Thập Nhị Nhân Duyên -
Bài 8 - Ái duyên Thủ
TT Giác Đẳng giảng tại khoá tu học năm 1995 tại Thụy Sĩ.
Minh Hạnh chuyển biên, và biên tập
Khi Đức Phật Ngài nói về “xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, ái duyên cho thủ, thủ duyên cho hữu”, Ngài nhìn vào nội tâm của chúng ta trước, nhìn gíông như cái nhìn của nhà bác học đem một mảnh vi khuẩn rất nhỏ đưa lên kính hiển vi, nhìn rất tinh tế. Chính cái nhìn tinh tế này giúp cho chúng ta đạt đến sự tinh tế trong đời sống tu tập. Càng gần với nó, càng biết nó, chúng ta càng thiện xảo hơn, càng khéo hơn, trong đời sống tu tập của mình. Như quý vị Phật tử làm việc, chúng ta nhớ chúng ta học nghề gì, lúc đầu chúng ta chưa quen cầm đồ nghề còn lấn cấn tay chân, chúng ta làm rất chậm. Nhưng khi chúng ta làm việc lâu, quen với đồ nghề rồi, chúng ta sẽ làm được nhanh. Đối với những phiến não và đối với những hiện tượng tâm lý chúng ta quen thuộc với nó, chúng ta dễ tu. Nhiều nguời tu tập có quá nhiều mặc cảm, tu tập có quá nhiều thời gian , tu tập có quá nhiều sự phân vân, là vì họ không rõ ràng, cái hình ảnh không bao giờ rõ ràng hết.
Cũng như khi chúng ta một thành phố lạ, không biết về thành phố đó về đưòng đi nước bước, có đôi lúc chúng ta rất ngại đi ra bên ngoài, đi đó đi đây. Nhưng nếu chúng ta sống càng lâu và biết càng nhiều đường đi nước bước, thì chúng ta có thể xem đó là quê hương của mình. Giống nhu là quý vị đang sống tại nơi đây, biết đường đi nước bước cảm giác hoàn toàn khác với chúng tôi ở xa đến. Nếu chúng tôi biết nhiều lắm cũng chỉ biết những cảnh đẹp như đi ra ngoài Khải Hoàn Môn, điện Elize, đi tới đi lui chỉ chùng đó thôi. Trong khi quý vị biết hang cùn ngỏ hẽm, chỗ này chỗ kia và quý vị cảm thấy thoải mái hơn.
Có nhiều người phật tử hỏi chúng tôi:
-“Đến thăm thành phố Houston là thành phố không có gì đặc sắc hết, nhưng tại sao chúng tôi sống tại đó lâu năm sao chúng tôi không chán?”
Chúng tôi thưa rằng,
-“ Sống lâu nên chúng tôi biết những đặc điểm của nó, chúng tôi quen rồi, biết đường đi nước bước chúng tôi cảm thấy dễ chịu hơn.”
Trong sự tu tập cũng vậy, nếu chúng ta biết sự tu tập, biết sự vận hành của tâm ý một cách tinh tế hơn, chúng ta sẽ thoải mái rất nhiều.
Chúng tôi có quen với một số Phật tử từ Việt Nam mới qua Mỹ, quý vị đó nói với chúng tôi:
-“ Học tiếng Anh khó quá, học vài chữ đã mệt rồi”
Quý vị hỏi thêm:
- “ Học bao nhiêu chữ thì nói chuyện được.”
- Chúng tôi trả lời: “ Học chừng hai ngàn chữ là nói chuyện được” thì quý vị đó mất tinh thần không muốn học nữa. Vì sao vậy? Chúng ta học từ chữ thứ nhất đến chữ thứ mười, chữ thứ nhất dễ nhớ đến chữ thứ mười thì loạn trí rồi, nghe nói đến chữ hai ngàn chúng ta ngán, chúng ta thấy khó lắm, phải không? Nhất là nhớ hai chục chuyện đã là khó khó nhớ rồi, làm sao nhớ đến hai ngàn chuyện.
Nhưng chúng tôi nói :
-“ Càng học càng dễ, quý vị tin tôi đi. Ngày xưa danh từ Anh văn khi học nó khó nhớ hơn bây giờ, hiện tại chúng tôi đã nói được một phần, đã viết được một phần. Bây giờ học chữ nào mới, chúng tôi thấy dễ nhớ hơn hồi xưa nhiều lắm”.
