Saturday, January 7, 2017

Thập Nhị Nhân Duyên - Bài 3 - Thức duyên Danh Sắc

Thập Nhị Nhân Duyên - 
Bài 3 - Thức duyên cho danh sắc


TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học bên Thụy Sĩ

Chánh Hạnh chuyển biên, Minh Hạnh biên tập

Nếu nói theo ý niệm “vô minh duyên cho hành”, tâm hành gồm có hành uẩn là chính, tức là cetana, hay là tác ý tạo nghiệp là chính. Còn những gì đi xung quanh nó, đồng sanh với nó là phụ. 

Như vậy tâm hành gồm có Thọ-Tưởng-Hành-Thức. 

Nhưng khi nói trong phương diện thiền định, cái quan trọng của tâm hành là tầm và tứ. Tại sao tầm và tứ? Là vì người hành thiền lúc nào cũng chỉ có một việc cần phải làm, là theo dõi những gì đang xảy ra. Nó xảy ra ra sao thì mình ghi nhận như vậy, mình không can thiệp vào, mình không làm gì hết. Ví dụ, khi vị hành giả thở, người đó theo dõi hơi thở một cách tự nhiên, không điều khiển hơi thở. 

Tuy nhiên có những lúc chúng ta chủ động làm. Chủ động làm là gì? Chủ động làm là chúng ta phải ăn, đi đại tiện, tiểu tiện v.v…, như vậy chúng ta không còn trong thế quan sát nữa mà trong thế chủ động để làm. Như thế  trong thiền gọi là tâm hành hay gọi là tầm tứ. Ví dụ bây giờ người hành giả làm phận sự là người gác cổng, ai đi ra đi vào người hành giả đều biết, mình  bấm thẻ cho những người đó, nhưng đôi khi người gác cổng lại muốn đi ra đi vào nữa, họ không gác nhưng họ muốn đi ra đi vào nữa, thì họ phải ghi nhận, "bây giờ tôi đang đi ra, bây giờ tôi đang đi vào”, phải biết như vậy, điều đó là điều quan trọng. 

Thọ-Tưởng-Hành-Thức trong phương diện “Vô minh duyên hành” thì nó được gọi là tâm hành, nhưng trong thiền gọi là tác ý, ý nghiệp. 

Thức duyên cho danh sắc” 

Chúng tôi tóm lược một bài kinh. Trong bài kinh đó nói có 6 cõi trời dục giới là Tứ đại thiên vương, cõi trời Đạo lợi, cõi trời Đấu Xuất, cõi trời Dạ Ma, Hoá lạc thiên và cõi trời Tha hoá tự tại. Khi nói về cõi trời, ai cũng nghĩ rằng lên các tầng trời thì giống nhau hết, nhưng trong kinh nói rằng không giống nhau. Không giống nhau bởi vì: 

- Nếu một người nào trong cõi đời này họ làm phước và mong do làm phước họ được cái này được cái kia, thì họ cũng có phước. Nhưng đời sau nếu họ sanh lên cõi trời, nhờ phước đó họ sanh lên cõi trời Tứ Đại Thiên Vương. Tứ Đại Thiên Vương là cõi Chư thiên có phước, nhưng họ có công việc phận sự phải làm. Họ có công việc làm của họ, họ có phần hành. Những Chư Thiên đó cũng giống như những người sống tại Thuỵ Sĩ chẳng hạn, nghe nói sung sướng hạnh phúc, nhưng không có nghĩa là tiền trên trời rơi xuống để họ sống, mà họ phải đi làm mới sống được. Mặc dầu công việc làm đó cho họ rất nhiều tiền, có rất nhiều phúc lợi xã hội, nhưng rồi họ cũng phải đi làm. Người nào trong đời này làm phước cầu phước họ sẽ sanh về cõi Tứ Đại Thiên Vương, ở đó cũng hưởng phước nhưng cũng phải làm, do tác ý đời sau đó.

-Người nào đặt niềm vui đào giếng đắp đường, để mang lại sự an lạc cho mọi nguời sẽ sanh lên cõi trời Đạo Lợi. Như Ngài Māgha làm những phước xá dọc theo đường để cho những người lỡ đường trú qua đêm, khi Ngài làm phước như vậy Ngài không cầu được phước. Ngài chỉ nghĩ làm phước để mang lại lợi ích cho người này, để mang lại sự an lạc cho người kia, đời sau với phước này Ngài sanh lên cõi trời Đạo Lợi.

