Saturday, January 7, 2017

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 1 - Vô Minh duyên Hành

Thập Nhị Nhân Duyên 
 Bài 1 - Vô Minh Duyên Cho Hành 

TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ

Chánh Hạnh chuyển biên, Minh Hạnh biên tập

Tại sao có những lúc chúng ta làm việc hăng hái, nghe pháp cũng hăng hái, tu hành cũng hăng hái. Có những lúc chúng ta không muốn đi chùa không muốn cầm quyển kinh nữa. Tại sao có những lúc chúng ta rất dễ thương, có những lúc chúng ta rất dễ giận. Có những lúc con người chúng ta rất rộng rãi, độ lượng dễ tha thứ. Nhưng có những lúc chúng ta ai làm chuyện gì nhỏ cũng bực mình. Các nhà tâm lý học gọi là những xúc cảm, tức là những cảm xúc phức tạp trong tâm hồn mình. Chính địều đó đã là khó hiểu hà thứ là muôn vàn điều khác. 

Như vậy khi tìm hiểu lý Thập Nhị Nhân Duyên chúng ta phải có một chút kiên nhẫn. Khác hơn Tứ Đế, vì Tứ Đế rất dễ nói. Đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là hạnh phúc, đây là con đường đưa đến hạnh phúc. Tương đối những ý nghĩa rất gần gũi với chúng ta. Nhưng khi nói tại sao "vô minh duyên cho hành", tại sao "hành duyên cho thức", tại sao "thức duyên cho danh sắc" và "danh sắc duyên cho lục nhập", ý niệm về thời gian và không gian hoàn toàn là cái gì rất khó hiểu. Lấy ví dụ như vầy, khi chúng ta nói "thức duyên cho danh sắc", chúng ta nói từ đời này qua đời kia, từ kiếp này qua kiếp kia, tức là hai kiếp. Nhưng khi nói xúc "duyên cho thọ", tức là thấy cảnh tự nhiên vui, thì đó là cái mảy may. Hoặc giả "sanh duyên cho lão tử", tức là từ lúc bắt đầu đời sống đến lúc chấm dứt đời sống. Như vậy chỉ với vấn đề thời gian thôi đã là khó hiểu rồi.

Có lúc chúng ta nói thật dài và có lúc chúng ta nói thật ngắn. Tại sao sanh không duyên cho bệnh, không duyên cho khổ, mà duyên cho già chết. Tại sao chúng ta nói hột xoài là nhân, trái xoài là quả mà chúng ta không nói lá xoài, cành cây xoài, thân cây xoài là quả. Như vậy là nó có ý nghĩa riêng của nó. 

Do vậy khi học về giáo lý duyên khởi, chúng tôi rất cẩn thận dè dặt, bởi vì sao? Vì nếu trình bày thiếu cặn kẻ, thiếu chi tiết dễ tạo nhiều sự hiểu lầm. 

Bây giờ chúng tôi lấy con người làm ví dụ cho bài giảng đầu tiên “ Vô minh duyên cho hành”. 

Thế nào là vô minh duyên cho hành?

 Vô minh đã được định nghĩa trong kinh tạng nghĩa là không thấy không biết được sự khổ và nguyên nhân của nó, sự nguy hiểm của nó. Bởi vì không thấy không biết nên không ngừng hành động. Nghe nói như vậy chúng ta thấy rất lạ, rất lạ tại vì sao? Tại vì chúng ta nghĩ rằng cái gì trong đời sống mình làm là do chúng ta biết, chúng ta suy nghĩ. Do chúng ta suy nghĩ chúng ta mới hành động, nhưng thật ra chúng ta hành động bởi vì chúng ta không biết. 

-Ví dụ, chúng tôi hỏi quý vị, “Quý vị làm nghề gì?”

-Quý vị trả lời, “ Tôi làm nghề thư ký”, 

-Chúng tôi hỏi tiếp, “ Quý vị có dám đoan chắc rằng, nghề thư ký là nghề tốt nhất trong cuộc đời quý vị không? Quý vị có chắc không?”. 

-“Tại sao quý vị không chắc?” 

-Nhưng hỏi, “ Tại sao quý vị không chắc mà lại chọn nghề thư ký?” 

-Quí vị trả lời là " vì không biết phải làm cái gì" . 

Nếu như sáng nay chúng ta ngồi xem TV.

- Hỏi rằng, “ Việc ngồi coi TV có phải là việc làm tốt nhất trong đời quý vị không?” 

-Quý vị nói, “ không chắc như vậy”.

-Nhưng hỏi, “ Tại sao quý vị không làm cái gì khác thay vì ngồi coi TV?” 

Vì Quý vị không biết làm gì bây giờ. Quý vị đâm ra ngớ ngẩn. 

Hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu triệu con người chúng ta đến từ cái mà chúng ta gọi là không biết. Nếu chúng ta biết, chúng ta sẽ khác hơn nhiều. Nếu chúng ta biết điều thực sự mình phải làm gì, chúng ta thành Phật hết rồi. Chúng ta biết mình phải ăn như thế nào, phải nói như thế nào, phải suy nghĩ như thế nào, phải làm như thế nào thì chúng ta thành Phật rồi. Nhưng cuộc đời này đang tiếp tục đang tồn tại là bởi vì chúng ta không biết.

