Wednesday, April 30, 2014

Tại sao mạn lại liên hệ tới "tham" và khổ đau?


Hỏi: Trong câu Phật ngôn:  "Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau", tại sao mạn lại liên hệ tới "tham" và khổ đau? - TT Tuệ Siêu

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khi Đức Thế Tôn Ngài dạy rằng: " ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Ngược lại, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau".

Sự liên hệ giữa mạn và tham trong A Tỳ Đàm (Vi Diệu Pháp) ghi nhận tham có hai trường hợp  là Tham Hợp Tà Kiến và Tham Ly Tà Kiến.

Tham Hợp Tà Kiến , tà kiến luôn luôn tương ưng với tâm tham cho nên đến đạo quả Tu Đà Hườn diệt trừ được tà kiến có nghĩa diệt trừ được nửa phần tham ái, bởi vì 8 tâm tham trong đó có 4 tâm tham tương ưng tà kiến nên phải diệt được tà kiến thì diệt trừ được phân nửa tâm tham.

Tham Ly Tà Kiến, nếu Mạn có sanh khởi thì Mạn sanh khởi trong tâm Tham Ly Tà. Ở đây, khi bậc hữu học Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, ba bậc Thánh hữu học ấy chưa diệt trừ được Mạn nên tham ly tà vẫn còn. Trong khi, bậc Thánh quả Vô Học tức là bậc A La Hán thắng tri liễu tri được Mạn tức là đã đoạn trừ được Mạn rồi thì lúc bấy giờ Tham Ly Tà không có thì như vậy có nghĩa là 8 tâm tham đã được đoạn trừ.

Cũng ví dụ như nhánh lá, lá nương theo cành theo nhánh, nếu chặt nhánh thì lúc đó lá không còn tươi tốt nữa, lá sẽ héo khô sẽ chết đi. Ngã Mạn nương theo tâm tham, do đó nếu đã liễu tri thắng tri được Mạn thì tâm Tham đó không còn.

Sở dĩ chúng tôi nói lúc ban đầu nói về Tham liên hệ Tà Kiến, phải nói trước là để cho quí vị hiểu rằng Tham Tà Kiến thuộc hạ phần kiết sử và đã được thánh đạo Tu Đà Hườn đoạn trừ nên khi đạt đến thánh đạo A La Hán thì lúc đó đoạn trừ Ngã Mạn có nghĩa là đoạn trừ hết tâm tham. Bởi vì 4 tâm Tham Hợp Tà Kiến đã được đoạn trừ xong từ lúc còn hữu học. Bây giờ phần còn lại chỉ là 4 tâm Tham Ly Tà. Nếu như đoạn trừ Ngã Mạn thì có nghĩa là chứng quả A La Hán.

Còn chúng ta nói cách khác: Trong 5 thượng phần kiết sử uddhambhāgiya-samyojana là sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật và vô minh thì chúng ta nói rằng nếu trong 5 thượng phần kiết sử đó hễ đoạn trừ tận gốc có nghĩa là đã thắng tri liễu tri được một trong 5 thượng phần kiết sử đó thì cũng có nghĩa là vị ấy đã đạt đến trạng thái tâm ly tham trạng thái tâm dứt bỏ.

Chúng ta dùng từ dứt bỏ ở đây nó nhẹ quá đúng ra chữ pajahathāti đoạn tận hay là đoạn trừ. Chúng ta gọi là đoạn trừ, thì lúc đó là diệt được sự khổ đau.

Bây giờ có người học Vi Diệu Pháp họ nói rằng; trường hợp Mạn tương ưng với tâm Tham Ly Tà nó bất định, nghĩa là có trường hợp Tham Ly Tà không có Ngã Mạn như vậy thì sao? Nếu như đoạn trừ Mạn rồi thắng tri liễu tri Mạn rồi thì liệu có thể ly tham hoàn toàn để có thể đoạn diệt khổ đau hay không?

 Thì ở đây, chúng ta nói như vậy cũng có lý chứ không phải là không có lý. Nhưng có điều chúng ta nên nhớ 5 thượng phần kiết sử là; sắc ái, vô sắc ái, mạn, phóng dật, và vô minh hễ đoạn tận được một kiết sử nào trong 5 kiết sử đó thì có nghĩa là toàn bộ những thượng phần kiết sử đều được kết thúc, trở thành một vị A Lá Hán sẽ không có trường hợp một người đoạn trừ khát ái đoạn tận sắc ái mà còn lại là vô sắc ái - không thể có.

Chúng ta đọc trong bộ Yamaka - bộ Song Đối, bộ thứ 6 của tạng Vi Diệu Pháp thì chúng ta sẽ thấy cách lập luận này: Ai đang diệt trừ ái sắc thì người đó cũng đang diệt trừ ái vô sắc cũng đang diệt trừ mạn, đang diệt trừ phóng dật, đang diệt trừ vô minh, phải chăng? thì chúng ta nói phải rồi.

Như vậy có nghĩa là ai đoạn trừ Mạn thì người đó cũng có nghĩa là trừ ái sắc, ái vô sắc. Dựa theo đây thì chúng ta sẽ thấy bảo đảm rằng khi thắng tri liễu tri Mạn thì lúc đó tâm ly tham, hễ tâm ly tham thì đạt đến sự diệt tận khổ đau - virājayaṃ pajahaṃ bhabbo dukkhakkhayāyā.  Điều đó chắc chắn là như vậy.

Nói trên phương diện chi pháp như thế. Bây giờ chúng ta nói trên phương diện ý nghĩa.

 Vì sao khi một người liễu tri thắng tri được Mạn thời tâm người ấy sẽ Ly Tham đoạn trừ và diệt tận khổ đau. Tại sao vậy?

 Ở đây, nói đến 9 pháp mạn  (Māna)::
1. Hơn ỷ hơn (Seyyassa seyyo' hamasmī' ti māno).
2. Hơn ỷ bằng (Seyyassa s-diso' hamasmī' ti māno).
3. Hơn ỷ thua (Seyyassa hīno' hamasmī' ti māno).

4. Bằng ỷ hơn (Sadisassa seyyo' hamasmī' ti māno).
5. Bằng ỷ bằng (Sadisassa sadiso' hamasmī' ti māno).
6. Bằng ỷ thua (Sadisassa hīno' hamasmī' ti māno).

7. Thua ỷ hơn (Hīnassa seyyo' hamasmī' ti māno).
8. Thua ỷ bằng (Hīnassa sadiso' hamasmī' ti māno).
9. Thua ỷ thua (Hīnassa hīno' hamasmī' ti māno).

Như vậy, chúng ta có 9 pháp mạn, không thể nào một kẻ phàm phu có thể vượt qua được 9 cách đó. Chớ nghĩ rằng chỉ khi nào mình có sự cống cao hống hách mình coi thiên hạ tầm thường không bằng mình, chúng ta cho rằng như vậy mới là Ngã Mạn Kiêu Mạn còn những cách khác thì chúng ta không cho là Kiêu Mạn.

Thật sự, một người thua ỷ thua tức là họ thấp kém họ ỷ họ thấp kém đó cũng là sự kiêu mạn. Một kẻ hàn sĩ tự cho mình là thấp thỏi không xứng đáng để ngồi ngang với vị vua dầu cho vị vua cố tình mời đi nữa, nhưng vị hàn sĩ đó nói rằng "thân phận của chúng tôi của một tiện nhân thì không thể nào có thể đàm luận hay là ngồi chung với vua được". Nói như thế cũng là một ý Kiêu Mạn. Bởi vậy ở đây người ta mới có câu nói "một lần khiêm tốn bốn lần tự cao".

Thành ra, khi diệt trừ Mạn là diệt trừ cả 9 cách Kiêu Mạn này thì lúc đó không còn tham tiềm ẩn tức là trạng thái tâm ly tham.

Đây là ý nghĩa chúng tôi xin được chia xẻ./.


Tuesday, April 29, 2014

Mạn cần được liễu tri.

Hỏi: Mạn cần được liễu tri.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TTGiác Đẳng: Dĩ nhiên là khi chúng ta bàn về Ngã Mạn, thì nó mang tánh rất rốt ráo chứ không  phải chúng ta nói đời sống hàng ngày. Nhưng, chúng ta biết một giáo lý căn bản Đức Phật Ngài dạy trong đời sống đó là hễ bất cứ pháp nào chúng ta có cái nhìn đây là "Tôi" , "đây là của Tôi", "đây là tự ngã của tôi" thì chúng ta khổ. Đây là một điều rất khó tiêu hóa trong đời sống tu tập của chúng ta. Bởi vì, hầu hết những nỗ lực  của chúng ta đều dựa lên trên một số giá trị của đời sống. Và do những giá trị này thì mình thấy rằng mình được hạnh phúc. Thí dụ như mình tha thiết với một học vị, mình tha thiết với một địa vị nào đó, mình tha thiết như vậy rồi mình thủ đắc cái gì đó thì những điều đó làm cho chúng ta vui làm cho chúng ta hãnh diện. Tuy nhiên, trong cái vui và cái hãnh diện đó thì thật sự chúng ta phải có một cái hiểu biết. Cái hiểu biết ở đây Đức Phật Ngài dùng chữ "Liễu Tri" là chúng ta phải thấy được rằng cái đó nó cũng cho chúng ta vui và nó cũng cho chúng ta khổ, chuyện đương nhiên là như vậy. 

