Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Chương 6 - X. Phẩm Lợi Ích
(X) (105) Hữu - Bhava Sutta
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 4-9-2017.
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Bài kinh nằm trong chương 6 chi pháp gồm 2 đề tài, mỗi đề tài gồm 3 chi pháp cộng lại thành 6 chi pháp. Do sự phân loại của các Ngài Axàlê đặt bài kinh này trong chương 6 pháp thay vì 3 pháp vì một vài lý do đặc biệt về sự liên hệ của 2 đề tài này.
Chúng ta bắt đầu với mục thuật ngữ Phật học, thuật ngữ này được nói nhiều, được tìm thấy nhiều trong Phật học lại là một trong những thuật ngữ khó hiểu và có rất nhiều cách dịch trong Anh ngữ đó là chữ "hữu" hay là "bhàva". Ở một ý nghĩa nào đó chúng ta gọi là "hiện hữu" "sự có mặt" hay "sự tồn tại".
Định nghĩa "sự hiện hữu" của cuộc sống chúng ta nói đến một giòng hiện hữu rất sinh động được tạo và tái tạo. Ở trong tiến trình được tạo và tái tạo đó chúng ta nói đến 2 thứ là "nghiệp hữu" và "sanh hữu".
"Nghiệp hữu" là sự tạo tác của chúng ta trong đời sống ví dụ như tạo ra nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện.
Khi đề cập đến sự hiện hữu, chúng ta nói đến cả 2 phương diện là:
- "nghiệp hữu" tức là mình tạo tác
- "sanh hữu" là sự có mặt đủ loại cảnh giới chúng ta sống.
Điều này cho thấy rõ ràng đó là một sự đắp đổi giữa hai thứ được tạo và tái tạo. Trên phương diện nào đó điều này giống như chữ hữu cơ trong sinh vật học.
Khi nói đến hữu cơ chúng ta muốn nói đến một hiện tượng của vật chất có khả năng hấp thụ dưỡng tố và tái tạo, tự nó tái tạo để tồn tại. Ví dụ như những loài cây cỏ hấp thụ nước, ánh sáng mặt trời, rồi tạo ra sự sống, sự sống tạo ra hoa trái hột, rồi hoa trái hột đó lại có khả năng tiếp tục tái tạo và tồn tại hiện hữu. Như vậy, chữ hữu được kề cập được xem như là một hình ảnh rất sinh động về sự sống của chúng ta.
Nhưng đằng sau đó còn có một thứ khác đạo Phật gọi là "ái", ái duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu. Ái là bản năng sinh tồn là một sự khao khát. Bản năng sinh tồn và sự khao khát này tạo thêm một thứ chúng ta gọi là lẽ sống, một lực đẩy đi tới cho đời sống chúng ta.
Và chính lực đẩy này đã tạo nên con người, tạo nên một thế giới sống của mình.
Ví dụ, những người sanh ra ở miền quê và những người sanh ra ở thành thị.
- Với những người sanh ở miền quê nhà cửa ở nơi rộng thoáng có hương đồng cỏ nội chung quanh, nhưng bù lại cuộc sống tay lấm chân bùn, đời sống tương đối không nhiều tiện nghi như người ở thị thành.
- Người sống ở thị thành nhà cửa chật hẹp, vách cửa liền với mặt lộ, đi đâu cũng đông đúc, hầu như cuộc sống của họ phải tiếp xúc quá nhiều tiếp xúc thường xuyên, mở mắt ra đường là đã tiếp xúc. Nhưng ngược lại đời sống thị thành là một đời sống với một trật tự cao một tổ chức cao, bệnh thì có xe cứu thương, nhà bị hỏa hoạn thì có sở cứu hỏa, thực phẩm thì có siêu thị.
Chúng ta nhắm mắt lại một chút sẽ thấy hai cảnh giới giữa đời sống nông thôn và đời sống thị thành quả thật là hai cảnh giới. Nhưng một khi đã quen thì mình cảm thấy thế giới đó thuộc về mình và khi mình thuộc về thế giới đó, thế giới đó thuộc về mình thì mình có những khát vọng, có những ưa thích, có những thoải mái. Sống ở miền quê với ruộng vườn hương đồng cỏ nội nhìn thấy rau mọc sau hè nhìn thấy lúa xanh mơn mỡn, nhìn thấy có thể cảm nhận được mùi rạ mùi lúa non mùi đất những thứ đó không thuộc về thế giới của thị thành. Thị thành đối với người miền quê là nơi ô nhiễm có nhiều khói, có nhiều chen lấn và sống với biết bao người xa lạ nhưng một khi đã quen với cuộc sống thị thành mình về miền quê cảm thấy thôn quê với những tiếng côn trùng kêu buổi chiều khi trời sụp tối, với tiếng ve kêu buổi trưa với hình ảnh đồng ruộng mênh mông mình buồn. Những người ở thành thị chỉ muốn trở về với thành thị, những người ở thôn quê muốn trở về thôn quê, lâu lâu mới có những người cuộc sống của họ thích hợp cả 2 thôn quê và thành thị.
