Thursday, August 20, 2015

Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh Etaputtaka

(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh Etaputtaka

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 18-1-2015, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập.

TT Giác Đẳng: Có những bài học trong kinh chúng ta cần  sự vận dụng kiến thức rát nhiều, cũng có những bài học mới nói qua chúng ta đã có thể hiểu. Nhưng giữa cái hiểu của chữ nghĩa và cái hiểu để thay đổi đời sống chúng ta mới xem chừng như gang tấc nhưng cách xa rất nhiều. 

Chúng ta hãy nhìn những người sống trong cuộc đời này kể cả bản thân của chính mình luôn luôn khao khát có được người thân, thân đến đỗi như núm ruột của mình thì mới chịu. Dĩ nhiên, chúng ta đi tìm nhiều quan hệ trong cuộc đời này, nào là bạn bè, nào là những người cộng sự. Chư Tăng thì tìm sự thân mến của Phật tử, Phật tử tìm sự thân mến của Chư Tăng. Chúng ta tạo nhiều quan hệ gắng bó thân thiết, có được như vậy mình cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.

Hầu như tất cả chúng ta đều có quan niệm giống nhau, mình cu ki một mình, mình cô đơn một mình thì buồn thì bạc phước, và mình càng có đông người thân càng vui càng hạnh phúc. Chúng ta cũng biết rằng có nhiều người muốn có con nhỏ nhưng không phải là con của người khác mà là con của mình sanh ra năm đứa ba đứa. Những cặp vợ chồng son sống với nhau muốn có con để muốn có cái gì đó thật sự có ý nghĩa cuộc đời này.

Sự thật là như vậy. Sự thật chúng ta muốn tạo ra những núm ruột, chúng ta muốn tạo ra sợi giây thân ái trong quan niệm của chúng ta sợi giây đó là sợi giây càng bền chặt càng gắng liền bất khả phân thì chuyện đó tốt.

Trong kinh Đức Phật Ngài dạy chỉ có thiên tai, chiến tranh bệnh tật mới có thể phân chia được tình thương thiêng liêng giữa con và mẹ. Và trong nhiều đoạn kinh khác Đức Phật Ngài gợi nhắc cho chúng ta thấy sợi giây thương yêu đã cột kết chúng sanh trong cuộc đời này, nhưng nó không phải chỉ cột mà nó còn cho chúng ta một cảm nhận rằng có được những thứ đó làm cho cuộc sống ngọt ngào, làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên ấm áp trở nên hạnh phúc. Thật sự, chúng ta chỉ nhìn thấy một chiều chỉ thấy một khía cạnh. Như trong trường hợp một nam cư sĩ sống gần bên Đức Phật đi chùa thường và được nhiều dịp nghe pháp  khi đứa con yêu qúi độc nhất của mình bị mạng chung bị chết sự sầu muộn đã hiện lộ ra thấy rõ, thậm chí dù được gặp Đức Phật.

Chúng ta nói một cách rất bình tỉnh, nếu như trong đời gặp được Đức Phật ngồi trước Ngài đảnh lễ Ngài đó là điềm hoan hỉ vô hạn. Chúng ta nhìn một người thiện nam, một người có đức tin Tam Bảo giờ đây ngồi trước Đức Phật trong lòng vẫn xót xa, vẫn thương nhớ, vẫn đau khổ về sự mất mát đứa con thân yêu của mình. Điều này rất bình thường không cần phải chuyện xưa, chuyện hôm nay chúng ta cũng thấy như vậy . Chúng tôi đã có dịp gặp nhiều Phật tử những người rất có đạo tâm, rất có thiện chí, công quả ở chùa, phục vụ cộng đồng nhưng đối với cảnh sanh ly tử biệt của người thân trong gia đình thì hầu như tê tái mất hoàn toàn khả năng sống bình thường như câu chuyện trong bài kinh này.

Bài kinh này rất giản dị, qua bài kinh chúng ta có thể nhìn thấy ý nghĩa của Phật Pháp. Đức Phật Ngài không có huyền hoặc, Ngài không nói chuyện vượt ngoài cuộc sống bình thường. Thí dụ Ngài nói về sự Khổ hay Khổ Diệu Đế, ở trong những khổ Đức Phật Ngài đề cập đến đó là thương phải xa, điều tiếp theo là ghét phải gần. Chuyện thương phải xa là một trong 5 tâm niệm Đức Phật dạy chúng ta nên thường nghĩ đến:

- Ai sống ở đời cũng có lúc già không thể trẻ hoài.
- Ai sống ở đời cũng có lúc bệnh chứ không phải mạnh khỏe hoài. 
- Ai sống ở đời cũng có lúc chết chứ không phải sống hoài.
- Ai sống ở đời cũng phải chịu sự sanh ly tử biệt chia cách với người thân, không thể vui sum vầy hoài.
- Và ai sống ở đời cũng có nghiệp riêng của mình. 

