Câu hỏi của TT Giác Đẳng: Ở các quốc gia Phật Giáo Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan thì có Pháp Tọa, tức là ở trong chùa, ở trong giảng đường thường hay có chỗ ngồi, một ghế tương đối là cao, ghế dành cho các vị Pháp Sư giảng pháp. Nhưng, chưa bao giờ có ai nói rằng Pháp Tọa là một biểu tượng của Phật Giáo. Nhưng mà, bạch Thượng Tọa Tuệ Siêu, Thượng Tọa có nghĩ rằng hình ảnh Pháp Tọa được đặt một cách trang trọng, được tạo ra một cách tôn quý, được sử dụng một cách hợp tình hợp lý ở tại các ngôi chùa Phật Giáo Nam Tông, thì biểu tượng Pháp Tọa đó có nên là một điều mà người Phật Tử nên quan sát, nên biết giá trị của Pháp Tọa hay không. Tại vì văn hóa của Phật Giáo Nam Truyền phải chăng là liên hệ rất nhiều đến Pháp Tọa. Xin thỉnh ý kiến của Thượng Tọa Tuệ Siêu.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 7-5-2013 Thiên Ân chuyển biên)
TT. Tuệ Siêu trả lời: Theo ý kiến của chúng tôi, thật ra thì trong Kinh điển không có đề cập đến phải có bảo tọa, Pháp tọa trong chùa, nhưng ở tại các xứ quốc giáo, Phật giáo Nam Truyền thì luôn luôn ở trong chùa, trong Chánh Điện có Pháp tọa. Nó dựa vào hai lý do, thứ nhất, là cung kính Pháp tức cung kính Đức Phật, bởi vì chính Đức Phật, sau khi Ngài thành đạt quả vị A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc đó Ngài mới suy nghĩ rằng, thật không phải lẽ nếu như sống mà không có sự cung kính ai đó, rồi Đức Phật Ngài mới suy xét xem có vị Sa Môn, Bà La Môn nào trong đời này để cho Ngài kính lễ hay không, rồi lúc đó Ngài xét thấy trong thế gian này không ai có thể có đủ đức độ để Ngài có pháp cung kính, vì nếu chúng sanh thường tình chấp nhận sự đảnh lễ của vị Chánh Đẳng Chánh Giác, thì đầu người đó sẽ bị vỡ tan, do Đức của một vị A La Hán Chánh Đẳng Chánh Giác.
Cho nên Đức Thế Tôn suy nghĩ rằng: "vậy thì ta cung kính Giáo Pháp, Pháp mà ta đã chứng đạt được, đã Giác Ngộ".
Rồi Ngài đứng yên và Ngài nhìn cội cây bồ đề, nơi Ngài đã Giác Ngộ, và tỏ sự kính trọng, tôn kính Giáo Pháp.
Ở đây thưa qúy vị, Đức Phật Ngài đã cung kính Pháp.
Khi chúng ta nói Phật Pháp, thuyết giảng Phật Ngôn mà có sự cung kính Pháp thì giống như là cung kính Đức Phật. Nếu ngày xưa ở tại trú xứ của bà Visākhā hay ông Cấp Cô Độc hoặc trong hoàng cung của vua Pasenadi, vua Bimbisāra có những chỗ ngồi dọn sẵn cho các vị Tỳ kheo và có chỗ ngồi đặc biệt dành cho Đức Phật mỗi khi thỉnh Ngài đến để cùng dường, thì chỗ ngồi đặc biệt của Đức Phật gọi là Phật Tọa. Và ngày nay, chúng ta đã thờ Đức Phật trong Chánh Điện ở một vị trí, cho nên người ta để Pháp Tọa thì Pháp Tọa đó vừa là để biểu tượng nơi thuyết giảng Phật ngôn, vừa có sự cung kính Pháp, nhớ đến Pháp. Đây là vấn đề, nguyên nhân mà chúng tôi trình bày, chia sẻ với quý vị.
Vấn đề thứ hai, nó cũng liên quan đến Luật. Ở trong Sekhiya dhamma, Ưng Học Pháp, Đức Phật Ngài dạy một vị Tỳ kheo là "Na nīce āsane nisīditvā ucce āsane nisin-nassa agilānassa dhammaṃ desessāmī'ti sikkhā karaṇīyā," cần phải học tập rằng ta không ngồi ở chỗ thấp nói Pháp cho người vô bệnh ngồi ở chỗ cao.
Điều Luật Ưng Học Pháp, liên hệ đến việc thuyết pháp có mười sáu điều gọi làdhammadesanāpaṭisaṃyutta, tức mười sáu điều liên quan đến vấn đề thuyết pháp.
Cho nên ở Phật giáo Nam Tông, Phật Giáo Nguyên Thủy Therāvāda, đặc biệt rất cung kính Pháp.
Một là dựa theo luật của Đức Phật đã chế định, thứ hai là dựa theo sở hành của Đức Phật về việc cung kính Pháp vào buổi xưa khi Ngài Giác Ngộ, dựa vào hai điều đó mà ngày nay ở các chùa xứ quốc giáo, xứ Phật Giáo Therāvāda luôn luôn ở những nơi giảng đường hoặc là nơi Chánh Điện đều có Pháp Tọa uy nghiêm để khi một vị Trưởng Lão, một vị Pháp sư lên thuyết pháp, thuyết giảng Phật Ngôn, vị ấy sẽ được ngồi trên chỗ này để thuyết giảng, đặc biệt là khi một vị Pháp sư thuyết giảng Phật Ngôn, dù cho đó là một vị Tỳ kheo nhỏ hạ hơn trong số các vị trưởng lão ngồi trong Chánh Điện hay trong Giảng đường, mặc dù nhỏ hạ nhưng các vị Trưởng Lão vẫn chấp nhận cho ngồi trên đó vì các vị ấy tôn trọng Pháp Bảo, tôn trọng Giáo Pháp. Chính vì lẽ này mà chúng ta phải hiểu rằng hình thức Pháp Tọa ở trên Chánh Điện, ở trong mỗi chùa mặc dù không được kể, không được xem như là nét đặc thù của Phật Giáo Therāvāda, nhưng chúng ta phải hiểu đó là một hình thức rất quan trọng cho việc thuyết pháp, thuyết giảng Phật Ngôn. Chúng tôi xin được trả lời câu hỏi của Thượng Tọa Giác Đẳng tại đây. Namo Buddhāya.
No comments:
Post a Comment