Friday, January 6, 2017

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 9 - Thủ duyên cho Hữu

Thập Nhị Nhân Duyên
 Bài 9 - Thủ duyên cho hữu


TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học năm 1995 tại Thụy Sĩ.

Chánh Hạnh chuyển biên, Minh Hạnh biên tập

Hữu là gì? 

Chữ "Hữu" trên phương diện từ ngữ, trên phương diện ngôn ngữ chữ "bhava" trong tiếng Phạn có nghĩ là "sự hiện hữu", nói một cách khác là sự hình thành hay sự trở thành, chữ hữu được dịch một cách nôm na là như vậy.

 Nhưng chữ "Hữu" ở trong Thập Nhị Nhân Duyên được hiểu theo ý nghĩa là một sự hoàn thành của một tiếng trình, tiếng trình đó được bắt đầu từ Lục Nhập rồi Xúc rồi Thọ rồi Ái rồi Thủ rồi Hữu. .

Hữu được xem như một tiến trình quan trọng của một chuỗi dài hành động hay chuỗi dài tác động. Có thể nói rằng không thể nào nhắc đến chữ Hữu mà chúng ta không nói đến sự phân chia thập nhị nhân duyên theo cái nhìn của Ngài Buddhaghosa. 

Ngài trình bày thập nhị nhân duyên theo ba đời sống: 

-Đời quá khứ gồm có: Vô Minh, Hành và Thức. 

-Đời hiện tại gồm có: Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu. 

- Đời sống tương lai gồm có: Sanh và Lão Tử . 

Như vậy Thập Nhị Nhân Duyên được trình bày trong thời gian được tính bằng ba kiếp sống nhập lại. Mặc dầu đời trước, đời nay, và đời sau cũng như nhau, nhưng đời trước chúng ta nhìn vào khía cạnh vô minh, hành và thức. Khi nhìn vào đời hiện tại chúng ta nhìn một cách chi tiết hơn, một cách máy móc hơn, nhìn vào danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, và hữu. Khi nhìn vào đời sống tương lai, chúng ta nhìn vào sanh lão tử. 

Nói cách khác khi nói đến ba chi phần trong quá khứ gồm Vô Minh, Hành, và Thức, có nghĩa là: 

- Do Vô Minh trong quá khứ tạo thành nghiệp và do nghiệp đó tạo thành Thức tái sanh, được xem như một chu kỳ của quá khứ. 

- Chu kỳ hiện tại gồm có Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ và Hữu. Từ Hữu đó dẫn đi tái sanh trong tương lai, kiếp tưong lai gồm có Sanh và Lão Tử. 

Như vậy nói đến ba đời, nhưng ba đời đó với ba cái nhìn khác nhau về đời sống. Mặc dầu hiện tại bây giờ sẽ trở thành qúa khứ, và cái qúa khứ hôm nay đã là hiện tại của quá khứ, quá khứ ngày hôm qua cũng có thời gian là tương lai. 

Tuy nhiên nói về phương diện thời gian, nhìn về hiện tại hoàn toàn khác, nhìn về tương lai hoàn toàn khác, nhìn về quá khứ hoàn toàn khác. Ví dụ:

- Nói đến hành động, trong qúa khứ gọi là Hành.

- Nói đến nhân của hành động trong quá khứ chúng ta nói đến Vô Minh. 

Nhưng nói đến nhân hành động trong hiện tại, cái phiền não trong hiện tại, chúng ta nói đến Ái chứ không nói đến vô minh. 

Do vậy chữ hữu ở đây là một tiến trình hoàn chỉnh của sự hiện hữu trong hiện tại này. Khi nói đến chữ Hữu, có nghĩa là nói đến một chung cuộc của hiện tại. 

Chung cuộc hiện tại đó là gì? Đó là từ chỗ có thân tâm, có danh sắc, có lục nhập, mới có xúc, thọ, ái, thủ, và hữu ( hữu là dẫn đến sự tạo tác các nghiệp) để thành hiện hữu.



Nói một cách khác, chữ "Hữu" có nghĩa là những cơ năng sinh hoạt của đời sống được xem như tạo nghiệp cho đời sống tương lai. 

Nếu quý vị nhìn vào bản đồ Thập Nhị Nhân Duyên, sẽ thấy hai khoen cuối cùng là Sanh và Lão Tử được dùng để diễn tả đời sống tương lai, nó cũng là một sự diễn tả hoàn chỉnh của bắt đầu và chấm dứt. Chúng ta cũng thấy từ Thức tạo ra Danh Sắc tức là khởi đầu kiếp sống cho đến Hữu. 