Những sự thật này rất đơn giản, rất hiển nhiên, không cần phải nói một cách triết lý cầu kỳ để chúng ta hiểu nhưng đem vào lòng để thấm thía để sống với những điều đó từng ngày, nhiều lúc chúng ta từ chối.

Đời sống của chúng ta ít khi chịu xây đắp, tu tập, bồi đắp một khả năng để sống với trí tuệ, sống với ánh sáng Đức Phật soi sáng cho chúng ta. Chúng ta thường sống bằng thói quen nhiều đời gọi là bản năng đi truy cầu trong mong mỏi tạo thêm những quan hệ. Những quan hệ này không biết mang lại cho chúng ta có bao nhiêu niềm vui nhưng khổ thì vô cùng.

Ngày hôm qua chúng tôi lên Dallas có vài công việc Phật sự nơi đó. Chư Tăng ghé vào một nhà Phật tử, người này rất thương Chư Tăng, ở trong nhà có 3 người con, những đứa bé ngoan dể thương. Nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy được sự cực khổ của hai vợ chồng để lo cho 3 đứa con, cả 2 vợ chồng đều có công việc làm để lo, rồi lo việc Phật sự, lo việc cộng đồng, rồi 3 đứa con, đôi lúc phải nhờ đến bà nội giúp đỡ. Mình không cần nói nhiều, mình nhìn thấy đó là gánh nặng rõ ràng. Và dĩ nhiên, không thể phủ nhận được đối với bình thường cuộc sống có con cái như vậy người đời cảm thấy rất vui rất hạnh phúc, nhưng chỉ đơn giản chuyện sáng lo điểm tâm cho mấy đứa con, lo điểm tâm cho Chư Tăng thấy cũng là sự vất vả mà hai vợ chồng gánh vác. Ở đây, chúng ta không có nói sự đúng sai phải quấy, không cần tríết lý, thì con mình nuôi, lớn lên nó có cuộc sống riêng của nó nhưng những năm dài vất vả âu lo chưa kể những việc khổ, chưa kể có những cái đau mà không có bút mực nào nói hết.

Chúng ta là vậy, thân phận của con người là vậy. Mình mong có rất nhiều và mình khổ rất nhiều về những thứ đó, đó là hệ lụy của luân hồi. Không có thì khổ vì không có, mà có cũng khổ vì có. Không phải chỉ qúi vị người Phật tử là khổ vậy đâu, chúng tôi đi tu thời bây giờ rất qúi trọng một điều người tu sĩ phải có chùa to chùa lớn, có Phật tử đông, phải có đàn tín thế này thế kia, thậm chí phải có địa vị này chức vụ kia. Nhưng để làm gì? Nói nghe thì rất bi đát, nhưng thật sự niềm hãnh diện nào đó mình không biết nhưng khổ thì nhiều. Không biết chúng ta có làm chuyện lớn gì nhưng chúng ta làm lớn chuyện thì nhiều. Cái khổ nhỏ không muốn lại muốn khổ lớn. Và đời sống của chúng ta thường là chúng ta tạo cho mình những gánh rất nặng mà đối với Đức Phật thì cái khổ đó là cái khổ hiển nhiên, rất là hiển nhiên của cuộc sống. Nếu chúng ta đọc kỹ lại thời Đức Phật còn tại thế bản thân của Đức Phật, bản thân của Chư Tăng những đệ tử Phật các Ngài sống rất đơn giản đi chỗ này sang chỗ khác, thủ đắc rất ít, có rất ít. Ngày hôm nay người ta có khuynh hướng ngược lại là chúng ta mong có nhiều, có lớn chuyện để làm gì? Để mà khổ, đơn giản như vậy

Những trói trăn những hệ lụy của kiếp nhân sinh nó vô cùng. Có thể chờ cho đến khi nào bản thân của chúng ta thay đổi cái nhìn của mình, đặc biệt lúc chúng ta tu tập, từng trạng thái từng cảm thọ sanh và diệt, hết diệt rồi sanh, sanh rồi diệt tiếp nối lẫn nhau như nước chảy qua cầu, như một giòng nước thiên thu bất tận, lúc đó chúng ta mới thấy rằng: thật ra chúng ta làm chủ rất ít. 