- Có những người làm phước không phải vì lợi ích chung mà làm phước là vì hoan hỷ với chánh pháp. Có những người, họ bố thí vì thấy việc làm đó rất đẹp. Họ trì giới là vì họ tin vào Đức Phật, nghĩa là cảm nhận được cái đẹp của chánh pháp mà làm thiện, thì người đó sanh về cõi trời Đấu Xuất. Chư Thiên trên cõi trời Đấu Xuất luôn luôn sống trong Pháp. Mỗi một thời gian nào đó cố định Chư Thiên sẽ vâng tập trở lại để nghe pháp, để bàn luận Phật Pháp. Thường thường có nhiều vị Bồ Tát căn lành rất cao. Như Đức Bổn Sư của chúng ta, trước khi Ngài giáng trần để thành Phật, Ngài cũng sanh trên cõi trời Đấu Xuất. Ngài cũng trở thành một vị Pháp chủ trên đó, Ngài giảng đạo nói Pháp cho Chư thiên trên đó. Hiện tại bây giờ Đức Bồ Tát Di-Lặc đang ở trên đó. Cõi trời Đấu Xuất là cõi trời của những người làm thiện vì tâm cảm nhận được cái đẹp cái hay của chánh pháp mà làm, chứ không phải vì cầu phước mà làm. Có nhiều khi bố thí vì thấy hành động bố thí đẹp rồi bố thí chứ không nghỉ chuyện gì hết. 

-Có những chúng sanh làm phước là bởi vì họ muốn xoa dịu nổi khổ của chúng sanh khác. Do thấy người đó khổ mình làm cho họ bớt khổ. Ví dụ khi mình hiểu được con em lớn lên trong nhà, hay là thế hệ kế tiếp không được giáo dục đầy đủ thì nó lớn lên sẽ khổ, mình ra công mình làm cho những thế hệ đó bớt khổ, cho người đó bớt khổ. Thấy người nào đó thiếu thốn mình bố thí cho họ. Do làm phước với tâm nguyện làm cho người khác bớt khổ, họ sẽ sanh về cõi trời Dạ-Ma. Chư Thiên trên cõi trời này không bao giờ biết buồn hết, gọi là Vô Ưu Chư thiên. Tâm hồn những vị Chư Thiên này suốt cả cuộc đời không bao giờ biết khổ. Chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi hay ở cõi trời Tứ Đại Thiên Vương, như Đức trời Đế Thích có lúc cũng rầu rĩ, có chuyện cũng rầu rĩ, nhưng chư thiên ở cung trời Dạ-Ma không biết buồn. 

Có những người từ lúc họ sanh ra cho đến khi lớn lên, khuôn mặt họ lúc nào cũng vui vẻ và hình như họ ít buồn hơn những người khác. Có những người trong chúng ta sống hay buồn bực, có những người sanh ra đời, họ cũng ăn cũng làm cũng đi học cũng có gia đình như mọi người khác, nhưng tâm hồn họ an lạc. Cái an lạc đó là do phước. Không phải ai ai cũng được như vậy. Không phải là dùng trí tuệ mới an lạc, mà họ an lạc nhờ cái phước. Phước đó là do đời trước họ thấy người ta khổ, họ làm sao cho người ta bớt khổ. Do nghĩ đến chuyện làm cho người khác bớt khổ nên sanh ra cá tính họ không khổ. 

Quý vị thấy như vầy, những người hay chia sẻ cho người khác, những người đó ít thấy thiếu thốn và những người càng bỏn xẻn họ càng thấy thiếu nhiều, càng thấy thiếu đủ thứ. Không có nghĩa là những người ít cảm thấy thiếu thốn là họ đầy đủ hơn những người khác. Không phải. Không phải họ giàu hơn nhưng vì họ quen cho rồi. Có một đồng họ xài nửa đồng họ cho nửa đồng. Có mười đồng họ cho năm đồng, họ xài năm đồng, họ không thấy thiếu. Những người lúc nào cũng ky cóp, cũng cố gắng gìn giữ, cũng cảm thấy thiếu thốn hoài. Hay một người trong đời sống của mình ít bố thí, ít có xoa dịu nổi khổ của người khác, thấy đời sống của mình sao khổ quá, lúc nào cũng ray rứt. Còn những người như dì phước đi làm trong những trại cùi hay những người đi lo giúp đỡ những người nghèo khó không phải họ sống sung sướng hơn chúng ta đâu. Như khi họ làm trong các trại tỵ nan hay làm tại các trại cùi, họ cũng khổ cũng thiếu tiện nghi, nhưng họ không khổ vì họ thấy người khác còn khổ hơn họ nữa. Bởi vì vậy, họ không có khổ. 

