Friday, November 22, 2013

Giới là kiêng cử, nhưng làm thế nào để kiêng cử và kiêng cử cái gì và kiêng cử thế nào không có hại cho mình?

Hỏi: Giới là kiêng cử, nhưng làm thế nào để kiêng cử và kiêng cử cái gì và kiêng cử thế nào không có hại cho mình?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Giới có thể gọi là kiêng cử, nhưng làm thế nào để kiêng cử và kiêng cử cái gì và kiêng cử thế nào không có hại cho mình? Thì đó là một câu chuyện dài chứ không phải là câu chuyện đơn giản. 

Có những người kiêng cử do sự sợ hãi mà ra, ví dụ như họ kiêng không ăn thịt vịt vì lý do hồi nhỏ họ thấy con vịt thế này thế kia, hay họ kiêng không ăn xoài tại vì thế này thế khác, nhưng sự kiêng cử đó không đúng với nghĩa kiêng ăn theo cách lành mạnh. Và khi nói kiêng mà do sợ thì khác, giả xử chúng tôi nhớ hồi nhỏ có một vị kể lại là; hồi nhỏ leo lên cây ăn cắp xoài rồi bị người ta bắt xuống đánh một trận bây giờ thấy xoài tự nhiên không còn muốn ăn nữa tại vì nhớ lại trận đòn cũ, thì có kiêng cử không ăn trái mít, trái mận, trái ổi cũng tương tựa trái xoài tại vì ám ảnh quá khứ.

Kiêng cử là phương pháp tự chế nhưng phải có nghệ thuật và phải có nhận định sáng suốt. 

Riêng trong phần giới này Đức Phật Ngài đưa ra hai loại giới khác nhau: 

-Một loại giới là những giới chúng ta thọ trì như là Ngũ giới, Bát quan trai giới, hay Thập nhi sadi giới, Tỳ kheo giới v.v... 
-Và loại giới thứ hai ở đây Ngài Buddhaghosa đã cho chúng ta một cống hiến rất đặc biệt vừa là pháp thọ đầu đà, đây là một pháp mang tánh cách tự chế nhưng nó chuyên về một số nhu yếu tiện nghi của đời sống; ví dụ như mặc một bộ tam y, ăn một ngày một bữa, hay sống dưới cội cây, hoặc giả là hạnh đầu đà không nằm v.v...

Và pháp thọ đầu đà này có thể nói rằng là một nghệ thuật để chiết giảm về những nhu yếu mà chúng ta đòi hỏi quá nhiều, chúng ta chỉ cho nó ở mức độ vừa phải thì không có gì ngạc nhiên khi thấy trong phần Giới và Định, Ngài Buddhaghosa đặc biệt dành riêng một chương lớn của phần thọ trì hạnh đầu đà vào trong phần này, chúng tôi cam đoan với qúi vị rằng không có một tác phẩm nào khác trong kho tàng kinh điển của đạo Phật mà nói về pháp thọ đầu đà chi tiết như trong bộ Thanh Tịnh Đạo.

Và cũng riêng về giới Ngài Buddhaghosa đã làm trình bày rất chi tiết, Ngài cho chúng ta biết rằng: Thứ nhất sự kiêng cử phải dựa lên trên nhiều yếu tố thì mới gọi là giới đúng nghĩa là giới tịnh, hay nói cách khác chữ giới đó có khả năng thanh tịnh hoá thân tâm, đó mới thiệt theo lời dạy của Đức Phật. Có người kiêng cử vô số điều mà phần lớn những điều đó rơi vào giới cấm thủ và ngay cả người có trì giới như Ngũ giới, Bát quan trai giới, Sadi giới, Tỳ kheo giới, nhưng vì không biết và không hiểu được tinh thần của nó thì vẫn thiếu đi nghệ thuật mà giới có thể bị hỏng, bị soi thủng hay bị hoại bị đứt, có nhiều cách khác nhau bởi vì người ta không biết rõ về giới.

Cũng nên nói thêm rằng bản thân của Ngài Buddhaghosa Ngài là vị đã viết ra một tác phẩm sớ giải tạng Luật trứ danh Samantapasadika gọi là Luật Đại Thiện Kiến, có dịp chúng ta nói thêm về tác phẩm này. Khi Ngài viết về giới tịnh này Ngài đưa ra không phải là những giáo điều mang tánh cách răn đe, mà ở trong đó chúng ta tìm thấy một sự phân tả có phương pháp và có nghệ thuật. 

