Tuesday, September 9, 2014

5 điều nên biết khi ở gần với người thân của mình

Hỏi: 5 điều nên biết khi ở gần với người thân của mình - TT Giác Đẳng

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 24-8-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong cuộc sống, có lẽ để gìn giữ quan hệ tốt đẹp với những người trong gia đình với những người gần bên mình là một chuyện rất khó, cực kỳ khó khăn. Người ta thường nói rằng mình có thể làm anh hùng với những người xa lạ ở xa mình thì được nhưng rất khó để mình trở thành một người quân tử với những người ở kế bên mình. Có nhiều khi không phải vì chúng ta xấu, không phải vì chúng ta ác nhưng bởi vì những người ở gần mình họ hay tạo cho mình sự bực bội và trong những bực bội đó thì chúng ta dễ có những lời nói hay có những phản ứng không tốt. Do vậy, chúng ta nên thường tỉnh táo với chánh niệm nhận rằng những chuyện buồn phiền đụng chạm với những người ở gần chúng ta là chuyện rất thường xảy ra và nhất là trong quan hệ có cảm xúc tình cảm. Có nhiều trường hợp Ngài Hộ Giác Ngài cũng có nói con cái chỉ có ý nghĩ là cha mẹ thương người này nhiều hay thương người kia ít, rồi con dâu con rể nói ra nói vô một câu nữa thì từ chỗ đó con cái có những vấn đề có những trách móc đối với cha mẹ và sự trách móc đó càng ngày càng đi xa hơn.

 Trong đời sống chúng ta thường hay nghĩ những chuyện nhỏ chúng ta quên đi cái lớn, cha mẹ cho con bao nhiêu, đối tốt với con bao nhiêu con không để ý đôi khi có những chuyện rất nhỏ chúng ta lại ghim vào trong lòng và chúng ta quên đi cái lớn cái vĩ đại. Ngài Hộ Giác Ngài có thường khi Ngài nhắc, Ngài nói rằng cha mẹ cho con cả một bầu trời tình thương cả một quãng đời hy sinh nhưng đôi khi con giận cha mẹ những chuyện không đáng, giận cha mẹ giận cho tới chết. Anh chị em đối với nhau cũng vậy có những buồn phiền và chúng ta phải nhận rằng mình không thể có được môi trường hoàn toàn lý tưởng mà chúng ta nên có sự chuẩn bị cho những sự đụng chạm. Gìống như Phật tử trong chùa hay những người sống chung trong một mái nhà trong một gia đình thì cũng dễ có những buồn phiền. 

- Có một vài bài học rất quí chúng ta có thể tìm thấy được ở trong đời sống đó là mình nên có những sinh hoạt vui gắng bó với nhau. Kinh nghiệm chúng tôi để ý thấy cuộc sống người ta rảnh quá thì hay kiếm chuyện.Thí dụ như ở trong một gia đình, trong một ngôi chùa có những sinh hoạt hay có cái gì đó  tất cả cùng lo như chuyện xây chùa hay lo chuyện tổ chức lễ hay có chuyện gì cùng phải lo thì người ta dễ dàng để vượt qua tiểu tiết nhỏ nhặt. Nhưng khi không có chuyện gì hết người ta hay cắn đắng nhau tại vì không có chuyện gì làm cho chúng ta phải lo toan thì chúng ta hay nhìn nhau và nhìn một hồi thì soi mói rồi sanh ra phiền não. Ngài HT Hộ Giác khi Ngài còn sống Ngài hay có những cử chỉ chúng tôi nghĩ rằng rất đẹp rất ấm áp mọi người, thí dụ như có Phật tử gần ngày Rằm tháng Tám họ mang đến một hộp bánh Trung Thu,  thì khi họ đi về rồi Ngài hay gọi điện thoại cho Chư Tăng trong chùa  đến thất Ngài ngồi quây quần với nhau ăn bánh uống trà. Thì những điều đó mang những người trong chùa gần lại với nhau, mang học trò đệ tử sống gần với nhau và cảm được cái gì đó đẹp cái gì đó ấm cúng. Có khi Ngài nói rằng có những thức ăn thức uống mà ăn một mình không ngon ăn nhiều người thì ngon hơn, thí dụ như vậy. Thì chúng ta nên có những sinh hoạt mang tánh cách tích cực để đem mọi người lại với nhau.

