Thursday, April 30, 2015

Kinh Phật Tự Thuyết - Đường Rẽ Hai Nhánh

Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh Đường Rẽ Hai Nhánh.

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 20-3-2015, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Tôn giả Nàgasamàla vốn xuất thân từ giòng họ Thích Ca tính trên phương diện huyết thống bà con với Đức Thế Tôn là người có cá tính riêng của mình, nếu chúng ta đọc trong kinh Sư Tử Hống Đại Kinh có nhắc đến Tôn Giả  Nàgasamàla. Vị này vào tu thời gian ban đầu không thể hiện được tâm nhu nhuyến nhưng về sau khi phát triển tuệ quán Tôn Giả trở thành một vị Alahán như chúng ta thấy ở trong Theragatha kệ. Câu chuyện vị này tu tập chứng quả không phải đề tài chúng ta nói hôm nay, đề tài chúng ta đề cập đến hôm nay một giai thoại Tôn Giả Nàgasamàla có hành xử cứng đầu ương ngạnh khi đi với Đức Phật.

      Phải nói đây là một trong những giai thoại thỉnh thoảng ở trong cuộc sống chúng tôi cũng có tâm niệm khi nghĩ đến giai thoại này, bởi vì trong sinh hoạt hàng ngày ở trong việc làm có những điều không nên làm và mình thấy rõ ràng có vấn đề nhưng chúng ta không có nói được không thuyết phục được một số người nào đó vì tính họ như vậy thì mình nên chịu, mình hoàn toàn không có thể nào nói gì được. Những lúc đó thay vì buồn phiền chúng tôi lại nhớ đến hình ảnh của Đức Phật, Đức Thế Tôn là Phật, Thế Tôn là bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư và đôi lúc có những đệ tử Ngài không biết lắng nghe không biết làm theo cho đến khi gặp những chuyện không hoan hỉ trở về trình với Đức Phật, Đức Phật Ngài mới khai thị cho những vị này. Không phải một trường hợp, đôi khi có vài ba trường hợp như vậy như các Tỳ Kheo ở Kosambì chẳng hạn. 
 
Ở đây, Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh loài chim diệc khi người ta nuôi nó bằng sữa, giống như mình nuôi chim sáo trong nhà. Loài chim diệc được nuôi với sữa khi gặp nước lạnh nó không uống chỉ uống sữa. Ví như ở Mỹ thường người ta nuôi chó với một thực phẩm riêng của nó tới khi cho ăn những thứ khác nó không ăn vì nó  ăn thực phẩm riêng của nó đã trở thành thói quen như vậy. 


Trong bài kinh Đức Thế Tôn đã nói lên lời cảm hứng:

 Cùng đồng hành, cộng trú 
 Khó phân biệt trí ngu 
 Một khi đã nhận rõ
 Nên rời người thiếu trí 
 Như chim nuôi bằng sữa
Không chịu uống nước lã. 

 Loài chim diệc được nuôi ăn với sữa nó không uống nước. Bậc trí không thân cận người ngu. Bài kinh có ý nghĩa   trong lúc đồng hành trong lúc cộng trú tức cùng đi và cùng sống thì ai cũng giống nhau nhưng một khi đã phân biệt được người trí và kẻ ngu thì nên từ bỏ kẻ ngu giống như loài chim con sáo hay chim diệc được nuôi với sữa khi gặp nước nó không uống nước mà nó chỉ uống sữa. Đại khái bài kệ ý nghĩa như vậy.

Về điểm này phải nhìn nhận trong cuộc sống có những suy vong có những dấu hiệu sống với một người ác quấy biết rằng sai nhưng thật sự họ không bao giờ bỏ hết không có thái độ dứt khoát, chuyện này là một chuyện rất bình thường nói về cá tính nó không phải nói về sự nhu nhược mà nói về sự thiếu quyết đóan của bản thân, với một người trí giống con chim diệc bình thường không phải là uống sữa nhưng khi nó được nuôi bằng sữa nó đã quen khi gặp nước nó không uống.

Ở trong lời dạy này của Đức Phật Ngài nói lên thái độ của một người có trí có sự phân biệt và khi có trí có sự phân biệt rồi người đó có làm sự lựa chọn có thái độ rõ ràng. Giống như trong đời sống chúng ta hàng ngày chúng ta đi chung một xe sống chung trong một hội chúng hay giao tiếp với nhiều người chúng ta không biết ai là ai nhưng một khi chúng ta đã nhận ra người đó như vậy rồi thì chúng ta không có qua lại kết nối bởi vì chúng ta biết người đó là người không nên thân cận.

 Ở đây chúng tôi xin được nói như vầy, có một thái độ không rõ ràng trong cuộc sống và thái độ này trừ khi chúng ta nghĩ rằng nó không có vấn đề gì bởi vì có những người sống họ giao thiệp rộng, ai cũng giao thiệp, ai cũng thân thiết qua lại được, ai cũng là người cộng tác được. Riêng chúng tôi biết một điểm rất rõ ràng có những người quen sống chung với một số người nào đó lâu ngày họ bị những người đó ảnh hưởng và ảnh hưởng một cách rất sâu đậm trong tư tưởng, hành động, lời nói ở trong sự sinh hoạt hàng ngày, họ thay đổi đến nỗi chúng ta không ngờ được bởi vì do sự thân cận mà ra. 

Trong kinh Hạnh Phúc (Kinh Điềm Lành) Đức Phật dạy: 


"Không gần gủi kẻ ác, thân cận bậc trí hiền". 

Điều đó rất cần thiết rất quan trọng. Chúng ta không nên quá tin hay không nên quá tự thị nghĩ rằng mình có thể không bị thay đổi hoặc có thể giữ được lập trường tốt, giữ được hướng đi tốt, giữ được cuộc sống tốt dù ở trong bất cứ sự thân cận nào. Thật tình mà nói sự thân cận và người thân cận ảnh hưởng chúng ta nhiều hơn chúng ta suy nghĩ, nhiều hơn chúng ta tưởng. 

Chúng tôi để ý thấy một điểm ở trong một ngôi chùa sự sinh hoạt của một ngôi chùa nào vị thầy thích chuyện trang trí thì những người Phật tử đi theo cũng thích trang trí và vị thầy thích chuyện làm ăn buôn bán những người Phật tử cũng thích làm ăn buôn bán cả hội chúng như vậy, vị thầy thích khuynh hướng nào thì người đệ tử đi theo khuynh hướng đó là đa phần, ngay cả một vị thầy thích đám đông chúng ta tạm gọi là thích nổi xum xoê ở bên ngoài thì những người học trò cũng mang tính cách giống như vậy. Đó là một điều có lần Đức Phật Ngài dạy khi Ngài nhìn thấy những vị Tỳ Kheo đi theo các vị trưởng lão như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Ngài Anirudha v.v... Đức Phật Ngài lưu ý những vị Tỳ Kheo đi theo những vị Trưởng Lão nào thì những vị đó cũng có cùng khuynh hướng của vị Trưởng Lão đó.

Bài kinh hôm nay nói về Tỳ Kheo  Nàgasamàla khi đi chung với Đức Phật tới con đường rẽ hai ngã và vị Tỳ Kheo này mặc dầu đi với Đức Phật nhưng vị Tỳ Kheo này mới xuất gia và lại trở thành một người thị giả tạm thời không phải như thị giả Ananda theo hầu Đức Phật. Khi thấy con đường rẽ hai ngã, Đức Phật Ngài nhận thấy có một con đường nguy hiểm là hiểm lộ Ngài không đi và Ngài dặn đi bên đây. Có lẽ con đường hiểm lộ đó có cây cao bóng mát sơn thủy hữu tình sao đó vị thị giả lại quyết định đi trong khi Đức Phật Ngài dạy đừng đi, Sau cùng vị này đặt y Tăng già lê và bình bát của Đức Phật trước mặt đức Phật và lễ Đức Phật xong quyết định đi theo con đường hiểm lộ đó. Đúng như lời Đức Phật dạy, đi một đoạn thì nhiều người đã rơi vào tai nạn tại vì có nhiều cướp, bọn cướp biết người lạ hay chọn con đường hiểm lộ và vị Tỳ Kheo này cũng bị bọn cướp đánh đập bị thương tích, bể bình bát rách y nhưng cũng thoát thân được về gặp Đức Phật.

  Dĩ nhiên, chúng ta nói như vậy nếu một vị Tỳ Kheo sống có hiểu biết thì không nói nhưng những người không có hiểu biết không có trọn niềm tin không đặt mình ở dưới sự hướng dẫn hoàn toàn của Đức Phật thì chuyện đó vẫn có xảy ra thời Đức Phật còn tại thế.
  
   Cái khó khăn tất cả chúng ta phải đối diện ở trong đời sống hàng ngày, chúng tôi gặp không biết bao nhiêu người không biết bao nhiêu thứ tuy nhiên với người Phật tử thường thường có cái nhìn ngược lại,  nếu chúng ta đọc vào trong kinh sách có cái nhìn thực tế cụ thể đời sống, cái thực tế người Phật tử nhìn đó là nếu mình đi trên con đường hay mình sống ở một nơi nào đó có một con kinh đào và mình muốn qua con kinh đào đó thì mình phải xây cầu và xây  cầu đó để mình muốn đi qua ngang một con nước mình không thể lội, mình không muốn lội, mình xây cầu vì cái cầu đó nó xây lên chỉ với mục đích để vượt qua con nước đó, chúng ta gọi là đáp ứng với nhu cầu thực tế. Và cũng có những người họ quá mê làm cầu, chúng tôi lấy ví dụ như mình làm vườn kiểng ở trong vườn kiểng mình muốn làm một cây cầu thì người ta bắt cây cầu rồi người ta mới đem nước đổ vào tại vì nếu cây cầu bắt ngang vùng đất khô nhìn không có giá trị thành ra người ta phải đổ nước vào. Bắt cây cầu rồi lấy nước đổ vào làm một con đường nước ở phía dưới nó không phải thái độ thực tiễn trong sinh hoạt hàng ngày của người Phật tử.

  Khi mình làm một sự chọn lựa gì đó đa phần chúng ta chạy theo cái gì mình thích nhiều hơn làm vì nhu cầu thực tế. Ví dụ có hai con đường đi, một con đường mình đi được ngắm cảnh đẹp cho vui, một con đường đi an toàn nhanh chóng nhẹ nhàng vì mình chỉ muốn dùng con đường đó làm một phương tiện để đi qua đi tới một nơi nào đó thay vì đi ngắm cảnh thay vì chỉ đi cho có đi. Thì bao nhiêu thứ trong cuộc sống cần tinh thần thực tiễn để chúng ta đến gần với giáo pháp, Đức Phật Ngài thường ví dụ giáo pháp như một phương thuốc để trị bệnh hơn giáo pháp như một thứ phù phiếm của cuộc sống. Trong sự thân cận với bạn bè, trong sự giao tiếp với xã hội nếu chúng ta tìm được nhu cầu thực tế tương đối chúng ta có thể đứng vững được là chúng ta biết chúng ta cần gì muốn gì và mình nên thân cận với ai. 
   
