Friday, January 6, 2017

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 5 và 6 - Xúc duyên Thọ

Thập Nhị Nhân Duyên - 
Bài 5 Lục Xứ duyên Xúc
Bài 6 - Xúc duyên cho thọ 

TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ

Minh Hạnh chuyển biên và biên tập


Chúng ta đã đi qua từ vô minh cho đến ái. Khi trình bày về chi phần này chúng tôi chỉ đề cập đến ý nghĩa và có một số hình ảnh được vẽ trong bức tranh Thập Nhị Nhân Duyên, trong bức tranh này chúng tôi chưa có dịp được trình bày thật kỹ nên chúng tôi muốn dành vài phút để ôn lại những nguyên nhân từ vô minh cho đến ái bằng những hình vẽ rất trừu tượng nhưng là những thí dụ rất tốt để chúng ta nhớ về bức tranh này. 

Những người hoạ sĩ khi vẽ bức tranh này nói về Vô Minh thì họ vẽ một người mù đang chống gậy đi trên con đường, bởi vì vô minh có ý nghĩa là không biết không thấy giống như người mù, đi và cứ đi, bởi vì không biết không thấy nên tiếp tục đi, đi hoài, cho nên người mù chỉ cho vô minh. Khi nói vô minh duyên cho hành thì hành họ vẽ một người thợ gốm đang ngồi trước một đống chén bát mà người đó tự nặn ra, thì để ví dụ giống như hành, hành là được tạo nên. 

Qua đến mắc khoen thứ ba là Thức họ vẽ hình con khỉ chuyền từ cành này qua cành kia, thì thức đó được xem như là thức tái sanh, thức đầu đời để đưa chúng ta sanh vào cảnh giới hoặc người hoặc trời v.v... Thì con khỉ chuyền cành được xem như thức là vô giới từ kiếp này sanh vào trong kiếp khác. 

Mắc khoen thứ tư là Danh Sắc, khi Thức duyên cho Danh Sắc ở đây Danh Sắc được vẽ là một chiếc xuồng của một người đang chèo xuồng đó, người đứng chèo tượng trưng cho danh tức là phần tâm và chiếc xuồng tượng trưng cho sắc, nghĩa là tâm điều khiển thân của chúng ta.

Rồi sau phần danh sắc là phần Lục Nhập, họ vẽ có nhà có sáu cửa để ví dụ cho sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đó là lục nhập. 

Từ Lục Nhập họ chuyển qua phần Xúc. Ở đây xúc được vẽ hình ảnh của một người nam và một người nữ ngồi ở trong ghế, có lẽ trong một công viên, thì đây là một hình ảnh một sự tiếp xúc giữa Căn đối với Cảnh.

Về phần Thọ thì họ vẽ hình một người đang bị hai mũi tên bắn vào trong mắt, nghĩa là vì có mắt, vì có xúc nên sanh ra thọ tức là sự nhận chịu giống như người bị hai mũi tên. 

Qua phần Ái, Thủ, Hữu là những phần chúng tôi sắp nói đến sau đây, sau đó chúng tôi sẽ đi trở lại chi tiết về những bức hình này.


Ở đây, trước khi bước vào phần kế tiếp chúng tôi muốn nói lên một ý niệm rất thông thường. 
Nếu so sánh giữa Phật giáo và các tôn giáo khác thì có thể so sánh giữa "Hành" được xem như là "Thượng Đế".

Tại sao vậy? 

Tại vì Hành có nghĩa là tạo ra, sản sinh ra. Và Thượng đế trong tôn giáo khác được gọi là Sáng Tạo Chủ là người tạo ra cảnh. 

Trong đạo Phật thì chính hạnh nghiệp của chúng sanh tạo nên do đó hành được xem như là thượng đế.

Thức thì có thể hiểu nôm na giống như một linh hồn cho nên thượng đế có linh hồn và chúng ta nói có hành thì có thức và có linh hồn thì có sự sống, giống như trong kinh Phật nói rằng có xúc thì có danh sắc, có sự sống thì có giác quan hay là danh sắc thì có lục nhập. 