Nhìn vào hơi thở của mình, hơi thở thì có hơi thở ra hơi thở vô, nhìn vào những cảm thọ sanh khởi, không có rồi có, có rồi biến mất nằm ở trong giòng chảy liên tục thiên thu bất tận và ở đó chúng ta mới thấy rằng tất cả những sự chấp thủ của chúng ta thật sự chỉ là ảo giác.

Chúng tôi sinh ra ở miền Tây. Miền Tây là vùng của sông nước, và đặc biệt những con sông có rất nhiều lục bình rau mát. Có một lần chúng tôi xem một đoạn phim tài liệu về Cần Thơ, nhìn giòng sông Hậu Giang có bao nhiêu là lục bình trôi lửng lơ, cả một thời thơ ấu hiện về, coi đoạn phim đó chúng tôi nhớ cuộc sống của mình cũng hiện hữu giống như giòng sông, giòng thủy lưu cuộn chảy không biết bao nhiêu nước ra biển, và chúng ta thấy rất nhiều rau mát nhiều lục bình chảy qua chân cầu mỗi ngày. Một thế giới hiện tượng xảy ra như vậy, không biết cái gì là của ai, thuộc về ai, nhưng chắc chắn rằng mọi thứ đến và đi, mọi thứ hiện hữu theo dòng cuộn chảy, và chúng ta ngồi đó mà cười mà khóc với nó và chấp thủ với nó và khổ vì nó.

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ lúc đi học ở Vạn Hạnh với TT Tuệ Siêu, lúc bấy giờ huynh đệ hai anh em ở chùa Từ Quang, Gò Vấp. Lần đó chúng tôi gặp Pháp Sư Thông Kham được mời đến nói chuyện ở chùa Từ Quang, chúng tôi nhớ Pháp Sư Thông Kham câu nói rất ý vị, đó là, mình có 5 uẩn đã khổ rồi, mình mong thêm 5 uẩn nữa, khổ nữa, mong 5 uẩn nữa, khổ nữa,và mình cứ mong thêm, mong thêm và mong thêm, mình nghĩ được chứ thật sự khổ chất chồng. Đó là cái nhìn về cuộc sống bình thường. 

Có hai điều trong cuộc sống chúng ta là sanh ly tử biệt, sống mà phải ngăn cách, chết lại bị mất nhau. Không ai tránh khỏi sự sanh ly tử biệt đó.

Đọc những câu chuyện hay suy ngẫm mọi việc, đặc biệt như những bài kinh Đức Phật ghi lại ở tại đây. Thật ra chúng ta thấy trong cái nhìn của bậc Giác Ngộ, không phải nhìn về triết lý hay có chuyện nhồi nặn về ngôn từ trong cuộc sống này, những gì Ngài nói là một hình ảnh rất rõ nét, rất thực tế về cuộc sống, có những cái đáng yêu đáng qúi cột chặt và chi phối chúng ta. Chư Thiên cũng vậy loài người cũng vậy bị nhiều phiền lụy khổ đau khi cái chết hoặc mình chết hoặc người thân của mình chết, Đức Phật Ngài không nhìn điều đó như một sự não lòng để than dài thở vắn, Ngài nhìn điều đó Ngài khuyên chúng ta tinh tấn tu tập, tại vì nếu chúng ta không khéo tu không khéo suy tư thì từ cái khổ nó khổ nhiều thêm, khổ bất tận. Và Ngài cũng dạy cái mồi của ác ma khó vượt qua, cái khổ đó thật sự khó vượt qua. 

Ngày hôm qua chúng tôi gặp một gia đình Phật tử có mấy người con, một người đã tốt nghiệp và trở thành vị đại tá trong quân đội Hoa Kỳ tạo niềm hãnh diện lớn cho gia đình. Ở Mỹ trong lễ gắng lon lên chức trong quân đội người gắng lon là người cha hay người mẹ hay người vợ. Thì bà mẹ đến gắng lon cho con trai mình lên đại tá rất là hãnh diện về chuyện này. Và cũng trong gia đình đó lại có một người con khác, người con này không được may mắn như người anh của mình, làm ăn thất bại rồi vợ buồn xin ly dị. Chúng tôi có thể đọc được cái vui của cặp vợ chồng đó, cái buồn của cặp vợ chồng đó, khi có một đứa con được thành đạt thì rất là vui và nói về đứa con mới bị khánh tận vợ bỏ thì cặp đó rất là buồn. Thì bây giờ mình mới thấy cuộc sống không nằm ở trong một cung bậc mà nó nằm trong nhiều cung bậc. Nhưng phải nhận rằng Đức Phật dạy cuộc sống vui ít khổ nhiều và nguy hiểm nhiều hơn, không biết cái vui mình được bao nhiêu mà khổ rất nhiều, nhiều, nhiều lắm. Chúng ta có trăm ngàn nỗi khổ của cuộc sống,cái khổ của sanh hữu, nhưng chúng ta thật sự rất khó, rất khó để thấy điều này, rất khó để buông xả, để cho cái gì đi. Và cảm nhận được điều đó chúng ta mới thấy niềm tin mạnh mẽ vào pháp hành.