   Nhưng một khi con người không có được mục đích rõ ràng đó dễ rơi vào tình trạng trù trừ. Chúng tôi lấy ví dụ như mình chơi thân với người khác chỉ vì mình cô đơn mình thích tụm năm tụm ba tại vì mình chán sống một mình, không thích đời sống một mình. Hoặc giả mình muốn thuộc một nhóm nào đó thuộc một số người nào đó. Chúng tôi gặp rất nhiều vị đi tập thái cực quyền hoặc giả tham gia một nhóm người sinh hoạt gì đó chỉ đơn thuần họ rảnh quá không biết làm gì, khi rảnh quá không biết làm gì thì họ lại tham gia cái này tham gia cái kia. Khi tham gia cái này tham gia cái kia bởi vì mình không biết làm gì rảnh trong đời sống điều đó rất khác biệt với một người cũng tập thái cực quyền nhưng họ tập bởi vì họ có nhu cầu về sức khỏe họ cần làm như vậy. Hai điều đó nhìn bên ngoài không khác nó giống nhau. Tuy nhiên từ mục đích từ sự cảm nhận xâu kín trong thâm tâm mình, chuyện đó mình biết chứ không ai biết hết thì mình thấy giá trị nó khác biệt. Điều chúng tôi muốn nói ở tại đây một người đi tập thái cực có mục đích về vấn đề sức khỏe khác với một người đi tập thái cực bởi vì buồn quá muốn tham gia vào nhóm nào đó. 
   
   Cũng như mình bắt cây cầu là mình có nhu cầu đi ngang một con nước khác với mình bắt cây cầu tại vì mình muốn làm sân kiểng, mình bắt xong rồi mình làm con đường nước ở dưới cây cầu đó là mục đích khác. 
   
   Thì một khi mình được nuôi nấng ở trong ngôi nhà giáo pháp mình được hưởng dụng lời dạy của Đức Phật để lại và chúng ta thấy được giá trị chân chính của cuộc sống rồi chúng ta biết rằng những việc làm những gì mình thay đổi có mục đích rõ ràng có ý nghĩa của nó hơn chỉ vì phù phiếm mà làm, chỉ vì không công rỗi nghề rảnh rỗi quá mà làm. Không phải như vậy. Và đây là một thái độ sống rất khó để một người bình thường nghĩ rằng nó là một thứ đạo lý màu nhiệm mà kỳ thật khi chúng ta đọc vào trong kinh điển của Đức Phật, Ngài dạy chúng ta nên đem cái nhìn thực tiễn như vậy vào trong cuộc sống hàng ngày.
   
    Chúng tôi lấy một ví dụ tại sao tinh thần và thái độ lựa chọn thực tiễn lợi lạc cho đời sống của chúng ta. Nếu mục đích của cuộc sống mang lại sự an lạc cho bản thân mang lại an lạc cho nội tại chúng ta không cần phải rộn ràng nhiều chúng ta cũng không cần phải đặt để cho chúng ta quá nhiều điều kiện sống bởi vì sự an lạc nó có thể đến ở trong một cái gì rất ư nhẹ nhàng rất ư bình dị chứ không phải cầu kỳ như chúng ta muốn nếu mục đích của chúng ta là làm cho đời sống an lạc. Lấy một ví dụ một ngày chúng ta có được 3, 4 tiếng đồng hồ rảnh rỗi có thể đi bộ có thể ngồi đó uống một chum trà lắng nghe một cái gì đó có ý vị, suy nghĩ chuyện gì đó mang lại lợi lạc cho mình thì điều đó vẫn có ý nghĩa hơn chúng ta tất bật rộn ràng với việc gì đó mà rốt cuộc nó không đáp ứng được nhu cầu. Chúng tôi nghe nhiều vị than phiền cả năm trời mới được 2 tuần lễ nghỉ hè, cứ nghĩ nghỉ hè là dịp để làm cho mình vui hơn làm cho mình thoải mái hơn. Sau 2 tuần lễ nghỉ hè về thấy 2 tuần lễ nghỉ hè vất vả quá phải lo lắng cho nhiều người phải tính toán đủ điều tốn bao nhiêu tiền bạc rồi đi chơi một tuần lễ chỉ mong cho nghỉ hè kết thúc để mình khỏe thôi. Chúng tôi rất hiểu tâm trạng như vậy, tại vì sao vậy, có những bà mẹ có những ông cha đặc biệt có những người phụ nữ rất đảm đang có nhiều trách nhiệm cho chồng cho con khi đi nghỉ hè cả gia đình người này phải lo thức khuya dạy sớm để lo miếng ăn cho tất cả mọi người lo cái này lo cái khác trong khi mọi người vui vẻ thì mình lo cho 2 tuần lễ nghỉ hè về mình rất mệt nhọc rất mệt mỏi mặc dù đi nghỉ hè tạo cho mình sự khỏe khoắn. Có lẽ về điểm đó chúng ta nên thay đổi làm sao đi nghỉ hè để mang cho mọi người được thời gian an lạc không phải chỉ có một số người này không có số người kia, điều đó khó, nó đòi hỏi sự phân chia công việc một cách tổ chức không đặt gánh nặng lên một người nào đó. 
  
 Chúng tôi nói nhiều thí dụ để thấy một điều, nếu mục đích của cuộc sống là làm cho chúng ta an lạc thì chúng ta phải thấy rõ mục đích đó. Tại sao Đức Phật Ngài nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về sự Khổ, Ngài nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những điều liên hệ đến đời sống bởi vì Ngài khuyên chúng ta nên trở về với giá trị chúng ta nên quan tâm nhiều nhất đó là trạng thái an lạc hay trạng thái thanh tịnh hay phiền não của nội tâm cho dù chúng ta có làm việc gì đi nữa cho dù chúng ta có những thành công gì đi nữa nhưng nó cứ làm cho chúng ta phiền não và tiếp tục phiền não, phiền não càng ngày càng chồng chất thêm thì chúng ta thử đặt lại vấn đề là mình có nên theo đuổi nó hay không? 

 Hay hoặc giả qúi vị thấy ở trong đời sống chúng ta đọc những câu chuyện rất thương tâm, có những người phụ nữ hay người đàn ông sống chung với vợ sống chung với chồng, sống suốt cuộc đời như địa ngục, có khi bị hành hạ bị ngược đãi nhưng họ vẫn theo đuổi vì cái gì đó, đôi khi họ quên hẳn đi họ đã hoang phí cuộc sống rất dài chỉ sống trong  phiền não.

  Thì cái nhìn thực tế cái nhìn thực dụng trong đời sống luôn luôn là một cái gì đó Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên trở lại với đời sống này. Thông điệp muôn thuở của Đức Phật thông điệp của thực tiễn đây là KHỔ, đây là NHÂN SANH KHỔ, đây là sự DIỆT KHỔ, đây là CON ĐUỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ DIỆT KHỔ. Chúng ta thấy được có những gì chúng ta nên làm chúng ta cần làm.
  
  Đức Phật Ngài dạy ở trong đời sống một người trí đã thấy được điều này nên, điều kia không nên, thì có thái độ giống như thái độ của loài chim diệc được nuôi bằng sữa nó không bao giờ chịu uống nước lã tại vì nó quen uống sữa rồi. Tương tựa như vậy nếu trong mỗi chúng ta có chất của Pháp Phật có chất cảm nhận lời Phật dạy thì luôn luôn chúng ta có thể nhất thời có những sai lầm nhất thời có những lúc không sáng suốt nhưng một khi đã nhận ra điều đó là như vậy đó thì chúng ta có thái độ lựa chọn, có thái độ dứt khoát.
  
  Chúng tôi thường học điều này ở rất nhiều nơi, con người chúng ta hay có thái độ trù trừ, có thái độ không dứt khoát, thái độ không rõ ràng ở trong sự lựa chọn của mình, đơn giản là bởi vì chúng ta đã quen như vậy chúng ta ít bao giờ thấy được những sự việc đó ảnh hưởng lớn lao như thế nào hệ trọng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày. Hồi xưa chúng tôi rất thường uống nước coke có lẽ vì một thói quen nào đó nhưng khi chúng tôi biết mình bị tiểu đường rồi thì chúng tôi biết thứ nước uống đó không nên uống nữa và từ lúc đó tới bây giờ chúng tôi không hề uống coke là tại vì chúng tôi ý thức được điều mình bị tiểu đường không nên uống nước coke vậy thôi, nó không có chuyện gì phải suy nghĩ về chuyện đó.  Đó là một trong những thí dụ.

Đôi khi mình nghĩ mình bắt buột phải sống thế này không thể sống thế kia, mình không thể thay đổi được bởi vì mình đã quen như vậy rồi. Ví dụ như mình quen tụm năm tụm ba, mình quen những chuyện phiếm luận, mình quen chuyện sinh hoạt nào đó, lúc nào không có cái đó mình cảm thấy rất buồn. Nhưng cũng có những Phật tử có được thời gian mươi ngày sống trong một khoá tu sống trong một khoá thiền cũng nhận ra rằng không nhất thiết mình lúc nào cũng phải sống như vậy, không nhất thiết lúc nào mình cũng phải theo đuổi con đường như vậy, sự dứt khoát giống như loài chim nuôi bằng sữa khi gặp nước nó không uống. 

Thì trong đời sống chúng ta là một chuỗi dài của sự lựa chọn. Như mình lái xe lựa chọn dừng lại hay chạy tới, quẹo trái hay quẹo phải, chúng ta không thể nói mình lái xe trên đường mà không có sự lựa chọn. Tất cả chúng ta đều phải làm những lựa chọn của đời sống nhưng trong sự lựa chọn đó có khi trù trừ có khi dứt khoát. 

Chúng tôi ở bên Mỹ thấy có trường hợp rất nhiều là chạy trên xa lộ ở những ngã rẽ để đi ra khỏi xa lộ chẳng hạn, tại những ngã rẽ đó người ta để những thùng phi có khi bằng thùng nước có khi bằng thùng cát, họ xử dụng vật liệu đó để khi chiếc xe đụng vào không dễ làm chết người, chúng ta để ý thấy những thùng phi chặn đó bị đụng rất thường. Chúng tôi có nói chuyện với một vị cảnh sát quen ông nói có một số người tuyệt đối không bao giờ họ đụng như vậy nghĩa là hoặc giả lựa bên trái hoặc lựa bên phải thì họ quyết định lựa, nhưng có những người gặp lúc cần phải lựa chọn quẹo trái hay phải thì họ không làm được sự lựa chọn đó và cuối cùng họ đâm vào giữa đâm vào các thùng phi chặn đó. Nghe rất khôi hài rất vô lý nhưng có nhiều người đâm như vậy tức là thay vì lúc đó phải quẹo trái quẹo phải bây giờ thì họ không làm quyết định được họ trù trừ ruốt cuộc đâm vào giữa, do đó chính phủ phải chuẩn bị để làm sao khi xe đâm vào chỗ giữa như vậy đỡ gây ra tai nạn chết người vì thái độ trù trừ. 

Thì đời sống của chúng ta không dễ dàng để lựa chọn như lời Đức Phật dạy trong bài học này bình thường mình không biết ai là thiện nhân hiền trí ai là người ngu ai là kẻ ác quấy nhưng một khi mình đã biết rồi thì mình nên có thái độ rõ ràng giống như loài chim diệc nuôi bằng sữa thấy nước lạnh thì nó không uống, một người có trí và là người có sự hiểu biết một khi nhận ra  người đó không đáng cho mình thân cận thì sẽ không thân cận ./. 


