Tuesday, September 16, 2014

Một vị sống đời phạm hạnh nên thể hiện như thế nào?

 Hỏi: Một vị sống đời phạm hạnh nên thể hiện như thế nào? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 26-8-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trước nhất, chúng ta nói đến một khía cạnh về một vị học giỏi Tam Tạng kinh điển, thậm chí thuyết pháp rất hay, nhưng vị này không có pháp hạnh tức là sở hành của cách cư xử hợp theo lẽ đạo. Ở đây, chúng ta nói với tâm từ với tinh thần xây dựng là, nếu dùng  kiến thức của mình để làm một cái gì khoe khoan, để làm lợi khí thì thật ra điều đó trở nên rất nguy hiểm. Chúng tôi từng chứng kiến một vị rất giỏi Phật pháp thuyết pháp rất hay nhưng vị này có khẩu nghiệp rất nặng hay chửi bới người khác nhất là chửi bới người nghe pháp. Chúng tôi biết rằng vị này giỏi, có lợi khẩu và thật sự được nhiều người ưa thích vị này thuyết pháp nhưng ít có ai biết một điều là có rất nhiều Phật tử trước kia đi chùa họ có nhiều thiện tâm, rất hoan hỉ Phật Pháp và khi vị này đến chùa thuyết pháp dạy học một thời gian rồi những người đó chẳng những  không đi chùa mà còn cảm thấy rất phiền não khi nghĩ đến chùa chiền.

 Về điểm này chúng ta phải nói rằng đó cũng là một sự thiếu ý thức chung của cả hai giới xuất gia và tại gia. Trong kinh Đức Phật Ngài dùng một câu rất nặng đó là "thậm chí những người như vậy thì nên đuổi đi, những người như vậy không nên ở gần". Hồi trước chúng tôi không để ý điểm này nhưng về sau chúng tôi thấy một vị Sư bất tài thì xem ra ít có hại hơn một vị có tài mà vị đó lại gây ra tổn thương về niềm tin của Phật tử. Với bản thân của chúng tôi biết rằng có những người đi chùa mười mấy năm trời họ đến chùa mặc dầu không hiểu Phật Pháp nhiều nhưng đến chùa được an lạc đến chùa để làm phước, nhưng khi nghe vị này nói, nghe vị này nặng nhẹ nói rằng những người này là ngu dốt thế này thế kia, và một thời gian họ cảm thấy rằng tại sao mình phải đi chùa nghe ông Sư chửi mình là ngu dốt, một thời gian thì họ buồn họ không đi chùa nữa. Cái đó rất có tội. Chúng tôi không ủng hộ chuyện đó vì điều đó làm tổn thương niềm tin của người cư sĩ, mặc dù có một số các vị xuất gia một số vị cư sĩ ủng hộ một cách thiếu ý thức về chuyện đó. 

Chúng tôi thưa như vậy, có một số không nhỏ những vị xuất gia cứ thấy rằng chuyện mình học được nhiều và nói giỏi là điều hay. Thật ra nếu thật sự tài giỏi thì mình làm sao làm tăng trưởng niềm tin, làm tăng trưởng sự an lạc của mình và của người khác. Chúng tôi biết rằng những vị đó bản thân họ không an lạc, bản thân họ đời sống không vui và họ như một người bị bịnh cảm truyền vi trùng cảm cúm cho người khác, họ không an lạc họ khiến cho người khác cũng không an lạc. Và có điểm này là thường thường những vị đó lại có sự hấp dẫn của họ, sự hấp dẫn của họ đó là hấp dẫn thời gian ban đầu họ đem đến cho người nghe cái gì mới cái gì lạ hơn là cái bình thường nhưng về lâu về dài thì họ gây thương tổn cho rất nhiều, và ngược lại qúi Phật tử đôi khi gặp một vị Sư hay là gặp một vị Thiền Sư nhất là các vị Thiền Sư chỉ tu nhưng các vị nói không giỏi. Dĩ nhiên, nếu một vị tu tập thuyết pháp giỏi thì quá tốt. Nhưng chúng tôi biết có nhiều vị  tu nhiều nhưng nói không giỏi thì qúi Phật tử lại chê bai chỉ trích, và khi chê bài chỉ trích cũng không ý thức được rằng mình chê vị đó cái gì, mình chê vị đó thuyết pháp dở nhưng liệu mình có đủ ý thức hiểu giá trị lời nói của vị đó hay không.

