Tuesday, December 23, 2014

Sự lựa chọn lành mạnh hay không lành mạnh là trách nhiệm của chúng ta

Hỏi. Sự lựa chọn lành mạnh hay không lành mạnh là trách nhiệm của chúng ta.

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 24-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Có những cách diễn tả rất chuyên môn của Phật Pháp như chúng ta nói xúc thọ tưởng tư v.v... Nhưng chúng ta cũng có thể nói bằng ngôn ngữ thường thức ở bên ngoài. Ví dụ, chữ "xúc" căn bản là sự gặp gỡ giữa căn cảnh và thức. Chúng ta có con mắt, dĩ nhiên không phải cái gì mình thấy đều hoàn toàn do mình làm chủ nhưng nó cũng có sự lựa chọn. Giống như mình vào trong internet thì có hàng trăm hàng ngàn thứ lựa chọn, mình đọc cái gì mình xem cái gì đó là sự lựa chọn của mình. Ngay cả trong đời sống hàng ngày một người Phật tử đi chùa cái gì người ta nghe cũng là do sự lựa chọn, có nhiều người ít thích nghe pháp, có nhiều người ít thích đàm luận Phật Pháp mà thích nghe chuyện thiên hạ, chuyện người này người kia, nghe nhiều thì sanh ra phiền não, đó là sự lựa chọn của mình. Hay hoặc giả thời nay trong việc ăn uống chúng ta ngồi quanh bàn trước mặt có thực đơn, hay buổi sáng vô tiệm McDonald chúng ta cũng có sự lựa chọn những thứ nào nhiều cholesterol, thứ nào ít cholesterol, những thứ nào có lợi những thứ nào không có lợi cho sức khỏe. 

Nói chung, thế giới này không phải hoàn toàn được lựa chọn theo ý mình muốn nhưng chúng ta sống ở chừng mực ở sự tương đối nào đó thì chúng ta cũng có sự lựa chọn. Đôi khi có những thứ xem rất vô hại nhưng phải coi chừng. Giả xử như ngày nay người Hoa Kỳ họ bắt đầu ý thức được những phim bạo lực trên TV chiếu nhiều, trẻ em coi nhiều quá thì sanh ra nhiều tội ác ở trong xã hội, có những em còn rất nhỏ 15, 16 tuổi lấy súng của cha mẹ vào trong trường bắn bạn bè của mình bắn những học sinh khác giống như bắn vịt trời mà không biết hệ quả ra sao, cũng vì tuổi trẻ coi những phim bắn giết nhau hoặc chơi những game bạo động, mới nhìn thì không có gì nhưng lâu ngày ảnh hưởng rất lớn trong cuộc sống. Người xưa có câu "bậc trí 3 ngày không đọc sách xem gương thấy mặt xấu xí". Nếu chúng ta không thường tư duy những điều tốt đẹp chúng ta không thường nghĩ tưởng những giá trị cao qúi thì thật sự tâm trí chúng ta có suy sụp có đi xuống. Một điều rất đương nhiên, người ta nói khôn nhờ dại chịu, không ai chịu trách nhiệm cho chúng ta về việc đó hết đặc biệt trong một thế giới có quá nhiều thứ để lựa chọn và khi có nhiều thứ để lựa chọn thì trách nhiệm nằm ở chúng ta rất nhiều vì chúng ta sẽ chọn cái gì mình cảm thấy lành mạnh cảm thấy thích hợp và chúng ta sẽ tránh những gì chúng ta nghĩ ảnh hưởng đến mình nhiều. 

Đọc trong Túc Sanh Truyện chúng ta thấy Bồ Tát ngày xưa cho dù Ngài là một vị vua hay một vị thương gia khi Ngài nhìn thấy hệ lụy của sanh tử thì Ngài quyết định từ bỏ để vào rừng sống một mình, đó cũng là sự lựa chọn. 

Môi trường ảnh hưởng chúng ta rất lớn, một khi chúng ta nói môi trường là cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, mình nếm, đụng, tiếp xúc. Khi chúng tôi mới sang Mỹ chúng tôi cứ nghĩ văn hóa này thật sự rất khác văn hóa mình, ở đây cả 100 năm đi nữa mình cũng không thay đổi tại vì một, mình là người Việt Nam nó đã ăn sâu vào trong xương tủy mình rồi, thứ nữa, là một vị tu sĩ trong chùa môi trường đó không ảnh hưởng nhiều. Nhưng khi chúng tôi sống ở đây 5, 7 năm sau khi có giấy tờ quốc tịch, có passport Mỹ thì đi nước ngoài mới khám phá ra mình đã thay đổi nhiều, mình đã bị Mỹ hóa nhiều. Tức là có một số ảnh hưởng cái nhìn của mình nhiều. Việc này đơn giản thôi. Sở dĩ nói đơn giản là vì đời sống tự nhiên mình có dịp tiếp xúc có những tương tác đối với hoàn cảnh ở chung quanh cho dù mình muốn hay không muốn đi nữa. Chúng tôi có quen với một vị Thầy, Thầy tu bên Bắc Tông, vị Thầy này rất ghét Trung quốc vì Trung quốc xâm lăng Việt Nam và vị Thầy này cũng muốn từ bỏ tất cả những gì thuộc Trung quốc, nhưng có thể nói từ nhỏ đến lớn sống ở trong chùa Bắc tông dùng chữ Hán rất nhiều, theo nghi thức Trung quốc rất nhiều, và cái gì Trung quốc cũng thấy đẹp, bây giờ tự nhiên mình không thích không sài đồ Trung quốc nữa thì mình cảm thấy nó thiếu nó vắng cái gì đó. Vị này tâm sự với chúng tôi  mặt dầu không thích Trung quốc nhưng từ hình tượng cho đến chữ nghĩa cho đến những văn hóa phẩm đã quen rồi. Vấn đề của chúng ta là quen mà thôi.