Như trường hợp Đức Phật Ngài dạy trong kinh: 

- "Này chư Tỳ Kheo, nếu có người lấy những lá vàng rơi ở trong sân chùa Kỳ Viên đem đổ xuống hố sâu hay là đốt đi thì các Thầy có buồn không? 

Thì các Thầy nói là:

 - "Dạ, không buồn".

Các Thầy không nghĩ những chiếc là đó là của mình hay liên hệ đến tự ngã của mình, thì Đức Phật Ngài dạy là chúng ta phải quán các Pháp.

Cách đây vài năm chúng tôi có quen với một gia đình người Phật tử, người Phật tử này sang định cư bên Mỹ tạo lập sự nghiệp và sống một thời gian dài con cái đỗ đạt ra trường, vợ chồng có nhà cửa vững chắc và tương đối mọi việc rất tốt đẹp. Các vị nghĩ rằng cuộc sống như vậy là êm ái. Cho đến một ngày, người Phật tử này nhận được một thông báo từ bên Việt Nam ai đó nói rằng ba má khi mất có để lại một phần tài sản cho người chồng của gia đình này và người đó cần về để làm thủ tục để lãnh tài sản đó. Thì khi người Phật tử này nhận được tin thì được xem là bất ngờ giống như là mình có của ở trên trời rớt xuống. Người này tự nhiên có gia tài của cha mẹ để lại với thời giá lúc đó là 1, 2 trăm ngàn. 

Thì khi vị này về Việt Nam, rồi bẳng đi một thời gian 5, 6 tháng chúng tôi không gặp, sau đó chúng tôi gặp lại vị này lên chùa lạy Phật và kể chúng tôi nghe một chuyện. Khi nghe xong chúng tôi rất hoan hỉ và cảm kích mặc dầu người đó không biết rằng chúng tôi hết sức là vui khi được nghe câu chuyện của vị đó.

 Anh kể câu chuyện anh về Việt Nam rồi đi làm thủ tục để nhận lãnh miếng đất đó và lúc bấy giờ ở trên một phần đất đó có người anh họ đang ở và người anh họ làm khó người này rất là nhiều, rồi chính quyền địa phương cũng làm khó rất nhiều. Đại khái là chuyện gia tài để lại nhưng mà lấy miếng đất đó thì phải trải qua rất nhiều khó khăn nhiều chuyện khổ và phiền não.

 Thì anh này sống bên Mỹ thời gian dài không hề vấp váp phải chuyện liên quan đến pháp luật phiền phức như vậy. Và anh nói rằng đó là khoản thời gian chừng 3 tháng anh như sống như trong địa ngục, sống chung quanh ngay cả những người thân cũng trở mặt giống như giành giựt nhau. 

Có một buổi sáng anh thức dạy và anh cảm thấy phiền nên anh đọc một quyển sách bản dịch của Ngài Mahasi và ở trong đó thì Ngài có giảng về một vài pháp thì anh mới nói với chúng tôi: Anh suy nghĩ; mình sống bên Mỹ và mình không có miếng đất đó, mình không được biết là mình có tài sản, mình không được biết rằng thế này thế kia thì những điều đó nó giống như nó chẳng làm phiền gì mình hết, nhưng bây giờ bỗng dưng nó xuất hiện trong cuộc sống của mình và nó gây cho mình bao nhiêu cái phiền não.

 Anh nhớ lại trạng thái tâm an lạc trước kia và tâm phiền não lúc bấy giờ thì anh cảm thấy rằng đúng là lời của Đức Phật dạy: không biết là miếng đất đó anh giành giựt rồi anh được cái gì nhưng bây giờ anh cảm thấy rất là phiền não. 

Sau đó anh quyết định không giành giựt và anh cũng không lấy chuyện đó làm phiền não, anh ra gặp luật sư và anh nói rằng lo được thì lo, lo không được thì thôi, và anh cũng không muốn vì chuyện đó mà đi đến chỗ kiện tụng rồi trở mặt với gia đình quyến thuộc và anh cũng nói thẳng với tất cả mọi người là ở bên Mỹ anh cũng có ăn cũng có mặc, anh không tha thiết với việc đó và nếu ở trong gia đình chịu khó sắp xếp việc đó cho tốt đẹp thì ngưng ngay tất cả chuyện này chuyện kia rồi anh bỏ chuyện đó, nghĩa là họ chia nhau cái gì đó thì họ chia tốt thôi. 

Thì sau đó chuyện xảy ra chúng tôi được biết sự nhượng bộ của anh dẫn đến sự nhượng bộ của một số người khác và cuối cùng thì anh không được hưởng trọn miếng đất đó nhưng anh cũng lấy được hơn phân nửa số tiền, và với phân nửa số tiền đó anh cũng làm một số việc ở VN chứ anh không mang tiền về Mỹ.

 Nhưng anh nói với chúng tôi rằng điều anh cảm thấy hạnh phúc nhất khi anh trải qua chuyện đó là anh đọc một đoạn Ngài Mahasi Sayadaw giảng kinh Vô Ngã Tướng có câu:  nên quán cái này không phải là ta, không phải là của ta, không phải tự ngã của ta", thì  anh thấy rằng Phật Pháp nhiệm màu. Anh nói với chúng tôi rằng chỉ có một buổi sáng anh đọc tự nhiên cõi lòng thênh thang cảm thấy như gánh nặng được trút xuống bởi vì không hiểu tại sao mà mình chưa có phiền não chưa bị gì hết rồi bây giờ mình được cái đó rồi mình nghĩ cái đó là của mình rồi mình bực bội vì cái của mình v.v... rồi mình khổ khổ đến mức độ mà anh nói rằng chưa bao giờ trong cuộc sống mấy chục năm bên Mỹ mà anh cảm thấy nó phiền đến mức độ như vậy và khi  anh đọc được câu đó trong người tỉnh ra. 

Và thưa qúi vị, dĩ nhiên là một người bên ngoài có thể nghĩ rằng thái độ nhượng bộ của anh hay  bỏ qua của anh không phải là sự khôn ngoan hay nó không phải là một chứng tỏ anh có bản lãnh, mà chuyện đó đối với anh cũng không thành vấn đề mà anh chỉ có một điều là anh thấy được cách suy nghĩ của anh làm cõi lòng anh thênh thang. Và khi anh đi từ phi trường về nhà, sau khi tắm thay đồ xong thì điều đầu tiên là anh muốn lên chùa lạy Phật và anh muốn chia sẻ với chúng tôi một ít về suy nghĩ trong thời gian đó. 

Chúng tôi rất vui rất cảm kích là trong cuộc sống mình rõ ràng có một điều đó là có rất nhiều trường hợp mình không có thấy mình cứ nghĩ  "à! mình được cái đó, mình có đó"  nhưng mà cái đó nó phù du lắm nó là hư danh nó là hư lợi nó chỉ là một thứ hư ảo mà thôi. Nhưng người ta nghĩ chuyện đó quan trọng và do mình nghĩ chuyện đó quan trọng không đúng chỗ mình khổ.

Thật ra, chúng ta thường bám víu với ý nghĩ là "đây là tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi" mình nghĩ nó là hạnh phúc nhưng thực sự cái nhìn "đây là tôi", "đây là của tôi", "đây là tự ngã của tôi" nó làm cho mình khổ nhiều hơn là hạnh phúc. Nó nên là một câu thần chú, nó nên là một câu mà mình thường nhắc đi nhắc lại trong đời sống khi nào mình gặp cảnh khổ thì mình nhớ lời Đức Phật dạy rằng: Nếu cái đó là của mình thì mình có thể bảo nó như thế này đừng như thế kia, nhưng bởi vì mình không thể bảo nó như thế này đừng như thế kia thì mình nên nhận thức bằng chánh trí rằng đây không phải là "ta"  không phải là "của ta", không phải là "tự ngã của ta". 

Bài học này thật ra khó tiêu hóa. Dĩ nhiên là,  như buổi sáng hôm nay chúng ta không có vấn đề gì thì chúng ta nghe chỉ có nghe thôi nhưng với anh Phật tử về mấy tháng ở VN sau khi vật lộn với những người trong gia đình với chính quyền với luật pháp rồi bao nhiêu phiền não thì điều đó là một phương lương dược nhiệm mầu, nó mầu nhiệm lắm. Có nhiều chuyện mà khổ trong đời sống tự nhiên nó đến với chúng ta. 

Ví dụ, hồi nhỏ chúng tôi cũng nghe Sư Trưởng nói một chuyện là mình không có vật qúi thì mình không khổ nhưng bỗng nhiên ai cho mình một cây viết hay cái gì tốt quá và do nó tốt quá tự nhiên mình đi đâu cũng phải giữ cẩn thận không để bị mất cây viết đó, làm thế này thế kia, rồi lúc đó mình chiêm nghiệm rằng; "à! lúc mình chưa có thì mình thảnh thơi bây giờ mình có thì mình khổ". 

Giáo lý Vô Ngã, là giáo lý làm thế nào để chúng ta bớt đi kiêu mạn trong đời sống hay liên quan đến ngã tính ngã chấp trong đời sống, việc đó rất là khó tiêu hóa. 

