Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
22. Đại kinh Niệm xứ (Mahàsatipatthana sutta)
Quán thân - Quán Tứ Đại
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 22 tháng 10, năm 2018
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Cái nhìn của chúng ta về cuộc sống thường dựa trên chấp thủ vì chúng ta không thấy thế giới hiện tượng là một sự giả hợp, có nghĩa là khi thì nó đi với cái này, khi thì nó đi với cái kia, và lúc nó đứng một mình thì nó như thế này, khi nó đi với cái khác thì nó tạo ra cái khác, cuộc sống cứ thế đắp đổi, tức là cái này gắn với cái kia, cái kia gắn với cái nọ tạo thành một hệ thống đạo Phật gọi là Sankhara hay pháp hành hay pháp hữu vi, Ngài Hộ Tông gọi là pháp tập hợp.
Pháp tập hợp là cái gì cấu tạo bởi nhiều điều kiện, dù là thân hay tâm của chúng ta trong cái nhìn của Phật học đều là thế giới của hiện tượng. Và trong thế giới hiện tượng đó có nhiều nguyên tố, những nguyên tố này kết hợp tạo thành một hiện tượng, khi chúng ta không có nhìn thấy sự kết hợp đó thì thông thường chúng ta phản ứng một cách rất phiến diện, cái nhìn rất nông nỗi và đầy chấp thủ.
Ví dụ, khi mình giận ai mình tìm cái gì đó để giận người đó, nhưng nếu hiểu lý nhân quả, mình hiểu sự chi phối chỗ này chỗ kia. Tất cả chúng ta dĩ nhiên là ngoài tâm ý của mình nó còn có những chi phối khác và những chi phối đó thì trùng trùng đôi khi mình nghĩ người đó là tác nhân nhưng người đó vẫn là nạn nhân. Một người thù của chúng ta họ làm cái gì đó khiến ta bực bội nhưng sau đó thì mình thấy bản thân của người đó cũng là nạn nhân, tức là nói theo lý nhân duyên vừa là năng vừa là sở.
Thân của chúng ta cũng vậy, trong chữ Hán dịch chữ "vật chất" là "phù trần căn". Phù trần giống như mây nổi, giống như bọt nước, giống như huyển hóa. Chúng ta nhìn thân này huyển hóa vì sự hiểu biết của chúng ta về y học cho chúng ta thấy không có cái gì là cố định, hoặc bền vững, không có gì như ý của mình mà tất cả chỉ là sự đắp đổi liên hồi cái này và cái khác, chúng ta nên nhìn điều đó bằng chánh niệm.
Trước khi chúng ta bàn thế nào là nhìn bằng chánh niệm, chúng ta nói đến một cách quan sát hiện tượng tự nhiên, mỗi một cách quan sát của chúng ta trong chánh niệm đối với hơi thở mang một tác dụng khác, quan sát đối với đại oai nghi, tiểu oai nghi, đối với những thành phần của thân thể mang ý nghĩa khác.
Ở đây, trong bài kinh hôm nay nói về quan sát trong phạm vi tứ đại mang ý nghĩa khác.
Chữ tứ đại, đại là lớn, tứ đại là 4 nguyên tố căn bản, 4 nguyên tố lớn để cấu tạo thành vật chất và đây là một cái nhìn rất cổ điển không phải chỉ thời Đức Phật còn tại thế mà xưa rất xưa ở tại Ấn Độ người ta đã nói đến tứ đại. Thật ra quan niệm tứ đại này rất khác với ngũ hành ở trong Kinh Dịch hay trong nền văn hóa Trung Hoa nói về kim mộc thủy hỏa thổ.Chúng ta cũng nên biết về tứ đại theo thường thức bên ngoài và tứ đại theo trong Phật học.
Trước nhất là nói về Địa Đại: Chúng ta nói cái gì đó chiếm hữu không gian, là thể rắn hay mềm như mình thấy một vật thể nào đó có chiều kích hoặc lớn hoặc nhỏ đôi khi chúng ta đụng được chúng ta tiếp xúc được dù nó mềm như là mền hay là nệm, cứng như là khối đá khúc cây chẳng hạn, thì thuộc về Địa Đại tức là nguyên tố chiếm hữu không gian.
