Thursday, March 5, 2020

Bốn hệ phược - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.32

xxxiv) Bốn hệ phược


xxxiv) Bốn hệ phược: Tham thân hệ, sân thân hệ, giới cấm thủ thân hệ, thử thực chấp thân hệ (cattāro ganthā — abhijjhā kāyagantho, byāpādo kāyagantho, sīlabbataparāmāso kāyagantho, idaṃsaccābhiniveso kāyagantho).

Hệ phược -gandha- là sự trói buộc hay đóng khung của bản thân khiến cái nhìn và cuộc sống trở nên phiến diện, hạn hẹp.

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 1 tháng 4, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Một đặc điểm của Phật Pháp đó là, qua những gì kinh sách  nhấn mạnh thì chúng ta có một cơ hội lớn để nhìn nhiều vấn đề của đời sống do chính ở thân tâm của mình. Nói một cách khác, Phật Pháp giúp chúng ta đi tìm căn nguyên của đau khổ đến từ những phiền não nội tại hơn là, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội, cho ngoại giới.
 
Bài học ngày hôm nay là một ví dụ rất đặc biệt, con người của chúng ta sống ở trong thế giới hạn hẹp tù túng bị trói buộc, đôi lúc, chúng ta được nghe nói đến chữ tự do, hay là, khao khát tự do, chúng ta thường nghĩ rằng, tự do là cái gì đó được nhìn nhận, được ban bố bởi xã hội, bởi một chính thể cầm quyền. 

Nói nhiều về điều này, nhấn mạnh về điều này, khiến chúng ta thường quên hẳn đi rằng, sự tự do không phải là một tặng vật xã hội cho chúng ta, hay là, nhà cầm quyền cho phép chúng ta. Nếu chúng ta sống ở những quốc gia có luật pháp bảo vệ sự tự do của con người, chúng ta vẫn thấy có vô số trường hợp con người tự đóng khung, tự giam cầm mình, trong một thế giới nhỏ bé, nhỏ bé đến đỗi chúng ta khó có thể tưởng tượng được, làm sao có thể sống ở trong thế giới chật hẹp như vậy.

Tham thân hệ

Chúng tôi nhớ có lần được xem một bức hình ở VN, cũng lâu rồi, không biết bây giờ còn không, tấm hình chụp một người dùng một chiếc xe gắn máy chở một con heo lớn, để con heo đó không có vùng vẫy người ta dùng những sợi giây chì, loại giây kim loại, cột nó lại giống như cái rọ khiến cho con heo không nhúc nhích được, và họ chở phía sau xe gắng máy. Nhìn cách người ta cột thì chúng ta có thể liên tưởng đến chữ "phược".  Người ta cột không phải chỉ  trói chân hay cột thường mà họ cột như một cái lồng bó sát thân con heo, và con vật hoàn toàn không nhúc nhích gì được, đúng là vô kế khả thi. 
Nhìn một con vật bị cột trói như vậy, chúng ta có thể liên tưởng đến một hình ảnh Đức Phật Ngài dạy chữ "thân phược". Thân phược là, cột trói bản thân của mình. Sự cột trói này siết chặt bởi sợ giây vô hình, thường, chúng ta là người trong cuộc, chúng ta tự nghiệt ngã, tự cột trói chính mình, nhưng, chúng ta lại không hay biết về điều đó. Chỉ khi nào chúng ta bừng tỉnh, hoặc giả, chuyện đã qua lâu rồi bây giờ mình mới nhìn lại và thấy lúc đó quả thật là một chuỗi ngày đau khổ mà chúng ta đã không biết.

Trong truyện Kiều, có rất nhiều trường hợp cụ Nguyễn Du đã viết lên tâm sự của Thúy Kiều ở vị thế bất hạnh, bất hạnh đến đỗi Thúy Kiều có cảm tưởng cuộc sống bị cột trói, vừa tháo ra lại bị cột lại, cụ viết câu: "Chém cha cái số hoa đào, gỡ ra, rồi lại cột vào như chơi". Đó là thân phận của nàng Kiều, thân phận của một người con gái trên bước đường lưu lạc, nhiều lúc tưởng mình sắp được tự do, nhưng sự đưa đẩy của hoàn cảnh lại khiến cho mình đánh mất đi chính mình và, mình nằm ở trong vòng cương tỏa, sự kềm kẹp, sự cột trói của người khác. 