Ông bà chúng ta có câu nói chúng tôi lấy làm thí dụ: “ Trăm người mua, vạn người bán”. Trên đời này lúc nào cũng có một số người nghỉ rằng, “Đây là thời gian tốt nhất để bán ra, đây là thời gian tốt nhất để mua vào”. Quý vị nào biết thị trường chứng khoán sẽ rõ. Có điều lạ lùng lúc nào cũng có người nghĩ rằng thời gian tốt để mua vì họ không mua thì không ai bán được, phải không?. Lúc nào cũng có một số người nghĩ rằng, “Đây là lúc để bán ra”. Như vậy có người mua mới có người bán và có người bán mới có người mua, nhưng tất cả đều là trò chơi mạo hiểm, vì không ai biết chắc nó sẽ ra sao hết. Nhưng nếu không có cái mạo hiểm đó. Nếu quý vị biết rõ rngày mai quý vị mua cổ phần đó, quý vị sẽ giàu to. Nếu ai cũng biết được thì thị trường chứng khoán sẽ đóng cửa vì không ai bán, không ai bán thì không có người mua. Như vậy thị trường chứng khoáng tồn tại ở đâu? Tồn tại ở chỗ cái không biết của người ta. Nếu có ngươi biết thì sao? Thì cuộc đời sẽ không hiện hữu nữa.

Đức Phật nói: “ Vô minh duyên cho hành”. 

Người Anh có câu nói rằng, “ If you don’t know anything, do nothing.” Nghĩa là nếu quý vị không biết phải làm cái gì thì đừng làm cái gì hết. Tại sao họ nói câu nói đó, tại vì chúng ta theo thói quen khi không biết phải làm gì thì chúng ta làm nhiều thứ, chúng ta làm đủ thứ chuyện hết. Những lúc chúng ta cảm thấy bối rối trong tâm hồn, chúng ta thắc mắc, chúng ta chạy ra chạy vô. Người khác họ nói rằng, “ Anh nói nhiều cũng vậy, anh lo nhiều cũng vậy, anh đi tới đi lui cũng vậy, anh lo cũng vậy, cũng chẳng giải quyết được vấn đề”. Nhưng chúng ta không chịu ngồi yên đâu. Chúng ta phải làm cái gì đó, tại vì sao? Tại vì chúng ta không biết phải làm cái gì. 

Ở hải ngoại chúng ta nói rất nhiều về tự do, nói rất nhiều về giải phóng đất nước, nói rất nhiều về đoàn kết. Chúng ta nói nhiều như vậy vì chúng ta không biết làm cái gì cả. Vâng, bởi vì chúng ta chưa biết phải làm cái gì nên chúng ta phải nói. Mới nghe nói có vẻ rất vô lý. 

Chúng ta bố thí, trì giới, tham thiền vì nghĩ rằng, “ Nó có quả tốt”. Có quả lành thì chúng ta phải làm. Chúng ta biết và chúng ta làm chí công để có quả tốt.  Cũng giống như quý vị đang đi làm, là bởi vì quý vị nghĩ rằng quý vị đã có lựa chọn tốt. 

Những cặp vợ chồng thường đặt những câu hỏi như vầy: 

-“ Nếu bây giờ cho anh hoặc em có cơ hội lựa chọn lại người anh hoặc em để kết nghĩa trăm năm thì anh hoặc em có chọn nhau nữa hay không?” 

Chuyện đó thật khó trả lời. Dĩ nhiên lúc lựa chọn phải có thương yêu, cũng có nghĩ cái này cái kia, nhưng bây giờ hỏi một cách thành thật như vậy. Quý vị đã sống với nhau 10 năm 20 năm, quý vị có dám chắc rằng người vợ hay người chồng quý vị đang sống là người đàn ông tốt nhất là người đàn bà tốt nhất trong cuộc đời hay không? Có người sẽ trả lời không chắc, đó là số mạng. Cái gì chúng ta cũng đổ thừa cho số mạng, đó là gì? Đó là vì chúng ta không biết. Chúng ta không biết cái gì chắc, không biết cái gì rõ ràng hết, do không biết đó chúng ta vô minh. Cái không biết đó Đức Phật Ngài nói: “ Chúng ta không biết bản chất của sự khổ” Và cuộc đời này tiếp tục được tồn tại trong sự u tối đó. Khi nào ánh sáng được mở ra, tất cả mọi thứ đều được nhìn thấy. Như Đức Phật nói trong kinh: “ Khi một người đắc đạo nhìn thấy cuộc sống một cách rõ ràng, họ không còn thích thú, không còn đam mê nữa”.

Ngày xưa khi Đức Bồ Tát là một vị vua. Một hôm Ngài đi ra khỏi bờ thành, trên đường Ngài nhìn thấy trên cây xoài có rất nhiều trái, gần đến độ chín. Một cây xoài tốt như vậy, tươi như vậy, ngon lành như vậy, nhưng Ngài chỉ nhìn rồi tiếp tục đi. Chiều hôm đó Ngài trở về Hoàng cung, khi đi ngang cây xoài, lúc bấy giờ Ngài nhìn thấy cây xoài đó xơ xác hết, không còn được nguyên trạng như lúc sáng. Ngài hiểu rằng có một nhóm người đi ngang đây nhìn thấy cây xoài và bởi vì cây xoài có trái ngon nên họ đã bẻ và phá hại cây xoài. Ý nghĩ khởi lên đầu óc của Ngài, Ngài nói rằng, “Ở đâu có danh và ở đó có lợi thì ở đó có lòng tham, ở đâu có mật ở đó có ruồi, ở đâu có lòng tham thì ở đó có phiền não, và người nào có những thứ đó giống như cây xoài có trái vậy, sẽ gặp muôn vàn bất hạnh”. Ngài trở về và quyết định trở thành đạo sĩ.

