Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda
Phần I - [bản ngã và linh hồn]
TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, phần 1, ngày 21-8-2019.
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Bài kinh Potthapàda đặc biệt lợi ích cho chúng ta khi nói về một đề tài gây nhiều tranh luận, nhất là những người học Phật Pháp đôi khi cảm thấy khó hiễu nhưng nếu chúng ta hiểu bài kinh này thì dễ dàng hiểu đề tài liên quan đến bản ngã và linh hồn.
Nhiều lần, một số Phật tử đặt ra câu hỏi về vô ngã hay không có linh hồn, và Phật tử rất là khó chịu bởi vì đa số Phật tử, nhất là Phật tử Việt Nam ảnh hưởng truyền thống Bắc Tông thì chữ linh hồn được xem như một cái gì đó rất tự nhiên là con người có hai phần; phần hồn và phần xác.
Nói chung, ở một mức độ nào đó Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy đồng ý với nhau về tánh không hay tánh giả hợp của thân và tâm. Nhưng trong hình thức của Phật giáo dân gian trong đó ảnh hưởng của Lão Giáo thì câu chuyện về linh hồn người Phật tử Việt Nam thường hiểu thì nhận thức quan niệm gần với Bà La Môn giáo hơn là Phật Giáo, đây là điều phải nhìn nhận. Và có lẽ một trong những tác phẩm đầu tiên gây ra chấn động nhiều cho Phật Giáo Việt Nam đó là cuốn Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada Maha Thera, trong đó Phật Giáo không có nói về một linh hồn hay không nói về cái ngã thường tại. Không nói về ngã thì có nhiều người cố gắng hiểu nhưng nói về không có linh hồn mình nghe nó kỳ, nhất là người đời thì lo về phần thể xác, đạo thì lo về phần linh hồn.
Về chữ linh hồn (tâm hồn), chúng tôi thỉnh thoảng cũng có nói một vài chữ liên quan đến điểm này. Sư Trưởng là người học về A Tỳ Đàm và nghiêm túc về Phật học Sư Trưởng không muốn dùng chữ tâm hồn. Nhưng trong ý nghĩa nói về một người có tâm hiền thiện người đời dùng từ "Tâm hồn cao thượng" thì nhắc đến một ý nghĩa khác.
Đại để, chúng ta nên hiểu phần đông quan niệm cái ngã thật sự của mình không nằm ở thân mà nằm ở tâm, tâm ở đây là "danh" theo Phật học, người đời nói là linh hồn, con người gồm hai phần là linh hồn và thể xác.
Trước nhất, quan niệm về linh hồn lại đi với quan niệm về chân ngã hay về bản ngã, bản ngã nằm ở linh hồn nói theo kinh Phật đặc biệt là Vi Diệu Pháp là "thọ là ta, ta là thọ, trong thọ có ta, trong ta có thọ, tưởng là ta, ta là tưởng, trong tưởng có ta, trong ta có tưởng, hành và thức cũng vậy". Điều đó xem linh hồn là bản ngã.
Chúng ta cũng thường quan niệm thể xác thì thay đổi như nay mạnh mai đau, lúc đói lúc no, lúc lạnh lúc nóng, lúc trẻ lúc già thấy rõ ràng. Nhưng nhiều người quan niệm về linh hồn thì thường hằng bất biến, đó là hằng tưởng không thay đổi và chính vì hằng tưởng như vậy mới thật sự là ta, mới thật sự là chân ngã, đó là một quan niệm.
Về sau này người ta có quan niệm tương đối tinh tế hơn, họ quan niệm nội tâm có hai phần; một phần là mộng thức một phần là chân tâm. Mộng thức là tạp niệm là phiền não, giống như nhiều bụi bao che chung quanh viên ngọc, viên ngọc được ví dụ là chân tâm, phiền não bao quanh gọi là mộng thức.
Thì sự hiện diện một lúc có cả chân tâm và mộng thức giống như viên ngọc bị bao phủ, mang tánh cách quan niệm thường thức của cái nhìn bình thường, nhất là Phật Giáo Trung Hoa hay Phật Giáo Đại Thừa. Còn trong kinh tạng thì không nói sự tồn tại cùng lúc cả hai chân tâm, một lần tâm sinh diệt chỉ có một sát na, trong cái vòng sinh diệt thì mỗi lần từng sát na sanh và diệt và không thể nói là có ở trong đó cái gì gọi là chân tâm mặc dầu ở trong A Tỳ Đàm có đề cập đến ý tưởng đó, có một thứ gọi là tâm một thứ là thuộc tánh của tâm hay tâm vương và tâm sở. Tâm vương và tâm sở là hai ý niệm hoàn toàn khác với khái niệm về chân tâm và mộng thức. Chúng ta cần hiểu như vậy để chúng ta có khái niệm về bài kinh này và đây là bài kinh rất lợi lạc để mình tìm hiểu về quan niệm bản ngã và linh hồn.
