Thursday, August 27, 2015

Bài giảng của TT Giác Đẳng trong Đại Học Hè 2015

(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

Đề tài: Khi mình gặp chuyện khó khăn,, bị những phiền não, buồn phiền, căng thẳng, đau khổ, tủi thân v.v... chúng ta nên làm gì? đặc biệt trong trường hợp cá nhân của chúng tôi. 

Bài giảng trong lớp Tu Học Đại Học Hè 2015 tại chùa Pháp Luân, Minh Hạnh chuyển biên 

TT Giác Đẳng: Qua những biến động liên quan đến nội tình Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất dẫn đến việc chúng tôi xin từ chức Quyền Chủ Tịch Điều Hành. Trong mấy hôm nay chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại của qúi Phật tử hầu hết là những người lo và quan tâm đến chúng tôi, hỏi han an ủi và ủng hộ tinh thần chúng tôi ở trong những lúc khó khăn này.

 Có một điều, và có một số người hỏi chúng tôi khi mình gặp chuyện khó khăn,, bị những phiền não, buồn phiền, căng thẳng, đau khổ, tủi thân v.v... chúng ta nên làm gì? đặc biệt trong trường hợp cá nhân của chúng tôi. Chúng tôi nhân buổi sinh hoạt hôm nay chia sẻ với qúi Phật tử một vài điều về điểm này.

Nói chung, bản thân chúng tôi một vị tu sĩ thì ở trong bất cứ hoàn cảnh nào mà khó khăn chúng tôi thường dùng Phật Pháp để làm giảm thiểu hoặc hóa giải những phiền lụy ở trong lòng mình. 

Chúng ta nói đến 2 phương diện: Phương diện cảm xúc, phương diện lý trí.

1- Phương diện cảm xúc.

Phương diện cảm xúc là một phương diện trong Phật Pháp chúng ta rất ít khi để ý, có nhiều Phật tử nghĩ Phật Pháp nặng về lý trí không nặng về cảm xúc, và cảm xúc không có chỗ đứng nhiều trong việc thực hành trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng kỳ thực,  nếu chúng ta nhìn về một phương diện nào đó thì Pháp cũng có đề cập những phương cách thực hành trong lúc khó khăn để chúng ta tìm sự bình tỉnh an ổn tinh thần trên phương diện cảm xúc. 

Ngài Ajahn Jayasaro nói phương pháp niệm như niệm Phật, niệm pháp, niệm thí, niệm giới, niệm về Chư Thiên nặng sự an ủi về cảm xúc hơn. 

Chúng tôi nhớ Ngài Ajhan Sumedho là một vị Tăng người Mỹ kể lại kinh nghiệm của Ngài khi ở trong rừng sâu, ở một mình, gặp thú dữ hay trong hoàn cảnh Ngài sang Anh quốc hoằng pháp gặp khó khăn Ngài thường dùng câu:

Buddham saranam gacchami, 
Dhammam saranam gacchami, 
Sangham saranam gacchami 

Nghĩa là: 

Con nương tựa với Phật, 
Con nương tựa với Pháp,
Con nương tựa với Tăng. 

Người VN chúng ta hay thường dịch là: Con qui y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng. Thì giống như mình từ một người xa lạ trở về quy y tức là mình hồi đầu quy ngưỡng theo Phật. Nhưng thật ra trong câu tiếng Phạn không có nghĩa như vậy, trong tiếng Phạn nghĩa là mình nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng và trong hoàn cảnh nào mình cũng nương tựa được.

Ngài nói khi Ngài đọc câu đó Ngài cảm thấy mình vững lòng. 

Niệm Chư Thiên. Có nhiều người nghĩ đến tu tập, thí dụ hôm nay mình đi chùa nghe Pháp, tụng kinh, hay làm phước xong mình hồi hướng phước đến Chư Thiên. Và trong lúc khó khăn thì mình cầu Chư Thiên gia hộ mình. Đó cũng là một cách cho mình cảm xúc được quân bình.

