Tuesday, September 2, 2014

Mục đích của sự tu tập Phật Pháp là gì?

Hỏi. Mục đích của sự tu tập Phật Pháp là gì?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 24-8-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng:  Khi chúng ta nói đến Phật Pháp thì chúng ta phải có phân định rõ ràng mục đích của Phật Pháp là gì. 

Đức Phật Ngài nhiều lần dạy rằng sự Giác Ngộ của Ngài rất nhiều như  lá cây trong rừng nhưng  những gì Ngài cần dạy thì bằng nắm lá trong tay vì lý do Ngài chỉ dạy những điều gì dẫn đến Giác Ngộ Giải Thoát. 
Những gì Đức Phật dạy đều liên hệ đến mục đích Giác Ngộ Giải Thoát. Trong nhiều bài kinh, đặc biệt Kinh  Cula-Malunkyovada Sutta trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài có đề cập đến một câu: "xưa nay Như Lai chỉ dạy về sự Khổ và Con Đường Thoát Khổ". Khi nói đến sự Khổ và Con Đường Thoát Khổ điều đó liên hệ đến hai ý nghĩa Giác Ngộ sự Khổ là làm thế nào cho chúng sanh giác ngộ được bản chất của đời sống. 

Nói về sự Khổ và sự Thoát Khổ, ở đây chúng ta định nghĩa sự giải thoát. Do đó trong nguyên văn: "Như Lai chỉ dạy về sự Khổ và Con Đường Thoát Khổ" thì chúng ta có thể nói đại loại theo ngôn ngữ bên ngoài là Đức Phật chỉ dạy về sự Giác Ngộ và Giải Thoát. Và về điều này đôi khi chúng ta không có nhận ra rõ mục đích của người Phật tử trong cuộc sống hàng ngày là mình thấy được thực tướng của các pháp, thấy được thực tướng của cuộc sống chứ không có nghĩa là mình phải là thế này hay mình phải là thế kia. Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng mình sống mình tu là để trở thành gì đó. Thí dụ mình đi tu mình phải làm trụ trì, làm pháp sư, làm giảng sư, hay chức vụ này chức vụ khác. Không phải vậy, đó không phải là mục đích của người Phật tử, mục đích của chúng ta là chúng ta thấy biết Vô Thường, Khổ, Vô Ngã diễn ra ngay trên thân và tâm của mình nó thay đổi như thế nào, nó sanh như thế nào, nó diệt như thế nào, nó đến như thế nào, nó đi như thế nào. Trong sự nhận thức đó thì  tâm của chúng ta càng ngày càng rõ ràng với  bản chất thật của đời sống. 

Tại sao chúng ta cần hiểu rõ sự thật của đời sống? Chính sự giác ngộ dẫn chúng ta đến giải thoát, dẫn chúng ta không có bám víu vào những cái không đáng bám víu. Như Đức Phật Ngài dạy Tôn Giả Rahula và Ngài cũng dạy trong nhiều bài kinh khác là:" Đối với 5 uẩn, đối với các pháp Như Lai nhìn thấy thực tướng đây không phải là "ta", không phải "của ta", không phải là "tự ngã của ta". Và cũng có nghĩa là ngã sở, mạn tùy miên thì cái chấp về "ta", chấp về "của ta", là cái chấp về sự kiêu mạn ngã, ngã sở mạn tùy miên chúng ta gọi đây là chấp là "ta", là "của ta", đây là "tự ngã của ta". Thì hầu hết những đau khổ trong đời sống hàng ngày của chúng ta đều dựa lên trên cái chấp sai, chúng ta hiểu sai về chuyện đó, mình cứ nghĩ rằng cái đó nó phải là như vậy, nó phải là của mình, cái đó chính là mình là của mình, là bản ngã của mình thì những thứ đó ăn sâu gắn chặt trong tâm khảm chúng ta vốn là một cái nhìn nhiều đời nhiều kiếp như vậy, và do vậy chúng ta thường sanh ra phiền não, sanh ra khổ trong các pháp, mình nói như vậy nhưng thực tế nó không có đơn giản như chúng ta nhận thức nó như vậy. 

Lấy ví dụ, bây giờ mở cửa bước ra bên ngoài gặp một người đi ngang họ thấy mình họ không thèm chào thì tự nhiên trong lòng mình có vấn đề phiền não. Vấn đề phiền não là gì? Là vì họ không chào mình, mình nghĩ họ khinh mình, họ ghét mình tức là họ coi thường mình, họ làm khổ mình. Thì tự nhiên chuyện họ coi thường mình là mình thấy bị khổ, mình thấy mình có vấn đề. Và mình càng suy nghĩ mình càng phiền não, mà càng phiền não càng suy nghĩ, và càng suy nghĩ càng phiền não, nó cứ đi sâu thêm. 

