Thập Nhị Nhân Duyên
Bài 4: Danh sắc duyên cho lục nhập
TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ
Chánh Hạnh chuyển biên, Minh Hạnh biên tập
Trước khi đi vào phần “danh sắc duyên cho lục nhập”. Chúng ta nên có một chút minh định giữa chữ "Nhân" và chữ "Duyên". Thường thường Nhân và Duyên, hai chữ đi chung với nhau. Trong từ ngữ Phật học chữ Nhân có khác biệt với chữ Duyên, mặc dầu nhân, nó cũng là một cái duyên nhưng không phải tất cả duyên đều là nhân.
- Duyên: Như một hạt giống, như một hột xoài được gieo xuống là trồng lên cây xoài, cây xoài có bông có quả. Một khi có quả xoài nó cho ra hột xoài, từ hột xoài này trở thành một cây xoài khác, một trái xoài khác. Một tiến trình trọn vẹn như vậy, chúng ta gọi là duyên.
Nói đến nhân thì có quả. Quả là cái gì rất giống nhân, như hột xoài này cho ra trái xoài khác và trái xoài khác cho ra hột xoài. Tuy nhiên cái nhân và duyên không nhất thiết nhân duyên ảnh hưởng giống nhau. Như trường hợp ngày hôm nay có nhiều người không đi chùa được vì có một số đã đi nghỉ lễ ở xa. Cái chuyện đi nghỉ lễ không phải là nhân, và chuyện bớt Phật tử đi chùa không phải là quả, chúng tôi gọi đó là cái duyên. Như vậy cái Duyên là những ảnh hưởng làm cho khác đi, làm cho sự việc đi vào xu hướng này hoặc xu hướng kia.
- Nhân: Nhân thì ngược lại, nhân là hạt giống sẽ trổ quả, quả sẽ hoàn tất chu kỳ của nó, chúng tôi gọi là quả.
Qua ví dụ khác, chúng ta đi tu do vậy chúng ta chứng được đắc đạo quả, đó là nhân quả. Nhưng không phải nói vì chúng ta đi tu nên cái quả là chúng ta phải cạo đầu, cạo đầu không phải là quả của đi tu, cạo đầu chỉ là cái duyên, chúng ta đi tu phải cạo đầu mà thôi.
Chữ Duyên trong đạo Phật được nói rất là khác biệt, khi chúng ta nói đến nhân và quả thì nhân quả giới hạn trong phạm vi nghiệp báo. Nhân lành cho quả vui nhân ác cho quả khổ. Khi ta nói đến chữ duyên ta nói đến một ý tưởng rộng rãi hơn, bất cứ cái gì có ảnh hưởng đến người khác, điều đó gọi là duyên. Như chúng ta nói vô minh duyên cho hành, vì chỗ không biết không thấy mà chúng ta hành động. Như vậy đó là Duyên, “vô minh Duyên cho hành”, chúng ta thật sự gọi là “vô minh là Duyên cho hành”. Nhưng khi nói đến hành Duyên cho thức thì hành vừa là nhân của thức và hành vừa là Duyên cho thức được. Như vậy sự khác biệt giữa nhân và duyên.
Tiến trình Thập nhị nhân duyên chúng tôi đã đề cập:
-Từ “ vô minh duyên cho hành” tức là từ sự không biết không thấy mà hành động,
- Từ hành động ảnh hưởng đến đời sống tâm thức của mình, tạo ra thức tái sinh. Gọi là “hành duyên cho thức”.
-Từ thức tái sanh đó con người có mặt sanh vào các cảnh giới có thân và có tâm, chúng ta goi là “thức duyên cho danh sắc”.
Bây giờ đến phần này tương đối hơi khó hiểu, có thể nói là phần khó hiểu nhất của Thập nhị nhân duyên, tức là “ Danh sắc duyên cho lục nhập”
Trên phương diện định nghĩa thì không có gì khó hiểu cả. Danh sắc nói nôm na là thân và tâm. Trong danh từ Phật học:
- Danh là cái gì có tên mà không thể sờ mó được, không thể thấy được. Đó là chúng ta đề cập đến tâm của mình.
- sắc có nghĩa là thành phần vật chất thuộc về sắc pháp, tức là nói về cơ thể của chúng ta.
Nói một cách nôm na, danh sắc đồng nghĩa với tâm và thân. Danh là tâm và sắc là thân của mình.
Lục nhập là gì?”
- Lục nhập hay còn gọi lục xứ là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý.