Chúng ta niệm thí, niệm giới, niệm sự chết cũng là cách để mình quân bình cảm xúc. 

Niệm thí. Cách này chúng tôi thấy Ngài HT Hộ Giác Ngài áp dụng. Ví dụ như khi mình giận người nào đó, hay người nào đó đối xử xấu với mình thường mình gặp người đó mình không muốn nhìn mặt, không muốn nói chuyện với người đó. Nhưng chúng tôi thấy rất nhiều lần có những vị Thầy công kích đả kích Ngài Hộ Giác, khi họ đến chùa Ngài lấy gói trà ngon nhất pha để đãi vị đó. Nhiều khi chúng tôi nghĩ Thầy đó nói mình như vậy sao mà Ngài lại hậu ý, trà ngon mang về từ Đài Loan mắc tiền Ngài đem ra pha đãi họ uống. Nhưng Ngài Hộ Giác Ngài có bí quyết để gìn giữ đời sống Ngài an lạc là khi mình cho người ta cái gì thì cho cái tốt nhất dù người đó là kẻ thù của mình  thì ít nhất trong lòng mình dễ chịu hơn là mình thắc mắc mình chửi  với họ. Thành ra khi nào qúi vị có giận ai thì cứ thử theo cách của Ngài. Mình tử tế với người đó một chút, cho người ta ăn ngon hay mời một ly cafe ngon, ly trà ngon, cái gì ngon cho người ta. Ở trong sự ban bố ban tặng của mình cũng làm cho mình dễ chịu hơn. Nhưng chúng tôi nói là chuyện đó không bảo đảm, phải là người có bản lãnh lắm mới có thể làm được.

Niệm sự chết. Cách này Ngài Hộ Giác Ngài cũng chỉ chúng tôi một cách rất hay. Ngài nói: bình thường mình không qúi con mắt của mình, nhưng bây giờ tình cờ mình bị chuyện gì đó làm mù mắt thì lúc bị mù mắt mình nghĩ tất cả các tai nạn khác trên thế gian này không có quan trọng, đặng danh mất danh, đặng lợi mất lợi, làm sao cứu được con mắt chứ con mắt mình đui rồi khổ quá. Nhưng lúc mình có con mắt  mình không thấy con mắt quan trọng nhưng giả xử như chúng ta bị đui mắt rồi không đọc báo được, không nhìn mặt người thân được, không vào internet được, không lái xe được thì lúc đó mình nói rằng ở trên đời cái gì mình cũng đánh đổi được miễn sao có con mắt sáng thôi. Thì Ngài dạy rằng mình nên nghĩ đến chuyện tệ hơn. 

Chúng tôi có quen với một Phật tử, vị này hưởng được tài sản thừa kế của ông cha bà mẹ ở VN, có căn nhà ở Sàigòn chết để lại cho 3 đứa con. Trước khi gia sản  để lại thì 3 người rất thương nhau, ở VN buôn bán rồi lâu lâu qua Mỹ thăm và người bên Mỹ thì về VN thăm. Cho đến khi vì chuyện chia căn nhà đó anh em không nhìn mặt nhau và hầu như trở nên kẻ thù của nhau. Ông ở Mỹ có tiền, ông bỏ ra số tiền rất lớn để kiện tụng với đứa em ở VN. Khi ông kiện tụng ông thắng kiện thì khoản 3 tuần lễ sau ông về Mỹ. Rồi trong người ông có triệu chứng gì đó và đi Bác sĩ thì phát hiện ra ông bị ung thư gan. Chúng tôi được mời đến để tụng kinh. Tại vì trước khi chuyện xảy ra bịnh ung thư gan ông vẫn thường kể cho chúng tôi về mấy người em ở VN dành  gia tài. Khi chúng tôi đến ngồi nói chuyện với ông và thật sự khi gặp ông đã muộn rồi, bụng ông cứng lên, đang làm chemotherapy để trị ung thư gan. Lúc đó chúng tôi hỏi ông một câu là: "Bây giờ ông đang bịnh mà nghĩ chuyện tài sản kiện tụng ở VN hơn thua có ý nghĩa gì không?" Thì ông nói với chúng tôi: "Con nói thiệt với Sư bây giờ có cho vàng cũng không có ý nghĩa gì". Chúng tôi gặp anh thì hai ngày sau anh mất. 