Với một người tu tập, một lúc nào đó chúng ta ngồi thiền những cảm thọ như khổ lạc hay phi khổ phi lạc bất khổ bất lạc mà nó hiện lên, thí dụ như mình buồn mình nói đây là thọ ưu thì không nói chi nhưng mình nói là tôi đang buồn thì bắt đầu lớn chuyện. Khi có "cái tôi đang buồn" hay là "họ làm cho tôi buồn" thì lớn chuyện. Tại vì mình thấy cảm thọ đó là của mình và cảm thọ đó trở thành một điều mà mình phải phản ứng, mình phải thế này thế kia. Thì thay vào đó ở trong cái nhìn của chánh niệm mình thấy rằng "thọ ưu sanh khởi thọ ưu diệt, nó đến nó đi" thì mình cứ nhìn như vậy thì mình không cảm thấy khổ trong đời sống,

Một vị trụ trì một ngôi chùa nói với chúng tôi một chuyện mà chúng tôi cũng phải ngồi lắng tai nghe, vị đó nói rằng: ở trong đời làm trụ trì khổ nhất là những người Phật tử họ đi chùa với mình rồi mình bỏ công ra hướng dẫn họ tu tập rồi ngày nào đó tự nhiên có một vị thầy nào đó ở xa về giảng đạo họ đi nghe pháp. Thì vị trụ trì này nghe Phật tử của mình đi nghe thầy khác giảng pháp thì buồn, nghe vị đó qua sinh hoạt ở ngôi chùa khác thì cảm thấy trong lòng rất là đau. Thì lúc đó chúng tôi suy nghĩ: "thật ra, trong đời sống mình có nhiều người họ có nhiều cái khổ, thí dụ như mình thấy là bây giờ giả xử như chúng ta là những người có thân nhân đi trên chiếc máy bay MH370 bị mất tích thì những người có thân nhân mất tích họ khổ thì cái khổ đó lớn hơn chuyện gì khác, chuyện vị trụ trì có ngôi chùa đệ tử đi qua chùa khác thấy khổ nhưng đâu khổ bao nhiêu so với một người có người thân trên máy bay. 

Thật ra, bịnh của chúng ta khổ là do bịnh là không có chuyện khổ lớn thì chúng ta chuốc lấy khổ nhỏ, mà không có chuyện khổ nhỏ thì chúng ta chuốc chuyện nhỏ hơn, khi chưa có chúng ta lại muốn cho có, muốn có rồi khổ vì cái có. Thì luôn luôn là đời sống của chúng ta tự tạo tự chuốc cho mình cái khổ. 

Do vậy, yếu tính của Phật Pháp là không phải Đức Phật Ngài muốn cho chúng ta bị hạ, bị phải nhẫn nhục, phải bị hạ mình xuống phải thế này thế kia. Nhưng, Đức Phật Ngài chỉ cho chúng ta thấy rằng cái nhìn như vậy cái cách suy nghĩ như vậy làm cho chúng ta khổ.

 Một ngày nào đó  chúng ta ngồi đọc lại kinh Vô Ngã Tướng thì chúng ta thấy rằng đó là những lời kinh rất là đẹp. Thí dụ như Đức Phật Ngài mở đầu Ngài nói rằng:

- Này Chư Tỳ Kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn không phải là của ta, nếu các uẩn ấy thật là của ta thì người đời có thể nói rằng xin cho các uẩn như thế này hoặc đừng như thế kia." 

Và Ngài nói rằng: "Bởi vì các uẩn ấy không phải là của ta do vậy mình không thể biểu nó như thế này đừng như thế kia" 

Và Ngài lại dạy tiếp đoạn khác:

- Này các Tỳ Kheo, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường." 

Chư Tỳ Kheo: 

- Bạch Đức Thế Tôn, là vô thường"

- Cái gì vô thường cái đó khổ hay vui ?

- Bạch ĐứcThế Tôn, cái gì vô thường là khổ"

- Cái gì vô thường là khổ mình có nên nhận rằng đó là ta đó là của ta đó là tự ngã của ta chăng?"

- Bạch ĐứcThế Tôn chẳng nên"

Những câu đó rất giản dị, giản dị đến mức độ như chuyện mình đói ăn khát uống vậy, nhưng mà mình nghiệm lời kinh rất là đẹp. Rồi Đức Phật dạy rằng:

- Do vậy này Chư Tỳ Kheo, đối với sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa thì các uẩn ấy chỉ là uẩn thôi, các con nên nhận thức chân lý ấy bằng thực tướng theo chánh kiến như vậy, đó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, đó chẳng phải là tự ngã của ta"

Những lời kinh đó là những lời kinh rất đẹp với đời sống của chúng ta hàng ngày với nhận thức. 

Khi mà mình mới đi vào kinh Phật đôi khi mình cảm thấy rằng Đức Phật Ngài bắt mình dẹp lòng tự ái hay Phật Pháp dạy mình phải thiệt thòi cái này thiệt thòi cái kia. Nhưng thật sự, chúng ta không nhìn thấy rằng chính cái nhận thức sai lạc của chúng ta nó làm cho chúng ta có ảo tưởng về cuộc sống, thí dụ cái đó không phải là của mình mà mình nói là của mình thì mình khổ. 

Người Phật tử đến chùa thì vào thắp nhang lạy Phật xong đi ra. Nhưng nếu chúng tôi là trụ trì chúng tôi nói rằng những người Phật tử này của mình thì thật sự chúng tôi khổ. Làm sao Phật tử của mình được. Phật tử thì họ có nhà riêng có cuộc sống riêng khi họ cần họ đến chùa khi không cần họ không đến chùa. Nhưng tự nhiên họ đến chùa lạy Phật an lạc mình sống an lạc bây giờ mình nghĩ họ là Phật tử của mình là đệ tử của mình họ phải đi chùa mình họ phải trung thành với mình thì mình khổ. Con người của chúng ta nhiều khi chúng ta khổ vì nhận thức sai lầm.

Và phải nhận  ở đây,  khi Đức Phật dạy rằng: "Này các Tỳ Kheo, các con nên nhận thức phần chánh kiến như thực tướng như vầy; đó không phải của ta, không phải là ta, không phải tự ngã của ta" thì câu đó lớn lắm câu đó chúng ta phải chiêm nghiệm và đọc đi đọc lại trong đời sống. Và nếu chúng ta có thể buông được, chúng ta có thể nhả được, chúng ta có thể không bị kẹt trong đó nhiều thì chúng ta sẽ sống thanh thản và phải nói sống thanh thản. 

Ngài Rahula Ngài có viết trong quyền "Con Đường Thoát Khổ"  What the Buddha taught - là những gì Đức Phật dạy thì Ngài dạy rằng một ở trong những điều khó tu nhất của Phật Pháp đó là giáo lý Vô Ngã. Con người chúng ta ai cũng tin cái ngã tính, ai cũng tin rằng cái này là "ta" là "của ta" cho chúng ta thăng hoa cuộc sống, cho chúng ta thấy rằng mình giàu có, cho thấy rằng mình là ai, mình quan trọng như thế nào. Nhưng khi mình học về giáo lý Vô Ngã thì mình hiểu rằng niềm hãnh diện đó, niềm tự hào đó, niềm vui đó cho mình vui một mà nó cho mình khổ tới mười. 

Chúng ta ngồi chúng ta nghiệm điều đó thì chúng ta có thể bớt được những cay đắng của cuộc sống. Ban đầu thì mình nghĩ nó khó tiêu hóa nhưng mình nhìn từ từ thì mình sẽ quen và lâu ngày thì chúng ta nhớ rằng, nói cho cùng thì tất cả những điều chúng ta lo lắng thì nó chỉ là một chiếc lá vàng rơi ở trong sân chùa. Thì qúi vị thấy là ở trong sân chùa đã là vô chủ rồi những chiếc lá vàng rơi mùa thu rơi xuống thì chúng ta chỉ mong quét đổ nó đi chứ mình không phải nặng lòng là nó phải thế này nó phải thế kia.

Chúng tôi kỳ rồi đi sang một vùng ở miền bắc Thái Lan tthấy một bức tranh vẽ 4 chiếc lá vàng rơi, chúng tôi rất thích thỉnh bức tranh đó thì một vị đi chung với chúng tôi nói rằng tranh này đâu có giá trị gì, nó chỉ bình thường đâu có gì đặc biệt,  nó chỉ là 4 chiếc lá rơi thôi. Chúng tôi cũng cười không nói gì nhưng chúng tôi thích đem về  treo trong phòng vì chúng tôi nhớ lại câu Đức Phật dạy:

- "Nếu những chiếc lá vàng rơi ở trong sân chùa Kỳ Viên người ta đem đổ xuống hố hay người ta đốt các thầy có phiền khổ không?" 

- Bạch Đức Thế Tôn, dạ không, là bởi vì chúng con nghĩ nó không phải là của mình". 

Bài học đó là bài học rất là lợi lạc cho đời sống và mong rằng mỗi chúng ta trong đời sống tu tập có nhiều cái khổ và tìm thấy được những phương linh dược nhiệm màu. Và chúng tôi rất thích hình ảnh của anh Phật tử suốt ba tháng đi về VN để tìm cách giành lại phần tài sản thừa kế của mình với bao nhiêu khổ đau rồi tới một buổi sáng nhờ đọc được những giòng chữ mà Ngài Mahashi nhắc rằng:"nó chỉ là lá vàng rơi trong sân chùa" và anh trở về với tâm trạng rất là thảnh thơi rất nhẹ nhàng thì biết đâu có những giờ phút chúng ta lại rất vui rất thoải mái khi chúng ta nhìn những chiếc lá vàng và chúng ta thấy rằng ở đó có bài học rất lớn từ Phật Pháp bài học rất lớn cho cuộc sống ./.