Thủy Đại: Thường là thể loãng như nước, nhưng thực ra cái gì quyến tụ lại không có nước thì vật chất đó rã ra, chúng tôi lấy một ví dụ răng của chúng ta rất là chắn chắc nhưng do cái lực gì đó hay mình cắn cái gì đó gãy răng thì như vậy cái gãy cái vỡ nó cũng là một hiện tượng đặc biệt từ Thủy Đại mà ra, tức là cái đó không còn kết cấu không dính nhau nữa. Thì Thủy Đại ở trên một ý nghĩa cùng tận là cái gì quyến kết lại những phân tử của vật chất.
Hỏa Đại: Được hiểu nhiệt lượng, thường chúng ta thấy hơi nóng, hơi ấm hay độ nóng gọi là nhiệt độ. Chữ nhiệt thường chúng ta nghĩ đến nóng nhưng thật ra cái nào cũng là nhiệt độ cho dù 0 độ hay 100 độ. Nói một cách khác, độ Celsius scale °C đọc là độ C thì 0 độ là độ đông đá và 100 độ là độ sôi, nhưng trong độ Fahrenheit scale độ F thì độ đông đá là 32 độ F tức là bằng với 0 °C, thì cho dù 32°F thì nó vẫn là nhiệt độ. Ở đây chúng ta không dùng chữ nóng và lạnh mà chúng ta dùng chữ nhiệt lượng. Thì cái nóng và lạnh nó là khái niệm, ví dụ như là room temperature căn bản chúng ta cảm nhận trong °C là 32 độ đối với con người chúng ta bằng với độ F là 72 độ là mình thấy thoải mái, nhưng nếu 10 hay 9 °C mình thấy lạnh hoặc giả là 50, 60 °F mình thấy lạnh, nhưng cái lạnh cái nóng không có nghĩa là lúc đó không có đổ ẩm nó vẫn có nhiệt lượng, tất cả hiện tượng vật chất đều có nhiệt lượng.
Phong Đại: Là gió ở đây chỉ cho sự vận hành, các sự chuyển động đều là hiện tượng của gió nhưng ngay cả một viên kim cương, ngay cả một khối đá vẫn có gió, bởi vì trong một nguyên tử luôn luôn có sự vận hành của lưỡng cực là cực âm và cực dương, thì trong sự vận hành của âm và dương nó không thể nằm yên một chỗ mà nó là sự vận hành. Ở đây chúng tôi không muốn đào sâu vào chuyện đó nhưng đại để là ngay cả một nguyên tử thì nó cũng không là một cái gì yên mà nó luôn có luồng sinh hóa nó có sự vận hành của cực âm cực dương.
Thì không có cái gì dù là một hạt bụi hay một hòn núi mà nó không có 4 đại, nói theo trong bản thể pháp thì trong nước những giọt nước chúng ta thấy cũng có đất nước lửa gió:
- Địa đại tức là sự chiếm ngữ dù là một giọt nước hay đại dương,
- Thủy đại là sự kết hợp của những tinh thể nước mặc dầu sự kết hợp đó dễ bị phân ra, chúng ta có thể lội trong nước được nhưng nó vẫn có cái kết hợp của nó,
- Và nó có cái nhiệt của nó,
- Đồng thời trong tất cả hiện tượng vật chất đều có sự vận hành
Bốn hiện tượng đất nước lửa gió có hai khái niệm:
1 - Một khái niệm có tánh cách thường thức; đất như bùn sình, nước như nước sông nước biển, lửa như lửa đốt trong lò như hỏa diệm sơn, và gió như phong ba bão tố như gió nhẹ v.v... đó là cách nói bình thường bên ngoài.
2. Nhưng trong bản thể, cái gì là thể rắn nó chiếm hữu không gian nào đó là đất, cái nào có tánh cách kết hợp những phân tử lại với nhau là nước, và nhiệt lượng là lửa, sự di động dù là cực âm cực dương của nguyên tử hay bất cứ sự di động nào trong thế giới vật chất đều là hiện tượng của gió.
Nhưng riêng chúng ta, nói đến đất nước lửa gió trong hai cái nhìn; bản thể và thường thức. Bây giờ riêng khi một hành giả dùng thân của mình nhìn qua những hiện tượng đất nước lửa gió là chúng ta có thể dùng một khái niệm rất bình thường để hiểu về thân ví dụ như:
- Cái gì thuộc về thể rắn như tóc, lông, móng, răng, da v.v... gọi là đất.
