Hỏi: Bổn phận người con đối với Cha Mẹ hiện tiền hay quá vãng.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 11-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Chúng tôi nhận được câu hỏi của qúi Phật tử hỏi: Có những điểm chỉ có trong phong tục một vài quốc gia nào đó ở trong văn hoá của chúng ta không có, chúng ta có nên áp dụng hay không? Thí dụ hôm nay ngày Mother's Day tức ngày Hiền Mẫu, trong văn hoá Việt Nam có ngày Vu Lan ngày báo hiếu ngày chung về mẹ hiện tiền hay quá vãng. Ngày Mother'Day chỉ đặc biệt dành cho những bà mẹ hiện diện trên thế gian này.
Câu trả lời chung của chúng tôi ở tại đây: Có bất cứ trường hợp bất cơ hội nào chúng ta có thể thể hiện được lòng biết ơn của mình thì Đức Phật Ngài khuyến khích. Và chẳng những vậy, nếu trong cuộc sống chúng ta nghĩ đến những giá trị với sự cố gắng, sự tinh tấn, hay tinh cần ở trong đạo Phật bao gồm cả 4 điều: ngăn điều ác, diệt trừ ác, trọng điều thiện, sự dưỡng nuôi điều thiện. Đối với Đức Phật thì có những hình ảnh rất ư đẹp ở trong cuộc đời, một trong những hình đẹp đó là những người đại ân, đại đức với chính mình. Nếu chúng ta sanh ra đời có được tình thương bao la của ông cha của bà Mẹ thì điều đó là một điều rất có phước, chúng ta nên cảm kích điều đó.
Hôm nay, nhân ngày Hiền Mẫu chúng ta dùng ít thì giờ để nhắc với chính mình sẽ không bao giờ quên trong cuộc đời này có người đã cho chúng ta rất nhiều đó là Cha đó là Mẹ. Và chính Cha Mẹ dạy chúng ta cuộc sống trong sự thân thiết gần gủi có những đụng chạm, vui hoặc buồn, chúng ta nên giữ tâm rộng rãi, độ lượng để tha thứ cho nhau. Cuộc đời không có ai hoàn hảo hết. Có khi bà Mẹ thương con rất nhiều nhưng người con lại nghĩ Mẹ thương người này nhiều người kia ít. Có đôi khi hồi còn nhỏ Cha Mẹ lo cho con nhiều, và khi lớn lên thì Cha Mẹ lại gây cho con rất nhiều điều phiền phức. Có khi Cha Mẹ thương con rất nhiều nhưng chính sự can dự của Cha Mẹ nhiều quá vào đời sống của con khiến cho hôn nhân của những đứa con bị ảnh hưởng. Có những cha mẹ lựa chọn đứng bên lề cuộc sống để cho những đứa con được lớn lên được sống những tháng ngày yên ổn.
Thật ra, làm con không phải dễ. Làm cha làm mẹ cũng không phải dễ. Chúng ta để ý, chúng ta thấy, để cư xử làm thế nào cho lưỡng toàn cho đẹp hết cả phía bên này và phía bên kia, luôn luôn là thử thách rất lớn. Dù thế nào đi nữa cái nhọc nhằn của một đứa con so với nhọc nhằn của cha mẹ nuôi con thì không bằng.
Người Ấn Độ có câu nói rất hay chúng tôi vẫn thích nhắc đi nhắc lại: "Những người không biết nghiêng mình trước lẽ phải, trước điều thiện thì người đó sớm muộn gì cũng a tòng với điều ác". Nếu những giá trị cao cả trong cuộc đời không làm cho chúng ta ngưỡng mộ được, không làm cho chúng ta cảm kích được thì chúng ta sẽ rơi vào khuynh hướng chạy theo những giá trị tầm thường. Và cái giá trị lớn trong cuộc đời của chúng ta để theo đuổi thí dụ như ơn đức cao dày của Đức Phật, thí dụ như công ơn sanh thành dưỡng dục của Cha Mẹ, tất cả điều đó là những ơn đức rất lớn và nếu chúng ta thờ phượng nếu chúng ta qúi trọng những giá trị đó thì đời sống của chúng ta khác đi.
