Kinh Phật Tự Thuyết - Phẩm Bồ Đề - Kinh Bahiya
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 11-1-2015, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập
(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
(Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Bài học hôm này Kinh Phật Tự Thuyết - Kinh Bahiya hơi dài, chúng tôi xin được chia bài kinh này thành ba phần:
Phần thứ nhất, kể câu chuyện liên quan đến Bahiya.
Phần thứ hai, một số chú giải liên quan đến Ngài Bahiya.
Phần thứ ba, ý nghĩa của một lời dạy xúc tích cô đọng nhưng đặc biệt rất quan trọng với tất cả những người hành thiền
1.Phần thứ nhất, kể lại câu chuyện liên quan đến Bahiya.
Câu chuyện kể Bahiya là một người thương buôn đã đi bằng con đường hàng hải tức là đường biển đến nhiều nơi, lần cuối cùng Bahiya đi sang xứ Suranapong là vùng đất Thái Lan bây giờ, vì Thái Lan có tỉnh Phuket giáp với Ấn Độ Dương, thời đó trong sự giao thương người Ấn Độ có đến Surànapong để buôn bán. Trong chuyến đi trở về thuyền bị bão và bị chìm, Bahiya trôi dạt vào trong cảng Suppàraka miền duyên hải của xứ Suranapong. Cũng do phúc duyên nên không chết, khi trôi vào trong bờ thì không còn y phục bất cứ thứ gì để che thân Bahiya phải phấn đấu sinh tồn bằng cách tìm những vỏ cây bện lại thành y phục.
Sau nhiều ngày ăn trái cây rừng và dùng vỏ cây để che thân Bahiya đi đến một làng. Bởi vì Bahiya là một người có tư cách trí thức và là một người tương đối từng trải nên khi gặp những người dân trong làng với hình ảnh của một người có uy nghiêm riêng đồng thời dùng vỏ cây để làm y phục thì tự nhiên được sự tín ngưỡng của người trong làng. Người Ấn Độ họ rất sùng bái những nhà tu hành, những vị đạo sĩ sống trong rừng và có đặc hạnh, trong trường hợp này Bahiya dùng vỏ cây để làm y phục thì họ phát tâm kính ngưỡng.
Nhân sự tùng sự. Ban đầu Bahiya cảm nhận người trong làng đã sùng bái mình quá đáng, nhưng dần dà cũng tùy thuận trong sự giao tiếp. Bahiya bỗng nhiên nhận thấy mình giống như vị đạo sĩ và thật sự cũng mong mình là vị đạo sĩ. Rồi dần dà trong phong cách của vị này đã hướng dẫn một số người trong làng hướng về đời sống thanh tịnh. Những người trong làng kính trọng Bahiya giống như một ông thánh sống. Ở trong đời chúng ta có chuyện như vầy, đôi khi mình không nghĩ mình là Thánh, đôi khi mình không nghĩ mình là Tiên là Phật nhưng người khác họ tôn sùng mình quá lâu ngày mình có cảm tưởng mình là vị Thánh thật sự. Trong tiếng Phạn có chữ Arahan là Alahán chúng ta dịch là bậc Ứng Cúng tức bậc đáng cúng dường để chỉ cho bậc thanh tịnh. Bahiya thấy sau chuyến đi thập tử nhất sinh bây giờ sống tại đây ở trong am tranh giản dị trong lòng cũng thanh thản không muốn gì hết cũng không màn những gì cho đời sống hiện tại và thập chí nghĩ có lẽ mình đã thật sự là một vị Thánh.
Trong kinh ghi có một vị Chư Thiên vốn bà con đời trước thấy Bahiya như vậy sanh tâm trắc ẩn vào buổi tối báo cho Bahiya biết thật ra Bahiya không phải là vị Alahan và cũng không biết pháp để trở thành vị Alahan, cũng không hành trình trên đạo lộ của vị Alahan, và ở hướng tây có một thành phố tên là Sàvatthi ở đó có bậc Đại Giác ra đời, Ngài là Phật, là Đức Thế Tôn, Ngài đúng là bậc Alahan, nếu Bahiya tìm đến Ngài sẽ dạy cho con đường để trở thành vị Alahan.
Điều này cũng là duyện đặc biệt, đôi khi người Phật tử hồi hướng đến Chư Thiên để có khi Chư Thiên nhắc nhở mách bảo (chúng ta gọi là cảm ứng) mình được nhiều cái lợi. Đặc biệt ở trong này Chư Thiên và Bahiya vốn có thiện duyên từ kiếp trước là bà con quyến thuộc
Bahiya không phải chỉ là người có túc duyên với Chư Thiên mà lại là một người phước hạnh đã chín mùi để trở thành vị giác ngộ. Khi nghe nói Đức Phật bậc Giác Ngộ tại thành Xá Vệ Bahiya đã rời làng một nơi tương đối nhiều người kính ngưỡng mình để đi về thành Xá Vệ trong tâm trạng rất nôn nóng gặp Đức Phật, gặp bậc Giác Ngộ, rất thiết tha học đạo để tìm ra con đường trở thành bậc Alahan.