“Danh sắc duyên cho lục nhập”. Điều này khó hiểu hơn chúng ta định nghĩa danh sắc và lục nhập. Tại vì định nghĩa danh sắc thì rất dễ và định nghĩa lục nhập thì rất dễ bởi vì ai cũng hiểu mắt tai, mũi lưỡi thân ý. Nhưng tại sao gọi là "danh-sắc duyên cho lục- nhập", trong khi có danh sắc thì tự nhiên phải có lục nhập, chứ tại sao chúng ta lại gọi có danh - sắc lại duyên cho lục nhập sanh khởi. Chúng tôi tạm nói về hai cách giải thích khác nhau của hai truyền thống đạo Phật. Một truyền thống giải theo chú giải và một truyền thống giải theo tiếng Tàu.
Nhưng trước khi đi vào “danh-sắc duyên cho lục-nhập” chúng tôi muốn đi sâu một chút vào chữ lục-nhập tức là mắt tai mũi lưỡi thân ý. Có nhiều cách Đức Phật nói về con người.
-Ngài nói con người có năm uẩn, đem con người chia ra có năm uẩn như chúng ta vẫn thường nói thân là sắc uẩn, tâm thì có thọ- tưởng- hành- thức, như chúng ta đã định nghĩa nhiều lần.
-Có khi Đức Phật Ngài nói con người có ba phần là thân , khẩu, ý. Cái gì thuộc về thân là hành động. Cái gì thuộc về lời nói là khẩu. Cái gì thuôc về ý nghĩ là ý. Chúng ta thấy thân khẩu ý trọn vẹn sở hành của con người.
-Khi Đức Phật Ngài nói con người có sáu thức hay lục nhập mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, thì điều đó có nghĩa một cách nói về con người, mà nói một cách trọn vẹn.
Nếu quý vị bỏ trừ con mắt ra, bỏ trừ những gì mình thấy ra,
Bỏ tai , bỏ trừ những gì mình nghe ra,
Bỏ mũi, bỏ trừ những gì mình ngửi ra
Bỏ lưỡi, bỏ những gì mình nếm ra
Bỏ thân, bỏ những gì chúng ta cảm xúc
Bỏ ý , bỏ những gì chúng ta suy nghĩ.
Thì chúng ta không còn gì gọi là con người hết.
Như vậy con người được Đức Phật Ngài dùng nhiều hình thức khác nhau để Ngài phân tích.
Ví dụ bây giờ chúng ta ngồi đây trong hội chúng này, chúng ta có nhiều cách để nói:
-Tất cả mọi người ở đây có hai thành phần: một là xuất gia, hai là tại gia. Chúng tôi là xuất gia, quý vị là tại gia, như vậy chúng ta đủ hết.
-Chúng ta cũng chia một cách khác, tất cả chúng ta ngồi tại đây có hai thành phần là nam và nữ. Như vậy chúng ta cũng đủ hết.
- Chúng ta cũng chia một cách khác, ở đây có ba thành phần là lão niên, trung niên và thiếu niên. Như vậy chúng ta nói cũng đủ. Tuỳ vào phương diện mà nói.
Khi Đức Phật nói đến lục nhập, Ngài phân tích con người theo cái thức, chứ Ngài không nói về phần vô tri của con người. Ngài cho con người là một sinh vật rất sinh động, Thí dụ Ngài nói con người có năm uẩn là sắc thọ tưởng hành thức, thì phần sắc là phần vô tri hoàn toàn.
Tuy nhiên khi nói đến lục nhập, cả sáu thành phần đó của con người đều là phần tri thức, phần cảm nhận. Vì con người được trình bày ở đây là một sinh vật rất là hiện hữu sinh động, chứ không phải có một phần nào là vô tri giác. Nếu quý vị nói về phần vật chất của chúng ta thì chúng ta có mắt tai mũi lưỡi và thân, mắt, tai , mũi, lưỡi và thân ở đây được xem như là nền tảng cho thân thức sanh khởi, qua vật chất. Có nghĩa là để thấy, để nghe, để ngửi, để nếm, để đụng. Có nghĩa là chúng ta nói về thị giác, về thính giác, về khứu giác, về vị giác, về xúc giác. Nhưng cái thấy nghe ngửi nếm đụng đó là cái mà chúng ta gọi là thân ở đây, thân là cái nền tảng là cái căn cứ, từ chỗ đó tâm thức sanh khởi. Nếu nó sanh khởi ở mắt, Đức Phật gọi là nhãn thức, sanh khởi ở lỗ tai Đức Phật Ngài gọi là nhĩ thức, sanh khởi ở lỗ mũi Đức Phật Ngài gọi là tỷ thức, sanh khởi ở lưỡi Đức Phật Ngài gọi là thiệt thức, sanh khởi ở thân Đức Phật Ngài gọi là thân thức, và sanh khởi ở ý Đức Phật Ngài gọi là ý thức.