Nếu chúng ta không thể nghiêng mình trước những giá trị cao qúi như vậy chúng ta rất dễ dàng để đi vào con đường ngược lại. Vì vậy nếu chúng ta đọc trong kinh điển lời Đức Phật dạy rải rác đó đây điều ác và điều thiện không chi đơn thuần mình phải làm điều này và mình phải tránh điều kia. Đức Phật dạy rằng chúng ta phải tìm một cái cách, một cái thế, một phương pháp để tác động chính mình làm sao mình hoan hỉ với điều lành, hoan hỉ với chánh pháp, ưa thích điều thiện. Do sự hoan hỉ, do sự ưa thích, do sự qúi chuộng đó chúng ta sẽ đến gần với điều thiện, thâm nhập với điều thiện.
Trong kinh Hạnh Phúc, Đức Phật Ngài dạy "Những ai biết cúng dường đảnh lễ những bậc xứng đáng được cúng dường thì đó là dấu hiệu tốt lành tối thượng". Một người biết thờ Cha kính Mẹ, biết qúi trọng những bậc trưởng thượng, những bậc huynh trưởng, biết giữ giá trị đáng ngưỡng mộ trong cuộc đời, biết cúng dường bậc đáng cúng dường thì Đức Phật dạy rằng con người đó có ý hướng tốt. Nhưng nếu một người không có giá trị nào tốt đẹp hướng đến thì sớm muộn gì cũng đi xuống.
Sự khác biệt giữa cuộc sống của chúng ta Đức Phật dạy: không phải chúng ta sanh ra trong giai cấp nào. Hay hiện tại chúng ta có dư ăn dư mặc, hay hướng đi nên được định đặt từ giá trị chúng ta tôn thờ. Và nếu tình thương của Cha của Mẹ không đủ để cho chúng ta cảm kích thì thật sự chúng ta sống ở trong đời này rất dễ trở thành một người luôn cô phụ người khác. Chúng ta sống một người vô ơn, sống một người thiếu cảm đức, ít nhất là có một ngày nào đó, một lúc nào đó chúng ta có thể cảm thấy tâm hồn mình mềm ra, không có ở trong sự ngang bướng, tâm hồn chúng ta trở nên nhu nhuyến khi mình nghĩ rằng có những giá trị lớn hơn đẹp hơn là cái "Tôi" cái "Ta" của mình. Nếu cuộc sống lúc nào cũng tự thị và cũng nghĩ đến mình là nhất thì chúng ta sống rất tội nghiệp. Nhưng nếu chúng ta thấy có những bậc Cha Mẹ những bậc Thầy Tổ, đó là những người cao trọng cho chúng ta thấy những giá trị lớn thì nó làm tâm chúng ta khiêm tốn hơn, đó cũng là một giá trị rất đẹp.
Vì vậy chúng ta cũng nên tin tưởng rằng mình nên tận dụng tất cả những cơ hội ở trong mỗi quốc độ ở trong mỗi nền văn hóa để làm đẹp cuộc sống. Thí dụ như là ở tại Hoa Kỳ người ta có ngày lễ Tạ Ơn. Ngày lễ Tạ Ơn đó có 2 điểm không trái ngược với Đạo Phật: những người tha phương cầu thực sang lập nghiệp ở tân thế giới họ lớn lên trong vùng đất xa lạ này, đã tạo lập một cuộc sống mới và họ cảm kích ơn trên đã cho họ những gì họ có được. Trong ngày đó thường họ giết những con gà tây để làm những món ăn lễ Tạ Ơn. Người Phật tử cũng có chia sẻ lễ Tạ Ơn một số điều và có một số điều chúng ta không chia sẻ: Thí dụ người ta cảm kích Thượng Đế thì chúng ta cũng nên cảm kích tất cả những trợ duyên hoặc lớn hoặc nhỏ chung quanh mình. Có nhiều khi trong cuộc sống mình một người cho mình một lời hỏi thăm, một sự quan tâm đúng thời đúng lúc nó làm trợ duyên rất lớn. Đôi khi có những người cho những lời nói đi vào lòng làm cho cuộc sống mình được trổi dậy những điều tốt đẹp. Đó cũng là một sự ban tặng rất đặc biệt chúng ta nên cảm kích điều đó.
