Thursday, August 30, 2018

Lợi ích của tu thiền tâm từ - TT Giác Đẳng

Thảo luậnLợi ích của tu thiền tâm từ

Câu thảo luận trong ngày 1-8-2018. Kinh Tăng Chi Bộ - Mười Một Pháp - Phẩm Tùy Niệm - Bài (V) (16) 

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đôi khi qúi vị nghe Chư Tăng nhất là Chư Tăng Nam Tông giảng tu tập thiền tâm Từ Bi Hỉ Xả là 4 pháp dẫn đến đắc thiền nhưng không dẫn đến đắc chứng đạo quả giải thoát. Tuy vậy chúng tôi cũng xin thưa một điểm rằng trả lời điều đó là tính cách rất chuyên môn và trực tiếp nhưng trên phương diện tu tập thì tu tâm từ vẫn là một pháp quan trọng dẫn đến giác ngộ giải thoát. 

Trên cơ sở tu tập của một vị Bồ Tát dẫn đến giác ngộ giải thoát dựa trên tâm từ tâm bi là tinh thần ban vui cứu khổ, dựa trên sự cảm nhận đau khổ và hạnh phúc của chúng sanh thì vị này huân tu ba la mật và cuối cùng dẫn đến giác ngộ giải thoát. 

Trong 37 pháp Trợ Bồ Đề không nói đến tâm từ, nhưng trong hành trình tu tập thì tâm từ tâm bi đều bắt buộc cần có. 

Lợi lạc đầu tiên của tâm từ là chúng ta vượt thoát những tư duy về sân, những tư duy về hại, sân và hại nằm trong tà tư duy. Ở trong chánh tư duy, thường một người có được chánh tư duy là do tu tập tâm từ và tâm bi. 

Nói một cách khác, trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta luôn hơn thua, có những thù hận dù sự thù hận đó mạnh trong quan niệm về chủng tộc, hoặc giả những đụng chạm cá nhân trong đời sống hàng ngày ảnh hưởng chúng ta nhiều, nhưng khi đi sâu vào thế giới tu tập hành giả ngồi xuống tu tập thiền mà còn có một tư duy nghĩ đến bực bội khó chịu thù hận chúng sanh nào thì quả là khó tu tập. Thì ở đó tâm từ tâm bi đặc biệt rất đáng quan tâm.

Chúng tôi có được dịp tiếp xúc với một số các Thiền Sư, chúng tôi thấy có một quy luật mà tất cả các vị Thiền Sư mặc dù các vị dạy riêng về Thiền Tứ Niệm Xứ, đó là những người tu tập nên thường tu tập tâm từ để mình nhẹ nhàng. Mình phải nhận một điều là quan hệ xã hội phức tạp ảnh hưởng chúng ta rất nhiều, chúng ta phải có khả năng vận dụng tâm xả tức là mình phải quên đi và mình có thể tha thứ được bởi vì phải nhìn nhận một điều rằng ngoài tâm xả để tha thứ thì mình không có làm gì khác được nhất là tập trung vào sự tu tập. 

Thật ra thì có một lý do chúng ta nên tu tập tâm từ, ở đây, trong 11 lợi ích của việc tu tâm từ đó là sự an lạc thanh thản của nội tâm. Người có quan niệm thù ghét họ không bao giờ có được cái nhìn khách quan tại vì sự thù ghét của họ làm họ bực bội. Đồng thời do không có quan niệm thù ghét bực bội tâm mình được an lành mát mẻ. Ngay cả khi mình ngồi vào nghe pháp như chúng ta đang nghe pháp ở đây nếu ai có tâm đang thù ghét cũng không thể lãnh hội được pháp đừng nói chi đến việc mình ngồi thiền. 

 Chúng tôi có dịp được tiếp xúc với các Ngài Thiền Sư Ngài Mahasi, Ngài Mahathera, Ngài U Silananda, nói chung là các vị đều nhắc nhở chúng ta nên tu tập tâm từ hàng ngày bên cạnh tu tập niệm về hơi thở như các pháp quán khác. Trong khi tu tập thiền thì chỉ cần một chút bực bội khó chịu hay oán thù hay ám ảnh thì mình không thể có an lạc được.

Có ba điều một người tu tập cần lưu ý:

1. Thứ nhất là người tu tập đối với mọi người nên có tâm từ thì dù hoàn cảnh nào tâm cũng an lạc.
2. Thứ hai, người tu tập chú ý niệm hơi thở để nâng cao niệm và định
3. Thứ ba là quán khổ, vô ngã, vô thường, 

Ba nền tảng đó rất quan trọng. Khi mình ngồi xuống tu thiền nếu có những lấn cấn với những người chung quanh thì mình hãy mong cho mọi người được an lạc, và mình áp chặc vào hơi thở của mình để tăng cường khả năng niệm và định, đồng thời mình quán tưởng sanh diệt và quán tưởng vô thường, quán tưởng sự trống rỗng của các pháp khổ, vô thường và vô ngã.