Điều chúng ta muốn nói ở đây, cái gì mình cảm thấy thoải mái dễ chịu trong cuộc sống kể cả chúng ta là ai, chúng ta làm gì, môi trường sinh thái của chúng ta ra sao, tất cả những điều đó thoải mái hay không thoải mái đều dựa trên thói quen. Người sinh ra ở thị thành về sống ở thôn quê cảm thấy buồn chán, người sanh ra ở nông thôn lên thị thành cảm thấy chật hẹp gò bó, vấn đề là ở thói quen.
Đời sống của chúng ta ở trong một ý nghĩa sơ đẳng nhất, bản năng nhất là đời sống giữa căn và cảnh, đặc biệt 5 cảnh ngoại là sắc, thinh, khí, vị, xúc, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình gửi, cái gì mình nếm, cái gì mình cảm xúc.
Những điều này mới nghe thì rất bình thường nhưng đó là cuộc sống của chúng ta. Tại sao chúng ta muốn xây dựng nhà cửa sơn màu này làm kiểu kia? tại vì con mắt chúng ta thấy vừa ý. Tại sao chúng ta thích âm nhạc, tại sao chúng ta muốn nghe những lời nói ngọt ngào? tại vì muốn tìm cái gì vừa tai. Tại sao chúng ta không chịu được mùi hôi thúi và thích những mùi thơm thích những mùi thân quen vì chúng ta lệ thuộc vào mùi để cho mũi. Tại sao mình không ăn được thức ăn xứ người mà chỉ thích ăn thức ăn xứ mình? tại vì lưỡi chúng ta cần nếm những vị vừa miệng. Tại sao chúng ta cần đến những chỗ nằm chỗ ngồi chăn ấm nệm êm? tại vì sự xúc chạm của thân thể.
Mới nghe sắc, thinh, khí, vị, xúc mình thấy chuyện đó đôi khi không có gì quan trọng với mình, cái mình thấy, cái mình nghe, cái mình ngửi, cái mình nếm, cái mình đụng, một khi những thứ đó thiếu, hoặc giả không nghe được âm thanh quen thuộc, hoặc giả tai của chúng ta bị hư hay không thấy cái mình thích, hoặc giả con mắt chúng ta bị mù thì lúc đó mới lớn chuyện.
Chúng tôi đã từng sống qua những ngày tháng của giông bão. Đời sống hàng ngày có những thói quen cố định mình xem nó rất bình thường, cần ánh sáng chỉ cần bậc công tắc điện để bậc đèn lên, muốn uống nước lạnh mở tủ lạnh có ngay, muốn rửa mặt thì mở vòi nước ra. Một khi nhà hay thành phố bị cúp điện không một ngày mà nhiều ngày đời sống chúng ta bị đảo lộn, laptop không dùng được, tủ lạnh không lạnh, máy lạnh không có, đèn không có. Thật ra thì, đã từng sống qua ngày tháng với những ngọn đèn dầu gọi là đèn trứng vịt, ngọn đèn leo lét buổi tối, đã từng sống qua những ngày tháng không có internet không có laptop, không có điện thoại nhưng bây giờ mình quen những thứ đó rồi mà không có điện làm cho mình cảm thấy đời sống của mình xáo trộn, đời sống của mình rất là khó, đời sống của mình không dễ dàng chút nào và chỉ mong cho điện có trở lại, nước cũng vậy. Điều đó cho chúng ta thấy có những gì rất quen thuộc đôi khi mình nghĩ nó bình thường, thậm chí nó quá tầm thường chứ không phải bình thường nữa nhưng khi không có nó thì lớn chuyện.