Không nhất thiết những gì chúng ta đã học rồi, chúng ta phải khổ công nhớ đi nhớ lại hoài. Vì sao vậy? Bởi vì nó đã trở thành một phần của chúng ta rồi. Chúng ta không còn mệt mỏi với nó nữa. Nghĩa là nếu quý vị đã học được hai ngàn chữ rồi, thì với chữ hai ngàn lẽ một , quý vị sẽ học thoải mái, chứ không có nghĩa là học chữ hai ngàn lẽ một thấy khổ sở hơn, không có chuyện đó.
Học Phật Pháp, mới nghe rất nhiều, mới nghe rất khó, nhưng nếu quý vị càng học càng hoan hỷ, càng học càng cảm thấy dễ hơn. Cũng như ví dụ mới bắt đầu làm nghề, mình làm chậm và cảm thấy lúng túng, nhưng càng làm càng thấy nhanh, càng thấy dễ hơn. Tại sao vậy? Tại vì mình có đầy đủ dụng cụ, đầy đủ những trang bị, đầy đủ sự quen thuộc, đầy đủ sự thuần thục.
Ái duyên cho thủ
"Ái duyên cho thủ" do có sự ưa thích chúng ta có sự bám víu nắm giữ, và "Thủ" được xem như là một thái độ đạo đức hay không đạo đức của đời sống. Khi chúng ta nói đến xúc duyên cho thọ, thọ duyên cho ái, thì ái đó được xem như là một hiện tượng tự nhiên, nghĩa là ai thấy cảnh đẹp cũng thích, nhưng sau cái thích đó rồi làm gì thì đó là cái chuyện mà chúng ta nói là thiện hay là bất thiện.
Do vậy yếu tố "Thủ" rất quan trọng, có hai khuynh hướng khiến tạo nên thành ba khuynh hướng:
Ở trong đời sống này giống như chiếc chuông đồng hồ, nó từ phía bên trái và đi về phía bên phải, từ phía bên phải trở về phía bên trái, chuông đồng hồ không đi từ bên trái về nằm ở giữa và không đi từ bên phải về nằm ở giữa được. Do vậy khi nói đến thủ thì chúng ta càng đam mê với điều nào nhiều thì chúng ta càng khổ với điều đó nhiều, hễ càng đam mê thì càng đau khổ, mà hưởng thụ càng nhiều, càng tìm sự an toàn thì chúng ta càng cảm thấy bất an đó là hai trạng thái của thủ.
Bên Mỹ người ta nói đến hiện tượng xã hội gọi là "chứng lo sợ của những người trung lưu".
Chứng lo sợ đó là gì? là những người trung lưu khi công ăn việc làm của họ ổn định rồi thì họ nghĩ tới chuyện mua bảo hiểm, nghĩ tới chuyện có tiền hưu bổng để về già, ý là đời sống của họ cái gì cũng an bày trật tự nào đó. Thì người ở ngoài nhìn vào nghĩ rằng những người này có cuộc sống ổn định thành ra họ không có lo sợ. Nhưng chính những vị đó là những người lo sợ nhiều nhất, hễ chúng ta càng mong muốn được an toàn chúng ta lại càng lo sợ. Khi nào chúng ta có niềm vui gì mà chúng ta hưởng thụ càng nhiều thì khi chúng ta khổ thì chúng ta khổ càng da diết, qúi vị thích điều nào nhiều thì qúi vị càng khổ vì nó thôi. Như trường hợp chúng tôi mua một vật gì đó như cái đồng hồ rất là tốt, rất là ưng ý, rất là vừa ý, rất là đắc tiền, chúng tôi rất là thích nó và dành nhiều thì giờ để săm soi nó, khi nó mất thì chúng tôi sẽ khổ hơn là chúng tôi nhìn đồng hồ lúc vui thích. Hễ vui nhiều thì chúng ta sẽ lụy nhiều, từ cực đoan này sẽ đi đến cực đoan kia, giống như cây tre chúng ta kéo qua bên này nhiều thì nó sẽ qua bên kia nhiều đó là ý nghĩa của "Thủ".
Thì việc chấp thủ ở trong đời này nó là một hình ảnh mà các vị thiền sư thường ví: Chúng ta đi trên con đường, thay vì đi nhẹ nhàng thanh thản thì chúng ta lại thấy viên đá nào trên đường cũng nhấc lên trên vai khiên đi, thay vì để cục đá nằm, càng khiên nhiều thì càng nặng. Cũng giống như một người có chấp thủ thấy cục đá thích thay vì thấy rồi buông nó thì chúng ta thấy chúng ta vác nó trên vai, đó là hình thức gọi là "Thủ", "Thủ" là giữ nó lại.