Thật ra là phàm nhân chúng ta không có đủ trí giác với sự kiêng cử của chúng ta, hoặc giả không đúng chỗ hay không được toàn quyền. Chúng tôi lấy ví dụ là tại Hoa Kỳ khi người ta cử sát sanh thì có những con vật người ta cấm không được giết nhưng có những con vật thì họ cho phép giết, một vài nơi tiểu bang của Hoa kỳ đá gà là phạm pháp nhưng người ta đánh boxing chết người cũng không phạm pháp, có những nơi ở tại Hoa Kỳ giết chó là việc bị xã hội lên án nhưng giết những con vật khác người ta không lên án, hội bảo vệ xúc vật họ chỉ bảo vệ những con vật nào gần đến chỗ tuyệt chủng, còn với con vật nào họ cảm thấy dư thừa họ không cấm. Chúng tôi nhớ rằng có những năm loài nai ở bên Texas sanh xôi quá nhiều thì người ta khuyết khích săn và có nhiều cách khuyến khích săn, khi săn một thời gian rồi họ thấy con số nai thấp xuống thì người ta cấm. Thành ra ở trong xã hội Tây Phương thỉnh thoảng chúng ta thấy có những điều rất lịch sự nghĩa là đối với loài vật họ rất là nhân đạo bằng cách này hay cách khác. Nhưng nếu chúng ta ngẫm lại cho kỹ thì những điều đó không toàn hảo, có những con vật họ bảo vệ, có những con vật họ không bảo vệ, họ không sát sanh đối với con vật này nhưng họ sát sanh đối với con vật khác thì nó không mang tính toàn diện và nó cũng không thành tựu được giới.

Ở trong một vài quốc gia hay quốc độ mà ngay cả người Phật tử đầu năm đầu tháng chúng ta có rất nhiều điều kiêng cử, như là cử quét nhà, hay cử đi đến nhà người khác để xông đất nếu mình không biết rõ tuổi của mình hay hoặc giả người khác đến nhà mình mà người đó đầu năm ra ngõ mà gặp người nữ chẳng hạn, thì có nhiều khi chúng ta xem đó là cử kiêng, ít nhiều phong tục cử kiêng đó trở thành một phần tự nhiên của người Phật tử mà chúng ta quên đi đó là tín ngưỡng nhân gian. Và một điểm rất tai hại là chúng ta không biết là có rất nhiều điều mà người của chúng ta cử theo phong tục được gọi là giới cấm thủ,.

Giới cấm thủ là những điều mà chúng ta chấp kỷ nhưng nó không mang yếu tính của đạo Phật, nó không mang yếu tính của Phật Pháp được giảng giải.

Bây giờ thì chúng ta cử là cử cái gì? cái đó mới là quan trọng, và cử bằng cách nào? ví dụ như bây giờ người ta nói cử sát sanh. Thưa qúi vị đây là một sự việc thường xảy ra trong cộng đồng Phật tử Việt Nam mà chúng tôi nói là ảnh hưởng Phật giáo Bắc Truyền, đối với những người Phật tử theo Phật giáo Bắc Truyền thì chỉ có hai điều, một là ăn chay và nếu không ăn chay thì đồng nghĩa với sát sanh thật ra điều này đối với kinh điển Pali không đúng như vậy, trong kinh điển Pali không dạy rằng người Phật tử phải ăn chay, nhưng với một người không ăn chay không đồng nghĩa với sát sanh, là vì chúng tôi biết rất nhiều người Phật tử ngày không ăn chay họ nghĩ việc sát sanh là chuyện tự nhiên vì mình không ăn chay - không phải như vậy - Và rất ít qúi Thầy bên Bắc Tông không hướng dẫn qúi Phật tử về cách ăn tam tịnh nhục tức là ăn những gì không thấy không nghe không nghi và con vật đã giết đã chết rồi thì ăn, bởi vì ngay cả một vài ngôi chùa mà chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ gọi là chùa Lục Hoà Tăng ở miền Nam, có nhiều khi một tháng người ta ăn chay mấy ngày nhưng ngoài những ngày ăn chay đó thì người ta vẫn có thể bắt cá hay có thể sát sanh được.