Cái nhìn vào Nhân-Quả là cái nhìn rất tế nhị. Khi chúng ta nói "vô minh duyên cho hành". Với cái nhìn bình thường của chúng ta cây xoài bị tơi tả là tại vì người ta làm cho nó tơi tả. Đó là cái nhìn của chúng ta. Nếu chúng ta là chủ cây xoài chúng ta sẽ bực mình và chửi mắng những người đó, “ Không biết ai đã phá cây xoài của mình” Nhưng với cái nhìn của một bậc thiện trí thức như Bồ Tát lại khác, “ Cây xoài sở dĩ nó bị tơi tả như vậy vì nó có trái xoài”. Cái nhìn đó khác với chúng ta nhiều. Không biết trong đời sống của chúng ta có thể nhìn thấy được sự khác biệt đó hay không? Khi chúng ta cho rằng cây xoài bị tơi tả bởi vì do có người hái phá nó, những người thiếu ý thức đã làm hại nó. Thay vì cây xoài này sở dĩ bị tơi tả như vậy do chính nó có trái xoài.

Cũng như vậy, lúc nhỏ khi có ai nói chúng ta buồn lòng chúng ta thường nói, 

-“ Ngày hôm nay tôi cảm thấy rất bực bội vì anh A anh B đã xỉ vả tôi ” 

Nhưng nếu chúng ta là người tu thiền chúng ta phải nói rằng,

-“ Ngày hôm nay chúng ta bị khổ tâm vì tâm chúng ta chưa tu đúng mức hay chúng ta qúa nhạy cảm với đối với vấn đề đó.”

Hai cái đó cũng là nhân quả, nhân quả đó khác nhau. Do vậy khi Đức Phật nói về vô minh là nói về một cái nhìn không có xuyên qua thực trạng đời sống. Không xuyên qua thực trạng đời sống là con người chỉ nghĩ có ngoài mà không có trong, là con người nhìn vào qủa mà không nhìn vào nhân, con người chỉ nhìn vào hiện tại mà không nhìn về quá khứ. Khi không nhìn tường tận như vậy, nên con người khổ. 

-Thế nào là con người nhìn ở ngoài, không nhìn ở trong? Một người có chuyện buồn phiền thì một lúc có cả hai yếu tố, yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong nữa. Ở bên ngoài người ta nói một câu nói mình buồn lòng. Nhưng tùy theo cách nhìn của mình về câu nói đó có thể làm cho mình buồn lòng hoặc bình thản. Tức là có yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong, chứ không đổ lỗi cho một yếu tố được. 

Chúng ta sống ở Việt Nam thường than thân trách phận là không có tự do. Nhưng khi chúng ta qua bên Tây bên Mỹ có tự do, thì chúng ta có hết than trách không? Cũng còn chứ. Bởi vì sao? Vì khổ đau không những có bên ngoài mà còn có bên trong mình nữa. Đức Phật không phủ nhận những yếu tố bên ngoài. Ngài nói “có” Ngài nói trời nóng trời lạnh bên ngoài làm cho mình khổ, mình có nhận điều đó. Ngài nói người ta đối xử mình tệ bạc mình khổ, có nhận điều đó. Nhưng Ngài nói đừng đổ hết lỗi vào chuyện đó. Bởi vì sao? Thí dụ như khi đi mình lở đá vào cái ghế, mình có thể nói rằng ai để ghế bừa bải làm cho mình đá phải nhưng mình cũng có trách nhiệm là tại mình không nhìn cẩn thận chứ không thể đổ thừa cái ghế. Thấy yếu tố bên ngoài phải thấy cả yếu tố bên trong nữa. Nhưng chúng ta chỉ thấy một yếu tố, nên Đức Phật gọi là "vô minh."

Thấy yếu tố hiện tại phải thấy yếu tố quá khứ. Yếu tố hiện tại là gì? 

Có nhiều khi chúng ta gặp chuyện bất hạnh gì đó, nhưng tại sao nhiều người cũng gặp trong hoàn cảnh đó mà họ tránh được, chúng ta gặp trong hoàn cảnh đó lại không tránh được như họ. Không tránh được là bởi vì nó có liên quan đến quá khứ. 

Lấy ví dụ chúng ta sang Hoa-Kỳ, bên đây người da trắng kỳ thị chúng ta. Khi chúng ta bị kỳ thị, chúng ta chỉ nhìn một yếu tố thôi, những người có tâm hồn kỳ thị là những người xấu, do họ xấu họ mới đối xử chúng ta tệ như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng phải để ý đến những yếu tố khác, ví dụ như là do chúng ta không khéo cư xử, nên họ không có thiện cảm với mình. Do không có thiện cảm nên người ta kỳ thị. Cũng dễ hiểu thôi. Không phải gặp ai là người Việt Nam, ai là người Tàu, họ cũng ghét hết. Cái này chi phối cái kia, cái kia chi phối cái nọ. 

Hoặc giả chúng ta ngồi tại đây, tại ngôi chùa này, không phải vì nghe một thời pháp mà tất cả quý vị đều được an lạc, có nhiều người trong quá khứ họ đã từng bỏ công bỏ sức xây dựng ngôi chùa để ngày hôm nay chúng ta có nơi ngồi nghe pháp được tiện nghi và trang nghiêm như vầy. Những người đó họ cũng có đóng góp vào không khí hiện tại, nhưng có thể chúng ta không thấy. Hay ví dụ như chúng ta sang bên Mỹ, bên Pháp, sở thuế họ gọi chúng ta lên họ làm khó dễ. Chúng ta nói  “ở Việt Nam như vậy mà sướng làm bao nhiêu bỏ túi bấy nhiêu. Qua bên này phải đóng thuế.” Chúng ta quên rằng lúc chúng ta lái xe trên xa lộ, đường xá tốt như vậy, ai bỏ tiền xây dựng đường xá cho chúng ta đi. Rồi có những dịch vụ này những dịch vụ khác, ai lấy tiền đâu lo cho chúng ta. Chúng ta chỉ nghĩ đến một chuyện thôi. Đức Phật nói, vô minh tạo ra nhiều chuyện phiền phức. Phiền phức hơn chúng ta nghĩ nhiều lắm. 