Nhưng vấn đề khác biệt là khi hỏi rằng linh hồn là do Thượng Đế như vậy Thượng Đế do đâu mà có? Thì người Phật tử sẽ trả lời rằng thượng đế là do vô minh mà có, (qúi vị đừng nói như vậy ngoài đường vì rất là phiền phức, mặc dầu chúng ta biết hành là do vô minh nhưng chúng ta không thể nói Thượng Đế là do vô minh mà có được). 

Nhưng người Tây Phương họ có nhận một điều rằng tất cả thế gian này đều đến từ cái không biết, họ gọi là "Unknown" tức là một đơn vị, một thành phần nào vượt ngoài trí tưởng tượng của con người. Thì ở đây, từ sự không biết không thấy tạo nên thế gian này và tự nhiên sự tạo tác đó tạo ra tâm thức, tâm thức đó tạo nên sự sống, sự sống đó tạo nên giác quan và giác quan đó tạo nên xúc và tiến trình kéo dài ra sao. Chúng tôi nói ở đây là một trắc nghiệm rất tương đối để qúi vị dễ nhớ mà thôi, chứ những chuyện đó hoàn toàn khác biệt. 

Tuy nhiên nếu có một người nào đó hỏi qúi vị "Vậy chớ trong đạo Phật không có thượng đế, như vậy thế gian này được tạo bởi gì?" 

Thì chúng ta sẽ trả lời rằng "Tạo nên bởi nghiệp." là lý Duyên Sinh là vị Sáng Tạo Chủ của thế gian này. 

Mặc dù ở trong nền tôn giáo và văn minh Tây Phương thì thượng đế có đôi lúc được xem là một con người có quyền lực, có ý trí, còn trong đạo Phật khi nói đến nghiệp thì được xem như là một định luật thiên nhiên và định luật đó không phải là một cá thể, không phải một cá nhân nào hết.

Ái duyên cho thủ

Sáng hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục nói về lý thập nhị nhân duyên bằng vòng khoen tiếp theo đó là "Ái duyên cho thủ". 

Khi nói đến Ái trong đạo Phật thì chúng ta phải nói đến Xúc và Thọ, có nghĩa là do sự tiếp xúc các cảnh chúng ta khởi lên cảm thọ và cảm thọ thì sanh ái dục sanh ra dính mắc. Nếu thọ khổ thì chúng ta lại nghĩ đến những cảnh đẹp hơn, thí dụ như chúng ta đang gặp cảnh khổ thì chúng ta mơ ước cảnh đẹp nào đó, một thiên đường nào đó. Qúi vị thường nghe là chúng ta hay tiếc nuối quá khứ một thời đại hoàng kim xa xưa nào đó mà con người sống được tốt đẹp, sự tiếp nuối đó sanh từ cảnh khổ mà ra. Như vậy thì dầu thọ lạc hay thọ khổ chúng ta đều có tâm ái dục, và ái dục này sống rất  mạnh. Tuy nhiên theo trong kinh Phật thì từ lòng ái dục đó dẫn đến hành động đi qua ba giai đoạn mà gọi là ái, thủ và hữu. Ái dục có thể được xem như là một bản chất tự nhiên của đời sống như là: người nam thương người nữ, người nữ thương người nam, chúng ta thích ăn thích ngủ, khi ăn một vật ngon vào thì tự nhiên có tâm ưa thích vật ngon, khi thấy một cảnh đẹp thì chúng ta thích cảnh đẹp đó. Khi nói đến ái Đức Phật Ngài nhìn nhận ái là một phiền não thông thường của chúng sanh. 