Chính thực ra gọi là giới sát sanh ở trong đạo Phật bao gồm 5 chi phần:
1. Một là con vật có thức tánh, con vật có thức tánh là con vật sống có thức tánh.
2. Thứ hai là biết con vật có thức tánh mà có ý giết. 
3.Thứ ba là cố ý giết. 
4 Thứ tư là ráng sức giết. 
5. Thứ năm là con vật đã chết vì sự ráng sức đó. 

Cả năm điều đó chúng ta mới gọi là sát sanh. Chứ không phải là qúi vị đi chợ rồi qúi vị mua một miếng cá hay con cá chết rồi qúi vị ăn mà gọi là sát sanh, hay đôi giày qúi vị mang đôi giày bằng da qúi vị mua về là sát sanh, hoặc giả là chiếc áo mà qúi vị may bằng tơ lụa người ta giết con tầm cái kén để làm thành áo và mình mua về mặc gọi là sát sanh.

Nhưng có những trường hợp có những người đi tìm những con vật, chúng tôi đưa thí dụ như ở Mỹ có những người Phật tử họ ăn những thực phẩm có sẵn đông lạnh hay những thực vật đã chết rồi bán trong siêu thị thì họ không chịu, họ muốn ăn thực phẩm tươi, họ vào những nông trại mua gà sống, họ mua con bò sống rồi làm thịt tại lò sát sanh v.v... thì điều đó có khi họ không giết nhưng họ dạy người khác giết, họ khiến cho người khác giết thì như vậy họ phạm tội sát sanh.

Thành ra rất tiếc rằng giới sát sanh cũng có nhiều Phật tử gìn giữ mang tánh cách là giới cấm thủ, người ta không hiểu rõ cái ý nghĩa là mình giữ bằng cách nào thích hợp, và chúng tôi nghĩ rằng một lúc nào đó thì người ta nên hiểu rõ về tam tịnh nhục, bởi vì chúng tôi quen biết nhiều, ngay cả qúi Thầy bên Bắc Tông cũng vậy đôi khi qúi Thầy không dạy về tam tịnh nhục do đó Phật tử chỉ nghĩ rằng một là ăn chay hai là không ăn chay thì sát sanh, nhưng không hẳn như vậy cả hai điều đó ở trong kinh điển Pali không có nhấn mạnh, không đề cập đến. Nhưng cử nghiệp sát sanh bằng 5 chi phần chúng tôi vừa đề cập đến thì qúi vị thấy rằng đó là những điểm mà chúng ta không thể không biết đến.

Bây giờ là Phật tử mình kiêng cử đúng chỗ và kiêng cử điều đúng cách đó là một lẽ, còn thái độ kiêng cử lại là một lẽ nữa. Ví dụ như cũng giữ Bát Quan Trai Giới, nhưng thưa qúi vị có nhiều khi người ta giữ rồi người ta giống trả nợ, có nhiều khi giữ giới như người chăn bò, nghĩa là giữ là có giữ ngày hôm đó người ta thọ trì thì mình cũng thọ trì mình mong cho hết ngày rồi thôi, người ta không có cách để giữ giới như thế nào để lợi cho cuộc sống của mình, sự kiêng cử đó làm gia tăng nghị lực. Thật ra từ trong quá khứ xa xưa thì Phật Pháp đã dạy một điều là sự kiêng cử là một bí quyết như trong nghệ thuật dưỡng sinh.

Có rất nhiều lần chúng tôi nghe những nhà dưỡng sinh nói chuyện là trị bịnh có hai cách: Một là người ta uống thuốc hai là người ta kiêng cử. Có nhiều thứ người ta kiêng cử sẽ lợi hơn là thuốc rất nhiều, thậm chí lấy ví dụ là quí vị bị mất appetite tức là không thèm ăn nữa, tự nhiên quí vị ăn không ngon, bởi vì ăn nhiều quá thì cũng không ngon, nhưng nếu qúi vị kiêng cử thì qúi vị ăn sẽ thấy ngon hơn nhiều. Rồi có những kiêng cử làm cho đời sống chúng ta có ý nghĩa hơn một con người mà không có chừng mực cái gì họ cũng muốn có, gọi là có quá độ, kể cả sắc dục, kể cả chuyện ăn uống, kể cả chuyện hưởng thụ đời sống, mà cái gì cũng cho mình ở mức gọi là tột đỉnh mình muốn thì lâu ngày con người trở lên hóa nhàm, và sẽ rơi vào trong trường hợp là họ không tìm thấy ý nghĩa nữa. Nhưng nhờ vào sự chừng mực, sự chừng mực ở đây cũng là hình thức kiêng cử, nhưng chừng mực này cho phép người ta ăn ngon hơn, người ta sống có thú vị hơn, và họ cảm thấy vừa phải hơn là đời sống buông thả. Thật ra thái độ kiêng cử đó là một nghệ thuật và Đức Phật Ngài cũng dạy rằng có nhiều người họ kiêng cử giống như người chăn bò tức là bổn phận mình làm việc cho chủ thì buổi sáng mình lùa bò ra đồng, rồi buổi chiều lại lùa trở về, mình không có thái độ tích cực, và không biết được sự lợi ích của sự tích cực thì cũng là sự thiệt thòi cho chính mình.