Ai làm phước với tâm nghĩ rằng để xoa dịu nổi khổ của người khác, người đó sẽ sanh về cõi trời Dạ-Ma, và sanh ra đời không bao giờ thấy sự khổ hết. 

-Những người làm phước vì lý tưởng phục vụ cho nhân quần, một lý tưởng hết sức trọng đại. Như trường hợp một vị vua hay một vị tổng thống, họ làm việc với ý niệm chung để phục vụ để cải thiện đời sống của người dân. Những người này sẽ sanh về cõi trời gọi là Hoá Lạc Thiên. Hóa Lạc Thiên là cõi trời tự họ, họ có thể làm ra hạnh phúc cho họ được, họ không bị lệ thuộc vào người khác. Như vậy quý vị sẽ hỏi rằng, “ Như vậy ở trần gian này chúng ta cũng tự biến hoá hạnh phúc mình được”. Nhưng theo trong kinh Phật, hạnh phúc của chúng ta là hạnh phúc vay mượn rất nhiều. Đành rằng chúng ta công nhận thực tế ở đây chúng ta có nhiều người hạnh phúc thật, có cha có mẹ mới hạnh phúc, có vợ có chồng mới hạnh phúc, có xe cộ mới hạnh phúc, nhưng nếu lấy những thứ đó đi khỏi, chúng ta cũng thấy đau khổ. Vì chúng ta hạnh phúc vì những người đó họ cho mình, họ cho mình nụ cười, họ cho mình sự an ủi, họ cho mình sự nương tựa. Cái hạnh phúc của chúng ta, thấy như vậy chứ nó mỏng manh lắm. Nó mỏng manh đến mức nào? Thỉnh thoảng ở cuộc đời bên ngoài thay đổi thì chúng ta có đau khổ. Bởi vì sao? Vì hạnh phúc đó không phải ở trong lòng chúng ta ra . Như hồ nước khác với dòng suối, Mặt nước trong dòng suối tự nó tuôn ra được, như vậy nếu nắng lâu chưa chắc đã cạn. Nhưng cái hồ nước, chúng ta phải múc nước đổ vào, nếu không nước sẽ cạn. Chư thiên ở cõi Hoá Lạc Thiên giống như mặt nước trong dòng suối, lúc nào trong lòng họ cũng có khả năng tuôn chảy. Tự trong lòng họ, họ có thể có hạnh phúc mà không cần phải đi vay mượn của người khác. 

-Có một chúng sanh khác ở đời, làm phước không phải chỉ vì hạnh phúc cho họ, cũng không phải vì xoa dịu nổi khổ chúng sanh khác mà hạnh phúc của họ là để giáo hoá cuộc đời. Họ làm những công việc giáo hoá người này và giáo hoá người kia. Như trường hợp các vị Bồ Tát, hay trường hợp các vị sanh ra đời họ làm vị nguyên thủ quốc gia chẳng hạn. Họ cố gắng tạo ra guồng máy như thế nào để làm cho mọi người sống được an cư lạc nghiệp, được tốt đẹp. Điều đó, họ sanh ra đời họ làm một người lãnh đạo thì họ sanh lên cõi trời Tha Hoá Tự Tại, họ cũng làm vị lãnh đạo. Vị lãnh đạo đó là người có thể điều khiển được Chư thiên vì duyên lành của họ rất lớn. Có đôi khi họ có rất nhiều quyền lực, họ có thể sai khiến cả trăm cả ngàn Chư thiên như vậy. Họ đâm ra kiêu mạn, từ sự kiêu mạn đó họ tạo ra nhiều nghiệp bất thiện giống như Ma vương. Ma vương không phải là một chúng sanh thiếu phước. Ma vương là Chư thiên ở cõi trời Tha Hoá Tự Tại, là một vị thiên chủ, vị Thiên chủ đó còn cao hơn cả Đức trời Đế Thích. Ma Vương dám chiếm bồ đoàn của Đức Phật, người có nhiều phước nhiều đức lắm mới sanh làm Ma vương. Ma Vương là một trong mười vị Phật tổ trong tương lai, sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vị Ma Vương này do có nhiều phước báu Ba-la-mật tạo ở đời, sanh lên cõi trời đó làm lãnh đạo người khác.

