Sunday, March 29, 2020

Bốn sự cúng dường thanh tịnh - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.37

xxxix) Bốn sự cúng dường thanh tịnh


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 6 tháng 4, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Trước khi đi vào ý nghĩa bài kinh ngày hôm nay, chúng tôi muốn nói một điều về cúng kiếng là một hình thức rất phổ cập ở trong các tôn giáo, người ta có nhiều chữ để nói về cúng kiếng như, cúng dường, hay là cúng kiếng, hay là phụng hiến. Người thờ thần lửa, họ có cách cúng tế thần lửa, người thờ Thượng Đế có cách để vinh danh ca ngợi Thượng Đế. Tất cả những sự cúng kiếng đó đều mang hình thức làm sao để cuộc sống của chúng ta có thực hành gì đó để thể hiện lòng tôn kính và, từ lòng tôn kính đặc biệt đó chúng ta thể hiện bằng cách cúng một cái gì.

Trong kinh Pháp Cú có câu: 

Quanh năm bố thí cúng dường,
Không bằng một phút kính nhường thánh nhân.

Cúng tế người đời thường làm đôi khi gọi là bái vật, tức là thờ phượng một ngẫu tượng, thờ phượng một cái gì đó mang tánh cách niềm tin tín ngưỡng nhân gian.

Sự cúng dường mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân của mình đó là sự cúng dường các bậc có giới đức. Có thể là, một sự đảnh lễ, hoặc giả là, cơm, bánh, hay những thứ khác. Mới nghe thì rất đơn giản, nhưng mà, ở đó nó lại mang một yếu tính làm tâm của chúng ta được trong sạch. 

Ngày xưa, khi chúng tôi mới vào chùa Phật Giáo Nam Tông, những người Phật tử khi phát tâm cúng dường thì họ không nói "phát tâm cúng dường" mà thường hay dùng chữ "phát tâm trong sạch". Phát tâm trong sạch với một buổi lễ, hay phát tâm trong sạch với vị sư nào đó. Chữ "phát tâm trong sạch" là cách nói theo người Miên, người Thái, người Miến Điện. Nghĩa là, trong đời sống bình thường của chúng ta chỉ biết thu góp, chỉ biết bám víu vào những vật sở hữu của mình, nhưng một khi mình cho ra thì lúc đó tâm mình rất trong sạch. Tại vì khi cúng dường như vậy mình không mong cầu cái gì đó lợi cho mình, mà mình chỉ mong là, hi hiến, hoan hỉ rồi mình cúng dường.

Bố thí là, một cách xả tài, cách giảm thiểu xan tham. Nhưng, cúng dường thì đạt đến một cao điểm nữa ở trong đó có sự cung kính.

 Chữ cúng dường có khi chúng ta đọc cung dưỡng là đọc theo chữ nghĩa ngoài đời.
Đọc cúng dường theo chữ nghĩa của nhà chùa. Cúng dường là một hình thức hiến tặng bằng tâm cung kính
Trong kinh Phật là chữ dakkhiṇā dàna. Có bốn chữ thường được đề cập trong kinh là:
 
 Āhuneyyo là xứng đáng được tôn trọng,

 Pāhuneyyo là xứng đáng được thương mến, xứng đáng được tôn trọng và  thân thiện

Dakkhineyyo xứng đáng được cúng dường để tạo phước.

Añjalikaranīyo: đáng được chắp tay, đáng được lễ bái.

Chữ dakkhineyyo, đặc biệt chỉ cho hình thức cúng dường qua đó có ý nghĩa để tạo phước lành, lấy một thí dụ là, qúi vị Phật tử có tiền đến chùa cúng cho vị trụ trì để nhờ vị trụ trì làm việc gì đó thì không mang tính dakkhiṇā dàna. Nhưng, nếu qúi vị nghĩ rằng lâu quá không làm phước bây giờ làm phước đến Chư Tăng thì gọi là dakkhiṇā dàna, hay là, mình thấy một vị Sư bệnh mình cúng dường thuốc mặc dầu vị Sư đó không phải bà con quyến thuộc của mình, sự cúng dường này cũng gọi là dakkhiṇā dàna.