Tại sao đời sống hiện tại này không chấm dứt ở Lão Tử mà chấm dứt tại Hữu? Tại sao Lão tử chỉ được nhắc trong kiếp sống tương lai? 

Tại vì lão tử là kết quả của sự sanh. Do vậy có một chút lắc léo tại đây, khi chúng ta dùng chữ hữu là chỉ cho sự hiện diện của đời sống này (thay vì nói đến hành là hành động). 

Rất ít khi chúng ta ta gặp một chi pháp tương đối khó định nghĩa và khó nói như Thập Nhị Nhân Duyên. Bởi vì ngay trong mười hai chi pháp này, riêng thời gian đã là vấn đề phức tạp rồi. 

Có thể nói không thể nào đem từ Vô Minh cho đến Lão Tử gom vào trong một kiếp sống được. Tại sao vậy? Tại vì :

- Khoen thứ mười một là Sanh, cũng là khởi đầu một kiếp sống, 

- Khoen thức duyên cho danh sắc cũng là khởi đầu một kiếp sống. 

Như vậy trong mười hai vòng này đã nói đến ba đời sống khác nhau. 

Xin lập lại một lần nữa, chữ "Hữu" nói lên một kiếp sống hoàn toàn. Trong kinh điển Đức Phật dạy cuộc sống chúng ta đang hiện hữu tại đây, tất cả đều dựa trên ba yếu tố: Nghiệp, Quả và Phiền Não. 

- Phiền não là nhân tạo ra Nghiệp, 

- Nghiệp đó có Quả, 

- trở lại Phiền Não và Nghiệp. 

Trong ba yếu tố này, điều trình bày bản chất đời sống lớn nhất là Nghiệp. Phiền não chỉ là nhân sâu kín bên trong, và quả chỉ là kết quả của nghiệp. 


Nói tóm lại làm thiện làm ác, ăn uống ngủ nghỉ nói năng, tạo tác hành động chính là sự hiện hữu của con người. Cũng giống như câu nói “vì tôi có suy tư nên tôi hiện hữu”, người Phật tử nói rằng “vì chúng ta có tạo nghiệp nên chúng ta hiện hữu”. 

Chúng ta thấy rõ rằng:

- Vô minh là phiền não, 

- Hành là nghiệp, 

- Thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ là quả, 

- Ái thủ là phiền não,

- Hữu là nghiệp.  Hữu là nghiệp đó tạo ra sanh,

-  Lão tử là quả. 

Do vậy nhìn vào ba tiến trình nghiệp quả và phiền não của lý Thập Nhị Nhân Duyên, chữ Hữu được xem như là nghiệp, là hành động, tương ứng với chữ Hành. Tuy nhiên chữ Hữu nói về trong quá khứ gọi là Hành, nói về thời gian hiện tại gọi là hữu. Cũng giống như nói trong quá khứ gọi là Vô Minh, nói trong hiện tại gọi là Ái dục. 

Tại sao? Ví dụ như :

Nếu ngày hôm qua chúng ta làm một việc gì đó sai lầm, nhìn lại chúng ta hỏi, 

-“Tại sao chúng ta đã làm việc đó”. 

-Chúng ta nói rằng, “Tại lúc đó chúng ta không biết”. “Cái không biết” nói về quá khứ là Vô Minh. 

-Nhưng nếu hỏi, “ Tại sao chúng ta đang làm việc đó”. 

-Chúng ta nói rằng, “ Tại chúng ta thích làm”. “Cái thích làm” nói trong hiện tại gọi là Ái. 

Như vậy Vô Minh và Ái chỉ là một. Nó là hai mặt của một đồng tiền, đều là phiền não.

Nhưng động lực của ngày hôm qua là Vô Minh vì mê mờ, vì không biết nên đã làm chuyện đó. Động lực của hiện tại là Ái dục, “vì thích làm chuyện đó”.

Như vậy cái rắc rối của Thập Nhị Nhân Duyên là, vì dựa trên yếu tố thời gian nên chúng ta có cái nhìn khác đi. Cũng như Thức dẫn đến Danh Sắc, thật ra nó đồng nghĩa với chữ Sanh trong đoạn sau. Từ Thức tái sanh dẫn đến sự hiện hữu của một kiếp người cũng là sự tái sanh. Chữ Sanh và Lão Tử, được Đức Phật nói đến kiếp sống vị lai để cho chúng ta thấy hình ảnh kết quả hành động hiện tại.

Do vậy hữu có Dục Hữu và Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu. Có nghiệp đưa vào cõi Dục Giới, có Nghiệp đưa vào cõi Sắc Giới, có Nghiệp đưa vào cõi Vô Sắc Giới.