Ở đây, khi nói đến thủ và hữu thì chúng ta mới có thái độ thật sự, và khi nói đến ái thì chúng ta chỉ nói đến phản ứng rất tự nhiên của con người thấy sắc đẹp, tiếng hay mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, chúng ta dính mắc vào đó. Nhưng lời dạy của Đức Phật về ái cho chúng ta thấy một sự kiện rất thông thường chúng sanh tất cả mọi người, chúng sanh ở trong đời này đều có khao khát với những gì vừa lòng và mãn ý. Vừa lòng mãn ý là gì mà chúng ta cảm thấy đồng ý được, những gì chúng ta cảm thấy chấp nhận được và nếu nó ngược lại điều đó thì chúng ta khổ. Cho dù là một người bình thường hay một người tu sĩ thì vẫn có quan niệm thế nào để chúng ta vừa lòng cái nào không vừa lòng, dầu chúng ta là người nghèo hay là người giàu thì chúng ta đều có quan niệm thế nào là vừa, và thế nào là thích và thế nào chúng ta không thích. Lấy ví dụ như vầy có nhiều người họ thích ngôi chùa được sơn son thếp vàng một cách rất màu mè thì điều đó cũng là ái dục, nhưng mà rồi chúng ta không thích những điều đó không có nghĩa là chúng ta không có ái dục, chúng ta lại chuộng những gì đơn giản hơn, một cách hiện đại hơn, cái đó cũng là ái dục, nằm trên ái dục nó có cái thô và cái tế.

Trong kinh Đức Phật Ngài nói về ái dục, Ngài dùng câu nói rất thông thường đó là chấp vào tướng chung và chấp vào tướng riêng. Chấp vào tướng chung là gì và chấp vào tướng riêng là gì? 

Chấp vào tướng chung có nghĩa như trường hợp chúng ta gặp một người nào người đó, chúng ta có cảm tình với người đó tại vì bản chất thông thường là người nam thích người nữ, hoặc giả là người Việt Nam thích người Việt Nam, nhưng nếu qúi vị gặp người da đen quí vị không thích thì đó là do tướng chung bình thường như vậy. Ở đây tướng chung được xem như là hành tướng đã có sẵn từ đời này qua đời kia và tướng chung đó có thể là cái gì rất tổng quát bên ngoài, tướng chung này ảnh hưởng đến con người rất nhiều. Mỗi lần chúng ta nhìn một vật gì thì chúng ta hay dán cho nó nhãn hiệu, nhãn hiệu do thành kiến mà ra, như trường hợp qúi vị là người Phật tử đi chùa, nếu người hàng xóm họ khác tôn giáo với chúng ta hoàn toàn, họ theo Thiên Chúa giáo chẳng hạn, chúng ta đối xử với họ rất bình thường, nhưng giữa Phật tử với Phật tử đi chùa này hoặc Phật tử đi chùa kia hay Phật tử của tông phái này hay tông phái kia thì chúng ta có vẻ là khó chịu với nhau nhiều hơn là với người hoàn toàn khác đạo, đó là vì danh sắc và tướng chung mà thôi. 

Tướng chung nghĩa là chúng ta dán nhãn hiệu nào đó, thật ra ở trong đời này nếu nghĩ cho kỹ thì chúng ta có thể sống hài hoà với tất cả, tại vì sao, tại vì không ai quá tốt và cũng không ai quá xấu. Chúng tôi không biết như thế nào, nhưng ngày xưa ở Việt Nam, chúng tôi rất ít có việc tiếp xúc với qúi Thầy bên Bắc Tông, rất ít tiếp xúc với những người Phật tử ở các tông phái khác thì chúng tôi vẫn có quan niệm rằng những người đó là những người khác đạo và khi nhắc tới họ thì chúng tôi không thoải mái, thậm chí ngồi chung xe ở chung phòng cũng không thoải mái nữa, nhưng sau này lớn lên có dịp sống chung, thì nói chung chung là con người chúng ta giống nhau, ai cũng cần được thương yêu, ai cũng cần được an ủi, ai cũng có tham sân si, ai cũng có nhu cầu riêng của mình và từ những nhu cầu đó chúng ta thấy rằng mặt dầu có những điểm khác nhau, nhưng chúng ta có rất nhiều điểm giống nhau, và tại sao chúng ta có thể chấp nhận được điều này mà chúng ta không chấp nhận điều kia. 