 Chúng tôi nói điều này hơi khó hiểu. Như ông Sadam Husen hay là Hitler chẳng hạn. Hai ông là những người rất ác, nhưng không phải những người đó không có tiền nghiệp tốt. Nếu họ không có phước, họ không có nhiều quyền hành, nhiều tài sản như vậy, mặc dầu ở kiếp này bị người ta nguyền rủa. Dĩ nhiên kiếp này tạo nghiệp ác, kiếp sau sanh vào địa ngục sẽ khổ. Do kiếp trước họ tạo nhiều thiện nghiệp nên đời này nói nhiều người khác mới nghe. Quý vị nghĩ bao nhiêu ông tiến sĩ, bao nhiêu nhà chính khách tại sao nói không ai nghe mà ông nói nhiều người nghe. Ông cũng có phước chứ không phải là không. Như ông Sadam Husen, ông làm những chuyện rất là khùng, nhưng ông vẫn điều binh khiển tướng được, tức là ông vẫn có phước. Ngay như Pôn Pốt giết biết bao nhiêu người nhưng cũng làm lãnh đạo được, cũng lãnh đạo ít nhất một nhóm người. Như có những người rất giàu có nhưng họ rất bỏn xẻn, họ keo kiệt vô cùng. Không phải họ không có phước. Họ có phước nên họ mới giàu như vậy, nhưng vì kiếp trước họ bố thí rồi họ hối hận, bây giờ sanh lên họ có phước có tài sản nhưng họ không hưởng được. Do vậy Chư thiên sanh về cõi trời Tha Hóa Tự Tại là Chư thiên có rất nhiều quyền uy. 

Chúng tôi kể các câu chuyện về các tầng trời này, không phải để đưa quý vị đi du lịch trong trí tưởng tượng. Không phải như vậy, mà để nói về ý niệm mà Đức Phật nói rằng, Thức duyên cho danh sắc”. Nghĩa là:

-Hành động tạo nên tâm thức của mình, chúng ta gọi là “hành duyên cho thức”. 

-Cái thức này tạo nên cuộc đời của mình, đời này đời sau, chúng ta gọi là “thức duyên cho danh sắc”. 

Danh sắc nghĩa là thân tâm của chúng ta. Bây giờ chúng ta ngồi đây, thật ra chúng ta không thấy được, đúng ra chúng ta nên hiểu một điều rằng thân chúng ta, cao thấp, đẹp xấu, trắng đen, là kết quả của qúa khứ. Chúng ta nghĩ, chúng ta đang ngồi tại đây, chúng ta thông minh hay chậm hiểu, vui hoặc buồn, tất cả đều là kết quả của quá khứ, kết quả của nghiệp của quá khứ. Bây giờ ngồi kể lại, chỉ có Đức phật mới chỉ rõ cho chúng ta là do nghiệp nào, chúng ta sanh làm người Việt Nam, do nghiệp nào, chúng ta làm người này chúng ta làm người kia. Chúng ta chỉ biết một cách rất đại khái là do nghiệp quá khứ chúng ta sanh làm người ở đây.

Nhà truờng là nơi học sinh đến học, lao tù là nơi tội nhân bị giam giữ, công sở là nơi công chức đến làm việc, tất cả cảnh giới nào chúng sanh đến đó đều tương xứng với việc của mình làm. Con người mình bỏn xẻn keo kiệt nhiều, chúng ta sanh làm ngạ quỷ, thấy thức ăn không ăn được. Con người lúc nào cũng sân giận, cũng dữ tợn, nghĩ đến bạo lực sẽ sanh về cõi A-Tu-La. Con người, sống lúc nào cũng nghĩ bên ngoài không biết hướng nội bên trong họ sanh vào bàng sanh. Con người nào luôn luôn muốn làm khổ làm hại người khác, họ sanh vào địa ngục, quỷ sứ hại lại họ, họ bị đủ thứ chuyện khổ hết.Con người nào bố thí để xoa dịu nổi khổ thì sanh về cõi trời Dạ-Ma. Con người nào sống như con người, cầu tiến như con người, người đó sanh trở lại làm người.