Nghiệp đưa đến cõi dục giới là gì? Những nghiệp nào liên quan đến tham, sân, hoài nghi, hôn trầm thuỵ miên và phóng dật là nghiệp đưa vào cõi Dục Giới. 

Con người chúng ta trong cõi dục có năm đặc tính: 

1/Biết cảm nhận vẻ đẹp của cuộc sống. Đó là phương diện tốt. Về phương diện bất thiện, từ cái biết cảm nhận cái đẹp dẫn đến lòng tham. Như con người, ai có cảm tính mạnh thì sự tham muốn cũng mạnh, ưa chuộng cái đẹp. 

2/ Có cơ năng biết tránh né những điều trái ý nghịch lòng. Về phương diện bất thiện điều này dẫn đến tâm sân.

3/ Có cơ năng biết nghỉ ngơi, như làm việc thấy mệt mỏi muốn đi ngủ chẳng hạn. Về phương diện bất thiện, điều này dẫn đến hôn trầm và thuỵ miên

4/ Có sáng tạo, có nghĩa là biết tạo ra những cái mới. Chư thiên ở cõi sắc giới và vô sắc giới không sáng tạo như chúng ta. Về phương diện bất thiện điều này dẫn đến phóng dật. Phóng dật là phóng tâm, tâm không trụ được. 

5/ Sống nặng về suy tư và trí tuệ. Chuyện nào không biết không thấy được tự nhiên chúng ta dừng lại, không tiến tới nữa. Về phương diện bất thiện điều này dẫn đến sự hoài nghi. 

Năm pháp tham, sân, hôn trầm thuỵ miên, phóng dật, hoài nghi là năm cơ năng của người dục giới. Chúng ta như cái máy biết trọng cái đẹp, biết né cái xấu, biết nghỉ ngơi, biết sáng tạo và biết hoài nghi. Năm trạng thái này dẫn đến năm phiền não. Do vậy khi đạt đến trạng thái cao hơn năm cơ năng này được xem như năm triền cái là năm điều ngăn ngại. Muốn tiêu diệt năm sự ngăn ngại này chúng ta phải phát triển năm chi thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc và định.

Như vậy:

- Nghiệp dẫn vào dục giới có trạng thái khác của nghiệp dẫn vào cõi dục giới. 

- Nghiệp dẫn vào sắc giới có trạng thái khác của nghiệp dẫn vào sắc giới. 

- Nghiệp dẫn vào vô sắc có trạng thái khác của nghiệp dẫn vào vô sắc. 

Do đó khi nói đến Hữu là chúng ta nói đến một sự hiện hữu có bản chất hoàn toàn khác nhau. Theo kinh Phật hễ chúng ta sống như con người chúng ta trở thành con người, sống như con vật chúng ta trở thành con vật, sống như chư thiên sẽ trở thành chư thiên.

Đức Phật nói chư thiên có bốn đặc tánh. Chư thiên là bậc có rất nhiều giới hạnh. Ở đời sống này nếu chư Phật tử giữ bát quan trai giới, tâm giống như chư thiên vậy. 

Trong kinh có một lần Đức Phật nói, “ Vị Phạm Thiên luôn luôn có đức từ bi hỷ xả. Do vậy người nào tu tập từ bi hỷ xả, khi đi có từ bi hỷ xả thì đi giống như Phạm Thiên, khi đứng có từ bi hỷ xả thì đứng giống như Phạm Thiên, khi nằm có từ bi hỷ xả thì nằm giống như Phạm Thiên, khi ngồi có từ bi hỷ xả thì ngồi giống như Phạm thiên. Người đi đứng nằm ngồi giống như Phạm thiên sau khi chết sẽ sanh về cộng trú với Phạm thiên.”

Do vậy chữ Hữu ở đây, nói lên sự hiện hữu, nói lên bản chất của đời sống hiện tại, bản chất đó là nền tảng của đời sống trong tương lai. Nền tảng hiện tại đó được chi phối bởi xúc, bởi thọ, bởi ái, bởi thủ và do nhân như vậy hữu có mặt. 

Khi chúng ta nói đến Xúc, đến Thọ, chúng ta nói đến môi trường nói đến điều kiện. 

Khi nói đến xúc, chúng ta nói Nhãn Xúc, Nhĩ Xúc, Tỷ Xúc, Thiệt Xúc, Thân Xúc và Ý Xúc. Tức là sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh, sáu căn này tiếp xúc với sáu môi trường, từ chỗ đó sanh ra cảm thọ sanh ra ái. Chúng ta làm một sự lựa chọn, và chính sự lựa chọn đó nói lên sự có mặt của chúng ta trong cõi đời này.