Duyên khởi của bài kinh
Một buổi sáng, ở chùa Kỳ Viên, Đức Thế Tôn Ngài đi khất thực, một sinh hoạt bình thường ở trong đời sống của Ngài, có khi Ngài đi một mình, có khi Ngài đi với người thị giả, có khi Ngài đi với Chư Tăng, có khi Ngài đến nhà Phật tử để trai tăng. Hôm đó, Ngài thấy còn sớm nên Ngài đi đến khu vườn Ekasàlaka khu vườn nghỉ mát của Hoàng Hậu Malika là Phật tử và là Hoàng Hậu của vua Ba Tư Nặc. Theo lời thuật lại của Tôn Giả Ananda, lúc bấy giờ tại khu vườn có một số vị du sĩ ngoại đạo ở trong đó có du sĩ Potthapàda là một vị du sĩ ngoại giáo tương đối có kiến thức uyên bác và đồng thời người tánh nhũn nhặn không cao ngạo và là một người có trí ở trong sự đàm luận bằng trí tuệ. Như thường lệ các vị tu sĩ ngoại đạo thấy Đức Phật từ xa đến họ nói với nhau nên giữ sự yên lặng thanh tịnh, họ nói
- "Samôn Cồ Đàm không tán thán sự tranh luận chỉ tán thán sự thanh tịnh thôi".
Ở đây có hai nghĩa:
1. Một là họ có sự tôn trọng Đức Phật, thời đó Đức Phật là bậc Đạo Sư lớn và cũng có sự tôn trọng phần nào.
2. Điều thứ hai là họ không muốn Đức Phật đánh giá thấp họ do đó khi thấy Đức Phật đến họ nhắc nhở nhau nói nhỏ lại.
Khi đến Đức Phật Ngài hỏi các vị đang bàn cái gì thì thật sự trước khi Đức Phật đến những đề tài họ bàn là phù phiếm, là phiếm luận. Du sĩ Potthapàda thưa:
- Bạch Đức Thế Tôn xin Đức Thế Tôn đừng để ý đến những gì họ đang bàn và xin Ngài hoan hỉ trả lời cho một câu hỏi. "
Câu hỏi là:
- "Tăng thượng tưởng diệt như thế nào, sanh như thế nào, nó có nhân có duyên hay là tự nó?
Trong câu hỏi vị này dùng chữ abhisaññā trong bài kinh dịch là tăng thượng tưởng, chữ abhisaññā này người Balamôn giáo dùng giống như chúng tôi dùng chữ chân tâm để đối với vọng thức, chân tâm là một thực thể thật sự con người còn vọng thức là những tạp tưởng ở bên ngoài.
Ở đây, chữ saññā theo trong Phật học có nhiều ý nghĩa. Saññā ở đây không nên hiểu đơn thuần là nhớ là tưởng, mà saññā là sự nhận thức hiện tại do kinh nghiệm của quá khứ. Ví dụ như qúi vị đang ngồi ở trước máy theo dõi Chư Tăng giảng Phật Pháp trong paltalk, những giòng chữ qúi vị đọc được trên màn hình và những ý tưởng qúi vị đang nghe Chư Tăng giảng tất cả điều đó không đơn thuần là chỉ nghe và chỉ suy nghĩ mà nó dựa trên kinh nghiệm quá khứ, không có kinh nghiệm quá khứ chúng ta không nhận được mặt chữ a, b, c, không nhận dạng ráp lại thành từng chữ do các mẫu tự và cũng không có nhận diện chữ ở trong câu và một người hoàn toàn không biết gì thì họ hoàn toàn không đọc được. Dĩ nhiên, dòng chữ mình đọc được là mình nhận biết được, cái biết đó là do mình đã từng trải từng biết. HT Nhất Hạnh khi còn nghiên cứu về duy thức có viết một cuốn sách lấy bút hiệu Thạc Đức trước năm 1975, "vấn đề nhận thức qua duy thức học" HT dùng chữ nhận thức để nói về chữ saññā là tưởng hay tưởng tri.
Hồi nhỏ chúng ta đi học làm luận văn thường dùng chữ tri giác là biết, là cảm được, là nhận thức được là do kinh nghiệm từng trải.
Trong bài kinh, du sĩ ngoại đạo Potthapàda nêu lên vấn đề là abhisaññā là thượng tưởng nghĩa giống như chân ngã hay chân tâm, đối ngược lại với vọng thức.
