Hỏi: Kinh Như Thị Thuyết - (LXXVII) (Tik. III, 8) (It. 69) - Quán chiếu vô thường
Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 9 tháng 6 năm 2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Đề tài về vô thường, chúng ta những người Phật tử nói đến rất nhiều không phải chỉ trong kinh điển còn kể cả trong tiểu thuyết, trong văn nghệ, trong những bài hát và trong những bài thơ. Tuy chúng ta nói nhiều như vậy nhưng đề tài vô thường không phải là một đề tài đơn giản để chúng ta nhận thức lãnh hội. Lấy một ví dụ, với một người hành thiền nói về sự vô thường đặc biệt nói về sự sanh diệt. Và sự sanh diệt bàn trên lý thuyết cũng như thân này rồi sẽ chết hay lại bị sanh già thay đổi, hoặc giả những đại lục có biến dạng kể cả trái đất và kể cả Thái Dương Hệ có thay đổi. Thì những điều đó không bằng chúng ta nhìn thấy sự sanh diệt ở ngay giờ phút hiện tại này trên thân và tâm trong cảm giác của chúng ta.
Thật ra, những hạnh phúc lớn của đời sống đều dựa lên trên ý nghĩa về sự tồn tại, sự hiện hữu. Dĩ nhiên, chúng ta mong muốn điều gì tốt nhất, chúng ta khao khát cái gì hoàn hảo nhất. Và cái hoàn hảo cái tốt nhất phải có khả năng tồn tại lâu dài. Không ai mơ ước cưới một người vợ rất hoàn hảo rất đẹp chỉ để sống với người vợ đó trong một vài ngày. Không ai mơ ước mua một chiếc xe mà chiếc xe đó mình bỏ rất nhiều tiền để mua chiếc xe chỉ nghĩ sài vài tháng rồi thôi. Cũng không ai nghĩ đến tạo dựng một cuộc sống mà cuộc sống đó chỉ phù du tạm bợ trong thời gian ngắn mà người ta có cam đảm đầu tư hết thì giờ tâm trí chạy theo một mục đích là theo kịp đời sống đó.
Nói một cách khác, cái gì chúng ta tha thiết, cái gì chúng ta dính mắc, cái gì chúng ta kỳ vọng nó đều tàn ẩn một kỳ vọng là cái đó phải bền, cái đó phải lâu dài, hay ít nhất tồn tại lâu dài với chúng ta. Nhưng ở trong sự nhận thức về vô thường chúng ta đặt biệt qua cái nhìn của kinh điển cái nhìn của một người tu tập thiền định thì cuộc sống vốn không tồn tại như chúng ta mong muốn. Chẳng những vậy mà chợt đến chợt đi, sự đắp đổi của pháp này đến pháp khác. Với một người hành thiền tương tựa như mình nhìn những bong bóng nước ở một buổi chiều mưa dưới mái hiên nhà nhìn thấy cả một mớ bọt nước những bọt nổi đó dường như nằm đó hiện diện tại đó và không đi đâu. Nếu chúng ta ngồi xuống và có một khoản cách rất gần thì chúng ta thấy rằng ở trong mớ bong bóng nước đó từng bong bóng sanh ra rồi tan biến nhường chỗ cho cái bong bóng khác, và mớ bong bóng nước đó nó đã phù du và chuyện mọi thứ cũng phu du, và nếu chúng ta có khả năng quan sát thì nó còn phù du hơn nữa.
Có một điểm chúng ta được biết về nỗi khổ của cuộc sống. Đúng ra chữ "Khổ" trong Đạo Phật có nghĩa là sự "Rỗng không" hay cảm thấy "Vô nghĩa" trước sự bất toàn của đời sống. Sự vô nghĩa ở đây là cả thế giới này từ bên ngoài lẫn bên trong, từ những cảnh cho đến sự nhận thức của tâm tức là căn cảnh thức tất cả đều liên tục đổi thay, tất cả đều liên tục vận hành ở trong tình huống riêng. Nhưng chúng ta thường mong mỏi những gì mình thường tha thiết, những gì mình thường tạo dựng nó phải bền bỉ lắm. Không phải chỉ có qúi Phật tử là những người cư sĩ sống cuộc sống có gia đình ở bên ngoài có vợ có chồng, có học vị ,có danh vị, có sự nghiệp ,có con cái mới mong cầu sự tồn tại lâu dài. Kể cả những người xuất gia đôi khi nếu không khéo tu mình xây dựng một ngôi chùa mình cũng nghĩ rằng chuyện đó là chuyện ăn đời ở kiếp. Hay hoặc giả mình nghĩ đến cảnh giới tương lai hiện hữu đâu đó lâu dài. Hoặc giả nghĩ đến phước báu nhân thiên thì cũng nghĩ đến cái gì rất bền chặt cái gì rất lâu dài.