Vô minh là thấy được nhân mà không thấy quả, thấy quả không thấy được  nhân. Trong cuốn “ Bài học ngàn vàng” có một câu nói ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người, câu nói đã được cất vào trong một hộp rất trang trọng, câu nói đơn giản như vầy, “ Phàm khi làm chuyện gì hãy nghĩ đến hậu quả của nó”. Một câu nói đơn giản như vậy, ảnh hưởng đến nhiều người. Bởi vì khi làm chuyện gì chúng ta không nghĩ đến cái quả của nó, nên hành động của chúng ta sai lạc. Chính vì không hiểu quá khứ, hiện tại , không hiểu vị lai nên chúng ta hành động một cách sai lạc.

 Chúng tôi đưa ra nhiều thí dụ như vậy, để chúng ta thấy một điều rằng, sự lãnh hội của chúng ta, đầu óc của chúng ta có thể đi sâu vào vấn đề, đi sâu đến mức nào thì nó thay đổi đời sống cuả chúng ta đến mức đó. Đức Phật xác nhận điều đó rất nhiều lần khi Ngài nói rằng, “Vô minh duyên cho hành”.

Chúng ta làm rất nhiều công việc trong đời sống, chỉ đơn giản một điều là bởi vì chúng ta không biết phải làm gì, chúng ta không biết nhân và không biết quả của nó. Ngày nay tại các quốc gia chúng ta đang sống, chúng ta thường có cái nhìn rất lệch lạc là hễ người nào học xong Tú tài thì tương đôi có kiến thức đủ để sống, người nào đi vào đời có cái nghề trong tay là đủ để sống, người nào có thể tiếp xúc được với người này tiếp xúc với người kia có đủ kiến thức để sống. Kiến thức đó theo Đức Phật, chỉ là kiến thức thôi. Nhưng nếu là một người tu thiền, ngồi suy niệm, thì có muôn ngàn kiến thức trong đời sống mà chúng ta chưa đạt đến mức Đức Phật ngài gọi là thấu triệt. Thấu triệt là cái nhìn xuyên qua. Do không có cái nhìn xuyên qua nên chúng ta khổ. 

Một người Ba-Lan, anh bây giờ đang định cư tại Chicago, viết về đời sống của anh, một công nhân trong một hãng tại Ba Lan. Anh là một người  có tay nghề cao. Anh nói rằng chức vụ và lương bổng của anh trong hãng không phải dựa theo cái tài, mà dựa theo lý lịch. Cha mẹ của mình có nằm trong Đảng Cộng Sản hay không? Mình có tham gia sinh hoạt Đảng hay không? Đó là yếu tố thứ nhất để được lương cao, yếu tố thứ hai là mình có chiều lòng những cấp trên hay không? Yêú tố thứ ba là mình có nhập cuộc với các người khác để làm việc gian trá, lấy của công hay thâm lạm công quỹ, mình có toa rập được với những người đó hay không? Nếu mình nhập bọn được, họ sẽ cho mình chức vụ quan trọng. Do vậy suốt cuộc đời làm công nhân anh có một điều mơ ước, “ Mơ ước một ngày nào đó anh được làm trong một hãng người ta biết được thực tài của anh, khi đó anh được đặt vào công việc tương ứng với khả năng của anh, như vậy anh có dịp phụng sự cho đất nước, cho dân tộc, cho xã hội”. Cuộc đời gần 20 năm làm việc tại Ba Lan, anh không có được cơ hội đó. May mắn về sau này anh được di dân sang Hoa- Kỳ, anh đã viết lại rất nhiều cảm giác của anh làm thế nào để trở thành một công nhân làm việc tương xứng với khả năng của mình, và niềm vui lớn lao của anh như thế nào. Khi đọc tập sách này chúng ta mới thấy một câu chuyện quan trọng, không phải ở đời sống của anh mà là ở đời sống của vợ anh. Khi vợ anh ở tại Ba- lan đã nói với anh như vầy, “Ước gì ngày nào đó, có một người hiểu được tài anh, trọng anh, cho anh một việc làm xứng đáng để gia đình mình được êm ấm”

Nhưng khi đến Hoa -Kỳ, anh được tất cả những điều mơ ước đó. Người vợ anh lúc bấy giờ không cảm thấy thoả mãn với chuyện đó nói rằng, “ Chúng ta đã bỏ quê hương bỏ xứ sở, từ bên kia qua đây để làm một người công nhân sao?” Anh rất là chán ngán, anh nghĩ rằng anh qua đây có một sở làm, một nơi biết được khả năng của anh. Đáng lẽ anh hoan hỷ lắm, nhưng anh lại không vui vẻ với chuyện đó. 

Điều đó cho chúng ta thấy những điểm như vầy, rất là khó khăn để chúng ta hiểu sự hiểu biết ảnh hưởng đời sống mình ra sao. Nếu chúng ta hiểu biết nhiều hơn, những hiểu biết trong đạo Phật hay hiểu biết về Phật-Pháp thì có thay đổi được. Chúng ta biết bằng lòng với hiện tại, chúng ta sẽ giảm bớt những cái Đức Phật gọi là phóng dật. 