Ngày xưa có hai vị tu sĩ. Hai vị tu sĩ này phát tâm rất tinh tấn, tức là họ sẽ tu đến nơi đến chốn, tuyệt đối cái gì họ tin họ sẽ thực hành một cách mỹ mãn . Người Ấn Độ có nhiều suy tư rất lạ lùng. Ở đây chúng ta nói ra rất khó tin, nhưng nếu quý vị đến Ấn độ sẽ thấy đó là chuyện có thật. Ví dụ như hai vị tôn giả này họ đều tin rằng, nếu mình lập hạnh nào đó mình kiên trì theo nó hoài, từ ngày này qua ngày kia thì chắc chắn rằng họ sẽ đạt được trình độ tuyệt chủ cao độ. Bởi vì họ tu pháp đó rốt ráo, dù là pháp gì đi nữa tốt hay xấu không cần biết. Do vậy một vị phát nguyện tu theo hạnh con bò, một vị phát nguyện tu theo hạnh con chó. Như ở bên Tàu, những người luyện võ họ luyện theo kiểu con rắn họ luyện theo kiểu con cọp, long- xà- hổ- báo- tượng v.v…người Tàu thì họ coi theo những con vật để luyện võ còn người Ấn Độ coi theo con vật để làm cái hạnh tu, làm phương tiện để tu. Người luyện võ theo kiểu con rắn con khỉ thì họ phải làm giống theo như con rắn con khỉ. Hai vị Tôn giả này khi luyện theo con bò và con chó, con chó đại tiện như thế nào tiểu tiện như thế nào thì vị đó cũng làm y như vậy, đi như thế nào thì cũng đi y như vậy, ăn như thế nào thì vị ấy ăn y như vậy, sủa như thế nào thì vị ấy cũng sủa y như vậy, phản ứng như thế nào thì vị này cũng bắt chuớc y như vậy. Trong suốt hai phần ba cuộc đời vị này tu hạnh con chó, được gọi là Cẩu hành giả. Vị kia tu theo hạnh con bò, con bò nó rống như thế nào, nó ăn cỏ như thế nào, nó đi đứng ra sao vị này cũng bắt chước y như vậy và bắt chước một cách rất mỹ mãn trong hai phần ba cuộc đời. Vị này được gọi là Ngưu hành giả. Đến khi Đức Phật ra đời, hai vị này được nghe Đức phật là bậc đạo sư bậc giác ngộ, nên hai vị tìm đến Đức Phật. Câu hỏi đầu tiên hai vị ấy muốn biết rằng pháp tu của mình có kết quả như thế nào? Giống như quý vị bỏ ra rất nhiều tiền để mua một món đồ, quý vị hỏi người này nguời kia, món đồ có giá trị hay không vậy đó. 

Hai vị đến gặp Đức Phật hỏi.

-“ Thưa Sa môn Cồ Đàm, nghe nói Ngài là bậc thông tuệ, theo ý kiến của Ngài có thể cho chúng tôi biết rằng, chúng tôi một người tu hạnh con bò một người tu hạnh con chó và tu rất là mỹ mãn, tu cả đời như vậy. Kết quả bây giờ và kết quả về sau sẽ dẫn chúng tôi đi về đâu?” 

 Đức Phật im lặng. Ngài không trả lời. 
Ông hỏi lần thứ hai, Đức Phật vẫn im lặng.
Ông hỏi lần thứ ba, Đức Phật vẫn im lặng. 
Khi được hỏi lần nữa, Đức Phật nói rằng,

- “ Thật ra Như Lai không muốn nói, bởi vì lời nói của Như Lai sẽ làm cho hai ông rất khổ” 
Cả hai vị đều chắp tay lên

-“ Thưa Sa-Môn, xin Ngài cứ nói

Ngài nói rằng, 
-“ Người nào tu theo hạnh con bò thì kiếp sau sẽ sanh làm bò. Người nào tu theo hạnh con chó kiếp sau sẽ sanh làm con chó” 

Khi nghe nói như vậy cả hai vị lăn ra khóc lóc, kể lể rất đau khổ. Sau đó họ bỏ hạnh tu đó. Lúc bấy giờ Đức Phật dạy họ sống như con người để đời sau sanh ra làm con người, sống như bậc thánh để được làm bậc thánh. 

Tại sao vậy? Tại vì chúng ta muốn làm con người chúng ta phải làm giống như con người. 

Câu hỏi khó khăn là, “sống như con người là như thế nào?” Đó là cái mà chúng ta cần phải học nhiều trong Phật Pháp. Nhưng hễ người hành động giống như A-Tu-La thì người đó sẽ sanh vào cõi A-Tu-La, người hành động như ngạ quỹ sẽ sanh vào cõi ngạ quỹ. Không có gì khác hơn điều đó, sự việc trên đời là như vậy. Thức thì duyên thì cho danh sắc, tâm của chúng ta như thế nào sẽ sanh về chỗ có thân tâm giống như vậy.

