Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.5
Bốn tu tập thiền định
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5 tháng 3, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Trong tiếng Phạn, cũng như trong thuật ngữ Phật học tiếng Việt, chúng ta cần phân biệt rõ chữ định.
Định là nhất tâm, hay tập trú vào cái gì đó, là sự tập trung. Và định được xem như là một chi trong năm chi thiền. Nhưng, định còn nói đến một ý nghĩa khác đó là, sự tu luyện tâm bằng sự phát triển định lực.
Người Trung Hoa không dịch chữ Samādhi là định, thường họ âm thành chữ tam muội.
Chữ tam muội ở đây được hiểu là định, nhưng đạt đến mức độ cao có năng lực gọi là định lực.
Khi đề cập đến samādhibhāvanā là tu tập định, thường bao gồm cả hai:
- Thiền chỉ (Samatha), và Thiền quán (Vipassana).
- Hay chúng ta nói định và niệm.
Định là, khả năng an chỉ, trụ tâm, không để tâm chạy theo cái này cái kia, để tâm an trụ vào một cảnh. Ví dụ, ánh sáng mặt trời do kính hội tụ gom vào một chỗ, tạo ra ánh sáng, tạo ra sức nóng, tạo ra lửa có thể làm cháy được, đó là định.
Niệm là, một sự sắc sảo, sắc bén, biết rõ, biết một cách tỉnh táo.
Một lúc mình lo nhiều chuyện quá, do lo nhiều chuyện, không có chuyện nào thật sự tập trung, gọi là tản tâm, hay tán tâm, hay phân tâm. Sự phân tâm khiến chúng ta không thể đào sâu vào chuyện gì. Đó là, hiểu bình thường nhất, hiểu thường thức nhất, chúng ta nói thế giới của định, và không có định.
Còn niệm là sự tỉnh táo, ví dụ, làm việc gì đó, trong công việc đó, mình biết rất rõ từng li, từng tí, từng cử chỉ một, và mình để hết tâm ý vào trong đó.
Niệm và định là hai lãnh vực của sự tu tập nội tại, của tam muội định.
Chữ tam muội định là, âm của chữ Samādhi, ở đây, được hiểu là, định, đạt đến mức độ cao có năng lực gọi là định lực.
Trong bài học này, Tôn Giả Xá Lợi Phất nhắc lại một đoạn kinh trong Tương Ưng kinh, có đoạn về bốn mục đích của tam muội định. Với bốn mục đích này, chúng ta có thể thấy được, nhận rõ được những thành quả cụ thể của thiền định.
1 - Mục đích đầu tiên của định là được sống hiện tại lạc trú, ở cả hai phương diện, phương diện thân và phương diện tâm.
- Căn bản là, thân năm uẩn của chúng ta luôn luôn có phiền lụy, nào là, bệnh tật, đau nhức, mệt mỏi, uể oải, và nó có những nhu cầu đòi hỏi, như là, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, đó là cái khó chịu của thân mà chúng ta phải giải quyết.
- Và tâm của chúng ta, nếu không có tu tập, nó nằm trong căn bản của các thị dục, như là, sắc, thinh, khí, vị, xúc. Bởi vì tâm sống trong thị dục, chúng ta luôn luôn bị năm trạng thái khiến không được an lạc, đó là, dục tham, sân hận, hôn thùy, trạo hối, hoài nghi. Nói theo ngôn ngữ thường thức, đó là, sự ham muốn, sự ghét bỏ, sự mệt mỏi, sự giao động, và sự phân vân. Năm trạng thái này, nếu đi sâu vào thiền định thấy rất rõ nó là những ngăn ngại, nó thuộc về một phần của một người sống trong cảnh dục, như chúng ta lái một chiếc xe cũ, vì cũ nên có nhiều vấn đề, như là, xe chạy hao xăng, dễ hư, bể máy, bị chảy nhớt v.v...
Tương tự như vậy, thân và tâm của chúng ta ở trong cảnh dục không được an lạc. Cho đến khi nào nó vượt ra khỏi lãnh vực đó, đạt được các tầng thiền có, tầm, tứ, hỉ, lạc, định. Thì, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, khắc chế năm triền cái, lúc bấy giờ một vị như vậy gọi là đạt được hiện tại lạc trú. Về điểm này, chúng ta có thể lấy một ví dụ, trong đời sống hàng ngày là, mình sống còn có đi làm, thì mình còn có tiền, còn có thị phi, còn phải ràng buột vào thì giờ, cho đến khi nào mình không phải đi làm nữa mà mình vẫn có thể có tiền, có thể tự sống được, và có thể sống trong sự sắp đặt cuộc sống của mình về ngày giờ, thì tự nhiên mình có sự an lạc khác, chúng tôi tạm thí dụ thôi.