 Một hiện tượng chúng ta thấy loài người ở trong thế kỷ này có xu thế dời về thành thị và cuộc sống của thành thị đã thay đổi bản chất chúng ta rất nhiều hơn ở nông thôn, sống ở vùng đất mà hoa đồng cỏ nội đã ảnh hưởng đời sống chúng ta mỗi ngày, một nơi mùi của đất thanh khí của bầu trời làm cho chúng ta có được cảm giác rất lạ thì điều đó chúng ta không tìm thấy ở trong cái náo nhiệt của thành thị. Và các nhà tâm lý học ngày nay cũng nhận rằng chính sự phát triển của những khu vực thành thị, những khu vực thị tứ người ta sống giữa đám đông nhưng con người mình cô độc hơn, con người nặng về chủ nghĩa cá nhân hơn, vô cảm đối với khổ đau của người khác. 

Chúng tôi nhớ cách đây nhiều năm HT Nhất Hạnh có viết một tác phẩm  "Cửa tùng đôi cánh gài". Tác phẩm nói về một người lên non cao tầm thầy học đạo và sau một thời gian hấp thụ được lời dạy của thầy thì sẵn sàng xuống núi và thầy đã trao cho người học trò thành đạt đó một kiếng chiếu yêu. Người này đi du phương trong dân gian dùng kiếng chiếu yêu đó để rọi chiếu người khác để chiếu xem ai là yêu ma. Rồi có một ngày nhớ thầy nhớ bạn nhớ núi và đã trở về núi thì cánh cửa không mở ra để đón tiếp người học trò ưu tú trở về. Và sau đó người này mới phát giác ra khi mình dùng kiếng chiếu yêu chiếu lại chính mình thì mình đã có hơi hám yêu khí quyện trong người. Sau một thời gian lăn lộn với đời thì sự tạp nhiễm là một điều tự nhiên. Câu chuyện đó rất thú vị. 

Mỗi chúng ta trong cuộc sống ngay cả khi chúng ta trỉ trích người khác. Trỉ trích người khác là hiếu chiến, là cao ngạo, là ích kỷ. Trỉ trích người khác là sống thế này sống thế kia. Nhưng  đôi khi những điều đó vô tình từ từ  đi vào trong tâm trí mình và nó trở thành kiểu mẫu mà chúng ta không hay. Và một ngày nào đó mình nhìn lại chính bản thân của mình thì mình không khác hơn cái người mình trỉ trích bao nhiêu hết. Điều đó là một trong những hiện tượng  thấy nhiều ở trong cuộc đời. 

Thì như vậy, thế giới này chúng ta sống ở chừng mực ở sự tương đối nào đó thì chúng ta cũng có sự lựa chọn.  Lựa chọn lành mạnh hay không lành mạnh là trách nhiệm của chúng ta./.  

Thursday, December 18, 2014

Sống không cảm thọ mới là chân hạnh phúc

Hỏi: Sống không cảm thọ mới là chân hạnh phúc

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 5-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Khuynh hướng phần đông chúng ta khi đi xuất gia tu tập thường đặt hy vọng hoặc đòi hỏi. Thí dụ ông thầy đó có cho mình cảm giác ấm áp hay từ ái  không? hoặc giả chỗ ở trường thiền có thoải mái dễ chịu hay không? Hay chỗ đó thức ăn có tốt hay không? .v.v... Thì khi chúng ta nghĩ như vậy khó cho chúng ta tu tập. 

Đa phần những người tu tập tinh tấn nhiều do họ chiêm nghiệm cái khổ ở trong đời sống hiện tại của họ. Thí dụ đời sống hiện tại có quá nhiều khổ từ cái khổ đó họ có một quyết tâm chấp nhận bất cứ những cái khổ nào khác miễn mình thay đổi được cuộc diện thay đổi được hoàn cảnh. Thì do nhờ họ quá khổ với hiện tại nó cho họ sức mạnh để thích nghi, sức mạnh để chấp nhận tất cả những nhỏ nhặt khác. Bởi vì người nghèo họ thường dễ dàng để sống trong nhiều điều kiện khác nhau nhưng một khi chúng ta sống quá tiện nghi quá thoải mái thì chúng ta hay phân vân lựa cái này lựa cái kia và đôi lúc những sự phân vân lựa chọn đó làm cho chúng ta đánh mất đi cơ hội để tu tập. Có câu nói "mình té trên đất chống tay trên đất đứng dạy". Sự khổ, mà mình quyết tâm tựa trên cái khổ để đứng dạy thì con người mình có sức mạnh rất mãnh liệt. 

Cũng có một kinh nghiệm khác liên quan đến cảm thọ chúng ta thường thấy ở trong sự tu tập là nếu chúng ta để ý cho kỹ thì đa phần những cái hào hứng, những cái vui, những cái thích thú là do mới lạ khi quen rồi nó trở lên bình thường. Thí dụ, mình chưa có chiếc xe đó giờ mình có chiếc xe đó ban đầu mình xăm xoi nó nhưng có nó một thời gian tự nhiên nó không có quan trọng nữa, thấy nó bình thường lại. Hay có người họ chưa có công việc đó thì họ tha thiết lắm nhưng khi có rồi họ quen. Thì qua đó mình đọc được tín hiệu của đời sống con người mình dễ dàng chạy theo cái mới. Giống như tâm trạng của Tô Đông Pha nói về : "Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều, Vị đáo bình sinh hận bất tiêu, Đáo đắc hoàn lai vô biệt vị, Lô sơn yên tỏa Chiết giang triều". Chưa đi thì mong cho đến mà đến rồi thì không có gì lạ, trở lại thì Lô Sơn vẫn là Lô Sơn thôi. Tâm trạng đó chúng ta gọi là một thế giới luôn sống với khao khát, nô lệ cho tham ái, đứng núi này trông núi nọ. 

Bài học về cảm thọ của chúng ta từ cái khổ cũng là bài học mà trên cái lạc cũng là bài học. Chúng ta thấy rằng thấy vậy chứ nó không phải là những giá trị cố định, thấy vậy chứ nó không là giá trị bất di bất dịch.