Có lẽ qúi vị ở Pháp này qúi vị nghe đến trường hợp của một Sư Cô, (trước kia là sư cô mà bây giờ không biết là gì), chúng tôi ít có dịp để nghe hay là để xem những băng video bởi vì đời sống tương đối bận rộn của mình, nhưng có một lần chúng tôi xem một băng video do một người Phật tử đưa cho chúng tôi coi, chúng tôi nhớ đến một việc mà khi chúng tôi coi những việc đó và qúi vị hỏi chúng tôi suy nghĩ gì về cô, trong lúc mà cô giảng đạo cô cố gắng để cho những người Phật tử thấy rằng những người Phật tử và những người Thiên chúa giáo, giữa giáo lý của Đức Phật và kinh thánh có rất nhiều điểm giống nhau, từ vấn đề phiền não, vấn đề này vấn đề khác và cô kêu gọi là người Phật tử nên có một cái nhìn rất là cảm thông với tôn giáo khác như trường hợp nói đến Thượng Đế chẳng hạn, và cô trình bày quan niệm về Thượng Đế, nhưng điều đó không có nghĩa là phản ảnh những tư tưởng rất là bao dung của cô, tại vì khi nói đến những người Phật tử trong các tông phái khác thì cô rất là gay gắt, thì chúng ta hỏi tại sao như vậy, thì thưa qúi vị ở Mỹ, chúng tôi không biết ở bên Pháp như thế nào nhưng bên Hoa Kỳ người Tin Lành và người Thiên Chúa giáo của Hoa Kỳ họ đối với Phật giáo thì họ có vẻ là nương tay hơn, nhưng mà Tin Lành đối với Thiên Chúa giáo họ rất là ghét, và Thiên Chúa giáo đối với Tin Lành thì rất là ghét dầu là cùng con, cha, và thánh thần mà thôi.

Thì điểm đó nói lên một điều là hiện tượng trong cuộc đời chúng ta sống chúng ta chấp vào tánh chung và tánh riêng mà thôi. Tánh chung và tánh riêng là chúng ta không thấy được trong cái riêng có cái chung. Và chúng ta không thấy được trong cái chung có cái riêng. Thế nào là trong cái chung nó có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Nói cho cùng thì những người mà chúng ta thương mến nhất không hẳn những người đó hoàn toàn là tốt, và những người mà chúng ta xa lạ chúng ta không giao thiệp nhiều cũng không hẳn họ là xấu, tất cả đều là do nhân duyên hết, chúng ta tự nhiên gặp nhau quen biết với nhau tự nhiên chúng ta cảm mến nhau thôi. Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng ở ngoài kia, ở ngoài đường nơi mà không quen thuộc nơi mà rất là xa lạ thì có vô số người mà những người đó chúng ta có thể mến mộ họ được, và chúng ta chưa mến mộ họ được tại vì chúng ta chưa biết nhiều về họ thôi. Cũng giống như trong tủ sách của qúi vị vậy, có rất nhiều quyển sách hay nhưng có thể là qúi vị không thích đọc tại vì qúi vị chưa bao giờ có dịp nào để cầm quyển sách đó, tuy nhiên có ai đó nói với quí vị là quyển sách đó hay quá, qúi vị nói rằng trong tủ sách tôi cũng có quyển sách đó, về lấy ra đọc và qúi vị thấy nó hay thật và từ đó qúi vị thích quyển sách đó. Có nhiều quyển sách rất hay, nhưng thường xuyên có nhiều tập sách rất là nhỏ và mỏng thôi, nhưng khi nhận được do ai tặng cho mình rồi mình để qua một bên, rồi tình cờ mình nghe ai nói là hay cầm lên đọc thì mình thấy hay và tự nhiên mình cảm thấy rất thân thiện.

Một người mà nặng về các tướng chung và các tướng riêng đó là hình thức thông thường tất cả chúng ta, thì thường thường chúng ta nghĩ rằng người nào mà mình thương thì người đó tốt và những người nào mình ghét thì những người đó đều xấu hết. Người xưa có nói rằng "khi thương ai nhiều thì nên biết cái xấu của họ và khi ghét ai nhiều thì nên biết cái tốt của họ" và cái nhìn của Đức Phật về cuộc đời nó là như vậy, Ngài nhìn cuộc đời là như vậy, Ngài nhìn cuộc đời này có vị ngọt, có nguy hiểm và có sự xuất ly. 

