Friday, November 8, 2013

Vui và hãnh diện khi làm việc thiện thì có được xem là hoan hỷ không?

Hỏi: Nếu như một người tổ chức cuộc lễ dâng y, sau đó họ nhớ lại, họ nghĩ đến lễ tăng y và họ nói rằng mình đã làm 1 buổi lễ dâng y rất long trọng. Ai đến dự lễ thì mình đã chia rất nhiều tiền, hay mình rât giỏi, thì sự hãnh diện vì mình đã làm được điều tốt, sự hãnh diện này dựa trên cái tôi cái ta, khác với tâm hoan hỷ phước báu như thế nào? Có nhiều người lầm lẫn rằng khi mình làm điều gì mà khi nghĩ lại mình vui, đó là hoan hỷ phước báu. Nhưng nếu mình nghĩ mình vui vì mình hãnh diện với cái mình làm, thì điều đó có được xem là hoan hỷ không?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 29-8-2013, Thiên Ân chuyển biên)

 TT Tuệ Quyền: Quả thật niềm hoan hỷ từ nơi tâm được xuất phát xuyên qua rất nhiều ý niệm, ý nghĩ của tâm. Một người làm một đại lễ tăng y để cúng dường, tâm hoan hỷ vì đây là một việc phước rất lớn. Khi người ta nhớ lại vì mình có nhiều tiền, vì mình được tổ chức một cuộc lễ lớn, tất cả mọi người đều khen mình, tâng bốc mình thì lúc này tâm hoan hỷ thuộc về tham dục, trong cái ngã chấp ta. 
Tư tiền, tư hiện, tư hậu thì tư hậu rất quan trọng, phước báu sẽ rất lớn nếu được chúng ta khéo nhớ lại việc thiện sự, khéo suy nghĩ rằng mình đã tạo được công đức phước báu là cúng dường đến chư tăng vì Đức Phật đã nói phước báu cúng dường y Kathina đến chư tăng rất lớn lao, vì mình đã góp một phần công đức để duy trì mạng mạch của Phật Pháp cũng như để nuôi dưỡng truyền thống của Tăng Già, đó là chiếc y vàng. 
Chúng ta chỉ cần suy nghĩ như vậy thôi thì phước báu vô lượng hơn là chúng ta cứ suy nghĩ rằng người ta đi đâu mà gặp mình sẽ khen mình là hay, giỏi, giàu có, chỉ có mình mới tổ chức được buổi lễ lớn như vậy thôi, chỉ có mình là đại thí chủ. 
Chư Phật tử khi có sự tùy hỷ, chúng ta tuy không làm được phước như họ thì chúng ta khởi tâm lên bằng cách tùy hỷ. Sau đó nhớ lại rằng hôm đó mình có dự lễ dâng y, mình rất hoan hỷ với phước báu khi thấy chư tăng đắp y lên người, chư tăng tác bạch tuyên ngôn, chư tăng giao y cho vị xứng đáng. Cuộc truyền trao rất đẹp và rất hay và toàn thể đại chúng rất hoan hỷ. Chúng ta chỉ nhớ bằng tư hậu như vậy thôi là chúng ta cũng đã vô lượng công đức phước lành, chứ không nên nghĩ rằng mình đi đến đó mà không có gì hết rồi cảm thấy buồn. Nếu có sự hoan hỷ khi nghĩ rằng mình đã tiếp nối, hộ pháp đúng theo những gì người cư sĩ cần làm thì phước báu sẽ lớn. 
Sự hoan hỷ ở đây khác với sự hoan hỷ có hỷ tham, vì đây là tâm đại thiện thọ hỷ, trong khi hỷ tham là hợp với tà kiến. Nếu như mình làm phước bằng tâm hoan hỷ, không cần phải báo công, không cần phải nói cho mọi người biết thì sẽ tốt hơn là khi làm lại đòi hỏi phải được nêu tên vì nghĩ rằng đã đóng bao nhiêu tiền, góp bao nhiêu của. 
Có tâm cúng dường là đầy đủ, được cúng dường tận chùa, tận tay chư tăng thì giá trị rất to lớn. Mình làm mình biết, có chư thiên biết và đối diện với phước báu có quả lành, tâm hoan hỷ này lớn lắm. 
Còn nếu làm vì vui, vì mình là người đứng đầu trong danh sách mạnh thường quân thì với tâm như vậy sẽ không có phước, hoặc phước sẽ hạn hữu, kết quả không như ý, không mang tính chất tốt đẹp như trong Phật Pháp chúng ta thường nói là làm phước để dứt bỏ sự bỏn xẻn, lòng tham ái. Vô tình nếu chúng ta làm phước với ái tham như vậy tức là chúng ta bỏ tiền ra để mua ái tham này bằng ái tham kia, như vậy thật đáng tiếc.

No comments:

Post a Comment