Thì ở đây, một khái niệm rất quan trọng ở trong nền văn hóa Ấn Độ và, cũng quan trọng ở trong nền văn hoá Phật Giáo đó là, chúng ta nói đến sự trong sạch hay, nói đến chữ Araham là Ứng Cúng.

 Ứng Cúng là bậc đáng cúng dường. Chữ bậc đáng cúng dường có hai ý nghĩa:

1. Một là, cúng dường vị đó tạo nhiều phước báu,

2. ý nghĩa thứ hai. bởi vì đối tượng cúng dường là đối tượng rất thanh tịnh nên được nhiều phước báu. 

Đức Phật gọi là bậc Ứng Cúng có nghĩa Ngài là đấng trọn lành, Ngài là đấng hoàn toàn thanh tịnh, ngay cả tiền khiên tật cũng không còn, và do sự thanh tịnh như vậy nên ai cúng dường bậc thanh tịnh thì phước báu vô cùng.

Lấy một ví dụ, bình thường trong đời sống, nếu chúng ta gieo hạt giống ở trên một miếng đất khô cằn thì nó không dễ dàng để đâm trồi nẩy lộc, đơm hoa kết trái, nhưng, nếu chúng ta trồng trên miếng đất màu mỡ thì thấy khác biệt rõ ràng. Chúng tôi là người lớn lên ở miền quê, chúng tôi biết khi đất có phù sa thì hạt giống trổ rất là nhanh, mà đất khô cằn thì mình trồng cái gì cũng còi. Do vậy một bậc trọn lành như Đức Phật hay chư vị Alahan hoàn toàn thanh tịnh mình cúng dường mình được rất nhiều phước. 

Chúng tôi trích dẫn cả hai bài kinh, một bài kinh trong Kinh Phúng tụng (33.Sangìti sutta), một bài khác do Đức Phật dạy ở trong Tăng Chi Bộ kinh, Phẩm Bốn Pháp.

Ở đây, bài học hôm nay là, bốn  ý niệm về thanh tịnh, bốn trạng thái cúng dường thanh tịnh, bốn câu chuyện nói về sự thanh tịnh ở trong bố thí.

Bốn bố thí được định nghĩa như sau: 
1 - Sự bố thí được thanh tịnh là nhở ở người nhận,
2 - Bố thí được thanh tịnh nhờ ở người cho,
3 - Bố thí được thanh tịnh là do cả hai,
4 - Bố thí cả hai người nhận và người cho đều không thanh tịnh.

Thì ở đây, trong điều này Đức Phật dạy, hành động bố thí có thể tạo ra phước thù thắng do nằm trong ba trường hợp, còn trường hợp thứ tư là trường hợp bình thường không thù thắng. 

Người Phật tử trong đời sống hàng ngày của mình làm phước, mình biết đối tượng bố thí là quan trọng, nhưng, quan trọng là tâm của mình, tâm thí của mình có được trong sạch hay không mới là quan trọng. Ở đây, chữ dakkhiṇādàna không dùng để áp dụng cho cách bố thí thông thường, như khi qúi Phật tử bố thí chuẩn bần cho người nghèo thì không gọi là dakkhiṇādàna.  Bố thí gọi dakkhiṇādàna là khi nào bố thí mình nghĩ đến chuyện làm phước.

Sự thanh tịnh từ người cho có nhiều ý nghĩa về sự thanh tịnh, một là vật thí phát sanh hợp đạo, ví dụ, tiền bạc mình cúng dường không phải là do trộm cắp, do sát sanh, hay, do những chuyện làm phi pháp mà nó đến từ phát sanh hợp đạo và tâm cúng dường được thanh tịnh, đây là một điểm rất là quan trọng. Ở các quốc gia Phật giáo khi làm phước thì người cúng dường thường là người phải hiểu được tác ý thanh tịnh của mình. Đặc biệt trong các lễ trai tăng những người thí chủ thường xin thọ tam qui ngũ giới trước khi làm lễ trai tăng.