Monday, April 20, 2015

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp - Ví dụ về đặc tính của hạt giống

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp - Ví dụ về đặc tính của hạt giống

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-01-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay cho chúng ta trở  về với hiện tượng thiên nhiên của thực vật đó là hạt giống. Hạt giống có hai đặc tính:

1. Thứ nhất, từ một đơn vị nhỏ được gieo xuống nó tạo ra nhiều kết quả.
2. Thứ hai, đa số các hạt giống khi gieo xuống cần đất được dọn sạch để  không bị chen lấn hay bị lấn áp bởi những cây hoang cỏ dại.

Hai đặc tính này thật sự là hai điều tất cả hành giả tu tập đều nên biết.

1- Nói về đặc tánh thứ 1. Từ một chủng tử nhỏ tạo ra kết quả lớn. 

Với người buôn bán một lời một là đã khá. Nhưng với người nông nếu gieo 1 giạ lúa giống được kết quả 2 giạ lúa thì chắc chắn không ai gieo. Tại vì đối với nông gia không thể giống như thương gia một lời một được. Chúng ta thấy 1 hạt lúa gieo xuống tạo thành 1 bông lúa và bông lúa đó cho nhiều hạt. Đôi khi nhìn thấy những cây cao bóng cả lớn chúng ta có thể nghĩ nó từ một chủng tử rất nhỏ. Có vị nào nhìn thấy cây xoài lớn như một đại thụ đôi khi đầy trái nhưng sự bắt đầu đó từ một hột xoài khiêm tốn về kích thước, khiêm tốn về số lượng, chỉ một mà sanh ra muôn ngàn. Thật ra ở trong thiên nhiên có rất nhiều loại chủng tử hay hạt giống từ 1 sanh ra muôn ngàn.

Trong sự tu tập cũng tương tự như vậy. Nhiều khi chúng ta không nhận thức về điều này, do đó chúng ta cảm thấy mòn mỏi và không phấn khởi vì mình tu hoài không tới đâu, làm nhiều không được kết quả gì. Thật tình, có khi chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng nếu chúng ta có cái nhìn chân sát về sự hành đạo chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của mình.

Chúng tôi khi còn nhỏ sống với thân mẫu, Mẹ chúng tôi nhiều khi sai làm việc gì đó và chúng tôi làm rất cẩu thả làm cho có thì Mẹ chúng tôi hay nói rằng "làm giống như trả nợ qủi thần". Chúng ta đôi khi làm việc gì một cách miễn cưỡng, làm cho có làm bởi vì chúng ta không có sự hưng phấn, chúng ta không thấy được việc mình làm có kết quả nhiều. Chúng tôi biết có rất nhiều Phật tử đi chùa tu tập và cuộc sống tinh thần của những người này được phát triển về nhiều phương diện, nó bắt đầu từ hạt giống chúng ta gọi hạt giống Bồ Đề. Một lần nào đó trong cuộc đời được nghe một bài pháp và cảm nhận một cách sâu sắc một cách thấm thía từ bài pháp đó và khiến cho người đó trở nên thay đổi và họ lựa chọn đời sống tinh thần. Chúng ta có thể hiểu một sự chuyển hướng, một giai đoạn như vậy khởi nguồn từ một hạt giống hay chủng tử lành hay hạt giống Bồ Đề. 

Ở đây, bài kinh đặc biệt nói về giới. Một người nào đó phát nguyện thọ trì ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Sadi giới, Tỳ kheo giới. Ở trong sự phát nguyện làm cho người đó có sự hoan hỉ, làm cho người đó có được lòng tự tin và từ đó người đó đi tới.

 Đức Phật Ngài dạy trong kinh một câu đối với nhiều người xuất gia cũng như tại gia đọc cho có đọc hay nghĩ đó là một câu ca ngợi. Đức Phật dạy rằng khi một đàn ngựa đem đến trước nhà vua thì con ngựa được huấn luyện một cách thuần thục sẽ là con ngựa được nhà vua lựa chọn gọi là con tuấn mã. Trong đời sống tu tập vị Samôn thuần hóa cuộc sống của mình thì chính là nơi quy ngưỡng của nhân thiên. Nói một cách khác, từ khả năng tự chủ tự chế khép mình vào một số sự thực hành về các loại giới Đức Phật ban hành, một vị Tăng sĩ một vị hành giả có thể tự tạo cho mình một niềm tin  một cơ sở và cơ sở này làm sức bật làm điểm tựa cho vị này đi tới. Trong các trường thiền nhiều vị hành giả được khuyến khích bắt đầu với sự tu tập thường  Bát Quan Trai giới và đôi khi ngũ giới, và có một số trường thiền khuyên hành giả nên tuân  thủ về giới học tăng thượng tức là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng. Ví dụ vào trong trường thiền một hành giả có thể xin giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu thì nếu tinh tấn hơn nữa đặc biệt ngày nay qúi vị sang một số trường thiền của Ngài Ajahn Chah như tu viện Abhayagiri ở bên Anh quốc chẳng hạn, thì 8 giới gọi là Bát Quan Trai trở thành thanh qui của tu viện và thanh qui của hành giả. Không sát hại sinh vật, không lấy của không cho, không quan hệ nam nữ, không nói sai sự thật, không uống rượu và dùng các chất say, không ăn phi thời, không ca vũ nhạc kịch hay thưởng thức ca vũ nhạc kịch, không xử dụng hương liệu những đồ trang sức và không nằm ngồi chỗ cao sang, những điều đó người ta có thể thực hành do hoàn cảnh, ví dụ mình vào trong trường thiền thì không có điều kiện để làm những thứ đó nhưng nếu một người phát nguyện hành trì trong sạch 8 giới như vậy thì  tạo cho vị này niềm hoan hỉ, tạo cho vị này một chút tự tin mình có thể làm được, mình có thể thay đổi một chút gì về cuộc sống của mình và từ chỗ đó khích lệ hành giả đi tới.

 Ở trong đời của chúng tôi có một kỷ niệm, hồi nhỏ chúng tôi bị nói đớt, nói đớt nghĩa là một chữ nói không được, khổ là chúng tôi không nói được chữ "đ" mà tên của chúng tôi khi sanh ra ông thân đặt là "Phạm Thành Đẳng" và chữ "Đẳng" bắt đầu là chữ "đ", mỗi lần ai hỏi "con tên gì?" thì chúng tôi trả lời là "dạ con tên Ăng" chứ không nói tên "Đẳng" được, chúng tôi nói đớt như vậy suốt cả từ nhỏ cho đến khi lên trung học. Và khi chúng tôi mới vào trong chùa  gặp Sư Trưởng, Sư Trưởng có một quyết tâm làm thế nào chúng tôi có thể nói được chữ "đ". Chúng tôi nhớ Sư Trưởng tập cho chúng tôi nhiều cách kể cả câu chúng tôi không bao giờ quên được trong đời là "đắm đuối đầu đường đi đớ đẩn", mình nói một chữ đã đớt rồi bây giờ nói nhiều chữ sao nói được nhưng cũng ráng nói cũng cố nói. Chúng tôi nhớ vào chùa được khoảng 3 tuần lễ thì chúng tôi nói được chữ "đ", chúng tôi chạy lên nói với Sư Trưởng là con đã nói được rồi. Từ đó chúng tôi có tự tin nhiều hơn. Ngày xưa mỗi lần nói chuyện chúng tôi rất ngại tại vì mình nói đớt mình nói người ta cười nhưng khi đã nói được chữ đó mình có lòng tự tin một chút thì bắt đầu đi tới.

Ngày hôm nay người ta dùng chữ "sức bật", là có cái gì đẩy mình đi tới. Đó là một sự khởi sự, đó là sự bắt đầu. Và đối với sự khỏi sự bắt đầu này trở nên rất khiêm tốn nhưng nó đủ sức bật cho mình đi tới. Có một hiện tượng thường xảy ra ở nhiều người Phật tử đó là chúng ta quen sống với một thứ triết lý rất cao rộng, có nhiều người chưa thực hành gì đã nói đến Tánh Không  đã nói đến Trí Tuệ Bát Nhã, đã nói đến Phá Chấp. Khi chúng ta nói những gì quá cao quá xa quá rộng rồi sau cuộc mạn đàm đó chúng ta lại trở về với cái gì rất tầm thường trong đời sống, mình cảm thấy không phải mình bàn chuyện đạo mà mình đang coi một phim rất hay ở trong rạp người ta chiếu cho mình xem một câu chuyện, một thế giới, mà thế giới đó rất huyền ảo, thế giới rất đẹp, nhưng sau khi vãng tuồng rồi hết phim rồi mình bước ra bên ngoài trở về với thực tại, con đường đó, bước chân đó, cuộc sống đó nó tầm thường  nó không diễm lệ nó không đẹp như trong cuốn phim, đôi khi ta cảm thấy hụt hẫn. Nhưng phải nói một khi mình triết lý nhiều quá mà mình không có sự bắt đầu thì chúng ta thiếu cơ sở thiếu căn bản. 

Khi TT Tuệ Siêu và chúng tôi mới vào chùa nhận thấy sống trong chùa cũng thọ Bát Quan Trai nhưng những ngày Bát Quan Trai giới thì vui lắm, ngày hôm nay phải nói rằng không khí đó không còn nữa, ngày xưa mỗi lần thọ Bát Quan Trai hay một đêm thọ đầu đà mình rất mong mỏi rất trông để tới ngày đó và có lẽ về sau này khi hồi tưởng lại những năm tháng đó chúng tôi nhận ra chính những năm tháng đó đã là một sức bật đưa chúng tôi đi ở trong cuộc đời tu tập có bao nhiêu niềm tin bao nhiêu sự hoan hỉ và bao nhiêu sự mời gọi lên đường. Sự khởi sự luôn luôn quan trọng. Và khi sự khởi sự gọi là một hạt giống gieo xuống thì hạt giống đó tuy nhỏ bé tuy khiêm tốn nhưng phải có khả năng đâm chồi nảy lộc, phải có khả năng tiếp nối, phải có khả năng lớn mạnh. Đây là một ở trong những bí ẩn lớn nhất của sự tu tập. Có những người sống trong chùa rất lâu đi chùa rất nhiều nhưng họ không có khả năng lớn mạnh ở trong giáo pháp, ngược lại có những người chỉ mới tiếp xúc với giáo pháp đã có thể vươn dậy, vươn dậy rất nhanh, niềm tin của họ, giới của họ, sự tu tập của họ, sự hoan hỉ ở trong chánh pháp của họ lớn mạnh nhanh chóng, bởi vì sao vậy? họ gieo được hạt giống tốt. 