Trong kinh Girimānanda Đức Phật dạy một vị tu tập quán tưởng từ bỏ để giải thoát thì tâm từ bỏ đó ra khỏi dục tư duy, sân tư duy, và hại tư duy. Và từ bỏ sân tư duy và hại tư duy thì tâm nằm trong tâm từ.

Muốn hiểu trạng thái lòng từ thì chúng ta nên hiểu trạng thái của sự thân thiện, sự thân thiện là mình đối xử tốt với mọi người nhưng không để mình dính mắc như sự dính mắc ái dục giữa nam và nữ, được như vậy rất là qúi rất an lạc

Chúng tôi lấy một ví dụ, có một người mà mình rất có thiện cảm rất qúi người đó, do mình qúi người đó mình muốn người đó có chỗ ngồi tốt, có một ly nước, có một cảm giác rất dễ chịu khi có mặt ở trong nhà chúng ta, thì tâm thân thiện tương đương với tâm từ, nó chỉ khác một điều là mình làm thế nào đó không đi xa hơn. Trạng thái tâm tử tế thân thiện thường là chúng ta đặc biệt dành cho người mình có thiện cảm, chỉ dành cho người đó thôi những người không thiện cảm thì mình không có thân thiện không có tâm trạng đối xử như vậy, nhưng khả năng hiển lộ tâm từ ra bên ngoài là sự quan tâm của chúng ta đối với những người khác vừa phải thôi, vừa phải nghĩa là mình không phải là làm nô lệ cho người khác. Cái khổ của chúng ta trong cuộc sống mình thương ai thì mình rất thương, mà ghét bỏ ai thì rất ghét thậm tệ, nhưng ở đây tâm từ là một trạng thái mong cho mọi người được an lạc không có nghĩa là mình thương nhưng ít nhất tâm của chúng ta là tâm thân thiện, mình không để cho bị chi phối bởi cái chúng ta gọi là hận thù. Thì sự thân thiện trạng thái gần nhất của tâm từ là chúng ta thân thiện với người mình có cảm tình, thân thiện với người mình không có cảm tình, thân thiện với bậc cao nhân, với các chúng hữu hình và vô hình.

 Chúng tôi nhớ mấy năm về trước, có lần chúng tôi đang ngồi với HT Hộ Giác thì có một người cách đó chừng 5 sáu tháng họ ra một cuốn nói về Ngài Hộ Giác rất nặng, nhưng về sau này không biết vì lý do gì đó người này bị sa cơ và đã đến gặp Ngài thì khi vị đó đến chùa điều đầu tiên chúng tôi thấy là Ngài pha trà ngon mời vị đó uống và Ngài ngồi lắng nghe rồi Ngài có vài lời khuyên thì vị đó rất cảm kích, khi người đó đi rồi, chúng tôi thưa: 

- "Con thấy Ngài làm một điều mà nếu là một người họ có những oan trái với mình mà mình nói chuyện thì đã đủ tử tế lắm còn ở đây Ngài có thể ngồi lắng nghe và pha tách trà rất ngon mời uống

 Ngài cười, Ngài nói với chúng tôi:

- "Đôi khi mình tử tế bằng tâm từ với người khác không vì người đó mà vì để tâm mình được an lạc"

Chúng tôi nghĩ bài học đó là bài học rất lớn, mình tử tế với những người hận thù, mình tử tế với những người ghét bỏ mình như vậy việc đầu tiên là để tâm mình được an lạc hơn là mình ngồi đó nghe tới nghe lui những chuyện phiền não để rồi mình oan trái với họ để tâm mình bị phiền não.

Thì ở đây chúng ta đọc lại trong 11 lợi ích của lòng từ được tu tập sung mãn, những lợi ích đó đều là chất lượng của an lạc của giải thoát trong đời sống. Và nếu chúng ta chịu nghe lời Đức Phật dạy nó đến từ trong thái độ sống hàng ngày và chúng ta ghi nhận một điều rằng mình trốn tất cả mọi người để vào rừng sâu sống một mình và ngay cả mình vào rừng sâu sống một mình thì mình cũng tiếp xúc với chúng sanh này chúng sanh khác. Thậm trí là ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta dù chúng ta liên đới với chúng sanh khác và trong sự liên đới đó nó chỉ có một điều làm chúng ta an lạc là do tâm từ. Tâm từ là một sự thân thiện, mình nuôi dưỡng tâm từ thì tâm được an lạc rất nhiều./.

No comments:

Post a Comment