Hỏi: Thế nào là hình ảnh của tình bạn lâu dài?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 10-9-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Nói về tình bạn, trước nhất chúng ta đọc kỹ bài kinh Singàlovàda hay Thi-Ca-La-Việt trong Trường Bộ Kinh, người gia chủ Singàlaka ra ngoài để lễ bái sáu phương, gặp Đức thế Tôn thì Đức Thế Tôn dạy đó là cách lễ bái các phương hướng trên dưới đông tây nam bắc là theo tín ngưỡng dân gian, và ở trong giới luật của bậc Thánh thì lễ bái sáu phương tượng trưng cho lòng cung kính quan tâm đối với 6 quan hệ trong đời sống như quan hệ giữa cha mẹ với con cái, giữa vợ với chồng, giữa bằng hữu v.v... Thì quan hệ bạn bè là một trong 6 phương một người cần tôn trọng.
Điều đó khẳng định quan hệ bạn bè không phải quan hệ có cũng được không có cũng được. Người ta nghĩ rằng những thứ quan hệ khác như con rể, vợ chồng, quan hệ cha mẹ con cái, ngay cả quan hệ của người chủ với người làm là quan trọng. Còn quan hệ bạn bè thì thiếu gì ở đâu mình lượm cũng được. Không hẳn như vậy. Bạn bè cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng ta. Do đó ở trong rất nhiều trường hợp trong kinh điển chúng ta thấy rằng hảo bạn hữu hay bạn tốt, thiện hữu, bạn lành là những điều được nói đi nói lại rất nhiều ở trong các bài kinh.
Ngày hôm nay, người ta bắt đầu dần dà nhận ra một điểm mà người Ấn Độ thời xa xưa họ cũng đã nhận thấy được đó là một số các quan hệ có tánh cách khuôn khổ truyền thống như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, thì lâu ngày dầy tháng nói lên được chất liệu của một thứ tình bạn. Ở đây không phải là xem thường nhưng chữ bạn ở đây là tình con người có sự thân thiện. Ở bên Mỹ họ nói rằng cha mẹ khó khăn với con cái quá thì nhiều khi tạo thành khoảng cách mà khoảng cách đó khó tạo sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Do đó cha mẹ là cha mẹ, con cái là con cái. Nhưng nếu xây dựng được một thứ thân thiện như tình bạn con cái có thể tâm sự với cha mẹ, cha mẹ có thể tâm sự với con cái thì như vậy sẽ hiểu nhau nhiều hơn.
Vợ chồng cũng vậy, người Trung Hoa có câu "vợ chồng tương kính như tân", sống với nhau bao nhiêu năm vẫn trọng nhau như khách không có lôi thôi, không có bừa bãi, không có xem thường. Nhưng trong nền như văn hóa Tây Phương nói rằng quan hệ bền chặt giữa vợ chồng có thể có chất liệu như một thứ tình bạn, ngoài tình yêu, ngoài bổn phận vợ chồng nó còn một thứ tình bạn. Và chữ tình bạn ở trong Đạo Phật cũng nhìn nhận một điều đó là một ở trong ý niệm cần nhất của tâm từ. Người Ấn Độ nói rằng ông cha cũng là người bạn, bà mẹ cũng là người bạn, vợ cũng là người bạn, chồng cũng là người bạn, thầy cũng là người bạn, trò cũng là người bạn. Dĩ nhiên theo cái nhìn Khổng Giáo đôi khi xem thầy như bạn là chuyện phạm thượng. Nhưng ở đây không nghĩa như vậy, ý muốn nói, cho dù có sự chênh lệch về tuổi tác về phương tiện nhưng để hộ trợ giúp đỡ thật sự cho nhau thì chúng ta phải đến chỗ gần gủi thân thiện cởi mở, hai bên có thể nói với nhau đề truyền đạt cho nhau. Người Việt Nam chúng ta có một câu nói nôm na: "Học thầy không tầy học bạn". Điều đó cũng một ý nghĩa man man như vậy. Đôi khi học với nhau trong không khí cở mở thoải mái thì người ta học được nhiều hơn.