- Điều thứ hai, chúng tôi muốn nói là chúng ta nên chuẩn bị tinh thần luôn luôn nhắc rằng chúng ta rất dễ có những buồn phiền dễ đụng chạm và đừng bao giờ để cái bất ngờ nó đánh gục chúng ta. HT Viên Minh có một tác phẩm Thư Thầy Trò, HT có nói rằng những phiền lụy trong cuộc sống là điều chúng ta phải chuẩn bị tinh thần giống như một người đánh tennis họ phải chuẩn bị những đòn bất ngờ, mình không thể nói "cú đó tôi không có chuẩn bị nên không đánh được", không phải vậy, lúc nào đánh tennis mình cũng phải chuẩn bị đòn bất ngờ. Đời sống mình ngày hôm nay mình thức dậy nghĩ rằng những chuyện mà những người ở gần những người ở chung những người quan hệ với mình họ có những điều làm phiền, họ làm bực bội là chuyện đương nhiên, tất nhiên, dĩ nhiên là phải xảy ra. Đừng có bao giờ chúng ta sống tâm tư lúc nào cũng kỳ vọng thế giới này hoàn hảo. Nhưng khi mình chuẩn bị tinh thần trước nếu chuyện xảy ra mình nghĩ rằng nó như vậy mình đã biết trước. Điều này làm giảm thiểu sự manh động của chúng ta ở trong sự phản ứng đối với những người khác

 - Điều thứ ba, chúng ta có thể nói ở tại đây là mỗi lần có chuyện buồn xảy ra chúng ta nên ngồi xuống lẳng lặng suy nghĩ rằng nó có đáng hay không, thí dụ trong tình nghĩa anh em huynh đệ, tình nghĩa cha mẹ con cái, tình nghĩa vợ chồng, nhiều khi việc lớn không làm cho tình nghĩa đổ vỡ mà có những chuyện tầm thường lại gây ra nhiều xáo trộn nhiều cái đổ vỡ và chuyện bé xé to chuyện này tạo nên chuyện kia. Do vậy, lâu lâu chúng ta ngồi xuống suy nghĩ kỹ lại coi chuyện đó có đáng như vậy không.

 Đừng nói chi người cư sĩ , ngay cả xảy ra cho nhiều người xuất gia. Câu chuyện thời Đức Phật còn tại thế chúng ta nghe những chuyện Tỳ Kheo ở kosambi, vị Tỳ Kheo đi vào trong nhà vệ sinh nhìn thấy gáo nước không úp xuống bước ra bên ngoài mới hỏi một vị tỳ kheo:

 "có phải pháp hữu hồi nãy đã dùng nhà vệ sinh không?" 

Vị Tỳ Kheo kia trả lời là đúng. Vị này mới nói rằng:

 "Pháp hữu đi vào nhà vệ sinh mà cái gáo nước xử dụng xong để ngửa không úp xuống là điều phạm luật". 

Lẽ ra sự việc nằm tại đó thì thôi nhưng về sau vị này trở về nói với những người bạn mình:

- "có vị Tỳ Kheo đệ tử vị pháp sư tuy là thuyết pháp rất hay nhưng không hiểu luật đi vào nhà vệ sinh cái gáo để ngửa chứ không lật úp xuống". 

Câu chuyện manh nha từ đó rồi lan truyền đến đệ tử của vị pháp sư mới chỉ trích lại: 

- "những vị học luật thì cố chấp nghĩ chuyện nhỏ đáng lẽ mình phải dùng tâm quảng đại hỉ xả, còn đem về nói qua nói lại tạo ra những buồn phiền".

Ban đầu một người mích lòng với một người, rồi sanh ra một nhóm mích lòng với một nhóm, một phe mích lòng với một phe, rồi chư tăng kéo ra cư sĩ tạo thành sự chia rẽ trong tăng chúng. Đức Phật Ngài muốn giáo hóa chư Tỳ Kheo Ngài đi vào trong rừng ba tháng một mình trong rừng ở kosambi . Thì những chuyện đó không phải là một chuyện xảy ra mà có nhiều rất nhiều chuyện xảy ra trong đời sống từ chuyện cái gáo không lật úp đến những chuyện xảy ra trong đời sống chúng ta. Đó là chuyện nhỏ. 