Monday, April 28, 2014

Chúng ta có thể làm gì để "chuẩn bị trước" trong cố gắng tự chế dằn cơn phẫn nộ?

Hỏi. Chúng ta có thể làm gì để "chuẩn bị trước" trong cố gắng tự chế dằn cơn phẫn nộ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 25-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên) 

ĐĐ Pháp Tín: Nói về sự sân hận hay sự phẫn nộ, đây là những pháp làm chúng sanh dễ bị  sa đọa. Trong sớ giải Trường Bộ Kinh có đề cập là; nếu hai vị Chư Thiên mà đồng nhau cùng sân hận thì do lửa sân do sự phẫn nộ bộc phát mạnh như vậy làm cho hai vị thiên nhân đó phải sa đọa. Thường thường các vị Thiên nhân khi đời sống an vui không sân hận thì tuổi thọ sẽ sống đủ ở cõi đó nhưng do sân hận làm sẽ mạng chung. 

Đối với Chư Thiên sân hận còn gặp quả báo như vậy thì huống hồ gì đối với chúng sanh phàm phu chúng ta. Là một người tu Phật thì chúng ta phải có chuẩn bị trước, có nghĩa là chúng ta phải tìm những pháp tu nào để tự mình kềm chế sân hận nếu không khi phẫn nộ đã bộc phát thì chúng ta khó dằn. Sân là tội lớn nhưng dễ diệt, có nghĩa là đối với sân hận nếu chúng ta đủ sức hoặc hàng ngày chúng ta có tu tập thì chúng ta sẽ dễ dằn lại được. Tại vì khi sân rồi thì mình không dằn không chế ngự được. 

Trước khi sân thì chúng ta chế ngự được, đây có lý do là tại vì sân dễ tìm thấy cái lỗi không có thật. Nghĩa là, thường thường chúng ta cho rằng người đó đã làm hại mình, hoặc có thể họ đang làm hại mình, và họ sẽ làm hại mình. hoặc sợ rằng người đó đã làm hại người thân của mình, người đó đang làm hại người thân của mình, người đó sẽ làm hại người thân của mình. Nói chung là đủ thứ cách để cho chúng ta tìm lỗi của chúng sanh.

Thời nay, những người không tu tập chỉ cần một chuyện nhỏ người ta có thể tạo những ác pháp rất nặng nề. Cách đây vài tháng báo chí ở VN có đăng liên tục xảy ra rất nhiều vụ giết người một cách thảm thiết chỉ vì một cái nhìn chẳng hạn, có một đám cưới chàng thanh niên khi uống say vào rồi chỉ có cái nhìn qua nhìn lại thôi thì thấy người ta kênh người ta liếc mình do vậy mà rút dao để đâm đối phương đó. Hoặc là trong những buổi trưa  khi xe cộ qua lại quẹt nhau rồi lời qua tiếng lại vậy mà cũng rút dao đâm nhau. Ở ngoài đời, người ta đổ thừa tại người đó như vậy tại người kia như vậy. 

Nhưng, trong sự tu tập, trong những lúc sinh sống bình thường chúng ta không tìm pháp môn để tu, một người có pháp môn tu người đó sẽ bớt đi sự sân hận. Chúng ta nương theo đề mục mình tu hoặc tâm của chúng ta theo dõi đề mục mình thường xuyên quán tưởng thì chính điều này không có thời gian để cho sự sân hận khởi lên, không có thời gian để mình tìm kiếm những lỗi của người khác. Người sân thường ưa tìm lỗi của chúng sanh.

 Người trí là tìm lỗi của sự luân hồi. Trong kinh Pháp Cú có tích chuyện vị Thánh Sadi khi đi phục dịch người Thầy của mình bị cây quạt của Thầy khều trúng con mắt làm bị hư một con mắt. Thì khi người Thầy xin lỗi thì vị Sadi mới nói rằng: "không phải lỗi của Thầy mà do lỗi của giòng luân hồi". Một người trí thì thấy được lỗi của luân hồi còn người sân hận thì thấy lỗi của chúng sanh này chúng sanh kia.

Do vậy chúng ta có rất nhiều cách tu nhưng chỉ sợ rằng chúng ta không chịu tu trước khi tâm  sân mình nổi lên. Một người thường xuyên tu tập về tâm từ, một người thường xuyên quán xét về các hành, thường xuyên tu tập về tâm bi, hoặc là tâm hỉ và tâm xả thì rất dễ dàng chế ngự được sự sân hận. 

Có những lúc chúng tôi bị những lời nói này nặng nhẹ nhưng chỉ cần nhớ lại giòng luân hồi là vậy, có mặt trên cuộc đời là vậy, chỉ cần nhớ đến những câu Phật ngôn như "vừa đủ để nhàm chán đối với ngũ uẩn này" hoặc "vừa đủ để nhàm chán đối với các pháp hữu vi này". Bất cứ câu Phật ngôn nào đó chúng ta nhớ lại lời của Đức Phật dạy, câu Phật ngôn nào đó thì cũng đủ để chế ngự tâm sân. 

Có người nói rằng: lúc mình đang nóng giận mình tìm một ly nước đá lạnh uống hoặc tìm một ly nước nóng vừa thổi nguội để mình uống, điều đó thật sự ra nó không hữu hiệu. Vì đôi khi chúng ta đang sân hận, nhiều khi nước bình thường mình uống vô cũng trở thành nước độc. Mà là lúc chúng ta sân hận thì không có nước nào trị được, chỉ có tâm trị tâm có nghĩa lúc đó chúng ta an trú trong tâm từ hoặc là chúng ta an trú trong tâm bi, có nghĩa là mình thấy chúng sanh đó đau khổ mình cũng sợ đau khổ. Có những lúc chúng tôi nghe những lời nói nặng nhẹ chúng tôi muốn trả lời lại nhưng suy nghĩ rằng nếu người ta nghe mình nói làm người ta đau khổ người ta không làm gì được rồi do như vậy lâu ngày sanh bịnh và mình cảm thấy tội nghiệp người ta thành ra mình không nói lại.

Do vậy, trong đời sống hàng ngày chúng ta phải có sự quán xét, có nghĩa là có rất là nhiều cách tu, cách tu để chế ngự sân hận, một câu Phật ngôn quán về sự vô thường cũng có năng lực để  chế ngự sân hận, một đề mục tâm từ hoặc là một đề mục tâm bi hoặc là một niệm về ân đức Phật hoặc là niệm về ân đức Pháp. Nói chung rất là nhiều cách để đối trị với sân hận, nhưng, ở đây một điều quan trọng là chúng ta phải chuẩn bị trước có nghĩa là chúng ta thường xuyên quán tưởng thường xuyên tu tập thì cách đó hữu hiệu nhất để mà chúng ta chế ngự sân tâm. Những người khi tu tập đúng pháp thì mình nói gì người ta cũng khó khởi lên sự sân hận, nhưng đối với những người không có tu tập chỉ cần một ánh mắt hoặc chỉ cần một câu nói nào đó thôi thì người ta dễ dàng phẫn nộ dễ dàng bực mình như là bị chạm một cái gì đó rất nặng.

Do vậy, một người mà tu Phật thì chúng ta nên chuẩn bị trước bằng những cách như có thể tu tập về tâm từ, tâm bi, hoặc có thể thường xuyên quán tưởng câu Phật ngôn nào đó thì cách này sẽ làm chúng ta ngăn chặn sân hận nếu khi có ai nói gì đó với mình hoặc người ta làm cái gì đó xúc phạm đến mình nhưng mình biết pháp hữu vi sự vận hành là như vậy giòng luân hồi là như vậy thì chúng ta cũng không có dễ gì mà làm hại người khác, hoặc là do năng lực thường xuyên chúng ta tu tập tâm từ thành ra những thứ đó nó như là một cái cọng cỏ va vẹt vào bên trong của mình thôi nó không làm cho mình giận dữ và nó không làm cho mình đau đớn, chính vì vậy mà mình không kháng cự lại hoặc là mình đủ bình tỉnh để mình thoát ra khỏi sự sân hận đó./.

Sunday, April 27, 2014

Ba điều giúp chúng ta kềm chế sự phẫn nộ.

