Thursday, August 21, 2014

Đời sống độc cư ẩn sĩ có giúp ích nhiều cho sự tu tập không?

Hỏi: Đời sống độc cư ẩn sĩ có giúp ích nhiều cho sự tu tập không?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-8-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Như tất cả chúng ta đều biết công việc của chúng ta không dễ dàng để thay đổi khi mình sống cho dù ở chùa hay ở các thiền viện thì người ta hay tìm cái gì thích hợp, dễ chịu, và thoải mái. Một khi người ta nghĩ mình đi tu có nghĩa là mình chọn một nơi có những vị Thầy dễ, hay trong chùa có tiện nghi, Phật tử lui tới cúng dường nhiều. Thì cái nhìn đó không phải là cái nhìn hoàn toàn sai. Nhưng nếu chúng ta xét một khía cạnh khác, nếu một người đi tu  mọi việc đều thuận lợi, mọi việc đều thoải mái thì đa phần là chúng ta bị ru ngủ, đa phần chúng ta nuôi dưỡng phiền não và chúng ta rất ít khi phấn đấu. 

Hầu hết chúng ta đều sống với thói quen, thói quen đó có khi là thường cận y duyên, hay tập khí của nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta quen ăn như vậy, quen nói như vậy, quen sống như vậy, quen làm như vậy. Thói quen đó không có nghĩa là đều thay đổi. Thí dụ, chúng ta có tật thích nói nhiều, chúng ta có một tật rất thích đám đông, thích quan hệ, bây giờ tự nhiên chúng ta thay đổi thì nó cho chúng ta phản ứng khó chịu. Như vậy, ở trong đời sống xuất gia sự khác biệt giữa hai vị tu sĩ, một là chịu thay đổi, hai là không muốn thay đổi. Sự thay đổi có nghĩa là mình cho mình một cơ hội để làm khác hơn cái mình đang làm, mình cho mình cơ hội có nghĩa mình chấp nhận là có thói quen cái tập khí nó vốn không nên là điều để chấp cái "tôi" cái "ta" không nên là điều để đánh bóng.

 Nếu chúng ta không thay đổi, nếu chúng ta không đi xa hơn trong sự tu tập mà chúng ta cứ đặt vấn đề là làm sao mình được dễ chịu, được thoả mãn được vừa ý, thì thật ra đời sống đi tu rất là vô nghĩa và giáo pháp của Đức Phật đối với chúng ta chỉ là một thứ trang sức không hơn không kém để cho đẹp thôi. Mình là tu sĩ có chiếc y, có chùa chiền, có chức vụ này chức vụ khác, có thế này thế khác nhưng căn bản trong nội tâm của chúng ta ham danh, ham lợi, ham hưởng thụ thì nó có cái tệ hại. Và không dễ dàng một người chịu thay đổi, thông thường nếp sống ở các ngôi chùa nó chỉ là một cái gì rất tương đối và nhiều khi mình càng đi tu lâu càng quen thuộc thì hình như nó là một thế giới an ổn cho mình trốn tránh những phiền lụy của thế gian, điều đó hoàn toàn không phải là mục đích của một tu sĩ. 

Nếu chúng ta đọc kỹ trong kinh thì chúng ta thấy rằng đời sống của một Samôn hay một tu sĩ thật sự là đời sống dám thay đổi, thay đổi ở đây là bản thân của mình vượt lên trên những thói quen bình thường của mình. Và hiểu được điều đó thì chúng ta mới thấy rằng tại sao đời sống độc cư đời sống trong rừng giúp ích rất nhiều. 

Chúng ta hãy nói về trường hợp một số lớn các vị tu hạnh đầu đà ở Miến Điện và Thái Lan thường thích ở trong rừng và gần các lò hoả táng. Có nhiều nơi người ta làm lò hoả táng ở trong rừng, thứ nhất là tiện để đi tìm củi, thứ nữa là phần lớn người ta sợ ma, nếu để lò thiêu ở trong chùa thì có những Phật tử sợ ma, do dó họ làm rất sâu ở trong rừng khi có người chết thì họ đem vào đó hoả táng, hoả táng xong thì mọi người cùng về. Do vậy các vị tu đầu đà thường đến gần những nơi hoả táng ở qua đêm. Đường vào những chỗ hoả táng đã được chuẩn bị tương đối trống trải dễ đi hơn là đi băng qua khu rừng. Nhưng có một yếu tố rất quan trọng, một vị thiền sư rất nổi tiếng về hạnh đầu đà của cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế  kỷ 20 thì Ngài dậy rằng sự sợ hãi ở trong rừng sâu giúp cho người tu sĩ tỉnh táo, người tu sĩ chuyên trú vào đời sống tu tập nhiều hơn. Điều này chúng ta có nghe trong những bài kinh như kinh Khiếp Đảm Sợ Hãi, Đức Phật Ngài dạy trong Trung Bộ Kinh. Nói một cách khác là một người sống hưởng thụ, một người sống với tâm đầy phiền não thì không thể sống trong rừng được. Tại vì sao vậy? Tại vì một người sống đầy phiền não sống một mình cảm thấy đời vô nghĩa và thật sự cảm thấy rất sợ hãi.

