Hỏi: Thế nào là sự nhiệm màu của Phật Pháp?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Thỉnh thoảng khi đọc những câu Phật ngôn tương tựa như câu Phật Ngôn:
"Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? "Hãy thấy ác là ác", đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây, "Hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly", đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia".
Chúng tôi thường ngồi để suy tư và tâm niệm về lòng từ bi của Đức Phật. Đức Phật Ngài giống như một người cha thấy con hư hoặc nếu nó nên người tốt đẹp thì ông cha lại khuyến khích và nếu có những việc làm mà sai trái dẫn đến chỗ phiền khổ thì ông cha sẽ ngăn chặn.
Đọc vào trong kinh điển tìm thấy những lời dạy của Đức Phật chúng ta có thể cảm nhận ngay lập tức rằng Đức Phật dạy điều này không phải vì Ngài muốn xây dựng muốn có thêm đệ tử hay Ngài muốn thuyết phục người khác theo Ngài hoặc giả Ngài muốn chúng ta phải tin Ngài. Ở đây thường một điều là Ngài thấy chúng ta đi vào con đường khổ Ngài dạy và ngăn lại, chỉ đơn giản như vậy. Nếu chúng ta nhìn thấy được điều đó thì chúng ta có thể cảm nhận được lòng đại bi sâu xa của Đức Phật.
Một điểm khác, khi đề cập đến giáo lý của Đức Phật thì chúng ta thấy rằng Ngài rất rõ ràng. Ngày hôm nay có khuynh hướng người ta thích cái gì mơ hồ đao to búa lớn nhưng chúng ta không có đặt nặng vấn đề, mà làm sao chúng ta có thể nghe có thể hiểu và có thể đem vào trong đời sống. Lời dạy của Đức Phật vẫn còn vang đọng cho đến ngày hôm nay vì tánh cách trong sáng dễ hiểu thực dụng của Ngài.
Cũng từ bài kinh này, chúng ta xét thấy một điều ở trong rất nhiều trường hợp khi Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến thiện và ác Ngài không quanh co như chúng ta. Khi Đức Phật đề cập đến thiện và ác Ngài không cho nó màu sắc triết lý như chúng ta. Khi Ngài đề cập đến điều thiện và ác Ngài không làm cho vấn đề nó quá mơ hồ. Chúng tôi nhớ một nhà lý luận của người Tây Phương họ nói: "có một nghịch lý là cả hai bên khi đánh nhau họ đều tin tưởng vào Thượng Đế và bên nào cũng tin rằng Thượng Đế đứng về phe mình và mình cầu nguyện Thượng Đế giúp cho mình chiến thắng kẻ địch, bên này và bên kia cũng vậy".
Do vậy lâu ngày, ngay cả hình ảnh của Thượng Đế, hình ảnh của thiện và ác nó đều có tánh cách là thiên kiến, bóp méo.
Riêng đối với Đức Phật, Ngài dạy rất rõ đây là thiện, đây là bất thiện. Và khi đề cập đến bất thiện thì Ngài cũng dạy rõ là chúng ta nên làm gì. Về điều này không phải chỉ áp dụng với ác pháp, không phải chỉ áp dụng với một số các pháp mà chúng ta chỉ nghe một hay hai pháp và riêng đối với Tứ Diệu Đế trong bài kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật Ngài cũng dạy rõ khi chúng ta nhận thức Tứ Đế thì chúng ta nhận thức theo 3 luân 12 chuyển. Ba luân 12 chuyển đó là:
Đây là khổ là mình nhận thấy mặt mũi của sự khổ, khổ cần được nhận thức và khổ đã được nhận thức.
Đây là nguyên nhân sanh khổ, nguyên nhân sanh khổ cần được đoạn diệt và nguyên nhân sanh khổ đã được đoạn diệt.
Đây là Diệt Đế, Diệt Đế cần được chứng ngộ và Diệt Đế đã được chứng ngộ.
Đây là Đạo Đế, Đạo Đế cần được tu tập và Đạo Đế đã được tu tập.
Thì thưa qúi vị đối với chúng ta thông thường khi định nghĩa điều gì chúng ta chỉ định nghĩa một phương diện thôi, đây là khổ, đây là tập, đây là đạo. Nhưng khi Đức Phật Ngài nói rằng Khổ Đế cần được nhận thức, Tập Đế cần được đoạn diệt. Diệt Đế cần được chứng ngộ và Đạo Đế cần được tu tập thì Đức Phật không phải chỉ dạy cho chúng ta cái pháp đó mà Ngài dạy chúng ta có thái độ đối với pháp đó. Và chẳng những vậy mà chúng ta có thể ý thức được rằng từ sự nhận diện cho đến biết là chúng ta nên làm gì và ý thức rõ là chúng ta đã làm gì thì cái đó là một cái biết hoàn chỉnh một cái biết đầy đủ nó kéo dài từ sự hiểu biết qua sự thực hành, từ cái định nghĩa cho đến thái độ của chúng ta đối với vấn đề.
Chính những điểm này đã thiết lập cơ sở của Pháp Học, Pháp Hành, Pháp Thành. Chính những điều này làm cho Phật Pháp được tỏ rõ. Chúng ta là người học Phật thì chúng ta không thể lơ là với điều này, rất cần và rất nên biết về những điều như vậy để giúp cho chúng ta chẳng những được tinh tiến và còn lợi lạc ở trong Phật Pháp.
- Sự nhiệm màu của Phật Pháp không phải là chúng ta đi chùa cầu nguyện một pho tượng rất là linh và chúng ta gọi đó là sự nhiệm màu.
- Sự nhiệm màu trong Phật Pháp là học, hiểu và thay đổi đời sống và khi chúng ta thay đổi được đời sống chúng ta thấy những điều này rất hoan hỉ rất màu nhiệm ./.
No comments:
Post a Comment