Saturday, November 23, 2013

Tâm giải thoát là như thế nào?

Hỏi: Tâm giải thoát là như thế nào?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đã có bao nhiêu lần chúng ta phải đối diện với những trường hợp cá nhân này và cá nhân khác có những đụng chạm xích mích mất lòng nhau dẫn đến bao nhiêu là tranh tụng, bao nhiêu là phiền toái, người này đúng kẻ kia sai, người này phải kẻ kia quấy, v.v... chúng ta có bao nhiêu lý do rồi dẫn đến tỵ hiềm tranh chấp. 

Điều căn bản là, trong đời sống nội tại của mình phải không có chuyện đối đãi thị phi nhân ngã, và đời sống đó  không còn có một cái gì vui hay không vui với chuyện hơn thua. Đối với đất người ta ném lên nó vật dơ hay vật sạch thì nó cũng không buồn. Cái vui cái buồn không có khi mình bị người khác đối xử mình như vậy, thì làm sao một con người có tâm hồn như vậy lại cố ý mang lại tổn thương cho người khác, chuyện đó hoàn toàn không có.

Đây là bài học rất qúi giá là nếu chúng ta có thể sống được bình an giữa cuộc đời này để có thể sống và có thể làm những gì mà thật sự có lợi ích thì nội tâm của chúng ta, thì trước nhất nó phải đủ rộng để bao dung, nó phải đủ an lạc để tự nó không đi tìm một niềm vui tầm thường nào khác trong sự hơn thua, tự nội tâm đó phải có khả năng kiên định giống như một cột trụ đá chôn trong công viên là một biểu tượng gì đó, và nó giống như một hồ rộng cái hồ đó không dễ gì mà người ta có thể pha màu, người ta có thể làm cho nó nhiễm dơ được. Những ví dụ này để cho chúng ta thấy rằng sự rộng lớn trong tâm hồn hết sức quan trọng với đời sống của mỗi chúng ta. Cổ nhân có rất nhiều câu chuyện về những người có thể ẩn nhẫn được nhờ suy nghĩ vào chuyện lớn. Chúng ta nghe câu chuyện của Lưu Pha, ngày xưa hai vị quan đại thần ở trong triều có sự xích mích với nhau, một trong hai vị đó đã không muốn đối đầu với người bạn đồng lưu của mình, mỗi lần thấy người bạn đồng lưu của mình đi xe ngược chiều thì vị này sai những người đánh xe tránh né đi, và những người theo hầu cận vị quan này cảm thấy rất bực bội tại vì chủ nhân của mình cũng là một người có quyền thế, có ảnh hưởng lớn trong chiều, và chủ nhân của mình cũng là đường đường nam tử hán nếu mà phải đương đầu với một bạn đồng lưu khác mà nhút nhát như vậy thì đâu phải khí phách của trượng phu, nhưng vị quan này thì không nói như vậy, vị quan này lại nghĩ khác, nói rằng ta với người ấy vốn là hai cột trụ của quốc gia này, nếu hai bên xích mích nhau mà ra mặt chống đối nhau thì sẽ làm điên đảo vận nước.

Và, cái nhìn đó là cái nhìn rất rộng, nếu chúng ta có một lý tưởng lớn, nếu chúng ta có nghĩ đến đại sự, nếu chúng ta nghĩ có chuyện gì mà nó đủ gọi là quan trọng hơn là cái hơn thua trong lòng của chúng ta, thì tâm của chúng ta có thể bao dung được đời này như là đại dương mênh mông, như là hồ thẳm như là mặt đất. Sở dĩ chúng ta còn phiền lụy còn khổ sở là bởi vì một lý do đơn giản đó là chúng ta không đặt tâm tư của chúng ta ở trong một lý tưởng cao cả. Ở thời đại nào mà con người càng nghĩ nhiều về tranh chấp quyền lợi của hơn thua dầu đó là hơn thua của ý thức hệ, ở thời đại nào mà con người càng nghĩ đến cá nhân của mình, thì cuộc sống ở đó còn nguy hiểm bởi vì nó hứa hẹn sẽ có trăm ngàn cái phiền lụy xảy ra. 