Tại các quốc gia Phật Giáo, đặc biệt trong ngày Bát Quan Trai Giới, người Phật tử khi thọ trì Bát Quan Trại Giới, ngày đó họ làm phước cúng dường đến Chư Tăng và, làm phước cho đại chúng, họ tin rằng trong những ngày trai giới thân tâm thanh tịnh trong sạch là dịp rất tốt để bố thí.

Trong từ vựng của bài học có chữ duṭṭha sila được dịch là ác giới.

Thật ra, chữ duṭṭha sila có nghĩa là, không có giới hay là, giới không được tốt đẹp. 

Ví dụ, một người làm phước, người đó giữ năm giới trong sạch thì có phước hơn người làm phước không giữ năm giới trong sạch. Chữ duṭṭha sila ở đây có nghĩa là "không có giới".

Sự trong sạch từ người cho đến từ sự tác ý trong sạch và, điều này Chư Tăng thường hay nhắc quí Phật tử đi chùa làm phước. Đôi khi mình làm phước nào đó là do người ta thấy mình có tiền, người ta đến nói khích, thí dụ, "anh chị làm bác sĩ, nhà giàu, cúng nhiều đi chứ sao mà cúng ít vậy", nghe người ta nói vậy mình ngại mình cúng nhiều. Điều đó không tốt, mình làm phước không do sự miễn cưỡng. Khi làm phước mình có ý thức càng rộng thì phước càng nhiều, ví dụ, làm phước không phải là vì mình thân thích với chư tăng ở chùa, mình làm phước không phải vì mình muốn nổi tiếng, muốn danh muốn lợi, mình làm phước chỉ đơn thuần làm phước thôi. Tâm thí rất quan trọng, tâm càng thanh tịnh thì càng được nhiều phước.

Điểm thứ hai, sự thanh tịnh đến từ người thọ thí tức là, Chư Tăng. Căn bản mà nói, nếu qúi vị cúng dường đến Chư Tăng, vị đó đang tu tập, vị đó đang nhập hạ hay là, ở trong khóa tu, hoặc giả là, vị đó ở xa đến, hoặc sắp đi xa, hoặc giả vị Tỳ Kheo bịnh, chúng ta gọi là "bố thí đúng thời", bố thí cho một vị pháp sư đi hoằng dương Phật Pháp thì những bố thí đó tạo ra phước thù thắng từ người nhận.

Thời Đức Phật còn tại thế, có một vị Tôn giả Subuti (Tu-bồ-đề), Ngài đặc biệt có lòng lân mẫn đối với các vị thí chủ. Khi Ngài đi khất thực Ngài thường nhập thiền xuất thiền. Một vị tu tập mới xuất thiền, người cúng dường được nhiều phước, tại vì vị đó đang đạt đến tâm giải thoát rất cao.
 
Đời sống bình thường cũng vậy, Chư Tăng muốn cho người Phật tử được phước thì khi nhận thực phẩm hay tứ sự cúng dường Chư Tăng quán tưởng thanh tịnh giới. thí dụ về thực phẩm, Chư Tăng quán tưởng rằng mình thọ thực không phải vì làm đẹp, không phải vì muốn tráng kiện thân thể, không phải để vui đùa. Mà mình thọ thực để duy trì mạng căn, sống đời sống tu tập để làm tan biến cái khổ đã sanh và, ngăn ngừa cái khổ chưa sanh. Một vị tỳ kheo trong lúc nhận thực phẩm từ người Phật tử mà quán tưởng thì lúc đó vị đó trở thành một đối tượng thanh tịnh và tạo ra nhiều phước báu cho người cúng dường. 

Về trường hợp này, chúng ta nói rằng một sự bố thí được tốt đẹp được thanh tịnh từ người nhận là, người nhận có tu, người nhận có sự thanh tịnh.

Trong trường hợp được cả hai cùng thanh tịnh thì rất tốt. Do cả hai là, người bố thí và người thọ thí đều làm với tâm trong sạch. Về trường hợp này xảy ra rất thường ở những đạo tràng tu tập, chúng ta tìm thấy những vị thí chủ là những người phát tâm rất trong sạch và những người nhận thí là những người tu tập có tâm thanh tịnh trong sạch. 