Câu hỏi của các vị này hỏi về sự sanh diệt. Một số các tu sĩ ngoại đạo nói: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sanh và diệt. Khi tưởng sanh con người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng, đó là một quan niệm.
Tưởng là tự ngã con người, tưởng có đến và đi, khi tưởng đến con người có tưởng, khi tưởng đi con người không có tưởng. Như câu chuyện "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" tức là có linh hồn đi từ thân xác này sang thân xác khác, linh hồn nhập vào thân xác này thì con người có tưởng, khi không còn thân xác này nữa thì không có tưởng. Một số vị quan niệm rằng tưởng là một thực chất là một thực thể mà các vị Samôn Bàlamôn có năng lực có thể kéo tưởng đó ra khỏi xác con người, có khi tưởng nhập vào người này nhập vào người kia. Đó là một giải thích.
Đức Phật Ngài không trả lời từng câu, Đức Phật Ngài dạy nếu những vị nào nói tưởng không do nhân không do duyên thì đã sai từ ban đầu. Chính do nhân do duyên thì tưởng sanh diệt và Đức Phật Ngài lời nói có những trường hợp do sự tu tập làm đoạn tận một số tưởng và có một số trường hợp tu tập làm cho tưởng sanh.
Chúng ta tạm ngưng phần chánh kinh ở đây để nói về nhận thức của chúng ta về thế giới này.
Chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông đang sống trong ngôi chùa và trong cùng một thành phố, nếu có ai hỏi, dường như chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông đều nói khác về biết chùa Pháp Luân, biết thành phố Houston. Tại vì mình đang sống ở chùa đang sống trong thành phố nhưng kỳ thật sự cảm nhận (nhận thức) của ĐĐ Nguyên Thông về chùa Pháp Luân về thành phố Houston rất khác với chúng tôi. Vì tùy thuộc vào quá khứ của mỗi người.
Chúng tôi sống ở đây mấy mươi năm và trải qua rất nhiều sinh hoạt, bởi vậy chúng tôi nghĩ về thành phố Houston có khác, ĐĐ Nguyên Thông là người mới đến thành phố sau nên nhận xét về thành phố Houston có khác. Ở trong ngôi chùa cũng là chánh điện, cũng hội trường, cũng tăng xá, cũng Phật cảnh đó nhưng chúng tôi nằm trong cương vị Trụ Trì thì nhìn chùa có khác, ĐĐ Nguyên Thông nhìn chùa có khác.
Tại vì sao? Tại vì bất cứ cái gì mình nhận thức có nên lệ thuộc vào cảnh đó hay không mà nó còn lệ thuộc vào quá khứ, nó tùy thuộc vào cảnh, nó tùy thuộc sự hoạt động của mình. Cũng như cũng nhìn trái táo nhưng lúc mình đói bụng mình nhìn nó khác và lúc mình no mình nhìn nó khác, cũng là nhìn một tượng Phật thôi nhưng sự cảm nhận của chúng ta trong lòng hoàn toàn khác tại vì dựa trên quá khứ và trình độ của mình. Ví dụ như ĐĐ Nguyên Thông rất thích bông hoa cây cảnh trồng cây trong vườn thì cảm nhận về bông hoa cây cảnh khác với một người nào đó không thích cây cảnh.
Vì vậy, chúng ta cùng sống trong một thế giới nhưng nhận thức lại rất khác, sự khác biệt đó là do những điều kiện như khi đói mình nhìn trái táo nó khác với khi no, tại vì không phải chỉ có trái táo mà nó còn có cái no cái đói trong lòng mình. Mình nhìn cái chuông cái mõ nếu mình giỏi về nghi thức thì có cái nhìn khác với người không giỏi về nghi thức. Người ta hay tưởng cái này cái kia ngay cả Thượng Đế nhưng một điều rằng God hay Thượng Đế mặc dầu nói có một chữ nhưng sự nhận thức của mỗi người mỗi khác, tùy vào quá khứ tùy vào trình độ và xuất thân của mình là ai thì nhận thức đều có khác. Vì vậy cả thế giới này ngay cả trong paltalk này cùng paltalk và cùng mở ra cùng nghe như vậy nhưng không phải mọi người nghe giống nhau cảm nhận giống nhau, thì điều đó nó lại còn do nhiều nhân nhiều duyên.
- Điểm đầu tiên Đức Phật dạy: "Ai nói nhận thức không do nhân không do duyên thì tự nó là sai". Bởi vì rõ ràng tất cả những gì chúng ta nhận thức đều do nhân do duyên, không thể có chuyện gì không do nhân không do duyên. Đó là điểm đầu tiên Đức Phật Ngài trả lời.