Chúng ta nói về nàng Kiều là vậy, nhưng, quả thực qua cái nhìn của Phật học, đời sống của chúng ta có những thứ cột trói ở những hoàn cảnh nghiệt ngã và, nó không phải đến từ người khác mà đến từ bản thân của mình. Điều này, khi chúng ta tu tập, chúng ta sẽ thấy rất rõ, mình quá thích cái gì đó thì, mới xem đó là một điều hạnh phúc, mình quá thích cái gì đó, mới xem đó là một ý lực rất mạnh mẽ. Nhưng, trong một cái nhìn khác thì, mình quá thích cái gì đó thì đó là, sự cột vào.

TT Tuệ Siêu, trong phần dẫn nhập có nhắc đến hình ảnh Trương Chi và Mỵ Nương. Mỵ Nương, một người sống trong lồng son khuê các, chợt nghe tiếng sáo của Trương Chi. 

Chúng tôi không biết tâm sự của một tiểu thư đài các khi nghe tiếng sáo như thế nào. Nhưng, chúng tôi đã từng nghe, không phải một chuyện mà nhiều chuyện, đó là, ngày xưa ở vùng miền quê  nước ta ít khi có văn nghệ, lâu lâu có đoàn hát văn nghệ về trình diễn, ở trong đoàn hát có những vai chánh như  đào thương, như kép độc, hay kép mùi. Thì những vị đào kép đó, đặc biệt là, những kép tức là những nghệ sĩ nam có sức thu hút rất mạnh, mạnh đến đỗi sau một tuồng hát, có những cô gái ở trong làng vốn sống cuộc sống bình dị, vì thương quá thương nên bỏ cha bỏ mẹ đi theo những anh kép hát này sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ, trong tình yêu của một người con gái mới lớn, đặc biệt là mê ca hát, mê kép hát thì gần như bỏ tất cả tương lai của mình. Những trường hợp đó chúng ta nghe bây giờ rất nhiều.

 Thì Mỵ Nương cũng vậy, sống ở trong khuê các, khi nghe được tiếng sáo đem lòng tương tư. Sự tương tư đó làm cho cả bầu trời nhuộm màu, mơ ước được gặp người đã thổi lên tiếng sáo đầy chất mê hoặc đó. Người thổi sáo đó là Trương Chi được đưa đến gặp Mỵ Nương và, lúc bấy giờ Trương Chi từ một nghệ sĩ sống cuộc sống sông hồ có một đời sống mình là của mình, tự mình thưởng thức tiếng sáo của mình, bây giờ lại đem lòng tương tư Mỵ Nương. 

Câu chuyện TT Tuệ Siêu nhắc về Trương Chi Mỵ Nương là một ví dụ rất dễ dàng để cho chúng ta thấy thế nào là tham chấp thân phược. Khi mình quá thích cái gì, đặc biệt là, chúng ta sống trong một thế giới người ta tạo nên những ảo giác về nhãn hiệu-brand name, thí dụ, có những người yêu thích một món hàng, một sản phẩm của hiệu gì đó, bất cứ cái gì họ sài, bất cứ thứ gì họ xử dụng phải là hiệu đó họ mới thấy sống được hạnh phúc.

 Chúng tôi nhớ nhiều năm về trước, một tờ báo đăng tin, có một bạn trẻ ở Trung quốc thích cái ipad của Apple, không có tiền để mua mà lại quá thích, người này phải bán một bên thận của mình để có tiền mua ipad, bây giờ thì trở thành một phế nhân. Khi mình quá thích cái gì đó thì, cái thích đó nó không còn là niềm hạnh phúc, cái thích đó nó trở thành sự cột trói, cái thích đó nó khiến cho chúng ta không còn có cái nhìn toàn diện, không có cái nhìn thanh thản được. Nghiện ngập là một thí dụ, với một người nghiện cần sa ma túy thì, chỉ có cần sa ma túy mới làm cho họ hạnh phúc thật sự, không có thì không được. Người nghiện rượu cũng vậy, tất cả sự nghiện ngập, tất cả cái ghiền chúng ta cứ nghĩ là hạnh phúc, nhưng, thật sự nó không phải là hạnh phúc, nó là một sự cột trói khi mình quá thích cái gì. 