Chúng ta đọc sách xưa nhìn thấy tâm tư của các bậc cổ đức sở dĩ các Ngài có thể bao dung được thế gian này, bởi vì khi các Ngài nghĩ về đạo không giống như chúng ta nghĩ tới đạo ngày hôm nay, có đôi khi chúng ta rất thương đạo của mình nhưng khi nói đến đạo của mình thì chúng ta lại ngay cả trong tâm hồn đối với đạo rất là hẹp hòi, cái đạo của chúng ta là cái đạo không có khả năng bao dung. Người ta nói rằng nếu một tôn giáo nào, một nền đạo học nào mà có giá trị chân thật thì nền đạo học đó tôn giáo đó phải có khả năng đào tạo được những tâm hồn thật sự yêu thương, và thật sự bao dung, và thật sự có khả năng để chuyên chở cho muôn loài. Nếu một nền đạo học mà chỉ sản sinh được những tâm hồn nghèo nàn chật hẹp không thể bao dung người khác, thì nền đạo học đó hoặc giả là thất bại từ ở trong lời cơ sở căn bản, hoặc là thất bại ở chỗ người hành trì, và chúng ta thật sự không muốn thấy nền đạo như vậy, và chúng ta không quy ngưỡng nền đạo như vậy. Vì vậy đạo Phật không phải là một tôn giáo dễ dàng để chúng ta lãnh hội tại vì đạo Phật nền đạo của chúng ta không đòi hỏi chỉ đơn thuần một niềm tin hay là sự chung thành với đạo, mà cần đến một sự cảm nhận đủ rộng đủ sâu đủ kiên định để chúng ta có thể chấp nhận được cuộc đời.

Cách nay khoảng chừng gần hơn 30 năm chúng tôi có đọc một quyển sách do cụ Hiến Lê dịch mang tựa đề là "Chấp nhận cuộc đời," trong quyển sách này tác giả đã cố gắng làm một công việc mới nghe thì rất dễ nhưng nghĩ lại thì quả thật là một câu chuyện đòi hỏi một nỗ lực vượt bậc của chúng ta, đó là làm thế nào mình có thể chấp nhận được cuộc đời, chấp nhận những người ở chung quanh mình. Không phải chỉ ngồi đó để đưa ra một lý thuyết một nền đạo đức nào hay là một lời kêu gọi của một vị giáo chủ tôn giáo để chúng ta có thể chấp nhận được cuộc đời. Chấp nhận ở đây trong ý nghĩa trung thực nhất của nó có nghĩa là cuộc đời ra sao thì mình nhận nó như vậy, mình không đòi hỏi, mình không bực bội, mình không có thái độ hằn học với cuộc đời, mà mình nhận rằng nó là như vậy, cái nhìn nó vốn dĩ là như vậy, làm cho chúng ta bình an hơn rất nhiều.

Bây giờ thì các em nhỏ không như thời chúng tôi còn nhỏ, lúc chúng tôi lên năm lên sáu tuổi chúng tôi nhớ rằng những trẻ em dưới miền quê thì thường không mang dép, chỉ mặc quần đùi rất ngắn và khi các em chạy bị vấp té trầy chân rất thường, và những vết trầy đó không được chăm sóc đầy đủ nên tạo ra ghẻ lở, chúng tôi cũng bị như vậy lở chân hay đầu gối bị ghẻ, mỗi lần mẹ kêu vào xức thuốc thì chúng tôi sợ lắm, tìm cách chạy ra ngoài hay là đi nơi khác nhưng mà rồi cuối cùng cũng bị kêu vào để rửa vết thương và xức thuốc, những lần như vậy thì chúng tôi rất là sợ vì ở Việt Nam ngày xưa họ dùng loại thuốc đỏ rát lắm và thân mẫu chúng tôi nhiều khi dùng một loại alcohol để rửa sạch vết thương sát trùng. Hồi nhỏ có lẽ chúng tôi sợ nhất là hai điều; một là cạo tóc và hai là bị rửa ghẻ ở dưới chân, hồi ở nhà mà rửa ghẻ là một điều rất là sợ và sau này đi chùa cạo tóc, có những thời lưỡi lam rất khó tìm, một cái lưỡi lam mà cạo mấy chục cái đầu, cứ mài đi mài lại, nhiều người bị sướt đầu. Thỉnh thoảng đọc ở trong kinh Đức Phật dạy rằng trong tâm của con người mình giống như một vết thương mà đụng vào, làm chúng tôi nhớ kỷ niệm đó.