Theo như trong kinh tạng, khi Đức Phật trông thấy những người Bà-La-Môn hay những người tu sĩ ngoại đạo xuống tắm dòng sông Hằng. 

Ngài hỏi họ làm gì? 

Họ nói rằng họ xuống tắm để rửa tội. 

Đức Phật mới nói. 

-“ Trong giới luật của bậc Thánh, trong cung cách của bậc Thánh, rửa tội khác chứ không giống như vậy” 

Ngài đi dọc đường gặp một thanh niên sáng nào cũng lễ bái sáu hướng, gọi là lễ bái lục phương. Lạy hướng Đông- Nam- Tây- Bắc- Trên- Dưới. 

Đức Phật nói rằng, 

-“Những lễ nghi đó bậc Thánh có làm, nhưng bậc Thánh làm khác, bậc Thánh có lễ bái sáu phương nhưng lễ bái theo cung cách bậc Thánh.”

Có rất nhiều trường hợp Đức Phật nói như vậy, chứ không phải một hay hai trường hợp. Câu nói của Đức Phật thường là, “Nghi thức của bậc Thánh làm như thế này, cái hiểu của bậc Thánh làm như thế kia và hành động của bậc Thánh làm như thế nọ”. Tại vì Ngài nói rằng một người sống theo bậc Thánh sẽ trở thành bậc Thánh, sống theo giới luật của bậc Thánh sẽ trở thành bậc Thánh. Như chúng ta, sanh làm con người, sống đúng ý nghĩa con người chúng ta trở thành con người.

 Sanh làm con người, ý nghĩa con người là gì?
 Con người là biết thờ cha kính mẹ, biết trên biết dưới, là con người biết giữ bản thân của mình, con người thọ ân biết báo ân. Nếu một người sanh ra ở đời chỉ có ác tính thôi thì họ sẽ sanh vào cảnh giới tương xứng như vậy. Cái đó Đức Phật Ngài gọi là “ thức duyên cho danh sắc

Trong kinh Phật nói có rất nhiều cảnh giới, nhiều Phật tử cũng như nhiều tôn giáo khác hay nhìn về điều này rất hời hợt. Trong bản đồ Thập nhị nhân duyên có vẽ sáu cảnh giới là: Lục đạo. Trời, Người, A-tu-la, Ngạ quỹ, Địa ngục, Súc sanh v.v… Khi người ngoại quốc đến với người Tây Tạng, người Tây Tạng hay nói về cảnh giới. Người Tây phương cho rằng người Tây Tạng là dân tộc có nhiều thần thoại viễn vông, giống như chúng ta nghe trong thần thoại Hy Lạp. Người ta thường có sự so sánh đạo Phật nói có cõi trời, thì đạo Thiên chúa có thiên đàng, đạo Khổng cũng nói có cõi trời. Nhưng cõi trời giữa các tôn giáo và đạo Phật không giống nhau. Cõi trời của các tôn giáo là cõi, nơi đó có một vị Thần linh ngự trị, vị Thần linh đó nếu ai vinh danh Ngài, ai làm điều gì đó Ngài thấy Ngài muốn ban phước đem về cho ở. 

Nhưng những cõi trời ở Phật giáo từ cõi địa ngục lên đến cõi vô sắc, đều là kết quả của hành nghiệp. Chữ hành nghiệp Đức Phật ngài dạy rất rõ ràng. Rõ ràng giống như quý vị đi học trong trường, quý vị lấy ngành nào thì ra đời làm việc đó vậy, không phải chuyện hoang đường như chúng ta nghĩ. Người tu thiền thì có cảnh giới của thiền. Ngừơi hành thiền sắc giới thì có cõi sắc giới. Người hành thiền vô sắc thì có cõi vô sắc. Người làm sống như ngạ quỷ thì sanh về cõi ngạ quỷ. Người sống như con nguời thì sẽ trở về cõi người. Người sống để sanh về cõi trời thì họ sẽ sanh về cõi trời.