Niệm sự chết nó ảnh hưởng chúng ta rất quan trọng trong đời sống, khi mình nghĩ đến cái chết rồi thì mình không đặt nặng những chuyện hơn thua những chuyện lợi danh được mất trong đời sống.

Thì những pháp như niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm Chư Thiên chúng tôi tin rằng  có tánh cách về cảm xúc.

2 - Phương diện lý trí.

Bây giờ chúng ta nói về phương diện lý trí. Phương diện cảm xúc là chúng ta nói cái vui, cái buồn, cái khổ, cái phẫn nộ của chúng ta. Bây giờ chúng ta nói về phương diện lý trí tức là mình có một chút sáng suốt mình ngồi suy niệm, mình có chút bình tỉnh mình suy niệm. Và dĩ nhiên là chúng ta suy niệm về những lời Phật dạy. 

Trước nhất, chúng tôi  chia sẻ về một câu kinh Đức Phật. Một lần Đức Phật Ngài ở thành Vương Xá Ngài ngồi với Chư Tỳ Kheo, vào khoản 11 giờ khuya, chúng tôi đoán vậy là cũng hơi khuya một chút, thì có tiếng tru của con giả can. Giả can là tiếng Hán, trong tiếng Việt chúng ta dịch là chó rừng, ngày xưa chó rừng nhiều lắm, bây giờ chúng ta tạm gọi là chó hoang. Thì tiếng tru của nó đau khổ lắm. Đức Phật Ngài đang ngồi đó nghe tiếng chó tru Ngài hỏi chư Tỳ Kheo:

"Này chư Tỳ kheo, các Thầy có nghe tiếng con giả can tru trong đêm trường không?"

Các vị Tỳ Kheo chắp tay: "Bạch Đức Thế Tôn con có nghe'. 

 Đức Phật lại hỏi: "Các Thầy có biết tại sao con giả can tru không? Đó là một con giả can già trên người có ghẻ, và trên người có ghẻ trời ban đêm lạnh làm nó nhức nhối chua xót, tại vì nó nằm không yên ngủ không yên thì nó mới tru lên như vậy". 

Và Đức Phật dạy: "Này Chư Tỳ Kheo, một người sống bị danh lợi chi phối, đặng danh mất danh, đặng lợi mất lợi, đêm trường thao thức trằn trọc khổ đau thì giống như con chó bị ghẻ đó".

Qúi vị nghe đau khổ phải không? Thật sự đời sống chúng ta đôi khi cũng trải qua như vậy, giống như con chó ban đêm bị đau khổ vì nhức nhối. 

Điểm đặc biệt trong Phật Pháp trên phương diện lý trí không phải bao giờ cũng áp dụng được, nhưng ở trong mọi hoàn cảnh thay vì mình nhìn chuyện đó như thế này như thế kia theo quan niệm của mình thì mình nên nhìn vào chính bản tâm của mình, mình khổ như thế nào. Thật sự mình thấy cái khổ mà Đức Phật Ngài nói khổ giống như con chó ghẻ ban đêm bị đau thì không ai trong chúng ta muốn điều đó, mình không muốn mình bị như vậy. Và có nhiều khi điểm tốt nhất là mình nên nhả nó ra, mình nên buông nó ra, tại vì giữ cái khổ để làm gì, mình thấy con chó ban đêm nó tru tréo nó đâu có hạnh phúc gì đâu. Thật ra cái khổ chính do ở mình. 

Thành ra, ở trong cách sống của người Phật tử, ở trong cách tu đó là trong mọi hoàn cảnh mình nên nhìn vào nội tại của mình để xem mức độ mình phiền não, mức độ mình khổ đau ra sao. Nó là một bài học rất lớn, nó là cái gì đó  cho chúng ta. Đạo Phật gọi là "Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc" tức là những lúc đó chúng ta cảm thấy mình mạnh mẽ lắm, mình  có quan niệm thế này, quan niệm thế kia, nhưng sau đó rồi chỉ là chuyện một cơn mê một sự u mê mà thôi. 