Mỗi ngày mở mắt ra thấy không biết bao nhiêu thứ đôi khi có những cái mình không muốn nhìn, buồn ngủ thì nhắm mắt lại ngủ, nhưng vì lý do gì đó mình bị nhặm mắt phải băng mắt lại không thấy đường được thì nó trở ngại khủng khiếp. Đời sống chúng ta vốn lệ thuộc vào 5 cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình đụng, đó là hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, và xúc, những điều đó đã trở thành một cái gì nó chi phối lớn đời sống của mình, đạo Phật gọi đó là thế giới của dục, hay là dục giới.
Tại sao thế giới của dục giới? Tại vì thế giới đó sắc, thinh, khí, vị, xúc là điều kiện để trưởng dưỡng và tăng trưởng ham muốn của chúng ta. Không thấy thì thôi mà thấy thì phải cái gì cho đẹp, ở trên tường phải màu sắc đó và người mình sống chung phải hình ảnh đó mới là đẹp, ở ngoài vườn phải làm như vậy mới là đẹp, nhà cửa phải cất như vậy mới là đẹp, đi chơi chỗ đó mới là đẹp, thì con mắt thật sự chi phối mình. Âm thanh cũng vậy, chỉ nghe một người nói chói tai mình nghe không chịu, phải nói lời nói dịu dàng, nghe một bản nhạc cũng thời bản nhạc đó ca sĩ này hát mình không thích nghe mà ca sĩ khác mình thích nghe. Mùi cũng vậy, có những mùi mình chịu được nhưng có những mùi mình không chịu được. Điều đó rõ ràng, chúng ta khó phủ nhận đời sống của chúng ta bị chi phối bởi sắc, thinh, khí, vị, xúc. Trong cuộc sống chúng ta luôn luôn có những thứ mình ưa chuộng và do có những thứ mình ưa chuộng thành ra có những thứ mình ghét bỏ.
Vấn đề của dục giới là sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc phải có nguồn cung ứng và tâm của chúng ta thật sự có hoà điệu với những điều đó. Lấy ví dụ mình thường ăn ngon nhưng có món ăn ngon ăn buổi sáng thì được buổi chiều thấy nó bình thường và buổi tối hay ngày hôm sau ăn nữa thì mình sợ. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ nhiều khi Thân Mẫu chúng tôi nấu một nồi chè lớn ăn buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều thấy sợ rồi. Tại vì sao? Tại vì đó là tự nhiên của sắc, thinh, khí, vị, xúc, cái ngon, cái hay, cái đẹp cứ lập đi lập lại hoài thì đâm ra ta buồn chán. Thành ra trong thế giới của sắc, thinh, khí, vị, xúc lại kèm theo hiện tượng xáo trộn đời sống của chúng ta đó là tham hay quá dính mắc, hay quá bực bội, hay hôn trầm thụy miên rồi trạo hối và nghi hoặc.
Trạo hối là tâm tán loạn lao chao hối quá.
Nghi hoặc tức là sự lưỡng lự phân vân.
Những trạng thái này hệ quả tất yếu của 5 ngoại cảnh khi chúng ta tiếp xúc. Giống người sống ở thành phố là một nơi văn minh, ra đường có đèn xanh đèn đỏ, những nhu cầu của đời sống như xe cứu thương, xe cứu hỏa, siêu thị thì có sẵn đó, nhưng ngược lại thành phố cũng có những hệ lụy, mình sẽ gặp rất nhiều người lạ thường chen lấn, ô nhiễm, và có nhiều luật lệ áp đặt nếu mình không quen cảm thấy rất không thoải mái, hệ quả tất nhiên của thành phố, đời sống của phố thị luôn luôn có hệ quả của nó. Đời sống ở miền quê cũng vậy không có nơi nào hoàn hảo hết, ở miền quê thì có những hệ quả của miền quê, thí dụ như ai không quen với bùn sình, trên một mảnh đất mênh mông không tráng xi măng, không trải đường nhựa mỗi khi cơn mưa đổ xuống thì từ con đường này tới con đường kia sình lầy mình cảm thấy dơ, tiếng côn trùng vào buổi tối làm chúng ta não lòng. Mỗi nơi đều có cái được và cái không được và khi chúng ta đã dính mắc vào nơi đó thì mình cảm thấy nơi đó đẹp tuyệt vời mình quên đi những nhọc nhằn, những hệ lụy phiền toái. Điều đó cho chúng ta biết đời sống của chúng ta luôn luôn gắng chặt và dính mắc vào cảnh giới nào đó.