Hỏi: Ba điều giúp chúng ta kềm chế sự phẫn nộ.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 25-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TTGiác Đẳng: Thường thường khi đề cập đến sự phẫn nộ thì chúng ta có cảm tưởng như là đang có lửa mà mình chế dầu vào thêm và hầu như mình hoàn toàn bất lực hay mình ít làm gì được với sự phẫn nộ của mình. Riêng đối với cá nhân chúng tôi thì phải nói một điều là chúng tôi có ba cách hầu như dùng nhiều ở trong đời sống hàng ngày liên quan đến chuyện kềm chế cơn giận của mình điều

 1. Điều đầu tiên đó là chúng tôi thường làm phước là cái gì làm cho tâm tư của mình được mát mẻ. Điều này hơi lạ, tại vì mình nói phước là  làm cho mình giàu có, làm cho mình có trí tuệ, hoặc làm cho mình những điều tốt đẹp. Nhưng, một trong các ảnh hưởng của phước báu là làm cho tâm tư được mát mẻ. Mỗi lần chúng tôi đi về các quốc gia Phật giáo dự những buổi lễ để bát cúng dường Chư Tăng, hay làm lễ trai Tăng, hay chiêm bái các động tâm, lạy Phật thì chúng tôi thường vẫn có tâm nguyện là mong cho phước lành hay là do sự cung kính lễ bái cúng dường làm cho tâm tư được mát mẻ. Lấy ví dụ như là chúng tôi gặp một pho tượng Phật rất đẹp và rất trang nghiêm, chúng tôi đảnh lễ pho tượng và chúng tôi cũng mong rằng hình ảnh rất đẹp rất trang nghiêm sẽ ảnh hưởng đến nội tâm của chính mình. Thật ra thì chúng tôi không nghĩ rằng khi mình nổi cơn giận lên mình có nhiều khả năng kềm chế nhưng chúng tôi rất tin vào phước báu, mình cố gắng làm phước, hễ đời sống hằng ngày mình tạo phước nhiều thì tâm mình mát mẻ hơn. Trong những hoàn cảnh khó khăn hay trong những lúc chúng tôi gặp những chuyện bực bội phiền muộn thì chúng tôi thường học cách của người Phật tử các quốc gia Phật giáo là mình làm phước làm chuyện phước gì đó thì phước đó làm cho tâm tư mình tương đối là nhẹ nhàng mát mẻ.

2. Và điều thứ hai có lẽ ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống chúng tôi rất may mắn ở một điểm là  một số các bậc Thầy Tổ chúng tôi ở gần thân cận được học trong đó có Ngài Hộ Giác, thì chúng tôi thấy rằng Ngài có một sở trường người khác ít khi có được đó là sự kềm chế tâm sân của Ngài. Không phải vì Ngài là một vị Thánh hoàn toàn không sân hận nhưng Ngài là một người rất mát mẻ và Ngài ít có cơn giận mà thường các vị lớn hay có tức là chuyện gì không như ý thì nổi nóng Ngài có sự chịu đựng sự kham nhẫn rất lớn, và nếu mình có được dịp ở gần những vị đó thì mình thấy giá trị của sự tự chế giá trị đó làm cho mình cảm thấy hoan hỉ. Ví dụ đáng lẽ chuyện đó Ngài giận lắm nhưng Ngài yên lặng, chuyện đó đáng lẽ phải la phải rày thì Ngài yên lặng và cái yên lặng của Ngài có năng lực rất là lớn. Ở trong kinh thường nói rằng nếu mình muốn có chánh niệm thì mình nên gần người có chánh niệm, mình muốn tinh tấn thì mình gần người tinh tấn, mình muốn học sự tự chế sự phẫn nộ thì nếu chúng ta ở gần những người có sự kềm chế tâm sân thì tâm chúng ta điềm đạm hơn sẽ bớt giận hơn.

 3. Và một điều thứ ba cũng giúp cho chúng ta rất nhiều, trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài có dạy đó là thỉnh thoảng mình gặp những hình ảnh phẫn nộ của người khác và khi mình nhìn hình ảnh đó mình nhìn thật kỹ thật rõ thì nó cũng giúp cho mình rất nhiều khi mình gặp những tình trạng tương tự như vậy. Có những lần chúng tôi nhìn thấy những người nổi cơn phẫn nộ và do sự phẫn nộ họ nói những chuyện không nên nói rồi về sau này thì thật sự chuyện đó qua rồi thì họ cảm thấy rất ân hận. 

Và chúng ta cũng hiểu trong trường hợp những người thân của hành khách ở trên chuyến bay Malaysia 370 bị mất tích, họ đang sống với nỗi đau đang sống với nỗi chờ đợi mòn mỏi không biết thân nhân mình đã xảy ra chuyện gì và bây giờ còn sống hay chết nhưng với thái độ trả lời của chính phủ Mã Lai đả làm cho họ nổi giận và đôi khi họ nổi giận thì họ có thái độ này thái độ khác chúng ta nhìn những điều đó và nên nhìn thật kỹ như là những bài học lớn của đời sống. Bây giờ lấy ví dụ như chính phủ Mã Lai chính phủ Mỹ chinh phủ Úc và nhiều quốc gia khác cũng muốn biết nhưng mà họ không biết được và nó trở thành một bí ẩn lớn ở trong lịch sử của nhân loại mà chúng ta chưa biết chuyện đó ra sao thậm chí ngày hôm qua người ta còn nói rằng cũng không chắc là máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương, có thể nó rớt trên bờ hay đâu đó. Thì thưa qúi vị, không ai biết chuyện ra sao mà cái chuyện ấm ớ của chính phủ Mã Lai là một điều dể hiểu nhưng thử đặt tâm trạng của chúng ta vào cương vị của những người có thân nhân trên chuyến bay đó thì chúng ta hoàn toàn hiểu được cơn giận.  Hàng ngày trong đời sống mình quan sát thấy rằng cơn giận đó thường đưa chúng ta đến những bến bờ vô định "đa ngôn đa quá" càng nói thì càng lỗi. Và nếu mình nhịn được mình nín được im lặng được thì tốt. 

Và lâu lâu mình cũng nên tâm niệm một bài học rất lớn về câu chuyện một vị nữ thọ thần ở trên cây, vị tỳ kheo muốn đốn cây đó để lấy gỗ làm cốc, và vị nữ thọ thần đã báo mộng đã năng nỉ vị tỳ kheo nhưng vị đó bất chấp. Con người mình có nhiều khi ngoan cố, người ta nói thì nói mình không quan tâm đến, và vị đó đã đốn cây đó, vị nữ thọ thần rất giận vì nhà của mình mà bị một người phá mà người đó là vị tu sĩ mà mình đã báo cho vị đó biết vị đó vẫn phá vẫn bất chấp thì vị nữ thọ thần đáng lẽ là vặn cổ hay làm chết vị tỳ kheo đó. Nhưng nghĩ đến Đức Phật vị này cũng thương cũng qúi cũng tin Đức Phật do đó vị này tự chế và đã khóc và đi đến gặp Đức Phật. Đức Phật Ngài khen vị nữ thọ thần là như vậy là phải biết tự chế như vậy là phải những ai mà dằn được cơn giận thì thật sự là người đó mới là người điều khiển chiếc xe là người đánh xe còn những kẻ khác chỉ là cầm cương đứng hờ thôi. 

Thật ra câu chuyện đó là một câu chuyện xưa câu chuyện đó là câu chuyện trong Luật tạng và cũng có trong kinh Pháp Cú. Nhưng đôi khi chúng tôi vẫn muốn suy ngẫm câu chuyện đó, mình thấy là trong cuộc đời đôi khi mình có những chuyện rất đáng giận, giận lắm. Mình cứ tưởng tượng một vị tỳ kheo đi tu muốn đốn cây mà người ta đến báo mộng là xin đừng đốn cây mà mình vẫn làm mình bất chấp chuyện đó thì thật sự giận dữ đáng lẽ là vặt cổ chết nhưng kềm được và khi gặp Đức Phật thì Đức Phật chỉ ngay điểm quan trọng nhất đó là khả năng tự chế. 

Chúng ta sống thường có nhiều người làm phiền chúng ta, có những người họ tạo cho chúng ta những chuyện phiền phức vô cùng, mình không làm gì họ mà họ có thể đụng chạm đến mình mình giận mình nói những lời thoá mạ những lời khó nói khó nghe và mình nói nặng thì mai kia mốt nọ thật ra lời nói nặng nề không dẫn đi về đâu hết mà nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại thêm. Nhưng lúc chúng ta giận quá không biết làm cái gì thì chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy "ai mà dằn được cơn giận thì người đó mới thật sự là người đang cầm tay lái là người đánh xe là người thật sự điều khiển chiếc xe, còn người khác chi là hụ hợ thôi người khác chỉ là đứng hờ thôi chứ không phải là người đánh xe".

Có lẽ mình nói tóm tắt như vầy, chính khả năng để mà tự chế, chính khả năng để nói năng một cách chừng mực trong cơn giận, chính khả năng có thể yên lặng được thì mới cho thấy chúng ta là người có cái lực đủ để điều khiển đời sống để làm chủ tình hình để nắm lấy đời sống của chúng ta và như vậy là một điều đáng hoan hỉ.

Chúng tôi xin tóm tắt 3 điều giúp chúng ta dằn cơn phẫn nộ:
1. Điều thứ nhất, khi mình phiền não thì thay vì mình ngồi trách móc thì mình làm phước. Làm phước có nhiều cách, tụng một bài kinh, nghe pháp, làm công quả hay làm bất cứ việc gì trong sự làm phước và mong rằng phước đó làm tâm tư chúng ta được nhẹ nhàng được mát mẻ.
2. Điều thứ hai, chúng ta nên biết thân cận với những người có khả năng tự chế, sự thân cận và hình ảnh của những người đó là một cái  gì giúp cho chúng ta rất nhiều trong sự tự chế.
3. Sau cùng, trong việc tiếp xúc, đọc sách chúng ta có thể nhìn thấy quan sát được những người giận mà họ tạo ra những chuyện tệ hại đến mức độ nào và những người giận biết tự chế họ cho chúng ta những hình ảnh đẹp như thế nào thì những điều đó giúp cho chúng ta rất nhiều.