Chúng ta ở trong đời này nhìn cuộc đời có hai cách thôi, có vị ngọt mà không biết có nguy hiểm, và có nguy hiểm mà không biết vị ngọt. 

Thế nào là biết có vị ngọt mà không biết có nguy hiểm? Chúng ta tự nhiên thương anh A anh B nào đó, chúng ta nghĩ rằng anh A anh B là nhất rồi, hay chúng ta thích một món đồ nào đó, thích chiếc xe chẳng hạn thì nghĩ rằng có chiếc xe đó là nhất, không nghĩ tới chuyện là có chiếc xe chúng ta phải trả tiền nhiều, phải đóng tiền bảo hiểm phải trả chi phí này chi phí kia, chúng ta không nghĩ đến chỉ nghĩ đến vị ngọt của nó mà thôi, Đức Phật gọi đó là biết vị ngọt mà không biết nguy hiểm.

Nhưng có những người họ chỉ biết nguy hiểm mà họ không biết được vị ngọt, đó là những người sống rất bi quan, và những người sống bi quan này họ nhìn cuộc đời ở đâu cũng có chuông gai, họ nhìn hoa hồng, hoa không có ý nghĩa mà chỉ có gai đó là điều đáng ghi nhớ mà thôi. Thì người này họ chấp vào một tướng riêng họ không hiểu về tướng chung. 

Nhưng Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên biết cả ba thứ là vị ngọt của nó, nguy hiểm của nó, sự xuất ly của nó. Thế nào là vị ngọt, Ngài nói rằng sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, điều đó chi phối nó có hấp dẫn của nó, chứ không phải nó không có sức hấp dẫn của nó, chúng ta nên biết và nên cẩn thận. Đồng thời Ngài cũng khuyên chúng ta nên ý thức sự nguy hiểm của nó, Ngài biết là làm cách nào để tránh nó. 

Như vậy ái dục được Đức Phật Ngài đề cập đến trong Thập Nhị Nhân Duyên mà trong giáo lý của Ngài trước nhất làm cái gì rất là tự nhiên của đời sống, chúng ta phải nhận đó là điều tự nhiên và từ sự tự nhiên này chúng ta nên đối xử với nó một cách khách quan một cách thực tế để chúng ta vượt qua nó được. Ngày hôm nay chúng ta sống trong một thời đại mà thời đại đó nó là một sự gay go đối thoại giữa cái cũ và cái mới. Cái cũ là những người cũ mà lớn lên trong một nền tôn giáo cũ, một xã hội cũ thì luôn luôn quan niệm rằng phải theo cái này mới đúng theo cái kia mới đúng, rồi những người sống theo quan niệm mới thì họ không hấp thụ được cái đẹp của cái cũ nhưng họ cảm nhận được cái hay của cái mới, vì vậy vì hai thế hệ đi xa nhau.

Trở lại vấn đề thiền định cũng như vậy. Vấn đề thiền sở dĩ chúng ta không hạ quyết tâm được, chúng ta không tu tập được là bởi vì chúng ta chỉ nhìn thấy mọi sự hoặc là tướng chung của nó hoặc là tướng riêng, mà không nhìn thấy trong cái chung đó có cái riêng và trong cái riêng đó có cái chung. Điều này là một trong những điểm tế nhị trong đạo Phật khi Đức Phật nói rằng chúng ta nên xem sự đối xử tất cả chúng sanh một cách bình đẳng, tuy nhiên Ngài cũng nói rằng tất cả chúng sanh đều có nghiệp riêng của mình. 

Bây giờ chúng tôi muốn nói lên một thí dụ một cách cụ thể để qúi vị thấy được tướng chung và tướng riêng: 

Trên con đường qúi vị đi xe hơi (qúi vị nào lái xe) thì qúi vị biết rằng có những con đường mà qúi vị đi có ưu tiên và có những con đường qúi vị đi không ưu tiên.

Như trường hợp qúi vị đi trên con đại lộ lớn thì những người ở trong đường nhỏ mà băng ngang thì họ phải nhường xe của qúi vị thì những người đang đi trên con đường lớn họ được ưu tiên và những người đang đi trên con đường nhỏ phải nhường. 