- Rồi mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, nước mắt, nước tiểu, nhớt, khớp xương v.v... gọi là nước.
- Và chất ấm, ở trong người chúng ta luôn luôn có độ ấm, mình thấy một xác chết lạnh, khi còn có chất ấm tiêu hóa chất ấm trong thân gọi là lửa, là nhiệt lượng của thân,
- Gió là khí vận hành.
Trong cái nhìn về vật chất của người Tây Phương họ có khái niệm gần gần như vậy khi họ nói về solid là đất, liquid là nước, plasma là hỏa đại, gas là thể khí như phong đại.
Chúng ta không bàn về sự so sánh, nhưng đại để một hành giả tu tập nhìn thấy những thành tố của thân chúng ta cũng hiểu bản thân của chúng ta là một thế giới của hiện tượng, ở trong thế giới hiện tượng đó nó được tập khởi được sanh ra được tồn tại và bị xáo trộn dẫn đến hủy diệt là bởi vì sự đắp đỗi của những yếu tố này. Khi nó điều hòa thì chúng ta khỏe mạnh khi nó bất hoà thì cái nào quá đáng như thân nhiệt nóng quá thân nhiệt lạnh quá chúng ta bị bệnh, hoặc giả chúng ta đi tiêu chảy hoặc bị bón cũng là bịnh, hoặc giả ở trong người chúng ta ợ hơi nhiều cũng là bịnh không ợ hơi cũng là bịnh v.v...
Cái nhìn như vậy là một cái nhìn đại loại gọi là một cái nhìn chung chung về hiện tượng giới.
Nếu một hành giả có khả năng ghi nhận liên tục quán sát với sự tập trú như vậy thì hành giả có thể nhìn thấy bốn đại của mình, và trong bốn đại là những nguyên tắc về thể rắn, thể loãng, nhiệt lượng, và thể khí mà xáo trộn thì gây ra nhiều vấn đề của cuộc sống.
Chúng tôi lấy một ví dụ, trong một gia đình hay trong một tổ chức đâu đó êm xuôi người trên nói người dưới nghe, người dưới cần người trên giúp đỡ, chị ngã em nâng rồi bít nón che tai với nhau rồi tạo thành một guồng máy thì mỗi thứ vận hành tốt, tuy nhiên có lúc nào đó có một thành viên hay một lý do nào đó người ta không vừa lòng nhau, người này nói người kia không nghe, giận hờn cãi cọ tạo nên những xáo trộn khủng hoảng, thì cơ thể của chúng ta cũng vậy.
Trong cái nhìn của hành giả tu tập cái gọi là bịnh. gọi là bất an của thân chúng ta là do sự xáo trộn của bốn đại, sự xáo trộn của bốn thể, địa giới, thủy giới, hoả giới, phong giới. Thì những cái này nếu chúng ta chịu khó nhìn một cách trung thực một cách liên tục bằng chánh niệm, do nhìn liên tục bằng chánh niệm mình thấy cuộc sống quả là một cái gì đó tồn tại. Lấy thân mình làm một thí dụ, sự tồn tại đó do tinh cha huyết mẹ mà thành, do vật thực nuôi dưỡng, tứ đại phải điểu hoà, nếu tứ đại bất hoà thì chúng ta không ngồi nói chuyện như chúng ta đang nói chuyện với nhau tại đây, nếu nhẹ thì có thể uống thuốc ăn cháo nằm đắp mền, nếu nặng thì có thể bị tai biến mạch máu não, nặng hơn nữa thì chúng ta bị mất mạng, mình thấy rằng quả thật cái thân chúng ta thường ái luyến, cái thân mình thường chấp nó mỏng mảnh, cái thân nó phù du đến nỗi nó vượt ngoài sự suy nghĩ của chúng ta, cái nhận thức đó nó chỉ đến khi nào mình có khả năng để nhìn liên tục.