Nhưng trong cái nhìn của Đức Phật thì thế giới này vô thường ở trong tất cả mọi chiều kích. Chúng ta nói đến hữu vi pháp, nói đến pháp hành, nói đến 5 uẩn, nói đến 3 cõi, thân vô thường tâm cũng vô thường, thế giới bên ngoài vô thường, thế giới bên trong cũng vô thường. Thế giới bên ngoài thì chúng ta nói đến các cảnh ví dụ như cái gì mắt thấy, cái gì tai nghe, cái gì mũi ngửi, cái gì lưỡi nếm, cái gì thân chạm xúc v.v... và thế giới bên trong là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là sáu căn, sáu cảnh, sáu thức, tất cả đều hằng chuyển, luôn luôn biến dịch. Và cái hằng chuyển biến dịch đó thường chúng ta không thấy rõ, thường là chúng ta không có nhận thức được ngay.
Đừng nói gì đến núi non, đừng nói gì đến một trào lưu mà chúng ta nói ngay cả một đóa hoa trưng ở trong bình, chúng ta nhìn đóa hoa trưng trên bàn Phật thì dường như đóa hoa đó nằm yên đó kheo sắc toả hương và chúng ta không thấy có cái gì thay đổi nhưng kỳ thật thì đóa hoa đó không đứng yên một chỗ. Lấy ví dụ, có những loài hoa sớm nở tối tàn hay trưng được 5, 7 ngày, mình trưng nó được 3 ngày, 4 ngày thì đóa hoa đó vẫn còn nguyên vẹn đó nhưng tuổi thọ kém hơn chúng ta không thể thấy được tiến trình lão hoá bằng đôi mắt của mình nhưng nếu phần tích cho kỹ và đặc biệt trong cái nhìn của các nhà nghiêng cứu thì thật sự tất cả các tế bào đều lão hoá. Bởi vì nếu nó không lão hóa thì nó không có tàn úa ở trong 2 hoặc 3 ngày được. Con mắt chúng ta đánh lừa chúng ta rất nhiều, mình sống với một người đôi khi người đó lại già đi theo năm tháng hay lớn lên trong năm tháng chúng ta cũng không thấy, lâu lâu gặp lại một người bạn thấy người đó tóc bạc trên đầu. Chúng tôi mới xong lớp học bên Thụy Sĩ và trong lớp học này chúng tôi gặp lại hai người đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp 2 vị đó chắc chừng 20 năm vì lý do gì đó mà chúng tôi không gặp, hôm nay các vị đi học Phật Pháp lại bây giờ nhìn tóc bạc trắng trên đầu, cả một khoản đời thay đổi. Thì thưa qúi vị, một vị sống gần chúng ta thì chúng ta không thấy có sự thay đổi nhưng một người lâu rồi không gặp và nay gặp lại thì thay đổi rất là nhiều. Cuộc đời nhìn vào đi trên chỗ diệt vong. Bản thân của chúng ta cũng vậy, chúng ta thấy người khác già nhưng bản thân mình cũng già. Chúng tôi nhớ 20 năm trước chúng tôi đặt chân đến Thụy Sĩ còn rất trẻ, bây giờ nhìn lại những tấm hình thấy rất trẻ bây giờ chúng tôi đã trên 50 tuổi rồi.
Thì nói chung, Trước nhất chúng ta hãy nhận diện cuộc sống bằng con mắt của mình nhưng không phải cái gì nó diễn ra thì nó cứ diễn mà chúng ta có bắt kịp nó đôi khi nó rất nhanh chúng ta không thấy được, đôi khi nó rất chậm chúng ta không thấy được. Người ta nói rằng về thị lực con ruồi nhanh gấp 9 lần thị lực của con người do vậy nếu chúng ta chiếu một cuốn phim chúng ta làm rất nhanh thì con ruồi sẽ thích thú nhìn hình ảnh đó hơn là chúng ta. Bản thân của chúng ta cũng vậy, có những thứ nó già nua, nó đi đến chỗ hủy hoại nhưng nhất thời trong khoẳng khắc nào đó mình nhìn mình không nhận diện ra, con cái ở nhà lớn lên cũng không thấy, cha mẹ già mình cũng không thấy. Chúng tôi nhớ ngày xưa có một câu thơ rất hay và thường đọc: "Bầu trời trong mắt con ngày một xanh thêm và tóc mẹ ngày thêm sợi bạc". Bầu trời trong mắt con thì mỗi ngày một xanh mà tóc mẹ trên đầu thì thêm sợi bạc. Nhưng không phải là ai cũng nhận ra điều đó, rất là khó, sự vô thường không đơn giản để chúng ta nhận được.