Hạnh phúc mình có như là, có nhà, có xe, có bạn bè, nói chung là, hạnh phúc của sắc, thinh, khí, vị, xúc v.v.... Hạnh phúc đó cho dù đạt đến mức độ tối đa, như là, chỗ ăn ở được, tế nhị, cao sang, đầy đủ, như làm vua chẳng hạn, thì nó vẫn luôn luôn có sự hệ lụy là, chúng ta bị xâu xé giữa cái thích, và cái không thích, giữa sự mệt mỏi và giao động, và sự lưỡng lự. Bởi vì, mình không biết chọn cái nào. Thì khi một vị tu tập thiền định, với năm chi thiền, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, thì vị đó cho phép mình an trú trong một cảnh giới an lạc hơn, ngay ở trong kiếp sống này, khi mặc dầu mang thân làm người.
Có một lần Tôn Giả Asaji, là một trong năm anh em Kiều Trần Như, là vị, đã khai tâm cho Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Asaji chứng quả Thánh Alahan bằng tuệ, Ngài không chứng đắc thiền. Khi Ngài bịnh nặng Đức Phật đến Ngài có gợi ý hỏi:
- Này Assaji, Ông có điều gì phân vân và cảm thấy hối tiếc gì không?
- Bạch Thế Tôn, con có nhiều phân vân, có nhiều hối tiếc! Sau khi cố gắng làm cho lắng xuống cơn bịnh, con sống với thân hành, do vậy con không chứng được Thiền định.
Tôn Giả Asaji, dầu là vị Alahan cũng thấy tiếc rằng mình đã không có tu tập thiền định, tức là thiền chứng, bởi vì thiền chứng sẽ được hiện tại lạc trú và có khả năng khắc chế thân bịnh. Khắc chế tức là an trú vào trong đó nhẹ nhàng khinh khoái. Lúc bấy giờ Đức Phật Ngài đã dạy Tôn Giả Asaji nhìn mà không tướng, dĩ nhiên, là vị Alahan, thì đối với không tướng, Ngài dễ dàng thể nhập vào, nhờ vậy Tôn Giả được dễ chịu.
Thì ở đây, một ý nghĩa rõ ràng của hiện tại lạc trú là, tự thân mình là suối nguồn hạnh phúc, tự tâm mình là suối nguồn an lạc, không cần vay mượn hạnh phúc bên ngoài. Đời sống chúng ta khi cần có, sắc, thinh, khí, vị, xúc, giống như mình đi vay mượn người ta vậy. Khi không có, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, mình cảm thấy thiếu thốn. Do vậy đời sống ngoại giới là, đời sống với một thứ hạnh phúc vay mượn. Thí dụ, khi mới vào trong trường thiền, tự nhiên mình rời khỏi thế giới của, ăn, uống, vui chơi, đi vào trong đó chỉ một thiền thất giản dị, không điện, không nước, trống vắng, mình cảm thấy buồn, cảm thấy trống trải, mất nhiều ngày để chúng ta có thể làm quen, có thể thích nghi được, bởi vì đơn giản là, thế giới hàng ngày của chúng ta là thế giới của vay mượn, chúng ta vay mượn từ ngoại cảnh. Như mình muốn ăn ngon, đâu phải mình ngồi đó tự nhiên sáng chiều có đồ ăn ngon, mình phải nấu, mình phải mua, mình phải làm thế nào tạo ra có đồ ăn ngon. Do vậy, ngũ dục là một thứ hạnh phúc vay mượn. Còn hạnh phúc của một người có thiền chứng có, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, là tự tâm có thể an lạc được. Do đó, chữ gọi là, hiện tại lạc trú, là mục đích đầu tiên của tam muội định.
2 - Mục đích thứ hai, mục đích này hơi khó hiểu một chút, bởi vì nó vượt ngoài cảnh giới chúng ta. Thí dụ, trong đời sống hàng ngày gọi là biến mãn không có hạn cuộc.