 Chưa có thời nào chúng tôi thấy giống như thời bây giờ, có nhiều Phật tử sinh hoạt với một nhóm nào đó, chúng tôi biết nhóm đó họ không thực hành Phật pháp gì cao siêu, họ chỉ tập về khí công, hay hoặc giả tập dưỡng sinh, nhưng họ khéo tổ chức và Phật tử ùn ùn tham gia.  Khéo tổ chức là cái ăn cái mặc, họ tổ chức như vậy rồi đâm ra chỉ trích những người khác nhưng qúi vị đó quên rằng Phật pháp không phải chỉ có chừng đó, nếu Phật pháp chỉ có nhóm người tập khí công rồi tổ chức khéo mà gọi là Phật pháp thì thật ra chúng ta đánh hỏng đi. 

Ngài Ajahn Chah thường nhắc một điều mà ít có người nào lắng nghe về điều đó. Mỗi một mùa an cư mặc dầu Ngài là vị Chaokhun  là một vị trưởng lão lớn trong vùng, Ngài là vị Thiền Sư nổi tiếng cả nước Thái nhưng tới mùa an cư thì Ngài dẫn Chư Tăng đến ngôi chùa có vị Trưởng Lão lớn nhất ở trong vùng cho dù vị trưởng lão Dhammayutta hay Mahanikaya  đảnh lễ Ngài Trưởng Lão xin xám hối và trình với vị Trưởng Lão tối hôm nay Chư Tăng sẽ đi nhập hạ. Ở Thái Lan truyền thống Chư Tăng tu tập trong rừng gọi là Lâm Tăng được nhiều Phật tử tôn kính. Nhưng Ngài nhắc một điều rằng không phải mình tu ở trong rừng rồi mình chỉ trích những vị tu ở trong làng trong tỉnh. Tại vì có những vị ở trong làng trong tỉnh thì Phật pháp mới tồn tại đến ngày hôm nay. Tại vì sao vậy? Tại vì Phật pháp có cái này có cái kia thì chúng ta mới tồn tại được. Cứ tưởng tượng Chư Tăng ai cũng tu hành gắt tức tu thật gắt nghiêm túc rồi không có chỗ cho những sinh hoạt khác như sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt tuổi trẻ, không có sinh hoạt gì khác mà chỉ ngồi thiền thì Phật pháp chỉ có một chiều, Phật Pháp sẽ đi xuống.

 Chúng tôi thậm chí có nghe một vài vị HT chỉ trích những người làm trụ trì giống như là công việc trụ trì là chuyện tội lỗi và mình tu thì tốt, hay là đi hoằng pháp là tốt. Chúng tôi nghĩ việc hoằng pháp rất tốt nhưng không có vị trụ trì thì ai giữ chùa, không có các vị trụ trì ai xây cất các cơ sở và ngôi chùa không có các vị trụ trì thì những người Phật tử địa phương đến chùa thì sao. Nội cách người Việt Nam đi chùa không có thăng bằng là mình đi chùa mình tìm ông thầy nào mình thích thì mình đi trong lúc đó thì những ngôi chùa ở địa phương mình không xây dựng được, mình không hiểu cái giá trị ngôi chùa địa phương. Ở những quốc gia Phật giáo làng mạc nào cũng có ngôi chùa, ngôi chùa đó dù lớn, dù nhỏ, dù đẹ,p dù xấu. Vị trụ trì đó dù hay, dù dở họ cũng lui tới. Tại vì sao? Tại vì ngôi chùa đó là ngôi chùa căn bản ở địa phương họ giữ. Và Phật tử của mình chỉ tán thán ca ngợi những ngôi chùa đẹp, những vị thầy nổi tiếng, những vị thầy giảng hay nhưng giảng hay nó không đáp ứng tất cả mọi vấn đề của đời sống chúng ta phải rất cẩn thận.

 Người đời thì họ có sự tranh chấp khác. trong đạo có chuyện tranh chấp khác, người ta hay dùng binh khí của miệng lưỡi để chỉ trích và chúng ta không thấy được giá trị của nhau trong cuộc sống, cái đó rất là hại, rất là tai hại. Trong rất nhiều bài kinh và bài kinh "Hành Chánh Pháp" trong kinh Tập này là bài kinh đặc biệt liên quan đến điển tích của một vị Tỳ Kheo học rất giỏi nhưng dùng lời nói của mình để phỉ báng chê bai người khác. Trong bài kinh "Người Bắt Rắn" Đức Phật Ngài dạy ngay cả người hành pháp thì cũng phải hiểu rằng phải khéo léo nếu không khéo léo thì như cỏ tranh chúng ta nắm không khéo đứt tay, như  bắt rắn mà không biết cách bắt thì nó sẽ quay lại cắn mình. Thì chuyện hành Phật Pháp nếu Phật Pháp chỉ được học và chỉ được xử dụng như một cơ sở lý luận như binh khí miệng lưỡi thì điều đó lợi bất cập hại là hại nhiều hơn. Đôi khi chúng ta sống ở trong thế giới này nhiều lúc người ta chửi bới nhau nặng nề, bản thân của chúng tôi cũng bị người khác họ chửi có nhiều khi những người cùng làm việc những người Phật tử nói tại sao mình không chửi lại hay trả lời thế này thế kia. 