Và thưa qúi vị, ở đây chúng ta đọc kỹ bài kinh này, một bài kinh rất ngắn, một bài kinh cơ hồ như Đức Phật rất hà tiện lời, Ngài không dạy nhiều, có lẽ Ngài dạy trong một trường hợp nào đó lời dạy của Ngài không có nhiều, chúng ta đọc lại những giòng chữ này:
"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc Alahán nói đến và tôi đã được nghe: Này các Tỳ Kheo thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại".
Câu nói đó rất ngắn, ngắn vô cùng, xúc tích vô cùng, nhưng câu nói đó không phải chúng ta đọc xong là hiểu liền. Cuộc sống có 2 phần Danh và Sắc, "thân này bị hủy hoại, thức lụn tàn". Ở đây chúng ta không nói đến chuyện mình chấm dứt sanh tử hoàn toàn nhưng khi bị hủy hoại, bị lụn tàn tức là mọi sự vật không đứng yên một chỗ, mọi sự vật không nằm một chỗ, không phải thân, cũng không phải là tâm, không cái nào đứng yên một chỗ, không phải căn, không phải cảnh, mà tất cả, không riêng một cái gì, nó có sanh ra rồi nó có tàn. Và khi Đức Phật nói rằng "thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn", Ngài nói đến có 2 phần nhưng 2 phần đó là sự chọn vẹn, là sự hiện hữu, là sự có mặt của chúng ta trong kiếp này.
Chúng ta hãy nói là nhiều khi nhìn thấy thân nó vô thường và mình đinh ninh là tâm của mình cái thức hay người ta nói linh hồn là bất diệt. Nhưng Đức Phật nói không phải. Tất cả những gì thuộc về hiện hữu của chúng ta nó đều thay đổi. Có thời gian nào đó chúng ta rất thích nhạc Trịnh Công Sơn rồi thời gian sau đó chúng ta hờ hững, có thời gian nào đó chúng ta rất thích thi ca nhưng một lúc nào đó chúng ta không còn thích nữa, có thời gian nào đó chúng ta rất thích chuyện thế sự nhưng thời gian nào đó chúng ta cũng mòn mỏi. Những hiện tượng đó cho chúng ta thấy rằng tâm lý có thay đổi chứ không phải là không thay đổi. Con người ráng nặn lên cái ảo tưởng về linh hồn, về một cái gì đó tinh anh bất biến trường cửu ở trong lòng. Nhưng chúng ta nói rằng cái thế giới của sự nhận thức và cái được nhận thức tức là tâm và cảnh cả hai cái đều là vô thường. Cả Danh và Sắc đều là vô thường.
Một hành giả tu tập không phải chỉ thấy được sự vô thường trong bước đi, trong hơi thở, trong tư thế đi đứng nằm ngồi của mình, hay sự hủy diệt như từ một sắc thân còn sống đến một sắc thân vô thức, từ một di thể chết cho đến một xác chết sình thối. Vị hành giả còn thấy được sự phù du cảm thọ chợt đến, chợt đi, chợt vui, chợt buồn, Cái cảm thọ cũng vô chừng, sanh lên rồi diệt. Rồi chúng ta cũng nhìn thấy tâm vô thường, trong tâm chúng ta có những giờ phút nghe pháp tâm mình rất an lạc, rất hướng thượng, rất tập trung và có những lúc tâm mình rất tán loạn, tâm cũng vô thường.
Chúng ta nhận thấy các pháp biến thể vô cùng và bao nhiêu cái biến tướng các pháp, Đức Phật dạy rằng chúng ta nhìn vào 5 Triền Cái, chúng ta nhìn vào Ngũ Uẩn, chúng ta nhìn vào Thất Giác Chi, nhìn vào Tứ Đế, những đề tài đó được nhìn trên thân và tâm của hành giả thì chúng ta nhận thấy những thứ đó là dịch biến, nó biến dịch sanh lên rồi diệt thì khi Đức Thế Tôn nói rằng "thân này bị hủy hoại, thức lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường". Câu nói đó lớn không phải là nhỏ, câu nói đó toàn diện chứ không phải đơn cử một góc cảnh. Và sự toàn diện đó phải được hiểu, phải được lãnh hội bởi tất cả chúng ta những người tu tập là không dư xót cái gì hết.