Nói chung là giới không phải là một điều đáng sợ hay đáng ngán hay chúng ta không nên biết tới, mà chúng ta nên biết tại vì đó là một nghệ thuật cho dù qúi vị không nghĩ đến thọ trì Tỳ kheo giới hay sadi giới của đời sống xuất gia. Chúng tôi nhớ hồi hồi nhỏ mới vào chùa những ngày thọ Bát Quan Trai Giới là những ngày rất hoan hỷ, tại vì chúng tôi có nhiều may mắn là khi vào chùa thì những ngày này được những Thầy Tổ hướng dẫn thì tới ngày thọ Bát-Quan-Trai-Giới thì vui lắm, trong lòng rất sung sướng.

Nói chung là những người giữ giới hoan hỷ trong việc giữ giới và tìm thấy nghị lực ở trong giới, tìm thấy sự tăng tiến ở trong giới tại vì họ giữ giới đúng cách. Có những người họ giữ giới một cách bình thản vô thưởng vô phạt là tại vì họ không thấy ý nghĩa của giới. Và có những người họ rất sợ giới là bởi vì họ nghĩ rằng điều đó khó khăn với họ. Trên thực tế thì một trong những bước đầu mà chúng ta có khả năng để chống cự lại với thói quen của mình thì sự kiêng cử hay giữ giới, sự kiêng cử ở đây là mình tìm một phương cách để ghép mình vào một cái học giới, học giới tức là những giới luật do Đức Phật đặt ra để tạo cho mình một nghị lực. Cái này mình có thể làm được và cái này là cái mình không nên làm, và nếu mình không nên làm thì làm cách nào để mình không nên làm. Đức Phật cho chúng ta cả một kho tàng, Ngài dạy rất ly chi, rất tiềm tận, rất đầy đủ, và qúi vị tìm được trong Thanh Tịnh Đạo này, đọc lại những điều đó chúng ta sẽ tìm thấy ở đó cả muôn ngàn lời vàng ý ngọc mà mình có thể noi theo được.

Thì như vậy thưa qúi vị trong pháp thọ đầu đà gồm có 13 pháp và như tuần tới chùa Pháp Luân có lễ thọ Đầu Đà rằm tháng Giêng là một đêm không nằm. Có nhiều pháp thọ đầu đà và chúng ta nói đến 13 pháp thọ đầu đà và những pháp này một người bình thường không biết thì nghĩ rằng đó là sự kiêng cử thôi nhưng ở trên thực tế nó là một cách để mặt đối mặt với phiền não. Ví dụ như là hành giả thọ trì Hạnh Đầu Đà là một khi tay rời khỏi bát đứng dậy thì không ăn nữa, một ngày ăn một bữa duy nhất mà thôi, ngồi xuống ăn và khi đã đứng dậy thì thôi, thì như vậy lâu ngày làm giảm thói quen là ham ăn. Hay hoặc giả làm giảm thói quen mê ngủ bằng cách là nếu thường mình mê ngủ thì mình không nằm chỉ đi đứng và ngồi, và ngủ ngồi cũng giảm đi sự phiền não đối với cái ngủ.