Khi nói đến chữ "Ái" thì chỉ nói đến lòng ưa thích, nghĩa là cảm giác thấy thích thú với vật đó.
Nhưng nói đến "Thủ" là chúng ta giữ vật đó là một phần của đời sống và mang nó theo trong giai đoạn kế tiếp của cuộc đời.
Thì cuộc sống sở dĩ có qúa nhiều gánh nặng là tại sao? là bởi vì "Thủ", giống như đi đường chúng ta thấy vật gì chúng ta cũng bỏ lên vai. Bây giờ có một câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao chúng ta không thể đi một cách tự nhiên được mà chúng ta phải cúi xuống để nhặt những cục đá đó vác lên trên vai thì câu hỏi đó không cần phải trả lời nhiều là bởi vì "Ái" mà thôi, tại vì chúng ta thích nó phải không?, nếu chúng ta không thích nó thì chúng ta không mang nó lên vai, như vậy là ý nghĩa của chữ mà Đức Phật gọi là "Ái duyên cho thủ" và do ưa thích nên chúng ta chấp lấy nó, chúng ta giữ lấy nó, chúng ta cưu mang nó, chúng ta vác nó.
Và chính cái "Thủ" này quyết định rất nhiều liên quan đến hạnh nghiệp của chúng sinh, bởi vì nó có ba thái độ:
1) Hoặc là từ chối với những chuyện mà chúng ta gọi là trái ý mình.
2) hoặc là bám víu lấy những gì mà chúng ta ưa thích.
3) Thì từ chỗ bám víu và từ chỗ từ chối đó chúng ta sẽ sanh ra một trạng thái khác mà trong kinh điển gọi là "Sầu bi khổ ưu não" nó từ chỗ đó mà ra.
Trạng thái "Thủ" được Đức Phật đề cập ở đây là do nhân duyên từ ái mà ra, dầu rằng ái được xem như là chuyện tự nhiên, nhưng "Thủ" không phải là chuyện tự nhiên, mà đây là sự lựa chọn trong đời sống.
Như trường hợp qúi vị sinh ra và lớn lên qúi vị có quyền lựa chọn để lập gia đình hay sống cuộc sống độc thân, mặc dầu sự ưa thích quan hệ nam nữ là chuyện tự nhiên của con người, ai cũng ưa thích ăn ngon mặc đẹp, nhưng để lựa chọn cách sống như thế nào thì điều đó gọi là "Thủ". Hễ từ ái dục mà đưa đến sự thành hình nào đó thì nó phải qua giai đoạn chấp thủ, thủ như vậy được xem là một thái độ lựa chọn, trong khi ái chỉ là trạng thái ưa thích mà thôi, và chính vì có điểm này nên người Phật tử tin rằng có sự tu tập và tu tập có giá trị, tại sao?
Vì thường thường người ta có hai quan niệm:
1) Quan niệm ngày xưa của người Bà La Môn và các tôn giáo khác thường có: thứ nhất là con người sanh ra vì phiền não là một bản năng tự nhiên, trời đất sanh ra như vậy thì chúng ta không thể sửa đổi được, như là ai sanh ra đời cũng tham cũng muốn, do vậy điều đó là điều tự nhiên không thể sửa đổi được gọi là tiền định, có nghĩa là cái gì đã được an bày rồi. Và những người này khi họ tin vào sự an bày đó thì họ cho rằng những việc làm lầm lỗi của mình thì mình không cần chịu trách nhiệm. Ở bên Hoa Kỳ chúng tôi nghe có trường hợp một số những vị mục sư, những vị linh mục mà khi những người này làm những chuyện sai lầm những vị đó nói rằng "đó là do sự an bày của Chúa, ý Chúa muốn như vậy, ý Chúa muốn tôi lầm lỗi để sau sự lầm lỗi đó tôi làm gương cho bà con tín đồ, nên Chúa muốn tôi làm thì tôi phải làm" như vậy chúng ta cho rằng điều đó là sự an bày tự nhiên.
2) Nhưng mà rồi một phái cực đoan khác nghĩ rằng phiền não nó là tội lỗi của con người, con người không nên làm vậy, nhưng mà vì sự mềm lòng yếu đuối nên làm.