Saturday, April 26, 2014

Tìm hiểu thêm về nước tiểu con bò - Đức Phật cho phép dùng nước tiểu con bò để trị bịnh


Trái amalā
Hỏi: Tìm hiểu thêm về nước tiểu con bò - Đức Phật cho phép dùng nước tiểu con bò để trị bịnh

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Vào năm 1990 chúng tôi ở chùa  Wat Pah Nanachat, vị trụ trì của chùa là Ngài Ajahn Pasanno bây giờ Ngài ở San Francisco, Ngài là đệ tử của Ngài Ajahn Chah. Ngài Ajahn Chah Ngài đặc biệt dành chùa Wat Pah Nanachat như là  thiền viện quốc tế hay còn gọi là tòng lâm quốc tế. Chùa có rất đông Chư Tăng người ngoại quốc từ nhiều quốc tịch khác nhau nên ngôn ngữ đối thoại là tiếng Anh. Chúng tôi sang gặp Chư Tăng ngoại quốc thì chúng tôi rất vui và đôi khi  chúng tôi nghĩ rằng Chư Tăng ngoại quốc các Ngài nhìn mọi vấn đề trên phương diện khoa học, nhìn mọi vấn đề có sự nghiên cứu cẩn trọng. Do đó, có một lần trong lúc chúng tôi nói chuyện lúc đó có Ngài Cả Pasanno, Ngài là người Canada được giáo dục và lớn lên ở Canada về sau đi xuất gia làm Tỳ Kheo, chúng tôi hỏi Ngài: 

"Trong kinh Đức Phật Ngài dạy về việc dùng nước tiểu con bò để chữa bịnh, thì không biết Ngài nghĩ làm sao, dùng nước tiểu con bò để chữa bịnh có kết quả hay không?" 

Thì lần đầu tiên trước sự ngạc nhiên của chúng tôi là Ngài có vẻ không vui và Ngài đã quở chúng tôi là tại sao lại hỏi như vậy, Đức Phật là vị giác ngộ khi Ngài đã dạy như vậy thì nó phải có cái gì Ngài mới dạy chứ không phải là Ngài tự nhiên Ngài dạy. Về sau này khi sống chung với một số Chư Tăng ngoại quốc thì chúng tôi mới biết rằng cái chung của các vị là đức tin của các vị rất mạnh và khi đức tin rất mạnh đôi khi có những chuyện mà người Á Châu mình còn bàn tới bàn lui thì các vị không có bàn.

Thật ra, về sau này trong nhiều lần đi Ấn Độ cũng như qua internet chúng tôi cũng có nghiêng cứu thêm về việc người ta xử dụng nước tiểu con bò. Một điều rất ngạc nhiên cho chúng ta là ở trong nước tiểu con bò có rất nhiều sinh tố và tố chất. Một học viện ở Colorado Hoa Kỳ và một trường đại học New Dehli đã hợp tác để nghiên cứu về những gì liên quan đến con bò thì họ không ngạc nhiên gì khi họ thấy rằng ở trong con bò có 5 thứ mà chúng ta có thể làm thuốc trị bịnh được, ở trong đó có: sữa bò chúng ta dùng rất thường có nhiều sinh tố, phân bò, nước tiểu con bò và sanh tô và thục tô. Thì sanh.tô và thục tô có lẽ qúi vị nghe hơi lạ nhưng có một món thục tô trong đó chúng ta gọi là yaourt, yaourt để trị bịnh, bơ  là sanh tô. Thì thật ra, cũng có một thứ mà Đức Phật Ngài cho phép trị bịnh. Thì trong con bò có tất cả là 5 thứ người ta dùng để trị bịnh.

Con bò là một động vật rất đặc biệt, nhưng một lý do Đức Phật Ngài cho phép dùng nước tiểu con bò để làm thuốc là tại vì nó rất sẳn ở đâu cũng có thành ra Đức Phật cho phép và khi mình xin nước tiểu con bò thì không ai thắc mắc. 

Và bây giờ chúng tôi muốn nói đến một trái khác mà Đức Phật Ngài cũng cho phép dùng làm thuốc trị bịnh đó là trái amalā. Trái amalā này đem lại cho chúng một điều rất thú vị. Người Ấn Độ viết là amalika hay trong  gơoglo thì amalaky họ âm từ  amalā. Trái  amalā thuộc họ hàng với  với  gooseberry trong tiếng Việt Nam thường gọi là trái bí gai, thì trái amalā này cùng một family  với trái miền nam gọi là trái tầm duột, nó giống như trái chùm duột, trái này hơi trong một chút ở bên Thái người ta dâng Chư Tăng ăn buổi chiều chua có nhiều vitamin C. Nhưng trái này cũng là một thứ dượt phẩm rất tốt, nguyên vùng Nam Á người ta hay dùng và ở trong tiếng Anh thường gọi là Indian gooseberry và một số người gọi là Thái gơoseberry tức là gơoseberry của Thái. Trái amalā có rất nhiều vitamin đặc biệt là vitamin C. Thật ra, tác dụng của trái amalā làm con người dẻo dai đi đường xa ít có bị mệt, trái này có thể là người Việt Nam không ăn nhiều người Việt Nam chỉ biết trái tầm duột thôi, trái này tròn không có khía như trái tầm duột nhưng tầm duột cùng một hệ phả với gơoseberry. Rất phổ thông ở vùng Nam Á cũng như ở Thái Lan.

Sau này chúng tôi có được dịp đi sang bên Ấn Độ và chúng tôi đã về Nagpur tại đây có trườngAyurveda Schoo. Chúng tôi ở đó 3 ngày, chúng tôi muốn ở lại Nagpur để tìm hiểu thêm về công dụng của trái amalā. Sau này chúng tôi được biết rằng trái amalā khi ngâm vào nước tiểu con bò nó không bị hư bị thúi mà nó trở thành pickle tạm gọi là dưa mà loại dưa này nó lại làm tăng trưởng chất đề kháng trong người của chúng ta. Ngày hôm nay người Ấn Độ cũng dùng trái amalā rất nhiều.  

Thật ra người Việt Nam chưa biết nhiều về cách dùng nước tiểu con bò để trị bịnh. Có một lần chúng tôi đọcmột  bài viết của một người xưng là Phật tử nhưng ông lại bài bác rất nhiều về chuyện ở trong kinh luật nói dùng nước tiểu con bò để trị bịnh. Thì ông nói rằng: "nước tiểu con bò mà uống thì ngu không đầu thai được".

Và ngày hôm nay khoa học cho chúng biết họ có cả ngành trị bịnh gọi là  urine therapy tức là dùng nước tiểu của chính mình để trị bịnh. Cũng lạ là nước khi đi qua cơ thể thì thật sự nó tiết ra nhiều độc tố nhưng mà ở một số trường hợp nào đó thì nó là những phương pháp trị liệu rất có kết quả.

 Chúng tôi chia sẻ điều này với qúi vị hôm nay thật ra không phải là ngày mà chúng ta bàn về điểm này thành ra chúng ta không đi sâu, nhưng chúng ta nên biết  có nhiều vấn đề vì bây giờ chúng ta có nhiều thuốc có sẵn do đó chúng ta không có để ý nhưng lâu lâu thì chúng tôi lấy ví dụ qúi vị thấy người ta cũng khám phá ra một số cây trái mà chúng ta đang dùng nó lại có dược tính hết sức là tốt cho cơ thể là tại vì chúng ta không có biết dùng mà thôi ./. 

Friday, April 25, 2014

Bản sớ giải nói rằng giới hiền thiện tức là tứ thanh tịnh giới. Xin cho biết ý nghĩ của tứ thanh tịnh giới

Hỏi : Bản sớ giải nói rằng giới hiền thiện tức là tứ thanh tịnh giới. Xin cho biết ý nghĩ của tứ thanh tịnh giới

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Tứ thanh tịnh giới (Catupārisuddhisñla) là bốn giới thanh tịnh của bậc xuất gia.

 1) Giới thanh tịnh thứ nhất là Pāṭimokkhasaṃvarasīla tức là thu thúc giới bổn thanh tịnh giới. Ở đây, nói về 227 giới của vị tỳ kheo gọi là Pāṭimokkha là giới bổn hay là biệt biệt giải thoát aṃvara nghĩa là thu thúc nghĩa là dùng Ba-la-đề-mộc-xoa biệt biệt giải thoát giới để đóng cửa phiền não

 2) Giới thanh tịnh thứ hai là Indriyasaṃvarasīla là thu thúc lục căn thanh tịnh giới. là phần tu tập giữ giới chánh niệm thu thúc mắt tai mũi lưỡi thân ý khi tiếp xúc với cảnh sắc thinh, khí, vị, xúc và cảnh pháp ngoài giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa hay biệt giải thoát giới ra thì vị tỳ kheo phải thu thúc đối với các căn mắt tai mũi lưỡi thân và ý. Sự thu thúc đó cũng được xem như là thanh tịnh giới của vị tỳ kheo để ngăn chặn những ác bất thiện pháp chưa có đừng cho nó sanh khởi theo mắt tai mũi lưỡi v.v... Còn nếu như ác bất thiện pháp phiền não khi mà nó sanh khởi rồi thì nhờ sự thu thúc đó mà chặn đứng nó lại không cho nó tiếp tục sanh khởi. Đó là thanh tịnh giới thứ hai.

3) Giới thanh tịnh thứ ba là Ājīvapārisuddhisīla là chánh mạng thanh tịnh giới. Sự nuôi mạng của vị tỳ kheo phải được thanh tịnh tức là sống bằng chánh mạng, không sống bằng tà mạng không vì mục đích tìm kiếm danh lợi mà phải làm những sở hành để câu lợi để lấy lợi lộc từ nơi người cư sĩ. Đó là chánh mạng thanh tịnh giới.