Biến mãn không hạn cuộc là, chúng ta thấy đất là đất, nước là nước, thấy cái nào ra cái đó, do vậy tất cả những thứ đó nó thành ngại tướng của chúng ta. Ngại tướng là, nó ngăn ngại chúng ta.
Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài nói: "Với một người có định lực, thì một đống củi khô có thể biến thành đại địa." Tức là, họ xử dụng tâm lực, họ thấy một đống củi khô biến thành đại địa. Ở đây, chúng ta gọi là một trạng thái biến mãn.
Trạng thái biến mãn này rất khó hiểu. Chúng tôi tạm lấy ba thí dụ để chúng ta hiểu rõ về chữ biến mãn.
Ví dụ, có câu nói là, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Ở đây, người có tâm buồn nhìn cả thế giới buồn, tại vì mình buồn cả thế giới buồn, mặc dầu mình buồn chuyện này, không nhất thiết chuyện kia nó buồn, nhưng khi mình buồn, mình nhìn thấy trời cũng buồn, thấy hoa cũng buồn, thấy lá cũng buồn, thấy mưa cũng buồn.
Và, còn có trường hợp khác, người ta nói ngược lại, người ta nói: "Ngày sẽ đẹp, ngày vui như nắng mới, đêm mưa bay, đêm diễm ảo vô cùng, ta hạnh phúc trong mọi vùng khí hậu, bởi người vui muôn vật hãy vui chung". Tức là, khi mình vui, cái vui nhuộm cả thế giới này. Một người làm văn hóa, họ nhìn cả thế giới này là văn hóa, họ thấy gì cũng văn hóa. Một người làm chính trị họ thấy cả thế giới này cái gì cũng nhuộm màu chính trị. Cái đó chúng ta gọi là sự biến mãn, sự biến mãn đó không nhất thiết là hiện tại đối với chúng ta, nó chỉ là một cái nhìn chủ quan, chúng tôi tạm gọi là cái nhìn chủ quan.
Trong một trường hợp duy nhất của thiền định, sự chủ quan đó gọi là biến mãn là, một hành giả niệm đề mục màu xanh, vị đó có thể nhìn cả thế giới này màu xanh. Một hành giả niệm đề mục hư không, vị đó có thể nhìn thấy cả thế giới này là hư không. Nhưng, trong cả thế giới hư không, họ có thể bước qua bức tường được. Một hành giả niệm đề mục lửa thì hóa ra lửa. Đối với hành giả, hạn cuộc của đêm, của ngày, của thực, của giả, không còn nữa, mà do sự biến hiện của tâm thức, sự biến mãn, cái này hơi khó hiểu.
Tại sao hành giả làm được chuyện đó, khi mình tu tập đến một mức độ nào đó, mình hiểu sự chủ quan của tâm, nếu nó diệu dụng, nếu nó khéo ấn dụng của thiền định, nó có thể bao phủ, có thể biến mãn, có thể trùm khắp.
Có một vị đệ tử Phật, xuất gia rồi hoàn tục, sau đó xuất gia nữa và chứng thiền, sau đó vì ra đời rồi phạm tội bị bắt, ở trong lúc bị bắt, bị còng, vị này thấy một hình ảnh gợi nhắc lại đề mục thiền định, và với đề mục thiền định, vị đó chứng thiền, và bay lên hư không, tại vì vị này vượt thoát ra khỏi điều đó.
Một người sắp chết, người này đã từng dâng y đến Chư Tăng, trong lúc hấp hối người này thấy lửa địa ngục, nhìn thấy màu lửa vàng người này nhớ màu y.
Hoặc giả, một vị tỳ kheo niệm đề mục về xương, khi có một thiếu nữ đi ngang, người thiếu nữ này cười, một lát sau người chồng của người nữ đó đi tìm, hỏi ngài có thấy người đàn bà đi ngang qua không, Ngài trả lời là, Ngài chỉ thấy bộ xương v.v...