Sân thân hệ

Chúng tôi nhớ, một lần ngồi nghe Ngài Ajahn Amaro, một vị sư người Anh nói rằng, cách biểu đạt của người Tây Phương ngày hôm nay họ thường dùng chữ "love and hate" . 

Love nghĩa là yêu thích cái gì đó. 

Hate là ghét cái gì đó.

 Hai từ này, ngày xưa họ dùng ở mức độ chính xác thì ít có cái mình love (yêu thích),  ít có cái mình hate (ghét), thường thường là mình like (thích) hoặc didn't like (không thích). Nhưng bây giờ, người ta nói xã hội "yêu cuồng sống vội", yêu cuồng là mình thích cái gì mình thích quá, cái thích đó làm cho chúng ta đánh mất sự quân bình, tạo cho chúng ta đánh mất bản thân tại bị cột trói. Giống như Trương Chi nhìn mặt Mỵ Nương, hay là, Mỵ Nương mê tiếng sáo Trương Chi, nó không còn là sự hưởng thụ, nó không còn là sự thưởng thức, thay vào đó là sự cột trói.

Bài học này lớn chứ không nhỏ, đối với chúng ta thường hễ cái gì thích thì thích cho tận cùng, thích cho đọa mạng, nhưng, cái thích đó nó trở thành cái gì đó cột chúng ta, cái gì đó khiến chúng ta bị giam hãm lại. 

Yêu thích là như vậy, ghét bỏ cũng như vậy, đây là sự lầm lẫn lớn nhất của con người khi nghĩ rằng thù ghét là vô hại, tự buông mình lao đầu vào sự hận thù ghét đó, mình quên rằng thù ghét nó đơn thuần không phải chỉ là một thứ cảm xúc đến rồi đi, mà thù ghét nó khiến cho chúng ta trở thành một trạng thái bị nhuộm màu. Con mực có khả năng phun mực ra làm cho mặt nước đen ngòm một vùng nào đó để những con vật khác không còn thấy được và trở thành cái mồi cho con mực. Thì một khi người ta bị hận thù, ông bà chúng ta nói một câu đơn giản là, " khi thương, thương cả lối đi, khi ghét, ghét cả tông chi họ hàng", khi mình ghét ai, cái gì thuộc về người đó mình cũng ghét hết, khi mình thù ai, cái gì thuộc về người đó mình cũng thù hết. Tại vì thù ghét người khác nó làm chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, trằn trọc và, đầy những độc tố.

Cách đây hai tuần, chúng tôi nhận được một bức thư viết tay dày 18 trang giấy của một người ở tại California. Người đó vì sự tranh chấp trong một ngôi chùa, một bên là vị Thầy trụ trì, một bên là người hội trưởng, người viết bức thư đó là ông hội trưởng. Khi chúng tôi đọc thư đó, cảm giác đầu tiên của chúng tôi là, với 17, 18 trang giấy viết tay chi chít, chỉ nhìn thoáng qua thì thấy rằng người viết lá thư này viết ra ở trong sự phẫn nộ cùng cực. Nhìn bức thư đó chúng tôi có thể cảm nhận ngay sự đau khổ của một người đang trong cơn bực tức phiền muộn, phiền muộn lắm, giận dữ lắm. Nhưng, phải nói như vầy là, mình phải khách quan, phải ngoại cuộc, mình phải nhìn thấy đó là phiền muộn, con người của chúng ta khi đang sống trong sự thù hận, mình không thấy. Nhiều khi mình viết những giòng chữ của hận thù, mình viết có cảm tưởng như ở trong đó còn có sự khoái trá của một người thù hận một ai đó mà nói lên được những câu rất nặng nề. Giống như người ta nói, mình tức ai mình chửi được thì rất hả giận, hả hê khi mà chửi. Nhưng kỳ thật nó không phải là một sự hả hê, mà những cái biểu đạt về hận thù, về ghét bỏ,  chỉ nói lên chúng ta đang bị thiêu cháy, bị đốt cháy. 