Thật ra, Đức Phật Ngài trong cái nhìn của vị Chánh Đẳng Chánh Giác, Ngài hiểu thái độ của chúng ta là thế nào, chỉ nhìn nhận ở một phần nào đó còn phần khác chúng ta không nhìn nhận. Ví dụ như mình nhận các pháp vô thường ở thân mà chúng ta không nhìn nhận ở tâm. Hay vô thường ở bên ngoài không ở bên trong, vô thường ở sắc và không vô thường ở thọ tưởng hành thức. Nhưng khi Đức Phật hỏi chư Tỳ Kheo:
- "Này các Tỳ Kheo, các con nghĩ sắc là thường hay vô thường".
- " Bạch Đức Thế Tôn sắc là vô thường"
Rồi thọ cũng vậy tưởng cũng vậy, hành cũng vậy, thức cũng vậy.
Thì Đức Phật nói rằng:
- "Này chư Tỳ Kheo, do vậy tất cả những sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn dù trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng gần hoặc xa tất cả các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi, các con phải nhận thức đúng thực tướng như vậy, nó không phải là ta, nó không phải là của ta, không phải tự ngã của ta".
Những lời dạy đó của Đức Phật là một lời dạy quán triệt, một lời dạy toàn diện, chứ Ngài không nói với chúng ta là cái này vô thường cái kia thường, cái này giữ lại tuy nó thấy vậy chứ còn giữ lại. Chúng tôi biết ở trong giòng lịch sử của Đạo Phật đã có nhiều tông phái đã có nhiều vị luận sư, có nhiều bộ luật cố gắng để tìm một cái gì đó đứng lại để giữ lại nhưng sự quán triệt, sự thấy suốt thấy toàn diện của một vị hành giả đúng như lời kinh của Đức Phật dạy rằng: "Thân này bị hủy hoại, thức lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường".
"Tất cả sanh y là vô thường". Bởi vì sao, tại vì ở trên đời này trong cái nhìn của chúng ta, tất cả những gì hiện hữu thì tự nó cũng đã có một mức định của sự vô thường. Ví dụ như mình sanh ra làm người thì mình không thể sống quá thời gian 2 trăm năm, chúng ta nghe có những người sống 120 năm, 130 năm nhưng mà rồi cũng chết. Sanh làm con rùa thì sống lâu một chút. Sanh làm những cây red wood, cây sồi thì có thể sống 400 năm, có thể sống ngàn năm. Nhưng ngay cả trái đất này ở trên đó có mặt đất, ở trên đó có các vật thể được cấu tạo nào là kim loại, như là đồng, sắc, vàng, bạc, hay những qúi vật như kim cương, đá hoa cương, hoặc giả tất cả những thứ gì hiện hữu trên trái đất này rồi một ngày nào đó cũng sẽ vô thường. Tại vì sao? Tại vì cái gì có sanh thì mang đặc tính của diệt, "tất cả sanh y là vô thường" chúng ta hiểu như vậy. Tại vì trong sự sanh đó đã có quyết định diệt trong đó. Sự sanh đó phải y cứ vào duyên để sanh khi duyên hết thì nó phải diệt.
Tương tựa như mình thắp một ngọn đèn mình thấy ngọn lửa tồn tại là do nhiên liệu dầu hay củi. Do nhiên liệu có giới hạn thì ngọn lửa cũng phải giới hạn, đến lúc nào đó nó phải tắt. Pháp nào do duyên sanh thì cũng do duyên mà diệt. Nhưng mà như vầy, tâm của chúng ta có một điểm nó hay lắc léo, chúng ta dùng chữ lắc léo ở đây là tạm nhưng đại khái có khi nó nhìn nhận điểm này có khi nó nhìn nhận điểm kia, có khi chúng ta thấy như vầy không thấy chỗ khác, giả xử như chúng ta nghĩ rằng nó vô thường đó, ở đây nó vô thường nhưng chỗ khác nó không vô thường, cái này nó thô là vô thường cái kia nó tế không vô thường. Hay ở cõi người vô thường ở cảnh giới nào đó không vô thường. Hay hoặc giả bây giờ thì nó vô thường nhưng ở tương lai thì nó vĩnh hằng. Bây giờ mình chết đi ở trong tương lai Thượng Đế trở lại chúa trở lại lập nên vừa địa đàng lúc đó chúng ta sống ở cõi vĩnh hằng.