Về vấn đề này chúng tôi chia sẻ một kinh nghiệm của Thiền Sư Ajahn Liêm, một người chúng tôi có dịp đi đầu đà chung trong 6 tháng. Vị này tu quán tứ đại, vị này nói với chúng tôi là từ công việc nhà nông mưa thuận gió hoà cho đến đời sống ở trong rừng lúc trời lạnh trời nóng trời mưa trời nắng đến cái thân lúc mạnh lúc yếu thì vị đó luôn luôn nhìn thấy tất cả đều là hiện tượng của địa đại, hoả đại, thủy đại, phong đại.
Tại vì thấy như vậy?
Chúng tôi lấy một ví dụ như mỗi người học một môn học nào đó, thí dụ như một người học về vật lý, học về khoa học, một người học về văn, người học về triết học thì họ dựa trên cái nhìn đó để nhìn về thế giới này, cũng chiếc lá rụng đó trong cái nhìn của một nhà thơ và chiếc lá rụng đó trong cái nhìn của một nhà học về thực vật học, học về sinh vật học rất khác, cũng trong hiện tượng chiếc lá vàng đó đối với một thi sĩ thì khác và cũng hiện tượng lá vàng đó đối với nhà nông thì nó khác.
Thì đối với hành giả tu tập trước nhất hành giả hiểu rằng vật chất nó vốn có những nguyên tố và những nguyên tố này nếu nó vận hành nhịp nhàng đều hòa thì đời sống an lạc thân thể khỏe mạnh. Nhưng không may cho chúng ta là ở trong thế giới hiện tượng đó không ai làm chủ kể cả bản thân của chúng ta, khi mình nhìn lâu ngày thì hiểu rằng thiệt ra nó không thuộc về ai hết nó là một sự hỗn độn hỗn mang của một dòng chảy của thế giới, mặc dầu hàng ngày mình trau chuốt nói là thân của mình mình muốn nó làm gì cũng được.
Ngài HT Hộ Giác có lần Ngài nói với chúng tôi: "Khi già rồi bịnh đến thân mình lạ lùng, tự nhiên buổi sáng mình rất khỏe ăn điểm tâm xong về phòng tự nhiên chân bị chuột rút hay chân đau, cái đau cái nhức nó đến với mình hồi nào mình hoàn toàn không tiên liệu được, nó trăm muôn ngàn thứ." Đó là lời nói của vị Lão Tăng, của vị HT lớn tuổi. Chúng ta còn nghe những lời khổ hơn nữa, đó là Đức Phật Ngài nói với Tôn Giả Ananda là "thân của Ngài giống như một chiếc xe cũ, chiếc xe lúc mới còn tốt thì hào nhoáng đẹp đẽ nhưng khi nó cũ rồi thì phải ràng phải buộc phải làm thế này thế kia để gìn giữ cho chiếc xe chạy được", vị nào có xe cũ thì biết mình bảo trì nó rất là mệt mỏi.
Từ những hiện tượng đó dễ dàng cho chúng ta thấy ba đặc tính và ba đặc tính Vô Thường, Khổ và Vô Ngã là cả một thuyết phục rất lớn giúp cho chúng ta rất nhiều:
- Đặc tính thứ nhất là tính bất định vô chừng. Cái bất định vô chừng đó Đạo Phật gọi là anicca là vô thường. Thật ra chữ vô thường nhiều người nghĩ là sự thay đổi, nhưng vô thường có nghĩa là cái gì đó vượt ngoài trù tính vượt ngoài định đặt của chúng ta mà nó vô chừng chúng ta không tính trước được, nó khi vầy khi khác nó bất chừng giống như bây giờ mình sống với người nào đó tính tình họ vô chừng khi vui khi buồn, vì tính vô chừng đó họ vui khi nào buồn khi nào mình không biết.
- Đặc tính thứ hai là Khổ. Thì thân của chúng ta cũng vậy, cái thân của chúng ta lúc nó đau nó khỏe mình không biết được, nay như vầy mai lại khác dù già dù trẻ cũng vậy, dĩ nhiên là có những người bịnh nhiều hơn người khác nhưng căn bản nó có tính là vô chừng nên khổ.
- Đặc tính thứ ba là Vô Ngã: Và khi nhìn vào những hiện tượng chúng ta cảm nhận điều Đức Phật nói nó là rỗng không, là bất toàn, là không có hoàn hảo. Cái rỗng không đó giống như một canh bạc có người tụ tập với nhau cùng đánh bạc thì có người chơi, có người làm cái, có người thua, có người thắng, khi tàn cuộc mọi người giải tán thì chẳng còn gì hết, một canh bạc đúng là tụ rồi tán. Thì thế giới này nó là rỗng không là bất toàn.
