Friday, January 6, 2017

Thập Nhị Nhân Duyên - bài 11 - Phần Kết

Thập Nhị Nhân Duyên - 

Bài 11 - Phần kết


TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học năm 1995 tại Thụy Sĩ.

Minh Hạnh chuyển biên và biên tập

 Hy vọng được vượt khỏi sanh tử thì đạo Phật có niềm hy vọng rất lớn, nếu chúng ta tập thiền định trong đời sống của chúng ta rồi thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy bị dồn vào chân tường, lúc nào cuộc sống cũng có lối thoát của nó, chúng ta nên hiểu một điều rằng cái khổ mà chúng ta đang có nó cũng có nhân duyên của nó, nó đến được thì nó đi được, sở dĩ chúng ta cảm thấy tắc nghẽn bế tắc không thể phấn đấu được vì một lý do duy nhất là chúng ta nghĩ rằng chuyện đó là chuyện miên viễn đời đời kiếp kiếp là như vậy, nhưng mà rồi chúng ta phải tin rằng nó sẽ chấm dứt. Giai đoạn nào đó khổ sở nhất trong cuộc đời có khi chúng ta muốn quyên sinh tự tử, nhưng chúng ta quên rằng rồi giai đoạn đó nó cũng sẽ đi qua, tất cả mọi thứ đều phải đi qua hết, cái tốt nhất cũng đi qua, cái xấu nhất cũng đi qua, cái vui nhất cũng đi qua, cái buồn nhất cũng đi qua và thọ cũng vô thường, tưởng cũng vô thường, hành cũng vô thường, thức cũng vô thường, mọi thứ đều là vô thường đều biến dịch hết, cái quan trọng nhất của đời sống là chúng ta có sống trầm tỉnh đối với những chuyện đó hay không.

Chúng ta lấy một câu chuyện thường tình trong đời sống để chiêm nghiệm lý này trong đạo Phật. Trong đời sống của chúng ta thường xuyên đụng chạm nhiều thứ, va chạm với những người chung quanh, lúc va chạm như vậy thì có lời ra tiếng vào, rồi sau đó chúng ta thường hối hận ăn năn chuyện này chuyện kia phiền muộn. Mỗi lần gặp nghịch cảnh, mỗi lần gặp sự va chạm thì chúng ta hãy tâm niệm một điều rằng bây giờ mình phải nín thở qua sông, cứ ráng im lặng một lúc cho nó qua chuyện đó thì thôi, còn bây giờ chúng ta đổ dầu thêm lửa, làm rắc rối thêm thì về sau này chuyện đó sẽ kéo dài lâu thêm và chúng ta sẽ ăn năn hối hận về những lời nói của mình nhiều hơn. Do vậy người hiểu được nghệ thuật sống lớn nhất ở trong đời là người có thể sống sót qua mọi cơn bão tố phong ba, chứ không phải là khi bão tố phong ba đến thì dương cờ đánh trống chạy ra để đấu với bão tố phong ba phải không?. Chuyện quan trọng nhất của đời sống là chúng ta có thể đi qua nghịch cảnh một cách rất thầm lặng, nhưng rồi cuối cùng chúng ta là kẻ sống sót, sống sót mà không hối hận một điều gì hết thì như vậy chúng ta sẽ sống như Đức Phật Ngài nói rằng "sống như con độc sừng tê giác" nghĩa là đi ở trong cuộc đời này một cách rất thầm lặng nhưng biết giữ sự an toàn cho chính mình. Và ở đây là chúng ta hiểu rằng sanh vào trong cuộc đời này có muôn ngàn thứ, nhưng làm sao khi qua tất cả những điều đó chúng ta còn được sức sống của mình thì chúng ta biết mọi thứ đều vô thường, mọi thứ đều là giai đoạn, mọi thứ đều là tạm bợ, hiểu như vậy thì chúng ta sẽ trở lên thanh thản và nhẹ nhàng vô cùng.