Bahiya đặt chân đến Xá Vệ không khó khăn để tìm ra ngôi chùa Kỳ Viên một nơi được xem nổi tiếng nhất trong thành Xá Vệ ngoài hoàng cung. Bahiya khi đến gần chùa Kỳ Viên thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, liền khởi lên tịnh tin. Bàhiya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
-" Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài."
Bahiya đến cầu đạo một cách rất nôn nóng, Đức Thế Tôn Ngài đã dùng cách từ chối để tâm của Bahiya trung hoà lại một chút, sau đó Ngài đã dạy đạo lý những lời dạy này rất cô đọng nhưng chứa đựng những ý nghĩa rất quan trọng.
Trong kinh nói, sau khi Bahiya nghe Đức Thế Tôn giảng đã thành tựu quả vị Alahan ngay lập tức. Sau đó Đức Thế Tôn tiếp tục đi khất thực. Bahiya sau khi thành tựu quả vị nghĩ đến việc đi tìm y bát để trở thành vị xuất gia. Nhưng không lâu sau đó bị một con bò húc chết. Khi Đức Thế Tôn đi khất thực về nhìn thấy thi thể của Bahiya nằm bên vệ đường Ngài đã dạy Chư Tỳ Kheo "đó là vị đồng phạm hạnh hãy hóa táng và xây tháp thờ". Đức Thế Tôn đã gọi Bahiya là một trong những đệ tử đệ nhất tốc trí tức lãnh hội rất nhanh, chỉ nghe một câu rất ngắn và đã trở thành một vị viên mãn giải thoát. Và Đức Thế Tôn cũng đọc lên bài kệ
Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không chấp trước,
Tại đây sao không chói,
Mặt trời không chiếu sáng,
Tại đây trăng không chiếu,
Tại đây u ám không,
Khi ẩn sĩ Phạm chí,
Tự mình với trí tuệ,
Thể nhập vào Chánh pháp,
Vị ấy được giải thoát Khỏi sắc và vô sắc,
Khỏi an lạc, đau khổ.
2. Phần thứ hai, một số những chú giải liên quan đến Ngài Bahiya
Trường hợp của Bahiya là một trường hợp ở trong chú giải đề cập đến nhiều. Một là Bahiya đã thành tựu đạo quả trong thời gian rất ngắn bởi vì trong thời Đức Thế Tôn Padumuttara vị này đã từng làm một phước hạnh lớn và phát nguyện sau này gặp được chánh pháp sẽ chứng đắc Thánh quả một cách nhanh chóng. Do vậy trong đời này sau khi Balamật hạnh đã viên mãn Bahiya gặp Đức Thế Tôn Ngài chỉ nói một câu thì thành tựu quả vị giải thoát rất nhanh..
Nhưng Bahiya có hai bất thiện nghiệp:
1. Bahiya từng là vị Tỳ Kheo hành trì giáo pháp lâu năm ở các đời Chư Phật quá khứ, trong suốt thời gian tu tập chưa bao giờ cúng dường bố thí y và bát đến các vị xuất gia. Ở đây, chúng tôi cũng phải nhìn nhận khi vào chùa tu có những vị tâm không hiểu sao chỉ nhận sự cúng dường chứ không bao giờ bố thí, không bao giờ tạo phước, chúng tôi có gặp nhiều vị như vậy, và đặc biệt mình đi xuất gia có tứ vật dụng do Phật tử cúng y bát lẽ ra mình nên trợ duyên giúp cho người khác tu tập. Thì Bahiya không bao giờ giúp cho người khác tu tập do vậy khi gặp Đức Thế Tôn mặc dù đã giác ngộ đạo quả nhưng không thể trở thành vị tỳ kheo có y có bát vì thiếu phước bố thí trong quá khứ. Các Phật tử ở các quốc gia Phật giáo phần đông nếu có điều kiện qúi Phật tử thường hoan hỉ tổ chức lễ Dâng Y Kathina để nói lên sự qúi kính đối với hình tướng xuất gia để tạo phước duyên cho đời sau đi xuất gia có nhiều thuận duyên gặp Đức Phật để trở thành vị bhikkhu.
2. Một bất thiện nghiệp khác trong quá khứ khiến cho Bahiya bị bò húc là trong quá khứ Bahiya dùng tên bắn vị Phật Độc Giác do tâm cuồng nộ nên đời này bị quả nghiệp như vậy.