Cũng có bài học khác rất quan trọng đó là bài học về thọ xả tức là trạng thái thản nhiên không vui không buồn. Thật sự thì thọ xả là một trong những cảm thọ tế nhị nhất và rất khó để chúng ta theo dõi nó nhưng trực tiếp gần nhất của thọ xả là cảm thấy buồn chán, không có gì vui, tâm bình thường. Và khi tâm bình thường sanh ra buồn chán. Buồn chán đổi thành thọ ưu.

 Thì từ thọ xả sang thọ ưu là một nhận thức của chúng ta về phương diện chủ quan nhiều hơn thật sự. Ví dụ, trong đời sống hàng ngày mình cảm thấy khổ quá, ở trong nhà sống với gia đình người thân làm khổ mình, ra làm việc với cộng đồng có bao nhiêu thứ thị phi làm khổ mình, mình đi làm việc công sở có sự cạnh tranh làm khổ mình, mình ao ước đi về một phương trời xa xăm nào đó không có những thứ đó thì mình sẽ hạnh phúc. Nhưng  cũng có những người sống trong hoàn cảnh không có những thứ đó họ cảm thấy nản thấy buồn vô cùng, có nhiều vị sư hoàn tục bỏ cuộc tu tại vì sống trong chùa bình lặng quá. Khi chúng tôi ở Việt Nam, chúng tôi nhớ có hai cảm giác rất nản ở trong lòng, đó là khi chúng tôi xuống chùa Miên ở La bang, cách họ xây cất chùa Miên vào buổi trưa sau khi Chư Tăng độ cơm xong các vị sau khi làm này làm kia một chút thì các vị nghỉ trưa. Giờ Chư Tăng nghỉ trưa toàn bộ trong chùa vắng lặng, những con ve sầu kêu trên  những cây dầu cao, nhìn vào chánh điện có cái gì đó giống như đền miếu cổ vắng không có bóng người. Tuổi thơ hồi còn nhỏ làm sadi mà ở trong chùa Miên buổi trưa sao thấy cảnh đó buồn quá, rất là buồn. Cảnh buồn thứ hai của chùa vào buổi chiều chạng vạng khi mặt trời tắt nắng vào giờ sắp tối đèn chưa lên và chưa đến giờ tụng kinh trong chánh điện, buổi tối tiếng côn trùng kêu ở miền quê âm thanh rất não nùng. 

Thì chúng ta thấy rằng con người mình khó chịu lắm, lúc bình thản thì mình cảm thấy rằng mình buồn chán mình đâm ra mình muốn bận rộn, nhưng khi mình bận rộn thì mình cảm thấy mệt mỏi mình cảm thấy không thích thú cái gì với những tranh đấu hơn thua "cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong chui vào". Không phải là ở trên thế gian này có hai người, người muốn chạy vô người muốn chạy ra, mà ngay cả bản thân chúng ta lúc chúng ta muốn vô lúc chúng ta muốn ra. Cái đó chúng ta gọi là sự mâu thuẫn nội tại. 

Tương tựa như trong đời mình đi thâu góp rất nhiều thứ đem về chất trong nhà rồi lúc nào đó mình muốn dẹp đi. Thì bày cũng là mình mà dẹp cũng là mình, mình muốn thế này cũng là mình, mình muốn thế kia cũng là mình. Rõ ràng ở trong cuộc sống, cuộc sống là như vậy, chúng ta luôn luôn trăn, trở hầu như mình cảm thấy có chuyện gì quan trọng lắm trong cuộc đời phải làm. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ đa phần nó chỉ là từ bên trái để sang bên phải, bên phải để sang bên trái, trong đem ra ngoài, ngoài đem vào trong, cái ngoài chợ đem về nhà, đem về nhà chán đem bán garage sale bán ngoài chợ, bán cho người khác, nó là như vậy và nếu chúng ta có tu tập, chúng ta có để ý đến thân tâm của mình và chúng ta có nhìn vào cuộc sống của mình thì chúng ta sớm nhận ra rằng tất cả chỉ là một phản ứng dây chuyền của cảm thọ mà thôi, nó thế này nó thế kia và chúng ta không nên quá tin vào nó, tin vào nó thì chúng ta sẽ bị khổ lì, tin vào nó thì chúng ta đôi khi ngơ ngác với chính mình đôi khi mình khổ lì với chính mình, có lúc nào đó nhờ vào trí tuệ mình nhận ra chính mình khổ. 

Có lẽ nhiều người cho rằng chuyện Kiều xuất sắc nhất đó là văn chương.  Người ta nói tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh nguyên gốc của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân là một tiểu thuyết rất bình thường nó không hẳn là dở nhưng nó không phải là tuyệt tác. Và qua ngòi bút của cụ Nguyễn Du chuyển sang tác phẩm chuyện Kiều đã cho chuyện Kiều những cái đẹp, đẹp của ngôn ngữ, đẹp của thơ do sự tài hoa của cụ Nguyễn Du. Nhưng đặc biệt nhất của chuyện Kiều và có lẽ chúng ta phải nói thêm đó là vấn đề tâm lý, người ta gọi là "tài mệnh tương đố", tức là một người có tài và một người sống có tài và sống với số mệnh nghiệt ngã. Thúy Kiều là một người tài sắc vẹn toàn nhưng đối diện với số mệnh hay đối diện với túc nghiệp quá khứ thì lại có nhiều mâu thuẫn. Ở đây người ta nói yếu tố tâm lý. Chúng ta có thể đọc chuyện Kiều để thấy ở trong đó có rất nhiều chuyện nhân quả về cảm thọ và những cảm thọ này là bài học lớn ở trong đời sống. Thí dụ như câu "đánh liều nhắm mắt đưa chân để xem con tạo xoay vần về đâu". Đến lúc nào đó mình muốn buông tay không muốn phấn đấu nữa, không muốn đứng dậy không muốn biết, tại vì số mệnh nghiệt ngã quá mình cố gắng rất nhiều rồi mình thất bại, mình cố gắng rất nhiều rồi lại đi vào vòng luẩn quẩn, mình cố gắng rất nhiều rồi mình lại không làm gì khác được thôi thì bỏ cuộc xuôi tay. Nhưng có những đoạn như "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Những câu nói đó không hẳn chỉ là triết lý hay về đạo học mà trên phương diện tâm lý cũng có giá trị rất lớn là có những người rất có tài có khả năng nhưng cái tâm của họ không sáng cái trí họ không đặt đúng chỗ và cái hoài bão họ không đủ cao rộng thì có tài cũng thật sự nó chỉ là một phần thôi. 