Do đó khi chúng ta đọc về "Ái duyên cho thủ" và "Thủ duyên cho hữu" thì ái là một điều tự nhiên nhưng mà thủ là một sự chọn lựa và hễ có sự chọn lựa thì có chấp thủ mà chính vì điểm này chúng ta mới tin vào sự tu tập, tin chúng ta có thể làm nó khác đi, tại vì sao? Nếu ở trên đời này tất cả đều do tự nhiên như làm thiện cũng là tự nhiên, làm bất thiện cũng là tự nhiên thì Đức Phật không dạy chúng ta tu tập, tại vì sao? mọi sự cố gắng đều là vô ích, và Ngài khuyên chúng ta nhìn lại tiến trình này để thấy rằng chúng ta có sự lựa chọn chứ không phải là không có sự lựa chọn.
Cũng như qúi vị Phật tử, qúi vị cứ nguyện đi chùa thì ở trong việc đi chùa có tốt và có xấu, điều đó tự nhiên, đoàn thể nào cũng có người vầy người khác, qúi vị có đồng ý không? hễ chúng ta đi chùa vào đám đông thì có vui có buồn, nhưng mà rồi không có nghĩa là chúng ta không có lựa chọn, chúng ta có được sự lựa chọn, chúng ta có thể có quyền lựa chọn những người bạn nào mà chúng ta muốn thân cận và những người bạn nào chúng ta không muốn thân cận, chúng ta có sự lựa chọn nhập cuộc và chúng ta có sự lựa chọn không nhập cuộc, nếu chúng ta thấy đám đông đó là đám đông không thích hợp tu tập thì chúng ta có quyền lựa chọn, không phải là không có sự lựa chọn, nên khi nói đến "Ái duyên cho thủ" Đức Phật Ngài nhấn mạnh một điểm là con người sanh ra đời là chúng ta có một khuynh hướng tự nhiên là phiền não, nhưng ngoài khuynh hướng tự nhiên đó chúng ta còn được có quyền lựa chọn.
Khi chúng ta hành thiền có một điểm thú vị, người ta nói trong lúc hành thiền một miếng bánh kẹp nhỏ thôi thì nó có giá trị như cao lương mỹ vị. Chúng tôi nhớ ngày ở Thái Lan, lâu lắm rồi chúng tôi không được ăn kẹo chocolate và ở bên Thái Lan thì kẹo chocolate rất mau chảy do đó hiếm khi ở trong chùa Phật tử họ dâng chocolate, thì có một lần ở Thụy Sĩ qúi vị Phật tử gửi cho chúng tôi thùng quà vào dịp tết, ở chùa bên đó Chư Tăng không được nhận quà riêng, do đó khi nhận thùng quà do Phật tử gửi qua cúng dường thì giao lại cho vị thủ kho và vị đó là phó trụ trì của chùa, và khi vị đó mở ra thấy quà bánh nhiều quá thì vị đó hỏi chúng tôi thích ăn quà bánh sao mà người ta gửi cho nhiều quá vậy.
Thì chúng tôi mới thưa với quí vị đó rằng:
"Bạch Ngài không phải, tại vì hôm nay là ngày đầu năm Tết Nguyên Đán và theo phong tục người Việt Nam giống như người Tàu tại Thái Lan, do vậy qúi vị gửi qua cúng dường đó là chuyện rất tự nhiên chứ không phải tại con thích ăn bánh kẹo mà người Phật tử quen họ gửi bánh kẹo qua."
Ngài nghe nói như vậy Ngài cười và Ngài mới lấy một phong chocolate nói:
"Sư đem cái này về ăn đi, có khi ở Thái Lan lâu cũng nên nhắc nhở chút gì về Việt Nam và đây là ngày tết Việt Nam".
Rồi chúng tôi cám ơn Ngài và mang về, ở trong đời chúng tôi chưa bao giờ mà ăn chocolate ngon như vậy, ăn rất là ngon, thì lúc đó chúng tôi mới có ý nghĩ như vầy là:
"Nếu giả sử như trong các ngày lễ mà Phật tử họ gửi cho mình một thùng bánh, mà ở trong thùng đó chỉ được một thẻ chocolate thôi thì thật sự ở đây có ý nghĩa"
Thì lúc đó chúng tôi mới nghĩ tới chuyện là từ "Ái sanh ra thủ" ăn ngon thì chưa dừng ở tại đó mà nó còn đi xa hơn một chút, nghĩ làm sao cho có chuyện đó, và với một người ở trong trường thiền mà nhịn ăn hay nhịn đói lâu ngày thì những chuyện đó có sự quyến rủ rất đặc biệt, và lúc đó thì chúng ta mới nhìn thấy là "ái sanh ra thủ" cái gì ngon, cái gì mà tiện nghi thì bây giờ nghĩ tới làm sao cho nó có và có một cách hợp pháp không bị la không bị rày thì chuyện đó chúng ta sẽ thấy là một trình tự tự nhiên lắm.