Hành giả cũng tiết giảm những nhu yếu khác của đời sống, về chỗ ở, y phục, thực phẩm và sự ăn ngủ, thì sự tiết giảm này làm cho hành giả gia tăng nghị lực. Thầy tế độ mà cho chúng tôi xuất gia Tỳ Kheo là Ngài Tangpulu Sayadaw, Ngài là một vị hành đầu đà hơn 40 mươi năm về hạnh đầu đà, và Ngài vẫn tiếp tục hành trì hạnh đầu đà không nằm tức là Ngài chỉ ngồi thôi. Thì thưa quí vị Ngài nói rằng thời gian đầu cũng vất vả lắm nhưng mà một khi đã quen rồi thì Ngài thấy nghị lực nó phấn đấu vô cùng mạnh mẽ. Chúng tôi có nhớ rằng có những người Phật tử mới sang bên Mỹ làm việc cảm thấy rất cực, bởi vì ở bên Mỹ có khi phải thức khuya dậy sớm để đi làm, và khi làm việc thì cả 8 tiếng đồng hồ mà phải nói rằng khi làm việc ở bên Mỹ thì rất xứng đáng đồng tiền, người ta trả lương mình cao nhưng mình làm việc phải rất nhiều và thời gian đầu thấy cực quá, có nhiều người khóc thưa qúi vị, khóc là bởi vì không chịu nổi, ở Việt Nam không ai làm việc cực như vậy, đi thì đi 8 tiếng, đứng cũng đứng 8 tiếng, ngồi cũng ngồi 8 tiếng, và có thể nói rằng ai ở Mỹ cũng thế, nhưng một người đã sống bên Mỹ mà đi làm việc nhiều thì trở thành thói quen, một khi buông ra không làm việc nữa thì họ cảm thấy rằng rất phí thì giờ, như bản thân của chúng tôi đôi khi chúng tôi về bên Á Châu thấy những thanh niên la cà ở hàng quán vào những ngày làm việc đáng lẽ những giờ đó họ phải đi làm việc hay đi học bây giờ họ nhậu nhẹt hay ngồi ở quán cafe lúc 2, 3 giờ trưa thì cảm thấy là lạ, tại vì do thói quen, thì yếu tính của giới là như vậy.

Ngài Ajahn Chah đưa ra mỗi một thí dụ là nếu con chó hàng xóm chạy qua nhà mình, mình cho nó ăn thì nó trở lại nữa, tại vì sao, tại vì nó qua có đồ ăn thì nó trở lại, nhưng một khi nó qua mà mình xua đuổi không cho nó ăn thì nó không trở lại. Thì Ngài nói rằng trong người chúng ta có những phiền não có những thói tật mà các vị A Tỳ Đàm thường gọi là thường thân y duyên, ở bên ngoài chúng ta gọi là cái tật hay là thói quen, những thói quen này nó trạng đi trạng lại bởi vì nó thích như vậy nó muốn như vậy, thật ra nó là thói quen, nó không có gì thiêng liêng không có gì là vĩ đại, không có gì cần thiết phải chiều theo thói quen của nó. Ví dụ như qúi vị Phật tử có chừng đó quần áo đầy đủ rồi nhưng cứ muốn đi mua hoài, tại sao chúng ta muốn đi mua hoài, không phải vì chúng ta không có đồ đẹp mặc, không phải chúng ta không có đồ tốt mặc, mà tại vì cái tật muốn mua thôi, tật muốn mua thì có rồi vẫn muốn mua, thì nhớ câu chuyện Ngài Ajahn Chah nói rằng nếu con chó nó đến nhà mình mà mình cứ quăng đồ cho nó ăn thì nó sẽ đến mà đến nhiều lần, nhưng nếu mình không cho nó ăn thì nó sẽ đi không trở lại. Thì ở đây thưa qúi Phật tử trong cách giữ giới là một cách mà chúng ta sống ngược lại với một số thói quen cố hữu của mình, con người của chúng ta nhiều khi niệm cái quan niệm hay là những việc mình làm mình nghĩ đó là một thái độ cương quyết, đó là tánh của mình. Nhưng thật ra tất cả đều do thói quen. Qúi vị đừng ngạc nhiên thấy khi giảng A Tỳ Đàm chúng ta thường nghe nhiều về chữ thường thân y duyên là cái mà mình thích cái mà mình không thích cái mà mình tha thiết, cái mà mình đam mê tất cả đều là thói quen.