Nhưng vấn đề không dừng ở tại đây. Đi đường dài biết một người bạn thật sự tốt hay thật sự xấu thì phải trải qua rất nhiều, đúng là bạn bè thì không thiếu gì nhưng bạn đúng nghĩa người bạn thì thật sự không phải dễ. Chúng ta cần ý thức về điều này và chúng ta cũng cần tỉnh táo, hơn nữa những người bạn có tánh cách nhất thời có tánh cách thù tạc xã giao thì rất nhiều, còn những người có thể sống chết vì mình thì không có dễ. Chúng tôi sống ở trong chùa chúng tôi hiểu ở trong hoàn cảnh chùa còn phát triển hưng thịnh thì những người Phật tử thường xuyên tới chùa nhiều, thậm chí kêu gọi một chút thì có nhiều người hưởng ứng, nhưng trong hoàn cảnh gọi là tối lửa tắt đèn thì những người Phật tử rường cột phải nói rằng không phải là tất cả mà chỉ một số, và điều đó là điều đáng tiếc.
Chúng tôi vẫn tin rằng những người bạn tốt là những người phải trải qua những gian khổ, trải qua những thách thức. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy một cái gọi là may mắn, bây giờ người ta gọi là hên xui, lớn lên trong cuộc đời có thể gọi là may mắn khi chúng ta có được những người bạn tốt đúng nghĩa là bạn tốt, nhiều năm sống trong chùa khi chúng tôi nhìn lại nếu gọi là có những may mắn lớn nhất chúng tôi có được thì chúng tôi có thể nói chính là ở điểm đã gặp được những người và những người đó đã cùng chia sẻ hành trình với chúng tôi trong một thời gian dài, họ là những người bạn chân thật, chúng tôi xem đó là những điều may mắn. Còn những người chợt đến chợt đi, những người chợt ẩn chợt hiện, những người vui thì đậu buồn thì bay thì những người đó rất nhiều.
Thì thưa qúi vị, cũng có những trường hợp mà trường hợp này rất phổ thông chúng tôi thường hay gặp trên đời này có những hạng người họ muốn vừa lòng tất cả, họ đến với mình họ nói làm sao cho mình nghe mình vui nhưng họ đến với những kẻ chống đối mình thì họ đóng vai làm sao những kẻ chống đối mình vui, chuyện đó chúng tôi biết và chúng tôi có chứng kiến nhiều về chuyện đó. Thật ra, thì người đó nói rằng "tôi ủng hộ anh, tôi đã từng nói với anh thế này nói thế kia", cái chuyện đó là một lẽ nhưng quan trọng là sau lưng mình họ có những lời nói để làm vừa lòng những người chống đối mình hay không và chuyện đó chúng ta thấy nhan nhãn nhiều lắm, đặc biệt là sự giao thiệp phức tạp của ngày hôm nay và chúng tôi để ý thấy rằng những người đó họ không tìm thấy tình bạn chân thật của cuộc sống.
Chúng ta đọc lại những giòng chữ trong bài kinh này chúng ta phải thấy rằng Đức Phật nói rất rõ:
Ai mở miệng tuyên bố:
Tôi là bạn của anh,
Sở hành vượt xấu hổ,
Lại khinh chán bạn mình,
Không chịu khó gắng làm,
Công việc có thể làm.
Cần biết người như vậy,
Không phải bạn của tôi
Thì câu này, đại khái có nhiều người rất dễ dàng vỗ ngực xưng "tôi là bạn tốt của anh, tôi là bạn tốt của bạn" nhưng khi họ xưng như vậy không hẳn họ là bạn tốt. Ở trong tình bạn có sự tôn trọng. Sự tôn trọng là nếu tôi thật sự qúi một người nào đó tôi không nói xấu sau lưng người đó. Nếu tôi thật sự qúi một người nào đó thì tôi sẽ tìm cách bảo vệ người đó. Giống như bây giờ mình thương một người nào đó mà ai đụng chạm đến người đó thì chúng ta tìm cách bảo vệ cho dù có mặt hay không có mặt người đó. Đó là tình bạn chân thật.
