mình đang bám víu cái gì đó, mình nghĩ như thế nào để mình có thể để cho dục của mình không lan nhanh. Và khi sân hận cái gì đó thay vì mình cứ theo phóng đại nó mình làm cho sân tăng trưởng sân sanh khởi thì mình suy nghĩ như thế nào cho nó giảm thiểu.
Chúng tôi lấy một ví dụ, Ngài Ajahn Sumedho một vị tu sĩ người Hoa Kỳ sang Thái Lan tu tập với Ngài Ajahn Chaa, có một thời gian không biết vì lý do gì tự nhiên nhớ lại quá khứ vài ba năm trước lúc có vợ và sống bên Mỹ, hai vợ chồng sống với nhau có sự bất đồng cãi vả dẫn đến ly dị, ly dị xong vẫn còn hục hặc lời qua tiếng lại đủ thứ chuyện. Ngài qua Thái Lan tu tập cứ bực bội người vợ cũ, và trong sự tỉnh giác của một vị hành giả Ngài Ajahn Sumedho nghĩ mình không nên để việc quá khứ đó phiền hà làm cảng trở sự tu tập tại vì nó không có lợi gì hết, Ngài Ajahn Sumedho đã viết một bức thư cho người vợ cũ ở Mỹ để xin lỗi và nói bây giờ mình đã qua Thái Lan tu chỉ muốn một điều là trong lòng không một sự giận hờn một sự trách móc gì, nếu trước đây có quãng đời thường sống chung từng chia sẻ cuộc sống có cái gì đó không vui với nhau thì xin lỗi. Ngài Ajahn Sumedho viết lá thư gửi đi không mong được trả lời mà chỉ viết lá thư gửi đi với lời xin lỗi để cho tâm hận thù oan trái không còn, nhưng như một phép màu, một thời gian sau Ngài nhận được lá thư của người vợ cũng có những lời xin lỗi thái độ tương tự như vậy.
Thì đó là cái khôn của bậc thiện trí. Vì biết rằng dục tư duy, sân tư duy, hay hại tư duy là bọt bèo lăng nhăng nếu chúng ta không khéo sẽ để cho nó tràn ngập và ngự trị trong lòng và chúng ta không làm được chuyện khác.
Đời sống con người có nhiều phiền muộn, như đơn giản là mình đi đến chùa tu học thoải mái tự nhiên có ai nói dèm pha rằng ông A bà B nói xấu mình rồi mình khởi tâm oan trái, rồi mình lao vào trong một quãng đời bao nhiêu phiền hà, bao nhiêu hệ lụy, bao nhiêu những phiền não cứ cột với người đó lời qua tiếng lại.
Làm trụ trì trong chùa chúng tôi biết có nhiều sự gây gỗ giữa qúi Phật tử trong chùa, có nhiều vị nói nếu chúng tôi can thiệp thì xong, mà không, chúng tôi không can thiệp, chúng tôi biết một chuyện rất rõ là những oan trái phiền phức nó sẽ tiếp tục trừ phi những vị đó muốn tu tập còn chuyện họ muốn hơn thua tiếp tục thì không bao giờ gỡ ra vì điều đó là cái gì thâm căn cố đế ở trong tâm tư chúng ta không bao giờ gỡ ra được, nó vậy, cuộc sống nó là như vậy.
Thành ra quán tưởng đoạn tận là mình làm sao thấy được sự nguy hại của dục tư duy, của sân tư duy, của hại tư duy, và tự mình phải chấm dứt, tự mình phải gỡ ra, tại vì mình cột mình phải gỡ ra, và mình phải vớt những tai bèo đang lăn tăn ra khỏi làm tâm của chúng ta bị bao phủ bị vấn đục. Đó là cái khuôn trong cuộc sống của mỗi người, mỗi người phải tự cứu mình ra khỏi vũng lầy, khỏi đầm lầy của đời sống ở trong đó nó tạo cho mình nhiều sự khổ đau, mà đôi khi lại nghiệt ngã với chính mình bắt mình phải trải qua điều đó là do chính mình.