Và dĩ nhiên người Phật tử trong ngày Thanksgiving thì không làm gà tây nhưng nếu trong ngày Thanksgiving chúng ta có làm một việc gì như hồi hướng phước cho tất cả mọi người. Thí dụ như ngày hôm nay là ngày Hiền Mẫu chúng ta cũng tưởng nghĩ đến những bà Mẹ rất là cao qúi và chúng ta nguyện đem tất cả phước lành mình tạo để hồi hướng cho những bà Mẹ đã quá vãng thì nó cũng là một cái gì rất đẹp, quan trọng là chúng ta biết tận dụng thôi. Đức Phật chưa bao giờ Ngài dạy rằng chúng ta phải ăn món này thì mới thật sự là ăn, hay chúng ta phải cúng kiếng kiều này thì mới thật sự là cúng kiếng, Đức Phật không có đóng khung như vậy, mà Ngài dạy cho chúng ta một tâm hồn rất mở rộng. Ở mỗi nền văn hóa nào cũng có cái đẹp và nếu cái đẹp đó được chúng ta dùng đúng mức, nếu chúng ta biết khai dựng thì vẫn mang lại cho chúng ta những giá trị tốt.
Vì vậy, hôm nay khi nói về ngày Hiền Mẫu cũng như bài pháp của TT Tuệ Siêu đề cập đến 3 thân nghiệp thiện, thì chúng ta hãy cùng nhau thắp sáng lên ý nghĩa là cho dù hoàn cảnh nào thì những con người hy sinh vì con cái, hy sinh vì gia đình, hy sinh vì đồng loại, hy sinh về quê hương dân tộc, những con người đó đều rất đáng cho chúng ta trân trọng đáng cho chúng ta kính ngưỡng. Cũng nhân ngày Hiền Mẫu này chúng ta cũng nhắc nhở để mình thấy một điều là trong cuộc sống có những tình cảm rất ôn nhu, có đôi khi rất sâu lắng nó không có cuồng nhiệt giống như những thứ tình cảm thông thường nhưng những thứ tình cảm đó thể hiện một cái gì đó rất thật, rất sâu xa.
Có một đoạn Đức Phật Ngài dạy về một chuyện khác, Ngài nói rằng suối chỗ nào nó xâu thì nó yên lặng và chỗ nó cạn thì nó ồn ào, dĩ nhiên lời Đức Phật dạy qua những con người gọi là thùng rỗng kêu to chẳng hạn. Nhưng chúng ta hiểu tình cảm cũng vậy. Có những thứ tình cảm rất sâu lắng, rất nhẹ nhàng và nhiều khi nó quá nhẹ nhàng chúng ta không hiểu hết. Có khi những đứa con đi chơi khuya về bà mẹ đang ngồi chờ, đứa con chỉ cảm thấy bực bội, chỉ cảm thấy mẹ đang canh mình, nhưng không thấy được rằng một người thức để chờ mình về là cả một tình thương vô cùng cho đến ngày mẹ mất đi bấy giờ mới hiểu rằng không có một người ngồi chờ chúng ta đi khuya về như vậy thì thật sự ở trong đời này rất là lẻ loi. Những thứ tình cảm như vậy nó không có nồng nàn, nó không có cho con người nhiều cảm giác mạnh như tình yêu nam nữ, nhưng thật sự những thứ tình cảm đó nói lên rất nhiều về sự quan tâm của con người. Có những bà mẹ suốt đời chưa bao giờ nói sự thương yêu với con nhưng lại rất nhiều bao che, cho rất là nhiều và không bao giờ bỏ con thì những tình thương đó thật sự là vĩ đại rất là lớn lao.
Chúng ta học những bài học đó để chúng ta có thể nhìn thấy cuộc sống ở trong nhiều góc cạnh, ở trong nhiều cách nhìn mà bình thường cái nhìn hời hợt của chúng ta không cho chúng ta thấy được. Thật ra thì Đức Phật dạy rằng tình Cha nghĩa Mẹ cho chúng ta những bài học lớn trong cuộc đời. Do vậy Cha Mẹ là vị Thầy đầu tiên, bởi vì vị Thầy đó đã giới thiệu con vào cuộc đời, đã hun đúc cho con được tình cảm nhân hậu, đã cho con biết rằng ở trong cuộc đời thế nào là sự hy sinh, thế nào là tình thương không có điều kiện chỉ cho đi không đòi lại bao giờ. Và chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng chính những cảm xúc rất lành mạnh đầu đời đó giúp cho chúng ta lớn lên sống là một con người bớt đi ích kỷ bớt đi vị kỷ của chính mình.