Điều này khó hiểu đối với chúng ta, nhưng thật ra nó rất đơn giản. Một khi mình tập trú vào điều gì đó thì nó chỉ là như vậy thôi. Chúng tôi lấy một ví dụ là, kỳ rồi Chư Tăng đi qua thành phố Luang Prabang, thành phố là cố đô của Lào, nổi tiếng với nhiều ngôi chùa và tu viện Phật Giáo, chúng tôi biết Chư Tăng có nhiều vị cũng có mặt ở tại đó, nhưng mỗi vị có cái nhìn khác nhau, thí dụ, TT Tuệ Siêu băng khoăn về vấn đề Chư Tăng học thế nào, Chư Tăng tu thế nào, Phật giáo tồn tại thế nào, tại vì đó là cảnh giới của TT Tuệ Siêu. Vị khác đi qua bên đó nhìn thấy được nghệ thuật đẹp, tại vì vị đó băng khoăn về nghệ thuật. Khi chúng ta nhìn sự việc trên một góc nhìn nào đó mà thật sự có đủ tinh tế, đủ định lực, đủ bén nhạy, thì cái nhìn chủ quan có thể biến mãn là bao phủ cả việc đó.
Như chúng tôi ví dụ hồi nãy, nếu một người vui thì, "ngày sẽ đẹp, vui như nắng mới, đêm mưa bay, đêm diễm ảo vô cùng, ta hạnh phúc trong mỗi vùng khí hậu, bởi người vui muôn vật hãy vui chung", dầu là trời mưa trời nắng gì mình cũng vui được, nhưng một người đã buồn rồi thì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".
Đó là một trạng thái biến mãn ở mức độ thường thức, mức độ chủ quan nhất, trong đời sống của mình. Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài nhìn một đống củi khô, Ngài nói với Chư Tăng rằng: "đống củi khô này qua năng lực của tam muội định thì có thể biến thành đại địa". Thật ra câu nói đó không phải dễ hiểu, phải là người tu tập mới có thể hiểu được chuyện đó, phải hiểu được chuyện đó mới thấy được khả năng biến mãn đó. Thành ra ở đây Ngài nói rằng:
- Này các Hiền giả, ở đây, vị Tỷ-kheo, tác ý quang minh tưởng, an trú tưởng ban ngày, ban ngày thế nào ban đêm như vậy, ban đêm thế nào ban ngày như vậy.
Sự biến mãn, khi vị này thể nhập vào đề mục ánh sáng, ở đây, dùng chữ quang tưởng, hay màu sắc ánh sáng, thì ngày và đêm, không còn là vấn đề nữa, tại vì, ngày và đêm trở thành một sự biến mãn của tâm, nó không lệ thuộc vào ngoại cảnh nữa, nên ngày và đêm giống nhau, như vậy tâm mở rộng không có đóng kín, tạo ra một tâm có hào quang. Thật ra, hào quang ở đây chúng ta nói là ánh sáng.
3 - Mục đích thứ ba, tu tập thiền định dẫn đến chánh niệm và tỉnh giác. Chánh niệm, tỉnh giác, ở đây, Ngài nói đến ba phương diện, và ba phương diện này chúng ta rất khó theo dõi được, bởi vì, bản thân của chúng ta là, ở thế bị động, do bị động mình không có nắm rõ, người ta không biết rõ đến như thế nào, đời sống chúng ta là, trời đẹp mình vui, trời mưa mình buồn, người ta khen mình nở mũi, người ta chê mình cảm thấy mình xuống tinh thần.
Đời sống mình luôn luôn bị động như vậy, nhưng với một vị có chánh niệm, tỉnh thức, tỉnh giác, vị đó hiểu tâm mình qua ba phương diện gọi là, thọ, tưởng, và tầm.
Thọ tức là, tâm cảm thọ trực tiếp, cảm thọ từ ấn tượng trực tiếp, cảnh tốt, cảnh xấu, tạo cho chúng ta, khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, vị đó biết rõ. Ví dụ là, mình tu tập thiền quán, hay lúc tu tập thiền quán, mình thấy được chân mình bị đau nhức, mình biết là đau nhức, nhưng, lúc dễ chịu mình phải biết nó dễ chịu, thoải mái mình biết thoải mái, không thoải mái mình biết không thoải mái, phấn khởi mình biết là phấn khởi, buồn nản mình biết là buồn nản, điều đó chúng ta gọi là khả năng ghi nhận cảm thọ.