Chúng tôi có hai lần đi tu đầu đà trong rừng, mỗi một lần 3 tháng, thì chúng tôi thấy có một điểm như vầy: những khi sống ở trong rừng sâu là  chính những đêm thanh vắng lại thu thúc chúng ta nương tựa vào Phật, nương tựa vào Pháp, nương tựa vào Tăng. Nương tựa vào Phật với sức mạnh nội tại.  Theo các bậc tu hạnh đầu đà thì ở giữa rừng rất sợ. Mặc dầu mỗi lần đi như vậy chúng tôi đi hai, ba chục người nhưng phải ở cách xa nhau làm sao mà từ nơi này sang nơi khác mà nếu vị này đốt lửa vị kia không thấy tức là cách xa nhau vài cây số. Và tiếng của những loài thú ban đêm như khỉ, vượn, chó rừng, cho đến loài côn trùng và thậm chí những loài cáo, có một lần chúng tôi gặp con gấu nó đến rất gần và nhiều thứ mà mình không biết con gì nó đi đến tạo thành những âm thanh sột soạt giữa đêm ở trên lá khô, ở trong lều nhìn ra thì có những con vật mình nhìn thấy cặp mắt dễ sợ vào ban đêm. Những lúc đó không tu không được.

Lần đầu, chúng tôi đi đầu đà hướng dẫn bởi Ngài Pasano thì thật ra ba ngày đầu chúng tôi không ngủ được bởi vì những âm thanh, có những tiếng ban đêm giống như tiếng con nít khóc, và những con vật đi tới âm thanh của bước chân tạo nên nỗi sợ hãi. Khi chúng tôi đi khất thực vào trong làng rồi xong về pháp xá để gặp Ngài Pasano là vị hướng dẫn, chúng tôi trình bày với Ngài thì Ngài mỉm cười Ngài nói rằng chính sự sợ hãi nó tốt cho vị tu sĩ. Sự sợ hãi sẽ thấy rằng chúng ta phấn đấu, sợ hãi sẽ làm cho chúng ta không dễ dui, sợ hãi sẽ làm cho chúng ta cố gắng tìm nơi nương tựa, và nương tựa thật sự. 

Chúng ta thấy có nhiều người lúc ăn nên làm ra ít nhớ đến Phật, còn những lúc đời sống có nhiều hoang mang xáo trộn thì lại đến chùa cầu nguyện nhiều. Nhưng đó là cách của người phàm phu bình thường, là khi sợ thì hay cúng kiếng lễ bái. Riêng đối với vị tu sĩ thì đã từng vận dụng rất nhiều tâm nguyện của mình, vận dụng rất nhiều ý chí của mình  và con đường tu của các vị sống ở trong rừng thì không dám dễ ngươi, thậm chí những tạp niệm trong đầu mình cũng ít dám nghĩ hoặc không dám nghĩ tại vì mình mong rằng sống trong thiện pháp để được Chư Thiên hộ trì và lúc đó mình chỉ nương tựa vào pháp thôi. 

Như bây giờ chúng ta ngồi đây chúng ta nói kinh SuttaNipata về đời sống trong rừng hay đọc trong kinh Pháp Cú về đời sống trong rừng chúng ta thấy chuyện đó dễ dàng lắm. Thật sự không phải dễ đời sống xuất gia mà vào rừng sống một mình không phải là dễ. Loài người là một sinh vật rất yếu, chúng ta không có khả năng để sống và tự vệ giữa thiên nhiên như nhiều sinh vật khác. Và trong rừng sâu núi thẳm không phải là môi trường quen thuộc của chúng ta. 