Thật ra nếu nói về ngôn từ nói về phương tiện thì ai cũng có phương tiện để chửi bới nhau, nhưng chúng tôi nói với qúi vị nghe như vầy là Phật giáo ngày nay đi vào trong một tệ nạn người ta dùng quá nhiều thư từ kể cả thư nặc danh, thư khiếm danh, rồi có những cách chửi rủa cách này cách kia để bôi bác phỉ nhổ nhau. Để làm gì, nó chỉ nói lên hiện tượng suy thoái của chúng ta về chánh pháp ở trong lòng của mình. Nếu chúng ta có chánh pháp trong lòng mình thì mình không dùng những lời ác ngữ, những lời ỷ ngữ, những lời lưỡng thiệt, chúng ta không nói chia rẽ không nói độc ác, không nói nhảm nhí, không nói lời vu vạ người khác như vậy. Nếu chúng ta tự hỏi thử xem là những lời nói chửi qua chửi lại có bao nhiêu lời nói tốt đẹp, ít khi lắm, thay vào đó chỉ đánh bóng cái ngã của mình. Ở trong bài kinh Hành Chánh Pháp kinh Tập Suttanipàta có những câu  chúng ta đọc thì chúng ta sẽ thấy rất là thấm thía :

Nếu bản tánh lắm mồm,
Ưa làm hại như thú,
Ðời sống ấy ác độc,
Làm ngã tăng bụi trần.

Bài kinh này đáng lẽ chúng ta nên đọc tụng hàng ngày vì dù chúng ta nói bằng văn từ hoa mỹ khéo nói nhưng nó chỉ đánh bóng cái ngã mình, chỉ là qủi tán quỉ tha, chỉ là khen mình chê người thì thật sự nó không có gì xứng đáng cho đời sống. Nhưng không may cho chúng ta là chừng độ dân trí của một quốc gia. Nhưng ở đây chúng ta không nói đến một quốc gia, chúng ta không dùng chữ dân trí mà chúng ta nói trình độ chung của chúng ta là chúng ta thích những chuyện đó, cái  thị hiếu quần chúng. Thậm trí các nhà báo họ hay chửi bới. Đôi khi chúng tôi nói chuyện với nhiều vị làm báo hỏi họ sao hay chửi bới thì họ nói có chửi nhau thì báo bán mới chạy, tại vì người ta  thích những chuyện thị phi và một số những người Phật tử lại thích những chuyện đó. Phải nói rằng ở trong các cộng đồng tôn giáo chuyện lời qua tiếng lại chỉ trích nhau rất nhiều.  Chúng tôi sang bên Đài Loan có nghe một Phật tử than rằng xứ này có lắm tiền nhiều bạc có rất nhiều việc tốt đẹp nhưng lại có những sự chê khen ở trong cộng đồng Phật tử đã làm phân hóa suy yếu cộng đồng Phật tử. Và đời sống của chúng ta cũng vậy, mình sống trong một cộng đồng hay trong một địa phương hay một hệ phái chúng ta thấy rằng người ta thường chê nhau, chê những người đồng phạm hạnh với mình, chê những người cùng tu với mình, thậm chí ở trong chùa vị này chê vị kia, vị kia chê vị nọ. Tại vì sao vậy? Tại vì đó là cách đề cao bản ngã của mình. Và đó là cách để chúng ta thoả mãn một tật xấu, tật xấu Đức Phật gọi là "tự tán qủi tha" là khen mình chê người, 