Tiếp theo Đức Phật Ngài dạy có "một điểm nhiều người thường nghĩ là sự nhận thức hay linh hồn là cái gì không thể thay đổi được" về điểm này căn bản rất sai.
Mặc dù người ta nói là "giang sơn dể đổi bản tính khó rời" nhưng nếu sự nhận thức không thay đổi được, giòng tâm thức không thay đổi được thì sự tu tập không có giá trị. Chính vì có thể thay đổi được nên sự tu tập có giá trị. Chúng tôi lấy một ví dụ là có một thời nào đó khi chưa tu tập mình nghe người ta khen hay chê tâm của mình phản ứng rất mạnh, nhưng không có nghĩa là trạng thái tâm đó phải là như vậy và nó vĩnh viễn là như vậy, nếu chúng ta khéo tu một thời gian và chúng ta khéo suy nghĩ khéo quán tưởng một thời gian thì mình ít bị chi phối bởi cái khen chê. Sự nhận thức, sự nhìn của chúng ta với bao nhiêu sự việc trong đời sống cũng vậy. Hay hồi còn nhỏ mình có tánh rất hiếu thắng muốn cái gì phải muốn cho được, phải ăn thua đủ, nhưng lớn lên do sự tu tập mình đầm lắng đi và khi mình đầm lắng đi mình nhìn thấy sự hơn thua không còn quan trọng nữa. Thì hồi nãy, mấu chốt của điểm hồi nãy mình vừa trình bày đó là nhận thức có nhân có duyên chứ không phải là không nhân không duyên. Đó là điểm đầu tiên chúng ta phải biết.
- Điểm thứ hai, trong bài kinh này Đức Phật có nhắc lại một đoạn rất dài nhưng bài kinh đã lượt bớt đó là đoạn nói về Samôn quả và con đường tu tập giới định tuệ ở trong đó có giới học tăng thượng, định học tăng thượng, tuệ học tăng thượng, tâm giải thoát tăng thượng, và tuệ giải thoát tăng thượng. Đức Phật Ngài dạy đó là một tuyến trình tu tập, ở trong tuyến trình tu tập đó làm cho nhận thức của chúng ta thay đổi chứ không phải không thay đổi.
Người ta nói "cái nết đánh chết cũng không chừa" đó là câu nói về người nào đó tánh nết hoàn toàn không thay đổi được, đúng là mình rất khó thay đổi tánh nết, rất khó thay đổi tâm tính người khác. Nhưng nếu một người muốn thay đổi tâm tính của mình chịu khó tu tập thì vẫn có thể thay đổi, điều đó chứng minh rõ ràng. Mình có đi vào chùa tu thì mới thấy rằng năm dài tháng rộng làm cho mình có những thay đổi. Như vậy, một người có trí thì hiểu chính sự tu tập, đặc biệt sự tu tập về giới định tuệ sẽ thay đổi nhận thức của chúng ta, điều đó có.
Ở đây, du sĩ ngoại đạo Potthapàda hỏi thêm:
- "trong thế giới của nhận thức chỉ có một đỉnh điểm hay nhiều đỉnh điểm?"
Đức Phật Ngài dạy:
- "Như Lai không nói là một, Như Lai không nói nhiều đỉnh điểm, có cả hai trường hợp".
Lý do rất đơn giản, chúng ta nói nhiều phương diện, một phương diện tuyệt đối, ví dụ như những vị tu tập về thiền không vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng cũng là một đỉnh điểm, nhưng ngay cả trong đời sống hàng ngày của chúng ta thì mỗi một nhận thức, mỗi một cảm xúc, mỗi một phương diện luôn luôn có đỉnh điểm và từ đỉnh điểm đó đôi khi đối với mình không quan trọng nữa.
Ngài Trungpa Rinpoche là một nhà Sư Tây Tạng nổi tiếng thời còn rất trẻ rất giỏi về biện luận, viết nhiều sách về Phật Học bằng tiếng Anh, ông nói một thí dụ là khi ông còn ở Tây Tạng thì cái gì thuộc về Phật Giáo Tây Tạng thì cao điểm hết, rồi sau đó đi qua Ấn Đột sống trong bối cảnh của Ấn Độ vị này lại hướng đến nhiều cái mà vị này nghĩ là cao siêu nhất, nhưng rồi qua bên Anh thì lại có những cao điểm khác, rồi qua bên Mỹ lại có những cao điểm khác. Thì điều đó cho chúng ta thấy rằng ở trong thế giới nhận thức của con người có những thứ ở một lúc nào đó chúng ta thấy nó rất quan trọng rồi tự nhiên nó lại nguội tắc đi, mình phải biết chuyện đó, có nhiều vị thích làm vườn đi đâu làm gì cũng tập trung tâm ý làm vườn, rồi thời gian chán lại đi chùa, rồi có thời gian thích ngồi thiền, có thời gian thích đi du lịch, có nhiều đỉnh điểm khác nhau.