Câu chuyện về Ngài Bahiya nói lên một điểm ở trong đời sống chúng ta là một tổng hợp của những thiện nghiệp và bất thiện nghiệp của quá khứ. Ở đây không có chuyện gì là rủi là may mà nó là quả của nghiệp. Và Ngài Bahiya đã thành tựu đạo quả với thắng trí rất nhanh gọi là tốc trí citta-Javana, nhưng ngược lại thì không có được thuận duyên như những vị khác những đệ tử xuất gia sống bên chân Đức Phật. Thì cuộc đời của chúng ta, mình không thể lấy một việc mà nói người đó có phước, mình không thể lấy một việc mà nói người đó vô phước, có khi có phước việc này lại không có phước về mặt khác. Về điểm đó cũng là một việc khẳng định cái nhìn của chúng ta đôi khi không có chính xác.
3. Phần thứ ba là ý nghĩa của một lời dạy xúc tích cô đọng nhưng đặc biệt rất quan trọng với tất cả những người hành thiền
Chúng ta đi vào bài giảng của Đức Phật cho Bahiya, sau đó là bài kệ do chính Đức Phật Ngài nói lên mà từ cảm khái nhìn vào sự việc. Chúng ta đọc kỹ đoạn này:
- "Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau".
Bài kệ rất ngắn nhưng hàm xúc và cô đọng nhiều ý nghĩa rất quan trọng. Trước khi chúng ta đi vào từng phần của lời dạy này chúng ta nên nhìn 4 điểm ở trong đời sống.
1. Điểm đầu tiên, trong cái nhìn của khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học có một phương thức là loại bỏ những cái không phải để tìm ra cái thật sự là phải. Thí dụ chúng tôi có một câu hỏi muốn tìm giải đáp và ở ngoài kia có một chục câu trả lời, ở trong chục câu trả lời đó mình biết có câu trả lời đúng thì mình có 2 cách: một là mình tìm những câu trả lời sai và loại bỏ những câu đó, cách thứ nhì là đọc những câu sai và sau cùng chọn câu đúng trong số những câu sai.
Ở trong lớp chúng ta thỉnh thoảng có bài thi trắc nghiệm, chúng ta có 1 câu hỏi và có 4 câu trả lời thì mình biết câu đúng nằm ở trong 4 câu đó . Nhưng cũng có một cách khác, thay vì tìm câu đúng thì tìm câu sai, câu A là sai không lấy, câu B là sai không lấy, câu C là sai không lấy thì như vậy câu đúng phải là câu D. Thì ở trong 4 câu có một câu đúng. Điều này người tây Phương gọi là approach là phương pháp tiếp cận, phương pháp nhận diện, thay vì nhìn cái gì cũng đúng thì chúng ta nhìn cái không đúng. Phương thức này rất có lợi cho chúng ta. Và chúng ta không nhìn cuộc sống bằng định kiến, thay vì nó phải thế này, nó phải thế kia, thì mình nói là cái này không phải, cái kia không phải.
2. Điểm thứ hai: Ở trong cuộc sống chúng ta thường vướng vấp bởi 3 định kiến là ngã, ngã sở và mạn tùy miên.
- Ngã là đây là tôi, thí dụ mình là người lục tỉnh, là người miền Tây, có ai chê người miền tây quê mùa, đó là đụng tới tôi, vì tôi là người miền tây, miền tây là tôi, đó gọi là "ngã".
- Ngã Sở. Mình làm trụ trì trong chùa mình nghĩ cái ghế đó phải là cái ghế của mình ngồi, người khác ngồi vào mình giận gọi là "ngã sở" hay là "của tôi", nó là "của tôi", tuy nó không phải là "tôi" nhưng nó là "của tôi", ai đụng đến "cái của tôi" thì tôi cũng nổi giận được.
- Mạn tùy miên. Mạn tùy miên tức là "tự ngã của tôi". Tự ngã của tôi mang tánh cách so đo, so sánh giữa mình và người khác. Ví dụ như người ta là ca sĩ mình là cũng là ca sĩ nhưng có ai trước mặt mình khen ca sĩ khác thì tự nhiên bản thân mình là ca sĩ mình cũng thấy nóng mặt, người ta là Pháp Sư mình cũng là Pháp Sư nhưng người ta gặp mình người ta không khen thuyết pháp hay mà người ta khen người khác thuyết pháp hay mình cũng nóng mặt, cái đó gọi là "mạn tùy miên".
Ngã, ngã sở, mạn tùy miên - đây là tôi, đây là của tôi và đây là tự ngã của tôi chính quan niệm này chúng ta tạo ra rất nhiều vấn đề của cuộc sống, rất nhiều đau khổ của cuộc sống.