Vì vậy, khi nói đến đời sống phạm hạnh, ở đây chữ phạm hạnh chỉ cho đời sống xuất gia, Đức Phật Ngài đặc biệt nhắc đến pháp hạnh. Pháp hạnh nói nôm na là người tu phải có đức. Khi chúng ta nói đến người tu tức là đời sống phạm hạnh phải có đức. Đức ở đây là gì? Là chúng ta có sự cân phân rõ ràng: Mặc dầu mình đi đến một nhóm người nào đó họ có sự sinh hoạt rất vui rất tốt nhưng chúng ta đừng quên ngôi chùa địa phương. Mặc dầu có những vị pháp sư giảng rất hay nhưng chúng ta đừng quên những vị trụ trì rất cần cù rất khiêm tốn để làm tròn phận sự của mình ngày và đêm để gìn giữ ngôi chùa. Và mặc dù chúng ta thấy có những vị pháp sư rất lỗi lạc nhưng chúng ta đừng quên rằng có những vị họ sống rất tiết chế, đời sống họ rất nhẹ nhàng rất ít nói, ít có ai biết đến nhưng họ làm tốt, họ sống tốt với đời sống tu tập. Những vị đó chúng ta phải thấy và chúng ta nên cảm kích chuyện đó. Tại vì sao? Tại vì nếu chúng ta không thấy được điều đó, chúng ta không cảm kích điều đó thì chúng ta sống với cái gọi là hào nhoáng ở bên ngoài, chúng ta sống với hình thức. Và thời ngày nay thường thường họ chạy theo hình thức.

 Chúng tôi cũng được biết con người chúng ta, người đời họ có nhiều nhu cầu thoả mãn, họ ăn nhậu, cờ bạc, nhục dục. Người đi tu phải hạn chế tất cả mọi vấn đề thì họ tìm sự thoả mãn qua ngôn ngữ gọi là nói cái gì cho sướng miệng thì điều đó cũng là vấn đề. Tại vì sao vậy? Tại vì họ nói nhiều do nhu cầu cảm xúc. Có những người họ càng lớn tuổi họ càng nói nhiều bởi vì người lớn tuổi tay chân chậm chạp, đi đứng khó khăn thì chỉ có cách để thoả mãn cuộc sống đó là nói nhiều và nói cho sướng miệng. Tất cả những điều đó  những người tu tập phải để ý.

Trong những lúc chúng ta sống một mình sống nơi thanh vắng đôi khi chúng ta có nhu cầu là cần nói bởi vậy ở tại các trường thiền các vị Thiền Sư dặn một điều là hãy coi chừng cái việc gọi là thích nói thích phiếm luận của mình. Trong kinh Đức Phật Ngài cũng nói căn bịnh của đời sống tu hành là hí luận. Hí luận ở đây tức là một cảnh giới giống như người thích nhạc, hay thích hội hoạ, hay có những người thích về chính trị, thích về văn hoá. Thì đời sống xuất gia là thường hay thích hí luận, hí luận tức là thích nói chuyện hơn thua điều này hơn thua điều kia, thích lý sự, thích tranh cãi, thích phê bình, thích chỉ trích, lâu ngày nó trở thành cái tật. Đây là một điều chúng tôi nói chuyện với nhiều vị trưởng lão thì các vị cũng nhìn nhận, các vị cũng nói điều này là tất cả những người tu nào không coi chừng khẩu nghiệp của mình hay chửi bới hay phê bình hay chỉ trích người này người khác thì vị đó lớn tuổi khi càng về già đời sống càng bất hạnh đời sống có nhiều điều không an lạc. Tại vì chúng ta có thói quen, thói quen đó là chỉ trích, có thói quen phê bình, có thói quen tự tán qủi tha, và những thói quen này nó tạo thành đời sống năng động mà ở trong hình thức bên ngoài người Phật tử ít có biết đời sống xuất gia một vị mặc chiếc y đó rồi vị tu sĩ đó có tu tốt hay không thì không biết, nhưng chúng tôi thấy có những vị xuất gia mà chuyên môn tối ngày đi chỉ trích người này phê bình người kia đó là một chứng bịnh. 

Thật ra bài học này là một bài học rất quan trọng cho cuộc sống khi chúng ta sống để ý khẩu nghiệp của mình và không hẳn là kiến thức nhiều, không hẳn là có khẩu tài mà chỉ nói tốt đâu mà nó còn đòi hỏi chúng ta một điều là chúng ta phải có ý thức tỉnh táo được là chúng ta có hiểu được cái mình đang làm cái mình đang nói  có tạo nghiệp bất thiện hay không. Chúng tôi thưa với qúi vị một điều như vầy là ngay cả chuyện mình nói một điều đúng nhưng nói không đúng thời, mình nghĩ điều đó rất đúng nhưng mình nói không có đúng cách thì nó cũng mang lại vô số điều tai hại. Người ta làm một lầm lỗi nhỏ mình dùng một lời chỉ trích không khéo mình đạp người ta xuống bùn luôn và từ đó họ bỏ chùa không đi chùa. Chúng tôi thấy có nhiều người bị sai lầm đó là mình cứ chỉ trích, chỉ trích rồi rốt cuộc để cho người ta không đi chùa không tu. Ở trong chùa người ta có cái bệnh thấy ai cũng chỉ trích người ta làm cái gì cũng chỉ trích, chúng tôi đồng ý là có khi người ta làm chuyện sai nhưng tại sao mình không cho người ta cơ hội để người ta làm lại cho đúng, bản thân mình cũng đâu hoàn hảo, và do vậy lời nói không khéo của mình lại đẩy người ta ra ngoài. Chúng tôi rất sợ những người họ luôn luôn đóng vai trò như một người thẩm phán để họ cầm cân nảy mực và họ làm thế nào để chứng tỏ cho người khác biết người đó họ làm chuyện sai lầm, làm chuyện không tốt. Để làm gì? Để rồi tất cả chúng ta không có an lạc, để rồi tất cả chúng ta sống trong đời sống nóng nảy, để rồi tất cả chúng ta sống trong đời sống  không có lợi lạc. Đời sống trong Phật Pháp thì phải nói rằng không hẳn là ở trong môi trường đó mọi thứ đều tốt. 