Tất cả những người làm nông đều biết hạt giống quan trọng. Ví dụ trồng bắp mình phải lựa hạt giống tốt, mình trồng khoai mì phải lựa những khúc thân khoai mì khỏe chứ không phải khúc non, khi mình trồng mía thì mình cũng phải lựa những hom mía nào tốt nhất để trồng xuống. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ sống ở quên ngoại thấy ông ngoại muốn làm giống ớt hay giống cây gì thì ông ngoại lựa trái tốt nhất giữ lại, chúng tôi thắc mắc tại sao không lấy những trái đèo những trái hư như vậy khỏi phí sao lại lấy trái tốt nhất, ông ngoại giải thích trái tốt nhất cho hạt tốt nhất và hạt tốt thì mọc lên cây tốt. Bây giờ người ta nhận thấy trong thiên nhiên những gì thuộc về hạt giống không phải nó có khả năng để làm thay đổi chất đạm mà nó còn có những dưỡng chất những dưỡng tố mà dưỡng tố đó rất tốt cho sức khỏe chứ nó không phải mình nói hạt đó còn quá nhỏ nó không đáng kể gì. Ngày hôm nay người ta có dùng cây mạ, thí dụ cây mạ của lúa mì họ xay ra lấy nước uống, những mầm bắt đầu cuộc sống bởi vì nó là điểm bắt đầu nên nó hàm chứa rất nhiều những dưỡng tố quan trọng. Đó là chúng ta nói về phương diện sinh học.

Tương tựa. Một hành giả tu tập luôn luôn ý thức mình phải biết chọn hạt giống tốt nhất và bắt đầu từ đó. Phật giáo Bắc Truyền có một tác phẩm ảnh hưởng rất lớn là "Phát bồ đề tâm" đã trở thành một giáo thuyết rất quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Nhưng nếu chúng ta nói chuyện với các vị Kim Cang Đại Sư của Tây Tạng chúng ta thấy thật ra lý thuyết phát Bồ Đề tâm đơn giản đó là làm thế nào một chủng tử thiện, một chủng tử lành có thể được gieo trồng làm cho hưng phấn tạo nên một sự bắt đầu rất vững trãi mạnh mẽ để có thể lớn dần để có thể đi tới trong hành trình tu tập của mình. Nhiều người không xem nặng việc này. Bởi vì vạn sự khởi đầu nan, mới bắt đầu luôn luôn khó khăn nhưng cũng không hẳn như vậy, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ lại, nếu chúng ta có khả năng nhìn lại trong cuộc sống những gì mình làm thì đa phần điểm bắt đầu. Người Trung Hoa họ thường nói câu điểm xuất phát. Điểm bắt đầu đó là điểm rất quan trọng, điểm bắt đầu đó chủng tử được gieo xuống nó thay đổi cả kiếp người, nó thay đổi cuộc sống. Nên một hành giả phải thấy được khi mình tu tập không có nghĩa là mình ngồi đó dệt mộng mơ về một cái gì xa xăm một phương trời viễn mộng. Sự tu tập là hãy gieo vào trong lòng mình một chủng tử thiện một hạt giống lành và hạt giống đó đủ khả năng để lớn mạnh cho dù hạt giống đó là một sự khởi đầu rất khiêm tốn nhưng nó lại là cái đích điểm ban đầu và cũng ảnh hưởng cho đến đích điểm sau cùng chúng ta hướng đến. Nên đặc tính thứ nhất của hạt giống là cái gì nhỏ bé khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng cho cả hành trình cuộc sống về sau này. Một người có trí biết gieo cho mình hạt giống lành hạt giống thiện. 

Trong cuộc sống của chúng tôi có một vài điều phải thưa rằng ảnh hưởng chúng tôi rất lớn, và chúng tôi tạm nghĩ đó là những hạt giống. Chúng tôi đơn cử 3 thí dụ:

 1- Thí dụ đầu tiên, hồi nhỏ chúng tôi đọc một đoạn kinh Đức Phật dạy "Này Chư Tỳ kheo, Như Lai nói một người phát khởi tâm từ đến vô lượng chúng sinh cho dù trong mỗi khoản khắc mảy may như một khảy ngón tay thì quả báu vô lượng". Thật ra chúng tôi nghiệm không ra chuyện đó, bởi vì nghĩ một con người muốn có lòng từ bi phải trải qua bao nhiêu công quả, bao nhiêu đóng góp lớn lao và nó đòi hỏi bao nhiêu thì giờ, cái phát triển lòng từ bi trong khảy móng tay mà được công đức vô lượng cái đó khó hiểu quá. Nhưng sau này dần dà chúng tôi nhận ra được một điểm là nếu có một thời khắc nào đó trong cuộc đời của mình mà thời khắc đó mình hoàn toàn thành thật với chính mình, ở một nơi thanh vắng một mình ở trong đền tháp và nguyện mong cho tất cả chúng sanh được an lạc. Chuyện nguyện mong cho tất cả chúng sanh an lạc kể cả những người quen thân, những người xa lạ, những người chung quanh, và những người mình không thấy được, những người thân thương với mình, và những người thù nghịch với mình, những loài rất lớn, những chúng sanh rất nhỏ. Chỉ với tâm mong cho tất cả chúng sanh đó được an lành thì như vậy là một hạt giống gieo xuống đủ đẹp, một hạt giống gieo xuống đủ cho chúng ta có một giây phút thanh thản nhưng rất cần thiết. 

 2- Cách đây khoảng 5 ngày ở Mỹ người ta phạt tù 8 tháng một người đàn ông trên 60 tuổi. Nguyên nhân chúng ta khó có thể tin được, ông này đi máy bay và ngồi bên cạnh một người phụ nữ da trắng nhưng có đứa con lai da màu, và khi máy bay chuẩn bị sắp đáp xuống thì trẻ em thường bị lùng bùng lỗ tai nó khó chịu nó khóc. Chúng tôi đi máy bay gặp nhiều trường hợp con nít nhỏ khi máy bay cất cánh hay đáp xuống nó khóc. Và khi nó khóc như vậy người đàn ông này bực bội,  ông kêu là làm sao cho nó câm miệng lại, ông dùng ngôn ngữ rất nặng nề đầy tính kỳ thị. Và khi đứa nhỏ không chịu nín nó cứ khóc thì ông tán nó một bạt tai vào mặt đứa nhỏ. Người đàn ông này có thái độ kỳ thị đối với một người khác màu da khác chủng tộc và thứ hai có lẽ ông cũng đang có chuyện gì không có vui bệnh hoạn trong người thành ra ông bực mình, đứa nhỏ khóc ông phiền quá ông đánh. Bên Mỹ tội đó nặng lắm, người lớn đánh đứa nhỏ khi máy bay đang đáp xuống  làm như vậy thật sự là một điều văn hóa Mỹ không chấp nhận được và ông bị tù 8 tháng. Nhiều lần, rất là nhiều lần chúng tôi ngồi trên máy bay hay ngồi trên xe lửa, hay đứng một nơi đông người chúng tôi tự hỏi rằng ở trong giờ phút đó mình làm sao mình trải tâm từ của mình tới tất cả mọi người mong cho tất cả mọi người được an lạc mong cho tất cả chúng sanh được an lạc dù đó là người gần hoặc xa thấy hay không thấy  lớn hay nhỏ thân hay thù nghịch

 3 - Chúng tôi cũng có một pháp tu ở trên email. Một ngày có khi chúng tôi nhận 300 cái email. Như qúi vị biết bây giờ email người ta gửi đủ thứ, thượng vàng hạ cám, có người gửi thơ kiểu này có người gửi thơ kiểu kia, khi bật email lên chúng tôi nhìn danh sách dài như vậy chúng tôi cũng có pháp tu. Trong danh sách đó ngó qua chúng tôi biết  người nào ca ngợi hay ủng hộ giáo hội, họ thân hay sơ, và những người nào không ủng hộ chửi mắng v.v... khi nhìn lướt email đó chúng tôi tự hỏi làm sao mình có thể nhìn những email này mong rằng tất cả những người đó đều được an lạc. Điều đó cũng là một điểm rất lợi lạc cho chúng ta. Tại vì sao vậy, nếu buổi sáng chúng ta nhìn một danh sách email dài chúng ta phiền não chúng ta hận thù chúng ta oan trái thì mình khổ tâm tư của mình bị phiền, bây giờ mình ngồi mình nhìn và mong cho tất cả được an lạc. Phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời sống là mình có một buổi sáng an lạc. 

Khi lên xe bus bao nhiêu người xa lạ, mình ngồi nhắm mắt chút xíu và niệm mong cho tất cả chúng sanh được an lạc,  khi ở phi trường cũng vậy. Xã hội ngày hôm nay chúng ta có nhiều dip sống giữa đám đông. Hay buổi sáng thức dậy trong lúc chờ đợi nấu nước xôi pha trà pha cafe chúng ta làm chậm rãi và mong rằng tất cả chúng sanh chung quanh được an lạc thì lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật dạy: Này chư Tỳ Kheo, Như Lai nói rằng khi từ tâm khởi phát nhiều trong một khảy móng tay được công đức vô lượng". Tại vì sao vậy, ít nhất trong những giây phút đó mình thấy rằng mình không có oan trái với bất cứ loài nào, oan trái với bất cứ ai và chỉ mong như vậy thôi. 

Đời sống của chúng ta lưôn luôn bị cấn cái, tức là mình muốn tu nhưng mình còn ghét người này còn phiền người kia. Có đôi khi mình trách hờn mình nói rằng tôi muốn tu họ không cho tôi tu, nhưng thật sự không phải người ta không cho  tu mà tại tâm mình bị cấn cái thích chuyện này không thích chuyện kia. 

Đời sống con người thiếu tâm từ giống như địa ngục, lúc nào mình cũng phiền hà, lúc nào cũng có người để mình giận. Thật ra nếu để oán trách để giận hờn để phiền não chúng ta có ngàn chuyện có trăm chuyện có đủ thứ lý do để giận. Nếu chúng ta thích giận vào trong rơom sinh hoạt chúng ta cũng có lý do để giận được, vào trong pháp hội chúng ta cũng có thể giận được. Và khi tâm của chúng ta muốn cho an lạc thì chúng ta cứ an lạc thôi.

Có một lần Đức Phật thuyết pháp trong một pháp hội ở chùa Kỳ Viên, đại chúng đang tập trú để nghe Đức Phật thuyết pháp, có vài người họ lợi dụng cơ hội để móc túi, Đức Phật có nói một câu kệ ngôn. Nhưng ở đó mình thấy một điều như vầy là có người gặp Đức Phật ngồi trong pháp hội thay vì ngồi đó đón nhận hương vị của chánh pháp để khai tâm mở trí nhưng người này thì không, họ dùng cơ hội đó để móc túi.

 Đời sống của chúng ta luôn luôn có những bất hạnh như vậy. Buổi sáng sớm thức dậy một ngày mới ở bên ngoài mặt trời lên lẽ ra chúng ta bắt đầu với một ngày rất thanh tịnh, thanh thản hưng phấn. Thì không. Buổi sáng thức dậy nghĩ đến chuyện phiền hà người này oan trái với người kia để làm gì? để làm khổ mình, để làm phiền mình, và để cho mình có một ngày kém đi an lạc. Và do vậy nếu có được những giờ phút mình không có oan trái với bất cứ ai, không có hận thù bất cứ ai, không có đem tâm hãm hại bất cứ ai thì được an lạc, không sân, không hại. 

Chúng tôi nhắc câu chuyện về tâm từ  là một hạt giống và chúng tôi tin rằng tốt được gieo vào là một thí dụ.