Chúng tôi nhớ rằng ở đó chỉ có cái lều mà gọi là lều cho có chứ thật ra nó chỉ là cái mùng thôi và chùm lên một cây dù. Cái mùng mỏng như vậy có che chắn nhưng nó không có nghĩa gì. Và khi chúng tôi đọc tiểu sử Ngài Ajahn Chah thì có một lần Ngài ở trong rừng ở Sisaket có hai con chó sói đến gầm gử nơi gần lều của Ngài và lúc đó Ngài hành đầu đà được 6 năm và Ngài không biết phải làm gì khi hai con chó sói gầm gừ muốn tấn công Ngài thì Ngài phát nguyện theo cách những người sống hạnh đầu đà thường phát nguyện là "nếu ở trong kiếp trước Ngài có oan trái có sát hại những sinh vật như vậy thì cứ đến lấy mạng mình Ngài chấp nhận, nhưng mà nếu Ngài không có oan trái thì xin cho những con vật này bỏ đi để cho Ngài được tiếp tục tập trung thiền định". Thì khi Ngài phát nguyện như vậy lát sau thì hai con chó sói tự động bỏ đi. Khi chúng tôi kể cho qúi vị nghe câu chuyện này thì qúi vị nghe rất bình thường, mình phải có mặt lúc đó thì mới thấy dễ sợ. Tỷ như qúi vị đi đường có những con chó dữ đến nó gầm gừ mình thấy dễ sợ rồi đừng nói chi là ở giữa rừng sâu. 

 Cuộc sống ở trong rừng khi chúng ta đọc kinh Pháp Cú có câu "Tâm của chúng ta khi sống ở thế giới không quen thuộc thì giống như con cá bị bắt ra khỏi nước thì nó vùng vẫy cái tâm này nó giao động". Khi mình đọc bài kinh đó mình mới hiểu rõ thì cũng như Đức Phật Ngài dạy tâm mình dễ giao động nếu nó không nằm ở trong hoàn cảnh bình thường như con cá bị vứt ra khỏi nước. Tuy nhiên nếu chúng ta đi đầu đà thì chúng ta hiểu sống ở trong rừng thì tâm giao động mãnh liệt và trong sự giao động đó chúng ta thấy cần tìm sự nương tựa và chúng ta mới thắp sáng trí tuệ của mình, lúc đó không ai cứu mình hết, mình phải tự cứu chính mình.

Ngay cả một việc chúng ta sống chúng ta còn ỷ lại. Thí dụ mình sống ở giữa thành thị mình ỷ lại là có kín cổng cao tường, nhà có khóa an toàn, gặp chuyện gì thì gọi sở cứu hỏa họ đến cứu giúp, bệnh thì gọi xe cứu thương đến chở đi. Nhưng có những lúc sống trong rừng lạnh co ro lấy tăng già lên chùm lên và lúc đó thì có lúc chúng tôi nghĩ thật ra vào giờ phút đó mà mình trúng gió chết cũng không ai biết hết, chết giữa rừng mà nếu một hai ngày mà mình không đi khất thực và những người đạo bạn hay Ngài Cả hướng dẫn đi đầu đà Ngài thấy vắng mình Ngài đi tìm thì chắc xác mình đã có mùi rồi. Thì những lúc nghĩ như vậy thì rất chạnh lòng, đôi khi có một thoáng băng khoăn không biết mình đang làm cái gì và việc mình đang làm ở đây thật sự có tốt hay không. Đó là cả một sự vật lộn rất lớn. Nhưng có một điều chắc chắn là việc đó nó làm cho mình tỉnh táo. 

Chúng tôi muốn ngưng một chút khi nói về đời sống ở trong rừng.