Đó là suy tư của chúng ta, đó là mong đợi của chúng ta, chúng ta luôn luôn tự khẳng định với mình mặc dầu chúng ta không biết rõ nhưng khẳng định là có cái gì đó, ít nhất một nơi nào đó, một cảnh giới nào đó không vô thường. Như tự nhiên mình sống trong cuộc đời mình bị khổ rồi mình nghĩ rằng; chỉ có mình khổ người khác không khổ, hay chỉ có đàn bà mới khổ đàn ông không khổ, hay người nghèo mới khổ người giàu không khổ, hay người ở Việt Nam mới khổ ở bên Mỹ không khổ. Thì cái nhìn đó chỉ là cái nhìn thôi, quan niệm chỉ là quan niệm thôi. Đức Phật dạy rằng khi chúng ta quán triệt được sự vật thì chúng ta thấy đơn giản lắm: "Pháp tự tánh vô thường sanh diệt biến đổi, không phân xóm làng, gia tộc, quốc độ, ba cõi nhân thiên, tự tánh khổ não, trống rỗng, bất toại nguyện".
"Không phân xóm làng, gia tộc, quốc độ, ba cõi nhân thiên, tự tánh vô ngã ,vô chủ, vô nguyện", "không phân xóm làng, gia tộc, quốc độ, ba cõi nhân thiên" đó là tánh phổ quát, tánh toàn diện. Thấy được chúng toàn diện tánh phổ quát tâm mình mới không móng mới không có chấp thủ. Phải thấy toàn diện, nhưng mà nó không dễ dàng, rất khó.
Với một hành giả thì hành giả không cần phải đọc, không cần phải nghĩ xa, không cần phải biết về thế giới ngày hôm nay, chúng ta có những ngành về thiên văn có kính viễn vọng kính có Chandra hay là Hubble, chúng ta nhìn thấy những thiên thể xa xôi rồi mình khẳng định là cái nào cũng vô thường. Thật ra hành giả không cần như vậy. Hành giả chỉ cần sống thật sự với chánh niệm và hướng chánh niệm trên thân và tâm của mình. Đức Phật Ngài dạy rằng ở trên thân và tâm đó chúng ta có thể thấy Khổ và Diệt Khổ như Đức Phật Ngài dạy:
"Như Lai tuyên bố trên tấm thân nhỏ bé này là có sự Khổ, Nguyên Nhân Sanh Khổ, Diệt Khổ, và Con Đường Đưa Đến Sự Diệt Khổ".
Toàn thân và tâm của chúng ta thì chúng ta phải nhìn xuyên thấu cả thế giới này bên trong bên ngoài nó là như vậy, đây là vật chất, đây là tâm thức, vật chất và tâm thức là ngũ uẩn là pháp hành tất cả những pháp đó đều là vô thường, sự vô thường đó là một tính phổ quát, không riêng một cá nhân ,không riêng một xóm làng, một gia tộc quốc độ mà là cho cả ba cõi nhân thiên.
Rồi khổ đau cũng vậy. Đặc tính chung của tất cả pháp là Vô Ngã thì điều đó Đức Phật Ngài cũng nói rằng tính phổ quát là một điều tự nhiên
Thì ở đây, bài học này thật ra cũng như những câu Phật ngôn chúng ta đọc qua khái niệm quá quen thuộc với lời kinh quá ngắn chúng ta nghĩ rằng những điều này đối với mình không có quan trọng. Nhưng nếu chúng ta đọc một câu ngắn mà mình hiểu trọn vẹn điều này cuộc sống thay đổi, thay đổi lớn chứ không phải không thay đổi: "Này các tỳ kheo thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại". Dĩ nhiên là tất cả sanh y là vô thường, khổ, thì thưa qúi vị nó là một ý nghĩa lớn, khi Đức Phật hỏi:
"Này chư Tỳ Kheo, cái gì vô thường thì cái đó khổ hay vui".
Chư Tỳ Kheo nói là "Khổ".
Thật ra chữ "Khổ" này không có nghĩa là khi nó vô thường mình phải vò đầu bứt tóc mình khóc là "Khổ", chữ "Khổ" ở đây nghĩa là rỗng không là bất toại nguyện. Tại vì sao vậy? Tại vì những gì chúng ta đặt để, những gì chúng ta kỳ vọng, những gì chúng ta gọi là hạnh phúc, nó đều dựa trên khái niệm là cái đó phải lâu dài, cái đó phải tồn tại, cái đó không là phù du. Nhưng mà cái gì phù du thì đối với chúng ta nó vô thường như là: một cái ghế ngồi ở trên xe bus nó không phải là cái chúng ta tha thiết tại vì chúng ta chỉ ngồi một chút thôi, ai cũng vậy hết, mình không dành cái ghế cho mình được. Một chỗ đứng ở ngoài chợ không ai tha thiết, tại vì sao, mình đứng một chút rồi mình phải đi, mình dành cho người khác. Nhưng tại sao người ta nặng lòng với tài sản, người ta nặng lòng với vợ với chồng, nặng lòng với nhà cửa, nặng lòng với danh vị, với học vị, với địa vị thế này thế kia. Tại vì người ta nghĩ rằng ở đó sống lâu dài, ở đó mình ăn đời ở kiếp, ở đó nó miên viễn với chính mình. Nhưng kỳ thực đối với lời dạy của Đức Phật thì "tất cả sanh y đều là vô thường", cái vô thường đó nó sẽ khổ là nó chịu sự biến hoại.
"Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này và ở đây ý nghĩa này được nói đến
Biết thân bị huỷ hoại,
Còn thức bị lụn tàn,
Thấy sợ trong sanh y,
Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Tự ngã được tu tập,
Chỉ còn đợi thời gian."
Thưa qúi vị, phải thấy rất nhiều, phải lắng đọng thật nhiều về cuộc đời của mình. Thí dụ như chúng tôi có tâm sự và có nghe một vài người họ thích bài bạc, họ thích rượu chè họ nhậu với bạn bè một lúc rồi tự nhiên họ thấy rượu đang phá hoại cuộc sống của mình, rượu làm hỏng đi hạnh phúc gia đình, rượu làm phí thì giờ, rượu cho họ những người bạn xấu, họ phát hiện một ngày nào đó họ tránh là tại vì họ thấy rằng rượu không còn ngon nữa và rượu đã bắt đầu đắng, cái đắng nó thấm từ trong cái lưỡi từ trong cái cuộc sống của họ và lúc đó họ thật sự nhàm chán. Hay là một người nào đó lặn lội trong quan trường ở trong danh lợi khen đó chê đó, đặng đó mất đó, phúc đó, vinh đó, nhục đó, và lúc bấy giờ họ nhìn lại thấy được thì không biết được cái gì mà phiền thì phiền rất nhiều "gót danh lợi bùn pha chất xám", cái đó mình phải cảm nhận, mình phải sống trong đó mới cảm nhận được.
Một hành giả mà có đủ sự kiên tâm để lặng lẽ nhìn hơi thở, hành giả kiên tâm để nhìn vào cảm giác vui đó, buồn đó, đến đó, đi đó, hành giả có đủ sự chánh niệm thanh thản để thấy rằng cuộc sống là một giòng chảy, cuộc sống là một sự luân chuyển, cuộc sống là một sự biến đổi không chừng, đúng là "dã tràng xe cát biển đông".
Bây giờ người ta vẫn còn có những thú vui thú. Tuần này chúng tôi đi sang bên Paris, đi ngang qua trung tâm Pompidou chúng tôi thấy còn có những người dùng phấn màu vẽ những bức tranh rất đẹp ở trên mặt đường rồi họ để cái nón người ta đi qua đi lại cho tiền. Nếu là sinh kế thì cái đó cũng là sinh kế mang nghệ sĩ tính. Nhưng quả thực một bức tranh vẽ trên lề đường mưa đến bất cứ lúc nào và chỉ cần mình ở đó một buổi rồi xoá đi thì bao nhiêu công trình tan biến, thì người ta cũng thích làm những cái lâu đài những cái hình tượng trên bãi cát. Ở Vancouver chúng tôi có dịp đi sang thăm có một vùng bãi biển người ta thích làm như vậy, người ta xây ở trên đó những hình rất đẹp. Thì mình không hiểu rằng lâu đài ở trên cát mình làm có thể là ở trong một buổi nào đó ở trong một ngày nào đó nó tạo ra bao nhiêu sự thích thú nhưng mà rồi nó cũng giống như dã tràng xe cát biển đông thôi, nó vậy đó. Cái quan trọng của chúng ta khi tiếp xúc với thực tại là khi chúng ta thực sự tiếp xúc với thực tại, thật sự thấy và cái thấy đó nằm ở trên thân và tâm của mình thì chúng ta thấy được sự vô thường và cái thấy đó cho chúng ta được một sự tỉnh táo, trí tuệ được thắp sáng và cái thấy đó rất là đẹp, ở trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy:
"Với tuệ quán thấy:
các hành là vô thường,
với tuệ quán thấy vậy,
nhờ vậy yểm ly khổ,
ấy là đường thanh tịnh".
"Với tuệ quán thấy như vậy và nhờ vậy yểm ly khổ, ấy là đường thanh tịnh". Thì ở đây là một giai đoạn rất đặc biệt và nếu chúng ta có khả năng thấy bằng trí tuệ, không thấy bằng sự ưu sầu, không thấy bằng sự bực bội mà thấy bằng trí tuệ thì nhờ vậy yểm ly khổ. Yểm ly khổ ở đây tức là chúng ta đủ tâm xả ly thật sự đối với những hệ lụy của đời sống. Cái khổ mà chúng ta từng thấy là do chúng ta đeo nó thôi, chúng ta cũng muốn khổ chứ không phải là chúng ta không muốn khổ. Thành ra nhiều khi mình nghĩ mình sợ khổ nhưng thật sự mình muốn khổ quá. Và yểm ly khổ thì Đức Phật Ngài dạy rằng đó là con đường thanh tịnh, đó là thanh tịnh đạo, con đường đó là con đường an tịnh.