Khi Đức Phật Ngài diễn tả con người như sáu ý thức này thì Ngài muốn tạo cho chúng ta một hình ảnh, chúng ta là một loài hữu tình. Chữ hữu tình và chữ chúng sanh giống nhau. Chữ Sattā dịch là chúng sanh, chúng sanh là loài có sự sống hay sinh vật. Loài có sự sống tức là là loài có tri thức có cảm giác. Loài hữu tình, chữ tình có nghĩa là tình cảm, nói như chúng ta nói một cách thông thường. Chữ tình ở đây còn có nghĩa là tri thức nữa. Do vậy chúng ta gọi là loài chúng sanh hay loài hữu tình, tức là những sinh vật sống và có nhận thức, có cảm giác. Cái nhận thức và cảm giác này rất là quan trọng. Bởi vì từ đó nó sanh ra đủ thứ chuyện.
Đức Phật Ngài nói,
-“ Mắt, ở đó như là vết thương. Mắt, ở đó như là hầm lửa vì từ chỗ đó, từ ở mắt, có nhiều phiền não từ đó mà sanh khởi”.
Chúng ta đã có một ý nghĩ thế nào là danh sắc và thế nào là lục nhập.
Kinh tạng bình thường có thể đặt vấn đề là như vậy lục nhập cũng có nghĩa là danh sắc và danh sắc cũng có nghĩa là lục nhập. Tại vì khi nói đến danh sắc thì chúng ta nói đến thân tâm, khi chúng ta nói về lục nhập chúng ta cũng nói về thân tâm. Vậy thì tại sao nói “ danh sắc duyên cho lục nhập” và ở đây danh sắc phải đựơc hiểu như thế nào, lục nhập phải đươc hiểu như thế nào? Với câu hỏi này, ngày xưa người ta có câu trả lời và câu trả lời đó mới nghe rất có lý, mà ngày nay các kinh điển Bắc Tông thường hay giải thích nhưng cách giải thích không chính xác.
- Giải thích nói rằng danh sắc ở đây:
- Danh là thức tái sanh đầu đời, là thức đi vào trong lòng mẹ.
- Sắc là bào thai trong thời kỳ phôi thai trứng nước.
Đó là danh sắc. Khi bào thai được hình thành, rồi đến lúc nào đó có tay có chân có mắt có tai mũi thì đó gọi là danh sắc duyên cho lục nhập.
Lối giải thích này mới nghe rất ổn. Tại vì sao vậy? Tại vì từ bào thai mỏng manh chúng ta gọi là danh sắc, sau đó hình thành mắt tai mũi lưỡi, như vậy danh sắc đã duyên cho lục nhập rồi.
Nhưng thật sự không phải như vậy. Bởi vì hai lý do:
-Lý do thứ nhất là mặc dầu trong thời kỳ phôi thai trứng nước như vậy, chưa có mắt tai mũi lưỡi nhưng đã có thân xúc tức là đã có xúc giác. Các bào thai trong thời kỳ phôi thai nhỏ chưa hình thành có hình thành tay chân mũi miệng đó, nó đã biết phản ứng với cái nóng và cái lạnh, cái đó gọi là xúc giác. Như vậy là đã có thân xúc chứ không phải là không có thân xúc.
- Lý do thứ hai, nếu danh sắc được định nghĩa như vậy, có nghĩa trước khi có mắt, tai , mũi, lưỡi, thân được hình thành trong lòng mẹ. Trước đó chúng ta gọi là danh sắc, sau đó chúng ta gọi là lục nhập, như vậy là không phải. Vì chữ danh sắc Đức Phật Ngài dạy rằng từ lúc chúng ta trong bào thai bà mẹ cho đến lúc chết chúng ta đều có thân và có tâm, do đó chúng ta gọi là có danh và có sắc nữa.
Vậy thì tại sao gọi “danh sắc duyên cho lục nhập”. Chúng tôi không phải hỏi cắc cớ quý vị Phật tử đâu nhưng đây là từ ngữ được nói lên trong kinh điển. Kinh điển nói rằng,
“danh sắc duyên cho lục nhập”. Chữ Danh và Sắc tại đây, cũng có ý nghĩa tương tự là Thân và Tâm. Nhưng Thân và Tâm đó, trong chữ Danh và Sắc đó tiêu biểu cho chủng loại của chúng sanh. Quý vị đã nghe nói “Thức duyên cho danh sắc”, phải không? Như vậy thức đó là gì, thức đó là thức tái sanh./.
No comments:
Post a Comment