Pháp hành ở đây là pháp tu Tứ Niệm Xứ. Nếu chúng ta có thể nhìn thân và tâm này, cảm nhận được cái này sanh rồi diệt, rồi tiếp nối sanh diệt và trong sanh diệt đó chúng ta có thể nhận được nó có bản chất riêng có tự tánh riêng, "không phải là ta", "không phải là của ta", "không phải tự ngã của ta", càng thấy rõ như vậy chúng ta càng thấy bình tâm hơn thấy an lạc hơn. Còn cái gì đó mình nghĩ là "ta" là "của ta", "tự ngã của ta" thì thật sự mình khổ nhiều hơn. Ở đây rất rõ, Đức Phật Ngài không dạy chúng ta phải suy tư bằng triết lý, mà đơn giản là mở mắt nhìn vào sự thật, chấp nhận sự thật, ở trong sự thật đó cho chúng ta biết về những sự việc có thể xảy ra trong cuộc sống này đến đi sanh diệt, và chúng ta thử nhận thức, thử tìm xem ở trong cái đó mình làm chủ được bao nhiêu, mình làm được gì hay mình chỉ khổ thôi.

Bài học ngày hôm nay cũng như  rất nhiều bài kinh khác đôi khi cho chúng ta có cảm tưởng như Đức Phật đưa ra một thứ triết lý sống gì đó, nhưng thật sự ở đây không có triết lý sống.

Ở đây bài kệ này có đủ Tứ Đế: Khổ, Nhân Sanh Khổ, Sự Diệt Khổ và Con Đường Đưa Đến Sự Diệt Khổ.
- Khổ ở đây là sự đau khổ héo mòn, bị thần chết nhiếp phục.
- Nhân Sanh Khổ ở đây là chấp vào những khả ái, khả hỉ, khả lạc.
- Sự Diệt Khổ là người đó đã đoạn tận gốc của khổ.
- Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ là hành trình đoạn tận ái chấp, vượt qua mồi nhử của ác ma. 

Nhưng trong bài kệ này Đức Thế Tôn không nói một cách quy mô lớn lao Tứ Diệu Đế. Ngài chỉ từ một câu chuyện nói lên lời cảm khái. Ở trong lời cảm khái này Đức Phật Ngài không nói triết lý hay nhuộm thế gian một màu. Đơn giản Đức Phật Ngài chỉ rõ cho chúng ta thấy cuộc sống là như vậy, khổ đau là như vậy, nhân sanh khổ là như vậy, sự diệt khổ là như vậy, con đường dẫn đến sự diệt khổ là như vậy.

Thật ra với một người sống với Phật pháp thường lâu ngày chúng ta sẽ đồng ý với nhau là có nhiều sự khổ, rất nhiều sự khổ do cái nhìn sai, chấp sai, sự chấp thủ cái không đáng chấp thủ mà ra, đa phần là vậy. Tại vì chấp thủ thì chúng ta khổ. Nếu chúng ta có thể soi sáng chính mình bằng những sự thật hiển nhiên chấp nhận sự thật đó và ý thức rõ điều đó xảy ra ở trong cuộc sống thì chúng ta sẽ bớt khổ rất nhiều và lúc đó chúng ta mới hiểu câu là tại sao Phật Pháp chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. 

Trước khi nói đến "ly khổ đắc lạc" phải có "chuyển mê khai ngộ". 

Tại vì sao vậy? 

Những cái mê, những cái chấp sai, hiểu quấy trong đời sống làm cho chúng ta khổ. Bây giờ trước khi đạt đến hạnh phúc, trước khi ly khổ đắc lạc chúng ta phải chuyển mê khai ngộ. Danh từ chúng ta thường gọi ở ngoài là có Giác Ngộ  thì mới giải thoát được. Có trải qua những chuyện như ông nam cư sĩ này rồi từ đó chúng ta thắp sáng ánh sáng trí tuệ của mình thì chúng ta mới hiểu thế nào là "Pháp do Phật thiện thuyết, thiết thực hiện tiền

Bởi vì sao vậy? 

Ai có thể thấy đúng như sự thật, chấp nhận sự thật và không cưỡng cầu với sự thật thì người đó thật sự an lạc.