- Điều thứ tư. Trong mọi hoàn cảnh chúng ta nên ngồi xuống và tự hỏi rằng chuyện này có đáng hay không. Có nhiều người không ý thức một chuyện nhỏ không đáng họ vẫn dễ dàng để sanh tử, làm sống làm chết, làm sao để cãi cho ra lẽ, và khi họ làm cho ra lẽ thì gây ra bao nhiêu chuyện phiền phức, gây bao nhiêu chuyện đổ vỡ. Chúng ta phải có trách nhiệm, chuyện không đáng chúng ta làm cho nó tạo bao nhiêu phiền phức đó là vì chúng ta thất niệm chúng ta không có sampajanna là sự tỉnh táo biết mình. Nên những hoàn cảnh nào cũng vậy có chuyện buồn phiền chúng ta nên tự hỏi chuyện này có đáng hay không, nó có đáng để buồn phiền như vậy không, cha mẹ rày mình một tiếng có đáng để cho mình phải hỗn hào bất kính phạm thượng như vậy không. 

Một câu chuyện chúng tôi được trực tiếp chứng kiến, một cô là con gái thứ hai trong gia đình và cô làm việc bán ngoài cây xăng làm nhiều giờ nên không còn thì giờ nấu cơm cô mua thức ăn nấu ngoài nhà hàng mang về cho người em ăn thì bị bà mẹ la vì bà mẹ rất thương đứa con út. Những người khác biết như vậy họ đều nói "chị phải nói lại mẹ đối xử như vậy là bất công chị đã đi làm cực khổ rồi về phải lo cơm cho đứa em phải hầu nó phải nấu cơm nhà mới chịu còn mua ở bên ngoài về thì bị bà mẹ la" thì cô đó nói một câu mà chúng tôi nhớ hoài, cô nói "cha mẹ la mà có chuyện gì đâu, cha mẹ la có chết đâu mà phải buồn phiền". Câu nói đó rất đơn giản nhưng chúng tôi nghĩ rằng đó là một người rất có trí tuệ cha mẹ nuôi mình từ nhỏ đến lớn có chuyện gì cha mẹ rày mình không có chết. 

Chúng tôi hồi còn nhỏ sống trong chùa có khi bị Sư Trưởng la rày chuyện này chuyện kia, lúc còn nhỏ mình không biết mình thấy chuyện bị rày như vậy là chuyện nặng nề lắm nhưng khi đi vào cuộc đời thấy người ta chửi mình  họ nói nặng. Con người mình khi cha mẹ thầy tổ ở nhà rày thì mình làm giặc làm lớn chuyện nhưng đi vào cuộc đời người ta chửi mình thì mình cúi đầu mình không dám làm gì họ hết, mình nhát mình sợ mình không dám đối xử với cuộc đời. Bởi vậy cô nói rất hay là cha mẹ la rày đâu có chuyện gì đâu. Nhiều khi chúng ta phải thấy được chuyện đó và chúng ta có thể chấp nhận được chuyện đó và chúng ta thấy được chuyện đó chúng ta sẽ an lạc. Cuộc sống của chúng ta có nhiều cái nhìn không có chính xác về cái gì nên và không nên, có nhiều người ra đường người ta nói gì cũng không dám phản ứng nhưng về nhà một câu nói không vừa ý là gây gỗ. Vì vậy chúng ta phải có chánh niệm để tự hỏi rằng chuyện đó có đáng để buồn phiền để giận như vậy không hay chuyện đó là chuyện nhỏ thôi.

- Và điều thứ năm. Chúng tôi muốn nói ở tại đây đó là chúng ta nên tu tập tâm từ. Tu tập tâm từ  ngay cả trong lúc chưa xảy ra vấn đề gì thì chúng ta đã nghĩ mong cho những người khác được an lạc, đừng chờ đến khi có buồn phiền rồi niệm tâm từ thì lúc đó khó lắm. Thí dụ như bây giờ ai chọc giận ai chửi mình thì mình niệm tâm từ, lúc đó thì phải nói rằng tâm sân nhiều hơn là tâm từ. Những khi bình thường chúng ta hãy mong cho mọi người được an lành, mình phải thấy rằng sự an lành của tất cả mọi người làm hạnh phúc của chính mình. Chúng tôi lấy ví dụ như chúng tôi làm trụ trì trong ngôi chùa, Phật tử đi chùa buồi sáng sớm chúng tôi mong tất cả qúi Phật tử được an lành, chúng tôi nghĩ rằng hôm nay người ta có thể đi chơi họ có thể đi đâu đó nhưng họ bỏ thì giờ đến chùa thật là những người có lòng thành và mong cho tất cả mọi người bước vào trong chùa họ được vạn sự bình an được an lành. Đó cũng là cách, để nếu mình có một tình thương có tâm từ đối với chúng sanh thì khi họ làm phiền mình dễ tha thứ cho họ. Mình hiểu rằng những người thân chung quanh ảnh hưởng đến mình rất nhiều. Hàng ngày trong những lúc bình thường nên niệm tâm từ đừng chờ cho đến khi có chuyện phiền não mới niệm tâm từ. 