Phóng dật có nghĩa là chúng ta không được an trụ một chỗ. Phóng dật có nghĩa chúng ta chạy theo cảnh này chạy theo cảnh kia. Có một chữ rất khó dịch, trong kinh tạng rất khó nói là diễn tả một tình trạng mà chúng tôi vừa nói với quý vị là phóng dật, tình trạng mà chúng ta không bao giờ ngồi yên được. Chúng ta hãy nhìn những đứa trẻ. Quý vị biểu những đứa trẻ ngồi ngay ngắn để học, một cách an lạc thì nó không làm được. Nó buông cái này chụp cái kia, buông cái kia chụp cái nọ. Khi nhìn thấy như vậy chúng ta cứ tưởng những đứa trẻ rất vui, nhưng thật sự nó không phải như vậy. Nó dễ chán chứ không phải rất vui. Tại vì nó vui thì khi có đồ chơi nó sẽ chơi món đồ ấy hoài. Nhưng vì nó mau chán nên chơi một lúc rồi nó không biết phải làm cái gì nữa với món đồ chơi đó, chơi một chiếc xe cứ đẩy tới đẩy lui như vậy, nên đòi cha đòi mẹ mua thứ khác cho nó. Trong lúc chúng ta lớn rồi, có nhiều người có đời sống tinh thần sung mãn, họ chỉ cần trồng một cái cây thôi, nhưng họ vui thích với cái cây đó. Họ không cần trong nhà phải mua hết món này đến món kia. Quý vị để ý tất cả những đứa nhỏ, không đứa nào quý vị mua cho nó một chiếc xe hay một con búp bê mà nó chơi hoài. Điều đó không có nghĩa là nó yêu đời mà nó dễ chán đời. Dễ chán đời là nó không thoả mãn được chuyện đó.

Đức Phật, Ngài dạy: “Đời sống của chúng ta từ nội tâm của mình không thoả mãn được, từ nội tâm của mình rất dễ chán” 

Do vậy chúng ta tiếp tục tầm cầu và tiếp tục hành động. Tiếp tục đi từ thế giới này sang thế giới khác, từ việc làm này sang việc làm khác. Hằng ngày nếu chúng ta ngồi chúng ta kiểm điểm lại một trăm công việc chúng ta tự làm ra. Chúng ta muốn làm, để làm gì? Để cho chúng ta có niềm vui nhỏ, để thoả mãn một điều gì đó, để tạo cho chúng ta một sự bằng lòng nào đó. Như trường hợp như vầy, khi nào quý vị hoan hỷ đi chùa nghe Pháp, hay lúc nào nói chuyện với người bạn tri kỷ, hoặc lúc nào trong gia đình có chuyện gì vui, quý vị không thích ra đường nhiều, không thích đi mua sắm nhiều, không thích đi lang thang nhiều. Vì sao? Vì ở nhà vui quá rồi không cần phải đi ra đường nữa. Quý vị đồng ý không? Hay lúc nào đời sống tinh thần chúng ta sung mãn rồi chúng ta không cần phải có thêm thứ này mua sắm thứ kia nữa. Tại sao bây giờ trong xã hội, chúng ta sống tại thành phố, chúng ta hay mua đồ đạc nhiều như vậy, tại vì nhà chật quá và ở nhà chỉ chừng đó công việc thôi, không có gì vui hết, con người phải đi tìm thứ này thứ khác. Cái mà đi tìm những thứ làm cho chúng ta hài lòng, những cảm giác hài lòng đó, nói lên một điều chúng ta rất thiếu thốn. Chúng ta không biết phải làm điều gì. Bởi vì chúng ta thiếu thốn không biết mình phải làm gì nên chúng ta làm rất nhiều việc. Đó là ý nghĩa "vô minh duyên cho hành". Khi chúng ta không biết gì hết chúng ta làm rất nhiều. Những hành động của chúng ta đến từ cái không thấy và không biết. Chúng tôi biết điều này là điều rất khó hiểu, do vậy chúng tôi hơi dài dòng một chút.

Tiếp theo chúng ta sẽ nói về chữ Hành

Chữ hành tương đối hơi khó hiểu trong từ ngữ Phật học. “Các hành đều vô thường” Chữ hành đó được dùng rất rộng rãi trong kinh điển đặc biệt trong kinh tạng Pali, chữ hành có nghĩa là tạo tác. Khi bị tạo hay được tạo cũng gọi là hành.

-Ví dụ quý vị cầm một cuốn sách, cuốn sách này sỡ dĩ nó có như vậy là bởi vì có người dịch ra nó, có người bỏ tiền in ra nó, có người thợ in nó, và có người muốn có nó. Do nhiều yếu tố đó chúng ta có được cuốn sách này. Như vậy hành là yếu tố tập hợp bởi nhiều thứ tạo nên. Chữ Hành có nghĩa là tạo nên. 

-Chữ hành Đức Phật, Ngài dạy trong “vô minh duyên cho hành” gồm cả hai phần, tạo tác là nhân gây ra nghiệp tạo, cái gì được tạo nên, được hình thành đều là Hành. 

-“Hành động” cái Hành đó có khi nó là thiện có khi nó là không thiện. Có khi vừa không thiện và không ác. Đều gọi là hành hết.