Thì những người khác đặt vấn đề rằng thì như vậy không bình đẳng phải không? chúng ta ra đường ai cũng phải giống nhau, tại sao có người được ưu tiên và có người không được ưu tiên? Mà họ đòi hỏi rằng chúng ta phải có bình đẳng là mọi người phải được ưu tiên giống nhau. 

Thì trí tuệ của loài người cho thấy rằng sự việc không phải như vậy, cái bình đẳng của con người là khi nào qúi vị đi trên con đường lớn thì qúi vị được ưu tiên và khi nào qúi vị đi trên con đường nhỏ thì phải nhường, không có nghĩa là tất cả mọi con đường đều phải nhường nhau cái đó mới gọi là bình đẳng.

Tuy nhiên ví dụ này cho thấy một điều là hễ con người sống trong đời này họ có nghiệp thiện họ đang ở trong điều thiện tốt đẹp thì họ được an lành.

Nếu họ đã tạo những bất thiện thì họ gặp nhiều quả khổ.

Và không phải mục đích của đạo Phật làm cuộc cách mạng là bắt tất cả mọi người đều phải nghèo giống như nhau, bắt tất cả mọi người đều phải giàu như nhau.

Như chúng ta nói rằng đi trên con đường thì mọi người được ưu tiên như nhau hoặc là không ai được ưu tiên. 

Cái ưu tiên hay không ưu tiên ở đây nó chỉ là trật tự mà theo cách đó để cho cuộc đời được tiếp tục trong trật tự đó mà thôi. Do vậy nếu khi qúi vị lái xe trên đường nhỏ mà qúi vị phải nhường cho người khác thì đừng buồn, mà nói rằng tại sao tôi không được ưu tiên,

Và nếu chúng ta đi vào con đường lớn thì chúng ta cũng đừng hãnh diện rằng ta là nhất trên đời này tại vì ta có quyền ưu tiên và người khác phải nhường mình - nó không phải như vậy - tại vì gặp lúc vị trí đó chúng ta ở trong vị thế đó mà thôi chứ không có chuyện gì mà ưu tiên hay không ưu tiên.

Người Nhật Bản họ có thái độ là rất phong kiến, cùng cực thượng cấp, đến mức độ như vầy: có nhiều khi người Tây Phương qua sống ở xã hội Nhật Bản họ cho rằng Nhật Bản phong kiến quá không có dân chủ, người làm cấp dưới phải nghe người cấp trên gần như tuyệt đối, không nói ra nói vô gì hết. Người Tây Phương cho rằng làm như vậy là mất bình đẳng, tại vì tất cả chúng ta là con người hết, anh đó làm giám đốc hay anh đó làm chức lớn gì đi nữa thì không nhất thiết mình phải nghe lệnh người đó hoàn toàn, nhưng càng về sau này họ càng cảm thấy chuyện đó rất cần thiết, tại sao nó cần thiết? tại vì trật tự phải có như vậy. Ngày hôm nay anh là một người cấp dưới phải nghe lời cấp trên, trong lúc anh làm cấp trên thì người cấp dưới phải nghe lời cấp trên thì điều đó là một sự bình đẳng, chứ bình đẳng không có nghĩa là ở trong sở không ai nói, không ai nghe hết thì lúc đó không phải là bình đẳng nữa.

 Giống như trong kinh trong đạo Phật một vị tỳ kheo nhỏ đảnh lễ một Chư Tỳ kheo lớn, dầu vị tỳ kheo lớn đó học không bằng mình, sức không bằng mình, giòng dõi không bằng mình đi nữa mà họ xuất gia trước mình thì mình đảnh lễ thôi. Đức Phật Ngài không tạo ra một giai cấp chuyên chế.

Chúng tôi nhớ rằng ở trong các quân trường họ hay để câu là: "Bây giờ mình tuân lệnh để sau này mình có thể chỉ huy." Thì như vậy ở đây nó là một cái tự nhiên của đời sống, cái tự nhiên đó là chúng ta phải thấy mỗi giai đoạn ở mỗi vị thế mỗi con người phải đi qua thôi.