Chúng tôi muốn nói đến một điểm, một điểm cực kỳ quan trọng là không riêng về mặt đời mà đạo cũng vậy, cảm thọ cho chúng ta thật nhiều tức là có vị ngọt nhưng cảm thọ làm chúng ta điên đảo hơn nhiều, Đức Phật gọi là "Sự Nguy Hiểm". Và nếu chúng ta nghĩ đến sự xuất ly của cảm thọ thì chúng ta sẽ thấy rằng khó tưởng tượng lắm, mình mong mình được sống bằng cảm thọ nhưng Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy rằng "chính trạng thái không cảm thọ mới là thực sự hạnh phúc". Ngài muốn nói đến Niết-bàn nhưng lời dạy đó không phải dễ tiêu hóa, bài học đó tương tựa như một người luôn gánh một gánh nặng trĩu ở trên vai bây giờ họ đặt gánh nặng xuống được họ cảm thấy thoải mái.

Cuộc sống đối với gò bó thì chúng ta thấy rằng sống mà cảm thọ, sống mà không vui buồn thương ghét, Hỉ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ. Cuộc sống mà chợt vui chợt buồn thật là một gánh nặng, đặt nó xuống thì mình hạnh phúc. Phải vượt qua trạng thái như Ngài Xá Lợi Phất Ngài nói "chính không cảm thọ mới là chân hạnh phúc mới là Niết-bàn", chúng ta mới thấy câu đó không dễ để chúng ta nhận thức được vì chúng ta rất khổ với cảm thọ nhưng chúng ta vẫn ôm chầm lấy nó chúng ta lại gìn giữ nó và chúng ta vẫn sống dở chết dở với nó. Tại vì sao vậy? Tại vì chúng ta chưa đủ khả năng để nhận chân ra rằng có cảm thọ, chúng ta lầm lẫn  "đây là ta", "đây là của ta", "đây là tự ngã của ta". Nhưng thực tế thì nó không phải là "ta" "không phải là của ta" "không là tự ngã của ta" do đó chúng ta khổ ./.

Saturday, December 13, 2014

Có pháp nào học để diệt phiền não nóng giận chăng?

Hỏi: Có  pháp nào học để diệt phiền não nóng giận chăng? 

Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú 2003, Minh Hạnh chuyển biên ngày 13-12-2014

 TT Giác Đẳng: Trước khi trả lời câu hỏi cũng lưu ý qúi Phật tử một điều, theo kinh nghiệm  chúng tôi thấy những người tu tập nặng về trí thường đi với sân tâm, họ có nhiều sân tâm. Điều này là điều chúng tôi đề cập nhiều vị thầy những vị trưởng lão khi các Ngài cuộc sống rất đơn giản không có ham muốn không có dính mắc nhiều và khi nặng về pháp học thông thường các Ngài dễ sân. Dễ sân ở đây tức không phải chuyện sân si thô thiển như  chúng ta ở bên ngoài sân si đánh đập hay giết người. Không phải sân si như vậy. Nhưng dễ bực bội dễ phiền muộn bởi vì khynh hướng của những vị này là vị này đúng  vị kia sai, nó rất rõ ràng do cái đúng cái sai nên nhìn thấy những người đệ tử học trò hay những người chung quanh làm những công việc  không được như ý thì có vẻ như  các vị này dễ khởi tâm sân.

 Ý chúng tôi,  con người chúng ta khi tu tập đôi lúc cũng phải để ý tâm sân là một kết quả tự nhiên trong một tiến trình của chúng ta, tiến trình đó là cuộc hành trình của chúng ta khi chúng ta quá chú trọng vào chánh pháp, chúng ta quá chú trọng vào điều gì đúng điều gì sai đôi lúc tâm dung dị của chúng ta lại không có nhiều như  những người sống ở trong cảnh giới nhiều tham ái hoặc giả những người mang tánh cách nặng về xã giao nặng về bề ngoài thì họ dễ có tâm nhu nhuyến hơn mềm mỏng hơn.

Nhưng bây giờ câu hỏi được đặt ra ở tại đây là có pháp nào để diệt trừ tâm sân tâm nóng nảy? Diệt trừ mọi phiền não nóng giận thật sự, diệt trừ sân tâm thật sự chỉ có vị Thánh A Na Hàm mới diệt trừ được tâm sân thật sự, có nghĩa tu tập phải đạt được đến chỗ rốt ráo. Tham sân si là ba  phiền não cột rễ ở trong đời sống chúng ta thì nói đến diệt chắc chắn chúng ta phải đạt đến Thánh quả chúng ta mới diệt được. 

Nhưng trong đời sống hàng ngày thì tâm sân có thể được kềm chế bởi nhiều cách: 

- Cách thứ nhất, thường thấy trong các sách dạy về thiền định như bộ Giải Pháp Đạo hay Thanh Tịnh Đạo. Trong sách ghi nếu mình có khuynh hướng nặng về sân và chúng ta biết chúng ta thường hay sân hận thì chúng ta nên đối xử với mình một cách hợp lý hơn. Ví dụ như  một người nặng về tham được ở trong một am cốc quá đẹp đẽ hay ở nơi có nhiều tiện nghi thì tâm tham sẽ dễ làm cho dính mắc. Nhưng nếu một người nặng về tánh sân thì nên cho họ ở một nơi tương đối được dọn dẹp sạch sẽ đẹp đẽ vén khéo tiện nghi để làm giảm bớt tâm sân của mình. Người thường tắm rửa sạch sẽ mát mẻ cũng làm giảm bớt tâm sân của mình. Mình thường biết được ý tứ của mình thì cũng đỡ tâm sân hơn, nghĩa là mình cứ quan niệm  phiền não là một thứ bệnh, nếu qúi vị bị dị ứng với phấn hoa muốn bớt dị ứng đó thì nếu không chích thuốc được thì chúng ta nên tìm chỗ nào không có loại phấn hoa có thể làm cho mình bị dị ứng. Do vậy, khi chúng ta có phiền não biết mình nặng về thứ đó, chẳng hạn mình nặng về tham, nặng về dục tính, nặng về nhục dục, nặng về sân, hay chúng ta nặng về sự sợ hãi v.v... thì chúng ta nên có cách đối xử thích hợp với mình, cách đối xử làm bớt đi. Qúi vị nào đọc trong Thanh Tịnh Đạo chương nói về tâm giải thoát nói về những carita nói về những căn tánh của con người thì ở trong đó đặc biệt về tánh sân Ngài Buddhaghosa Ngài có một bản tương đối chi tiết nói về làm thế nào nên đối xử với bản thân của mình khi mình nặng về tánh sân. 