Ba cảnh giới Đức Phật dạy ở đây là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu nghĩa rộng hơn dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Dục giới, sắc giới và vô sắc giới chỉ nói cảnh giới thôi nhưng dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu thì nó cộng lại cả hai cảnh giới, sự tái tạo ra cảnh giới và sự khao khát, khả năng đam mê để tái tạo. Chữ hũu ở đây là chữ rất rộng, nhưng chữ hữu ở đây chúng ta nói đến sự tha thiết, đến sự khao khát, nói đến sức sống đến sự ham muốn mãnh liệt.
Tương tự như một người đã sống ở nông thôn khi đã có sự gắng bó yêu ruộng vườn yêu đất trời mênh mông yêu hương đồng cỏ nội, điều đó khiến cho không thể sống cuộc sống khác hơn được, sống phải có vườn phải có ruộng rẩy, phải có cá ở dưới nước, phải có chim ở trên trời, những thứ đó đặt để trở thành một điều kiện sống không thể thiếu, thiếu cái đó mình cảm thấy lạc lõng.
Thì như vậy, khi chúng ta nói đến dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu chúng ta nói đến nhiều giai tầng nhiều cảnh giới, trong mỗi cảnh giới đó hàm chứa đầy đủ bản năng sinh tồn, sự khao khát hiện hữu và những sở hành để dẫn đến hiện hữu đó, cái đó rất mạnh. Một người sống ở trong dục hữu với nhu cầu thì người đó luôn luôn tạo tác, luôn luôn tìm kiếm để thoả mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, để thoả mãn cái gì thuộc về 5 cảnh. Nhưng một khi họ nhàm chán dục hữu họ lại tìm đến sắc hữu, sắc hữu là cái gì rất tế nhị, chúng ta so sánh giữa hai thứ, chúng tôi tạm thí dụ như có một số người sống trong xã hội này họ chỉ thích ăn nhậu, thích bạn bè nhậu nhẹt và ngày này qua ngày khác, không có nhậu nhẹt họ không vui. Nhưng có người tâm trí họ tế nhị hơn họ chán ghét chuyện bạn bè nhậu nhẹt, họ muốn tìm cảnh giới như cõi thơ, thế giới của âm nhạc, thế giới của văn chương của nghệ thuật thì cảnh giới đó tế nhị hơn và người sống ở thế giới này và thế giới bạn bè nhậu nhẹt rất khó nói chuyện với nhau.
Lấy ví dụ, có người khao khát nghệ thuật họ có thể ăn bánh mì uống nước máy (fontaine) và đời sống rất giản dị nhưng chỉ sáng tác được một vần thơ hay họ cảm thấy sung sướng trong lòng. Điều đó rất khó diễn tả để cho người chuyên về nhậu nhẹt cảm nhận được. Và, người nhậu nhẹt rượu chè mỗi ngày cũng khó để cho một thi nhân có thể cảm nhận được đời sống của họ. Hai người sống hai cảnh giới khác nhau, nhưng cảnh giới của một thi nhân tế nhị hơn cảnh giới của một người nhậu nhẹt, chúng tôi tạm thí dụ vậy.
Hay đời sống của một thi nhân một người vui với gió buồn với mây và một người sống lúc nào cũng thả hồn theo thế này thế kia mà so với một vị tu sĩ một người tu thiền định sống trong đời sống an tịnh thì hai cảnh giới đó hoàn toàn khác nhau, hai cảnh giới, chúng ta nói đều về tinh thần nhưng một bên có sự đam mê với vần với điệu với thơ với ý thơ và một bên sống đem tâm hồn mình hòa với ý nghĩa của đạo lý, nó là những phương trời biển mộng, nó là những cảnh giới hoàn toàn khác nhau, người sống ở cảnh giới này rất khó để nói về cảnh giới khác. Chúng tôi tạm gọi một người sống trong cảnh dục là người sống nặng về vật chất, người sống trong sắc và vô sắc là về tinh thần, nhưng ở trong cái sắc về tinh thần nhưng là tinh thần của đam mê, đam mê có hạn chế. Nhưng ở trong vô sắc hữu nó là về tinh thần nhưng nó đi tìm cái gì đó không có hạn cuộc không có hạn định như là chúng ta nói về không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng.