Hay hoặc giả mình có điều gì đó mình nghĩ rằng điều này là đúng và điều này khi mình nói lên thì phải thuyết phục được tất cả mọi người. Nhưng khi mình trình bày có ai đó dùng ngôn ngữ họ phản bác đi, họ nói điều đó là điều sai, điều đó là điều không có chính xác. Mình cảm thấy buồn, cảm thấy mình bị đụng chạm, bị tổn thương bởi vì ý kiến rất tốt của mình bị người khác phủ quyết, bị người khác họ bày tỏ sự bất đồng.

Thì ở đây, chúng ta cũng thấy được cái gọi là ngã sở mạn tùy miên hay mình thấy đó là "ta" đó là "của ta" đó là "tự ngã của ta". Chúng tôi lấy một vài thí dụ như vầy để cho thấy rằng ngã chấp, chấp về ngã, chấp về ngã sở, chấp về mạn tùy miên nó hầu như diễn ra trong muôn màu muôn mặt đủ tất cả mọi thứ. Và điều Đức Phật Ngài cố gắng dạy chúng ta qua cuộc sống hàng ngày qua diễn trình tồn tại của thân và của tâm. Ngài dùng nhiều phương tiện để chúng ta làm thế nào hiểu được bản chất của sự khổ. Sự khổ ở đây tức là tại sao cuộc sống bất toàn, tại sao cuộc sống bất toại nguyện, tại sao cuộc sống là môi trường của sự khao khát, và tiếp tục khao khát, tiếp tục đi truy cầu do vì mình không thoả mãn, cái không thoả mãn đó là cái khổ, cái thật sự không thoả mãn là sự bất toại nguyện. Người ta nói người giàu cũng khóc người nghèo cũng khóc, đẹp cũng khổ mà xấu cũng khổ, thì trong cuộc sống ai cũng khổ. Sở dĩ chúng ta luôn khổ là tại vì chúng ta luôn luôn thấy rằng cái hiện tại, cái đang có nó không vừa lòng, nó không hài lòng. Chuyện đó là tự nhiên không có gì  hoàn hảo trong cuộc đời này đối với pháp hành. Ngay cả một cảnh đẹp nhất, một điều kiện tốt nhất thì nó cũng có vô thường, có đến có đi, có sanh có diệt. 

Và vì vậy, một người tu tập chúng ta cần quán tưởng về tam tướng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Thật sự chúng tôi suy ngẫm rất nhiều khi chúng tôi nói về điều này, bởi vì nếu chúng ta thường xuyên quán tưởng về tam tướng Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thì chúng ta học đưọc Chánh Kiến, chúng ta không rơi vào niềm tin sai lạc. Đó là điều tất cả tông phái của Đạo Phật, tất cả những vị thiền sư, tất cả mọi người, những người tu tập chân chánh đều nhìn nhận đó là những giáo lý  nền tảng của Phật Pháp. Thì khi Đức Phật dạy rằng "Như Lai chỉ nói về sự Khổ và sự Diệt Khổ" thì ở đó chúng ta thấy rằng Khổ là điều gì cần nhận thức hay tự mình Giác Ngộ và sự Thoát Khổ ở đây chỉ cho sự Giải Thoát. 

Đôi lúc chúng ta bận rộn nhiều tâm trí với cái gì xảy ra sau khi chết hay chúng ta sanh vào cảnh giới nào v.v... Nhưng chúng ta quên chính mục đích cao cả của Đạo Phật được Đức Phật đề cập đến đó là Giác Ngộ và Giải Thoát. Giác Ngộ và Giải Thoát ở đây là mình thấy mình biết về bản chất chân thật và cắt đứt được những kiết sử cột trói ở trong đời sống. Về điểm này chúng ta phải thường tâm niệm.

Và để không đi quá xa do vậy ở đây chúng ta đề cập đến khi được hỏi mục đích của đời sống tu tập là gì thì trả lời với câu trả lời là để Giác Ngộ và Giải Thoát. Nếu qúi vị đọc trong kinh thì thấy rằng Đức Phật Ngài khẳng định là Ngài chỉ dạy những điều gì liên hệ đến Mục Đích hay liên hệ đến Cứu Cánh Mục Đích ở đây tức là Mục Đích của sự tu tập là Giác Ngộ và Giải Thoát. Quả thật, Đức Phật Ngài không truyền lại giáo pháp để chúng ta ngồi đó chúng ta than vãn, Đức Phật không dạy chúng ta giáo pháp để chúng ta hí luận, mà Ngài dạy chúng ta giáo pháp để Ngài khẳng định cho chúng ta thấy rằng có những thứ nhất thiết khẩn cấp phải làm trong đời sống này, mà cái làm đó phải có chuyên trí, phải có mục đích hẳn hòi và cái mục đích chúng ta muốn nói đến đó là Giác Ngộ và Giải Thoát./.

No comments:

Post a Comment