Nên khi chúng ta ngồi thiền có trạng thái mà qúi vị thường để ý là chúng ta muốn thay đổi không khí ngồi lâu thì chán, chúng ta muốn làm việc gì đó và ý muốn đó cần được ghi nhớ, cần được biết. Có đôi lúc chúng ta không phải tự chiến đấu với chính mình nhiều lắm, nhưng mình phải biết là để ý lâu ngày thì chúng ta thấy rằng ở trong cuộc đời mình có nhiều sự lựa chọn chứ không phải thụ động như chúng ta nghĩ, và điểm này quan trọng với người tu tập.
Người xưa họ có nói một câu nói như vầy "Tự do hay không tự do là do kiến thức của con người chứ không phải do người khác ban bố cho mình",
Một người mà trình độ không có dầu họ qua sống ở xứ tự do hoàn toàn thì họ cũng cảm thấy không có tự do, nhưng một người tu lâu ngày thì cảm thấy rằng mình có rất nhiều tự do là vì mình có rất nhiều sự chọn lựa, khi mình hiểu rằng "Ái duyên cho thủ" thì cái "Thủ" rõ ràng là sự lựa chọn của mình chứ không phải là người khác đem lại cho mình.
Như Ngài Punna khi xin Đức Phật sang xứ Sunaparanta để hành đạo, Đức Phật Ngài hỏi Ngài Punna là:
- "Này Punna người dân ở xứ Sunaparanta rất hung dữ, các con sang bên đó các người bên đó hành hung con chửi mắng con thì sao?"
Thì Ngài Phuna thưa với Đức Phật
- "Bạch Đức Thế Tôn nếu những người đó chửi mắng con thì con nghĩ rằng họ còn rất tốt bởi vì họ chỉ mới chửi mắng chứ họ chưa đánh con."
Rồi Đức Phật Ngài hỏi "Vậy chứ này Punna nếu họ đánh đập con thì con nghĩ sao?"
Ngài Punna trả lời "Bạch Đức Thế Tôn họ chỉ đánh đập con là còn tốt chứ họ chưa giết con"
Đức Thế Tôn hỏi tiếp "Này Punnan, nếu họ giết con thì sao?"
Ngài Puna trả lời rằng "Bạch Đức Thế Tôn, nếu họ giết con thì tốt, là bởi vì họ đã cho con một cái chết có ý nghĩa."
Khi nghe câu chuyện đó chúng ta cảm thấy Ngài Punna trả lời là trả lời cho có, nhưng Ngài Punna cho chúng ta bài học chúng ta có sự lựa chọn trong cái nghĩ về người khác đối xử với chính mình, chúng ta có quyền nghĩ: "Tây hay Đức họ kỳ thị mình", chúng ta có quyền nghĩ như vậy vì rõ ràng họ có kỳ thị chúng ta mà họ kỳ thị một cách kín đáo.
Nhưng nếu chúng ta nghĩ: "chúng ta cám ơn họ, họ còn rất tốt, họ kỳ thị nhưng họ còn giữ trong bụng, họ chưa hành hung chúng ta như vậy còn tốt".
Nhưng nếu hành hung chúng ta thì sao, rồi khi họ hành hung chúng ta thì chúng ta nghĩ rằng "Vẫn còn tốt, ít nhất họ đối xử với chúng ta tệ bạc mà họ còn cho chúng ta đến đây sống, như vậy họ vẫn còn tốt" . Tại sao chúng ta không nghĩ tới chuyện đó.
Cũng giống như tất cả chúng ta đều trách Thái Lan, chính phủ Thái Lan tại sao không chống hải tặc, chính phủ Thái Lan không can thiệp chuyện này chuyện kia, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ rằng họ còn rất tốt, ít nhất họ cũng cho chúng ta tạm dung trên đất nước họ bao nhiêu năm trời. Chúng ta có quyền lựa chọn chứ không phải không có lựa chọn, thường thường cái chuyện lựa chọn mà chúng ta gọi là "Thủ" là khi chúng ta lựa chọn thì chúng ta thích nhìn khía cạnh bất lợi, nhìn khía cạnh không tốt.
Như bây giờ qúi vị vào trong chùa, tự nhiên chúng ta có thể nói rằng ở đây không ai tiếp đãi chúng ta nồng hậu hết, chúng ta có quyền nghĩ như vậy và quả thật đó là như vậy, nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ở đây tốt quá không ai làm phiền mình hết, chuyện đó là quá tốt rồi.