Hay hoặc giả là phải mất rất nhiều sự tu tập, mất rất nhiều sự suy tư, mất rất nhiều sự quán chiếu mới hiểu được câu rằng:
"Pháp hành vốn vô thường,
có sanh ắt phải diệt,
tịch tịnh là an lạc".
Pháp hành vốn vô thường,
sanh diệt là tự tánh,
có sanh ắt phải diệt,
tịch tịnh là an lạc."
Bài kệ đó là bài kệ cổ điển đã được Thế Tôn nói lên đã được chư vị Alahán nói đến, đã được Thiên Vương Đế Thích nói lên, chúng ta cũng tụng trong các đám tang nhưng không phải dễ dàng để chúng ta hiểu câu đó. Ở đó nó là lằn ranh giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa cái thương và cái hận, giữa một thế giới bị chi phối bởi vô thường và khổ và một thế giới thật sự là tịch tịnh an lạc nhưng chúng ta không bao giờ hiểu được lằn ranh đó hết.
"Pháp hành vốn vô thường,
sanh diệt là tự tánh
có sanh tức có diệt,
tịch tịnh là an lạc".
Thì ở đây đôi khi những lời của Đức Phật dạy rất là ân cần, Ngài nhìn chúng ta như những người con của Ngài, thật sự chúng ta sống nửa tỉnh nửa mê, bây giờ chúng ta thấy có những người bị bịnh chập chờn lúc tỉnh lúc mê nhưng Đức Phật còn đưa ra hình ảnh lúc lặn lúc hụt lúc trồi lên lúc hụp xuống sống giữa biển trần trồi lên hụp xuống, Có lúc chúng ta thấy rằng "àh nó là vô thường" nhưng có lúc chúng ta không thấy và Đức Phật Ngài nói lên những lời rất là tha thiết:
- "Này các Tỳ Kheo, thân này bị huỷ hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường khổ chịu sự biến hoại".
Chúng ta thấy có một vấn đề là đa phần chúng ta không nghĩ đến điều đó, cũng như chúng ta không nghĩ đến cái chết, chúng ta không nghĩ đến sự vô thường, chúng ta không chấp nhận sự sanh ly tử biệt, chúng ta không chấp nhận một người thương mình bây giờ họ không thương mình, chúng ta không chấp nhận sự rời đổi, sự rời đổi làm cho mình đau lòng. Nhưng Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nếu sự thật là như vậy thì hãy mở mắt nhìn cho thật kỹ, nhìn thấy với tất cả sự can đảm, với tất cả sự tỉnh táo, và khi chúng ta có đủ sự can đảm đủ sự tỉnh táo thì quả thật điều đó mang lợi lạc rất lớn, nhưng cánh cửa đó là cửa ải chúng ta phải bước qua, nó không dễ dàng.
Thưa qúi vị. Trở lại một điều khi nãy chúng ta có đề cập là chúng ta nhận thức vô thường bằng sự lý luận bằng cái chúng ta gọi là logic nó rất khác biệt với sự vô thường do chánh niệm nhận thức trên thân và tâm của mình ở trong giờ phút này, lúc mình đang giận, lúc mình đang vui, lúc mình đang hưng phấn, lúc mình đang chán nản nó không phải là chuyện để chúng ta phản ứng, không phải là chuyện để chúng ta phê phán mà chuyện rất đơn giản là chúng ta thử nhìn mình đang thích thú đang hưng phấn với điều gì mình mới thành công điều gì đó, mình thử nhìn coi cái niềm vui nó đến được bao lâu và chừng nào nó đi, thấy được cái sanh và cái diệt nó là một trong những cái mấu chốt rất quan trọng của hành giả.