Tại vì sao vậy?
Trong một bài kinh rất quan trọng là kinh Căn Bản Pháp Môn, bài kinh đầu tiên của Trung Bộ Kinh có đề cập đến cái nhìn của phàm phu là khi nhìn vào thế giới này từ địa đại, phong đại, hỏa đại, thủy đại, từ các cõi, các hạng người, nói chung là cả thế giới này thì Đức Phật dạy rằng kẻ vô văn phàm phu luôn luôn lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này, tự ngã đối chiếu với tứ đại, nhìn cái gì đi nữa, dù là xa, dù là gần, dù thế này thế kia thì đều đối chiếu với tự ngã.
Một bi kịch vừa xảy ra ở nước Pháp, những người khủng bố tấn công tòa soạn một tờ báo tại vì những người Hồi giáo khủng bố tin rằng tờ báo đăng hình hoạt kê biếm họa châm chích về Hồi giáo thì họ phải trừng trị. Đó là vấn đề ngã, ngã sở, mạn tùy miên - đây là tôi, đây là của tôi, đây là tự ngã của tôi và nó tạo nên bi kịch.
Trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày nếu từ sáng cho tới chiều mình thức dậy mình luôn luôn có những quan niệm, có những cái nhìn, có những nhận thức mà thật ra chúng ta vô tình không biết, cái nào mình cũng thấy rằng đó không phải là "tôi" thì cũng "của tôi", không "của tôi" thì cũng "tự ngã của tôi". Mình nghĩ rằng quan niệm đó mang lại cho mình niềm vui, thật ra nó tạo cho mình rất nhiều vấn đề.
Chúng tôi lấy ví dụ, chúng tôi đang ở chùa Phật Quang, ngôi chùa mới được tạo lập bởi qúi Phật tử thập phương đóng góp trong vòng mấy tháng để tạo ngôi chùa. Có Phật tử đến nói rằng "Thật sự Thầy rất giỏi, chỉ trong thời gian ngắn Thầy có thể mua được ngôi chùa thì thật sự đó là điều phải nói là Thầy rất có tài ". Rồi có Phật tử khác đến nói rằng: "TT tạo lập ngôi chùa mà ngôi chùa phải có tầm cỡ chứ ngôi chùa sao nhỏ quá, ngôi chùa này so với những ngôi chùa khác không đủ tiện nghi gì hết". Thì thưa qúi vị, cũng ngôi chùa đó có lời khen, có lời chê, có người nói thế này, có người nói thế kia.
Nhưng thật ra mình phải nhìn thấy một điều là mình làm một ngôi chùa nói giỏi thì không phải giỏi tại vì đó là sự phát tâm của qúi Phật tử xa gần. Nói theo ngôn ngữ của Phật Pháp là do duyên làm nên, có nhiều khi không gặp duyên lành thì mình cũng không làm được. Còn nói làm lớn làm nhỏ thì thật ra làm lớn nhiều tiền quá không có tiền. Quan niệm về lớn về nhỏ, nếu tỉnh táo một chút xíu ở trong đời sống chúng ta thấy mình vui ở trong lời khen và mình buồn ở trong lời chê thì nó chỉ là một sự nông nỗi, chỉ là sự chấp sai.
3. Điểm thứ ba: Trong ngôn ngữ rất chuyên môn Phật Pháp là mình lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này, khi mình lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này mình tạo ra rất nhiều vấn đề cho cuộc sống.
Cũng khuôn mặt đó, cũng mái tóc đó có người khen đẹp có người nói không đẹp. Cũng thành phố đó có nhiều người thiết tha có nhiều người thấy thành phố đó mơ mộng. Qúi vị đừng nói thành phố Paris là kinh đô ánh sáng, nhiều người thích. Một lần chúng tôi hỏi một vị Thầy đến thăm Paris: "Thầy nghĩ thế nào về thành phố Paris?" Thì vị Thầy nói "Thành phố gì phân chó khắp nơi" Tại vì người Pháp thường hay dẫn chó dạo ngoài đường họ để cho chó đại tiện bừa bãi, chuyện đó chúng tôi không phủ nhận, thật ra thành phố để chó đại tiện bừa bãi như vậy cũng là sự không nên. Nhưng đó không phải tất cả là Paris, Paris có như vậy nhưng không phải là tất cả. Cũng có những người chúng tôi hỏi Paris thế nào, thì họ nói Paris gì mà xuống dưới metro (xe điện ngầm) rất là khai, là vì người Pháp làm đường hầm không có tiện nghi như người Mỹ, người Mỹ thật sự khắp nơi đều có nhà vệ sinh, còn người Pháp thật sự đi tìm nhà vệ sinh rất cực do vậy có nhiều khi mình xuống đường hầm mình nghe có mùi khai là tại vì có nhiều người nếu được tiện nghi thì họ không tiểu tiện bừa bãi như vậy. Nhưng mùi khai dưới metro không phải là tất cả là Paris. Nói Paris là kinh thành của ánh sáng của hoa lệ, cũng đúng, đại lộ Élysées hay khu La Fayette có bao nhiêu tiệm, có bao nhiêu boutique (cửa hàng nhỏ bán quần áo thời trang, đồ trang sức, hoặc những thứ đắt tiền), có bao nhiêu khu thương mại rất giàu, có những hotel 5 sao v.v.. và v.v.. Thì mình nói sao về Paris? Paris là tổng hợp của tất cả những thứ đó.