Tưởng - saññā là, những gì vừa xảy ra, khi tâm mình chợt lo lắng, hay chợt buồn, mình biết tâm buồn, tâm lo. Dĩ nhiên, khi mình biết cái đó nó đã xảy ra rồi, nó vừa xảy ra, chúng ta nói theo động từ quá khứ, đã hoàn thành, hay là, quá khứ tiếp diễn, cái gì vừa xảy ra, cái gì vừa xảy ra nó vẫn còn lưu lại ấn tượng, và hành giả biết rõ điều đó gọi là, tưởng - saññā
Chữ tầm - Vitakka, có nghĩa là, sự hướng tâm. Ví dụ, đang tu thiền, tự nhiên, mình nghĩ làm sao để cất cái thiền viện trong tương lai như thế này, hay là, đang tu thiền, mình móng tâm sẽ gặp vị thiền sư để đặt câu hỏi này, câu hỏi kia, hay đang hành thiền, mình nghĩ đến chuyện chừng nào mình rời trường thiền, mình rời trường thiền mình sẽ làm cái này, làm cái kia v.v... đó gọi là sự suy nghĩ, sự hướng tâm.
Thì ba trạng thái gọi là, thọ, tưởng, và tầm, nếu mình biết rõ thì cái biết đó gọi là tỉnh giác. Điều này hơi khó hiểu đối với chúng ta một chút, nếu chúng ta không quen với thiền Tứ Niệm Xứ. Có nghĩa là, chúng ta chỉ có một thứ tâm mà thôi, mỗi lần chúng ta có một thứ tâm. Ví dụ, chuyện mình ghi nhận nó không hẳn là cái gì đang xảy ra, khi mình ghi nhận, mình ghi nhận bằng chánh niệm cái gì đó vừa xảy ra, thì cái vừa xảy ra nhưng nó còn để lại ấn tượng, cái tưởng, cái saññā trong mình, mình thấy, mình ghi nhận, mình biết rõ điểm đó.
Ngay cả một hành giả đang đi kinh hành, hành giả muốn đứng lại, hay, muốn quay qua, thì cái muốn đó cũng được tính là Vitakka là tầm, tức là sự suy tính.
Và khi hành giả đang đi kinh hành, nghe tiếng chim kêu chẳng hạn, sau đó, tiếng chim kêu đó không còn nữa, nhưng hành giả vẫn ghi nhận là có âm thanh và có nghe, đó là, nhĩ thức và âm thanh. Điều đó cũng là một phần của saññā.
4 - Mục đích thứ tư. Sau phần tỉnh giác là mục đích của thiền định, đó là, đoạn tận các lậu hoặc, đây là một cái gì rất lớn đối với hành giả. Căn bản của đoạn tận các lậu hoặc là, xoá tan sở chấp đối với năm thủ uẩn. Năm thủ uẩn đó là, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thủ uẩn này muốn thấy nó hành giả phải có một cách nắm bắt, gọi là sanh và diệt. Ví dụ, cảm thọ sanh cảm thọ diệt. Ban đầu, chúng ta hay chạy theo cảm thọ, và dựa trên cảm thọ chúng ta phản ứng, chúng ta đổ lỗi. Hay là, chúng ta có niềm tin thế này, quan niệm thế kia về cảm thọ. nhưng một khi những cảm thọ đến, đi, sanh diệt, như là, vui, buồn, không vui, không buồn, và chúng ta thường ghi nhận, thì chúng ta chợt nhận ra rằng nó rất phi cá nhân, rất là vô ngã.
Tại vì bản chất nó như vậy, nó không thể nào vui hoài, nó không thể nào buồn hoài, nó không thể nào bình thản hoài, mình muốn nó vui hoài cũng không được, mình muốn nó buồn hoài cũng không được, mình muốn nó bình thản hoài cũng không được, tại vì cảm thọ có tất cả những thứ đó. Thành ra, khi ban đầu mình chỉ ghi nhận cảm thọ sanh rồi cảm thọ diệt, rồi mình cũng có một chút vui, một chút buồn là do ông A, do bà B làm cho mình buồn, hay do hôm nay mình khỏe hay không khỏe.