Hồi trước chúng tôi có thời gian làm việc cho bên cảnh sát Houston, họ nhờ chúng tôi trong vai trò vị tu sĩ đi thăm một số người tù VN phạm pháp, chúng tôi đi 3,4 lần, thì chúng tôi gặp những em thanh thiếu niên, thật tội nghiệp, các em đi chơi đi khiêu vũ rồi trong lúc dành giựt bạn trai bạn gái rồi nổi giận muốn tỏ ra là mình mạnh, mình hay, ra xe lấy súng lấydao đánh nhau, bây giờ ở tù thì lúc mình làm chuyện đó mình nghĩ là mình hay mình giỏi nhưng lúc mình ở tù thì thấy sao lúc đó mình dại quá. Tại ở trong đời sống đạo Phật Đức Phật Ngài dạy là sự chuyển mê khai ngộ, là ở trong lúc xảy ra chuyện mình phải bình tỉnh mình thấy chuyện đó không phải giống như mình nghĩ, mà nó là hệ quả rất là lớn và cái hệ quả đó dẫn bao tang thương, mà lúc đó mình nghĩ mình anh hùng hay lúc đó mình nghĩ thế này thế kia nhưng thật sự không phải vậy. 

 Đức Phật Ngài có dạy chúng ta hai câu trong kinh Pháp Cú phẩm Yamaka-Song Yếu : 

"Những người tranh chấp, không hiểu biết là mình  sẽ bị tiêu diệt. Ai hiểu được điều này, thì tất cả sự tranh chấp sẽ lắng dịu.  Người khác không hiểu biết, ở đây ta bị hại, ai hiểu được điều này tranh luận tự nhiên tiêu" 

Hai bên chửi nhau, hai bên tranh dành nhau, mình tưởng đâu là mình ngon, mình thắng người bại nhưng ruốt cuộc cả hai đều kéo nhau vào chỗ diệt, chúng ta thấy rất nhiều, nhiều thứ trong đời sống này. 

 Đức Phật Ngài có dạy một câu nghe thì không có đẹp nhưng nếu chúng ta nghiệm lại thì rất đẹp, kinh Pháp Cú như vầy là

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi 
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi 
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù sẽ tự nguôi.

 Thật sự câu này không đơn giản là một câu nói bình thường của Đức Phật mà câu đó Đức Phật Ngài dạy chúng ta chưa có hiểu được bản chất của sự luân hồi, bản chất của kiếp sống này. Và bởi vì chúng ta không hiểu được bản chất đó do vậy mình sống bằng quan niệm nhân ngã bỉ thử là mình với người. Và khi cái nhân ngã bỉ thử tôi với người khác như vậy điều đó nó chất chồng bao nhiêu phiền lụy. Để vượt khỏi nhân ngã bỉ thử này thì cái nhìn của chúng ta phải thoáng hơn và nó phải đại quang hơn chứ không thể nào nhìn khi mình gặp chuyện gì phiền mình nói là ông đó hại tôi, ông đó chửi tôi, ông ấy xấu, ông ấy thế này thế kia, mình nghĩ chuyện đó mà mình vượt qua, không có.

Thì làm sao để chúng ta vượt qua cái nhìn đó, làm sao chúng ta vượt qua cái nhìn mà người ta đánh người ta mắng? Để chúng ta có một cái nhìn đại quang một cái nhìn chung của đời sống Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên nhìn với bản chất của đời sống. 

Chúng tôi lấy thí dụ, nếu chúng tôi gặp những phiền lụy, chúng ta nghĩ người kia họ xấu với mình, người kia có ác ý với mình, muốn hại mình và người kia họ làm xấu, cái nhìn mình với người như vậy ở trong cách nói người ta gọi là nhân ngã bỉ thử, mình và người. 