Cuộc sống là như vậy, giống như cuộc đời của Ngài Bahiya, đó là sự tổng hợp của những thiện và những bất thiện, của những cái thuận, những cái chướng, những cái đẹp và những cái không đẹp. Chúng ta chỉ muốn cuộc đời là thế này, cuộc đời là thế kia, chúng ta phán một câu vô tội vạ. Thật ra nó không chỉ là sự nông nỗi trong sự nhận thức mà nó cũng là sự phiến diện của chính mình. Chính sự chấp thủ này làm chúng ta khổ, chấp thủ vào khen, chê, vui, khổ, đặng, thất, vinh, nhục làm chúng ta khổ là vì chúng ta không thấy được.
Chúng ta nên hiểu chấp thủ về ngã, ngã sở, mạn tùy miên là một cái gì ăn sâu dấu kín trong lòng chúng ta và nó luôn luôn là vậy, nó là một tiền khiên tật, thường cận y duyên, là một cái gì đó, một cái thói quen lâu đời nhiều kiếp chứ không phải chỉ có đời này, chúng ta luôn luôn đem tự ngã để đối chiếu với thế giới này. Đức Thế Tôn là một vị Giác Ngộ rất hi hữu, Ngài đã dạy về con đường làm sao để gỡ bỏ điều đó, thay vì đi tìm cái ngã, thay vì đi tìm ngã sở, thay vì đi tìm cái gì đánh mất cái ngã của mình thì Đức Thế Tôn khuyên hãy nhìn thế nào mà nó không phải là ngã.
Ở trước sân chùa có một bụi hồng rất đẹp, chúng tôi chưa bao giờ thấy hoa hồng đẹp như vậy, bên ngoài màu đỏ bên trong màu trắng, nó có rất nhiều cánh hoa màu từ đỏ nhạt dần cho đến màu trắng, đóa hoa rất lớn bằng bàn tay chúng tôi xòe ra. Có một Phật tử hôm qua đến gặp chúng tôi nói ở sân chùa có hoa hồng đẹp quá. Chúng tôi thưa rằng "thật ra thì những người Phật tử của ngôi chùa Đài Loan trước kia họ trồng hoa hồng đó, chúng tôi cũng chỉ mới dời về đây mấy tuần lễ thôi", nhưng chúng tôi phải nhìn nhận đó là hoa hồng rất đẹp. Chúng tôi có thể đồng ý là hoa hồng đẹp nhưng để hãnh diện nói đây là của tôi, do tôi trồng, thì không thể hãnh diện như vậy. Tại sao? Hoa hồng đó mình không trồng và mình không làm cái gì để cho nó đẹp, nó chỉ có mặt một cách rất tình cờ do người chủ trước đã trồng và bây giờ hoa nở ra đẹp, nhưng cũng không phải vì nó không phải mình trồng mà mình không thưởng thức nó, nó vẫn đẹp.
Ví dụ, qúi Phật tử vào rơom nghe pháp, nghe một vị Sư giảng, đôi khi có nhiều người nghĩ ông Thầy là Thầy của mình ông nói gì mình nghe cũng hay và nếu ông Thầy không phải của mình thì ông nói gì nghe cũng dở, thì đó sự thiệt thòi của chúng ta. Không phải vì ông Thầy đó thân với mình mà ông thuyết pháp gì cũng hay, cũng không phải vì không thân với mình ông thuyết pháp gì cũng dở.
Nhưng vấn đề chính của chúng ta là gì? chúng ta thường cột cái ngã của mình vào, đây là tôi, đây là của tôi, đây là tự ngã của tôi.
4. Điểm thứ tư: Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên đặt cái nhìn của mình, thứ nhất là chúng ta ý thức sự hiện hữu, cái ý thức sự hiện hữu Đức Phật gọi là Sati là Niệm. Nhưng sắc uẩn chỉ là uẩn, thọ uẩn chỉ là uẩn, các uẩn đó chỉ là uẩn, uẩn chỉ là uẩn, đó gọi là sự chú ý đơn thuần.