Như vậy giáo lý về các cõi trong nhà Phật không có viễn vông như chúng ta nghĩ. Không phải tự nhiên Đức Phật Ngài buồn quá, Ngài nói về cõi trời dục giới, Ngài vẽ ra 6 cõi trời. Không phải như vậy, mà Ngài nói rõ ràng cho chúng ta biết, tuy rằng cũng làm thiện nhưng mỗi người làm thiện khác nhau, sanh về những cõi đương nhiên khác nhau. Như người làm thiện như là người đầu tư, lên trên đó họ cũng phải đi làm. Đầu tư là gì? đầu tư là làm việc chứ gì? Cho nên sanh lên họ cũng đi làm thôi, họ làm Càn-Thát-Bà, cũng là ở cõi trời nhưng lên đó đánh đàn để Chư thiên khác nghe. Cũng là ông trời, là ông trời con, cũng phải có job để làm. Nhưng có những Chư thiên tự họ, họ hưởng phước lấy. Không phải Chư thiên trên cõi trời giống nhau đâu quý vị. Có những vị ở một mình có những vị phải đi hầu hạ các vị khác. Có nhiều Thiên nữ sanh ra trên đó để hầu hạ vua trời Đế Thích. Lại có những người sanh làm Chư Thiên, cũng không được yên thân, họ đi giữ nhà cho người ta, có những Chư thiên đi giữ gốc cây, có những Chư thiên phải đi đánh đàn cho người khác nghe. Nếu nói cho vui là những Chư thiên đó có công ăn việc làm, nhưng đã sanh lên cõi trời, thất nghiệp tốt hơn là có công ăn việc làm. Nói là thất nghiệp không phải, nhưng thường thường Chư thiên sanh lên đó có đủ phước sung mãn, họ không cần có phận sự. Nhưng nếu vị nào làm phước giống như sự đầu tư ở cõi trần, họ sanh lên đó bắt buộc họ phải làm. Tại vì sao? Tại vì họ làm phước có hậu ý. Thói quen quen làm việc rồi, đã làm phước mà làm giống như đầu tư nữa thì lên trên đó thì quả phải đầu tư thôi. 

Đôi khi quý vị hỏi rằng, “ Mình làm phước mà mình không nguyện được cái này cái kia, mình có phước hay không?”

 Chúng ta làm phước với động lực gì?

- Nếu ta làm phước để xoa dịu nổi khổ chúng sanh khác thì có phước sẽ sanh về cõi trời Dạ-Ma làm Chư thiên không biết đau khổ. 

-Nếu chúng ta làm phước vì hiểu Phật Pháp vì thích Phật Pháp mà làm thì có phước, sanh lên cõi trời Đấu Xuất, ở đó Chư thiên hưởng phước, Chư thiên thích nghe Pháp, sống bằng hương vị chánh pháp. Nhân nào quả đó. Cây lành trái ngọt. 

Chuyện Nhân-Quả mặc dầu nói nghe rất nhiêu khê, nói nghe rất tỉ mỉ rất chi li, Đức Phật nói tới nói lui, Ngài cho chúng ta biết rằng, “ Việc nào thì có quả đó tương xứng”. Mặc dầu người này ta thấy đời này như vậy mà hành động họ rất tệ, tuy nhiên họ hưởng phước qúa khứ của họ, chúng ta không thấy được. Nhưng có những người đời này họ sanh ra rất cực khổ, họ làm phước rất nhiều, nhưng chúng ta đừng nói họ không có phước, tương lai họ sẽ được hưởng. Cái nhìn của chúng ta là cái nhìn trước mắt, cái nhìn ở một thời , một việc, một góc cạnh. Chúng ta không thể nhìn trọn vẹn vấn đề được. 

Thường thường những người không tin vào lý nghiệp báo là những người quá kiêu mạn. 

Cũng như bây giờ hỏi quý vị, 

-“ Quý vị chạy xe, quý vị có biết hết chiếc xe không?”

Người nào trả lời,

- “Biết”, thì người đó đôi khi hơi nói quá. 

Tại vì chúng ta biết bẻ lái như thế nào, biết đạp thắng, đạp ga như thế nào, nhưng nhiều khi xe trục trặc chưa chắc chúng ta biết sửa. Chúng ta biết chạy xe chưa chắc chúng ta biết về chiếc xe. Quý vị biết sửa xe chưa chắc quý vị biết các định luật vật lý trên xe. Chúng ta biết sửa xe, biết thay bugi, biết thay dầu như thế nào, nhưng nếu có ai cắc cớ hỏi chúng ta chiếc xe tại sao chạy, chúng ta không biết trả lời ra sao. Cái máy nổ như thế nào, chúng ta không biết trả lời ra sao.

Một đứa bé đến hỏi quý vị, “ Tại sao chiếc TV hát được như vậy?”