5 - Pháp tưởng thứ năm là pháp tưởng ly tham hay gọi là pháp tưởng của sự nhàm chán.
Khả năng không dính mắc không bám víu dựa lên trên một kinh nghiệm lớn của chúng ta, chẳng hạn chúng ta bị nghiện rượu hay nghiện đánh bài hay dính mắc một cái gì đó thì để cai bỏ để nhàm chán điều này cần qua một quá trình nỗ lực, một nỗ lực là cũng đi đánh bài một thời nào đó làm cho mình phấn khởi thích thú nhưng bây giờ tự nhiên thấy được cái hại của đánh bài từ tư cách cá nhân cho đến chuyện xáo trộn của đời sống và đổ vỡ gia đình bây giờ nghe đến casino đến bài bạc không có cảm hứng gì hết, điều đó người Mỹ gọi là disinclination tức là chúng ta nhàm chán, thấy chẳng hoan hỉ thích thú gì hết.
Chúng tôi có nói chuyện với một thanh niên năm nay 30 tuổi, vị đó kể một thời theo băng đảng đi trộm cướp rồi bị tù, thời trai trẻ lớn lên 17 tuổi tự nhiên cảm thấy đó là cuộc phiêu lưu, phiêu lưu là rủ nhau 5, 7 người đi cướp của người Việt, chưa đến nỗi giết người nhưng vào nhà cột trói người ta rồi bị bắt ở tù mười mấy năm trời được tha, bao nhiêu chuyện tàn tạ, bây giờ nhìn lại thấy mình chơi với bạn xấu thật là nguy hiểm. Thì chúng ta nhìn lại điều đó, lúc mình đang lao vào thấy nó hấp dẫn, thấy phấn khích, thấy rất vui, năm dài tháng rộng nhìn lại thì thấy ngán ngẩm phải chi lúc đó mình biết thì mình đã không dự vào.
Ở trong kinh có ngụ ngôn về các vị Thiên Sứ, những người làm ác sinh vào địa ngục, Diêm Vương hỏi họ có thấy những vị Thiên Sứ không, Thiên Sứ là Messenger là sứ giả, chúng ta thường nghe các vị trong các tôn giáo đề cập đến như Chúa Con hay Chúa Jesus hay là đấng tiên tri Muhammad là các vị sứ giả của Thượng Đế mang thông điệp đến loài người.
Trong kinh Phật cũng đề cập đến những vị Thiên Sứ như vậy, nhưng những vị Thiên Sứ này không phải là một cá nhân mà đó là những hiện tượng của đời sống, sanh là một hiện tượng, già là một hiện tượng, chết là hiện tượng, hình phạt khổ là một hiện tượng, những hiện tượng đó mang nhiều tín hiệu mang nhiều thông điệp cho đời sống mà chúng ta không nhàm chán nản, nếu mình nhàm chán thì mình đã không vướng vào. Thật ra khi đọc những bài kinh Thiên Sứ đó nhắc cho chúng ta khả năng của ly tham của nhàm chán.
6 - Pháp tưởng thứ sáu là tưởng đoạn diệt.
Quán tưởng về sự đoạn diệt một kinh nghiệm rất quan trọng của hành giả tu tập. Nhiều lúc chúng ta nên có khả năng vận dụng kinh nghiệm thực tại để hiểu xa hơn. Trong kinh có một số ví dụ như đặt gánh nặng xuống, mình gánh một gánh nặng quằn vai bây giờ mình đặt xuống.