Trong bài học hôm nay thật ra rất khó đào sâu hết nhưng mình tạm tưởng tượng như vậy, thì cho dù vật chất hay tinh thần, cho dù đời sống tinh thần tế nhị hay thô thiển thì nó đều cho thấy chúng ta từng khao khát, đã quen đã sống trong đó thì luôn luôn có sự khao khát và do sự khao khát đó nó có chất của tanha (khát ái) thì có nhiệt não có khổ. Ví dụ như một người nghiện rượu không có rượu họ cảm thấy buồn, một thi nhân không tìm nguồn cảm hứng để làm thơ thì họ buồn, ngay cả một vị tu sĩ mà nghiền tư duy nghiền suy nghĩ nghiền trầm tư mà không trầm tư được cảm thấy phiền. Ở trong mỗi chúng ta sức sống đó gọi là tanha mà nặng hơn nữa gọi là "Taṇhā Paccayā Upādānaṃ là ái duyên cho thủ", cái sự khao khát phải có dù thô hay tế, dù vật chất hay tinh thần, dù bồng bột hay tế nhị thì nó cũng là sự khao khát, nó tạo nên sự sống, nó tạo nên sự hiện hữu, nó tạo nên sự có mặt của chúng ta trong đời này.
Khi có sự khao khát có nghĩa chúng ta phải là thế này phải là thế kia, có sự khao khát, nó có điều kiện, ví dụ như mình là người muốn ăn thức ăn Việt Nam, thử đi đến nơi nào không có thức ăn VN, thì cái thèm thức ăn VN nó làm cho chúng ta khổ, tại vì sao, tại vì chúng ta muốn ăn thức ăn VN thì chúng ta phải có thức ăn VN nếu không có thì chúng ta không hạnh phúc. Chúng ta muốn những người chung quanh phải yêu thương mình, mà những người chung quanh không yêu thương mình thì cảm thấy phiền, cảm thấy trống rỗng, cảm thấy cần, thì cái đó là mình sống có điều kiện, sống phải có và cái khao khát đó nó trở thành lực lớn của đời sống một lẽ sống và nó bắt buột cứ đi tới, đi tới và đi tới, đó là chúng ta nói về hữu.
Sau khi chúng ta nói đại lượt về "hữu", đối với Đức Phật không phải chỉ có suy nghĩ và hiểu biết như vậy là xong, tại vì suy nghĩ và hiểu biết chỉ dẫn chúng ta đến một mức độ nào đó thôi, bây giờ chúng ta nói cảnh dục giới, sắc, thinh, khí, vị, xúc, vi tế hay thô nó là cuộc sống không phải một đời mà nhiều đời của chúng ta. Nhiều người sau khi tụ tập bạn bè nhậu nhẹt nhiều quá về đánh đập vợ con, khi tỉnh họ nói quả thật uống rượu là tệ hại nhưng mà rồi vẫn ghiền vẫn đi uống rượu. Có nhiều người đánh bài đến tán gia bại sản nhưng có đồng tiền nào cũng đem đốt vào sòng bài mặc dầu họ biết chuyện đó là không tốt nhưng họ vẫn lao vào, đó là vì thói quen. Đạo Phật gọi là "thường thân y duyên" nó đã quen nếp sống như vậy rồi.
Để thay đổi thói quen thay đổi cái nếp mà nó vốn đã có sẵn, thay đổi nó không đơn thuần là tư duy là đúng, không đơn thuần suy nghĩ, không đơn thuần thấy biết là đủ, Đức Phật Ngài gọi là để có thể chuyển hóa cuộc sống mình cần có cả bốn thứ:
1. một là sự hiểu biết là hiểu biết về khổ,
2. hai là sự đoạn diệt, sự đoạn diệt nhân sanh khổ,
3. ba là sự chứng ngộ, chứng ngộ ở đây là sự diệt khổ,
4. bốn là phải tu tập, sự tu tập ở đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Và con đường đưa đến sự diệt khổ đó nó không có đơn thuần chỉ là sự hiểu biết như là sự hiểu biết về sự khổ, mà con đường đó bao gồm trong hai từ vựng, hai từ vựng đó là hai từ vựng rất là đẹp đôi khi chúng ta ít nhắc đến:
Đó là sikkhitasikkho có nghĩa là học và huấn luyện.
Học ở đây có thể là học từ kinh điển, học từ lời dạy của người khác.
Và huấn luyện ở đây là sự rèn luyện
Ở trong danh từ sikkhitasikkho có nghĩa:
- Sikkhita là học hỏi.
- Sikkho là huấn luyện.
Sikkhitasikkho tạm gọi là tu học, tức là mình được thụ huấn và mình được huấn luyện, thụ huấn ở đây là được học hỏi, huấn luyện ở đây là mình có thực hành và trao dồi.