Mỗi lần làm phước hãy hồi hướng phước cho những người thân những người bạn, sự hồi hướng phước cũng là cách thể hiện tâm từ. Khi có chuyện gì vui mình cũng mong đem lại cho tất cả mọi người vui, mình chia sẻ với mọi người. Nói tóm lại chúng ta sống một cách âm thầm nhưng có thiện chí có lòng tử tế hay chúng ta có tâm từ mong mỏi cho chúng sanh được an lạc đến khi có chuyện xảy ra phiền phức thì tương đối đỡ hơn, chúng tôi không nói là hoàn toàn đôi khi mình cũng có những sự buồn phiền nhưng hàng ngày chúng ta nên mong mỏi cho mọi người được hạnh phúc. Chúng ta mong cho mọi người được hạnh phúc thì nếu người đó làm lỗi thì chúng ta dễ tha thứ hơn, còn bình thường ai sống mặc ai hay ai chết mặc ai và lúc đụng chuyện gì thì chúng ta nổi sùng lên chúng ta nổi giận dễ dàng. 

Và do vậy cách tu tập của người Phật tử thường nằm ở chỗ chúng ta gọi là bế đạo tức là cách ngăn ngừa phiền não. Nói như Ngài  Nagasena là "đừng có chờ giặc đến rồi mới xây thành, đừng có chờ khát rồi mới đào giếng". Đời sống hàng ngày chúng ta nên có tâm từ với mọi người. Chúng tôi tin một điều đó là những người chung quanh được an lạc thì mình sẽ được an lạc. Mình mong tất cả mọi người được an lạc, mình nên thành thực mong mỏi như vậy, mọi người an lạc thì chúng ta sẽ được an lạc. Và cái khó nhất trong cuộc sống là gìn giữ quan hệ tốt với những người chung quanh, luôn luôn là nó có nhiều khó khăn. Chúng tôi đi làm việc, nhiều khi có chuyện xảy ra đó là những người thân của mình họ buồn phiền mình không phải mình làm gì phiền họ mà tại vì mình giữ vai trò gì đó chức vụ gì đó làm cho họ cảm thấy bực mình thì mình đừng bực bội vì chuyện đó, nhiều khi lúc bình thường không có chuyện gì nhưng lúc mình nên giữ một vài trò gì đó người ta đâm ra bực bội, mình hiểu tâm trạng đó, và chuyện đó mình phải chấp nhận, mình thấy rằng cuộc sống vốn dĩ là như vậy, càng đi và càng sống ở trong cuộc đời này thì chúng ta hiểu rằng trong kiếp nhân sinh có nhiều hệ lụy và bản chất nó là như vậy, cuộc sống nó là như vậy. 

 Cuộc sống này vốn có bao nhiêu cái đố kỵ, bao nhiêu cái đòi hỏi, bao nhiêu cái buồn phiền, bao nhiêu cái hệ lụy, 

Một bài kệ trong kinh Tê Ngưu Một Sừng, nói về một vị vua nhìn thấy hoàng phi đeo những vòng xuyến vàng nhiều vòng trên tay khi cử động tay những chiếc vòng xuyến đụng chạm phát ra những âm thanh. Nhà vua nghĩ rằng nhiều vòng mang chung trong cánh tay thì tự nhiên khi di động thì nó khua chạm nhau thì cuộc sống này con người dễ đụng chạm nhau sanh ra phiền não, tạo ra những hệ lụy, tạo ra bao nhiêu là những chuyện tranh chấp trong đời sống. Hình ảnh  những vòng xuyến mang chung với nhau thì nó khua là hình ảnh vương giả, riêng ông bà chúng ta có câu "chén gặp sóng thì phải đụng chạm nhau" chén bát trong sóng thì dễ dàng thấy rõ. Chúng ta phải chuẩn bị tinh thần cho việc đó. Chúng ta đi vào trong cuộc đời mình lớn mình trưởng thành mình không nói rằng cuộc sống suông sẻ êm đẹp. Do vậy nếu một ngày nào đó tự nhiên mình gặp những chuyện buồn phiền mình nói "à cuộc sống là như vậy, Đức Phật đã dạy như vậy, tự tánh là như vậy, bản chất là như vậy, thấy như vậy thì chúng ta sẽ an lạc hơn ./.

No comments:

Post a Comment