Phải nói rằng tâm tư của chúng ta thường rất nhảy cảm, nó không phải nhảy cảm mà có thể nói rằng nó mẫn cảm đến mức độ dễ vui dễ buồn dễ bị tổn thương, cái gì cũng có thể làm cho chúng ta nhức nhối, cái gì cũng có thể làm cho chúng ta sầu muộn và đây có thể nói là một điều không may không những cho một người hai người mà cả một thế hệ của chúng ta. Con người càng lúc càng đòi hỏi sự tự do cá nhân càng nhiều nhưng mà nghịch lý hết sức là càng lúc chúng ta lại càng sống gần với nhau hơn ở trong nếp sống đô thị và chúng ta càng đụng chạm nhau hơn. Tại Hoa Kỳ có những trường hợp vợ chồng cãi nhau đưa ra toà tại vì một trong hai người đó khi ngủ gáy lớn quá, hoặc giả người ta đề cập đến một chuyện là hàng xóm nếu mình sơn cái nhà mà sơn không đúng màu người ta cũng có thể kiện mình, người ta có trăm ngàn lý do để nói lên là cá nhân của họ được bảo vệ, sự bảo vệ đó mới xem ra thì dường như là bảo đảm lắm nhưng về lâu về dài thì điều đó giống như là một vết thương được bưng bít lại, cái vết thương mà nó được băng hầm kín lại thường nó lại không mau lành như là vết thương được rửa sạch được làm cho thoáng làm thế nào để sát trùng chăm sóc đầy đủ, chúng ta không chăm sóc vết thương bằng cách lấy vải với băng bọc kín lại từ ngày này qua ngày khác mà không chịu rửa không chịu xức thuốc. Tâm tư của chúng ta cũng vậy, ở cái nhìn của Đức Phật là chúng ta luôn luôn tìm cách bảo vệ cái mà chúng ta quan niệm bản ngã của mình, bảo vệ cảm giác của mình, và nếu trước đó chuyện gì đụng chạm đến thì chúng ta đau giống như một đứa bé mà mỗi lần rửa ghẻ nó khó chịu nó xốn xao.

Chúng ta rất sợ hãi phải đối diện với thực tại, mình sống giữa hàng triệu người sống giữa hàng trăm người ở trong một đô thị đông đảo vậy mà chúng ta cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết, chúng ta rút vào cái tháp ngà của mình, rút vào vỏ ốc của mình để mong tìm được thế giới bình yên, nhưng thế giới đó sẽ không bao giờ được bình yên nếu vẫn còn quá mẫn cảm, nó vẫn chưa giống như đất, chưa giống như cột trụ đá, nó không có cái căn bản cơ sở đủ ổn định đủ rộng lớn để vượt xa hơn, để vượt lên trên những thị phi những hiềm khích bình thường trong đời sống này. Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài cũng nói lên một cái ý nghĩa hết sức quan trọng mà ý nghĩa đó được Đức Phật Ngài lập lại ở trong câu kệ này, nếu một người không còn đặt nặng vấn đề vui buồn nữa thì người đó khó mà gây ra sự tổn thương cho người khác, những người nào mà gây tổn thương cho người khác thì tự họ cũng rất dễ bị tổn thương tại vì họ không có căn bản.

Ngài Wallpola Rahua viết về Đạo Đế, Ngài Walpola Rahula bàn về giới định tuệ. Ngài bàn về giới thì Ngài có đưa ra một ý kiến một ý nghĩ là; thật ra trong giới của đạo Phật từ không sát sanh không trộm cắp v.v... nói lên một sự tôn trọng đối với tha nhân, và sự tôn trọng này phát xuất từ lòng từ, phát xuất từ một sự rất ổn định, những cái mà chúng ta gọi là nội lực hay nội hàm của mình. Tâm tư của chúng ta có thăng bằng có ổn định thì chúng ta mới có khả năng để hoá giải cái vui cái buồn, nên những thứ này xem ra thì nó nhất là riêng biệt nhưng nó lại liên hệ chằng chịt với nhau. Mình tưởng đâu giữ giới có nghĩa là chỉ đơn thuần là tự mình làm sao để giữ những điều mà chúng ta xem là điều răn Đức Phật để lại, nhưng thật ra đó là lời dạy của Đức Phật cho sự tu tập. Nghĩ như vậy thì thật sự rất đơn giản tại vì một người muốn giữ giới thì người đó họ cần phải có lòng từ, lòng từ đối với chúng sanh khác họ mới giữ được. 

Đức Phật là  bậc thánh đức mà trí tuệ lòng bi mẫn và sự thanh tịnh của Ngài đã cho chúng ta gương lành để chúng ta có thể đi vào cảnh giới không thể tư nghì bởi bất cứ ai trong chúng ta, những bậc thánh đó đã nói về cuộc đời như vậy, nói về tâm tư như vậy, và bậc thánh đó nói về hành xử là như vậy, không có lý do gì mà những điều này mà chúng ta có thể quên lãng dễ dàng bởi vì tự những thứ đó có một giá trị hết sức là lớn lao, chúng ta hãy nhất tâm nuôi dưỡng một chí nguyện rằng mỗi chúng ta trong đời sống này và đời sống sau những người đã lựa chọn đi theo con đường của Đức Phật, xin cho tâm của chúng ta cũng rộng lớn như đại địa, cũng vững vàng như cột trụ, nếu chúng ta làm được như vậy thì quả thật con nhà công không giống lông cũng giống cánh, chúng ta không hoàn toàn giải thoát nhưng ở một phương diện nào đó thì chúng ta cũng có thể học đòi để có thể làm như Đức Phật như đại đệ tử của Ngài, chỉ có ở đó chúng ta mới tìm thấy được sự bình an thật sự, mong rằng sự bình an đó sẽ có và tồn tại trong ta

No comments:

Post a Comment