Quý vị hỏi:  nếu hành là thiện, hành là bất thiện thì cái hành nào là thiện và cái hành nào là bất thiện?.
 Câu hỏi này mới nghe qua quý vị Phật tử nói rằng một câu hỏi rất dễ trả lời. Đối với trì giới là thiện, đối với sát sanh trộm cắp là bất thiện. Tuy nhiên đây chỉ là ý niệm rất phôi thai, Đức Phật Ngài dẫn dụ cho chúng ta hiểu thôi. Bởi vì trong đời có những chuyện chúng ta không biết đó là thiện hay bất thiện. Ví dụ một vị tổng thống, ông làm một quyết định cắt giảm chi tiêu của quốc gia để bớt thâm thủng ngân sách. Đó là điều đúng, nhưng vì để cắt giảm chi tiêu, ông phải bớt đi tiền trợ cấp cho một số người nghèo. Chúng ta không biết chuyện đó là thiện hay chuyện đó là bất thiện. Như trong gia đình, quý vị thấy một người nào khổ mình cho tiền. Ví dụ quý vị gửi tiền về Việt Nam nhiều quá, rồi ở Việt Nam họ đâm ra hư, chúng ta không biết chuyện đó là thiện hay bất thiện.

 Vấn đề nhức đầu ở đây là làm sao vẽ được lằn ranh giữa thiện và bất thiện. Thứ nhất chúng ta nhắc lại câu nói hồi nãy là tất cả những hành động thiện và bất thiện đều là do chúng ta không biết làm cái gì. Chúng ta phải nhìn nhận điều đó. Bởi vì chúng ta không biết phải làm gì nên chúng ta cố gắng để có một chút suy tư mặc dầu không chắc hẳn 100% nhưng tối thiểu chúng ta tin được là 70, 80% điều đó đúng hoặc chúng ta có thể đoán được là điều đó không đúng Mặc dầu đó chỉ là sự suy đoán thôi, chúng ta không đoan chắc như vậy. Chính sự suy đoán này dẫn chúng ta đến hành động.

Ở đây chúng ta nên để ý ba giai đoạn:

1 - Giai đoạn thứ nhất chúng ta không biết chúng ta phải làm gì. 
2 - Giai đoạn thứ nhì chúng ta cố gắng suy nghiệm để chúng ta phán đoán chúng ta nên làm cái gì.
3 - Giai đoạn thứ ba chúng ta bắt đầu hành động.

Từ chỗ phán đoán suy nghĩ, chỗ lựa chọn đến chỗ hành động, đôi khi rất nhanh và đôi khi rất chậm. Nó chậm ví dụ, như quý vị muốn nói câu gì đó cho anh A anh B biết, nhưng quý vị phân vân không biết nói ra anh đó có buồn hay không? Đó là sự lựa chọn rất chậm. Nhưng có những lựa chọn rất nhanh. Giả sử như có người nào đó mình không có cảm tình, họ làm chuyện gì đó mình nói đại một câu, ảnh buồn hay vui kệ ảnh. Chúng ta nói không cần suy nghĩ, chúng ta lựa chọn rất nhanh, nhanh đến nỗi cơ hồ hành động và lời nói ( lựa chọn và hành động )là một chứ không phải là hai. Thật ra nó có hai giai đoạn. Tại sao chúng tôi nói đến hai giai đoạn này là bởi vì sự lựa chọn đó gọi là tác ý. Cái tác ý rất quan trọng. Tác ý có khi nó nhanh có khi nó chậm. Nhiều khi nó mất ba hay bốn ngày để chúng ta quyết định một chuyện gì đó và nhiều khi nó chỉ là một mảy may tích tắc chúng ta có thể lựa chọn được, cái tác ý là cái nguyên nhân sâu xa đó, tiếng Việt chúng ta có một từ tương đối dễ hiểu nhất đó là chủ tâm. Chủ tâm tức là chủ ý làm một việc gì, chính chủ tâm dẫn đến hành động. Chủ tâm là cái mà Đức Phật gọi là nghiệp.

Cái gì chúng ta dựa trên chủ tâm đó. Có hai yếu tố chúng ta dẫn đến chủ tâm. 

1 -Một là chúng ta không biết gì hết gọi là vô minh. Khi chúng ta muốn làm gì chúng ta có sự chủ ý cái gì nên làm, cái gì không nên làm. 

2 -Bên cạnh cái không biết đó còn có cái khác, hoặc là cố gắng đoán, hoặc là đoán mò hoặc mượn kiến thức của người nào đó như là kiến thức của kinh điển, kiến thức của cha mẹ để lại, hay là kiến thức của chúng ta để lựa chọn, chúng ta nên làm hay không nên làm. Nhưng ngoài sự lựa chọn đó, sự chủ tâm có sự suy nghĩ  hoặc chủ tâm không có sự suy nghĩ, đó là do tánh của mình. Tánh mình hay sân, tánh mình hay tham. Dựa vào điều đó chúng ta chỉ lựa chọn thôi. Trong tánh đó nó cũng có sự chủ tâm. Ví dụ như một con cọp vốn có bản năng giết con nai hay bất kỳ sinh vật nào yếu đuối hơn nó để ăn thịt. Nhiều người hỏi rằng như vậy nó có nghiệp hay không? Tại vì nếu nó không ăn nó sẽ chết, và nó sanh ra trong đời với cái tánh giết để ăn, đó là bản năng của nó rồi, không gọi là chủ trương của nó được. Con người chúng ta không giết vật để ăn thì có thể trồng rau trồng cỏ để ăn. Nhưng những con vật ăn thịt sống như gấu, cọp, beo tự nhiên nó phải giết con này con kia để ăn thôi.

- "Như vậy nó có chủ tâm để giết không?" 

Chúng tôi trước khi trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn hỏi quý vị, 

-“Trong trưòng hợp đó quý vị nghĩ rằng có quả hay không?