Khi tứ đại hợp thành thân của chúng ta mình thấy thân của mình đẹp như vầy, mỹ miều như vầy, tốt như vậy, mình thương nó như vậy, mình nghĩ về nó là như vậy, nhưng quả thật bởi vì nó là một kết cấu của nhiều thành tố, bởi vì nó là một cái gì đó thuộc về vật chất, nó là thể rắn hay thể loãng, hay nhiệt lượng, hay sự vận hành di động đi nữa thì những nguyên tố vật chất chỉ là nguyên tố thôi, nó không là gì hết. Mình bảo nó đẹp, nó vĩ đại, mình có tô hồng chuốc lục thì nó vẫn vậy bởi vì bản chất của nó chỉ là thế giới của hiện tượng. Do vậy nó bất toàn, do vậy là khổ, do vậy nó rỗng không.
Và chẳng những vậy, khi quan sát thân bốn đại này chúng ta nhận ra một điểm mình hoàn toàn không làm chủ tại vì nó luôn luôn tương tác, luôn luôn biến đổi, nó không thể nào ai làm chủ hoàn toàn được.
Thật ra, khi học về tứ đại, về những nguyên tố của đời sống, về thế giới của hiện tượng trong cái nhìn khoa học rất trung thực, trong cái nhìn của Phật học cũng rất là trung thực thì mình hiểu rõ lý vô ngã, tại sao lý vô ngã? là vì chúng ta thấy trong thân của mình, mình ăn ngon mình lựa thức ăn thích hợp với mình, mình mặc quần áo cho đẹp cho ấm, mình rửa tay để vệ sinh v.v... thì đồng ý là nó cũng có tương đối, nó cũng có những khả năng hữu hạn nào đó và chúng ta có thể kiểm soát một phần trong đời sống. Nhưng cái đau cái bịnh cái chết của thân chúng ta hoàn toàn không làm chủ được nó. Chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa chúng tôi biết là ở trong chùa từ cơ sở chùa từ nóc chùa cho đến các phòng sở, cho đến điện gas nước, cho đến Phật tử, cho đến các sinh hoạt nó hiện hữu do nhiều nhân nhiều duyên, không thể nói mọi việc theo ý của mình được, không có vị trụ trì nào nói tôi làm trụ trì tôi điều khiển hết cả ngôi chùa. Hay vị nào trong một gia đình làm chủ điều khiển vợ, chồng và con cái, hay cái thân của chúng ta mình bảo rằng mình điều khiển được nó, không có.
Người Trung Hoa có câu: "lục thập nhĩ thuận" tức là đến tuổi nào đó mình hiểu đời hiểu cuộc sống thì mình thuận theo tự nhiên hơn là chống chế đòi hỏi phải thế này phải thế kia tại vì chúng ta nhìn thấy nó vốn là tập hợp của nhiều thành tố và ý muốn của chúng ta cũng là một thành tố thôi nó không thể nào là tất cả.
Khi hành giả hiểu được điều đó bằng kiến thức thì hành giả có thể đem vào chánh niệm. Chánh niệm khác với kiến thức là kiến thức của chúng ta hoặc là trí văn hoặc là trí tư, tức là nghe hoặc giả là suy tư. Nhưng trí tu để hiểu biết điều đó, trí tu mà thấy bốn đại là do chúng ta ở trên cái thấy trực tiếp ở trong chánh niệm, chúng ta trực tiếp ghi nhận và ở trong sự ghi nhận đó còn có sự liên tục nó liên tục như một dòng chảy, và bởi vì chúng ta sống thấy nó. Ngài Ajahn Liem nói với chúng tôi có thời gian Ngài niệm về tứ đại thì dù đi ngang một nơi cư trú ở trong rừng hoặc giả khi thấy thân mình thì thấy tất cả đều là do bốn hiện tượng là địa đại, phong đại, hỏa đại, thủy đại, những hiện tượng đó nó chợt đến chợt đi, chợt ẩn chợt hiện, nhưng nếu mình nhìn liên tục thì nó là một phiên chợ, phiên chợ đó mình đi vào trong chợ thì nào là người bán nào là kẻ mua nào là tiền bạc kinh tế v.v... mình thấy nó ồn ào rộn ràng như vậy, rồi phiên chợ tan nó để lại cho chúng ta một bản tiết tấu và cái phiên chợ hồi sáng nó chỉ là một phiên chợ nó là của nhiều hiện tượng nhiều nguyên nhân nhiều lý do.