- Đặc điểm thứ hai, chúng ta có thể làm giảm bớt lòng sân của mình là nên phát triển sự an lạc, nên phát triển tâm hỉ. Sự an lạc tức là chúng ta nên tập nhìn vấn đề trong cái nhìn chỉ nghĩ đến cái gì tốt đẹp nhất. Ví dụ, thay vì chúng ta đòi hỏi công việc đó phải hoàn hảo hay chúng ta thường có thái độ một sự đòi hỏi rất cao đối với những người chung quanh mình thì bây giờ chúng ta hãy nghĩ kể ra họ cũng còn tốt họ đã làm được chừng đó công việc hơn là chúng ta cầu toàn hơn là chúng ta đòi hỏi công việc toàn hảo thì chúng ta sẽ đỡ tâm sân đi. 

Có thể nói rằng tập để cảm nhận, tập để cảm kích không phải là một chuyện dễ, nó tùy theo cách nhìn của chúng ta. Nếu qúi vị làm cảnh sát thì đa số những gì qúi vị nhìn là qúi vị nhìn người ta đã làm gì để phạm pháp, nếu qúi vị là một nhà thơ thì  qúi vị nhìn cái gì để tìm thi hứng, nếu qúi vị là một hoạ sĩ thì qúi vị thường nhìn một cái gì đó khả dĩ  tạo cho qúi vị những đường nét màu sắc mà qúi vị muốn đem vào trong tranh. Thì chúng ta, thỉnh thoảng có đôi khi một người nặng về tánh sân chúng ta hay tìm nhìn vào cái gì đó làm cho chúng ta phật ý chúng ta nên điều chỉnh cái nhìn một chút thay vì chúng ta nhìn cái gì làm chúng ta phật ý thì chúng ta nhìn cái gì làm cho chúng ta cảm kích được người khác. 

Có thể nói rằng những người chung quanh mình không ai quá xấu cũng không ai quá tốt. Ý chúng ta muốn nói về cái không ai quá xấu không ai quá tốt là thường thường có một số điểm của họ đáng để phê bình nhưng một số khác cũng đáng để chúng ta cảm kích. Con người thường là một sinh vật rất dễ thương, có những người chúng ta để ý cho kỹ thì họ có nhiều thiện chí nhiều khả năng và nhiều sự đóng góp rất tích cực đáng để cho chúng ta chú  ý. Do vậy nếu chúng ta thường có tánh sân thì chúng ta nên học để cảm kích cái đẹp của người khác, cố gắng để ghi nhận cái hay của người khác. Chúng tôi biết có những người suốt cả cuộc đời của họ sống với một người vợ hay sống với những người con, sống với những người bạn, họ biết rằng người vợ mình tốt đó, họ biết rằng những người con của mình cũng ngoan đó, và họ biết rằng người bạn của mình cũng là những người đối xử với mình thành thật đó nhưng họ lại thường trỉ trích và trỉ trích lâu ngày thành thói quen. Ví dụ, dọn một bữa cơm lên món gì cũng ngon hết nhưng có một dĩa nước chấm không được ngon thì lấy dĩa nước chấm ra làm điều để nói hơn là khen những món khác. Thì bây giờ chúng ta thay đổi một chút xíu việc này thì việc này nó cũng sẽ làm chúng ta giảm đi tâm sân.

- Điểm thứ ba. Dĩ nhiên là Đạo Phật dạy phát triển tâm từ, làm sao để tâm từ chúng ta được tăng trưởng thì chúng ta giảm bớt lòng sân của mình rất nhiều. Tâm từ là tâm mong mỏi người khác được an lạc một cách vô điều kiện, chúng ta chỉ nghĩ rằng mong cho người khác được an lạc mà không cần biết đó là người đó là người đồng chủng tộc đồng màu da hay người thân hay không thân với mình. Ví dụ, chúng ta sắp đi ngủ thay vì để ý nghĩ vẩn vơ thì chúng ta dành một vài phút để tâm niệm rằng:
 "Nguyện cho con được an lạc, nguyện cho những người chung quanh được an lạc, nguyện cho những người không thân được an lạc, nguyện cho những người thù nghịch được an lạc, nguyện cho tất cả chúng sinh được an lạc". 

Hay khi thức dậy khi mở mắt ra thì cũng nên nghĩ đến: 
 -  "Sabbe satta avera hontu- nguyện cho tất cả chúng sanh đừng có oan kết".
-  "Sabbe satta sukhita hontu - nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc" 

 Nếu chúng ta đi ngủ, khi  chúng ta mở mắt ra chúng ta tâm niệm như vậy. Khi chúng ta mở cửa nhà hay chúng ta đóng cửa nhà "nguyện xin cho tất cả chúng sanh được an lạc", khi chúng ta mở cửa xe đóng cửa xe "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc"  thì lâu ngày từ bi ám thị đó làm cho chúng ta nuôi dưỡng được tâm lành là mong mỏi cho mọi người được an lạc cho pháp giới chúng sanh được an lạc đó là tâm từ. 