Trong kinh Pháp Cú có câu chuyện người thợ săn tên Koka. Một buổi sáng dẫn chó vào rừng để đi săn thì gặp vị Tỳ-kheo đang vào làng khất thực. Thợ săn Koka là người chuyên  sát sanh, bản tính hung hăng, gặp vị Tỳ-kheo thì không thích vì cho rằng gặp một kẻ xúi quẩy. Cả ngày đi săn mà không được gì hết nên bực bội, trên đường trở về lại gặp vị Tỳ-kheo đó khất thực và thọ thực xong trên đường trở về tịnh xá. Từ chỗ có ác cảm buổi sáng cộng thêm cái bực bội cả ngày không săn bắt được gì, bây giờ gặp lại thì cơn giận nổi lên phừng phừng, cơn giận đã không cho phép Koka nghĩ chuyện đúng sai phải quấy và, Koka chỉ bị nung nấu bị đốt cháy bởi một ý tưởng rất điên rồ, chính ông thầy tu này làm hại mình, chính ông thầy tu này khiến cho mình một ngày đi săn không được gì hết, đơn giản như vậy thôi, và ông làm một việc còn điên rồ hơn là, ông xông tới tấn công nhà sư này, ra lệnh cho những con chó tấn công nhà sư. 

Vị Tỳ kheo đó không biết phải làm gì ở trong lúc hoảng hốt vị tỳ kheo leo lên cây, vừa leo vừa kêu gọi sự bình tỉnh của người thợ săn, giống như một lời phân bua, trong lúc vội vã nhà sư leo lên cây thì cái y của vị Tỳ-kheo rớt xuống và, khi y rớt xuống trùm lên người thợ săn koka, và do cái nghiệp của koka tấn công một nhà sư tu hành vô tội. Lúc đó những con chó của chính Koka thấy y ở trên rớt xuống thì nghĩ rằng nhà sư đang rớt xuống và chúng lao tới tấn công Koka, người thợ săn hung hãn đó đã tự mình biến mình thành nạn nhân của bầy chó mình nuôi để đi săn, bấy giờ thay vì mình là thợ săn lại biến thành một người bị săn, những con chó đó đã tấn công cấu xé giết chết Koka, và chẳng những vậy, Koka trong khoảnh khắc sau khi chết sanh vào địa ngục. 

Con người một khi đã vương vào thù hận, vào oan trái rất là đáng sợ, nó khiến chúng ta có cái nhìn rất phiến diện. Cái nhìn của một người hận thù là không còn biết gì hết, thí dụ, những người vương vào hận thù người nào, thấy người đó xấu một thì, nói họ xấu mười, có câu nói "ghét thì ghét cả tông chi họ hàng". Khi cái xấu, cái tệ hại, mình phủ lên người khác thì ở trong lòng mình không còn một chút gì gọi là vô tư, gọi là công bằng, gọi là lẽ phải, mà chỉ biết một chiều thôi. Sự ghét bỏ này rất dễ sợ.

Giới cấm thủ thân hệ

Chúng ta nói về một sự cột trói thứ ba đó là, giới cấm thủ, hay là, sự hành trì những tín ngưỡng dân gian.

Hai sự cột trói trước là, về tham chấp, về thù ghét, mình dễ nhận thấy. Cái gọi là giới cấm thủ là cái gì rất dễ sợ, có lẽ khi chúng ta nói ra thường hay bị đụng chạm, lấy một ví dụ, sự hành trì của phần lớn các tôn giáo đều nằm ở trong giới cấm thủ này, một người bỗng nhiên đặt để niềm tin của mình vào một điều gì đó, nó không có một lý lẽ gì rõ ràng, nhưng, chính vì lý lẽ không rõ ràng đó nên, tin thì tin rất nhiều.