Hồi nhỏ khi mới vào chùa tu chúng tôi rất thích đi bát bởi vì đi bát tức là có kinh nghiệm đi trì bình khất thực nhưng bởi vì còn nhỏ tay yếu. Chúng tôi ở chùa Pháp Bảo đi khất thực với Chư Tăng đi xa 6, 7 cây số, đi thì vui nhưng khi trở về thì mệt, vừa mệt mà bình bát nặng, hồi còn nhỏ mấy vị lớn lại không chỉ đầy đủ nên không có giây đeo bình bát thoải mái, tự mình bưng bình bát nặng bằng hai tay. Chúng tôi còn nhỏ thích xôi với bánh nhưng khi gần về tới chùa chừng 3, 4 cây số nếu lúc đó không có ai thì buông xuống liền vì nặng quá rất khó chịu, khi về tới chùa đặt bình bát xuống được thì thấy hạnh phúc, hạnh phúc vô cùng.
Thì ở đây, một khái niệm có thể hiểu về Niết-bàn giống như trường hợp mình nợ mà trả hết nợ tự nhiên trong lòng mình rất thanh thản, như trường hợp một việc gì đó đeo đẳng mình thời gian dài bây giờ dứt nó ra được, bỏ được tự nhiên mình thấy hạnh phúc, mình bị nhức răng bây giờ hết nhức răng thì hạnh phúc, gánh nặng quằn vai bây giờ đặt xuống thì hạnh phúc. Vì vậy khả năng của một người có thể nghĩ tưởng đến sự giải thoát hoàn toàn, nó liên tưởng đến những cái gì mình đoạn diệt mà tương lai không thể sanh khởi được.
Chúng ta nói về 6 pháp tưởng:
1 - Tưởng vô thường tức là nhận thức về sự biến đổi trong đời sống,
2 - Tưởng về khổ trong vô thường, là chúng ta phải nhận thức về sự bất toàn sự không hoàn hảo bởi vì do vô thường biến đổi mà ra
3 - Chúng ta nhận thức về vô ngã trong khổ, bởi vì không ai muốn khổ nhưng mình không thể biểu nó như thế này hoặc đừng như thế kia do nó là vô ngã,
4 - Chúng ta quán tưởng đoạn tận để dập tắt 3 tư duy đó là dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy,
5 - Chúng ta quán tưởng về ly tham để nhàm chán.
6 - Quán tưởng về đoạn diệt để nghĩ về sự chấm dứt những phiền não.
Sáu pháp này không đơn thuần để chúng ta suy tư mà là sự trải nghiệm, bởi vì khi nói đến sanna nói đến tưởng không phải là nghe người khác nói rồi mình suy diễn ra, không phải vậy. Khi chúng ta nói 6 pháp tưởng là mình phải đọc lại những kinh nghiệm của mình, vận dụng sự kinh nghiệm của mình, vận dụng sự từng trải của mình, vận dụng những cái gì mình đã trải qua trong cuộc sống để từ đó chúng ta nhận thức một cách sâu sắc, có rất nhiều thứ để chúng ta có thể nhận ra điều này trong cuộc sống.
Bây giờ có một lúc nào đó mình ngồi lại nhìn tất cả những gì mình có ở trong căn phòng mình đang ở, những thứ mình đã vất vả đi tìm, nỗ lực đi kiếm mua về, lúc đó mình nghĩ là tốt nhứt thích nhứt, và bây giờ mình tự hỏi cảm giác của mình những thứ đó ra sao thì chúng ta sẽ thấy.
Và khi nói đến pháp tưởng nó không phải là một đề tài của pháp học đơn thuần mà là một đề tài lớn của pháp hành của hành giả tu tập, một hành giả tu tập thiếu trang bị cho mình những pháp nhận thức như vậy chúng ta thật sự rất khó để nắm bắt được cái thực tại đúng nghĩa với thực tại, vì chúng ta nhớ tâm của chúng ta hay sống trong ảo tưởng, tâm chúng ta hay sống trong vẽ vời, và một cách đưa chúng ta trở về với hiện tại, một cách để đưa chúng ta tiếp xúc với thực tại đó là nhận ra đây là sanh, đây là diệt, đây sanh diệt, đây là vô thường, vô thường là sự mở đầu rất quan trọng.
Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với quí vị ngày hôm nay./.