Người ta nói ở trong đời sống chỉ cần có một tấm lòng. Nhiều khi qua câu nói đó người ta nghĩ là mình có thiện trí là đủ. Có thiện trí là một lẽ nhưng cần phải làm đúng cách làm thiện xảo, nếu chúng ta không có làm đúng cách thì  có thể mang họa cho mình mang hoạ cho người khác. Không phải cái gì mình có ý tốt là được. Đời sống xuất gia có thể ngay ban đầu mình nghĩ rằng mình đi tu là chuyện tốt nhưng sau đó thì Đức Phật Ngài dạy rằng đời sống xuất gia cũng có nhiều khả năng để đưa đẩy mình đi vào nhiều sự lỡ đường khác nhau, nên cũng có  tốt cũng có xấu. Và Đức Phật Ngài đưa ra những hình ảnh rất gần gủi thí dụ nhưng người đi hái cỏ tranh, vì cỏ tranh sắc bén, mình nhổ như thế nào nó đừng cắt tay mình, mình nhổ cỏ muñja là cỏ tranh cắt không khéo thì nó cắt tay mình. Hay Đức Phật Ngài dạy về hình ảnh người bắt rắn, bắt không khéo thì nó cắn lại mình. Hay hoặc giả Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta về hình ảnh của ngọn lửa, lửa có thể mang lại cho chúng ta nhiều sự đáp ứng nhiều nhu cầu nhưng lửa cũng có thể đốt cháy chúng ta được. Hay chúng ta thấy hình ảnh của con dao hai lưỡi con dao dùng để cắt các vật nhưng nó cũng có thể cắt tay chúng ta được.

 Nói chung, đời sống này không phải chỉ có nhãn hiệu là đủ, hay không phải chỉ hình thức ở bên ngoài là đủ, hay là trong hình thức chúng ta học giỏi là đủ. Mà chúng ta phải có một cái gì rất rõ ràng về điều này. Chúng tôi nhớ Ngài Ajhan Mun là một vị Thiền Sư, Ngài dạy rằng chánh kiến của hành giả thật sự là gì? Chánh kiến của hành giả thật sự là luôn luôn dựa trên nhân quả, dựa trên mục đích, thí dụ trong kinh nói đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Nhưng chánh kiến là mình hiểu trong đời sống hàng ngày của chúng ta là qua những vấn đề nhân quả qua cuộc sống của chúng ta thấy cái gì là mục đích chính. Nếu chúng ta không biết không thấy mục đích chính mà chúng ta chỉ làm thì thật ra nó sẽ làm cho chúng ta đánh lạc đi mục đích ban đầu. Nếu mục đích của chúng ta là giác ngộ giải thoát thì chúng ta sẽ thấy rõ là có những gì liên hệ và những gì không liên hệ đến điều đó. Nếu chúng ta học quá nhiều nói quá giỏi về chuyện đó nhưng chúng ta lại không có được một liên tưởng là những gì chúng ta đang làm có thật sự mang lợi ích cho người cho mình hay không. 

Nói tóm lại, bài kinh Hành Chánh Pháp  là một bài kinh qua đó Đức Phật Ngài nhắc lại là đời sống xuất gia phải cẩn trọng, đời sống có thể đưa một người mà không có khéo tu tập đi vào trong cảnh khổ, đời sống đó nó sẽ biến con người sanh một thói tật đó là xử dụng quá nhiều cái binh khí miệng lưỡi, đời sống đó nó có thể làm cho một con người đánh bóng cái bản ngã của mình mà quên đi cái giá trị chân thật của chánh pháp ./.

No comments:

Post a Comment