Một người mà thói quen ưa cái gì thói quen chuộng cái gì mà chỉ sống theo cái đó, sống buông thả theo thị dục của mình thì thật ra người đó nghị lực rất yếu, có nhiều khi chúng ta phải làm cái gì đó để chúng ta thấy rằng mình có thách đố với thói quen của mình. Ngài Ajahn Chah trong một pháp thoại của Ngài, Ngài nói rằng Ngài luôn luôn sống với một tôn chỉ ví dụ như Ngài từ Ubon Ratchathani mà Ngài muốn lên Bangkok, lúc Ngài muốn đi thì Ngài nói với Ngài là không, và những lúc Ngài không muốn đi thì Ngài ra lệnh cho Ngài phải đi. Lâu lâu mình làm ngược lại với chính mình coi làm sao. Tại vì Ngài nói rằng mình có thói quen mình chiều nó quá, từ trong vô thủy mình đã chiều nó rồi bây giờ mình làm cái gì đó mà mình không chiều nó nữa. Chúng tôi nhớ thỉnh gặp một vài Phật tử có con không chiều nó thì nó đòi nó khóc đủ thứ hết, có ngày nào bực qúa la thì rất là khó la, nhưng lúc nào nó khóc thì kệ nó, làm gì thì kệ nó, không đụng chạm đến nó, thì thưa qúi vị từ từ nó sẽ quen đi, không đòi nữa, là bởi vì nó đòi không được thì nó không đòi nữa. Thì nói chung là giữ giới là một sự kiêng cử đúng chỗ, kiêng cử điều đáng kiêng cử, điều đáng kiêng cử tức là kiêng cử những học giới mà Đức Phật ban hành, và đa phần chúng ta thường kiêng cử cái gọi là giới cấm thủ. Và ngay cả điều mà Đức Phật ban hành đi nữa thì chúng ta cũng phải biết rõ giới sát sanh bao nhiêu chi, trộm cắp bao nhiêu chi, biết kiêng cử có phương pháp, và chẳng những kiêng cử có phương pháp mà bằng thái độ tích cực, và chẳng những thái độ tích cực mà còn là một nghệ thuật làm thế nào để gia tăng nghị lực của mình.

Trong bài giảng tuần tới chúng tôi sẽ đề cập đến chi tiết mà Ngài Buddhaghosa đi rất sâu vào chi tiết và chúng tôi cam đoan với qúi vị rằng không có một tác phẩm nào khác trong kho tàng kinh điển của Đạo Phật mà mô tả về sự giữ giới được xem như là kỹ lưỡng hơn trong Thanh Tịnh Đạo này. Ngài nói thế nào là giới lủng, giới bể, giới bất tịnh v.v... những điều đó rất quan trọng và chúng ta có dịp đọc thì chúng ta sẽ cảm kích sự suy tập của Ngài, và có thể nói rằng đó là lý do tại sao Thanh Tịnh Đạo là một tác phẩm để đời là một tác phẩm gối đầu giường, là một cẩm nang của người học Phật.

Nói tóm lại là bước đầu ở trong 7 bước dẫn đến giác ngộ giải thoát gọi là Giới Tịnh. Giới tịnh ở đây hiểu là sự kiêng cử, tự chế không làm một điều gì đó, và sự kiêng cử này dựa trên học giới mà Đức Phật ban hành, như phần dạy không sát sanh, không trộm cắp v.v... và tùy theo giới như Ngũ giới, Bát Quan Trai Giới, Sadi Giới, Tỳ Kheo giới thì có một phương cách áp dụng khác nhau và ở đây Ngài cũng nói đến hạnh đầu đà trong phần giới, tại vì đầu đà cũng là một sự kiêng cử, một sự kiêng cử tức là bào mòn phiền não, làm giảm thiểu phiền não, chống lại với thói quen, chống lại với thói tật của mình, nói tóm lại là một nghệ thuật rất lợi lạc để chúng ta nghiệm thấy trong đời sống.

Thưa qúi vị đời sống buông thả có niềm hạnh phúc của nó, nhưng niềm hạnh phúc đó đối với Đức Phật không hạnh phúc bằng một người kềm chế tự chủ có nghị lực, bởi vì sao vậy, nếu chúng ta không tự chủ trong đời sống của mình và bị phiền não sai xử đâu mình làm điều đó, thì một lúc nào đó mình thấy rằng số phận của mình rất ưa là thảm thương. Hãy thử nghĩ như vầy ở trong một gia đình mà người chủ gia đình là một người sáng suốt tài ba mà người đó không làm chủ được gia đình, mà để cho một kẻ hoang đàng lêu lỏng làm chủ gia đình thì hoạ nó đến và điều đó là điều rất bất hạnh cho gia đình đó, cho cá nhân đó./.


No comments:

Post a Comment