 Đó cũng là một cái gì rất đẹp ở trong cuộc sống hàng ngày nếu chúng ta sống với một tâm tư thanh thản, với một tâm tư ít nặng lòng. Chúng ta có thể hình dung được một vị cư sĩ có đức tin mạnh mẽ, thường đi chùa nghe pháp, duyên lành nhiều như vậy thường đảnh lễ cúng dường Đức Phật và cơ hội tu tập nhiều như vậy, thường được nghe pháp từ chính Đức Phật giảng thế mà có những lần ngồi trước mặt Đức Phật trong lòng không nghĩ đến Phật, không nghĩ đến pháp, chỉ nghĩ đến đứa con yêu qúi đã mất rồi. Chúng ta không có gì để trách cứ hay chỉ trích người đó. Chúng ta cũng vậy thôi. Có chuyện gì phải trách cứ người đó. Nhưng đó là một sự thật, sự thật cho chúng ta thấy rằng đôi khi chúng ta hữu phước, hữu duyên, hữu hạnh tới đâu mà bị che mất những hữu duyên đó, mà chỉ nghĩ đến "tôi" đến "của tôi" và sầu khổ về chuyện đó. Ở trong cuộc đời này không phải là chuyện chúng tôi phê phán ai, chúng tôi không nói ai đúng ai sai, ai hay ai dở, chúng tôi nói sự thật nó là như vậy. Sự thật là một người trải qua cảnh sanh ly tử biệt, sự thật là một người chịu khổ nhiều về sanh ly tử biệt, và sự thật về một người bị khổ như vậy không còn nghĩ, không còn thấy, không còn biết nhiều về chuyện khác, chỉ nghĩ về chuyện khổ của mình thôi. Bao nhiêu lần trong chúng ta phải bận lòng quá nhiều với sự mất mát của người thân và trong sự mất mát đó chúng ta không thấy được sự thật, chúng ta tiếp tục bị dập vùi bị cuốn theo nỗi đau khổ.

Có một Phật tử hỏi một câu với Ngài Mahashi:

 "Tất cả pháp sanh ra do duyên, và mình biết danh sắc do thức, thức do hành, hành do vô minh. Như vậy trước vô minh là gì, cái gì tạo nên vô minh?". 

Ngài Mahashi nói rằng ở trong kinh dạy rất rõ là giáo lý Duyên Khởi là một vòng tròn. Như chúng ta biết vô minh duyên cho hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử sầu bi khổ ưu não, toàn bộ ngũ uẩn tập khởi. Nhưng Ngài nói có một đầu mối nữa đó là lão tử sầu bi khổ ưu não là thức ăn của vô minh, là duyên của vô minh.

Chúng ta nghiệm trong bài học này, đúng là sầu bi khổ ưu não. Chúng ta thường nghe nói sầu bi khổ ưu ai là duyên của vô minh. Tại sao duyên của vô minh? Một vị thiện nam có nhiều đức tin và thường nghe pháp bây giờ có đứa con chết nên khổ quá, ngồi trước mặt Đức Phật bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư, bậc Đại Giác, bậc Đại Bi, Đại Trí mà trong lòng mình khổ, cái khổ đó khiến cho hình ảnh của Đức Phật không giống như mọi ngày, khiến cho giáo pháp của Đức Phật không giống như mọi ngày, tâm chúng ta chỉ khổ thôi. Thì sầu bi khổ ưu ai là nhân của vô minh là vậy. Chúng ta càng vô minh thì càng khổ, mà càng khổ thì càng vô minh, đời sống có cái chuyện lạ lùng như vậy. Chúng ta thiếu chánh trí chúng ta khổ, mà càng khổ nó càng che mờ chúng ta càng thiếu chánh trí. Giống như mình lái xe đi lạc đường và càng lạc đường thì chúng ta càng bối rối và càng bối rối thì càng lạc đường. 

Tất cả chúng ta đang có mặt ở trong pháp hội lớp Phật Pháp ngày hôm nay, chúng tôi mong rằng tất cả chúng ta đang có những giờ phút rất thanh thản, chúng tôi hi vọng và chúng tôi cũng mong tất cả Chư Tăng và Phật tử ở trong giờ phút này không ai đang khổ vì cảnh sanh ly tử biệt. Nếu chúng tôi không biết thì qúi vị tha thứ cho. 