Một thí dụ khác nói về hạt giống. Hồi chúng tôi mới vào chùa, chúng tôi thấy có một câu Phật ngôn Sư Trưởng in ở trên một cuốn sách của Sư Trưởng : "Vị Tỳ Kheo mến pháp, trú pháp, niệm pháp, hoan hỉ trong pháp, và sẽ không rời chánh pháp". Khi đọc câu đó tự nhiên chúng tôi cảm tưởng như mở ra cho mình một thế giới an lạc, thế giới đó mang lại cho mình hoan hỉ, mang lại cho mình sự an ổn, và đó là con đường đi của mình. Chúng tôi tạm nói đó là một hạt giống được gieo vào trong lòng mình, cái ấn tượng đầu đời một hạt giống một sự khởi phát ở giai đoạn nào đó nó quan trọng lắm. Chúng tôi nói lại là nó khiêm tốn nhỏ bé nhưng ảnh hưởng lớn.

2. Đặc tính thứ hai, đa số các hạt giống khi gieo xuống cần đất được dọn sạch để  không bị chen lấn hay bị lấn áp bởi những cây hoang cỏ dại.

 Và đặc tính thứ hai của hạt giống. Về điểm này tất cả những người làm ruộng làm rẫy làm vườn đều biết. Hạt giống mới gieo xuống, mầm mới được nảy sinh cần được bảo vệ và miếng đất càng dọn sạch hạt giống càng dễ tăng trưởng. Đó là nguyên tắc tất cả nhà nông nào cũng đều biết. Chúng ta đem lúa xạ trên một cánh đồng chưa làm sạch, ở miền quê đất ruộng trước mùa cày cấy cỏ hoang cỏ lát mọc nhiều thì lúa không mọc được. Người ta phải cày đất lên rồi dùng cái trục bừa đất, tức là đất họ cày lên rồi phơi nắng, những luống đất cày lên như vậy mới đè lớp cỏ chết đi, khi  mưa xuống họ trục làm sao cho đất nát vỡ vụn ra, như vậy đất sẵn sàng vừa sạch và vừa màu mỡ để cho vụ mùa sắp tới. Mình làm vườn làm rẫy cũng vậy, dọn cỏ cho sạch, nếu cỏ dại mọc chung quanh thì những cây con lên không nổi tại vì cỏ dại lấn những cây, chẳng hạn mình gieo khổ qua hay trồng đậu hay trồng cải vườn nhiều cỏ quá thì những thứ cây  không tốt được, đất phải làm cho sạch. Tương tựa như vậy với tâm, nhiều khi mình không hiểu nguyên tắc này hoặc mình hiểu nhưng không áp dụng mình nói tại sao tâm mình không được an lạc, trí mình không được sáng suốt, niềm hoan hỉ không khởi phát tại vì thiếu sự thanh tịnh. Do vậy với một người tu cơ hội bỏ bớt, cơ hội mình được yên tĩnh, cơ hội được thanh thản đối với mình có giá trị hơn sự rộn ràng hơn sự huyên náo hơn việc gọi đa sự hay bôn ba. 

Ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy  mình phải cho phép mình có được một không gian tĩnh lặng có được một điều kiện để  định tâm tỉnh trí thì những chủng tử lành mới tăng trưởng. Trong kinh Từ Bi có câu: "Một người muốn phát triển tâm từ người đó cần có những điều kiện ở trong những điều kiện đó là không có rộn ràng không dính mắc với các người thân với những người cư sĩ". Ví dụ như là một nhà Sư tu tập lúc nào cũng lăng xăng quá tâm từ không trưởng dưỡng được. Hay lúc nào cũng dính mắc gia đính nào đó của người cư sĩ lui tới thường cũng khó cho sự tu tập. Nói tóm lại là tâm của mình phải ở trong điều kiện thích hợp.

 Khi Đức Phật Ngài dạy về thiền Ngài dạy: "Vị tỳ kheo đi đến khu rừng, một ngôi nhà trống, một chỗ thanh vắng". Thật ra, Đức Phật đôi khi Ngài bầy tỏ sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với chư vị Tỳ Kheo tu tập bị chi phối bị khuấy động bởi ngoại cảnh bên ngoài. Ngài khuyến khích chư vị Tỳ Kheo nên sống nơi thanh tịnh, nên sống nơi núi rừng để tìm cho mình ít bị chi phối.

 Một hình ảnh rất cảm động mình có đọc kinh có suy niệm thì mới cảm thấy thương, mới cảm thấy qúi. Một người sadi 7 tuổi đi vào trong làng khất thực với Thầy của mình là Ngài Xá Lợi Phất, khi nhìn thấy hình ảnh một người chuốt mũi tên, một người đẽo bánh xe, một người đào mương dẫn nước hỏi vị Thầy: 

 - "Thưa Thầy, tại sao người ta làm việc đó"

 Ngài Xá Lợi Phất trả lời: 

 - "Người ta đào mương  để dẫn nước vào ruộng, họ chuốt cây để làm tên, và họ đẽo gỗ để làm bánh xe".

 Là vị trưởng lão nhưng Ngài rất kiên nhẫn để trả lời những câu hỏi đầy tỏ mò của vị Sadi. Vị Sadi đó đã không làm uổng công vị Thầy của mình khi nghe Ngài Xá Lợi Phất giảng như vậy thì nghĩ trong lòng: "Những thứ đó vô tri nhưng nếu khéo dẫn dụ, khéo trau chuốt, khéo mài dũa thì nó sẽ trở thành những thứ đắc dụng. Tâm của mình chắc cũng phải như vậy".

 Và vị Sadi này nói một câu rất trẻ thơ nhưng cũng là câu rất đáng ca ngợi: 

 - Thưa Thầy con muốn tu, con xin được phép đi về".

 Ngài Xá Lợi Phất hình ảnh của ông Thầy rất đẹp, biết vị Sadi đang có tâm tu tập Ngài nói:

 - "Con về đi lát nữa Thầy đi khất thực về sẽ mang thức ăn về cho con". 

 Hình ảnh rất đẹp. Vị Sadi trở về chùa Kỳ Viên tìm một nơi thanh vắng trong lúc chư Tỳ Kheo đang đi khất thực. Vị Sadi tìm nơi thanh vắng để ngồi xuống hướng tâm của mình vào trong đề mục thiền. 

 Câu chuyện cảm động không phải dừng ở tại đó. Ngài Xá Lợi Phật là vị Trưởng Lão khi vị đệ tử nhỏ của mình muốn tu tập và xin trở về chùa Ngài không rày còn nói "con về chùa tu rồi lát nữa Thầy mang thực phẩm về". Nhưng hình ảnh đẹp nhất một hình ảnh đẹp hơn nữa là Đức Phật bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư lúc đó Ngài đi khất thực về sớm Ngài ở trong hương thất Ngài thấy được vị Sadi đang nỗ lực thiền định và Thầy của vị Sadi đó là Tôn Giả Xá Lợi Phất đang trên đường về Đức Thế Tôn Ngài không muốn Tôn Giả Xá Lợi Phật mang thực phẩm đến làm giao động vị Sadi khi vị Sadi đó chưa thành tựu đạo quả, rồi Đức Phật bậc Pháp Vương Vô Thượng Ngài đã ra trước cổng chùa Kỳ Viên gặp Ngài Xá Lợi Phất Ngài hỏi chuyện như câu giờ làm Ngài Xá Lợi Phất chậm lại cho đến khi vị Sadi thành tựu quả vị Alahán thì lúc đó Đức Phật Ngài để cho Ngài Xá Lợi Phất đến gặp vị Sadi. 

 Chúng ta thấy hình ảnh của vị Trưởng Lão rất cảm thông rất kiên nhẫn với người học trò và ưu tiên cho người học trò việc tu tập và bên cạnh đó là hình ảnh của Đức Phật với tâm đại bi vô lượng Ngài nghĩ đến lợi ích của một người đang hướng cầu quả vị giải thoát và bản thân của Ngài đi làm một công việc canh chừng ngoài cổng chùa để Ngài Xá Lợi Phất không vào gặp vị Sadi. Thật ra đó là hình ảnh đẹp một bài học lớn. Có nhiều lần Đức Phật giảng trong kinh Ngài cảm thấy rất áy náy cho chư vị Tỳ Kheo tu tập chọn nơi không thích hợp để rồi làm hỏng đi sự tu tập của mình. Ở trong cuộc sống của chúng ta, ví dụ như mình đang làm chuyện gì quan trọng và có một cú điện thoại hay có những chi phối làm chúng ta dang dở nửa chừng thì thật sự nó hoài công thật sự là uổng phí. Chúng ta phải đầu tư nhiều để có được môi trường thích hợp. Và chúng ta nhớ như vầy, hạt giống cần một mảnh đất được dọn sạch được khai quang thì đời sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta rất cần sự thanh tịnh, cần môi trường thích hợp, cần điều kiện để những hạt giống lành được trưởng dưỡng và đặc tính đó của hạt giống là bài học lớn cho hành giả trong sự tu tập.

Bài học ngày hôm nay chúng ta đề cập đến 2 đặc tính của hạt giống: 

1. Điểm thứ nhất. Hạt giống là một sự khởi sự nhỏ bé khiêm tốn nhưng từ đó mang lại những kết quả to lớn nhiều gấp bao nhiêu lần so với hạt giống, nó cũng tương tự như vậy một chủng tử thiện được gieo trồng thì tạo ra không biết bao nhiêu hoa trái trong cuộc sống.

2. Đặc điểm thứ 2. Hạt giống gieo xuống cần một nơi được phát quang được dọn sạch và chính mảnh đất được dọn sạch nó hứa hẹn một môi trường phì nhiêu một môi trường màu mỡ để cho hạt giống được tươi tốt. Thiện tâm cần hoàn cảnh thanh tịnh, thiện tâm rất cần điều kiện thích hợp để cho nó được lớn mạnh.

Thông thường vào dịp Tết người ta thường nghĩ đến chuyện năm mới cầu tài cầu lộc nhưng chúng tôi nghĩ đối với một năm mới  và nếu chúng ta có một điều đáng để hy cầu thì điều đó là mong cho những tâm lành của chúng ta gặp được những mảnh đất đã được dọn sạch để sẵn sàng cho nó lớn mạnh. Nó là sự bắt đầu rất cát tường, nó là sự bắt đầu rất tốt đẹp. Và chúng ta thật sự thấy đặt tính của hạt giống cũng là gợi ý quan trọng  nó là một ví dụ giúp cho chúng ta hiểu được điều nào là trọng điểm của sự tu tập của sự vui công bồi đức.

 Đó là vài điều chúng tôi chia sẻ về hạt giống./.          

Thursday, April 9, 2015

Một việc mang lại nhiều phước đức

Bài Pháp: Một việc mang lại nhiều phước đức - Kinh Như Thị Thuyết (XIX) (Ek II, 9) (It. 11)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 18-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Khi đề cập đến Tăng chúng, chúng ta nhìn thấy Đức Thế Tôn từ buổi sơ khởi Ngài duy tri truyền thống của Chư Phật quá khứ cũng như vị lai xem việc thiết lập Tăng chúng là một việc rất quan trọng. 