Nhưng bây giờ mình thử nhìn bằng cách này. Trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài hỏi:

"Này chư Tỳ Kheo, thế nào là bản chất nguy hiểm của các dục?"

Đức Phật Ngài tự hỏi và Ngài trả lời bằng cách đon giản: 

"Này các Tỳ Kheo, do các dục nên cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha, anh tranh chấp với em, em tranh chấp với anh, vợ với chồng, chồng với vợ tranh chấp với nhau và cả thế giới này đi vào chỗ điên đảo cùng cực"

Thì khi chúng ta nói đến cái nhìn vượt lên sự bình thường, Đức Phật nói bản chất nó như vậy, ở trong chỗ nào danh lợi chức quyền thế này thế kia thì nó luôn luôn hứa hẹn sự cấu xé, sự đánh nhau, sự dành giựt, nó là bản chất tự nhiên của nó.

Có một vị Alahán khi vị Thầy dùng cán quạt làm chảy máu con mắt của Ngài và vị Thầy xin lỗi, thì vị Alahán nói rằng: 

"Thưa Sư Phụ, đây không phải lỗi của Sư Phụ, không phải lỗi của con, mà là lỗi của sự luân hồi". 

Câu nói rất là ý vị, mình phải nhìn vấn đề, không thể nào trong những chuyện đó mà nó không có hụt hẵn, không có trục trặc, không có lời qua tiếng lại, bản chất nó là như vậy. Khi chúng ta có cái nhìn đại quang như vậy thì chúng ta sẽ vượt lên trên cái gọi là nhân ngã bỉ thử: nó mắng tôi, nó đánh tôi, nó chửi tôi, nó cướp tôi. Nếu chúng ta vượt lên trên nó thì ít nhất chúng ta làm tắt đi sự hận thù trong lòng. Nhưng chuyện đó không phải là chuyện dễ.

Ngày xưa khi còn ở trại tị nạn, chúng tôi tình cờ đọc một bài viết của một vị linh mục. Khi chúng tôi ở trại tị nạn với tình trạng khan hiếm báo nên báo nào đem đến cũng đọc, đọc ngấu nghiến. Lúc đó chúng tôi đọc một bài báo trên tờ Dân Chúa,  ở trong đó vị linh mục viết gửi cho 2 tín đồ mới cưới nhau. Vị linh mục viết rằng: 

"Thật ra khi bắt đầu cuộc hôn nhân xây dựng tình yêu ai cũng nghĩ rất là đẹp và có cái ngọt ngào, một hương vị tất cả mọi người tha thiết, đều mong đợi, nhưng 2 con nên nhớ  ở trên căn bản cuộc sống  nó luôn luôn chứa đầy những vui, khổ, hay, dở, tốt và xấu,  2 con phải chuẩn bị cho tất cả những thứ đó chứ không thể nghĩ mình chỉ chờ có một thứ mà thôi". 

Chúng tôi nghĩ đó là lời viết rất hay. Ở trong đời sống chúng ta tại sao chúng ta tức, tại sao chúng ta bực? Là tại vì sự kỳ vọng chúng ta chỉ có một chiều thôi, mọi việc phải tốt. Qúi vị đi chùa, qúi vị đâu mong ai làm phiền mình, đúng không, qúi vị đi chùa là mong tất cả mọi người rất là lịch sự, rất là hiền hoà, rất là dễ thương, nhưng mình đi chùa gặp người không lịch sự mình đâu muốn ở lại "ủa sao chùa kỳ vậy!" Nhưng thật sự không phải vậy. Cuộc sống dầu trong chùa ngoài chợ hay ở đâu cũng có mặt này hay mặt khác, có cái này có cái kia. Nhưng chúng ta không chịu đưa cái nhìn vượt lên trên điều đó để chấp nhận  hình ảnh chung. 