Sikkhitasikkho là từ rất đẹp trong Phật học, chúng ta tạm gọi là tu học.
Trong quá trình tu học này thì Đức Phật Ngài nêu ra ba công đoạn:
1- Công đoạn đầu tiên Ngài dùng chữ adhisīlasikkhāya là tăng thượng giới học.
Chữ adhi là tăng thượng.
Chữ sīla là giới.
Trong tiếng Việt bây giờ họ dịch chữ adhi là cao cấp. Trong tiếng Hán dịch là tăng thượng như thế giới của bậc cao, để chỉ cho khả năng để tạo ra bước kế tiếp.
Adhisīla là tăng thượng giới.
Nói về giới, ở bên ngoài chúng ta nói chánh nghiệp, chánh ngữ và chánh mạng.
Chánh nghiệp là những hành động không tạo ác nghiệp, hành động chơn chánh.
Chánh ngữ là lời nói và hành động chân chánh.
Chánh mạng là sinh kế nuôi mạng chân chánh.
Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng là lời nói, hành động, và sinh kế chân chánh chúng ta gọi là giới học.
2. Công đoạn thứ hai, Ngài dùng chữ adhicittasikkhāya là tăng thượng định học, hay tăng thượng tâm.
Adhicittasikkhāya là tăng thượng tâm học. Ở đây giống như chúng ta dùng chữ "tu tâm dưỡng tánh" và chuyện giữ giới là để mình tránh những ác nghiệp nhưng mà tâm ở đây là mình phải có khả năng trong 3 thứ:
1. Chánh tinh tấn tức là trong tâm lực của mình, nghị lực của mình, mình phải có sức mạnh về nội tại để đặt tâm mình nỗ lực đúng chỗ.
2- Chánh niệm, là sự tỉnh táo, khả năng tỉnh táo tỉnh thức,
3- Chánh định là sự tập trung.
Ba lực đó của nội tại nếu có được ba lực đó thì chúng ta gọi là tăng thượng tâm.
3. Công đoạn thứ 3, Đức Phật dùng chữ adhipaññāsikkhāya = Tăng Thượng Tuệ.
Thì tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ là 3 công đoạn của sự tu học, chúng ta nói một cách chi tiết hơn trong Bát Chánh Đạo:
Tăng thượng giới thì có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng,
Tăng thượng tâm có chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định
Tăng thượng tuệ thì có chánh kiến chánh tư duy.
Những pháp này không phải là chỉ được nghe chỉ được học, chữ sikkhita có nghĩa là sự tôi luyện, sự dồi mài hay là sự huấn luyện, có nghĩa chúng ta nói học và hành hay là tu học, tu học cả 3 điều này.
Sự tu học này bao gồm khả năng thanh tịnh đời sống bằng cách không tạo ác nghiệp, khả năng tạo ra một nội tâm đủ tốt đủ mạnh với chánh tinh tấn, chánh niệm chánh định và thành tựu được trí giác ở trong trí giác đó là tuệ gồm có chánh kiến, chánh tư duy.
Những pháp này không đơn thuần là sự hiểu biết, ví dụ như bây giờ mình học về máy móc mình không thể nào cầm cuốn sách nghiên cứu suông. Muốn giỏi về máy móc xe hơi mình không thể cầm đọc mấy cuốn sách mà biết về xe hơi, mình phải có thực hành phải tự tay sửa xe hơi và không phải một chiếc xe mà phải nhiều chiếc xe mới kinh nghiệm và do kinh nghiệm đó hoàn toàn khác hơn học lý thuyết. Với thiền định cũng vậy.
Thì ba điều này ở trong kinh gọi là tam học nhưng chữ học ở trong tam học bao gồm cả học và được huấn luyện, như một người lính không thể nào chỉ học về lý thuyết mà ra trận được, ở trong quân trường và phải có thực hành thao tác thì họ mới có thể ra đánh trận được chứ không phải đơn thuần học về lý thuyết ôm súng ra trận là đánh giặc được, như vậy 3 pháp này mới đủ khả năng để chuyển hóa đời sống.
Trong bài học này đề cập 2 phần, phần đầu đề cập đến tam hữu và phần sau đề cập đến tam học.
Tam hữu ở đây là 3 sức sống, 3 sự khao khát, 3 sự tái tạo và 3 cảnh giới, chúng ta nói dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
Dục hữu nặng về vật chất về sắc, thinh, khí, vị, xúc, cái mình thấy, mình nghe, mình ngửi, mình nếm, xúc chạm.