Thật ra, Đức Phật Ngài cũng thường thừa nhận trong tình thương bà Mẹ thương con có nhiều dính mắc. Thí dụ như Ngài dạy rằng chỉ có chiến tranh thiên tai hỏa hoạn có thể tách rời những người con với những bà mẹ. Thì quả thật người con với người mẹ, tình mẹ con có sự dính mắc rất lớn. Nhưng Ngài cũng khẳng định một điều rằng chính tình thương của bà mẹ là một thí dụ rất đẹp về một điều rằng ở trong cuộc sống có những trạng thái khiến cho chúng ta quên đi sự ích kỷ với chính mình, từ sáng đến chiều chúng ta nghĩ chỉ sống riêng cho mình mà thôi thì thật sự chúng ta thấy rằng những thanh niên nam nữ trong cuộc đời khi lớn lên có được bằng cấp, có được nghề nghiệp, có được sự thành công thì bao giờ cũng chỉ nghĩ đến mình. Nhưng một khi bắt đầu có con thì những lúc đó có thể quên đi, quên đi chính mình, để sống hy sinh cho con cái. Và tình phụ tử tình mẫu tử đã dạy cho chúng ta những bài học rất lớn về cuộc sống là chúng ta có thể vì tình thương của Cha Mẹ để nghĩ về người khác mà không đòi hỏi phải được đền đáp, không đòi hỏi là mình sẽ được như thế này, sẽ được thế kia, chỉ cho và cho mà thôi.
Và khi nghĩ đến lợi ích mình phải xét, phải suy, phải suy xét cái trước cái sau, cái phải cái trái, chứ không đơn thuần là cái gì mình thích, và sự suy xét đó cũng làm cho mình trưởng thành, sự suy xét đó cũng làm cho đời sống mình khác đi. Đức Phật đặc biệt Ngài thường dùng chữ atthaya là vì sự lợi ích. Thí dụ như mình sống với một người mình nói mình thương người đó mình qúi người đó nhưng thương qúi là một lẽ, cảm tình là một lẽ nhưng mình không gây cho người đó sự tổn hại và mang lại cho người đó sự lợi ích thì điều đó là chuyện khác. Mình có người bạn mình nghĩ đến lợi ích của bạn đó là người bạn chân thật. Mình là cha mẹ thương con và thương thế nào để con lớn lên không hư. Có nhiều người cưng con quá con hư. Thì Đức Phật dạy rằng ở trong tình thương chân thật là mình nghĩ đến lợi ích cho nhau thấy người đó họ làm chuyện gì nó có lợi ích cho chính bản thân của họ thì mình hoan hỉ. Thí dụ, một người vợ thật sự thương chồng thì sẽ không để cho người chồng trở thành người con bất hiếu. Người chồng thương vợ cũng không để cho người vợ thành đứa con bất hiếu. Có những chuyện rất là thường xảy ra là người vợ thương chồng nhưng mà rồi tìm mọi cách chia rẽ chồng với gia đình của chồng với Cha Mẹ của chồng và cuối cùng rồi thì người chồng rơi vào cảnh phải bất hiếu với Cha Mẹ.
Đối với Đức Phật Ngài dạy rằng chúng ta sống như vậy không có nghĩ đến lợi ích cho nhau, mình sống lợi ích thì nó có sự cân bằng, sự cân bằng là làm thế nào đó, dĩ nhiên là vợ là vợ của mình, chồng là chồng của mình nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng vợ hoặc chồng phải vì mình hết rồi quên đi cha mẹ.
Có nhiều trường hợp rất đau lòng, con cái nhà cao cửa rộng, cha mẹ thì bị hất hủi đi ở nhờ nhà người này qua người khác, sống như một sự xin xỏ tình thương của con. Ngài HT Hộ Giác nhiều khi Ngài nói rằng ở trong đời có nhiều chuyện thương tâm, một bà mẹ nuôi 5, 7 đứa con thì bình thường nhưng 5, 7 đứa con nuôi một bà mẹ thì nó cảm thấy rất là phiền phức. Thì ở đây chúng ta nghiệm một điều là nếu thật sự thương người thân của mình, thương bạn của mình, thương người hôn phối của mình hay bất cứ ai mình thương thì đừng biến những người đó trở thành những người con bất hiếu. Làm thế nào đó sống có người và có mình, nghĩ chuyện này chuyện khác thì chúng ta mới thật sự nghĩ đến cái gọi là lợi ích tốt đẹp của người đó.