4) Giới thanh tịnh thứ tư là Paccayasannissitasīla là quán tưởng bốn món vật dụng thanh tịnh giới. Một vị xuất gia một vị tỳ kheo tu tập phải giữ giới bổn khi thọ dụng 4 món vật dụng. Bốn món vật dụng là: y phục - Cīvara vật thực là Piṇḍapāta, trú xứ là Senāsana, và thuốc trị bịnh gọi là Gilānapaccayabhesajja.Đối với 4 nhu cầu này cần thiết để duy trì mạng sống thì bắt buộc một vị xuất gia thọ dụng, y phục để che thân tránh được hổ thẹn và ngăn ngừa muỗi rắn rít gió nắng. Vật thực thọ dụng để diệt trừ cảm thọ đói khát và để bảo trì thân này hổ trợ cho đời sống phạm hạnh, khi thọ dụng vật thực vị tỳ kheo hãy thọ dụng cách nào để ăn không lỗi lầm. Khi ở trong trú xứ hay xử dụng sàn tọa thì trú xứ là mái che vị tỳ kheo phải quán tưởng trú xứ đó để ngăn ngừa sự nóng sự lạnh và làm nơi độc cư thiền tịnh chứ không phải là chỗ ở cho sang trọng cho hấp dẫn cho ấm cúng. Dùng thuốc trị bịnh cũng vậy, vị tỳ kheo quán tưởng thuốc trị bịnh để dùng ngăn ngừa các cảm thọ tàn hại đã phát sanh được hoàn toàn bình phục chứ không phải dùng thuốc đó để bồi bổ xác thân này để cho tăng trưởng cái phiền não dục.

 Thì như vậy giới thanh tịnh thứ tư là quán tưởng vật dụng thanh tịnh giới, biệt biệt giải thoát thu thúc giới, thu thúc lục căn thanh tịnh giới, chánh mạng thanh tịnh giới, quán tưởng thanh tịnh giới đó là 4 giới thanh tịnh mà gọi là tứ thanh tịnh giới Catupārisuddhisñla.

Đó là 4 thanh tịnh giới 

Thursday, April 24, 2014

Y cứ theo tam tạng thì người Phật tử nên quan tâm thế nào về cảnh giới tái sanh trong tương lai? -

Hỏi. Y cứ theo tam tạng thì người Phật tử nên quan tâm thế nào về cảnh giới tái sanh trong tương lai? -

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Trong Phật Giáo Bắc Truyền thường đề cập đến những cảnh giới tái sanh qua Tịnh Độ tông. Nhiều người thường bàn đết. Và nhiều người hưởng ứng dù người ta không biết chuyện sanh thiên như thế nào, nhưng người ta vẫn tin rằng là sẽ sanh thiên nếu họ làm theo như vậy. 

Đối với Phật giáo Nam Truyền Nguyên Thủy, thì trong Phật Pháp Đức Phật dạy là Pháp của Phật sẽ đưa đến an vui trong đời sống hiện tại, đưa đến an vui trong đời sống tương lai và đưa đến an vui trong đời sống tối thượng. Ba mục đích đó, với một người tu trong Phật giáo Nguyên Thủy thì ở hiện tại làm sao mà tự mình nỗ lực tu tập. Bởi vì mình tu tập dựa trên Tam Tạng kinh điển những lời dạy của Phật mà tu tập. Nếu như mình hiểu thì nguồn an lạc mà có đưọc cho mình do là mình hành pháp mang lại, không phải chỉ có ở tương lai  mà bao gồm cả hiện tại và cả hạnh phúc tối thượng. Đó là tu tập để đạt được sự giải thoát ngay trong hiện tại

 Thí dụ, mình biết rằng kinh điển Pali mô tả có cảnh giới Chư Thiên. Cảnh giới Chư Thiên là cảnh giới hưởng nhiều phước báu, thì việc tu tập hướng tới cảnh giới ở tương lai là chuyện trước mắt người Phật tử tu tập trong đời sống hiện tại cho tâm mình an tịnh thì mới có thể sanh cảnh giới an vui được. Còn nếu tâm loạn động thì khó sanh vào cảnh giới an vui. 

Và rất nhiều thiện pháp, chính những thiện pháp này tương trợ hổ trợ. Thí dụ, một người muốn tu thiền để an tịnh nội tâm, chưa đến chuyện chứng các tầng thiền mà chỉ nói rằng tâm đạt được định thì người tu tập cần phải có trì giới rồi cần phải bố thí, các thiện pháp khác như cúng dường, nghe pháp. Nói chung, các thiện pháp đó hỗ trợ cho việc mình tu tập. 

Thì người sanh thiên, cũng có nhiều thiện pháp để đưa đến sanh thiên trong đó không thể thiếu niềm tin chánh đáng, không thể thiếu những pháp mà ở đó vị hành giả tu hành không thể thiếu được như là trì giới. Một người trì giới mang đến an tịnh nội tâm rồi có thể sanh thiên, người tu thiền cũng có thể sanh thiên. 

Cho nên, để quan tâm đến đời sống ở cảnh giới tương lai cảnh giới tái sanh thì ở ngay trong đời sống hiện tại này người Phật tử nên có một đời sống hành thiện tức là bố thí cũng làm, trì giới cũng thực hành, tu thiền cũng thực hành, nghe pháp cũng thực hành, nói chung là thực hành những thiện pháp với nhau tương trợ hổ trợ cho nhau như vậy thì người đó khi tâm được an tịnh rồi thì có thể sanh thiên. 

Bởi vì sao vì tâm an tịnh thì cảnh giới tái sanh sẽ là cõi thiên. Đó là điều chúng ta phải cần tu tập nếu  chúng ta còn luân hồi thì còn phải tái sanh. Nếu như tâm có an tịnh hay nhờ thiện pháp khác hổ trợ cho mình được sanh thiên cũng chính là nhờ mình có thực hành thiện pháp. 

Dĩ nhiên là mình cũng hiểu rằng tu cũng phải nói là nhiều đời nhiều kiếp mới có thể giác ngộ được. Nhưng trong Phật giáo thì cũng không phải là chỉ hướng đến tương lai để cho mình sanh thiên ở tương lai mà Đức Phật còn dạy rằng có những pháp mang đến lợi ích trong đời sống hiện tại này để hướng đến tương lai là một cảnh giới nào đó cảnh giới đó được gọi là cảnh giới an lành cảnh giới an vui gọi là thiện thú thì người tu tập cần phải nỗ lực thực hành những thiện pháp khác nhau như vậy thì mình mới mong có thể thanh tịnh và an vui được. Bởi vì khi tâm loạn động thì cũng khó sanh được cảnh giới an vui, mà nếu như tâm đã an tịnh rồi thì chắc chắn sanh cảnh giới an vui bởi do cái thiện nghiệp mà mình làm.

Kinh Pháp Cú có nhắc đến ông thiện nam Dhammika, trong đời sống hàng ngày luôn luôn trì giới, nghe pháp, bố thí cúng dường. Nói chung là tất cả các thiện sự ông thường làm. Và trong giờ phút sắp sửa lâm chung ông thấy 6 chiếc xe ở 6 cõi trời đến rướt ông. Lúc bấy giờ Chư Tăng đang tụng kinh thì ông bảo rằng "khoan chờ ông một chút". Chư Tăng nghĩ rằng ông mê sản cho nên Chư Tăng bỏ về sau đó Chư Tăng trở lại thì ông đã được một cỗ xe ở cõi trời Đao Lợi rướt ông về cảnh giới an lành. 

Câu chuyện này cho biết phước mình tạo thì phước đó tiếp nghinh mình. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy là "phước lành tạo sẵn tiếp nghinh chào mừng", giống như người khách xa quê hương lâu ngày trở về được bà con mừng rỡ tiếp nghinh đón mình về nhà. 

Cũng như vậy, mình tạo phước thì phước là một trong những nguyên nhân làm cho tâm được an tịnh. Khi mình tạo phước các thiện sự khác nhau tự động phước đó nâng đỡ cho mình và cũng  phước đó tiếp nghinh mình sanh về cảnh giới an lành. 

Cho nên quan tâm đến cảnh giới tái sanh ở tương lai là một việc nhưng cũng không phải là chúng ta chỉ quan tâm đến tương lai không mà ngay trong đời sống hiện tại mình phải tự nỗ lực tu tập lấy tức là mình phải thực hành những thiện pháp khác nhau để được sanh cảnh giới an lành. Đó là cách quan tâm đến cảnh giới tái sanh ở tương lai, và mặc dù là mục đích lý tưởng của đạo Phật không phải là để sanh cảnh giới an lành nhưng nếu như chúng ta còn luân hồi mà sanh cảnh giới an lành vẫn tốt hơn là sanh cảnh giới khổ. Phật Pháp lời dạy của Phật mang đến lợi ích trong đời sống hiện tại và còn phải mang tới lợi ích trong tương lai và cũng mang đến lợi ích tối thượng đó là tu tập để đạt chứng đắc Niết-bàn để được giải thoát ./.