Nhưng trong lúc chúng ta chưa gặp cảnh sanh ly tử biệt chúng ta hãy đem vào lòng pháp quán Đức Phật dạy là sống hàng ngày thì nên tâm niệm mình sẽ phải chia cách người thân của mình. Đó là một điều hiển nhiên, không phải chờ thân nhân đi trên chuyến máy bay rồi máy bay bị rớt như chiếc máy bay Asia vừa rồi chúng ta mới khóc, không phải chờ đến khi có thiên tai, có chiến tranh, có này có kia chúng ta mới khóc. Và cái khổ là điều chắc chắn.

"Đi chung một chuyến tàu đời, 
Mỗi sân ga lại có người xuống lên, 
Có khi mình xuống đầu tiên, 
Có khi nửa chuyến ngại ngùng chia tay,
 Đâu ai đi hết đường dài, 
Từ ga đông đến ga đoài còn nhau". 

Cuộc sống chúng ta chênh lệch, đến với cuộc đời này, người đến trước kẻ đến sau, ra đi, kẻ đi trước người đi sau. Trong cái chênh lệch đó không đến một lần không đi một lần tạo nên những cảnh não lòng phải chia tay. Nhiều khi người ta nói "người đi không khổ người ở thì khổ", nhưng cũng có người nói "người đi cũng khổ mà người ở cũng khổ". Nói cách nào đi nữa thì cũng có nhiều cái khổ.

 Chúng ta đừng quên tâm niệm của Đức Phật dạy nên nhớ đã có sống thì phải có sự phân ly, chia lìa với người thân của mình không sớm thì muộn không chóng thì chầy, người ta không bỏ mình thì mình cũng bỏ người ta, mình không thể giữ mãi, mình không thể giữ hoài, không thể nắm níu hoài, đời sống là như vậy.

Thậm chí một người rất hiểu đạo khi đứa con mình chết đã nói một câu:

"Con tôi lúc đến không mời, ra đi cũng chẳng một lời tiễn đưa, khổ vui duyên nghiệp sẵn chừa, khóc than vô ích người đưa khổ sầu." 

"Lúc đến không mời lúc đi không tiễn" đó là sự thật của cuộc sống. Hiểu được điều đó chúng ta cũng cảm thấy nhẹ nhàng với nhau. Thí dụ như trong đời sống hàng ngày đôi khi có một số quí Phật tử  buồn tại sao cũng đi chùa, cũng hộ pháp, cũng làm việc lâu mà thấy giữa Phật tử với Chư Tăng không có quan hệ thân thiết mật thiết. Chúng tôi thưa thật tình mà nói  quan hệ bình thường giữa một nhà Sư hướng dẫn Phật Pháp và người Phật tử nghe pháp ít khổ hơn, nó nhẹ nhàng hơn. Tất cả những quan hệ gắng bó mật thiết nào chúng ta nhớ rằng nó có vị ngọt của nó nhưng nó cũng có cái nguy hiểm của nó, cái nguy hiểm của nó là khổ. Giống như một cặp vợ chồng son trong sự thương yêu mình nên có con để tạo thành một mái ấm gia đình hoàn chỉnh để rồi vợ chồng có sợi giây thiêng liêng ràng buột nhau v.v... và v.v... Chúng ta chỉ nghĩ một chiều thôi và chúng ta không thấy được cái khổ mà nó mang lại. 

Bà Viskha một đệ tử của Đức Phật một lần đến chùa gặp Đức Phật với khuôn mặt rất khổ sầu. Đức Phật hỏi tại sao, bà thưa:

"Bạch Đức Thế Tôn, con có một người cháu rất thân yêu vừa mới bạo bệnh qua đời".

Đức Phật chỉ hỏi một câu là "Này Viskha, con có muốn nhiều con nhiều cháu không?"

Bà là vị Thánh Tu Đà Hườn, bà bạch với Đức Thế Tôn: "Con rất thương con cháu, thậm chí có con cháu nhiều như dân trong thành Xá Vệ con cũng cảm thấy hoan hỉ". 

Đức Phật nhắc: "Cũng may Visakha chỉ có một số con cháu thôi, nếu con cháu đông bằng thành Xá vệ thì ngày nào cũng phải khóc, vì trong thành Xá vệ ngày nào cũng có người chết

Có người ở trong thành phố Houston chúng tôi biết họ sống cả đời chuộng về xã giao hay đi giao thiệp đó đây, ai mời cũng đi, ai làm thân thì cũng gắng bó. Có lúc người đó than với chúng tôi rằng "khổ quá, quen nhiều tuần nào cũng đi đám cưới, tuần nào người ta cũng mời đi sinh nhật, mời riết rồi khổ quá, mà cho mỗi chỗ 50, 30 thấy cũng là gánh nặng rồi". Tự nhiên nó là như vậy thôi. Đời sống chúng ta không phải mình có nhiều là hạnh phúc. Nhiều khi mình mong có chức vụ này, có địa vị kia, có này có khác nhưng mình thử hỏi xem có cái đó nó làm chúng ta vui bao nhiêu, hãnh diện bao nhiêu, mà cái nhọc nhằng cái khổ nó có bao nhiêu. 