Chúng ta đừng nói đến tôn giáo khác, thí dụ, người Phật tử, chuyện rất đơn giản là mình tin Phật, mình đeo tượng Phật, mình thờ Phật, điều đó không gọi là giới cấm thủ.

Nhưng nếu mình đeo tượng Phật mà nghĩ là tượng Phật này linh hơn những tượng Phật khác thì, điều đó là giới cấm thủ. Có nhiều Phật tử đi thỉnh tượng Phật, thỉnh chỗ này, thỉnh chỗ kia, chúng tôi có gặp một vài Phật tử bên Thái Lan, họ đeo một lúc năm, bảy tượng Phật, và họ tin rằng tượng Phật này của chùa này linh hơn, tượng Phật ở chùa kia linh hơn v.v...

Nếu chúng ta là người Phật tử chân chánh, chúng ta không nghĩ tượng Phật bằng ngọc linh hơn tượng Phật bằng ximang, tượng Phật chùa này linh hơn tượng Phật chùa kia. Phật là Phật thôi. Chúng ta thờ Phật, không phải tượng Phật làm bằng gì thì linh, chúng ta thờ Phật vì, Đức Phật là bậc cao cả vĩ đại, bậc giác ngộ. Và tất cả những pho tượng Phật đều chỉ là một biểu tượng. 

Tín ngưỡng nhân gian thấy như vậy mà nó ăn sâu chắc chặc tạo thành, ví dụ như, tín đồ các tôn giáo, đôi khi họ cảm thấy rất quan trọng việc một pho tượng chảy nước mắt, thật ra nếu thần thánh linh thiêng thì, có nhiều cách để hiển hóa năng lực của mình chứ đâu nhất thiết là chảy nước mắt. Về sau này người ta chứng minh rằng, chỉ một ít thủ thuật về hóa học người ta có thể làm pho tượng thấy dường như là chảy nước mắt. Nhưng, điều đó có sức hấp dẫn đặc biệt với một số người. Chúng tôi quen rất nhiều người Phật tử là bác sĩ,  là trí thức, nhưng lời của Phật dạy chân thật rõ ràng thì họ không thích, không tin, lại tin vào những chuyện mơ hồ, những chuyện dị đoan, mê tín thì rất là tin. 

Giới cấm thủ không phải chỉ tạo nên những hình thái tín ngưỡng nhân gian mà nó tạo nên nhiều thứ tôn giáo, mới thấy thì vô hại, mới thấy thì nghĩ đó chỉ là tín ngưỡng thôi, nhưng kỳ thực tin vào những thứ đó làm chúng ta đánh mất niềm tin ở nhân quả, làm chúng ta đánh mất đi những niềm tin vào sự thật. 

Cách đây mấy hôm, chúng ta có một bài học, học về hộ trì chân đế. Nhưng, nói nôm na là những phương châm của sự tu tập, đó là, tôn trọng và bảo vệ sự thật, cái gì vô thường chấp nhận nó vô thường, cái gì khổ chấp nhận nó khổ, cái gì vô ngã chấp nhận là vô ngã, cái gì bất tịnh chấp nhận bất tịnh, sự thật như thế nào mình phải có can đảm nhìn như vậy. Chúng ta chưa đến với sự thật thì chúng ta đã bóp méo sự thật rồi, chúng ta chưa đến với sự thật thì chúng ta đã chấp chặc vào những điều huyển hoặc rồi, làm sao chúng ta đến với sự thật được khi:

Phi chân tưởng chân thật,
Chân thật tưởng phi chân,
Những ai chấp thủ tà vại,
Không bao giờ đạt đến pháp chân thật.

 Đó là lời dạy trong kinh Pháp Cú. 

Cái khó trong đời sống chúng ta là không phải chỉ áp dụng nhân quả, không phải chỉ tin nhân quả mà, còn dám sống với nhân quả. 