Người Phật tử thời Đức Thế Tôn còn tại thế khi xác nhận bản thân của mình là một người theo Đức Phật thì luôn luôn đọc lên ba câu: 

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Phật.
 Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Pháp. 
 Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Tăng

 Ngày hôm nay qúi Phật tử đi qua nước Ấn Độ câu 3 Tam Qui đó trở thành 3 câu đặc trưng để khẳng định mình là người Phật tử. Người theo Ấn Giáo bình thường họ cũng biết được một đặc điểm của  Phật Giáo khác với tôn giáo khác vì người Phật tử không phải chỉ quy y Phật còn quy y lời dạy của Đức Phật và quy y cộng đồng Tăng chúng. 

Chư Tăng là phạm âm của chữ Saṅghaṃ có nghĩa là Tăng-già hay Tăng đoàn, Ở đây, điều đặc biệt nói đến số đông nói đến sự kết hợp. Về điểm này một người Phật tử trung bình có đi chùa hiểu điều đó rất ư là quan trọng.

Như chúng ta biết Tăng có hai. Về sau này người ta nói có Thánh Tăng và Hiền Tăng. Nhưng thật ra sự phân định giữa Thánh Tăng và Hiền Tăng là cái gì không rõ ràng.

Chư Tăng được phân ra làm hai:

- Một là  Savaka-saṃgha - bậc Thánh Tăng, những vị đã thành tựu quả vị Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay A La Hán, những vị này trưởng thành từ giáo pháp từ sự khai thị của Đức Phật và bản thân đã thành tựu được niềm tin trọn vẹn không bao giờ thay đổi bởi vì các vị đã đoạn tận phiền não đoạn tận các kiết sử.   

- Thứ hai là  Bhikkhu saṃgha hay Tỳ Kheo Tăng, đôi khi chúng ta dịch là Hiền Tăng. Nhưng thật ra chữ Bhikhu sangkha không phải là Hiền Tăng.  Bhikkhu saṃgha có thể bao gồm Thánh Tăng và Hiền Tăng nhưng ở đây được chỉ cho những vị được thọ giới theo luật định Đức Phật đã ban hành và sống giữa cộng đồng Tăng chúng có đơn vị từ 4 vị trở lên gọi là Bhikkhu saṃgha gọi là Tỳ Kheo Tăng. Ở trong cách dịch của người Anh họ thường dịch là conventional Sangha tức là Tăng thể do qui ước. Qui ước ở đây tức là những vị thọ giới và sau khi thọ giới thì vị này trở thành một vị Tỳ Kheo và 4 vị Tỳ Kheo trở lên thì gọi là một đơn vị Tăng saṃgha. 

Đặc tính của Tăng Đức Phật dạy có nghĩa là thuộc về cộng đồng, phải có số đông tối thiểu 4 vị. Nhưng căn bản ở đây khi nói đến việc của Tăng tức là việc chung. Khi nói đến việc Tăng là phải lấy quyết định bởi đa số. Khi nói đến việc Tăng việc đó phải vượt ngoài khỏi phạm vi cá nhân. Lấy một thí dụ, đời sống hàng ngày có lớn có nhỏ, một vị lớn muốn như vậy mình nhỏ nghe lời nhưng khi đã đưa vào phiên họp của Tăng đoàn rồi thì ý kiến của số đông và ngay cả vị nhỏ  ý kiến cũng ngang bằng với vị lớn, nếu trong một tăng sự một vị trẻ tuổi không đồng thuận  Chư Tăng phải giải quyết chuyện đó cho đến khi mọi thứ được thông qua. 

Đức Phật dạy người Phật tử khi làm phước thì nghĩ đến số đông làm sao cho Phật Pháp được trường tồn chứ không phải mình làm phước mình nhắm vào cá nhân của vị này hay cá nhân của vị kia. Về điểm này làm thay đổi rất lớn cách người Phật tử liên hệ với người xuất gia. Có nhiều lúc người Phật tử rất có lòng nhưng vì không hiểu đạo tạo nên tạo ra những hệ lụy tại vì quá sùng bái một vị thầy mà quên đi số đông. 

Do vậy khi đề cập đến đề tài này,  ngày hôm nay đầu tiên chúng ta phải khẳng định khi Đức Phật giảng về Tăng, Ngài đề cập đến cái chung, đề cập đến đại chúng, đề cập đến cộng đồng, và những ý nghĩa đó có giá trị lớn về Phật Pháp. Dù một vị xuất gia hay người tại gia khi làm việc Phật sự nghĩ đến điều đó thuộc về số đông.

Bây giờ chúng ta nói sang lãnh vực khác. Nhân chứng Phật Giáo được điểm bằng những giai đoạn Tăng chúng hòa hợp hay chia rẽ. Thời Đức Thế Tôn còn tại thế có hai sự kiện và hai sự kiện đó được ghi đậm ở trong lịch sử.

1. Sự kiện đầu tiên, chư Tỳ Kheo Tăng tại chùa Ghositàràma  ở Kosambì (Kiều Thường Di) có sự chia rẽ. Sự chia rẽ này đơn thuần một bên đồ chúng của một vị chuyên về Luật, một bên đồ chúng chuyên về kinh về Pháp vì chuyện nhỏ trong lúc xử dụng nhà vệ sinh rồi tranh cãi với nhau. Đại để, một vị đệ tử bên trì Luật đi vào nhà vệ sinh thấy gáo nước không úp xuống, và hỏi ra mới biết do đệ tử của vị Pháp Sư bên trì kinh đã bất cẩn như vậy. Ở trong Luật có dạy rằng cái gáo phải úp xuống. Chỉ như vậy thôi, một gáo nước úp xuống hay để ngửa nhưng không khéo lan rộng, cá nhân chỉ trích cá nhân, nhóm này chỉ trích nhóm kia, phủ binh phủ, huyện binh huyện, và cuối cùng 2 nhóm Tỳ Kheo một nhóm đệ tử của vị Luật Sư, một nhóm là đệ tử của vị Pháp Sư chỉ trích lẫn nhau, việc đó dẫn đến Đức Phật Ngài muốn dạy cho một bài học Ngài phải đi vào trong rừng an cư 3 tháng. Lúc bấy giờ vì chuyện  phân hóa do sự ra đi của Đức Phật ra đi của bậc Đạo Sư vào trong rừng đã tạo sự xét lại của tất cả Chư Tăng ở trong chùa Ghositàràma, Phật tử, và kể cả những vị Chư Thiên ủng hộ các vị này. Và rồi họ đã nhờ tôn giả Ananda đi vào rừng để thỉnh Đức Thế Tôn trở về.

Sự kiện thứ hai: cũng là một điều được ghi lại, đó là trường hợp của Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa muốn lãnh đạo Tăng chúng muốn là người đứng trên Tăng chúng nên Đề Bà Đạt Đa đã đến xin Đức Phật phê chuẩn cho 5 điều luật tuyệt đối. Ví dụ như vị Tỳ Kheo suốt đời chỉ mặc y phấn tảo chứ không mặc y do đàn tín cũng dường, vị Tỳ Kheo suốt đời ở dưới cội cây chứ không thể ở trong am thất, vị Tỳ Kheo suốt đời đi khất thực chứ không thọ nhận ở nhà trai tăng chẳng hạn. Những điều Đề Bà Đạt Đa đưa ra là những điều Đức Phật Ngài dạy Chư Tỳ Kheo có thể làm như vậy hay không làm như vậy, Đức Phật dành sự lựa chọn đó cho cá nhân hơn là Ngài đưa ra luật tuyệt đối. Đề Bà Đạt Đa vin vào lý do đó nói rằng ý muốn làm tốt cho Chư Tăng, muốn đưa ra những điều kiện cao qúi cho Chư Tăng mà Đức Phật không chấp nhận nên đã rủ một số Chư Tỳ Kheo trẻ mới tu không hiểu đạo đi theo mình. Đức Phật đã dạy hai tôn giả là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên đến ngọn núi nơi Đề Bà Đạt Đa đang có mặt cùng với các vị Tỳ Kheo bỏ đi. Ở tại đó 2 vị Thượng Thủ Thinh Văn đã dùng pháp thoại để khuyến dạy Chư Tỳ Kheo, cuối cùng mang 500 vị đó về. Nhưng Đề Bà Đạt Đa vẫn phạm tội chia rẽ Tăng. 

Chúng ta đọc lại trong giòng lịch sử của Đạo Phật thì trải qua rất nhiều giai đoạn trùng tụng kinh điển:

- Khởi điểm đầu tiên, Ngài Maha Ca Diếp. Trong thời gian Đức Thế Tôn Niết-bàn cho đến Đức Thế Tôn viên tịch, Ngài Ca Diếp tình cờ nghe được một vị Tỳ Kheo nói với những vị Tỳ Kheo khác: "Tại sao các pháp hữu lại khóc khi Đức Phật viên tịch, vị Đại Samon đã viên tịch rồi thì không có ai tiếp tục đặt ra luật điều này nên làm, điều kia không nên làm." Thay vì cảm nhận sự ra đi của Đức Phật là sự mất mát thì vị Tỳ Kheo bán thế xuất gia đó lại nghĩ Đức Phật ra đi rồi không còn những luật lệ gắt gao nữa. Ngài Maha Ca Diếp nghe như vậy đã dẫn đến quyết định làm sao để duy trì giáo pháp và Ngài đã quyết định mời thỉnh 500 Tỳ Thánh Tăng cùng vân tập về thành Vương Xá 3 tháng sau khi Đức Phật viên tịch để làm một việc đó là kết tập kinh điển trùng tụng lại những lời dạy của Đức Phật để khẳng định nền tảng của giáo pháp. Và kết quả là chúng ta có cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. 

- Cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ hai diễn ra tại thành Vesàli, lý do có một nhóm Tỳ Kheo gọi là nhóm Tỳ Kheo  xứ Vajji cũng có 10 điều có tánh cách phân hóa liên quan đến Luật tạng và Ngài Yassa một vị trưởng lão Thánh Tăng cũng đã triệu tập cuộc kết tập Tam Tạng và chủ toạ là Ngài Thánh Tăng Revata. 

- Vào thời vua A Dục, lúc bấy giờ Phật Giáo phát triển cực thịnh được sự ủng hộ rộng rãi của dân gian và triều đình. Chính vì vậy đã tạo nên tình trạng rất phức tạp bộ phái, phân hóa về tư tưởng, phân hóa về Tăng chúng. Vua A Dục đã ra rất nhiều biện pháp ở trong tư cách và quyền lực của mình. Ngày hôm nay về thăm Thánh Địa nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân vườn Lộc Giả tại Isipatana, thành Benares gần Vàrànasi chúng ta thấy ở trong Thánh Địa nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân có một trụ đá do vua A Dục xây dựng, trụ đá đó vẫn còn ghi rõ "đây là điều do vua A Dục ban hành, nếu những ai cố tình tạo sự chia rẽ trong Tăng chúng sẽ bị phạt nặng nề". Đầu của trụ đá đó có ý nghĩa "Chánh Pháp Vô Úy" ngày hôm nay trở thành quốc huy của Ấn Độ. Vua A Dục đã ủng hộ mạnh mẽ tuyệt đối cho công cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ ba tại Pàtaliputta, người thủ tọa là Ngài Moggalliputta-Tissa tức là Ngài Mục Liên Đế Tu.  