Tại các quốc gia Phật Giáo như, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, họ vẫn còn giữ được một cách tổ chức rất quí đó là, các thiền viện khi mình đến xin ở lại tu tập thì họ không lấy tiền, mình chỉ vào đó tu tập, còn chuyện chỗ ở, cơm ăn, đều do có người cúng dường. Bởi vì ở những nơi này những người Phật tử tin rằng nếu người ta tu tập mà mình hộ trì cho người ta tu thì mình được phước, tâm mình trong sạch và người thọ thí cũng trong sạch như vậy gọi là "thắng phước".

 Ở các xứ Âu Mỹ, các thiền viện tổ chức rất chặc chẽ, do vậy khi vào trong  thiền viện tham dự các khóa tu thiền sinh phải đóng tiền. Thì điều đó cũng có cái hay về mặt tổ chức nhưng, lại có cái dở đó là, đánh mất cơ hội quí báu rất đẹp, tại vì một đại chúng, một hội chúng đang tu tập nếu những vị thí chủ cúng dường thì có rất nhiều phước. Do vậy, tại các quốc gia Phật Giáo như Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan ngày hôm nay hầu hết những thiền viện không thu tiền học phí.

Trong khi mình vào tu tập, nếu có ý thức một chút thì hiểu rằng, điện nước, chỗ ở, thực phẩm, mình có được là do đàn tín cũng dường, thì trong lúc tu tập mình hồi hướng công đức cho những vị thí chủ đó. Điều này, thật sự có đạo vị.

Cũng có trường hợp người bố thí và người thọ thí đều không ở trong điều kiện tốt đẹp. Trường hợp này cũng có phước nhưng phước này rất hạn chế.

Ví dụ, A Xà Thế lúc còn là vị hoàng tử vì nể phục thần thông của Tỳ kheo Đề Bà Đạt Đa đã cúng dường rất nhiều lễ phẩm, một ngày như vậy nhiều chiếc xe chở những vật cúng dường đến cho Đề Bà Đạt Đa

A Xà Thế nghĩ rằng Đề Bà Đạt Đa là một nhà tu nhưng có đầu óc kinh ban tế thế, chỉ dạy cho mình cách nào để lên ngôi, để đoạt ngai vàng, tức là đã đi bắt giết vua Bình Xa Vương, người cha ruột của mình. 

Còn Đề Bà Đạt Đa lúc bấy giờ đã không còn tu tập nữa, thiền đã hoại, không còn thần thông nữa, nhưng vẫn còn có nhiều kế sách để bày vẽ cho A Xà Thế

Có một lần Đức Phật Ngài nhìn thấy những chiếc xe ngựa, ở trong kinh ghi là 500 chiếc xe ngựa, thật ra rất là nhiều xe ngựa chở những thực phẩm đến để cúng cho Đề Bà Đạt Đa. 

Đức Phật Ngài dạy các vị Tỳ Kheo rằng,"giống như cây tre hay cây chuối ra buồng ra nải thì sẽ làm chết cây tre cây chuối, một vị Samon sống nặng về danh, về lợi, thì những vật cúng dường đó sẽ làm cho vị này mất đi mục đích chính của đời sống phạm hạnh" và, quả thật không lâu sau đó thì Đề Bà Đạt Đa đã rơi vào con đường danh lợi và, con đường đó dẫn đến nhiều hành động rất sai quấy bởi vì hai chữ danh và lợi.

Nếu một người Phật tử mang cơm đến chùa cho Chư Tăng, lúc Chư Tăng thọ thực với tâm sanh đắm nhiễm thì phước không có nhiều cho vị thí chủ như vị Tỳ Kheo quán tưởng trước khi ăn, điều đó được ghi dạy rất rõ ràng ở trong kinh điển.