Thì nếu có cái gì đó một hành giả được hưởng lợi nhiều nhất đó là do có cái nhìn một cái vô tư tức là nhìn không có thành kiến, một cái nhìn bền bỉ chúng ta gọi là có định, và cái nhìn trung thực là cái nhìn của chánh niệm, cái nhìn trung thực rất là quan trọng.
Một người không tu Tứ Niệm Xứ thì nhìn mỗi thứ đều dựa trên cái nghe cái suy diễn như là chúng ta đang nói tại đây qua suy diễn.
Nhưng một khi hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ rồi thì chỉ lẳng lặng nhìn thế giới này đến, thế giới này đi, thế giới này tụ, thế giới này tán, cái thịnh, cái suy, cái khỏe, cái mạnh, cái đau, cái bịnh, mình nhìn một cách trung thực.
- Cái nhìn rất trung thực nó như thế nào mình ghi nhận như vậy, đó gọi là niệm.
- Cái nhìn rất bền bỉ nhìn có tập trung bền bỉ thí dụ như y cứ trên bốn đại mình nhìn thì cái nhìn bền bỉ đó gọi là định.
Tiếp tục nhìn và khi có định và niệm như vậy thì hành giả phải có cái nhìn khác hơn bình thường tại vì chúng ta thấy nó là như vậy.
Chúng tôi nhớ một trong những yếu tố các vị Thiền Sư thường dạy đó là một người tu tập là phải thấy được những lúc khó khăn, những lúc đau yếu, những lúc buồn nản, đó là một cơ hội. Ví dụ như khi đau bịnh thay vì mình kêu la rên rỉ gọi người này gọi người kia mình mong có người đến chăm sóc đến an ủi. Nhưng một người đau nếu người đó có cái nhìn trên phương diện tứ đại thì thấy đúng là tứ đại bất hòa. Thí dụ, cơ thể mình hôm nay tự nhiên nóng hơn nhiều, thân nhiệt không bình thường, cơ thể hôm nay tự nhiên mình bị tiêu chảy chất loãng ra nhiều, hay là bớt nước nhiều, cơ thể chúng ta hôm nay mềm nhũn giống như cái mền nhúng nước, thì rõ ràng tứ đại không bình thường và mình dùng cơ hội đó thì mình có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng chánh niệm.
Trong một cách nhìn các vị Thiền Sư thường dạy chúng ta là Yoniso ca manasikàram yonisomanasikāra là khéo tác ý hay như lý tác ý tức là nếu một vị có kiến thức và có bản lãnh của Tứ Niệm Xứ thì những điều này tạo thành những cái gì nổi bậc rõ nét trong đời sống, thì dù nó là vui, nó là khổ, thích hay không thích, dù thuận hay nghịch, nó lại là một mấu chốt để chúng ta nắm bắt lấy thực tại. Tại sao nó lại là mấu chốt? Tại vì cho chúng ta nắm bắt lấy thực tại, là tại vì đời sống hàng ngày chúng ta sống với sự suy tư miên man, sống với ảo giác, sống xa rời thực tại, sống với ý tưởng "tôi là, ta là, tôi đẹp, tôi xấu, tôi hay, tôi giỏi, tôi dở, tôi vinh, tôi nhục" nhưng một khi hành giả đã sống ở trong chánh niệm rồi thì thấy rằng hiện tượng này sanh khởi, hiện tượng kia diệt.
Hôm nay chúng ta chỉ nói riêng về tứ đại tức là địa giới, hỏa giới, thủy giới, phong giới, thì khi nói về bốn đại này hành giả thấy được chính những xáo trộn là cơ hội để nắm bắt lấy thực tại là cơ hội để chúng ta ghi nhận đó gọi là Yoniso ca manasikàram yonisomanasikāra là khéo tác ý hay như lý tác ý nhưng quan trọng là phải nhìn thấy rất bền bỉ.