Sự chú ý đơn thuần là pháp sanh diệt mình biết là nó sanh nó diệt, không thêm không bớt, chỉ biết như vậy thôi. Đây là một kỹ thuật một bí quyết rất khó trong đời sống. Chúng ta thường phản ứng hoặc xua đuổi những cái gì không thích, dẫy nảy từ chối cái gì không vừa lòng và bám víu cái gì chúng ta vừa lòng trong đời sống. Nhưng trong sự dẫy nảy từ chối hay sự bám víu chấp thủ dính mắc chúng ta quên rằng tự mình chuốt lấy cái khổ.
Bởi vì sao? Bởi vì các pháp có sanh và diệt, nó sanh và diệt theo tự tánh của nó, nó đến và đi, giống như đóa hoa hồng nở ở ngoài sân. Đóa hoa hồng nở không phải do sự chủ động của mình và khi nó tàn mình cũng không làm chủ được nó, nó nở ra đầy hương sắc mình cũng không làm chủ được nó nhưng mình vẫn nói cái hoa hồng là của tôi, nó nằm trong sân chùa của tôi thì nó là của tôi, tôi nên hãnh diện về nó khi ai khen vì nó là của tôi, nhưng kỳ thật hoa hồng chỉ là hoa hồng nó có tự tánh riêng của nó. Bây giờ qúi Phật tử nói "Thầy trồng hoa hồng đẹp quá" chúng tôi cũng không biết là chúng tôi có cái gì để hãnh diện với nó vì nó chỉ là nó thôi.
Chúng ta nghe Đức Phật dạy rằng: "Này Chư Tỳ Kheo, cho nên sắc uẩn nào dù trong đời quá khứ hiện tại vị lai, bên trong bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi, các con nên nhận thức bằng chánh trí đúng theo thực tướng như vậy, đó không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta".
Khi mình nói sắc uẩn chỉ là sắc uẩn thôi, thọ uẩn chỉ là thọ uẩn thôi, tức là mình không thêm không bớt, nó đến như vậy và nó đi như vậy, không nói đây là "ta", đây là "của ta", đây là "tự ngã của ta". Cái nhìn đó là cái nhìn lẳng lặng trong cõi tịch lặng, cái nhìn của vô ưu, cái nhìn không có mang vào tự ngã kiến chấp, không có mang cái gì.
Có cái gì để mà phải vật lộn khó chịu khi nhìn hơi thở vô hơi thở ra, rất đơn giản, hơi thở vô biết hơi thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, cảm thọ đau nhức đến biết đau nhức, đi biết, chân mặt bước tới biết bước tới, dừng lại biết dừng lại, tất cả những thứ đó nó đến, nó đi, nó sanh, nó diệt, biết nó hiện hữu. Chỉ ghi nhận và ghi nhận một cách đơn thuần, đây là thở vô, đây là thở ra, thở dài, thở ngắn, không cần phải nói là "tôi thở", "tôi định tâm", "tôi thế này" "tôi thế kia", "tôi hay" "tôi dở".
Tại sao mình phải làm như vậy? Sự chú ý đơn thuần cho phép chúng ta nhìn vào thực tại bằng tâm rất an tịnh, cuộc sống là vậy, đến như vậy đi như vậy. Và cũng đừng nên quên một điều cái làm cho mình sung sướng nhất là ngã, ngã sở, mạn tùy miên, tức là cái tôi, cái ta, đây là của tôi, đây là tự ngã của tôi, chúng ta phải nhìn thấy rất kỹ nó chỉ là ảo giác thôi và nó mang lại cho chúng ta nhiều cái khổ, rất là nhiều cái khổ.
Quí vị cứ tưởng tượng ở trong cuộc đời mình người ta khen mình mình vui người ta nói nở lỗ mũi ra, người ta chê mình thì mình xụ mặt xuống. Có lần chúng tôi nghe Ngài Hộ Giác ví dụ, Ngài nói tâm của mình không tu giống như cục bột người ta muốn nặn vuông thì vuông muốn nặn tròn thì tròn, cuộc đời họ muốn mình hí hửng họ khen mình một câu, cuộc đời họ muốn mình sầu muộn thì họ chê mình một câu, rõ ràng quan niệm về "tôi", "của tôi", "tự ngã của tôi" tạo cho mình vô số vết thương lòng, mình trách móc người khác, người ta chửi mình, nó mắng tôi, chửi tôi, cướp tôi v.v... nhưng kỳ thật nó đến từ cái chấp sai của mình.