Thì ở đây, Đức Phật Ngài dạy về sự cúng dường, cúng dường ở đây trong Phật Pháp gọi là dakkhiṇā dàna, là một phước thí vị thí chủ làm để tạo phước, thì khi một phước sự dakkhiṇā dàna được diễn ra thì yếu tố của người cúng dường đó là tâm thí và, yếu tố của người nhận gọi là người thọ thí nó đều có một ảnh hưởng. 

Ví dụ:
- Chúng ta vốn thường bố thí vì danh, vì lợi, vì có hậu ý này, hậu ý kia, thì nó khác. 

- Chúng ta bố thí cúng dường với tâm trong sạch vì, qúi và kính một người tu tập mà mình cúng dường thì việc đó là việc khác và, đặc biệt là, người cư sĩ khi muốn cúng dường phải quán xét là vật cúng dường của mình phát sanh có hợp đạo không. 

Trong Trung Bộ Kinh, kinh Jìvaka, Đức Phật Ngài dạy là, "một người sát sanh giết con này con kia để cúng dường người tu tập thì, người đó tạo ra nhiều điều bất hạnh cho bản thân, bất hạnh cho con vật đó" và, việc đó sẽ khiếm khuyết cho phước sự của người bố thí rất lớn khi vị này sát sanh rồi đem bố thí. 

Vì vậy, trong những bài kinh tác bạch để cúng dường có câu là "những vật cúng dường phát sanh hợp theo lẽ đạo". 

Một vị thí chủ cúng dường cũng lên hiểu làm thế nào để tâm mình được thọ hỉ, được hợp trí, được hoan hỉ, tạo nhiều phước. 

Thọ hỉ hợp trí có nghĩa là, khi làm phước mình làm bằng tâm hoan hỉ và có sự hiểu biết công việc mình làm, càng có thọ hỉ càng có hợp trí thì phước nhiều. Với một người cúng dường tâm ý tốt thì được bảo đảm bởi giới hạnh trong sạch, do vậy, tại các quốc gia Phật Giáo khi người cư sĩ làm phước sự lớn thì mở đầu là xin thọ trì tam qui và ngũ giới, luôn luôn là vậy và, vị đó luôn luôn nhắc rằng, trong thời gian đang làm phước thì mình nghiêm trì năm giới trong sạch thì mình tạo nhiều phước. 

Đối với người thọ thí, Đức Phật Ngài khuyên có nhiều trường hợp người thọ thí mang lại phước báu gọi là Anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa -  phước điền vô thượng, nếu vị đó mà cao nhất là từ chứng quả A Na Hàm hay Alahan có thiền phi phi tưởng, nhập diệt tưởng thọ định, một vị nhập diệt tưởng định mà xả thiền ra thì người cúng dường được phước báu hiện tiền rất cao. 

Và, một vị Tỳ Kheo có quán tưởng vật thực khi thọ thực cũng tạo nhiều phước đức cho vị thí chủ không hẳn phải là nhập diệt thọ tưởng định. 

Vị Tỳ kheo có tâm từ cho vi thí chủ cũng tạo nhiều phước đức. Tâm từ là, khi thọ thí mong cho người cúng dường được lợi lạc, được lợi ích đó gọi là tâm từ.

Có nhiều người VN thường nghĩ "sau khi mình chết ai lo nhang khói cho mình". Nhưng tại các quốc gia Phật Giáo, những người hiểu đạo họ không cần phải có ai nhang khói cho họ, không sợ phải nhang tàn khói lạnh, mà tự họ làm phước trước, thí dụ họ đào giếng, xây cầu, về sau này họ mất đi, ai xử dụng giếng nước đó hay ai dùng cây cầu đó thì người đào giếng hay xây cầu vẫn còn được phước mặc dầu lúc đó không có ai nhang khói cho họ.

Tại các quốc gia Phật Giáo, trong các trường thiền thì ngoài chuyện xây am thất người ta hay xây con đường kinh hành, con đường kinh hành có chiều dài nhất định và được đắp cao để không bị đọng nước. Thì một vị cư sĩ ở trong làng lúc sắp mất đi nghĩ đến phước đức hậu sự của mình thì vị này cất một am thất và cất con đường kinh hành, ở cuối con đường kinh hành đó họ làm một tấm bia, có khi họ chôn hũ cốt của người thí chủ ở đó, có khi họ để tên và hình vị thí chủ. Khi đến đó tu tập thì mình biết vị thí chủ này đã xây am thất và con đường kinh hành này, vì vậy, khi mình tu tập mình hồi hướng công đức, cái đó là cái gì rất là đẹp.