Đúng ra thì không cần phải học về y học, hay giỏi về hệ sinh học để chúng ta hiểu thế nào là sự hoạt động của cơ thể, một vài sự quan sát mang tánh cách hơi vô tư thì chúng ta thấy bốn hiện tượng đất nước lửa gió là những nguyên tố của thân, và chẳng những vậy nó rất vô chừng, nó làm cho thế giới này không hoàn hảo, nó làm cho chúng ta thấy có rất ít khả năng để kiểm soát một cách chủ quan và từ đó chúng ta nhìn sự vật một cách nhẹ nhàng hơn.
Không có một vị hành giả nào lợi lạc cho bằng là một ngày nào đó chúng ta trở về với cái gì rất là tự nhiên, ở trong đạo Phật gọi là tự tánh, tánh riêng của mọi sự vật, cái gì vô thường mình nhận nó là vô thường, cái gì bất toàn mình nhận nó bất toàn, cái gì vô ngã mình nhận nó là vô ngã, cái gì thuộc về thân biết là thân, cái gì thuộc về tâm biết là tâm, cái gì sanh biết là sanh, cái gì diệt biết là diệt, đó là sự trở về tự tánh của các pháp.
Khi chúng ta có thể nhìn thấy những điều đó như một dòng chảy, như một phiên chợ, như là một đám mây phù vân có tụ có tán, có đến có đi, lâu ngày thì hành giả chỉ đóng một vài trò của một người quan sát và quan sát bền bỉ, quan sát được liên tục với định và niệm, chứ hành giả không vốn có ý định phải phê phán cái này đòi hỏi cái kia, phải đặt vấn đề như thế nọ.
Cái khổ của chúng ta là vấn đề gì chúng ta cũng có ý kiến "tôi thích" hay "tôi không thích". Khi mình đã quan sát, điều thứ nhất là nó không có chuyện gì thích hay không thích, giống như đối với nhiệt lượng trong thân thể hay đối với nước trong cơ thể, hay 32 thể trược lông móng răng da chúng ta biết tất cả những thứ đó không nằm yên một chỗ, ngay cả răng cứng nhất thì nó cũng có tốt cũng có lúc hư, tóc thì có lúc nó ngắn lúc dài, có lúc nó bạc, rồi da chúng ta cũng thay đổi liên tục, màu da bên ngoài nó đẹp đẽ thực ra nó chỉ là cái gì đó mà chúng ta chưa nhìn kỹ nhìn rõ thôi.
Khi hành giả đứng ở một vị thế của một người sống bằng chánh niệm, nuôi dưỡng chánh niệm và dựa trên cái nhìn về tứ đại thì lúc đó chúng ta sẽ hiểu ngay ra một lý lẽ là để thân thể mình được bình an khỏe mạnh thì tứ đại phải điều hòa, còn chuyện tứ đại bất hòa sanh ra bịnh thì chuyện rất thường chuyện đó mình không kiểm soát được, và khi nó sanh ra bịnh rồi thì không phải lúc đó mình than mình trách, uống thuốc thì cứ uống thuốc nhưng mình phải chấp nhận đó là một thế giới của hiện tượng. Và cũng dựa trên bốn đại này hành giả sẽ có được một tư thế là lẳng lặng quan sát nhiều hơn có ý kiến, hơn là đòi hỏi hay bực bội, hay là có một đề quyết là nó phải thế này nó phải thế kia, cái nhìn đó là cái nhìn rất là đặc biệt của hành giả tu tập Tứ Niệm Xứ.
Trở lại một lần nữa, Đức Phật Ngài dạy ở trong bài kinh hôm nay Ngài luôn luôn nhắc lại đó là :
- "Như vậy vị ấy sống quán thân trên nội thân"; là mình lấy thân của mình để quán,
- "Quán thân trên ngoại thân"; tức là mình thấy thân của mình thân người khác cũng là một thể, mình ngồi ở bên giường người bịnh, thân người bịnh như vậy thì mình biết thân của họ cũng là thân tứ đại, thân của mình cũng là thân tứ đại, tuy đó là ngoại thân đây là nội thân nhưng nó cũng đồng thể. nó cũng nhất thể. cũng giống nhau thôi.