Khi chúng ta khỏe rồi bệnh, rồi bệnh rồi khỏe chúng ta đừng phản ứng nhiều mà chỉ nhìn thấy hồi nãy không có bây giờ có là SANH. Và hồi nãy có bây giờ không còn nữa là DIỆT. Thấy nó chợt đến chợt đi. Nếu chúng ta nhìn thật kỹ thì đời sống là sự đắp đổi liên tục giữa bao nhiêu thứ sanh diệt. Không phải là một thứ mà là trăm thứ cũng sanh diệt. Và thân chúng ta cũng sanh diệt. Nhìn trên giòng sanh diệt đó chúng ta sẽ có một cái nhìn hoàn hảo khác về cuộc sống này cái mà chúng ta đinh ninh, cái mà chúng ta kỳ vọng, cái mà chúng ta đòi hỏi đa phần là do ảo giác của chúng ta. Như một đứa trẻ đòi mặt trăng ở dưới mặt nước hay có một người nào đó họ đòi một thứ gì đó trên trời họ làm cái thang bắt lên mà mình bắt để đi đâu. Ở giữa cuộc sống này thay đổi rất là nhiều. Cái quan trọng không phải là chúng ta đi tìm một cái gì đó thường hằng, mà quan trọng là chúng ta có tỉnh táo nhận thức, tỉnh táo chấp nhận và thấy được cái thực tướng của các pháp, thấy được thực tướng trên thân và tâm của mình.
Thật ra, Đức Phật dạy cánh cửa của sự giải thoát nó đi theo sự giác ngộ. Giác ngộ tức là mình thấy biết sự vật đúng thực tướng và thấy đúng sự vật đúng thực tướng mình chấp nhận. Giả xử một ngày nào đó một người thương mình bây giờ họ không thương mình nữa thì mình cũng hiểu là nó vô thường, người đó thương mình bây giờ họ không thương mình là vô thương, rồi mình thương người đó bây giờ mình không thương cũng là vô thường, cuộc đời nó là như vậy. Ngài HT Hộ Giác ngày xưa Ngài rất thích câu thơ nghe thì nó cũng là một cái câu thơ rất bình thường nhưng lại rất ý nhị với người tu tập .
"Đi chung một chuyến tàu đời,
mỗi sân ga lại có người xuống lên,
có khi mình xuống đầu tiên,
có khi nửa chuyến ngại ngùng chia tay,
đâu ai đi hết đường dài,
từ ga Đông đến ga Đoài còn nhau"
Cuộc đời không phải là một sự hẹn hò mà từ điểm đầu đến điểm cuối chúng ta cùng đồng hành, không có, rồi cuộc đời không bỏ mình thì mình cũng bỏ cuộc đời, sự việc đương nhiên như vậy.
Chúng tôi có một vài lần trong tháng vừa qua chúng tôi gặp ít nhất là 3 người Phật tử, những người Phật tử này già rồi bệnh rồi nằm chờ chết, khi nhìn những người đó nằm ở trên giường chúng tôi cố gắng tụng kinh, cố gắng nói pháp và chúng tôi cũng ao ướt một điều rằng những vị đó ở trong giờ phút đó có thể có đủ nghị lực để nhìn hơi thở ra hơi thở vào, nhìn cảm thọ đau nhức chợt đến chợt đi, nhìn tâm thức của mình và ngay lúc đó nếu mình nhận ra được rằng sắc uẩn vốn là vô thường, thọ uẩn là vô thường, tưởng uẩn vô thường, hành uẩn vô thường, thức uẩn vô thường. Và khi nhận thức như vậy mình thấy rằng nhận thức đúng thực tướng thấy rằng đó không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta thì lợi lạc biết bao nhiêu.
Nếu mình nghĩ một người nằm trên giường bệnh là mình, mình mong muốn mình có đủ nghị lực. Không đơn giản đâu. Ở giây phút đó trong nội lực cần có sự tu tập của mình. Chúng tôi nói điều này không phải là sự áp đặt. Nhưng thật sự trong cuộc sống chúng ta cho dù chúng ta tu pháp môn nào, chúng ta học kinh điển nào thì có cái trúng có cái trật chứ không phải cái nào cũng trúng hết.
Nhưng có điều chắc chắn là với một người thấy được 3 pháp: VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ nghe trong thân tâm của mình thì chúng ta phải tỉnh táo và chúng ta không sợ trật.
Qúi vị cứ đọc hết ở trong kinh điển, xem đi xem lại, lập đi lập lại, suy nghĩ thì cuối cùng chúng ta thấy rằng 3 hiện tướng, 3 cái tướng, 3 cái đặc tính, 3 pháp: VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ đó là những điều người Phật tử hay là người tu tập cần nhận thức, cần lãnh hội. Và khi chúng ta làm được như vậy thì chúng ta thấy Phật ngôn này tuy rằng rất ngắn nhưng rất thâm sâu, ý nghĩa rất lợi lạc trong đời sống của chúng ta,
"Này các Tỳ Kheo, thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ chịu sự biến hoại. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này, ở đây ý nghĩa này được nói đến, biết thân bị hủy hoại, còn thức bị lụn tàn, thấy sợ trong sanh y, Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Tự ngã được tu tập,
Chỉ còn đợi thời gian"./.
No comments:
Post a Comment