-“Nếu quý vị là một thẩm phán để phán xử, quý vị có buộc tội con vật hay không?” 

Một số vị đồng ý là có quả. 

-“Như vậy sự phán đoán buộc tội và cái quả, hai cái đó có đi liền với nhau hay không?” Chúng ta không kết tội con cọp nhưng chúng ta nói con cọp có quả của nó. Như vậy trong tự nhiên của đời sống, nó có hành động và phản ứng cuả hành động thôi chứ không cần phải ai phán đoán.

Sự phán đoán dựa trên trí tuệ của chúng ta, nó khác với phản ứng tự nhiên. Ví dụ chúng ta chọi trái banh vô tường, dầu chúng ta có ra lệnh cho nó là dội ra ít hay dội ra nhiều, đó là chuyện chúng ta ra lệnh, là độ mạnh chúng ta ném vào sẽ tạo ra phản ứng, đó là phản ứng tự nhiên thôi. Ngài Ajanh Chah nói rằng cây mà ta gieo xuống, chúng ta vun phân tưới nước thì tự nó sẽ ra hoa ra trái, dầu chúng ta muốn thế này cũng không được, muốn thế kia cũng không được, tự nó nó sẽ có phản ứng. 

Chúng tôi đưa vấn đề đi vào chi tiết làm quý vị hơi khó xử một chút vì đây là mấu chốt, cái mà chúng ta gọi là hành hay cái chúng ta gọi là nghiệp.

Người ta hay cãi với nhau về một điểm, cái gì có sự tác ý tức là chủ tâm và có những cái có tác ý thì có quả. Có nhiều người nói rằng, sự vô ý sẽ có quả nặng hơn như trường hợp nói theo lý thông thường chúng ta biết rằng sát sanh là xấu mà chúng ta vẫn sát sanh như vậy tội nặng hơn mình không biết. Quý vị có nghe người ta nói như vậy không? Trường hợp quý vị sống ở đây quý vị phạm luật mà quý vị không biết, người ta nói rằng nhẹ tội hơn. Nhưng có người khác nói như vầy, họ nói rằng khi quý vị thò tay vào trong lửa, nếu quý vị không biết lửa là nóng thì có khi mang hậu quả nặng hơn quý vị biết, bởi vì biết quý vị thò tay vào lửa là rút ra liền. Như vậy quý vị nghĩ, “có tác ý và không tác ý cái nào quả nặng và cái nào quả nhẹ?. Cái tác ý khi quý vị thò tay vào trong lửa, phỏng rất nặng vì mình không biết lửa nóng thì vô ý đó là vô ý của vô minh. Vô minh là cái mà mình không biết. Nhưng khi mình nói một lời nói vô tình làm người khác buồn, đó là không tác ý, là không tác ý của hành. Cái không biết của vô minh nó đưa chúng ta đến khổ rất nặng nề, cái nghiệp rất nặng. Cái không có tác ý của hành thì nghiệp nó nhẹ. 

Khi chúng ta nói rằng vô minh là không biết, thì nó đựơc ví dụ giống như một người lao vào trong lửa vì không biết lửa nóng. Tuy nhiên chúng ta nói rằng trên đời này, có nhiều người họ biết chuyện đó là nguy hiểm, do vậy họ cẩn thận hơn . 

Trong lý nhân duyên tương đối hơi rắc rối một chút. Điều này nếu chúng ta không đi sâu vào chi tiết, chúng ta rất khó hiểu. Lát nữa chúng ta nói hành duyên cho thức như thế nào.

Bây giờ chúng ta nói đến nghiệp

Chúng tôi dành một chút thời gian để nói đến nghiệp, vì hành ở đây chính là nghiệp. Nói về vi tế thì đôi khi chúng ta có suy nghĩ và suy nghĩ rất lâu, đôi khi chúng ta suy nghĩ nhanh suy nghĩ nhanh lắm. Như trên quyển sách  “VÒNG LUÂN HỒI”. Nếu con em mình hoặc mình mới học tiếng Việt thôi, muốn đọc ba chữ “VÒNG LUÂN HỒI” thì phải ráp vần, chữ Vchữ O chữ N và chữ G, phải ráp từng chữ từng chữ.Còn đối với chúng ta, chúng ta nói “VÒNG LUÂN HỒI” rất nhanh. Nhưng không có nghĩa là vì vậy mà chúng ta bỏ qua chữ. Nếu không có chữ N và chữ G thì chúng ta đọc nó là chữ VÒ chứ không phải chữ VÒNG. 

Như vậy mặc dầu người ta hỏi, “ Anh có đánh vần không?”

Chúng ta nói, “ Tôi đâu có đánh vần, tôi thấy và đọc liền thôi” 

Thật ra chúng ta có đánh vần, và đánh vần rất nhanh.