- "Sống quán thân trên nội và ngoại thân", cả hai, mình lấy cái này so sánh cái kia, lấy cái kia so sánh cái này, mình bây giờ già thì người kia cũng sẽ già, hay người kia bịnh rồi mình cũng sẽ bịnh giống như vậy, tức là sống quán thân nội và ngoại thân.
- "Vị ấy quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân". Những hiện tượng từ có trở thành không, không trở thành có, cái không trở thành có gọi là sanh, cái có trở thành không gọi là diệt, thì hiện tượng sanh diệt là đến đi chợt ẩn chợt hiện, cái có trở thành không cái không trở thành có thấy rất là rõ, thật ra thì hiện tượng của tứ đại rất là dễ nhận ra.
- "'Có thân đây', vị ấy an trú chánh niệm như vậy với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm". Cái thân này không phải là để chán để bực bội, cái thân này không phải để lên án, cái thân này dùng làm phương tiện để làm quán chiếu, để đạt đến chánh trí và chánh niệm. Chánh trí ở đây tức là biết được sự thật, chánh niệm là khả năng tỉnh táo. Thân của chúng ta thường làm đầy đọa mình, cái thân làm phiền mình, nhưng bây giờ với hành giả có một thái độ tích cực nghĩa là có thân ở đây thay vì mình giận mình phiền khi nó đau mình khổ, một hành giả có tu tập rồi thì thân này phải dùng thế nào mà nó vẫn là phương tiện tốt, có thân này đây đễ sống với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm
- "Vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời", là vị này sống không có định kiến hay thành kiến, không cố chấp. Không sống nương tựa không chấp trước vật gì ở đời là không đòi hỏi nó phải thế này bảo đừng như thế kia mà chỉ ngồi nhìn thôi có sao biết nó như vậy, đó là có chánh niệm.
- "Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sống quán thân trên thân".
Một lần nữa, về bốn pháp quán tưởng, chúng ta gọi là quán tưởng tứ đại này nó cũng đòi hỏi một chút kiến thức nhưng dù sao đi nữa thì nó đỡ hơn phần quán 32 thành phần của thân thể.
Về cách quán tóc, lông, móng, răng, da chúng ta cần trang bị cho mình một số kiến thức do các vị Thiền Sư hướng dẫn hay trong sách vở hướng dẫn.
Về quán tứ đại này thì có thể qua một hai bài giảng của vị Thiền Sư có kinh nghiệm việc này chia sẻ thì chúng ta có thể dùng bốn nguyên tố này để như một hướng dẫn cụ thể chúng ta nhìn vào thân nhìn vào vật chất và đặc biệt vào thân chính mình thì qua đó nuôi dưỡng được chánh niệm. Đối với Đức Phật đề tài này về bốn đại hay về những thành phần của thân thể hay về tiểu oai nghi, đại oai nghi, hơi thở thì tất cả đều là những phương cách để hành giả duy trì được chánh niệm, cái khéo của một người tu tập chánh niệm tại đây là làm thế nào đó để có thể nhìn sự vật qua cái nhìn của bốn nguyên tố của vật chất và làm sao cho cái nhìn đó nó bền bỉ liên tục, cái nhìn bền bỉ chúng ta gọi là định và cái nhìn trung thực gọi là niệm, Tứ Niệm Xứ đòi hỏi hai niệm và định, nếu chúng ta chỉ nhìn một lần thấy nó như vậy rồi bỏ không nhìn nữa thì chúng ta có niệm mà thiếu định cái định nó không bền bỉ thì tuệ không sanh, niệm chỉ đóng vai trò ghi nhận thôi nhưng mà cái định là tố chất bền bỉ .
Nói tóm tắt: tứ đại trong cái nhìn thường thức đất nước lửa gió khác tứ đại trong cái nhìn của bản thể pháp như trong Vi Diệu Pháp lại khác và tứ đại trong cái nhìn của Thiền Quán ở đây nó lại có hàm nghĩa khác chúng ta nên phân biệt rõ điều này và đây cũng là phương cách giúp chúng ta tiếp xúc với thực tại, nắm bắt thực tại, ghi nhận thực tại, và sống với thực tại, và sống với thực tại đó nó lợi cho chúng ta rất nhiều để thấy rõ ba hiện tướng là Vô Thường, Khổ, và Vô Ngã./.
No comments:
Post a Comment