Nhưng lâu ngày mình thấy cảm thọ có tự tánh sanh diệt, thân mình cũng vậy, thọ cũng vậy, tưởng uẩn cũng vậy, hành uẩn cũng vậy, thức uẩn cũng vậy. Đọc kinh Vô Ngã Tướng, hành giả thấy rõ là do mình quán xét năm uẩn, đặc biệt là quán xét tánh sanh diệt của nó lâu ngày hành giả hiểu cái gọi là "tôi" là "ta" là sự kết hợp của năm uẩn, và năm uẩn này có tự tánh riêng của nó, mặc dầu mình nghĩ, sắc uẩn phải như thế này, đừng như thế kia, thọ uẩn phải như thế này, đừng như thế kia. Nhưng thật ra, khả năng chúng ta làm chủ không có, đơn giản là, nếu thân sắc uẩn mình làm chủ nó được thì mình bảo nó đừng già, mình bảo nó đừng lão hoá, mình bảo nó đừng có bệnh, bảo đừng chết, nhưng đâu có bảo được. Thân mình mình không có chủ quyền như thế nào thì, thọ, tưởng, hành, thức, gìống hệt như vậy. Cho đến lúc đó hành giả có một thái độ tương đối thản nhiên đối với năm uẩn này, nó không có chuyện gì mình phải ồn ào, phải lớn chuyện, phải phản ứng như vậy, và khi hành giả thấy được rõ năm uẩn với tánh sanh diệt với tự tánh như vậy, với ba hiện tướng là, luôn luôn biến đổi gọi là vô thường, và nó không thể làm mình thỏa mãn hoàn toàn gọi là khổ, và mình không có chủ quyền đối với nó là vô ngã, thì hành giả đoạn tận được các lậu hoặc.
Cả bốn mục đích này của tam muội định đều dựa trên tính chuyên trì. Như trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài nói rằng: "có thiền định thì trí tuệ phát sanh, không thiền định thì trí tuệ diệt", thiền định đó là tam muội định. Một sự hiểu do nghe từ tai này đi qua tai khác, một sự hiểu biết của chúng ta dựa trên suy luận, đó là một chuyện khác, nhưng một khi mình đã thật sự, sống bền, sống liên tục, bền bỉ, sống bằng định lực, với những điều này sẽ dẫn đến những thành tựu mà chúng ta không lừa được.
Thì ở đây, chúng tôi muốn nói trong pháp tu của Đạo Phật về giới định tuệ chúng ta có cả ba pháp là, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Một cách tu tập đúng của Chánh Tinh Tấn đó là, nỗ lực liên tục. Nỗ lực liên tục là lúc nào cũng nỗ lực, dù, trời nắng, trời mưa, không có bỏ dở nửa chừng, điều này tạo cho chúng ta tăng trưởng định, và định làm tăng trưởng niệm. Và khi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định kết hợp lại nó dẫn hành giả đạt đến cả bốn mục đích chúng ta thấy tại đây.
Thật sự, thiền định của ngoại đạo chỉ chú trọng đến hai điều đó là, khả năng đạt thiền chứng và biến mãn, tức là, khả năng định lực để biến mãn. Nhưng hai phần sau, chỉ riêng Phật Giáo mới nói đến chánh niệm tỉnh giác, và đoạn tận lậu hoặc.
Chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là không phải chỉ có tu tập, mà hành giả phải có đủ khả năng tỉnh táo đối với thọ, đối với tưởng, đối với tầm.
Và nói đến đoạn tận lậu hoặc là hành giả thấy được tánh sanh và diệt của năm uẩn.
Thì hai pháp sau là hai mục đích rất quan trọng ở trong thiền định Phật Giáo.
Về ngoại giáo, chúng tôi nói ngoại giáo là, Ấn Độ, thật ra ngày xưa người Ấn Độ họ có trình độ tu tập rất cao, dĩ nhiên, không phải tất cả người Ấn Độ đạt đến trình độ cao đó, Đức Phật Ngài cho biết có nhiều vị ẩn sĩ, nhiều vị đạo sĩ đã chứng thiền, chứng thần thông.
Thì chứng thiền, chứng thần thông, thiền chứng là, chúng ta nói đến hiện tại lạc trú, thần thông là chúng ta nói đến đạt đến biến mãn.
Phải đến khi bậc Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, Ngài đặc biệt nói đến Chánh Niệm, Tỉnh Thức, tức là, khả năng biết rõ nội tâm qua ba phương diện là, thọ, tưởng và tầm, và đoạn tận phiền não, chặt đứt các kiết sử là do thấy rõ sanh diệt, thấy rõ ba hiện tướng: vô thường, khổ, vô ngã, và đoạn tận được chấp thủ đối với năm uẩn mà chúng ta gọi là cắt đứt các kiết sử ./.