Có một lần một số đạo hữu ngồi với chúng tôi nói chuyện rồi có một người không phải là Phật tử, nhưng vì họ có chuyện họ rất ghét Chư Tăng và lúc đó chúng tôi đang ngồi tại một nhà thuộc cộng đồng tại thành phố Houston thì họ vào họ nói
- "Mấy Thầy nha, bây giờ mấy Thầy tại sao ra nước ngoài rồi làm việc này việc kia, giỏi sao không ở Việt Nam xuống đường biểu tình tranh đấu đi."
Nghe như vậy qúi Phật tử chung quanh nổi sùng lên muốn gây chuyện với người đó, chúng tôi ngồi yên lặng vì mình là nhà sư cũng đâu làm gì, chúng tôi mới nói với qúi Phật tử là
"chuyện không có gì hết đâu qúi vị, đừng làm gì hết, sắp tới giờ làm lễ rồi",
Một lát sau mấy người hỏi chúng tôi:
"Vậy chứ Sư thấy mấy người đó sao Sư"
Tôi nói qúi vị rằng "nếu Ngài Puna có mặt tại đây thì Ngài nói những người đó còn tốt vì họ mới chửi mà thôi" thật ra nếu họ đưa tay đánh mình, mình cũng đâu làm gì được, phải vậy không?, họ đánh mình chẳng lẽ mình đi kiện họ, mình là nhà Sư không lẽ mình xách áo đi kiện họ, thành ra họ chưa đánh mình, họ chỉ nói vài lời là họ còn tử tế lắm.
Như vậy ở trong lời dạy của Đức Phật "Ái duyên cho thủ" tức là từ cái thích điều này thích điều kia chúng ta có sự lựa chọn chứ không phải là không có sự lựa chọn, dầu sao đi nữa thì chúng ta nên ý thức một điều rằng sự lựa chọn đó là một điều rất tế nhị,
Chúng tôi kể một câu chuyện về chữ "Thủ". Trong Túc Sanh Truyện kể rằng:
Ngày xưa có một chàng thanh niên làm nghề gánh nước, mỗi ngày đi gánh nước để độ nhật ở một giếng nước rất xa, mỗi ngày anh đến gánh một cặp nước đem về cho ông bá hộ và đổi lấy một đồng bạc để sống qua ngày, làm được một ngày thì đủ ăn một ngày mà làm hai ngày đủ ăn hai ngày, suốt đời anh, từ lúc nhỏ cho tới lớn lên không dư được đồng nào hết.
Có một lần có một vị quan thượng thư đi ngang thấy anh đang gánh nước mới kêu "nè anh bạn trẻ tôi rất khát nước mà tôi cũng cần nước để rửa mặt cho mát, anh có thể nào bán gánh nước anh đang có không?"
Anh thanh niên này mới nói với quan thượng thư "Thưa Ngài, tôi biết Ngài là vị quan lớn, nhưng Ngài thông cảm cho tôi, nếu tôi bán gánh nước này cho Ngài thì tôi sẽ không có thì giờ để đi lấy một gánh nước khác về cho ông bá hộ và nếu hôm nay tôi không mang nước về cho ông bá hộ thì ông sẽ giận và cho tôi nghỉ việc luôn, thì khi ông cho tôi nghỉ việc thì thưa Ngài chắc Ngài cũng đi chỗ khác rồi thì tôi cũng không có việc và tìm công việc ở đâu nữa, thì xin Ngài hoan hỷ là tôi không bán gánh nước này cho Ngài"
Rồi vị quan năn nỉ, vị quan mới nói "Thôi tôi sẽ cho anh bạn một đồng vàng, đồng vàng này giá trị rất lớn và anh lấy đồng vàng này rồi anh bán gánh nước lại cho tôi, rồi sau đó anh chạy nhanh trở lại giếng nước và chịu khó mang gánh nước về trễ một chút và chịu khó nghe la rày một chút thì như vậy anh sẽ có được đồng vàng"
Anh thanh niên nghe vị quan nói như vậy thì nhận lời lấy một đồng vàng. Khi có được đồng vàng đó thì anh đi gánh nước trở về bị ông bá hộ la rày nhưng anh vẫn vui vẻ, sau khi nghe ông bá hộ la rày xong thì anh tìm một nơi kín đáo để cất giữ đồng bạc, vì không có nhà cửa đàng hoàng nên anh mới nghĩ rằng phải đi đến một nơi rất là xa phía đông của hoàng thành tìm một nơi tương đối ẩn khuất, anh mới đếm từ dưới đất lên bao viên gạch rồi tháo viên gạch đó ra cất đồng vàng vô rồi để viên gạch đó trở lại. Yên trí rằng mình có tài sản để dành.