Thật ra Đức Phật Ngài không dạy cầu kỳ khó hiểu, Ngài dạy chúng ta những điều rất thực rất hiển nhiên của cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta nghe những điều đó bằng con mắt trí tuệ hay không, chúng ta có thể suy tư những điều đó để có thể thấy hay không.

Có một lần chúng tôi đọc một bài viết ghi lại lời giảng dạy của Ngài Ajahn Chah, Ngài thuyết pháp Ngài có một cách nói vui khó ai bắt chước được giống Ngài. Ngài diễn tả về con gà, một người nhà nông nuôi con gà, cho con gà ăn, rồi con gà quấn quít tung tăng chung quanh người nhà nông đó. Đến một ngày người nhà nông đó cột chân con gà đem ra chợ bán. Rồi có người mua đem con gà về cắt cổ làm thịt. Nhưng khi con gà sống nó không hiểu được thân phận của nó, nó vẫn tung tăng, nó không biết gì thân phận của nó là người ta nuôi nó không phải là vì thương, mà người ta nuôi nó để cho nó lớn rồi bán đi và người mua về để làm thịt. Nhưng, Ngài dạy rằng: "Thật ra đó là thân phận của tất cả chúng ta". Đối với thần chết, thân phận của chúng ta giống như con gà ăn thóc thì bươi và hí hửng tung tăng. Nhưng chúng ta không biết đến cái chết. Chúng ta không biết ý nghĩa gì về cuộc sống, chúng ta rất là hí hửng và hân hoan khi có được cái này có được cái kia, chúng ta không thấy được cái khổ của nó.

Bởi vậy, con đường Đức Phật dạy: chúng ta đó là hãy tập im lặng nhìn vào thân và nhìn vào tâm và nhìn vào hơi thở, hơi thở vào hơi thở ra, nhìn vào cảm thọ của mình, cảm thọ đến cảm thọ đi, nhìn vào tất cả 5 uẩn dù là sắc, thọ, tưởng, hành, thức nó có biến thiên nó có thay đổi. 

Năm uẩn là thường hay là vô thường, biết 5 uẩn là vô thường. 

Cái gì vô thường là khổ hay vui, biết là khổ.

Cái gì vô thường là khổ với sự sanh diệt theo lẽ thường thì có nên cho điều đó là "ta" hay là "của ta", "tự ngã của ta" chăng. Không nên.

Cho nên sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa, các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi, và nên nhận thức bằng chánh trí đúng theo thực tướng như vậy nó không phải là "ta" không phải là "của ta" hay "tự ngã" của ta

Bậc Thanh Văn được nghe và thấy như thế rồi thì sanh tâm yểm ly đối với các pháp, nơi nhàm chán vị ấy ly tham, do ly tham tâm được giải thoát, khi tâm được giải thoát vị ấy chứng đắc tuệ giải thoát, vị ấy biết rõ sanh đã tận phạm hạnh đã thành những gì nên làm đã làm và không còn tái sanh nữa .

Một đoạn kinh trong kinh Vô Ngã Tướng. Bài kinh đó chúng tôi thường tụng trong các đám tang. Tụng thì có tụng thôi nhưng có rất nhiều người trong tang quyến vừa tụng vừa khóc. Khóc vì thương cha, thương mẹ, thương con, thương anh chị em, thương người thân ra đi. Tụng là bởi vì lời ghi trong kinh chúng ta vừa tụng kinh về một sự thật và chúng ta cũng vừa khổ về một điều là không chấp nhận sự thật. Lúc nào đó qúi Phật tử nhìn thấy một người đang khóc, nước mắt đang chảy, giọng đọc nghẹn ngào mà tụng kinh Vô Ngã Tướng thì qúi vị nghe cuộc sống là cái gì rất là khổ. Mình không biết nói sao, tâm đó, trí đó, nhận thức đó, sống giữa  lằn vĩ tuyến bên này và bên kia, một bên thì sầu muộn và một bên là ánh sáng của minh triết. Ánh sáng của minh triết có khả năng soi rọi đến đâu chúng ta không biết nhưng chúng ta biết chúng ta từng đọc những bài kinh như vậy, và đọc trong nước mắt . 