Ai đối với bạn hữu,
Chỉ làm với lời nói,
Lời nói đẹp, khả ái,
Nhưng chỉ lời nói suông,
Bậc trí biết người ấy,
Người chỉ nói, không làm
Người Việt Nam chúng ta hay nói rằng "chỉ được có cái miệng", làm bạn chỉ có cái miệng, nói thì nhiều người nói nhưng lúc cần người săn tay áo lên để làm không phải là dễ
Người luôn luôn chú ý,
Nghi ngờ sự thiếu sót,
Tìm kiếm các nhược điểm,
Người ấy không phải bạn
Nếu chúng ta gặp một người lúc nào cũng xăm soi cũng tìm khuyết điểm để chỉ trích đòi cái này đòi cái kia thì đó không phải là người bạn. Một người bạn chân thành là một người bạn chỉ cho mình những lỗi, chỉ cho mình những khuyết điểm nhưng không phải cố tình để soi mói để trách móc. Có những người hiểu lầm về điểm này, họ nghĩ rằng một tình bạn thân có nghĩa là mình phải nói về khuyết điểm người đó khi mình nói chuyện mình cứ lôi ra "oh, anh làm cái này sai anh làm cái kia sai" họ nghĩ như vậy là chuyện họ đang đóng vai trò người bạn tốt. Điều đó không phải . Người bạn tốt khi cần nói thì nói, khi cần yên lặng thì yên lặng, khi cần khuyến khích thì khuyến khích, khi cần chỉ trích thì chỉ trích, không phải lúc nào cũng tuôn ra bao nhiêu thứ phiền hà. Bây giờ có những người họ bị những bịnh gọi là bịnh tâm thần, lúc nào họ cũng muốn chuốc ra những phiền não trong lòng họ và khi họ nói chuyện thì bao giờ họ cũng chỉ trích người này chỉ trích người kia. Chúng tôi là vị tu sĩ ở chùa có nhiều lúc gặp Phật tử họ chỉ trích từ chuyện của giáo hội đến chuyện chùa chiền đến Phật tử việc này việc kia lúc nào cũng có chuyện để than phiền, thì những người lúc nào cũng than phiền như vậy họ không phải là người bạn tốt, một người bạn tốt là có đưa ra những nhận định là đi chùa có việc này cần phải cải thiện đề nghị làm việc này rồi thôi chứ không phải là đem cả hàng trăm hàng ngàn chuyện phiền phức ra nói hoài nói hoài để làm gì, những người đó họ chỉ nói là vì bịnh tinh thần của họ là muốn chỉ trích.
Chúng ta nên nhớ một điều là chỉ lỗi chỉ nhược điểm để xây dựng khác với thái độ luôn luôn càm ràm , luôn luôn cằn nhằn, luôn luôn gây ra những vấn đề khó khăn thì việc này chúng ta phải cẩn thận
Với ai có thể nắm,
Như con nằm trên ngực,
Người ấy mới thật bạn,
Không bị ai chia ly.
Ở đây muốn nói sự thân thiết như một người mẹ để đứa con ở trên ngực mình vậy, có thể tìm thấy không gian rất gần gủi tìm thấy sự tương tác rất thoải mái tìm thấy sự quan tâm đầy đủ thì người đó mới thật sự là bạn.
Ai mong lợi ích quả,
Tu tập các sự kiện,
Ðem lại sự hân hoan,
Tu tập sự an lạc,
Ðem lại thưởng, tán thán,
Gánh trách nhiệm làm người.
Đoạn này nói là ở trong tình bạn chân thật cho dù lời khen hay lời chê thì đều có cùng biết rõ rằng mang lại lợi ích cho bạn của mình vì chúng ta khen có trách nhiệm và phê phán có trách nhiệm. Chuyện phê phán có trách nhiệm hay ca ngợi có trách nhiệm có nghĩa là mình ca ngợi không phải để vuốt đuôi, ca ngợi không phải chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi mà chúng ta ca ngợi để khuyến khích để sách tấn bạn bè và chúng ta nói có trách nhiệm chứ không phải chúng ta chỉ là người nói để làm vui lòng để hài lòng bạn và hầu như ở trong tình bạn chuyện nghĩ đến lợi ích cho nhau rất quan trọng. Nghĩ đến lợi ích cho nhau nghĩa là mình thấy người bạn của mình đang say men chiến thắng thay vì mình ru ngủ người bạn mình thêm thì cũng có những lời nhắc nhở người bạn mình chứ không phải là mình thấy người ta làm tốt mình khen mà mình quên đi rằng những lời khen của mình có thể làm cho người kia mất đi sự cảnh giác cái đó gọi là chúng ta nghĩ đến lợi ích
Uống xong vị viễn ly,
Uống xong vị an tịnh,
Không sợ hãi, không ác,
Hưởng vị ngọt, pháp hỷ
Câu này hướng dẫn sự tu tập quan trọng đó là người bạn gọi là thật sự hảo bạn hữu, một người bạn thiện trên con đường tu tập phải là vị có khả năng chia sớt việc viễn ly, chia sớt việc an tịnh, sống với sự vô úy, với sự không có sợ hãi, sống không bất an. Ở đây ý muốn nói một điều là trong tình bạn gọi là một người tu tập nên có đó là người bạn đó có thể chia sẻ được những giá trị của giác ngộ giải thoát, vị ngọt của chánh pháp và chúng ta có thể mang lại cho nhau chất liệu thật sự của thế nào là Phật Pháp. Thí dụ như chúng ta thương mến một người nào đó chỉ để ăn chơi, mến một người nào đó chỉ để nói cho đỡ buồn, nếu chúng ta thương mến một người nào đó chúng ta chỉ có tánh cách xã giao làm ăn thì không phải là một người bạn thật sự. Người bạn đúng nghĩa một thiện hữu là người đó có thể giúp cho nhau tiến hoá trên đường tu tập tăng trưởng được thiện pháp xa liền ác pháp hưởng được hương vị của pháp thiền.