Nhiều khi nghiệp đó mình làm, mình nói mình không có suy nghĩ, mình có suy nghĩ chứ không phải là không có quý vị. Suy nghĩ nhanh vô cùng. Ví dụ như hủ cà-phê đang để trước mặt chúng tôi đây, nếu ta nhìn thấy nó chúng ta mới mua được, nhưng khi chúng ta mua liền một lúc và mua nhanh như vậy đó, không có nghĩa là chúng ta không có suy tính đâu. Chúng ta đã từng uống, chúng ta nhớ, chúng ta biết nó ngon nên chúng ta mua. Vì chúng ta tính rất nhanh, nên chúng ta tửơng chúng ta không có suy tính. Vì vậy có nhiều người cho rằng trong hành động của mình không có suy tư tức là không có tác ý, không phải như vậy. Nó có tác ý, nhiều khi tác ý rất nhanh, mà chúng ta không biết được. Lúc nãy chúng tôi có trình bày với quý vị Phật tử về sự lựa chọn. Cũng thời việc đó chúng ta có phản ứng tức là chúng ta có lựa chọn ngay lập tức. Lựa chọn phải nói như thế nào và trong sự lựa chọn đó chúng ta có khó xử không. Nên người Phật tử trong đời sống của mình hay làm những việc như bố thí trì giới tham thiền chẳng hạn là để chúng ta gieo vào đầu óc mình những mầm mống, những mầm mống đó đến khi chúng ta ra ngoài chúng ta hành động, mặc dầu chúng ta không suy nghĩ nhưng nó là một phần đời sống của mình. Bây giờ bình thường chúng ta không học Phật Pháp không bố thí, không trì gới không làm phước, đụng chuyện hỏi, “ Chị có nên làm hay không nên làm?". v.v...

Trong bài học hôm nay chúng tôi trình bày vô minh duyên cho hành. Khi nói đến hành chúng ta cố gắng phân biệt hai điều. Bởi vì hành là chủ trương hay chủ tâm hành động và chúng ta có nói về sự chủ quan dựa trên sự không biết tức là sự chủ tâm dựa trên vô minh. Vì không biết không thấy nên chúng ta hành động. Đó là vô minh duyên cho hành.

Và chúng ta cũng nói đến hình thức khác là hình thức con ngươi hành động theo bản năng phản ứng tự nhiên, điều đó cũng là một phần khi chúng ta đề cập đến hành. Tuy nhiên dầu một việc làm mà chúng ta có chủ tâm hay không có chủ tâm là đều có tác ý cả.

Nói một cách rõ hơn tất cả những hành động dầu vô tình hay cố ý của chúng ta đều có tác ý. Tác ý như khi nãy chúng tôi đề cập đến là vì không biết nên chúng ta hành động. Nhiều khi chúng ta hành động bởi vì chúng ta không biết phải làm gì. Đôi khi trong đời sống này con người có rất nhiều nghiệp thiện và có rất nhiều nghiệp ác. 

Nghiệp thiện nghiệp ác đó được ghi nhận giống như một cái cây. Trong suốt đời sống của một cái cây, từ lúc đâm chồi nẩy lộc cho đến khi cây đó chết đi thì thường những cây đó tạo ra rất nhiều quả, rất nhiều trái. Quả và trái đó đều có tiềm năng để sanh quả trên cây khác. 

Cũng vậy, con người chúng ta lớn lên trong đời sống, mỗi một hành động, mỗi một ngày, mỗi một giờ có vô số nghiệp chúng ta tạo ra, đời sống của chúng ta tạo ra rất nhiều nghiệp. Nếu nói về phương diện vay- trả, chúng ta là những người vay nhiều hơn trả và không biết bao giờ chúng ta mới trả hết những gì mình đã vay. Trong kiếp sống này chúng ta chỉ có một mạng sống mà thôi. Tuy vậy nhiều khi chúng ta giết vô số sinh vật. Quý vị nhớ khi chúng ta còn nhỏ, chưa biết đạo, chúng ta giết kiến, giết cá, giết gà, giết con này con kia và nếu nói một mạng đền một mạng thì không bao giờ có đủ để đền hết những gì chúng ta làm. 

Do vậy trong cuộc sống này có vô số nghiệp mà mình đã tạo, nhiều người chấp tay phát nguyện trước bàn Phật,

Bây giờ con khổ quá. Do vậy trong kiếp này cho con trả hết nghiệp của mình.” 

Thưa quý vị, chúng ta không bao giờ trả hết nghiệp của chúng ta hết, vì đời trước cũng vậy chúng ta cũng tạo vô số nghiệp, và đời trước nữa cũng tạo vô số nghiệp, chỉ có cách là chúng ta ráng tu để chứng đắc Niết-bàn, chấm dứt sanh tử, lúc đó chúng ta không còn phải trả nghiệp của mình nữa. Chứ không khi nào chúng ta trả hết nghiệp được. Khi nãy chúng tôi có nói với quý vị như một cây xoài mặc dầu nó chỉ có một cây xoài thôi nhưng nó tạo ra vô số trái xoài và những trái xoài đó nó có nhiều khả năng để tạo ra nhiều cây xoài khác nữa. Có một sự khác biệt giữa loài cây và loài vật là một cây có thể sanh ra nhiều cây được nhưng con người thì một người tạo ra nhiều nghiệp nhưng cái nghiệp đó không tạo ra nhiều người để trả hết. Như trường hợp một cây xoài có thể sanh ra năm bảy cây hoặc vài ba trăm cây xoài khác, nếu quý vị lấy hột xoài nhân ra. Còn con người chúng ta, đời này qua đời kia mặc dầu chúng ta tạo ra rất nhiều nghiệp nhưng không có nghĩa là đời sau chúng ta sanh lên là có nhiều thân hơn, một thân do quả thiện, một thân do quả bất thiện. Thân bất thiện chịu quả khổ, còn thân do quả thiện hưởng quả vui. Không có như vậy, chúng ta không thể phân theo như vậy. 

Câu hỏi được đặt ra, “Tại sao loài cây loài thực vật có thể phân ra nhiều cây, mà chúng sanh  là hữu tình thì chỉ có một thôi?” 

Và câu trả lời, “Đó là do ngã chấp”. 

Cái ngã chấp là cái gì khiến cho đời sống chúng ta chỉ có một mà không có nhiều được./.

No comments:

Post a Comment