Thời gian gần đây, ở VN rộ lên nhiều tin tức về một ngôi chùa rất giàu rất lớn tên là, chùa Ba Vàng. Ở ngôi chùa này, người ta nói về sự thỉnh vong để giải nghiệp giải oan và, để làm điều giải oan cho những vong linh đã chết một cách oan ức người thân phải cúng một số tiền vào chùa này. Chuyện thỉnh vong đó vì lý do này lý do khác nó rộ lên rồi lọt vào trong tầm ngắm, làm dư luận quan tâm, nhưng phần lớn là phẫn nộ, đã tạo thành một scandal. Nhưng kỳ thực, chuyện này là chuyện không phải chỉ có một ngôi chùa, chuyện đó rất phổ thông ở trong tín ngưỡng nhân gian, nó đã ăn sâu, nó đã phổ khắp và, nó đã thành cái nết của Phật giáo VN, Phật giáo Trung Hoa, lâu đời chứ không phải mới đây.

Ở bên Mỹ, sau này có hiện tượng cúng kiếng đám tang nghi thức rất lễ mễ rườm rà. Ngày xưa khi chúng tôi mới sang Mỹ vào năm 1980, nghi thức đám tang tương đối giản dị. Sau này có phong trào quí thầy ở VN qua, chúng tôi phải nói quí thầy cúng, quí thầy bầy nhiều chuyện lắm, bầy người chết phải mặc cái gì, phải đắp khăn nào mới vãng sanh, ở trong đó ảnh hưởng phần là đạo lão, bây giờ ảnh hưởng Phật giáo Tây Tạng, đủ thứ chuyện, nội việc thỉnh vong, rước vong, rước tới rước lui, cũng mệt. Chúng tôi nói cũng mệt là phát sanh ra nhiều chuyện phiền toái, chúng tôi không biết Phật tử họ thích hay không thích, nhưng, có nhiều tang chủ, khi người thân nhân mất họ nghĩ những thầy cúng như vậy là, cúng kỹ, cúng đầy đủ. Mặc dù, nghi thức rất rườm rà, người đời lại ưa chuộng cái rườm rà. Đó là giới cấm thủ.

Chúng ta đang ở trong lớp Phật pháp nên chúng tôi nói thẳng chứ ở bên ngoài chúng tôi ít nói. Những điều đó là giới cấm thủ, 

Tại sao là giới cấm thủ? qúi vị cứ tưởng tượng như vầy là, tại sao lại nghĩ đến chuyện cầu siêu cho người chết, tức là cầu cho người chết được siêu thoát, bây giờ mình lại rước vong về chùa cầu siêu thoát, mà đã siêu thoát thì vong đâu ở chùa. Đó là mâu thuẫn rất rõ ràng, nhưng, người ta vẫn tin, người ta vẫn theo, người ta vẫn làm. Tại vì đó là, tín ngưỡng nhân gian, cái lề thói, cái suy nghĩ. Bây giờ, bắt đầu người ta đã than thở về chuyện phong thủy, chuyện bùa chú. chuyện ngải. Nhưng thật ra, chuyện bói toán, chuyện phong thủy tràn ngập các ngôi chùa, tràn ngập tín ngưỡng của người Phật tử mà nếu chúng ta không khéo càng ngày chúng ta càng xa, đánh mất chất của Phật Pháp ở trong đời sống của mình. Và, mình phải nói một điều là, khi mình nhìn lại những người đó mình mới thấy giới cấm thủ là sợi dây ràng buộc rất lớn.

Thử thực chấp thân hệ

Điều sau cùng trói buộc chúng ta đó là, sự cố chấp một cách phiến diện, chỉ có đây mới là sự thật, ngoài ra đều hư vọng. Sự cố chấp này, một lần nữa lại nói lên chúng ta biến mình làm nạn nhân của cái nhìn rất hạn hẹp của mình. 