Ở đây, chúng ta nói như vầy, nhìn vào những giai đoạn lịch sử của Đạo Phật thì hầu hết những khúc quanh đều do sự phân hóa của Tăng chúng và giai đoạn hưng thịnh của Tăng chúng sau đó đều là kết quả của một nỗ lực kết hợp. Đối với thời nào Phật giáo suy hay Phật giáo thịnh thì cứ xem thời nào càng có nhiều phân hóa càng có nhiều chia rẽ thì Phật giáo càng suy, thời nào càng có nhiều kết hợp thì Phật giáo càng mạnh. Chúng tôi làm việc trong giáo hội chúng tôi hiểu điều đó, khi càng manh nha nhiều vấn đề càng manh nha nhiều những phân hóa thì tạo nên tình trạng phân liệt mà Phật giáo chia rẽ thì sẽ đi vào chỗ yếu, Phật Giáo đi vào chỗ chia rẽ thì hầu như Chư Tăng không tu tập được một cách an ổn và  người Phật tử không tu tập được một cách tinh tiến trước những chia rẽ như vậy. Đối với giới tu hành chúng ta đặc biệt nói đến cái gì liên quan đến đời sống nội tâm, liên quan đến chánh kiến, và cũng liên quan đến cảm xúc, liên quan đến quyền lực, và điều đó rất dễ bị phân hóa, dễ bị chi phối. Phải nói một điều, cái vui, cái buồn, cái hay, cái dở, cái khen, cái chê nó thường chi phối và nó tạo ra rất nhiều phân hóa ở trong cộng đồng Tăng chúng. Người Phật tử cư sĩ và ngay cả những người xuất gia cần phải luôn luôn tự nhắc và luôn luôn cảnh giác về điều này chúng ta dễ bị chi phối, chúng ta dễ bị chia rẽ chúng ta dễ phân hóa.

Thời xưa khi chúng tôi sống ở Việt Nam, sự việc vợ chồng ly dị nhau là chuyện to lớn nhất ở trong làng xã, lúc đó tại miền quê chúng tôi sống có thể nói chuyện vợ chồng bỏ nhau là chuyện không tưởng tượng được, ít khi nào nghe chuyện ly dị, nhưng khi chúng tôi sang bên Mỹ thì càng lúc nghe càng nhiều và điều đó trở thành thực tế tất cả mọi người đều phải đối diện. Nhiều nhà xã hội học nói như vầy; thật ra khi hai người thương nhau họ phải tự cảnh giác về khả năng phải chia tay, khả năng ly dị rất cao, và họ không nên lý tưởng không nên tin vào hoàn toàn chuyện để yên như vậy thì nó sẽ tồn tại nó sẽ keo sơn gắn bó, không phải, mà nó rất dễ dàng bị chi phối, dễ dàng bị đe dọa và dễ dàng để dẫn đến chỗ ly dị. Ý thức đó làm cho người ta tỉnh táo hơn, ý thức đó làm cho người ta cố gắng hơn ở trong việc gìn giữ sự hòa hài và gia tăng nỗ lực để vun bồi tình cảm giữa vợ chồng. 

Thì thưa qúi vị đó là câu chuyện của xã hội ở bên ngoài. 

Câu chuyện ở trong chùa, có đi có sống và có làm việc chúng ta mới hiểu rất dễ dàng để tạo nên sự phân hóa giữa chùa này và chùa khác, giữa vị xuất gia này và vị xuất gia khác, giữa pháp môn này đến pháp môn khác, giữa tông phái này với tông phái khác. Chúng tôi lấy ví dụ, trong cộng đồng của chúng ta có nhiều vị Thầy nói: "cách tốt nhất là đừng làm gì hết thì không ai chỉ trích, mình làm thế nào cũng là tấm bia để tạo ra búa rìu cho người ta nhắm vào". Không có một vị cao tăng nào làm việc Phật sự ở trong cộng đồng Việt Nam không bị chỉ trích và chỉ trích nặng nề. Tại vì sao vậy? Tại vì lý do đơn giản là người ta thích chỉ trích, và sự thành công lớn mạnh của mình một hội chúng, một pháp môn tông phái, đôi khi được xem là sự đe dọa về sự tồn tại của những vị khác. Cách nay khoảng chừng 20 năm chúng tôi nhớ lúc đó một số các Tăng sĩ của các viện Phật GiáoTây Tạng ở Ấn Độ sang Hoa Kỳ để sinh hoạt hoằng pháp và gây qũi để nuôi những tu viện đó. Thật ra thì chúng tôi cũng rất thương những nhà Sư Tây Tạng bởi vì họ đồng cảnh ngộ như chúng ta, họ đến từ một quê hương nhiều khổ đau, không phải chiến tranh như Việt Nam nhưng quê hương đó bị xâm lăng bởi Trung cộng đó là đất nước Tây Tạng. Nhưng sau khi các vị Tây Tạng làm việc một thời gian tại Hoa Kỳ và Âu Châu, Úc thì đã tạo nên một sự chống đối mãnh liệt của nhiều Tăng ni và Phật tử Việt Nam, lý do đơn giản thôi, nói theo tiếng Mỹ là collision interests hay là sự va chạm quyền lợi. Một số Phật tử Việt Nam theo Tây Tạng thì họ có một thái độ rất lạ khi họ theo các nhà Sư Tây Tạng thì họ chỉ ủng hộ những nhà Sư Tây Tạng và họ chỉ trích Phật giáo Việt Nam, chỉ trích Chư Tăng Việt Nam trong lúc phái đoàn Tây Tạng rất nhờ những ngôi chùa Việt Nam để hoạt động. Những người Việt Nam ủng hộ Tây Tạng họ có thái độ là khi họ cần thì họ gọi còn khi nào không cần thì họ không đến chùa. Chúng tôi đã nghe rất nhiều rất nhiều qúi Thầy qúi sư cô ở các ngôi chùa họ than phiền về các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng. Nhưng bình thường, chúng tôi biết rằng các phái đoàn Tây Tạng không đến đỗi nhưng phần lớn do những người Phật tử Việt Nam ủng hộ những phái đoàn đó không khéo làm việc. Thí dụ, chúng tôi sống ở trong chùa chúng tôi biết một nhà sư gọi là tốt trong việc hoằng pháp thì vị đó sẽ không tạo cho những người Phật tử chỉ biết có mình mà không biết người khác, tại vì sao vậy, tại vì nếu một người tu sĩ giảng đạo chỉ muốn tín đồ biết cá nhân mình thôi, nếu mai vị đó mất hoặc họ hoàn tục thì những người Phật tử họ bỏ đạo.

 Một chuyện đầu tiên để tạo nên sự hoà hợp của Tăng chúng phải là cái nhìn có chiều dài rất thoáng, đừng nghĩ Phật tử của mình, đạo là đạo của mình, mình chỉ biết chừng đó thôi. Muốn duy trì Phật Pháp muốn Phật giáo phát triển thì mình phải có cái nhìn chung cái nhìn lâu dài chứ không thể nào chỉ biết có một vị Thầy, chỉ biết có một người. Do vậy nếu một vị tu sĩ nào có thành công đến đâu đi nữa nhưng tạo thành một người Phật tử chỉ biết Thầy của mình, chỉ biết chùa của mình, chỉ biết nhóm của mình, và luôn luôn chống đối chỉ trích những nhóm khác thì thường những vị đó không nghĩ đến đại cuộc, không nghĩ đến cái chung, cái đó là sai. Do vậy khi chúng ta là một người Phật tử hiểu đạo chúng ta cố gắng để đào tạo ra tầng lớp người có thể nhìn sự tồn tại Phật pháp không phải sự tồn tại của một ngôi chùa, của một nhóm, hay của một ông Thầy. 

Điều thứ hai, liên quan đến sự hòa hợp Tăng chúng. Kinh nghiệm ở trong giòng lịch sử của Đạo Phật chúng ta có các cuộc kết tập Tam Tạng. Tại vì Phật Pháp có tồn tại, tồn tại một cách mạnh mẽ, tồn tại một cách hiển nhiên, tồn tại một cách rõ nét thì 4 chúng đệ tử Phật mới từ đó được lợi lạc mới từ đó được đoàn kết. Nói một cách khác sự hưng thịnh của Phật Pháp tức là tức là sự hưng thịnh của Phật Giáo, không bao giờ có trường hợp Phật Giáo hưng thịnh mà không có cái chất của Phật Pháp, có thể người ta thấy chùa xây rất lớn rất đẹp nhưng cái lớn cái đẹp của ngôi chùa không nhất thiết là sự hưng thịnh của Phật giáo. Sự hưng thịnh của Phật giáo khi nào Giáo Pháp được hưng thịnh, khi nào mà Phật Pháp được người Phật tử ưa chuộng gặp nhau nhắc nhau mình nên học Phật Pháp, mình nên tu pháp này nên tu pháp kia. Như vậy một người Phật tử hiểu đạo khẳng định một điều rằng sự hưng thịnh của giáo pháp, sự tồn tại hoà thuận của Tăng già, sự hoà hợp hòa thuận của 4 chúng nằm ở chỗ hưng thịnh của giáo pháp và ngọn đèn của giáo pháp phải thắp sáng. Ở bất cứ trường hợp nào khi chúng ta nghĩ đến chuyện duy trì phát triển Phật giáo thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ là làm sao để phổ biến Phật pháp. Chúng ta có bệnh là chúng ta nghĩ làm những chuyện rất lớn như đi hoằng dương chánh pháp, đào tạo tăng tài v.v... nhưng chúng ta không chịu làm cái nhỏ, chúng ta không chịu làm chuyện rất kiên nhẫn. Bây giờ chúng tôi nói như vầy là phần lớn những ngôi chùa vào ngày Chủ Nhật thường chú trọng cúng kiếng tại vì cúng kiếng có tiền, nhưng người ta không chịu trọng đến chuyện hướng dẫn Phật Pháp. Chúng tôi không chịu các vị Sư làm việc này làm việc kia được nhưng đụng tới chuyện thuyết pháp là các vị rất mặc cảm không muốn thuyết pháp, mặc dù mình đi tu. Và nếu Phật Pháp suy tàn thì chúng ta cũng suy tàn nhưng lại không muốn làm chuyện đó và nếu có làm thì rất miễn cưỡng. Một điều tệ hại hơn nữa những đại lễ người ta quảng cáo phần lớn chương trình văn nghệ ca sĩ này hát ca sĩ kia hát để thu hút quần chúng nhưng không để ý những pháp hội phải thuyết pháp. Tại vì sao vậy? Tại vì vấn đề của chúng ta là chúng ta không đặt nặng việc đó, chúng ta phải đặt nặng việc đó, đặt nặng chuyện phát huy Phật Pháp và chúng ta phải chấp nhận một điều là cho dù ít người nhưng số ít đó có nghĩ có nhớ có qúi trọng Phật Pháp vẫn tốt hơn một số đông người không có mục đích gì hết. Điều đó là điều tất cả mọi chúng ta cần khẳng định Phật Pháp chính là chất liệu mang chúng ta lại với nhau chứ không phải là danh, không phải là lợi, không phải là thế lực, không phải thế này hay thế khác, mà chính là Phật Pháp.

- Điểm đầu tiên chúng tôi có nói đến là để có sự hoà hợp Tăng chúng ta phải có cái nhìn chung bớt đi cái nhìn cá nhân. 
- Điểm thứ hai chúng tôi muốn nói là chúng ta phải làm sao Phật Pháp được sáng, được mạnh, được rõ trong lòng của chúng ta thì cộng đồng Phật giáo đoàn kết với nhau nhiều.

