"Pháp gì do nhân do duyên sinh thì pháp đó cũng do nhân do duyên diệt"
(bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Một bài học khó tiêu hóa; cái gì sanh lên do nhân do duyên thì cái đó phải có chung cuộc của nó, khi nhân duyên kết thúc . Lấy một thí dụ đơn giản, chúng ta thắp một ngọn nến, ngọn nến đó cháy được là nhờ có sáp, nhờ có tim, nhưng nhờ có sáp và tim là yếu tố quyết định cho ngọn nến cháy thì sáp và tim đó không phải là thứ gì vĩnh hằng, không phải là thứ gì bất diệt, nó bị mòn mỏi theo thời gian, và khi sáp với tim không còn nữa thì ngọn lửa cũng chấm dứt. Như vậy ngọn lửa hiện hữu là nhờ sáp với tim, và ngọn lửa không hiện hữu nữa thì cũng bị chi phối điều kiện của sáp và tim.
Chúng ta sanh ra ở trong kiếp người, chỉ đơn thuần là do sanh nghiệp và trì nghiệp chúng ta hiện hữu, nhưng trì nghiệp đó cũng không thể nào là một năng lực bất tận, nó phải có cái chấm dứt của nó, bởi vậy câu " Hữu hình hữu hoại, hữu sanh hữu diệt ", "cái gì tụ thì phải có tán" không phải là điều chúng ta dễ dàng nhận thức được.
Khi Ngài Xá Lợi Phất bấy giờ còn là một cư sĩ Upatisya, gặp được Tôn Giả Asvajit đang đi khất thực trên đường, nhìn phong thái của vị SaMôn này, Upatisya đã cảm thấy có một cái gì siêu việt, có cái gì vượt thoát ở trong khuôn mặt, ở trong cử chỉ và ở trong cái nhìn từ trong ánh mắt rất trung thực trong sáng. và Upatisya đã đến chắp tay hỏi Ngài Asvajit.
- Ngài là ai, và học đạo với Thầy nào, và có thể nói cho con biết Ngài đã học những gì ở vị Đạo Sư đó.
Ngài Asvajit mặc dầu lúc đang đi khuất thực, và đã trở về ngồi một chỗ thọ thực đã xong, Ngài thấy vị thiện nam này kiên nhẫn đi theo mình từ lúc đi khuất thực cho đến bây giờ sau giờ thọ thực xong.
Ngài Asvajit nói với Upatisya rằng:
- Bần đạo xuất gia với Đức Phật, và bởi vì xuất gia không bao lâu, nên hiểu thì không có nhiều, nhưng có thể tóm tắt một câu rằng "Chư pháp tùng duyên sinh, diệt phục tùng duyên diệt, ngã Phật Đạo SaMôn, thường tác như thị thuyết" nghĩa là "Pháp gì do nhân do duyên mà sinh thì pháp đó cũng do nhân do duyên mà diệt, và Đức Phật là Đại Samôn, Ngài thường thuyết giảng như vậy".
Câu nói này đối với nhiều người coi nó bình thường, nhưng đối với Ngài Upatisya về sau trở thành Tôn Giả Xá Lợi Phất, đã mở ra một vùng trời cao rộng, bởi vì cái gì có nhân sanh ắt có diệt là điều ít có khi chúng ta nghĩ đến ở trong đời sống, chúng ta chỉ muốn tạo thêm, và cái gì chúng ta tạo nên thì chúng ta chỉ muốn nó tồn tại và tồn tại vĩnh viễn hầu như chúng ta sẽ ăn đời ở kiếp với những thứ đó. Nhưng tất cả đều đi theo một định luật, đó là định luật vô thường. Chúng ta không thể nào tránh được chuyện đó.
Chúng ta biết rằng cái gì hiện hữu là vốn dĩ nó hiện hữu dựa trên một số điều kiện nhất định, khi điều kiện nhất định đó không còn nữa thì phải chấm dứt. Chúng ta dù có chấp nhận như vậy, nhưng chúng ta vẫn né tránh, chúng ta nghĩ rằng: " À, có những thứ chợt đến chợt đi, có những thứ vĩnh hằng, có những thứ mãi mãi".
Thậm chí, khi thấy một người nằm xuống trút hơi thở cuối cùng, và xác thân của họ đã trở về thành một khúc gỗ vô dụng, xác thân của họ bây giờ đã chứng tỏ rằng cái gì họ xây dựng trên thể xác đó, dù là oanh liệt, dù đẹp đẽ, dù có một quá khứ huy hoàng đi nữa thì thể xác đó bây giờ không còn ý nghĩa nữa, thì chúng ta chấp nhận phải nghĩ rằng phải có một cái gì đó, đó là linh hồn, đó là tâm linh, đó là " sống là thể xác, thác là tinh anh ". Cái tinh anh phải mãi mãi tồn tại, tại sao chúng ta cần có một linh hồn, tại sao chúng ta cần có một tinh anh, và thật sự chúng ta không có can đảm nhận rằng tất cả mọi thứ đều phải thay đổi, thân cũng vậy, tâm cũng vậy, danh pháp cũng vậy, sắc pháp cũng vậy, tất cả mọi thứ đều phải thay đổi, và hễ nó tồn tại theo nhân duyên thì nó phải thay đổi.
Có bao nhiêu lần chúng ta nhìn thấy sự thay đổi trong đời sống này. Chúng ta đã nhìn thấy sự thay đổi từ thuở còn tấm bé, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những lúc ăn uống hỷ hả cho đến lúc bụng đó cào, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của những người thân của chúng ta, rời khỏi chúng ta, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi của một thể chế, sự thay đổi của một dân tộc, sự thay đổi của một trào lưu, sự thay đổi của khuynh hướng.
Nói về đất nước Việt Nam thôi, một người nào bốn mươi tuổi, sống bốn mươi năm qua nhìn lại đất nước Việt Nam thì có trăm ngàn thứ thay đổi. Nhưng điều khác biệt giữa đạo và điều nằm ngoài đạo lý, đó là người hiểu đạo thì họ nhìn sự vô thường bằng trí tuệ, nhưng đối với chúng ta không hiểu đạo thì chúng ta sẽ nhìn sự vô thường bằng một tâm tư ảm đạm, bằng những giọt nước mắt, bằng nỗi bi lụy, bằng nỗi bi ai.
Lấy ví dụ chúng ta có một người thân, rất thân, rồi bây giờ người đó bỗng dưng không còn thân với chúng ta nữa, người đó có thể thân thiết với một người khác, người đó có thể thay đổi cái nhìn về chúng ta, và rồi chúng ta thật buồn, buồn lắm và uất hận, và tức tối nghĩ rằng ; tại sao như vậy, đáng lẽ nó phải như thế này, nó phải như thế kia, mà tại sao có chuyện thay đổi, sự thay đổi đó có thể là sự thay đổi của tình yêu, sự thay đổi những lời cam kết, sự thay đổi trong cách đối sử. Nhưng cho dù đó là sự thay đổi gì, chúng ta cũng phải nhận rằng tâm tư của con người vốn là thay đổi, người đời không thay đổi thì tâm tư của mình cũng thay đổi và trong sự thay đổi đó, thì nó là một điều rất là tự nhiên. Nếu bảo rằng lúc nào cũng như vậy, thì đó là vấn đề của chúng ta, bởi vì chúng ta lúc nào cũng đòi hỏi sự việc phải tiếp tục như vậy không được thay đổi. Do vậy chúng ta khổ./.
No comments:
Post a Comment