Đẹp là nói như vầy là, có vài lần chúng tôi có nghe một vị nói rằng mình đi kinh hành buổi tối mà biết là ở cuối con đường kinh hành có chôn hũ cốt cũng sợ ma, mình không tu được. Nhưng kỳ thực không phải vậy, khi những chúng sanh có tâm trong sạch, được sanh làm Chư Thiên hộ trì mình tu tập, mình hoan hỉ và nhờ vậy mình tinh tấn tu tập, mình đi kinh hành thì hồi hướng phước cho vị thí chủ đã làm con đường đó.
Theo căn bản thì, nếu người thọ thí càng ít tham càng ít có đắm nhiễm vị thí chủ càng có nhiều phước, ví dụ, một vị thí chủ mang thực phẩm hay y phục đến cúng dường Chư Tăng, Chư Tăng thọ thực bằng tâm tham thì phước cho vị thí chủ không có nhiều bằng tâm có quán tưởng, tâm có tu tập. Về điểm này, trong kinh gọi là sự thanh tịnh đến từ người nhận hoặc là cả hai, có khi người cho, có khi người nhận, hoặc là cả hai, người cho và người nhận.

 Cũng có trường hợp cả hai đều không thanh tịnh, một vị thí chủ không ý thức rõ việc làm phước thì mình làm phước là làm phước thôi, ví dụ, có nhiều vị viết check gửi đến chùa kèm theo danh sách nhờ Chư Tăng cầu an, đó cũng là hành động bố thí, nhưng mà, làm không có tích cực. Tích cực là mình làm cái gì đó mình gói ghém được tâm tư, gọi là làm có hồn. Có hồn ở đây là, có một sự phát tâm mạnh mẽ, có ý nghĩa, có đạo vị, chúng ta gọi là có hồn hơn là mình làm cái gì chỉ làm cho có làm, làm để trả nợ qủi thần,

 Cũng nên hiểu một điểm như vầy là, đôi lúc mình ảnh hưởng văn hóa của người Trung Hoa, mình nghĩ rằng đốt nhang nhiều là có phước, không phải như vậy, hay là, mình tin rằng mình tạo phước bằng cách mình cạo đầu để cúng cầu xin cái gì đó, nhưng thật ra cạo đầu không có tạo phước gì mà đó chỉ là hình thức thôi. Hình thức quan trọng để tạo phước của chúng ta là mình làm cái gì đó cho người khác. Tại các quốc gia Phật Giáo mấy em nhỏ khi sắp đi thi các em làm phước là để bát cho Chư Tăng, hay là vào chùa vài ngày tu bát quan trai giới, tu thiền, điều đó mới thật sự làm phước, còn mình nói mình cạo đầu hoặc giả mình đốt năm bảy bó nhang, đó không phải là làm phước, đó chỉ là một hình thức thôi, chúng ta là người Phật tử nên lưu tâm về điểm này.

Ở đây nói rõ rằng làm phước cách nào có phước, mình cho một con vật ăn cũng có phước, mình cho con chó, con mèo ăn, thì cũng có phước huống chi là con người. 

Khi tâm càng thanh tịnh, thanh tịnh người cho thanh tịnh người nhận, hoặc cả hai thì phước càng thù thắng. Do vậy chúng ta nên hiểu mình làm phước mình làm cách nào để được phước nhiều và làm cách nào không được phước nhiều. Giống như nấu ăn thì không phải ai nấu cũng giống nhau, có người nấu ăn ngon có người nấu ăn không ngon. Hay buôn bán, có người buôn bán có lời, có người buôn bán không có lời. Thì làm phước, có người làm phước được nhiều phước, có người làm được phước ít, mình nên biết như vậy./.

No comments:

Post a Comment