Thời gian không bao lâu sau đó anh gặp một người con gái và cô gái này cũng làm nghề gánh nước như anh, hai người thương nhau và đồng ý kết nghĩa vợ chồng. Nghề gánh nước làm một ngày thì đủ một ngày, một người làm thì đủ ăn một người, mà hai người làm thì đủ ăn hai người chứ không dư dả, do đó hai vợ chồng cưới nhau một thời gian cũng không để dành dư được đồng nào. Một đêm người vợ đi làm về tâm sự với ông chồng nói:
- "Hồi chiều em đi trong làng nghe người ta đánh chuông gõ mõ tuyên bố rằng tối ngày mai có hội chợ đêm, ở trong đời mình mà có lần đi hội chợ đêm chắc là vui"
Người chồng nghe nói như vậy thì rất xúc động và rất thương vợ, người chồng mới nghĩ rằng: "mình là đàn ông cưới vợ về và từ lúc cưới về tới giờ chưa bao giờ mà làm cái gì cho người vợ mà xứng đáng là người chồng, mình làm đủ mình ăn, vợ làm đủ vợ ăn, hai vợ chồng làm thì mạnh ai lấy lo mạng của mình", nằm gát tay lên trán một hồi thì người chồng mới kêu người vợ nói rằng:
- "Anh có để dành được ít tiền tính làm của cho con cái sau này nhưng thôi được ngày mai anh sẽ dùng tiền đó để dẫn em đi chợ đêm",
Người vợ nghe nói như vậy thì mừng quá. Cũng ngày sáng hôm sau Đức Bồ Tát Ngài sanh làm vị vua Brahmadatta ở trong thành, ở Ấn Độ mùa hè rất nóng, nhà vua ngồi trong hoàng thành, hai bên có cung phi mỹ nữ quạt từ sáng tới chiều và quạt luôn tay, và ở trên thì nóc cao nhà tường đá, nhưng trời nóng thì vẫn nóng như thường và nhà vua ngồi nóng nực bực bội như vậy nhà vua ngó ra cửa sổ thấy ở dưới đường có một chuyện rất lạ là có một thanh niên đang chạy trên đường, trời thì nắng mà đường cát đầu trần chân không nhưng có điều lạ là mặt anh rất vui vẻ rất hoan hỷ, nhà vua vô cùng hiếu kỳ mới cho thị vệ bắt người thanh niên đó lại đem đến trước mặt nhà vua, vua hỏi rằng:
"Trẫm đang ở trong cung này bằng đá cẩm thạch có người hầu kẻ quạt mà trẫm thấy rất bực mình vì cái nóng, tại sao khanh chạy dưới đường mà lại rất vui vẻ như vậy, khanh có thể chia cái niềm vui đó cho trẫm biết không?"
Anh thanh niên mới thưa với nhà vua rằng
- "Muôn tâu hoàng thượng, tiện dân từ trước đến giờ chưa bao giờ làm được chuyện gì mà gọi là vui lòng người vợ của tiện dân, tối hôm nay tiện dân sẽ dẫn vợ của tiện dân đi chợ đêm một lần, và bây giờ tiện dân đang chạy đến phía đông của thành này để lấy một đồng vàng, nghĩ tới tối nay được dẫn vợ của tiện dân đi chợ đêm thì hoan hỷ vô cùng mặc dầu trời nắng nhưng rất là vui vẻ"
Nhà vua mới hỏi :
- "Này thanh niên, trẫm có thể hiểu được là nhà người vui sướng tại vì nghĩ đến chuyện dẫn vợ đi chợ đêm tối nay, nhưng mà trẫm tò mò một chút khanh có thể cho trẫm biết là được bao nhiêu tiền không?"
Người thanh niên mới nói với nhà vua : "Tâu hoàng thượng, tiện nhân có một đồng vàng"
Nhà vua nghe nói như vậy thì vua bật cười, vì một đồng vàng đối với nhà vua quá nhỏ nhoi nên nhà vua mới nói rằng:
"Trẫm hiểu và trẫm rất là vui khi được chia xẻ niềm vui với khanh, khanh khỏi cần phải chạy dưới trời nắng như vậy vì dễ bị cảm dễ bị bịnh, hãy trở về nhà và quên đồng vàng đó đi"
Rồi nhà vua kêu người hầu cận đem cho thanh niên một đồng, nhưng khi cầm đồng vàng đó anh thanh niên có vẻ hơi đăm chiêu một chút, thì nhà vua mới hỏi anh thanh niên tại sao lại đăm chiêu như vậy.