Wednesday, April 23, 2014

Chúng ta nên tạo những thường nghiệp thiện

Hỏi: Chúng ta nên tạo những thường nghiệp thiện.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đa phần con người khi đối diện cái chết thì thường rất run sợ và trong sự run sợ đó thường là quên đi những điều tốt đẹp và thường nhớ những điều không nên nhớ, đặc biệt là nhớ những gì mình dính mắc.

Có hai điều Đức Phật đề cập là thiện giới và thiện kiến tức là giới hiền thiện và kiến hiền thiện là cái gì nó gắng bó với đời sống của chúng ta rất nhiều, và nó gắng bó liên tục. Mặc dầu chúng ta kể có nhiều thiện pháp nhưng phải nhận là giới và tri kiến là những gì đó mà nếu mà chúng ta thọ trì thì gắng liền với đời sống chúng ta và cái đó rất cần ở trong giờ phút lâm chung.

Và ở đây cũng nhắc thêm một lần nữa là Đức Phật Ngài dạy rằng giữa cảnh giới tái sanh và hành động của chúng ta nó có sự tương xứng, nó không phải là ngẫu nhiên mà nó có một sự tương xứng và do vậy ở trong đời sống này một điều giúp cho chúng ta rất nhiều đó là chúng ta tạo ra những thường thiện nghiệp.

Những thường nghiệp thiện tức là mình làm cái gì trở thành thói quen ăn sâu bám chặt vào ở trong tâm khảm của mình và điều này cũng có nghĩa là chúng ta nên nhớ những điều tốt những điều đáng nhớ. 

Có nhiều Phật tử đi hành hương tốn rất nhiều tiền tốn rất nhiều thì giờ nhưng khi về lại không có tâm niệm không có nhớ nhiều, và việc đó phôi pha đi, còn trong đời sống có những chuyện oan trái hận thù thì lại ghi tâm khắc cốt. Thật ra điều đó không có lợi cho cuộc sống.  

Nên ngay bây giờ khi chúng ta học hiểu Phật Pháp thì cái gì làm chúng ta cảm thấy phiền không đáng nhớ thì quên nó đi. Những gì tốt đẹp như là tổ chức buổi lễ Tăng Y hay là một tuần đi hành hương hay một tuần đi hành thiền hoặc giả là làm việc gì đó mà mình rất hoan hỉ thì thường niệm tưởng về điều đó, ghi tâm khắc cốt vào việc đó để trong giờ phút lâm chung chúng ta có tư lương có hành trang chúng ta thấy rằng ở trong đời sống mình đã  tạo được thiện pháp thiện hạnh trong cuộc sống. Điểm này giúp chúng ta rất nhiều ./.

Tuesday, April 22, 2014

Hãy là người tỉnh thức, không mê ngủ

Hỏi: Hãy là người tỉnh thức, không mê ngủ

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamm, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Loài người mãi mê chạy theo danh và lợi, chạy theo những thị hiếu sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, họ bám chấp vào đất đai, ruộng vườn, nhà cửa và những gì họ ưa thích. Đó là trạng thái mê ngủ của chúng sanh. Vì rằng chúng sanh lúc bấy giờ đang mãi mê say sưa như vậy, họ không thấu triệt được vạn pháp ở đời là vô thường, khổ và vô ngã. Họ không biết được sự nguy hiểm đang chờ đợi ở phía trước, không đề cao cảnh giác, không nhận thấy được sự già, chết đang gặm nhấm chi phối họ.

Trong kinh ví rằng như người đi vào rừng, trèo lên một sợi dây hái trái để ăn. Trong lúc đang treo mình trên sợi dây và say sưa ăn trái, họ đâu có ngờ ở tận phái trên sợi dây thừng bắt đầu mục hư và đang đứt dần từng sớ dây nhỏ bên trong. Và vì rằng không có sự cảnh giác cho nên  cuối cùng họ rơi xuống đất bị thương tích hoặc tử vong. Cũng vậy, trong đời này chúng ta luôn luôn bị mê ngủ và sự mê ngủ đó là trạng thái đắm chìm trong dục lạc ngũ trần không ý thức được, tìm được lối thoát thân.

Câu chuyện một người thương buôn đi buôn bán chỗ này chỗ kia. Khi bán hàng xong ông ta nghĩ rằng, chúng ta không vội gì về sớm, hãy ở đây cho hết mùa mưa. Khi hết mùa mưa đến mùa lạnh ta sẽ đến nơi khác để du ngoạn. Rồi sang đến mùa nóng ta lại đến chỗ khác nữa. Như vậy trên  đường về ta có thể du ngoạn nhiều nơi. Mùa mưa ở chỗ này, mùa lạnh ở chỗ kia, mùa nóng ở chỗ nọ. Lúc bấy giờ  tại chùa Jetavana, chùa Kỳ Viên Đức Thế Tôn với Phật nhãn nhận thấy người thương buôn này sẽ chết trong bảy ngày nữa nhưng ông ta không hay biết việc đó. Ông ta chỉ an tâm say mê trong việc buôn bán thuận lợi với suy tính an cư chỗ này an cư chỗ kia. Đức Thế Tôn dạy Đại Đức A-Nan-Đa đi đến báo cho người thương buôn biết rằng trong bảy ngày nữa ông ta sẽ chết, vậy ông ta hãy làm những gì ông ta thấy hợp thời và hãy cố gắng tạo nhiều công đức phước báu để sau khi mạng chung sanh về cõi an lạc. Khi nghe nói như vậy người thương buôn khởi lên tâm kinh cảm sợ hãi và ông ta thỉnh Đức Phật và chư Tăng đến cúng dường trai Tăng liên tục bảy ngày. Đến ngày thứ bảy ông ta khởi lên một chứng bệnh và chẳng  mấy chốc qua đời, sanh về cõi trời do nhờ phước báu ông ta đã tạo.

Trong đời sống có những điều chúng ta thấy rất phi lý. Luôn luôn chúng ta quên đi thực tại, mơ tưởng những tương lai, tham đắm những gì mình có. Không ý thức được vô thường, khổ và vô ngã. Càng không ý thức được con đường ta phải đi tức là con đường chánh đạo chánh thiện mà chúng ta phải đi để tạo hành trang cho mình, chuẩn bị tư lương đem theo trong ngày vị lai. Hoặc giả chúng ta không  thể nào thức tỉnh giấc ngủ vô minh để dừng lại sự tham muốn đó, làm các việc thiện hay tu tập để viên mãn trí tuệ ngõ hầu thành tựu quả vị A-la-hán chấm dứt sanh tử luân hồi.

Đành rằng chúng ta không thể nào chiến đấu, chống cự lại được với thần chết. Nhưng trong cuộc sống chúng ta có ý thức làm các điều thiện, những công đức và hướng tâm đến việc tu thiền để tạo cho mình một trí tuệ sáng suốt ngõ hầu trong tương lai thoát khỏi  khổ trầm luân sanh tử. Thà rằng như vậy còn hơn chúng ta say mê trong dục lạc ngũ trần mà không làm gì cả thì sẽ chết trong trạng thái mê ngủ. Do vậy người Phật tử tu tập trong giáo pháp này, chúng ta biết rằng: Già là một định luật không ai có thể thoát khỏi sự già. Chết là một định luật không ai thoát khỏi sự chết.

Nhưng khi chúng ta biết được rằng thân mình đây mỗi ngày mỗi già, mỗi ngày mỗi  héo mòn và khô kiệt. Khi biết như vậy chúng ta hãy sử dụng xứng đáng những quãng đời còn lại của mình. Chúng ta hãy tranh thủ từng giây từng phút, từng ngày từng tháng từng năm, lúc nào có cơ hội bố thí thì chúng ta bố thí, có cơ hội trì giới thì chúng ta giữ giới thanh tịnh, có cơ hội tu thiền thì chúng ta hãy tinh tấn, nổ lực nhiệt tâm tu thiền. Khi ý thức được như vậy, làm được như vậy thì cho dù rằng chúng ta có bị chết cũng không tai hại cho đời sau.

Còn những người miệt mài theo ác pháp, chỉ sống trong dục vọng, những người này cũng chết và sẽ đến những cảnh giới bất an trong tương lai. Như vậy người Phật tử phải cố gắng nổ lực tu tập, mặc dầu hiện tại chúng ta chưa thật sự tỉnh thức, chưa thật sự thức dậy khỏi giấc ngủ vô minh như Đức Phật hoặc các vị A-la-hán. Nhưng chúng ta cũng có thể gọi là thức giấc so với hạng chúng sanh còn đang mê ngủ trong ác pháp. Chúng ta vẫn ý thức được đời sống này là khổ đau, tạm bợ và bấp bênh. Cho nên chúng ta làm những việc phước báu, công đức, chúng ta cũng được gọi là những người tỉnh thức, không mê ngủ. Mặc dầu sự chết vẫn đến với chúng ta và đến với bất cứ hình thức nào không biết được. Nơi nào chúng ta chết, ở trong nhà hay ngoài đường. Thời gian chết  như tuổi thọ 50 tuổi, 60 tuổi, chết lúc nào chúng ta cũng không biết được. Chết bằng cách nào, bị tai nạn giao thông hay già mà chết, hay bệnh mà chết, hoặc bị người khác ám hại mà chết, chúng ta cũng chưa biết được. Đó là những điều bất định. Chúng ta nghĩ đến sự chết để nhớ rằng khi còn thân xác này chúng ta hãy cố gắng chuẩn bị hành trang thiện nghiệp phước báu và sẵn sàng để ra đi.