Đức Phật Ngài dạy Ngài không nói là có một hay có nhiều, có nhiều người chỉ có một thôi, có người lại có nhiều, thì như vậy chúng ta trước khi có một kết luận là nhận thức có sanh có diệt hay không, linh hồn có trường cửu hay không, nhận thức có sanh có diệt hay không, nhận thức có nhân có duyên hay không, thì chúng ta nên chịu khó thành thực nhận ra, chúng ta dùng cái gì đó rất bình thường ở trong đời sống để mình thấy một điều là nếu sự cảm nhận không do nhân do duyên thì cảm nhận của tất cả chúng ta đều phải giống nhau hết, nhưng bởi vì tất cả sự nhận thức của chúng ta lúc còn sống tùy thuộc vào quá khứ, tùy thuộc vào trình độ giáo dục, tùy thuộc vào sức khỏe của chúng ta v.v... thì những điều kiện đó nó lại do nhân do duyên.
Và một điểm khác chúng ta biết là nhiều người họ cũng nói "giang sơn dễ đổi bản tính khó rời" nhưng kỳ thật ở trong Đạo Phật niềm tin của chúng ta cơ sở về tu tập đó là tâm có thể chuyển hóa được, tức là nhận thức có thể chuyển hóa được. Có một lúc nào đó danh lợi đối với chúng ta là cái gì tuyệt đối quan trọng nhưng có lúc nó không ra gì hết, nó không là gì hết có thể là "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao", có lúc nặng như thái sơn có lúc nhẹ như lông hồng.
Thì như vậy sự nhận thức của chúng ta có nhiều đỉnh điểm khác nhau, nó không phải là một đỉnh điểm.
Và đặc biệt chúng ta nên nhớ người ngoại đạo có nói đến linh hồn, nhưng nếu nói đến linh hồn là cái gì thường hằng bất biến không thay đổi không do nhân duyên sanh diệt thì như vậy sự tu tập không có giá trị, tại vì linh hồn nó vốn bất biến nó không thể thay đổi được thì mình tu tập để làm cái gì.
Đạo Phật dạy rằng tâm thức, đời sống chúng ta có tâm thức, tâm thức là một diễn trình có sanh có diệt tiếp nối lẫn nhau và tiến trình sanh diệt tâm thức đó có thay đổi do sự tu tập.
Con người có thể có lúc rất ác nhưng do sự cải hóa của Phật Pháp có thể thay đổi được. Và con người có thể thiện nhưng vì lý do gì đó có thể trở lên ác, do vậy mình nên cố gắng tinh tấn.
Trong kinh dạy "khi khởi lên niệm ác mình nên cố gắng tránh liền tại vì ác niệm sẽ lan nhanh. Nhưng khi mình khởi lên niệm thiện cố gắng gìn giữ tại vì niệm thiện dễ bị mai một".
Điều đó cho chúng ta trong nỗ lực tu tập có ảnh hưởng thật sự đến giòng tâm thức của mình, nếu bây giờ tu tập mình lý luận linh hồn không có điều kiện, không có nhân, không có duyên, và linh hồn đó không thay đổi, mình làm gì không thay đổi, thì thật ra tất cả chuyện tu tập của chúng ta đều vô nghĩa tại mình tu cũng vậy và không tu cũng vậy thôi.
Đó là tại sao Đức Phật Ngài bỏ rất nhiều thì giờ để nói về con đường giới định tuệ, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ở đây, tại vì qua đó Đức Phật Ngài cho thấy một người tu giới thì từ giới họ có thể qua định, từ định qua tuệ, từng bước một mình thấy rõ có thể thay đổi được.
Bài kinh Potthapàda là bài kinh đặc biệt thú vị nói về linh hồn và bản ngã. Bài kinh chia làm bốn phần, hôm nay trình bày phần một, nếu người Phật tử hiểu rõ bốn phần trong bài kinh này thì hiểu tại sao Ngài Narada Maha There viết trong quyển Đức Phật và Phật Pháp là Phật giáo không dạy có linh hồn thường hằng bất biến và Phật Giáo không giảng một bản ngã, chúng ta có thể hiễu rõ hơn là chúng ta chỉ nói phủ nhận đơn thuần ./.
(Còn tiếp phần II, III, IV)