 Chúng tôi nói đến sự sinh hoạt trong đời sống hàng ngày như là môi trường chúng tôi đang sinh hoạt ở tại đây. Thật ra, đôi lúc mình phải gánh vác những công việc mà nó dường như quá sức mình. Đôi lúc mình phải làm những điều mà hầu như nó không thoải mái cho lắm. Nó nặng nề  về nhiều phương diện. Nhưng chúng tôi có một kinh nghiệm của cuộc sống là chính cái khó khăn nó lại kích thích lại làm cho chúng ta tỉnh táo, làm cho chúng ta dè chừng, làm cho chúng ta ngó trước ngó sau. Và chính cái thành công, chính cái thoải mái dễ chịu đó nó thường đẩy chúng ta vào cái chỗ quên mình, chỗ dải đãi và cái chỗ mà chúng ta mất đi cái ý chí phấn đấu. Chúng tôi thấy có một kinh nghiệm sống ở trong chùa là những vị tu sĩ  mà luôn luôn đi tìm cái an toàn tìm cái dễ dàng cho mình thì thật ra lâu ngày cái tâm cùn cụt đi xuống và mất khả năng phấn đấu. Nhưng nếu chúng ta dám làm, dám kê vai gánh vác những trọng trách và dám phấn đấu thì chính điều đó giúp chúng ta rất nhiều. Ở đây, chúng tôi không có nói là mình sống ở trong sự hoang tưởng làm những chuyện hoàn toàn ngoài sức của mình. Thật ra, rất là khó để đánh giá thế nào là giới hạn cái mức của khả năng của chúng ta, chúng ta phải làm, phải đi, phải sống và dấn thân thì mình mới thấy rằng ở trong những hoàn cảnh gay go chướng ngại, thấy nó như vậy mà tốt cho đời sống của chúng ta hơn vì chúng ta có phấn đấu. Nhưng cái chúng ta dễ chết nhất đó là ở trong lúc cái gì nó cũng thuận, cái gì nó cũng tiện, cái gì nó cũng vừa ý thích, cái gì cũng hợp ý hợp lòng những lúc đó chúng ta sống dễ ngươi, chúng ta sống dải đãi.

 Ngày xưa khi chúng ta đọc mẫu chuyện của các vị sống trong rừng thì nghĩ rằng có lẽ các vị sợ chúng sanh như sợ đỉa để trốn tránh nhưng kỳ thật phải có sống qua thì mới hiểu được một vị ẩn sĩ sống trong rừng đòi hỏi chúng ta bản thân phải phấn đấu rất nhiều những ý tưởng như tà niệm hay dục niệm mà chúng ta ở thành thị có khi khởi lên những tạp niệm, nhưng sống giữa rừng sâu chúng ta không dám nghĩ đến. Có những lúc mình ngồi ở trong rừng chung quanh những cây cao to mình nghĩ ở trên đó có những vị thọ thần có những vị Chư Thiên đang trú, cái cảm giác đó chúng ta không có ở thành thị nhiều, mình biết Chư Thiên ngụ chung quanh nhà, thật ra ở trong rừng thì có cảm giác đó mạnh hơn. Và Chư Thiên đọc được tâm ý mình thì lúc đó chỉ có nhắc là ngồi niệm hơi thở hay niệm ân đức Phật hoặc giả ngồi niệm tâm từ, đọc kinh Từ Bi, cố gắng đi vào giấc ngủ bằng tâm từ. Đức Phật dạy người tu tập tâm từ thì có Chư Thiên hộ trì. 

Những sự phấn đấu như vậy rất là mãnh liệt khi mình sống ở trong rừng và khi mình sống ở giữa thị thành đầy đủ tiện nghi thì sự phấn đấu không có. Đôi khi chúng ta phải có những hoàn cảnh để tác động tâm tư của mình. 

Và một vị đi đầu đà khi sống ở trong rừng ngoài việc tin tưởng vào Tam Bảo, tin tưởng vào sự hộ trì của Chư Thiên còn phải tin tưởng vào cái pháp của mình đang thọ trì, cái giới mình đang thực hành. Tại vì một phút dễ dui, một chút dễ ngươi, một chút coi thường nào đó mà tâm cho thấy sự dải đãi và sự dải đãi đó nó đe dọa lòng tự tin của mình, và lúc đó mình cố gắng làm sao cho thật tốt. Nó giống như trường hợp mình ở trong hoàn cảnh bắt buột thì mình mới giữ nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ còn ở trong điều kiện không có chuyện gì thì tự nhiên mình không muốn phấn đấu nữa. Con người của chúng ta mình nên hiểu rằng thay đổi thói quen của mình, thay đổi nếp sống của mình không dễ, cái tâm của mình mà nó đi ngược lại với môi trường  mình thường sống thường an trú thì giống như con cá vứt ra khỏi nước thì cái tâm này nó vùng vẫy giao động, những lúc đó chúng ta cảm thấy thấm thía. 