Bởi vậy hồi nãy chúng tôi nói là Đức Phật dạy: "Này các Tỳ Kheo, thế nào là nguy hiểm các dục? Nguy hiểm các dục là cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha, anh với em, em tranh chấp với anh, vợ với chồng, chồng với vợ". Tại vì sao vậy? Tại bản chất nó là như vậy. Ba anh em rất thương cha thuơng mẹ nhưng đến khi để tài sản lại ba anh em kéo nhau ra tòa và không nhìn mặt nhau, chuyện đó là chuyện rất bình thường của đời sống và Đức Phật Ngài nói đó là bản chất của đời sống. Nếu chúng ta nghiệm được điều đó, chúng ta thấy được điều đó thì chúng ta sẽ có thể vận dụng lý trí của mình. Nhưng không phải lúc nào cũng có thể vận dụng lý trí của mình được.

3.- Và điều thứ ba. 

Chúng tôi nghĩ trong sự đối diện hay đương đầu với những khổ đau phiền muộn của cuộc sống mỗi người nên vận dụng nội lực của mình để thấy được chuyện vui hay khổ, căn bản là do mình. Đừng đổ thừa  người khác. Nếu mình tiếp tục đổ thừa người khác thì mình sẽ toàn trách móc. Qúi vị thấy mình trách móc người ta từ ngày này qua ngày khác nhưng rồi cũng không đi đến đâu hết. Các vị Thiền Sư thường nói  mỗi khi mình bị khổ, thí dụ ai nói chuyện gì làm cho mình bực mình thì mình nhớ rằng tại vì mình không khéo tu, đơn giản như vậy. Trời mưa cái nhà bị dột, mình ngồi trách ông trời làm mưa, không nên, mà tại cái nhà không khéo lợp. qúi vị đồng ý không, qúi vị ngồi trách ông trời làm mưa. Cũng vậy khi mình khổ là do mình không khéo tu. Cái nhà không khéo lợp mà cái nhà không khéo lợp thì mình lợp cái nhà lại, chúng tôi nghĩ có lý hơn là ngồi trách móc người khác.

4. - Và một điều sau cùng chúng tôi xin thưa với qúi Phật tử. 

Bà Dorathy Carnegie có chia sẻ một chuyện, hồi nhỏ chúng tôi có đọc cuốn sách tên là "Luyện tinh thần" do bà Dorathy Carnegie và cụ Hiến Lê dịch: "Nên nghĩ đến điều tệ hại nhất, khi sự việc xảy đến mình hãy nghĩ điều tệ hại nhất  ở mức độ nào, và khi mình đón nhận sự tệ hại nhất thì mình sẽ không có lo lắng buồn phiền nữa. 

Chúng tôi tin rằng một trong những bí quyết của cuộc sống Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta đó là chuẩn bị tinh thần. Sự chuẩn bị tinh thần nào tốt nhất, ví dụ Đức Phật Ngài dạy chúng ta 5 pháp quán: 

Phật xưa rằng kiếp nhân sinh
Những điều khổ lụy chẳng dành riêng ai
Xuân xanh rồi cũng tàn phai
Thời hoa mộng tựa sương mai đầu cành

Không có ai trẻ mãi mà không già, nếu may mắn mình sống thì chắc  chắn tuổi già sẽ đến và khi tuổi già đến thì có nhiều thứ khác nó không có ý nghĩa nữa, những chuyện như là danh lợi không còn quan trọng nữa, rồi: 

Tấm thân tứ đại hợp thành
Ốm đau tật bệnh thường tình xưa nay

Lúc nãy chúng tôi thưa với qúi vị, bình thường còn khỏe mình còn hơn thua mình còn nói mình thế này thế kia nhưng mà lỡ mình khám phá mình bị ung thư hoặc bịnh này bịnh kia rồi thì tất cả cái khác trở thành vô nghĩa.

 Dù cho thọ mạng ngắn dài
Cổ kim nào kẻ thoát tay tử thần

Khi mình sắp chết rồi thì những thứ khác trở thành vô nghĩa, nhưng phải nói như vầy khi nói về cái chết.