Có thể nói rằng khi đề cập đến phiền não  chúng ta chỉ diệt được phiền não khi nào chúng ta thành tựu thánh quả được. Nói như vậy không có nghĩa là trước khi thành tựu thánh quả chúng ta không có một phương pháp khả dĩ có thể giảm thiểu những phiền não, chúng ta có thể làm được việc đó bằng sự khéo léo của mình nhưng hơn hết và trên hết là chúng ta phải có ý thức rất lớn rất rõ về phiền não nội tại của mình.

- Chúng tôi xin chia sẻ một điều sau cùng, đó là Ý Thức Chánh Niệm, nó tự có khả năng hoán chuyển phiền não rất  hữu hiệu. Ý thức chánh niệm là gì ? Là nếu mình có tâm sân và mình đem tâm sân đó đặt nó phía trước làm đề mục đối tượng của chánh niệm thì ý thức đó, chánh niệm đó tự nó nó hoá giải được sân tâm của mình hơn là chúng ta vật lộn hơn là chúng ta ra lệnh cho mình đừng sân nữa. Chánh niệm là khả năng ghi nhận. Giả  xử như  nghe ai nói một chuyện gì làm một chuyện gì đó chúng ta nổi giận phừng phừng thay vì phản ứng liền chúng ta nên trở về phòng tìm một nơi yên tịnh ngồi trên một chiếc ghế như  chúng ta đang làm việc, tập hít vào thật sâu, thở ra thật chậm, và sau vài ba hơi thở như vậy, cố gắng ghi nhận rằng mình đang sân , chỉ ghi nhận như vậy  đừng có cãi vả với nó, đừng nói nó là tốt xấu, chỉ biết mình đang sân thôi và ngồi như vậy cho đến khi nào mình cảm thấy rằng tâm sân đó lắng dịu xuống một chút rồi hãy đứng dạy. Hay là chúng ta đang ngồi mà chúng ta sân thì chúng ta đứng dạy. Khi chúng ta đứng chúng ta sân chúng ta thay đổi oai nghi. Cách ghi nhận như vậy lâu ngày chúng ta sẽ thấy rằng chánh niệm có khả năng hoá giải tâm sân một cách rất hữu hiệu, hóa giải phiền não rất hữu hiệu nhưng nó đòi hỏi kinh nghiệm của chúng ta rất nhiều ./.

Monday, December 8, 2014

Khẩu nghiệp dễ phạm hơn thân nghiệp chăng?

Hỏi:. Khẩu nghiệp dễ phạm hơn thân nghiệp chăng? -

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 2-12-2014, Minh Hạnh chuyển biên

 TT Giác Đẳng: Chúng ta thường có thói quen  than phiền chuyện này bực bội chuyện kia và nhiều khi lời than phiền vô tình tạo thành chia rẽ. Mỗi chúng ta khi làm việc nên tự nhắc nhở chính mình rằng có thể vì sự bực bội nhất thời chúng ta nói lên một điều gì đó gây tổn hại cho một người lâu dài và sau đó chúng ta không cứu vãng được. 

Những người thường hay than phiền là những người thường hay có những ý phê bình dễ tạo ra ác nghiệp chia rẽ đối với người khác, chúng ta nên cẩn thận về chuyện này. Thật ra người xưa họ nói là "đa ngôn đa quá" nghĩa là "nói nhiều thì lỗi nhiều" không phải không có lý, đặc biệt khi chúng ta nhìn công việc. Đời sống của con người mình muốn tránh bớt chuyện tạo ác nghiệp thì chúng ta nên kiệm lời. Kiệm lời ở đây tức là bớt lời, bớt nói, bớt phát biểu về người khác đặc biệt là phê bình. Ngày nay chúng ta thường có những phê bình rất nặng lời và đôi khi những người quen phê bình người khác một cách nặng lời họ nghĩ rằng phê bình chỉ là phê bình thôi, mình bực mình thì mình nói đâu ăn thua gì nhưng điều đó về lâu về dài nó đào những hố xâu.

 Chúng tôi có một người quen, người này hay có những phê bình người khác và về sau này người này bị quả đó là mỗi lần người ta muốn trỉ trích một ai thì họ hay dùng lời nói của người này, nói người này đã từng nói thế này nói thế kia thì người khác họ tin liền ngay lập tức, lý do người khác họ tin liền ngay lập tức là bởi vì họ nghĩ người này hay phê bình hay nói xấu người khác. Đó cũng là cái quả rất nặng chứ không nhẹ là bởi vì mình đã quen phê bình người khác rồi do đó người ta dùng lời nói của người khác họ gáng ghép vào mình nói thì mình phải lãnh đủ, mình phải chịu, nhất là những người có khẩu nghiệp nói nặng nề. 

Và một  điểm chúng ta có thể nói liên hệ đến người hay nói bừa bãi là những người hay nói nhiều hay phê bình người khác thì họ thường không chính chắn trong sự suy tư của mình, tại mình nói rất dễ, chúng ta có thể thốt lên một lời một cách nhanh chóng về một người nào đó và đôi khi lời nói đó chỉ nói cho có nói thôi, chúng tôi lấy ví dụ là xấu thì cũng chưa chắc là mình tốt hơn người khác nhưng rồi khi mình phê bình người khác thì phê bình rất dễ dàng và do vậy Đức Phật đôi khi Ngài dạy chúng ta là nên học cách im lặng và chúng ta nên chủ động để ngăn ngừa những lời nói của mình. 

Tại sao ở trên thế giới thường có những lời qua tiếng lại, có những thị phi, có những mích lòng, phần lớn là do nhàm đàm, phần lớn là do những câu chuyện ngồi lê đôi mách, những rảnh rỗi người ta hay nói. 

Chúng tôi để ý thấy một điểm như vầy là những người thường hay nói này nói kia thì mình làm giảm thiểu đi công đức rất lớn, có thể người đó họ làm việc tốt nhưng tánh hay nói thành nói sai, cái nói sai đó làm tổn giảm đi cái gì mà mình đã làm. Do vậy chúng ta nên thấy được một điểm là lời nói thấy như vậy chứ ảnh hưởng lớn đến những người khác và ảnh hưởng lớn đến bản thân của chúng ta. Chúng ta nên dành thì giờ tập trung vào những công việc mình cần làm hơn là ngồi đó để phê phán người khác. 