Đức Phật không dạy chúng ta sống huyền hoặc xa xôi, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên sống với sự thật ở trên thân tâm của mình, sanh là như vậy, diệt là như vậy. Và nếu chúng ta có đủ công tâm, đủ tỉnh táo, đủ khách quan để nhìn vào sự thật thì chúng ta bớt khổ, đơn giản vậy thôi, và chúng ta càng chấp sai càng hiểu sai thì chúng ta càng khổ, chỉ đơn giản là vậy. 

Trở lại câu chuyện hôm nay, có thể là bài kinh rất ngắn, và có thể là một ý nghĩa tất cả chúng ta đều nói "chuyện đó dễ quá ai cũng hiểu rồi", và cũng có thể chúng ta nói sự thật đó rất bình thường có chuyện gì mà Đức Phật Ngài phải nói lên một câu Vô Vấn Tự Thuyết như vậy. Nhưng kỳ thực đó là một ý nghĩa lớn, rất lớn, một điều cần được thâm nhập được đem vào lòng, đó là sự thực hiển nhiên và ở đó cũng cho chúng ta thấy cái oái oăm của cuộc sống là nó rõ như vậy mà chúng ta không thấy, nó cần thiết sự nhận thức như vậy mà chúng ta thường từ chối không chịu nhìn nhận, và chúng ta bị vấp ngã, bị vướng vấp, bị khổ đau nhiều như vậy chúng ta vẫn chưa tỉnh. 

Bài kinh này không biết chúng ta có đọc có tụng thành một trang kinh mỗi ngày để chúng ta có hiểu không. Chúng ta nhớ Đức Phật dạy chúng ta nên thường quán 5 pháp, 5 pháp này không có chuyện gì khó hiểu hết, đơn giản thôi:

- không ai trẻ mãi không già, 

- không ai khỏe mạnh hoài không bệnh,

- không ai sống hoài không chết,

- không ai không chịu cảnh khổ sanh ly tử biệt chia cách với người thân của mình

- và không ai không có nghiệp riêng của mình.

Kinh NĂM PHÁP QUÁN

Phật xưa rằng kiếp nhân sinh
Lắm điều khổ lụy chẳng dành riêng ai
Xuân xanh rồi cũng tàn phai
Thời hoa mộng tựa sương mai đầu cành
Tấm thân tứ đại hiệp thành
Ốm đau tật bệnh thường tình xưa nay
Dù cho thọ mạng ngắn dài
Cổ kim nào kẻ thoát tay tử thần
Người thân ly biệt người thân
Trăm năm bao lượt khó ngăn lệ nhòa
Mỗi người riêng nghiệp thiểu đa
Rừng mê bể khổ phải qua một mình
Tử sinh nối tiếp tử sinh
Trầm luân khởi tự vô minh cội nguồn
Trí nhân hiểu lẽ vô thường
Tinh cần tu tập thẳng đường vô sanh. 

 Những pháp quán đó nhiều khi chúng ta không muốn quán, chúng ta không muốn nghĩ, thậm chí chúng ta không muốn nhắc tới, nhưng rồi sự thật nó là như vậy, nếu chúng ta thường thấy, nếu chúng ta thường tâm niệm, thường suy ngẫm thì khi chúng ta đối diện với cái chết chúng ta đỡ khổ hơn, khi chúng ta phải trải qua chúng ta đỡ khổ hơn. 

Và đôi khi chúng ta phải nhắc với chính mình rằng đời sống mình xa đà, đời sống mình khổ là tại vì mình quên lời Đức Phật dạy, tại vì mình không chấp nhận sự thật, và tại vì mình không chịu nhìn vào sự thật. Nếu mình nhìn vào bằng con mắt trí tuệ, bằng sự thanh thản và bằng sự khách quan thì chúng ta thấy Đức Phật đúng là bậc Giác Ngộ, lời dạy của Ngài đúng là Phương Lương Dược và cái trí tuệ mới là sự nghiệp to lớn. 

Hiểu được điều này chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật dạy:

"Này Chư Tỳ Kheo, cái mất mát này là nhỏ bé, là mất mát của danh, mất mát của lợi, mất mát của người thân. Cái mất mát lớn đó là mất mát của trí tuệ".

Không phải lời dạy của Đức Phật chúng ta dễ thấm thía. Chỉ những khi chúng ta tâm niệm được điều Đức Phật dạy ở tại đây, " đúng là sự mất mát của trí tuệ là sự mất mát lớn", sự mất mát đó làm chúng ta khổ rất nhiều, mình tưởng sự mất mát khác là lớn chứ lớn cái mất mát của trí tuệ mới là sự mất mát lớn. 

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi Phật tử./.

No comments:

Post a Comment