Quý vị trả lời, “À tại có cái đài nó phát hình thì ở đây nó nhận được

Nếu bắt giải thích, chúng ta khó giải thích, chứ không phải dễ dàng như vậy. Cái nghiệp Đức Phật Ngài nhìn rất nhiều phương diện, rất nhiều ngôn ngữ để cho chúng ta hiểu. Nhưng thật sự không phải dễ hiểu. Nó khó hiểu vì có quá nhiều chi tiết. Đành rằng chúng ta không hiểu hết.Tuy nhiên nhờ vào Đức Phật, nhờ vào giáo pháp của Ngài, chúng ta cũng có ý niệm, “hành có duyên cho thức, thức có duyên cho danh sắc”. Điều này chúng ta biết như vậy thì chúng ta tu dễ hơn, chúng ta không nhìn vấn đề hời hợt.

Chúng tôi thấy một điều, đây là lời tâm sự thành thật. Có nhiều khi chúng ta học Phật Pháp, không phải để chúng ta biết nhiều, mà chúng ta học Phật Pháp để bớt đi cái ngã mạn của mình. Vì khi học Phật Pháp, chúng ta thấy Phật Pháp li chi, chúng ta không tự cho rằng, “ cái gì mình cũng biết hết” và nhờ như vậy chúng ta không xem thường, chứ không phải chúng ta học Phật Pháp để cái gì chúng ta cũng biết. Không phải như vậy. Chúng ta học để chúng ta biết cái u mê, cái vô minh của mình. 
Như vậy chúng ta nghe Phật Pháp chúng ta mới nghĩ rằng, “ trên đời này có nhiều cái huyền diệu, có những điểm sâu xa như vậy. Sỡ dĩ chúng ta không tin vì chúng ta không biết, chứ không phải không có”

 Người đời sở dĩ người ta làm ác nhiều vì họ nghĩ họ biết hết. Họ nói rằng, “ Không có kiếp trước, không có kiếp sau, chỉ có kiếp này thôi. Do đó chúng ta cứ hưởng hết.” Họ nghĩ rằng không có kiếp trước bởi vì họ không thấy có kiếp trước. Không có kiếp sau vì có thấy kiếp sau bao giờ đâu. Chúng ta học tập để làm gì, để bớt đi cái kiêu mạn mà sanh ra tà kiến, vì không có tà kiến chúng ta bớt làm những việc bất thiện, không phải để răn đe chính mình . 

Người xưa có câu: “Ăn ở có hậu, để đức cho đời sau”.  Chúng ta nhiều khi tin, nhiều khi không tin. Nhưng nếu chúng ta tin được thì quả thật là tốt. Ít nhất chúng ta sống có đạo đức.

 Một người biết lái xe không cần phải biết tất cả về xe mới lái xe được. Không cần phải biết sửa xe mới có quyền lái xe. Điều đó có nghĩa không phải học hết về Phật Pháp mới có thể tu được. Nhưng biết càng nhiều cũng có cái lợi của nó. Nếu lái xe mà đến lúc nó hết dầu hết nhớt chúng ta không biết thay thì cũng phiền lắm. Tuy nhiên bảo rằng muốn lái xe mà phải biết hết tất cả mọi thứ, cái thắng được chế tạo như thế nào, cái máy được chế tạo như thế nào, có khi nó cũng thừa thải lắm, có khi nó không cần thiết. Nhưng chúng ta cũng cần biết đôi chút, như người ta chế cái bố thắng, khi chúng ta chạy qua nước, nếu nước dính vào bố thắng thì thắng không ăn nữa. Chúng ta cũng nên biết cái thắng được chế như thế nào để khi gặp nước chúng ta chạy chậm một chút. Cái đó là những điều cần thiết nên biết.

Dầu sao đi nữa, ngày hôm nay khi chúng ta nói về thập nhị nhân duyên, chúng tôi cố gắng không đi quá sâu vào chi tiết. Bởi vì đi sâu vào chi tiết rất khô khan. Điều chúng tôi cố gắng muốn làm ở tại đây, là làm sao để quý vị thấy rằng, giáo lý này có liên hệ đến đời sống tinh thần của mình. Chứ không phải là triết lý, gọi là vũ trụ quan của đạo Phật. Đức Phật không nói điều đó ra để chúng ta nhìn cuộc đời là, để mình biết cuộc đời đã được tạo ra như thế nào. Không phải như vậy. Ngài cho chúng ta thấy, đời sống có quan hệ giữa người này và người khác từ hành động, lời nói hay việc làm của mình./.

No comments:

Post a Comment