Đức Thế Tôn đã từng dùng rất nhiều thí dụ, một thí dụ nhẹ nhàng gần gủi chúng ta nhất là những chiếc lá trong sân chùa, những đồ trong chùa đã mất tánh tư hữu rồi mà nó là những chiếc lá rụng vào mùa thu, chiếc lá trên cành đôi khi người ta còn tha thiết nhưng lá rụng thì người ta chỉ quét dọn thôi và Đức Thế Tôn hỏi rằng:
"Này Chư Tỳ nếu có ai đó đem những chiếc lá trong chùa Kỳ Viên gom lại đốt hay đổ xuống hố sâu các con có vì thế mà buồn mà phiền không?"
"Bạch Đức Thế Tôn, không, tại vì chúng con không liên tưởng đến ngã, đến ngã sở"
Đức Phật dạy "sadhu, các con hãy nhìn 5 uẩn như vậy".
Nếu chúng ta có thể có một cái nhìn chú ý đơn thuần những pháp nào sanh khởi chúng ta biết sanh khởi, pháp nào diệt chúng ta biết là diệt, hơi thở của chúng ta, cảm thọ của chúng ta, những hiện tượng tâm lý sinh lý, những gì thuộc vật chất tinh thần, những gì nội phần, ngoại phần, trong và ngoài nó như một giòng chảy một giòng sinh diệt tiếp nối, chúng ta có thể càng ngày càng thấy rõ được bản chất phù du trong từng sát na.
Ví dụ, hơi thở sau có cái gì để chấp với hơi thở trước, hơi thở trước có cái gì chấp với hơi thở sau. Cái cảm giác hồi nãy và bây giờ có gì để mà chấp. Hồi nãy mình có cảm giác sung sướng và nói "bữa nay tôi hạnh phúc quá" cái "tôi" trong đó nhưng bây giờ cảm giác nó đã đi mất rồi. Thọ chỉ là thọ thôi, tưởng chỉ là tưởng thôi, hành chỉ là hành thôi, thức chỉ là thức thôi.
Bởi vậy phương thức tiếp cận với thực tại thiền Tứ Niệm Xứ là một phương thức rất lợi lạc, cái lợi lạc ở đây là mình cho tâm mình một công việc đó là ghi nhận nhưng trong sự ghi nhận đó mình làm sao để tâm mình không có chấp thủ không có vướng vấp và làm thế nào ở trong cái nhìn, từ cái thấy, cái nghe, từ cái thọ, cái tưởng tất cả mọi thứ có thể được thấy được biết mà không cần phải đem vào trong đó quan niệm đây là "tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi".
Sự tu tập trong Phật Pháp có khác với thế gian. Thế gian bắt đầu là đi tìm cái "ngã" đi tìm cái "tôi". Nhưng Đức Phật dạy chúng ta nên ý thức được cái nhìn sai lầm về ngã chấp ở trong chính cái thấy, cái nghe, cái tiếp xúc của mình. Và khi mình nhận thức được mình đã có lầm tưởng về cái "tôi", cái "của tôi", cái "tự ngã của tôi" thì thật sự nó không cần thiết để đặt ra vấn đề là cái gì thật sự là cái "ngã".
Thật ra, đây là một sự khác biệt rất lớn giữa Phật Giáo và Bà la môn giáo, giữa Phật Giáo Nguyên Thủy và Phật Giáo Phát Triển, thay vì đi tìm một cái gọi là chân ngã, thì không, tại sao phải đi tìm cái chân ngã, điều quan trọng là thắp sáng được ý thức, thấy được ngã chấp mang lại cho mình đau khổ, chừng đó là đủ, ở đâu chấp ngã thì ở đó khổ, bây giờ mình bớt chấp thì bớt khổ, càng bớt chấp thì bớt khổ, đó là pháp trị liệu rất đơn giản nhưng hữu hiệu vô cùng.
Ngài Xá Lợi Phất dạy: khi người ta chửi mình thì mình nên thấy lời chửi là âm thanh, tai nghe, ý thức nhận biết. Đó chỉ là một thế giới của hiện tượng của căn cảnh thức gặp nhau, cũng là một cách chú ý đơn thuần. Trong cuộc sống này không dễ dàng để chúng ta thay đổi cái nhìn của mình.
Ở đây, Bahiya đã từng sống trong tâm trạng nghĩ mình là Alahan, chỉ riêng nghĩ mình là Alahan đã là một ngã chấp rất lớn. Trong cái nhìn rất nôn nóng để đạt đạo, nôn nóng để trở thành vị Alahan. Đức Thế Tôn là bậc Tối Thượng Y Vương, Ngài thấy được điều đó và Đức Thế Tôn cũng phải giảm tốc độ đó xuống một chút, Ngài đã không dạy liền, nhưng bằng lời dạy rất ngắn gọn.