Chúng tôi chưa bao giờ thấy một người đời sống của họ hay trỉ trích người khác mà bản thân của họ được an lạc mà thường là đời sống họ rất nóng nảy và họ có cái nhìn rất phiến diện. 

Trong kinh có đề cập đến người hay nói chuyện nhảm nhí, hay nói chuyện thiên hạ, hay nói chuyện tào lao, hay nói chuyện vô ích thì đời sau sanh ra người gầy còm thể chất yếu đuối, đó là điều chúng ta thấy ở trong kinh nói như vậy. Nên riêng đối với người Phật tử mình hiểu dầu thân nghiệp, dầu khẩu nghiệp, dầu ý nghiệp thì nghiệp nào cũng có hệ quả của nó. Nhưng thấy như vậy chứ thân nghiệp mình khó làm hơn khẩu nghiệp, khẩu nghiệp chúng ta rất dễ làm, mình nói lời làm cho người khác đau mình không để ý, mình nói lời để chia rẽ người khác cũng không để ý, mình nói lời làm hỏng người khác mình không để ý. 

Chúng tôi gặp một trường hợp, một người hứa làm một việc giúp cho Tam Bảo nhưng sau đó thì họ không làm nhưng không làm được thì thôi thì người này lại tìm cách biện bạch lý do tại sao họ không làm, từ cái cách biện bạch của họ, họ lôi một loạt  ra bao nhiêu cái xấu bao nhiêu sự trỉ trích người này,  người kia, trỉ trích đối với chùa, đối với trụ trì, đối với đủ thứ chuyện hết và chuyện đó tạo thành tình trạng tệ hại thêm là người khác họ lại nghĩ rằng người này đang phá chùa, chúng tôi biết người đó thật sự không ác ý phá chùa họ chỉ đơn giản là lẽ ra họ làm bây giờ họ không làm nhưng rồi khi họ không làm họ giải thích tại sao không làm và trong lời giải thích của họ kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Con người của chúng ta thường có vấn đề đó là chuyện đó không lớn nhưng mình làm thành lớn chuyện và cái lớn chuyện đó làm cho chúng ta kéo theo vào vũng lầy. Như chúng ta xem một số phim người họ lỡ làm lỗi gì đó rồi do cái lỗi đó họ tiếp tục lún sâu nữa. Nhưng  riêng về khẩu nghiệp thì chúng tôi thấy có điểm là nó làm tổn hại rất nhiều  công đức cái gì chúng ta làm. 

Do vậy, sự việc đơn giản trong đời sống hàng ngày là chúng ta nên học im lặng, im lặng là một điều rất thú vị, im lặng là nếu có một việc gì đó mình cảm thấy bất bình hay mình cảm thấy khó chịu hay mình muốn phê phán ai đó thì mình thử ngồi lại nhắc chính mình rằng mình hãy tu tập hạnh nhẫn nại. Nhẫn nại là thử xem mình có thể im lặng có thể gìn giữ sự im lặng và dùng tâm từ  lòng từ mình ở đến mức độ nào. Chúng ta nghĩ, thí dụ một người cha người mẹ có con làm lỗi mình không đem bêu xấu với hàng xóm tại vì sao vậy, tại vì nó là con của mình, tại vì mình có lòng từ với con mình. Với những chúng sanh làm những việc sai quấy và mình phải nghĩ thay vì mình làm cho chuyện đó tệ hại thêm, mình trỉ trích người đó, mình nói xấu người đó, hay mình phê phán người đó rất nghiệt ngã, thì mình hãy xử dụng tâm từ với người đó là mình mong cho người đó được an lạc và vì mình mong cho người đó được an lạc mình không muốn đào thêm hố xâu không muốn sát muối vào vết thương và không muốn làm cho tình trạng tệ hại thêm thì như vậy là cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại. 

Ở tại đây, câu chuyện của Tỳ Kheo Kokàliya không phải là một người xấu, ban đầu chúng ta thấy vị này  cũng đã thỉnh Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đến an cư kiết hạ thì vị này trong tư cách vị trụ trì cũng thỉnh đàng hoàng nhưng khi bắt đầu thấy Phật tử họ biết là có nhị vị Tôn Giả Thượng Thủ đệ tử Phật đang cư trú ở chùa thì họ lui tới cúng dường, vị này sanh tâm đố kỵ ganh ghét, từ chỗ đố kỵ ganh ghét đó vị này lại không muốn thỉnh các Ngài về, rồi Phật tử họ lại yêu cầu thỉnh về, khi các Ngài trở về thì vị này lại đến bạch với Đức Phật là những vị đó bị ác dục chi phối, vị đó bị thế này thế khác, Đức Phật Ngài  có khuyên. Qúi vị tưởng tượng rằng Đức Phật khuyên mà khuyên không được thì làm sao, con người mình khi mình có tâm sân hận có tâm đố kỵ người khác, ngồi trước mặt Đức Phật Ngài khuyên đừng nói như vậy đừng nghĩ như vậy không nên nói như vậy nhưng mà rồi cũng không can được, Đức Phật mà không can được thì chỉ có nước là đi vào địa ngục. Và đúng như vậy, Tỳ Kheo Kokàliya đã đi vào trong địa ngục.  Con người của chúng ta thường thường mình làm những chuyện sai trái do lý do chánh đáng thì ít mà do tật đố ganh tị do sân tâm do sự nông nổi thì nhiều và việc này dẫn con người đi đến càng ngày càng tệ hại thêm, từ chỗ bất đồng nhỏ người ta có thể quay lại chống phá và từ chỗ chống phá người ta rơi vào những nghiệp rất nặng. Do vậy chúng ta không nên xem thường khẩu nghiệp. Ở trong trường hợp này Đức Phật dạy rằng một người hủy báng một người thanh tịnh thì giống như mình tung bụi ngược gió chắc chắn bụi sẽ tắp vào người của mình những lời nói ác đối với những bậc chân chính thì dễ tạo ra quả xấu cho chính mình. 