Thưa qúi vị, như trường hợp chúng tôi phải nói rằng làm việc ở trong palalk một trong những hạnh phúc của chúng tôi đó là sau bao nhiêu năm làm việc ở đây thì có được một số Chư Tăng các vị giảng sư những vị cùng chia sẻ với nhau việc tìm hiểu Phật Pháp. Những thì giờ chia sẻ giáo pháp chia sẻ pháp lạc đối với chúng tôi việc đó quan trọng hơn những chuyện khác. Chúng tôi rất sợ trong cuộc sống người ta chỉ quen với nhau bằng quan hệ thù tạc của cuộc đời, cái thù tạc đó nó nhiều lắm nhưng làm việc với nhau lâu cùng chia sẻ với nhau nhưng thuần về Phật Pháp thì chúng tôi nghĩ điều đó là điều đẹp điều đó là điều có giá trị hơn hết. Chúng tôi có quen vị thiền sư, vị này luôn luôn có nhiều buồn phiền trong đời sống, dễ hiểu, là vị này thích Phật Pháp và rất giỏi Phật Pháp nhưng lại không xây dựng được những người bạn chia sẻ về Phật Pháp. Và khi vị này đi vào quan hệ giao tiếp thì quan hệ giao tiếp có tánh cách làm vừa lòng đáp ứng thị hiếu nhiều hơn là một quan hệ Phật Pháp và vì vậy vị này không có niềm hoan hỉ bền chặt. Ở trong một ngôi chùa ở trong một đạo tràng quan hệ lâu bền chặc nhất không phải là ai cho ai điều gì trên phương diện tiền bạc, không phải ai giúp ai điều gì trên phương diện vật chất mà chính là chúng ta có thật sự chung niềm vui của Pháp hỉ, có thật sự giúp cho nhau để đào sâu vào lời dạy của Đức Phật, có thật sự chia sẻ giá trị hoằng pháp lợi sinh hay không, nếu chúng ta làm được chuyện đó thì chúng ta mới có thể duy trì được lâu dài. Chúng tôi không tin những quan hệ khác, những quan hệ khác thì có tánh cách nhất thời nhưng chính hiểu nhau trọng nhau là vì chúng ta chia sẻ chung những giá trị, những giá trị ở đây là vị của viễn ly vị của sự an tịnh tinh thần vô úy tinh thần xa lià bằng thiện pháp cái vui trong Phật Pháp thì cái đó mới cho chúng ta lâu dài được.
Chúng ta trở lại điều này là trong cuộc sống quan hệ bạn bè là một quan hệ cực kỳ phức tạp, cho chúng ta rất nhiều và lấy đi cũng rất nhiều, khiến cho chúng ta vui cũng nhiều và khiến cho chúng ta phiền não không ít. Và nếu chúng ta hiểu được giá trị của tình bạn chân thật như trong bài kinh này thì chúng ta sẽ đặt lại toàn bộ giá trị của: thế nào là một người bạn tốt thế nào là những điều chúng ta có thể chia được, thế nào là hình ảnh của một tình bạn lâu dài, cái gì lâu dài cái đó mới thật sự có giá trị ./.