- Bây giờ chúng ta nói đến yếu tố thứ 3. Yếu tố này đối với chúng tôi cũng là điều quan trọng không kém. Chúng ta phải cùng nhau nhấn mạnh đến sự hoà hợp và giảm thiểu tối đa những sự chia rẽ. Ngày hôm nay người ta dễ chia rẽ nhau bằng cách đem chuyện người này nói với người kia, đem chuyện người kia nói với người này, khi mình nói thì có bao nhiêu chuyện để nói. Thỉnh thoảng chúng tôi đến Đài Loan là một quốc gia rất giàu và đông Tăng ni Phật tử, nhưng Đài Loan có một chuyện rất yếu đó là Phật tử chia rẽ phân hóa. Họ theo Pháp Sư này thì họ chỉ trích Pháp Sư kia, theo vị cao Tăng này chỉ trích vị cao Tăng kia. Và ở tại Miến Điện, nhiều năm về trước chúng tôi sang để hành thiền, không khí hành thiền bên đó chúng tôi rất thích. Lúc đó chỉ có vọn vẹn một số Thiền Sư như Ngài Mahasi Sayadaw, Thiền Sư Ledi Sayadaw hay Taungpulu Savadaw, các Ngài dạy thiền ai tu thì tu. Nhưng những năm về sau này có phong trào những người Phật tử Việt Nam từ Việt Nam đi qua Miến Điện, từ Hoa Kỳ hay từ Âu Châu đi qua Miến Điện thì Phật tử Việt Nam đi đến đâu họ cũng có một cái tính đó là khen vị này chê vị kia. Chúng tôi không biết có bao giờ các vị nghĩ chúng ta chưa chắc có đủ trình độ để chỉ trích ai, mình mới vào tu có một khóa thiền thôi mình chê Ngài Mahasi thế này thế khác, chê vị này hay chê vị kia dở. Điều đó không có lợi gì cho chúng ta. Tại sao chúng ta nghĩ rằng ở trong sự tu tập chỉ có một điều và chỉ có cái này đúng còn mấy cái kia là sai, thì sự phủ nhận và sự tôn trọng một cách biên kiến nó tạo ra sự chia rẽ. 

Qúi Phật tử đi chùa cũng vậy chư tăng mỗi người có một hạnh, chư tăng mỗi vị có sự đóng góp riêng, chúng ta không thể nào có thói quen ở đời đi theo vị này chỉ trích vị kia, theo vị kia chỉ trích vị nọ rốt cuộc thì nó làm cho lộn xộn thế giới này.

Một người có tinh thần xây dựng thật sự muốn góp phần vào sự hoà hài, hợp quần thì người đó phải bớt chỉ trích bớt nói lời chia rẽ và phải nói điều gì có lợi lạc cho số đông. Chúng tôi biết có rất nhiều người tự nghĩ sự chỉ trích của mình là chuyện bài tà hiển chánh tức là làm tiêu diệt kẻ ác và xưng tán người thiện. Đa số những người đó chỉ làm một công việc gây ra xáo trộn. Tại vì sao vậy? tại chúng ta làm một lúc rồi nó chỉ đi từ xáo trộn cho đến xáo trộn thôi, chúng ta phải qúi trọng sự đoàn kết, qúi trọng sự hợp quần.

 Ở Houston có hai ngôi chùa là chùa Pháp Luân và chùa Liên Hoa, hai ngôi chùa cùng theo hệ phái Nam Tông thuộc GHVNTN, chúng tôi làm trụ trì chùa Pháp Luân và HT Huyền Việt làm trụ trì chùa Liên Hoa. Chúng tôi phải nói, có vô số lý do những người Phật tử thường nói ,và chúng tôi phải nói rằng nếu không khéo 2 ngôi chùa dễ mích lòng nhau. Ví dụ như cá nhân một Phật tử nào đó của chùa này chỉ trích chùa kia thì người ta không nói như vậy mà người ta nói chùa bên đó nói chùa bên này như thế này, chùa bên này nói chùa bên đó thế kia. Điều chúng tôi làm là chúng tôi không đặt nặng về những chuyện đó, chúng tôi quan niệm khi giữa Chư Tăng với nhau có sự đoàn kết, giữa 2 ngôi chùa  có sự chia sẻ những sinh hoạt, những người Phật tử quen đi lại làm việc thì như vậy là tốt và chúng ta phải thấy sự đoàn kết sự hợp tác quan trọng hơn sự chia rẽ. 

 Chia rẽ được cái gì, chia rẽ chỉ dẫn chúng ta đến từ chỗ đổ vỡ và chúng tôi không thấy ở đó có cái gì đẹp có cái gì hay hết. Điều chúng ta cần làm trong cuộc sống không phải chúng ta chỉ nghĩ đến cái chung chúng ta còn thấy một điểm chính những nỗ lực chia rẽ chỉ trích tạo thành một oan kết  tạo thành cái gì đó làm chúng ta không thể ngồi xuống để niệm "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc".

  Chúng tôi làm việc Phật sự không phải chúng tôi ba phải và không phải ai chúng tôi cũng giao thiệp, nhưng có một điều chắc chắn chúng tôi muốn làm là buổi sáng hay buổi tối khi ngồi xuống niệm "nguyện tất cả chúng sanh được an lạc" chúng tôi không muốn trong tâm niệm đó có cái gì lợn cợn lấn cấn.
  
   Một khi mình ghét người này mình thù người kia vì lý do này hay lý do khác thật sự tâm chúng ta không an lạc. Bởi vậy câu niệm "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc" nghe rất đơn giản nhưng không dễ tiêu hóa là bởi vì sao vậy, bởi vì chúng ta luôn luôn có những lấn cấn với cuộc đời, chúng ta ghét người tôn giáo khác, chúng ta ghét người của quốc gia khác, chúng ta ghét những cá nhân này, những cá nhân khác. Vấn đề thương ghét chứa đựng trong lòng đôi khi nó không phải vấn đề nhưng nó sẽ là vấn đề lớn nếu chúng ta để cho nó làm ngăn ngại khiến chúng ta ngồi xuống và chúng ta không thể nói một cách rất thành thực trọn vẹn câu "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc". 
   
   Một người tin vào pháp, một người tôn thờ lời dạy của Đức Phật thật sự là một người tin vào tinh thần hoà hài, tin vào từ tâm, tin vào sự cởi bỏ oan trái. Và đó là một thách thức lớn cho tất cả của sự tu tập. Không có thời nào  người ta khó tu tập như thời này. Ở bên ngoài có thể xây chùa có thể làm này làm kia nhưng ở trong lòng mình để khỏi những lấn cấn đó thì khó lắm chúng ta luôn luôn phải đối diện với điều đó.

Chúng tôi đã nói 3 điều liên quan đến sự hoà hợp của Tăng đó là: 

1. Chúng ta phải đặt nặng cái chung.
2.  Chúng ta lấy giáo pháp làm sự gắng bó của chúng ta. 
3. Sự trân trọng của chúng ta đối với tinh thần hoà hài, hợp tác, không phân hóa.

Bây giờ sang điều thứ 4. 

Chúng tôi muốn nói một yếu tính để một con người có thể tạo nên sự hoà hợp Chư Tăng và đó cũng là điều Đức Phật đề cập trong bài kinh này - đó là phước rất lớn của một người tạo nên sự hoà hợp, phước này lớn lắm. Trong 5 ngũ nghịch đại tội có tội phá hoà hợp Tăng. Phá hoà hợp Tăng là một nghiệp bất thiện rất to lớn, một ác nghiệp rất to lớn. Nhưng một người đem lại sự hoà hợp Chư Tăng thì tạo ra phước báu rất lớn. 

Tại vì sao? Chúng tôi biết ở trong chùa một khi nào Chư Tăng hoà hợp thì có bao nhiêu sự tốt đẹp đi theo và sự tốt đẹp đó đến từ nỗ lực kết hợp đó. Chúng ta luôn tích cực làm cho con người được sự hoà hợp. Ngài HT Hộ Giác là một hình ảnh rất đặc biệt về điểm này. Khi Ngài nghe một người chỉ trích một người khác, Ngài thường lắng nghe trong sự yên lặng và thông thường sau đó Ngài cố gắng để tìm một mẫu số chung để hoà giải. Dĩ nhiên không phải lần nào cũng thành công nhưng Ngài thường gởi đi một tín hiệu rất quan trọng là Ngài không thích nghe chuyện chia rẽ mà Ngài mong cho mọi người xoá đi được những tị hiềm cá nhân, tín hiệu đó rất là quan trọng.

Bây giờ chúng ta hãy nói đến một khía cạnh khác. Sau khi chúng ta chiêm nghiệm về phước báu của sự hoà hợp thì chúng ta cần nhắc nhở lẫn nhau đó là tâm của chúng ta dễ bị giao động và nếu chúng ta muốn mang lại một sự ổn định cho cuộc đời thì sự ổn định ở trong lòng phải rất là tốt. Chúng tôi không thấy ai dễ bị chia rẽ mà người đó mang lại sự đoàn kết cho người khác. Một người muốn xoá đi những phân hóa tâm người đó phải rất vững, nghe điều ác mà không su hướng theo điều ác, nghe sự tâng bốc xu nịnh mà không xu hướng theo sự tâng bốc xu nịnh, nghe người khác nói khích mà tâm vẫn điềm tỉnh thì điều đó không dễ, tại vì tâm của chúng ta dễ bị tác động. Chúng ta dễ bị tác động và nếu chúng ta muốn mang lại sự đoàn kết Chư Tăng, mang lại sự hoà hợp Chư Tăng thì tâm của người Phật tử phải rất là ổn định. Ít người có được như vậy, kiếm một người tâm ổn định rất hiếm, một người khả dĩ có thể mang lại sự hoà hợp Chư Tăng thì người đó đòi hỏi có tâm hồn rất ổn định, rất vững trãi, rất điềm đạm. Nếu ai nói gì với chúng ta chúng ta nhảy dựng lên thì chúng ta không đoàn kết được.

 Như vậy, chúng ta hãy làm một trắc nghiệm khi nào mình nghe ai nói với mình là có người xấu hoặc chỉ trích mình làm cho mình phiền lòng, chúng ta tự hỏi trong lòng là tâm của chúng ta có bị chi phối không? Thí dụ mình đang ngồi đó mình nghe nói là anh A bà B nói xấu mình, thì khi nghe như vậy mình tự hỏi trong lòng rằng chuyện mình vừa nghe có làm cho tâm mình trao đảo hay không? mình có từng xét lại lời này có khả tín hay không? Và mình có bỏ thời gian để tìm hiểu chuyện đó hay không? Chúng ta vừa nghe nói đã nhảy dựng lên và sau đó nếu mình khám phá ra lời trách cứ của mình là không đúng rồi mình mới xin lỗi sau, và đa phần lúc đó đã muộn rồi. 

  Nên chi một điều một người muốn tạo sự hoà hợp Chư Tăng đặc biệt tâm người đó phải rất hiền thiện, rất vững, và rất sáng suốt. 

  Cuộc sống không phải dễ "vi nhân nan thậm nan thậm nan" làm người rất khó./.