Sắc hữu, vô sắc hữu, một cái có tánh cách chuyên chú có hạn cuộc, và một cái về tinh thần nhưng thuộc về vô lượng không có giới hạn. Dù vật chất hay tinh thần, dù dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu Đức Phật dạy chúng ta đều có sự khao khát, do có dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu nó bị tác động bởi thủ bởi ái, ái là sự khao khát, thủ là sự bám víu và hữu nó chỉ là một kết quả tất nhiên của thủ.
Chúng tôi lưu ý qúi Phật tử, trong thế giới Phật học những điều này dễ làm chúng ta lầm lẫn: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu không giống như dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu nó rộng lắm.
Chúng ta còn có một thứ khác chỉ một pháp xa hơn đó là, dục ái, hữu ái, phi hữu ái lại khác nữa, khi mình học Phật thì cẩn thận những từ vựng đó tại vì ý nghĩa này trồng lấn qua ý nghĩa kia nhưng thật ra nó rất khác nhau.
Ở đây chúng ta tạm nói như vậy, chúng ta hiện hữu và chúng ta dính mắc vào thế giới của sự hiện hữu đó, để vượt thoát ra khỏi những hiện hữu đó chúng ta phải làm cái gì khác hơn. Giống như mình quen với đời sống nông thôn bây giờ vì lý do dời nhà đi qua nước khác hay phải lên thành phố để sống chúng ta cảm thấy mất mát, thấy mình chới với, cảm thấy mình không có thoải mái. Cái không thoải mái đó tại vì mình đến với cái gì không có thân quen, mình sống ở một nơi mình cảm thấy nó thiếu một cái gì đã từng có. Nhưng kỳ thật, tất cả chỉ là môi trường sống, người ta sống được thì mình sống được, lý do mình cảm thấy khó khăn tại vì chưa quen một khi đã quen rồi thì mình cảm thấy tự tại nhưng mà ở đây không phải tự tại mà mình quen rồi mình sẽ có sự dính mắc. Và sự dính mắc đó là điều kiện để tạo nên sự tái tạo. Và dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu nó là một chi tiết đạo Phật gọi là samsara là luân hồi sanh tử. Mình có dục hữu mình tạo nên những nghiệp của dục giới và tái sanh vào cõi dục giới.
Tức là, nếu có dục hữu thì có nghiệp hữu và sanh hữu ở trong cõi dục. Nếu mình có sắc hữu thì nó tạo ra nghiệp hữu và sanh hữu ở trong cõi sắc. Nếu mình có vô sắc hữu thì nó có nghiệp hữu và sanh hữu ở trong cõi vô sắc.
Tất cả nằm trong trầm luân trong sự luân hồi. Và sự luân hồi là sự lặp đi lặp lại, sự luân hồi là sự quanh quẩn, và ý tưởng vượt thoát điều đó, tương tự như là chúng ta hồi trẻ nhỏ chúng ta lệ thuộc mấy món đồ chơi trẻ em, khi lớn lên trưởng thành thì không tha thiết đồ chơi trẻ em nữa và bắt đầu nghĩ đến chuyện gia đình sự nghiệp, có thể lớn thêm chút xíu nữa thì nghĩ đến chuyện sống cho quê hương, cho dân tộc, cho văn hóa. Và tất cả điều đó nó đều là những tha thiết, nó đều có những đam mê nhưng ở mức cảnh giới nào tâm chúng ta không được thanh thản tâm của chúng ta đòi hỏi là phải nằm trong thứ nhất của điều kiện thì đó tạo ra nhiệt não. Thật ra thì một vị phải từ bỏ cả 3 dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu thì vị đó mới thành tựu được cứu cánh giải thoát là Niết-bàn.