Nhiều lần Đức Phật nhấn mạnh rằng, “Không phải sanh ra trong một giai cấp là cao thượng, không phải mang một cái tên đẹp là cao thượng, chính hành động mới quyết định con người cao thượng hay không cao thượng”. Có nghĩa là chính hành động mới nói lên sự hiện hữu của con người. Một con người sát sanh trộm cướp v.v.. được xem như hiện hữu trong sự bất thiện . Một người biết bố thí trì giới tham thiền là hiện hữu trong thiện.

Do vậy “ái duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu” . 

-Ái ở đây tượng trưng cho phản ứng tự nhiên của sự tiếp xúc đối với các cảnh. 

-Thủ được xem như là sự lựa chọn của đời sống chúng ta, lựa chọn đi theo con đường này lựa chọn đi theo con đường kia 

-Và Hữu là khi đời sống chúng ta đã lựa chọn, chúng ta lựa chọn sống theo cách nào đó gọi là Hữu.

Khi giảng Thập Nhị Nhân Duyên, Ngài Buddhaghosa đã đem Thập Nhị Nhân Duyên vào trong Thanh Tịnh Đạo ghi là Lý Duyên Sinh được dùng làm một đề tài cho người tu tập thiền quán. Lý do từ vấn đề Lục Nhập duyên cho Xúc, duyên cho Thọ, duyên cho Ái , duyên cho Thủ duyên cho Hữu, tất cả đều có mặt đầy đủ khi chúng ta tham thiền theo dõi thân tâm, và ở đó chúng ta thấy thân tâm sinh hoạt giống như một cơ năng. 

Có một phương pháp đi kinh hành với sự quán sát về mười hai xứ, với phương pháp này khi ngồi thiền hay lúc đi kinh hành, chúng ta quan sát thử xem có bao nhiêu âm thanh đến với lỗ tai. Khi âm thanh hiện ra chúng ta biết đó là âm thanh và tai đang nghe tiếng. Nghe tiếng đó là nhĩ thức. Cái gì chúng ta nhìn, chúng ta thấy đó là cảnh sắc và cái biết của mắt đó là nhãn thức. Khi đi kinh hành như vậy một thời gian hành giả cảm nhận rằng đời sống là một sự tiếp xúc của nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý với sắc thinh khí vị xúc bên ngoài. Khi người này có đủ khả năng bén nhạy để theo dõi, khi nào thấy, khi nào nghe, khi nào ngửi, khi nào nếm, khi nào đụng, lâu ngày vị này sẽ bén nhạy hơn và thấy được những cảm thọ của nó, chúng ta gọi là nhãn xúc sở sanh thọ, nhĩ xúc sở sanh thọ v.v..Tức là thọ từ con mắt, thọ từ lỗ tai, thọ từ lỗ mũi, thọ từ lưỡi, thọ từ thân, thọ do thấy do nghe do ngửi do nếm do đụng. Khi thấy được cảm thọ đó chúng ta thấy được sự dính mắc, thấy được sự từ chối hay sự đam mê đối với những thọ đó. Chúng ta sẽ thấy được ái và thủ. Từ chỗ đó chúng ta nhận thấy rằng, khi chúng ta có cảm giác ưa thích chuyện gì đó nó sẽ dẫn đến hành động và điều đó gọi là hữu.

Ví dụ quý vị đang hành thiền, bỗng nhiên quý vị nhớ đến một người nào đó, nhớ người bạn hay cha mẹ của mình, tức là ý tiếp xúc với pháp gọi là ý xúc sở sanh thọ. Từ ý niệm đó dẫn đến tình trạng chúng ta viết thơ. Hành động ngồi viết thơ đó được xem là hữu. Có rất nhiều hành động trong đời sống từ nhỏ đến lớn, có thể được xem được quán sát, được ghi nhận rõ ràng nhờ chúng ta theo dõi từng phần một của xúc, của thọ, của ái, của thủ và của hữu rất dễ dàng. 

Ví dụ chúng ta thèm café, chúng ta nhớ đến café đó là ý xúc sở sanh thọ, tự nhiên có ý muốn uống café, ý muốn đó là ái, sanh ra hữu là tìm cách gì để có café và chúng ta bắt đầu phát ngôn ra, nói với mọi người rằng "tôi muốn uống café, xin hãy mang café đến cho tôi”. Đó là hữu.

No comments:

Post a Comment