Quan niệm về bình đẳng chúng ta cũng nhìn thấy như vầy; khi nào mình sanh ra ở đời này có nam có nữ, chúng ta sanh ra ở đời có giàu có nghèo, có người chức cao người chức thấp, chúng ta cũng tôn trọng định luật đó của xã hội, tuy nhiên chúng ta cũng biết rằng tất cả điều đó là giai đoạn, tại vì kiếp này mình sanh lên có thể mình làm cha rồi kiếp sau mình sanh lên mình làm con, kiếp này sanh lên làm người thông minh, nhưng đời sau sanh lên làm người thiếu trí chỉ là giai đoạn thôi, bây giờ mình làm công, mai mốt ông chủ về hưu thì mình lên làm chủ, tất cả điều đó là giai đoạn và giai đoạn đó là cái riêng nằm trong cái chung, nhưng giữa cái riêng và cái chung đó chúng ta không chấp thủ sai lầm vào cái chung và cái riêng. Cũng như khi Đức Phật Ngài dạy về thế gian này, Ngài cho chúng ta biết cái thế giới ở trong lòng chúng ta nó là thế giới của phức tạp giống như thế giới ở bên ngoài vậy.

 Ở trong kinh Ngài dạy: "Trong tấm thân nhỏ bé một sải tay này thì chứa đựng sự khổ, nguyên nhân sanh khổ, diệt khổ, và con đường đi đến sự diệt khổ." Ý Ngài nói cho chúng ta biết là giữa thế gian này và tất cả ở chung quanh thế gian trong ta và ngoài ta có rất nhiều điểm tương đồng, do vậy khi chúng ta nhìn vào một cái gì đó thì chúng ta có thể cảm nhận được chung hết tất cả. 

Như bây giờ qúi vị theo dõi hơi thở thì có một người nào khác đến vỗ vai qúi vị và nói:

"Đạo hữu, đừng theo dõi hơi thở của đạo hữu nữa, tại vì trên thế gian này có rất nhiều cái để đạo hữu tìm hiểu." 

Nhưng người tu thiền thì lại nói với người đó như vầy:

"Nếu qua bản thân của tôi, qua tâm của tôi, và qua hơi thở của tôi, tôi thấy được vô thường, khổ não, vô ngã, thì tôi cũng thấy được cuộc đời là vô thường, khổ não và vô ngã." 

Không có gì khác biệt hết, có chăng là chúng ta nắm được một góc của miếng vải và chúng ta kéo lên thì cả miếng vải đi theo chúng ta mà thôi. 

Nên theo trong kinh điển của Đức Phật thì một người tu tập là một người tìm thấy mọi thứ đều là một mẩu số chung, mẩu số chung này là cái gì khiến cho chúng ta có tâm tư vô cùng an lạc và vô cùng thảnh thơi

Thường thường chúng ta nhìn thấy vật gì đó và cảm thấy rất là đam mê, rồi những vật xấu nào đó chúng ta không thích, hai vật đó có cái gì tương ứng với nhau. Một người phụ nữ xấu và một người phụ nữ đẹp có một cái gì tương ưng với nhau. Thì cái chung mà Đức Phật Ngài nói đó là tất cả đều là vô thường. Tất cả đều là vô thường, đều là khổ não, đó là cái chung của tất cả. Trong cái chung phải nhìn thấy cái riêng, trong cái riêng phải nhìn thấy cái chung. Người nào chấp tướng riêng mà quên đi tướng chung thì điểm đó là sai lầm. 

Chấp tướng chung mà quên đi tướng riêng là như thế nào? Là chúng ta nghĩ rằng vật này là nhất ở trên đời này như vậy nó không bị vô thường, khổ não, vô ngã chi phối, chỉ thấy cái riêng biệt của nó thôi, hoặc là một người nào đó nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều là chung mà không có sự khác biệt. Theo trong kinh điển Đức Phật dạy rằng; thân thì khác biệt có cái chung của nó và trong cái chung của nó có cái riêng biệt của nó như vậy là tướng chung và tướng riêng.

No comments:

Post a Comment