Sunday, June 2, 2013

Tại sao chúng ta nên hướng chánh niệm vào thân vào tâm của mình hơn là nghĩ đến người khác?

Hỏi: Để có thể duy trì sự tỉnh táo chánh niệm tỉnh giác đối với đời sống hàng ngày một cách liên tục thì tại sao chúng ta nên hướng chánh niệm vào thân vào tâm của mình hơn là nghĩ đến người khác?

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 16-2-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT Pháp Tân giảng: Tâm của chúng ta thường có những pháp bất thiện, những phiền não tập nhiễm, đặc biệt là những sự phóng dật trao đảo. Cho nên,  sống trong đời này do ngoại cảnh phiền não của nội tâm tác động để rồi tâm khó định tỉnh được vì mình thường có sự suy nghĩ đến người khác, để ý coi người này làm thế này người kia làm như thế nọ. Trong khi mình quên việc xem xét nội tâm của mình

  Chúng ta, mỗi người đều có năm uẩn, có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mỗi chúng sinh do phiền não và nghiệp tập nhiễm tạo lên đời sống luân hồi, và mỗi người chúng ta có sự luân hồi trong đời sống. Thay vì mình có thể trú tâm đến nội tâm của mình nhưng mình lại thường hay quan tâm đến những điều gì đó, được hay không được, nên hoặc hư, những việc chung quanh người khác. Thì những điều đó làm cho nội tâm của mình không thể sáng suốt được.

   Cũng như, biết việc mình thành Phật, mình giác ngộ, mình được an lạc hay không thì cũng chính ở sự tu tập nội tâm của mình chứ không ai làm cho mình được điều đó. Cho nên nội tâm có sự an tịnh thì chính là việc làm cho bước chân tu tập của mình có thể dần đến sự an lạc hay là sự giác ngộ.
  
  Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài dạy rằng: đừng nghĩ người khác làm hay không làm, đừng chú ý đến người khác làm lợi ích hay không lợi ích. Hãy chú tâm vào việc mình làm hay chưa làm. Tức là mình biết được nội tâm của mình, hướng đến nội tâm của mình.

  Để làm cho tâm của mình lợi ích hay không lợi ích, thì hãy chú tâm vào việc mình làm hay chưa làm tức là biết được nội tâm của mình, hướng đến nội tâm của mình, chỉ có mình làm bằng tâm trong sạch thì mới có thể có được lợi ích hoặc là mình có thể giác ngộ được.

  Khi nội tâm của mình không có sự tập trú hoặc là không có sự gắn tâm trên một đề mục thì những sự dạo động hay những sự loạn động khởi lên trong tâm. Cho nên, hãy chú tâm giữ chánh niệm trong đời sống hàng ngày thì cũng là điều kiện tốt để giúp tâm lắng dịu những sự phóng dật.

  Chúng ta, trong đời sống hàng ngày thì những điều làm cho tâm của mình lu mờ chính là mình hướng đến dục tầm, do dục tầm tham cầu những cái mà làm sao cho mình thoả mãn trong đời sống, hoặc là do tham cầu  hoặc là do hướng đến tìm cầu cái sân giận bực bội hoặc là tìm cầu những sự hận thù trả thù v.v... thì những điều đó làm cho tâm của mình không thể an tịnh được cũng không làm cho tâm của mình trong sạch hoá được.

  Trong khi mình hướng nội tâm vào việc tập trú trong một đề mục hay một đề tài tức là mình hướng vào cái gì đó. Cũng như chúng ta thấy rằng việc giác ngộ hay được lợi ích hay không thì cũng chính là do mình làm cho tâm mình trong sạch hóa hay không, chứ không ai làm cho mình điều đó, Phật cũng chỉ là bậc giác ngộ là bậc Đạo Sư chỉ cho chúng ta con đường, phương pháp để chúng ta làm mà chúng ta không làm được thì chúng ta không có được sự lợi ích không có được sự tiến hóa.

  Còn nếu như mình  thực tập được bấy nhiêu thì chính là mình đã có an lạc được bấy nhiêu, và nếu như một lúc nào đó mình thật sự đã dứt hẳn được những dục tầm hay sân tầm và là hại tầm thì chính điều kiện làm cho nội tâm của mình có thể hướng đến sự giải thoát được.

   Cho nên, theo chúng tôi nghĩ rằng một trong những điều người ta khó có thể hướng tâm của mình được là vì do phiền não và nếu như một người biết được những điều chướng ngại của nội tâm thì mình nên dứt bỏ lần lần. Thật sự thì mình khó dứt bỏ nhưng nếu mình dứt bỏ được một phần bao nhiêu thì mình có thể có được sự an lạc bấy nhiêu, mình có được sự lợi ích bấy nhiêu.
  
   Đức Phật gọi "tâm đặt đúng hướng" tức là mình hướng tâm vào một trong đề mục hoặc là tâm làm cho trong sáng. Và chính khi nào bị vẩn đục bởi các dục tầm, vẩn đục bởi các sân tầm, vẩn đục bởi các hại tầm  hay là vẩn đục bởi các phiền não thì chính là làm cho tâm của mình như là hồ nước bị khuấy đục thì không thể nào thấy được vật gì dưới đáy hồ.

Cũng như vậy, tâm của mình bị sự phóng dật, nội tâm bị trao động thì mình cũng không thể phát triển được trí tuệ, mà trí tuệ là một thiện pháp then chốt để phá vỡ vô minh, nếu như trí tuệ không sanh được thì cũng không thể phá vỡ vô minh. Hoặc là chúng ta nói rằng nhờ có trí tuệ mà chúng ta có thể hướng đến thiện nghiệp hay hoặc là nhờ có trí tuệ mà chúng ta phá vỡ được vô minh phá vỡ được phiền não để chúng ta có được sự an lạc giải thoát hay là giác ngộ trong tương lai./.

No comments:

Post a Comment