Và cũng trong ngày Hiền Mẫu chúng ta cũng phải nói đến một hiện tượng là ngay cả ở trong một tang lễ. Thí dụ có một Phật tử lớn tuổi mới mất thì những người con ở trong gia đình muốn làm một tang lễ rất trọng thể, bỏ rất nhiều tiền. Nhưng làm trọng thể không phải là vì lợi ích của Cha Mẹ mà là chỉ để người ta đến người ta thấy rằng mình có tiền hay muốn chứng minh người ta thấy rằng mình lo cho Cha lo cho Mẹ khi Cha Mẹ nằm xuống nhưng hoàn toàn không nghĩ đến chuyện tạo phước hồi hướng. Chúng tôi thấy có nhiều Phật tử Việt Nam khi Cha Mẹ chết làm một đám tang ở nhà quàn rất sang trọng, chôn cha mẹ ở nghĩa trang rất sang trọng và thậm chí mua quan tài đắc tiền nhất, một quan tài giá mấy chục ngàn để hoả táng cha mẹ để chôn cha chôn mẹ nhưng mà bên cạnh những điều đó thì người này không biết làm phước, không biết làm cái gì có phước để hồi hướng cha mẹ. Thì thành thật mà nói mình làm như vậy cho đẹp mặt mình nhưng không có nghĩa là lợi ích cho cha mẹ. Không phải là chúng tôi quá bảo thủ nhưng nghĩ rằng nếu từng đó tiền chúng ta chia làm đôi phân nửa thì làm tang lễ còn phân nửa làm những việc phước đức để hồi hướng cho cha mẹ thì quả thật là điều đó lợi lạc cho Cha Mẹ nhiều hơn là nặng phần trình diễn nặng hình thức ở bên ngoài. Không hiểu Đạo Phật tồn tại trên quê hương Việt Nam hơn 2000 năm qua Phật Pháp đến với chúng ta như thế nào, chúng ta phần nhiều nặng vấn đề hình thức là do ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng thiếu tinh thần làm những thiện sự để hồi hướng khi Cha Mẹ quá vãng.
Ngay cả khi cha mẹ còn sống có nhiều khi chúng ta lo cho cha mẹ về vật chất nhưng chúng ta không nghĩ đến tinh thần, người lớn tuổi thì có nhu cầu khác với chúng ta là cần quan tâm cần tình thương và nếu người lớn tuổi có được dịp gần với chùa chiền gần với cuộc sống tinh thần thì điều đó khiến cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn. Ở đây có nhiều người con cho cha mẹ một phòng rất đẹp nếu cần dẫn cha mẹ đi ăn ở nhà hàng rất ngon nhưng chưa bao giờ nghĩ đến tinh thần của cha mẹ là muốn đi chùa muốn đến những khóa tu và muốn làm phước thiện. Nhiều khi con cái nuôi cha mẹ giống như bỏ cha mẹ vào lòng son để thấy rằng là mình có thương cha thương mẹ nhưng không ủng hộ Cha Mẹ có được sự tu tập, có được đời sống tinh thần tốt đẹp.
Đem Phật Pháp đến với Cha Mẹ là Phật Pháp không phải chỉ là niềm vui khi chúng ta ngồi chúng ta nói chuyện với nhau, mà Phật Pháp còn cho chúng ta những tác động để suy nghĩ, để xét lại, để nhìn lại cái gì mình sống trong đời sống hàng ngày. Thật ra kiếp người sống rất khó và cái khó nhất là sự quan hệ giữa con người với con người, trong quan hệ giữa con người và con người thì thật sự giữa tình thương với tình thương nó khó hơn các quan hệ khác. Ngày nay xã hội dạy cho chúng ta rất nhiều kỷ xảo để chúng ta thành công trong giao tiếp giao thiệp với người này và người khác nhưng chúng ta lại thiếu đi những lời dạy là làm thế nào chúng ta có thể cảm kích cuộc đời, cảm kích ơn sâu của cha của mẹ, cảm kích ân nhân trong cuộc đời, làm thế nào để đền đáp ân đó, làm thế nào để chúng ta thể hiện tình thương cha mẹ một cách có lợi lạc một cách hợp tình hợp lý. Thật ra điều đó ít có được thể hiện. Và sau khi Ngài viên tịch rồi tthì 500 năm sau vì bản chất tự nhiên của nhân loại người ta dần dà đi đến chỗ trọng sự thờ cúng tín ngưỡng, trọng hình thức hơn là những giá trị chân thật.