Chúng ta đọc kỹ đoạn này: "Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau".
Đọc câu này đôi khi chúng ta thấy phản phất nghĩa ở trong kinh chữ Hán "Ưng vô sở trụ. Nhi sanh kỳ tâm". Con người mình không chấp thủ ở đời này, đời sau, ở chặng giữa thì đoạn tận khổ đau. Nhưng chữ "kỳ tâm" chúng ta có thể hiểu đó là tâm hoàn toàn giải thoát.
Đời sống con người hay đi tìm cái ngã của cái gì đang làm, của cái gì sẽ làm, và của cái gì chuyển tiếp điều đó, mình luôn luôn nghĩ mình sẽ có cái này, mình sẽ có cái kia, mình là người này, mình sẽ là người kia, mình có chức vụ này, chức vụ kia, mình được cái này được cái kia.
Nhưng khi Đức Phật dạy: "Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau".
Lời dạy cô đọng đó hàm tàng một ý nghĩa rất lớn khi chúng ta nói một vị đoạn tận dục ái, hữu ái và phi hữu ái, không đơn giản để chúng ta hiểu và chính ở trong lời dạy ngắn gọn này Đức Thế Tôn đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của Bốn Đế: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế và Đạo Đế. Ngài giảng dạy ở trong hình thức ngắn gọn nhất, ở trong phương pháp của thực hành hơn là lý thuyết. Ngài đã đề cập đến Khổ, Ngài đề cập đến Nguyên Nhân Sanh Khổ. Nguyên Nhân Sanh Khổ là đi tìm cái "ta" ở đời này, đời sau, ở chặng giữa, tầm cầu chỗ này tầm cầu chỗ kia. Khi sự tầm cầu đó vụt tắt thì đau khổ chấm dứt, nói chung là Diệt Đế và Đạo Đế.
Đức Thế Tôn dạy Ngài Bahiya là vị đệ nhất về tốc trí tức trí tuệ rất nhanh do đó đối với chúng ta dĩ nhiên bài kệ này không đơn thuần có thể tiêu hóa liền, nhưng chúng ta hãy thử đem điều đó áp dụng trong đời sống hàng ngày, lâu lâu vào buổi sáng hay buổi chiều nhìn vào hơi thở của mình, hơi thở vào, hơi thở ra. Nhìn vào cảm thọ của mình, cảm thọ sanh và cảm thọ diệt. Cái vào cái ra của hơi thở, cái sanh cái diệt của cảm thọ, có cái gì để mình nói rằng đó là "ta", đó là "của ta", đó là "tự ngã của ta", có cái gì? Tất cả chỉ là một phần của giòng chảy, tất cả chỉ là một hiện tượng của một thế giới hiện tượng, tất cả đều đến và đi. Nhưng chúng ta thường ôm chầm những điều đó, rên xiết, kêu ca nói rằng " đây là tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi". Để làm gì? Để mà khổ thôi. Đôi khi mình nghĩ rằng mình chấp là lớn chuyện lắm. Mỗi ngày qúi vị vào email đọc biết bao nhiêu thư, email chửi qua chửi lại để làm gì, chỉ để mà khổ thôi, nhưng chúng ta cảm thấy sung sướng điều đó, ngụp lặn trong điều đó, cảm thấy điều đó vinh quang, hơn nhau từng lời ăn tiếng nói là vinh quang nhưng mà để làm gì, để mà khổ thôi.
Đọc những giòng chữ này chúng ta cảm nhận được duyên lành lớn một vị Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, nếu không phải là Đức Phật, không phải là vị Giác Ngộ thì thật sự không biết bao giờ chúng ta có thể có được những lời dạy hoàn toàn khác biệt với tất cả những quan niệm thông thường. Chúng ta hô hào cổ võ quá nhiều về một thế giới này để càng lúc càng chấp thủ nhiều hơn, khổ cho mình và khổ cho người khác nhiều. Đức Phật dạy rằng đầu mối nằm ở trong tâm mình, cái gút nó nằm ở trong tâm mình, đó là sự chấp thủ, hãy nhìn, hãy nhìn một cách đơn thuần giản dị, thấy biết là thấy, nghe biết là nghe, cảm thọ biết cảm thọ, tưởng tri biết tưởng tri, thức tri biết thức tri, chỉ như vậy chúng ta an lạc.
Chúng tôi xin dứt lời ở đây và cầu mong rằng ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp sẽ tiếp tục xoi sáng thế gian này./.
Minh Hạnh chuyển biên, ngày 3 tháng 8 năm 2015
Minh Hạnh chuyển biên, ngày 3 tháng 8 năm 2015
No comments:
Post a Comment