Đây là đề tài rất lớn không đơn giản, lấy ví dụ như thành thị với nông thôn, hay chúng tôi tạm lấy ví dụ như thời còn chơi đồ chơi trẻ em làm thí dụ, nhưng những thí dụ đó chưa đủ để chúng ta nói hết, bởi vì có nhiều khi một người bình thường như chúng ta cảm thấy mình chứng sơ thiền là thấy đủ lắm rồi, hoặc là mình tu tập chứng sơ thiền là mình đã lên tới mây xanh rồi, nhưng giống như những người ở Việt Nam hay ở nơi nào đó mong muốn qua Mỹ, chỉ đặt chân đến Mỹ là vui rồi, nhưng mà không, khi đến Mỹ không có vui như mình nghĩ, có rất nhiều người ở Mỹ họ không có vui được. Như vầy là, chúng ta tạm gọi những cảnh giới của cuộc sống là những phương trời viễn mộng (phương trời viễn mộng là chữ của Ngài Tuệ Sĩ dùng trong bài Tô Đông Pha) chúng ta sống muốn dõi mắt về phương trời xa xăm, đôi khi chúng ta có mơ ước, chúng ta nghĩ nơi đó sẽ đẹp hơn, ở nơi đó sẽ bình yên hơn, ở nơi đó có cái gì hấp dẫn, nhưng kỳ thực cái nhìn phải là cái nhìn quán triệt.
Chúng ta cần đọc cho kỹ câu cuối của bài học:
"Một Tỳ Kheo đã từ bỏ ba hữu, hoàn tất tam học
- ba hữu là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu
- hoàn tất tam học là đã tu học đầy đủ giới tăng thượng, tâm tăng thượng và tuệ tăng thượng.
Thì vị đó là vị cắt đứt ái.
- ái là sự dính mắc
Cắt đứt được ái là tháo gỡ dây kiết sử (dây cột trói) những gì cột trói tháo gỡ hết
Câu này mạch văn ở trong tiếng Phạn rất hay:
sammā mānābhisamayā
antam akāsi dukkhassā" ti.
Nghĩa là do triệt để đoạn tận quá mạn, vị ấy chấm dứt khổ đau.
Đoạn tận quá mạn ở đây là phải đoạn tận triệt để, đoạn tận hoàn toàn.
Chữ triệt để ở đây dịch từ chữ sammā là hoàn toàn là triệt để
Và chữ quá mạn (mānābhisamayā) ở đây chúng ta nên hiểu trong cuộc sống này chúng ta luôn luôn sống với ngã chấp, ở trong ngã chấp này tại sao mình muốn có địa vị như vậy, tại sao mình muốn có học vị như vậy, tại sao mình muốn có cái nhà như vậy, tại sao mình muốn như vậy, thật ra nói một cách khác là nó nằm ở trong sự quá mạn. Có chiếc xe đẹp hơn người khác mình sẽ hãnh diện hơn, mình có bộ đồ đó mình sẽ hãnh diện hơn người khác, mình có địa vị đó mình thấy mình cao hơn người khác.
Mạn ở đây chỉ cho một tâm thái một trạng thái tâm luôn luôn sống có sự so đo có sự tìm một sự tương phản, cái này hay hơn, tôi giỏi hơn, tôi đẹp hơn và do mình cảm thấy mình hơn mình mới hạnh phúc chứ nếu mình cũng tầm thường giữa những tầm thường, bình thường giữa những cái bình thường thì mình không hạnh phúc.
Nhưng Đức Phật Ngài dạy do đoạn tận quá mạn vị ấy đoạn tận khổ đau. Đó là một mệnh đề mà chúng ta thấy hầu hết sự đau khổ của chúng ta là do mạn.
Nói một cách khác mạn ở đây là ngã chấp, đau khổ của chúng ta là do ngã chấp, mình phải thế này, mình phải thế kia, mình là thế này mình là thế kia, mình có cái này, mình có cái kia, nói như lời Đức Phật dạy Tôn Giả Lahula là đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta, thì ba cái đó nó làm cho mình hãnh diện, ba cái đó nó làm cho mình sung sướng nhưng mà cái đó nó mang lại cho mình sự khổ, khi nào mình tận diệt được nó thì mình mới có thể diệt tận nỗi khổ đau.
Chúng ta thấy rằng ba cái là dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu nó đều liên hệ đến mạn, tôi là ai, tôi có những gì, tôi như thế nào, đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta, nó gây không biết bao nhiêu chuyện phiền và mình muốn đoạn tận điều đó không có dễ, muốn đoạn tận cái mạn, muốn đoạn tận khổ đau, muốn đoạn tận mạn mà nói phụ thêm là cắt được ái, tháo gỡ được kiết sử thì mình phải từ bỏ ba hữu tu tập tam học, đó là một tiến trình dài của sự tu tập, đó là một cái nhìn toàn diện của Phật Pháp đối với thế giới này.
Bài kinh rất ngắn nhưng trong đó hàm tàng cả một hành trình tu tập của tất cả chúng ta những người Phật tử, đó là vượt thoát tam giới, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn./.