Nói một cách đơn giản là, khi mình chọn một món đồ, ăn một món ngon, mình nói đó là nhất rồi thì, nó thuộc về cái cột trói bởi sự tham chấp. Thấy như vậy nhưng không dễ sợ bằng quan niệm là, cái gì mình tin, tin vào quan niệm chỉ có đây mới là đúng, ngoài ra là hư vọng, chúng ta phủ nhận những giá trị khác, thì chúng ta có vấn đề. Đó là, một chứng bệnh trầm kha, đặc biệt, ở trong thế giới của tôn giáo, trong thế giới của học thuật. Một trong những đặc điểm khoa học là cho phép chúng ta đặt lại vấn đề, cho phép chúng ta lắng nghe người khác, xã hội của loài người và đặc biệt Tây Phương ở trong bốn thế kỷ qua phát triển mạnh mẽ là nhờ vào một nền tảng gọi là  Scientific, chúng ta gọi là khoa học, khoa học không phải là những khám phá mới đơn thuần, mà khoa học là một cách nhìn mới, cách nhìn đó giúp cho chúng ta dám thí nghiệm, dám chấp nhận những cái mới, dám cải thiện sự thất bại và dám bỏ đi cái cũ.

Khi con người bắt đầu tự đặt vấn đề rằng, nếu trên phương diện khí-động-lực học mình có thể dùng một lực đẩy để nâng một vật nặng lên, khiến cho vật đó bay ở một khoản cách xa thì, người ta mơ ước đến tạo ra những chiếc máy bay. Có một người không phải nhân vật tầm thường đã thốt lên một câu rằng, "Nếu Thượng Đế muốn cho loài người bay thì ngài đã tạo con người có cặp cánh". Câu nói đó nói ngày hôm nay thì chúng ta chỉ cười thôi, tại vì, chúng ta đã thấy những máy bay siêu thanh bay trên bầu trời và, chúng ta không có cảm nhận là câu nói đó có giá trị, nhưng, về thời kỳ bình minh của ngành động-khí-lực học, thời kỳ tôn giáo có ảnh hưởng lớn ở trong xã hội loài người thì câu nói đó nặng ký lắm, "Nếu Thượng Đế muốn cho loài người biết bay thì Thượng Đế đã tạo cho loài người đôi cánh", nhưng quả thật đó là, một quan niệm nghĩ  "chỉ có đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng".

Ngài Rahula viết một chương trong cuốn "Con đường thoát khổ" hay trong cuốn sách "Những lời Phật dạy", chương đó gọi là, thái độ tinh thần Phật học, trong đó Ngài nói một điểm quan trọng là, Phật Giáo nói đến một thứ chân lý không nằm theo nhãn hiệu:

 "Có gì trong một danh từ? 
 Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi."

Gọi là rose cũng được, gọi là hoa hồng cũng được, gọi tên gì cũng được, nhưng, hoa hồng vẫn là hoa hồng, chỉ là danh từ thôi. 

Con người nếu sống có tâm từ, tâm bi thì dù ở tôn giáo nào, ở văn hoá nào, ở xã hội nào, ở hoàn cảnh nào, từ bi vẫn có giá trị của nó, lòng từ bi không phải là đi với danh nghĩa của một tôn giáo, hay, một tên gọi gì đó cho đẹp, cho kêu. Từ bi chỉ là từ bi thôi. 

Trong nhiều đoạn kinh điển của Đức Phật, đạo Phật giá trị của sự thực không nằm trong hệ thống tín ngưỡng, trong danh gọi. Một người đi tìm Đức Phật nhận Đức Phật là Thầy mình, chưa từng gặp Phật, tá túc trong một ngôi nhà cỏ, gặp một vị Samon và, nghe vị Samon thuyết pháp, vị đó đã hiểu pháp trước khi biết người nói pháp đó là Đức Phật, chúng ta nói trường hợp Tỳ kheo Pukusati, vị đó hiểu pháp mà không cần biết trước người giảng pháp đó là Đức Phật cho đến khi nhận ra được rằng, đây là bậc Đạo Sư của mình.

Có vô số trường hợp trong kinh điển, một người đọc được chân lý từ một đóa sen tàn, một người đọc được chân lý từ một giọt nước rơi từ gót chân của mình hòa với giòng nước, có những người đọc được chân lý ở trong nhiều nhiều hoàn cảnh khác nhau, chứ không phải trong những nhãn hiệu. 