Những ngày như ngày hôm nay phải nói rằng có một số cảm xúc mới nhìn thấy thì rất thụ động nhưng kỳ thật thì nó lại lợi nó là sức mạnh nếu chúng ta biết khéo vận dụng. TT Tuệ Siêu giảng: "có những thọ ưu nên thân cận và thọ ưu không nên thân cận" mình nghe câu đó rất bình thường nhưng kỳ thực thì ở trong đó mang nhiều bí quyết sống. Là có những phiền não mà đặt đúng chỗ thì nó biến thành nghị lực nó biến thành sinh lực nó tạo cho chúng ta rất là nhiều năng lực. Thí dụ sự sợ hãi mà chúng ta nói như chúng tôi sang bên wat Pah Nanachat thời gian đầu chúng tôi bị cái bịnh buồn ngủ hôn trầm, một bịnh ở trường thiền sợ nhất là sự buồn ngủ, mỗi khi buồn ngủ ngồi thiền khó, lý do buồn ngủ triền miên đó là một ngày đi ngủ lúc 10:00 giờ thức dậy 3:00 giờ sáng để rồi chuẩn bị vệ sinh rồi 4:30 đi tụng kinh rồi ngồi thiền, rồi đi dọn dẹp xong mới đi khất thực, ở Thái Lan đi khất thực sớm thì giấc của chúng tôi là 10:00 đi ngủ mà 3:00 giờ sáng thức dậy thì không đủ mặc dầu chỉ thiếu 1 giờ đồng hồ thôi mà khi buồn ngủ như vậy, bây giờ khi chúng ta ngồi đây nói chuyện mình buồn ngủ thì nó không phải là thứ phiền não nó là tự nhiên thôi, nhưng nếu chúng ta ở trường thiền thì chúng ta thấy rằng buồn ngủ nó là một chướng ngại, vừa ngồi xuống nhắm mắt vừa để ý hơi thở một chút xíu là tự nhiên cơn buồn ngủ làm chúng ta không thể tập trung được nữa. 

Thì có nhiều cách để đối trị cơn buồn ngủ nhưng một cách hơi cực đoan một chút. Người ta thường được hướng dẫn tại các trường thiền là khi buồn ngủ quá mà mình ở trong am thất ở trong cốc thì mình bước ra bên ngoài đi trên con đường kinh hành nhưng đừng mang đèn theo và đi chân không nó làm cho chúng ta tỉnh táo. Tại vì sao vậy? Tại vì  ở trong đêm tối dưới chân mình không biết có cái gì thì tự nhiên tỉnh lại và mình trở về chỗ ngồi thiền trong vòng mươi phút. 

Thì lý do chúng tôi nói sự sợ hãi là phiền não nó cũng tốt, hay là mình nên dùng cái phiền não để biện hộ nhưng chúng tôi nói có những thọ ưu nên thân cận, có những trạng thái mới nhìn thì nó như là một sự giao động, sự bấn loạn, sự sợ hãi, nhưng mà từ nó là cái gì rất tự nhiên từ đời sống độc cư, đời sống trong rừng, đời sống đó làm cho chúng ta phải trở về nương tựa với Pháp, với đề mục thiền định, lúc đó mình thấy có sự cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, cung kính học giới, cung kính thiền định, những pháp mà nó rất là rõ. Bởi vì sao, bởi vì là nơi nương tựa của mình.  

Là với một người tu tập thì những chướng duyên, những trở ngại, và cuộc sống vô định nó không đáng sợ bằng cuộc sống ổn định, nó không đáng sợ bằng đời sống tương đối tiện nghi đầy đủ, không đáng sợ bằng sự ru ngủ của mình. Một khi mà mình bớt đi sự phấn đấu và bắt đầu sống để hưởng nhàn hưởng thụ thì lúc đó thật ra chúng ta đang bị phiền não dẫn dắt, và chúng ta mất đi sự phấn đấu chân thực. Vì vậy nếu chúng ta đọc kỹ trong kinh thì chính sự  kham nhẫn đối với nghịch cảnh và nếu chúng ta làm được thì nó tạo cho chúng ta sức mạnh nội tại. 