Thì anh thanh niên mới nói:
- "Tâu hoàng thượng, tiện nhân rất cảm kích hoàng thượng đã cho tiện nhân một đồng vàng, nhưng mà hoàng thượng bảo tiện nhân quên đồng vàng đó đi, thì tiện nhân không thể bỏ được tại vì dù sao có hai đồng vẫn tốt hơn có một đồng"
Nhà vua mới nghĩ tội nghiệp anh thanh niên quá, từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ có tài sản nào hết mà bây giờ có được đồng vàng mà biểu bỏ thì dĩ nhiên không đành lòng rồi, nhà vua mới nói:
-"Thôi được rồi, trẫm hiểu tâm trạng nhà ngươi", nhà vua biểu người hầu cận lấy cho anh 10 đồng và nói:
" Nhà ngươi cầm 10 đồng này về đi và đừng bao nhờ nghĩ tới đồng bạc đó nữa"
Thì anh thanh niên nghĩ một lúc rồi tâu :
- "Tâu hoàng thượng, đành rằng hoàng thượng cho tiện dân số tiền rất lớn, lớn nhất ở trong đời chưa bao giờ có được, nhưng bảo quên đồng vàng kia thì không bao giờ có thể quên được, tại vì có 11 đồng vẫn tốt hơn có 10 đồng"
Và khi nhà vua nghe nói như vậy, vì là bậc thiện trí thức nhà vua mới có một ý tưởng rất lạ lùng, nhà vua nghĩ rằng mình thử làm cái nào mà ép anh chàng này quên đi được đồng bạc kia để coi tâm ý của chúng sanh ra làm sao, nhà vua nói:
- "Này anh thanh niên, trẫm sẽ cho anh 1,000 đồng vàng mà anh chỉ hứa với trẫm một điều thôi, đó là đừng bao giờ nghĩ tới đồng vàng kia nữa khanh có hứa được không?"
Anh thanh niên này nghĩ một hồi rồi nói:
- "Thưa hoàng thượng chuyện đó khó quá, một ngày đi làm chỉ được một đồng bạc nhỏ thôi, mà bây giờ một đồng vàng mà không nghĩ tới thì không thể được."
Thì nhà vua mới nghĩ trong lòng có lẽ là anh thanh niên này từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ có thể làm ra được nhiều tiền do đó anh chàng không bao giờ bỏ được đồng vàng đó, thì nhà vua mới nói:
"Ta sẽ phong cho ngươi một chức vụ và do chức vụ này nhà ngươi sẽ có rất nhiều tiền và trẫm hy vọng rằng ngươi sẽ quên, bây giờ trẫm cho ngươi làm đô trưởng của nửa kinh đô, phân nửa kinh đô này ngươi sẽ làm đô trưởng và với chức vụ đó người ta sẽ cho ngươi rất nhiều tiền bạc như vậy ngươi có bằng lòng không".
Anh thanh niên đó nói:
- "Tâu hoàng thượng, hoàng thượng cho nhiều quá hạ thần không dám đòi hỏi, hạ thần hứa là sẽ quên đi đồng vàng đó"
Nhà vua bèn nói rằng "bây giờ hoàng thành trẫm sẽ chia ra làm đôi, phía đông và phía tây nhà ngươi chọn phần nào".
Thì tự nhiên anh nói rằng chọn phía đông, nhà vua hỏi:
"Tại sao vậy, ở đó có đồng vàng phải không?"
Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy chấp thủ của chúng sanh gọi là "Ái hà thiên xích lãng" nghĩa là rất là khó có rồi khó quên được, tại vì cái "Thủ" đó chúng ta biết rằng chúng ta có sự lựa chọn, nhưng sự lựa chọn không dễ dàng đâu, giống như anh thanh niên vậy, anh thanh niên có quyền lựa chọn để quên, nhưng để có thể lựa chọn để quên đi đồng vàng đó thì không phải là sự lựa chọn dễ dàng mặc dù anh được rất nhiều tiền. Bởi vậy Đức Phật Ngài nói rằng đó là "xiền xích" và con người phải phấn đấu rất nhiều, như vậy một lúc nào đó phải có sự lựa chọn./.
No comments:
Post a Comment