Chúng ta ngày nay bị mê hoặc bởi nhãn hiệu. Trong thái độ khoa học, không phải khoa học là cái gì về máy móc, nói về khoa học là thái độ chấp nhận những sự thật do thực nghiệm và, nếu sự thật này được trải nghiệm đúng thì chấp nhận, còn nếu không thì chúng ta rất dễ rơi vào tình trạng phiến diện, quan điểm của mình là nhất, người khác nói là sai, cách nói võ đoán nói là chỉ có đây là sự thật ngoài ra là hư vọng khiến cho người ta trả giá rất đắt. Bởi vì sao vậy? chúng ta từ chối một hình thái tự nhiên nhất của sự thật, đó là sự thật nó không phải chỉ có một, ở một con người, ở một nơi, ở một khoản khắc, ở một nhãn hiệu, cái gọi là chân lý có mặt trong nhiều trạng thái, nhiều, dạng thức khác nhau.

Nếu một người Phật tử, thật sự yêu thích đạo Phật, thật sự quí lời dạy của Đức Phật thì, người Phật tử đó phải hiểu rằng, gọi là chân lý, gọi là sự thật, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, ở rất nhiều trường hợp, trong nhiều ngọn ngành, và nhất là, mình không nên nghĩ là chỉ có gì mình nghĩ là đúng, còn ngoài ra tất cả là hư vọng hết. Điều đó tự mình nghiệt ngã chính mình, tự mình đóng khuôn với chính mình, tự mình trói cột lấy chính mình và, nó không có lợi ích gì cho mình hết. Chúng ta sống trong một thế giới con người càng lúc càng gần với nhau, chúng ta sống ở trong thời đại con người được nhiều hiểu biết với nhau, để thấy cái đẹp của nhau, không có lý do gì chúng ta nói là, cơm ngon hơn khoai mì, ngon hơn khoai tây, ngon hơn bánh mì.

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ sống ở Long Thành, nhiều khi anh em ngồi nói chuyện với nhau, người thì mươi tuổi, người mười, mười một tuổi, người hai mươi tuổi, ngồi bàn luận rất tâm đắc, nói rằng, "Nói đi nói lại, ở trên thế giới này chỉ có thứ tiếng hay nhất, đẹp nhất, nghe thấm thía, dễ học nhất, đó là, tiếng Việt của mình, tiếng Việt đọc sao viết vậy và, rất là  tự hào tiếng Việt dễ học nhất. Nhưng mà, bây giờ mình mới thấy tiếng Việt không phải là dễ học đối với nhiều người, người nước khác đọc tiếng Việt muốn trẹo lưỡi, chứ không phải là dễ. Chúng ta cũng thường nghe câu nói rằng, tiếng Việt rất là phong phú, tại vì một chữ hai ba nghĩa. Nhưng thật ra, không chỉ tiếng Việt mà tất cả ngôn ngữ các ngôn ngữ khác đều như vậy hết. Chúng ta cứ ôm lấy và nói tiếng Việt là phong phú nhất. Thí dụ như vậy.

Thì sự cởi mở cho phép chúng ta mở mắt ra nhìn bầu trời cao rộng hơn. Một thế giới không có tự mình nghiệt ngã, tự mình cột trói chính mình. 

Chúng ta nhìn lại bốn hệ phược ở tại đây, chúng ta thấy rất rõ tại sao Đức Phật Ngài dạy rằng, chính mình làm cho mình uế trược, chính mình làm cho mình thanh tịnh, thanh tịnh và uế trược là do mình, không ai có thể khiến người khác thanh tịnh hay uế trược.

Khi chúng ta đọc về bốn cột trói:

- Bị cột trói vì quá thích.
- Bị cột trói vì quá ghét,
- Bị cột trói vì giới cấm thủ.
- Bị cột trói vì chấp rằng chỉ có đây sự thật và ngoài ra là hư vọng.

Chúng ta sẽ cảm thấy rất thấm thía là người mà cột mình chính là mình, mặt dầu truyện Kiều nói rằng, "chém cha cái số ba đào, cởi ra rồi mắc vào như chơi", cái số ba đào đó nghe như là định mệnh, nhưng mà, thật ra chính bản thân mình, mình là người cột trói chính mình.
Đó là vài điều chúng tôi chia sẻ về ý nghĩa của bốn hệ phược./.
 

No comments:

Post a Comment