Chúng tôi thấy có một điểm là xem ra có nhiều thân nghiệp khó làm khó thực hiện còn khẩu nghiệp dễ phạm rất dễ phạm mà không may cho chúng ta là đa phần chúng ta xem thường và do vậy chúng ta dễ phạm về điểm này ./.

Thursday, December 4, 2014

Cũng là một cái biết lại được gọi là liễu tri và tưởng tri, Như vậy hai tri này cái nào giúp ích cho sự giải thoát?

Hỏi: Cũng là một cái biết lại được gọi là liễu tri và tưởng tri, Như vậy hai tri này cái nào giúp ích cho sự giải thoát?

Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên ngày 4-12-2014

TT Giác Đẳng: Theo truyền thống, gọi là biết của chúng ta thường được phân loại làm ba, đó là cái biết của "tưởng tri", cái biết của "thức tri", và cái biết của "thắng tri". Chữ "thắng tri" ở đây là một từ khác của từ "liễu tri". 

Lát nữa chúng ta sẽ nói vì sao có danh từ "liễu tri" và "thắng tri". 

- Cái biết của "thức tri" là một cái biết bằng giác quan của chúng ta. Ví dụ cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cái biết này tương đối đơn thuần trực tiếp. Ví dụ như qua cái biết của con mắt thì chúng ta ghi nhận được hình ảnh màu sắc như vuông, tròn, dài, ngắn, xanh, vàng, trắng, đỏ v.v... và cái biết này thuần túy là cơ năng của đời sống tức cái biết của mắt, cái biết của tai, cái biết của mũi, của thân.

- Cái biết của "tưởng tri" thì đi xa hơn một chút, "tưởng tri" ở đây là kinh nghiệm cái gì chúng ta đã trải qua trong cuộc đời này. Và "tưởng tri" đó cho chúng ta một cái nhìn về cuộc sống khác biệt giữa người này và người khác. Lấy ví dụ như trong trường hợp chúng ta cũng nhìn một đóa hoa tường vi nhưng có một số người thấy đóa hoa tường vi nó đẹp nó có cảm xúc khác với những người khác nhìn thấy chỉ để mà nhìn thấy thôi. Sở dĩ có cái nhìn khác biệt giữa hai người cùng trong một đóa hoa như vậy mặc dù cùng màu sắc và cùng bối cảnh nhưng sự khác biệt đó là khác biệt của "tưởng tri". Tưởng là cái gì chúng ta đã trải qua, nó là kinh nghiệm, nó là sự hấp thụ, và nó là sự giáo dục mà "tưởng tri" đó nó cho chúng ta một vốn liếng của sự biết và từ đó chúng ta lượng định đánh giá hay chúng ta có một thái độ khác. Lấy ví dụ khác nữa là có một lần nào đó có một người mặc một chiếc áo màu vàng và người đó làm việc gì đó làm cho chúng ta rất hoan hỉ về sau chúng ta gặp một người mặc áo màu vàng tự nhiên trong tâm hồn có một cảm giác rất thân thiện, thì điều đó cũng là một hình thức "tưởng tri" nhưng căn bản "tưởng tri" tức là cái gì mình trải qua kể cả ý tính, kể cả sự giáo dục, kể cả kinh nghiệm.

- Sau cùng "thắng tri" là một cái biết nó ra sao thì nhận nó như vậy không thêm cũng không bớt và không để nó chi phối bởi thành kiến, định kiến, chủ kiến của mình. Như trường hợp Đức Phật Ngài dạy rằng đối với một kẻ vô văn phàm phu khi đối chiếu với thế giới này, thế giới này gồm có địa đại phong đại, hoả đại, thủy đại, thế giới này từ cõi thấp đến cõi cao từ Chư Thiên, Ma Vương, Phạm Thiên, Thắng Giả v.v... và khi kẻ phàm phu đối diện với điều đó thì lại liên tưởng đến một thái độ gọi là lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này. Khi lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này là cái nhìn của chúng ta về cuộc sống khi nghe một tin tức hay đi ngắm cảnh chúng ta đặt vấn đề rằng cái này là của ta, là ta, là tự ngã của ta, cái này là miền Nam, miền Trung, miền Bắc, cái này là người Đông Phương, người Tây Phương, cái này  thuộc về dân tộc của mình, cái này không thuộc về dân tộc của mình v.v... Cái đó gọi là lấy tự ngã đối chiếu với thế giới này. Nhưng với một người nhìn thế giới này nó ra sao nhận nó như vậy không để nó bị chi phối bởi những định kiến thành kiến như vậy mà người đó có thể đến rất gần với cái gọi là thực tính của các pháp thì điều này gọi là "thắng tri". "Thắng tri" tức là một cái biết mà cái biết đó hoàn toàn nó ra sao thì chúng ta nhận nó như vậy. Như một câu nói rất giản dị của Đức Phật dành cho Bahiya:

 "khi con thấy chỉ biết là thấy, khi nghe biết là nghe, cái biết đó nó phải được huân tập và nó phải có một tâm định cao để có thể liên tưởng, để có thể nghĩ đến, để có thể nhận ra đối tượng mà không có một thành kiến định kiến gì".

Chúng tôi xin nhắc một điểm là chữ "thắng tri" cũng có thể dùng ở đây tương tựa như chữ "liễu tri". Chữ "liễu tri" ở đây là nhìn thấy biết và biết một cách chân tướng xác thực. Ví dụ, chúng ta biết sự thật qua tướng của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. 

Và sở dĩ gọi là "liễu tri" bởi vì nhìn một cách thấu triệt. 

Sở dĩ gọi là "thắng tri" tại vì cái biết này cũng còn có khả năng đoạn diệt được phiền não nên chi cái biết này gọi là thắng tri hay gọi là liễu tri. 

"Tưởng tri" là cái bình thường ở trong đời sống của chúng ta, sự hấp thụ của chúng ta thuộc về quá khứ có khi tốt hay xấu. Nhưng riêng về cái gọi là "thắng tri" thì điều đó là một cánh cửa của sự giải thoát và đó là một điều  phải có trên cái đạo lộ dẫn đến giác ngộ ./.