Và đôi lúc nói thì hơi quá đáng nhưng  chúng ta phải cảm ơn những lao khổ của cuộc sống, chúng ta phải cảm ơn những đọa đầy những nhọc nhằn của cuộc sống nó làm cho chúng ta trổi dậy. Nhưng mà nó sẽ là một điều rất đáng sợ nếu đời sống của chúng ta là đi tìm cái tháp ngà đi tìm một nơi cư trú bình yên một lối sống bình yên và mình nghĩ rằng mình sẽ sống hoài hoài. Thật ra nó không có chỗ nào bình yên hết, nó chỉ là một hảo ý nhắc cho chúng ta thôi. Một người tu tập nếu có chấp nhận một điều rằng mình cần phải thay đổi, mình nên thay đổi, và mình phải thay đổi thì chúng ta dễ dàng nhận ra chính cuộc sống ở trong rừng, cuộc sống ở nơi thanh vắng nó tạo cho chúng ta một hoàn cảnh bắt buột phải phấn đấu, và chúng ta sống dễ dàng để thay đổi hơn. Khuynh hướng của chúng ta ngày nay là cuộc sống có tiện ích, cuộc sống của tiện nghi, cuộc sống của thoải mái, chúng ta vẫn mong mỏi rằng mọi thứ sẽ thuận buồm xuôi gió và chúng ta rất vui khi chúng ta cảm thấy được may mắn nhưng mà đằng sau sự may mắn đó nó không cho chúng ta cái gì ngoài cái phiền não khi những nghịch cảnh nó đến thì nhiều khi nó làm cho chúng ta trạnh lòng.

Trước đây trong chùa chúng tôi để ý ở chỗ nào khổ đời sống tương đối rất thiếu thốn thì các vị học nhiều các vị tu nhiều, ở chỗ nào sung túc thì cái học cái tu không có nhiều vì thiếu sự phấn đấu. Chúng tôi không có nói rằng đời sống để đi tìm cái khổ nhưng cũng không thể phủ nhận được chính sự dấn thân chính sự dám làm nó mới phát triển được cái hùng tâm, mới phát triển được ý chí của mình. Còn đời sống lúc nào mình cũng nghĩ đến mình có công ăn việc làm để nương tựa, mình có nhà cao cửa rộng để nương tựa, mình có những người thân chung quanh để mình nương tựa, thì lúc đó đôi khi mình quên như thế nào là nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng. Chúng ta cũng hiểu hành trình tu tập có nghĩa là chúng ta đi trên một con đường mà con đường đó khả dĩ làm mất đi từ cái ý chí thay đổi của chúng ta và nếu chúng ta muốn làm khác đi thì nó phải có cái gì thu thúc nếu chúng ta không có động lực thu thúc thì chúng ta đa phần sống đời sống với thói quen,  thói quen nó thay đổi dần dần từng chút một nhưng đa phần thì thói quen nó chỉ là lập đi lập những cái đáng nhàm đáng chán của cuộc sống. 

Cũng giống như chúng ta đọc ở trong kinh Thánh Cầu trong Trung Bộ Kinh, Đức Phật Ngài kể kinh nghiệm Ngài còn là hoàng tử trong cung "tại sao ta bị sanh già đau chết chi phối gây hại mà lại đi tìm cái sanh già đau chết chi phối đúng là vòng luẩn quẩn" và Ngài lên đường. Chúng ta đọc những bài kinh như là kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm của Trung Bộ Kinh chúng ta mới thấy được quả thật là ở trong cuộc sống một mình ở trong rừng sâu núi thẳm bao nhiêu cái tinh anh bao nhiêu cái ý chí từ tâm tư của vị Bồ Tát. Chúng ta thường  kể về cuộc đời Đức Phật chỉ kể cái gì đẹp cái gì mình thích nghe ít có ai biết về sự phấn đấu về những ý chí khởi lên trong tâm Ngài trước khi thành đạo. Nhưng mà đó là những bài học rất đẹp bài học đó cho chúng ta rất là nhiều. 

Nên chúng tôi mong rằng bài kinh Ẩn Sĩ này cũng như nhiều bài kinh khác ở trong kinh Tập nếu chúng ta nghiền ngẫm cho kỹ chúng ta không nên nghĩ rằng chuyện đó mình nghe rồi mình biết rồi, khi nghe kinh Ẩn Sĩ  chỉ nghe giảng một vài lần là mình hiểu, không phải như vậy, có những thứ chúng ta cần phải nhớ, cần phải nghe đi nghe lại để chúng ta có thể thấm thía, có thể hiểu rõ được giá trị của từng bài. Đề tài độc cư của các vị Mâu Ni không phải dễ dàng ở đây nó cũng tương tự như là bài kinh TT Tuệ Siêu giảng kinh Tê Ngưu Một Sừng ./.

No comments:

Post a Comment