Chúng ta thỉnh thoảng phải quay trở về với những trang kinh rất xưa, với hình thức giản dị. Giống như ngày hôm nay qúi Phật tử đọc những câu Phật ngôn này rất ngắn và TT Tuệ Siêu giảng và đôi khi câu Phật ngôn đó chúng ta không để ý nhiều, chúng ta không để ý là bởi vì quá đơn giản nhưng thật ra những câu Phật ngôn đó như là những lời dạy rất rõ ràng, rất chí thiết của một ông cha dạy những đứa con mình. Thưa qúi vị, mỗi lần chúng tôi lật từng trang của Tam Tạng kinh điển mà đọc chúng tôi hay nhìn lại hình ảnh của Đức Phật Ngài không phải Ngài dạy chúng vì Ngài muốn chứng tỏ Ngài là vị Thầy, vị Giáo Chủ, hay Ngài dạy chúng ta bởi vì Ngài muốn chúng ta theo Ngài mà Ngài dạy chúng ta giống như một người cha thấy con của mình làm việc này việc kia nhắc nhở dạy, và chính điều đó nó để lại trong lòng của chúng ta những kỷ niệm rất khó quên những hình ảnh mà tất cả chúng ta có thể gọi là hành trang để đi vào cuộc đời. Một câu châm ngôn của Ấn Độ là :nếu chúng ta không biết tôn vinh những giá trị cao quý thì chúng ta rất là dễ a tòng với những điều ác quấy".
Hôm nay ngày Hiền Mẫu, ngày Mother's Day, hình ảnh của một bà mẹ, hình ảnh của sự hy sinh không biết mệt mỏi, sự hy sinh không có vị kỷ đó là những giá trị rất đẹp để chúng ta cùng nhau tôn vinh và chúng ta tìm thấy rằng ở giữa cuộc đời này cho dù phù du, cho dù đổi vật đổi sao rời nhưng vẫn còn những giá trị rất đẹp.
Và chúng ta đừng quên lời nhắc nhở của Đức Phật:
"Giống như từ những đóa hoa dại được một người thợ khéo tay hái ở trong rừng, bên vệ đường, tấm thân sanh tử này có thể làm ra rất nhiều thiện sự"
Nếu thấy được điều đó chúng ta không có bi quan, chúng ta không có buồn nản, chúng ta không có tiêu cực tại vì cho dù cuộc đời này ra sao đi nữa thì cuộc sống vẫn có những giá trị , vẫn có những cái đẹp có những điều đáng để cho chúng ta trân trọng và những điều đó làm cho mỗi một giây phút một khoẳng khắc trong cuộc sống của chúng ta rất là đáng sống.
Chúng tôi thay mặt Chư Tăng ở trong rơom cầu chúc qúi Phật tử có một ngày Hiền Mẫu một ngày Mother's Day có ý nghĩa. Và với những phước báu chúng ta đã làm xin hồi hướng cho những bà Mẹ đã quá vãng được thừa hưởng nhiều phước lành phước báu dù ở cảnh giới nào và sớm viên thành quả vị giải thoát. Chúng ta cũng cầu mong cho tất cả những bà Mẹ hiện tiền còn sống với chúng ta trong cuộc đời được những thiện pháp cao qúi nhất được những niềm vui chân thành nhất, và được nhìn thấy những đứa con của mình vẫn quan tâm đến mình bằng tất cả sự hiếu kính. Sau cùng thì chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả mọi người đều thấy rằng chính thiện pháp chính pháp lành là điều khiến cho cuộc sống chúng ta đáng sống. Và do vậy khi Đức Phật nhắc chúng ta có ba thiện hạnh là thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh, ý thiện hạnh thì ba điều đó luôn luôn là những điều đáng cho chúng ta ghi nhớ trân trọng thực hành ./.