Người thân ly biệt người thân
Trăm năm bao lượt khó ngăn lệ nhòa

Cái khổ sanh ly tử biệt nó lớn hơn bất cứ chuyện gì khác. Ở trong đời chúng tôi mỗi lần cha mất, mẹ mất và chúng tôi cũng tin rằng qúi Phật tử mỗi lần chia tay với những người thân của mình. Có nhiều khi mình chia tay đau nhứt là mình không biết làm cái gì. Chúng tôi cũng phải thú nhận với qúi Phật tử một điều rằng khi Ngài Hộ Giác còn sống chúng tôi không để ý cho đến bây giờ thỉnh thoảng chúng tôi lái xe ở đây lên đường 59 đi ngang bệnh viện Southwest Memorial Hospital tự nhiên chúng tôi nghĩ đến Ngài, chúng tôi vẫn nghe trong lòng có cái gì đó, không biết giờ này Ngài ở đâu, làm gì, Ngài đang có mặt ở trong đời mình bao nhiêu năm bây giờ tự nhiên Ngài tan biến không còn nữa. Nhưng trong đời sống mình phải chia cách với người thân mình, không thể sống gần người thân mình mãi mãi. Và Đức Phật cũng dạy quán là 

Mỗi người riêng nghiệp thiểu đa
Rừng mê bể khổ phải qua một mình

Cho dù mình có nắm níu nhau như thế nào, mình làm chuyện gì đi nữa, mình phải nhớ rằng chuẩn bị vali để đi một mình, hình ảnh tây balo không biết sao nhưng tất cả chúng ta dầu là có người thân có người này người kia mình phải đi một mình, phải chuẩn bị hành trang ra đi, chúng ta phải đi một mình bởi vì Đức Phật Ngài nói là:

Một khi thần chết hiện về
 Nào ai có thể chở che cho mình 
Thân nhân dẫu có chí tình, 
Ngậm ngùi chỉ biết đứng nhìn khóc thôi.

Người thân có thương cách mấy cũng chỉ đứng nhìn khóc thôi. Khi chúng ta  nhìn những điều đó thì tâm của chúng ta nhẹ nhàng.

Nếu mà chúng tôi nói điều này mà qúi Phật tử có thể chia sẻ được thì chúng tôi rất là vui, đó là, thực sự Phật Pháp là phương thuốc nhiệm màu nếu chúng ta áp dụng trong đời sống, phương thuốc đó cho chúng ta rất là nhiều ở trong cuộc sống này và điều quan trọng là mình có xử dụng được hay không, Đức Phật để lại cho chúng ta một di sản rất lớn, di sản vô giá. 

Chúng tôi nhắc một câu sau cùng ở trong Tăng Chi Bộ Kinh để kết thúc bài học hôm nay và dĩ nhiên câu kinh này nó có giá trị có thấm thía hay không là tùy mỗi người, có thể bây giờ chúng ta không thấy giá trị, Đức Phật Ngài dạy trong Tăng Chi Bộ Kinh như vầy: 

"Này các Tỳ Kheo, sự mất mát này là sự mất mát nhỏ nhoi  đó là sự mất mát danh, sự mất mát lợi, sự mất mát người thân. Này các Tỳ Kheo, sự mất mát này là sự mất mát lớn lao đó là sự mất mát của trí tuệ"

Đức Phật Ngài dạy: Sự mất mát trí tuệ là sự mất mát lớn lao, và sự mất mát của danh của lợi của người thân đôi khi mình thấy nó  lớn chứ thật ra nó không lớn. Ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta để tâm chúng ta u mê mất đi trí tuệ thật sự điều đó còn nguy hơn những mất mát khác. Có thể chúng ta không tin lời Đức Phật dạy, tại vì mình nghĩ rằng cái chức vụ nó lớn, mình nghĩ quyền lợi nó lớn, mình nghĩ rằng người thân nó lớn. Nhưng Đức Phật Ngài nói rằng: Này Chư Tỳ Kheo, sự mất mát này là sự mất mát nhỏ nhoi, đó là mất mát danh, mất mát lợi, mất mát người thân so với sự mất mát của trí tuệ, này các Tỳ Kheo, sự mất mát của trí tuệ là sự mất mát to lớn"./. 

No comments:

Post a Comment