Như Ngài Xá Lợi Phất người ta đến hỏi Ngài: "Ngài đã giác ngộ và Ngài có thể viên tịch, và sau khi Ngài viên tịch thì Ngài sẽ không còn những hệ lụy đau khổ, không còn phải đi bát mỗi ngày nữa, không còn những phận sự nữa, vậy tại sao Ngài không chết sớm đi

Ngài Xá Lợi Phất nói rằng: "Tôi không ham muốn sự sống và tôi cũng không tha thiết với sự chết, tôi chỉ không muốn làm trái cây xanh mà phải rụng thôi." 

Ý Ngài muốn nói rằng tâm của Ngài đã sống đến mức độ là Ngài có thể sống với tự nhiên của đời sống, đời sống ra sao thì Ngài nhận nó như vậy và Ngài bình thản đi qua những gì xảy ra trong cuộc đời của mình. 

Khi nhìn vào lý nhân duyên chúng ta thấy rằng mỗi thứ ở trên đời này bao giờ nó cũng cần có điều kiện để nó có mặt, điều kiện để nó trưởng thành, điều kiện để tồn tại và khi những điều kiện đó không còn nữa thì tự nó nó sẽ chấm dứt thôi. Cái chân lý về duyên sinh vọn vẹn ở trong câu Phật ngôn đó là "Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia sẽ biến hoại đi" hiểu như vậy thì chúng ta thấy cả cuộc đời này gọi là tương sanh, tương tập, tương duyên, sống là chúng ta tựa với nhau, ngón tay này đau thì ngón tay kia đau, người này bị ảnh hưởng thì người kia bị ảnh hưởng, chúng ta phải có nhiều lòng bi mẫn hơn với cuộc đời, chúng ta sống có trách nhiệm hơn, và đồng thời chúng ta không đổ lỗi cho bất cứ ai hết. 

Có đôi lúc như vầy: 
- Một người nào đó họ nói một câu hoặc họ làm chuyện gì đó làm chúng ta buồn thì chúng ta biết rằng; yếu tố có quá khứ, có hiện tại, có vị lai. Hiện tại có khi chúng ta rất tốt với họ, nhưng biết đâu trong quá khứ chúng ta có làm chuyện gì oan trái, chúng ta hoàn toàn không biết. 

- Rồi nhiều khi họ nói chúng ta nhiều câu bực mình, không phải là tại vì chúng ta làm lỗi mà có thể là tại vì cơ thể họ không được khỏe chẳng hạn họ đâm ra dễ bực mình. 

Có muôn ngàn lý do, muôn ngàn nhân duyên, và muôn ngàn điều kiện. Trong kinh điển Bắc Tông thường dùng danh từ  "trùng trùng duyên khởi, điệp điệp duyên sinh" nghĩa là có hàng ngàn lý do như vậy. 

Lý do là tại vì chúng ta là người Việt Nam, tại vì chúng ta là người da vàng, bởi chúng ta có mặt ở đây và trong thời điểm này, bởi vì chúng ta như vầy như khác thành ra người ta mới kỳ thị mình, và như vậy chúng ta đừng trách mình nhiều lắm, và có mặc cảm nhiều lắm.

 Chúng tôi muốn nói điều này liên quan đến Lý Duyên Sinh không phải là một điều nói ra ngoài đề tài, chúng tôi chỉ muốn nói đến một sự kiện rất căn bản ở đây, là "Lý Duyên Sinh có ảnh hưởng lớn đến đời sống của mình", nếu chúng ta ngồi trầm tư một cách cặn kẽ trong đời sống thì lý nhân duyên đó sẽ thay đổi, thay đổi lớn và thay đổi rất nhiều phần ở trong cái nhìn nhân sinh quan của mình. 
Chúng ta hết phần sau cùng của lý Thập Nhị Nhân Duyên. 

No comments:

Post a Comment