Sunday, April 6, 2014

khi chúng ta phấn đấu với phiền não thì chúng ta phải có một vài chỗ đứng

Hỏi: khi chúng ta phấn đấu với phiền não thì chúng ta phải có một vài chỗ đứng

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Những người tu tập hay những người muốn thay đổi cuộc sống của mình, trước nhất chúng ta phải trọn một số điều để tự nhắc nhở lấy mình, và những điều này đối với chúng ta phải là những gì có ý nghĩa rất lớn, không phải chúng ta  nhắc mình như là những điều răn của thánh thần, mà chúng ta chỉ nhắc mình về những điều đến từ những lời dạy của Đức Phật, những điều này khi chúng ta đọc vào chúng ta cảm thấy thấm thía, cảm thấy có đủ sức mạnh để cho chúng ta vượt qua những phiền não.

Một người xuất gia có những pháp quán tưởng, quán tưởng về bốn món vật dụng: y phục, trú xứ, thực phẩm thuốc men. Khi đi xuất gia, cái ăn, cái mặc, thuốc uống, chỗ ở rất dễ trở thành những thứ làm cho mình sanh ra tâm phiền não. Bởi vì khi đã giảm bớt những nhu cầu khác, nó chỉ tập trung vào những nhu cầu hết sức tương đối thì những nhu cầu đó lại có sức quyến rủ rất đặc biệt.

Nói chung, đời sống khi dẫn đến sự tu tập, thường thường những nhu cầu về vật chất nằm ở trong bốn nhu yếu phẩm, bốn nhu yếu của một người tu đó là thực phẩm ,chỗ ở, thuốc men và y phục, những thứ đó làm cho người tu tập dễ dính mắc và để đối trị với những thứ này Đức Phật Ngài dạy cho một người xuất gia quán tưởng, quán tưởng trước khi dùng, quán tưởng khi đang dùng, quán tưởng sau khi dùng, và mỗi buổi sáng trước khi mặt trời mọc, các vị Tăng sĩ  đọc những bài về quán tưởng như một điều tâm niệm, bởi vì những điều tâm niệm này ví dụ như Đức Phật Ngài dạy một người xuất gia nên tâm niệm rằng mình ăn uống không phải để mập, để mạnh, để làm cho cơ thể được đẹp đẽ, ăn uống để trừ cái khổ của đói, ăn uống để nuôi mạng tu tập v.v... Sự nhắc nhở như vậy ban đầu nghe giống như thủ tục, giống như những điều răn. Nhưng với một người tu tập, những điều đó có ý nghĩa lớn, tại vì trả cho chúng ta trở về với ý thức chân thực về thái độ nào là thái độ nên có đối với những món vật dụng những nhu yếu của đời sống. 

Cuộc sống tu tập hay đời sống của người xuất gia, khi chúng ta phấn đấu với phiền não thì chúng ta phải có một vài chỗ đứng, và chỗ đứng này nhất định phải của mình chứ không thể của phiền não được. Như một người lính họ ra trận, tuy rằng xông pha ngoài trận mạc sống giữa làn tên mũi đạn, nhưng họ phải trở về hậu cứ, hậu cứ tức là nơi an toàn của họ, hậu cứ là nơi họ canh gác cẩn mật để họ có thể an toàn sống ở trong lãnh vực nào đó,  hậu cứ đó sẽ giúp cho quân đội dưỡng quân, phải giúp cho những người lính tìm thấy những giây phút không phải mặt đối mặt với kẻ thù và lúc nào cũng lo sợ. Thì như vậy, một người tu tập phải có cứ điểm nội tâm, và những cứ điểm nội tâm đó khiến cho chúng ta qua đó không có tranh luận hơn thua, không phải đôi co, không có bàn thảo mà nó là như vậy để chúng ta có sự ổn định.

Chúng tôi xin được nhắc ở đây lại giai thoại liên quan đến một vị thiền sư, liên quan đến một vị Tăng sĩ, vị Tăng sĩ đó là Achaan Sumedho, người đã thành lập ra Tăng đoàn Phật Giáo Tây Phương ở Anh Quốc và nhiều quốc gia khác, Ngài là một trong những khuôn mặt Phật Giáo lớn của thế kỷ này, Ngài là một người sanh ra ở tại Mỹ, và là người da trắng, lớn lên ở tại Mỹ, khi đi sang Á Châu xuất gia tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài Ajahn Chah, phải nói rằng: Một con người đến từ nền văn hoá khác, một con người sống từ một xã hội như Hoa kỳ mà chọn con đường tu tập xuất gia lại trọn con đường trở thành người Phật tử, một đứa con của Phật thì phải nói rằng đó là sự lựa chọn lớn.

Ngài thường an trú trong ba câu: Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami, Sangham saranam gacchami là con về nương tựa với Phật, con xin quay về nương tựa với Pháp, con xin quay về nương tựa với Tăng.

Đối với một người Phật tử Việt Nam quan niệm: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng là những quan niệm rất sơ đẳng. Vào chùa thì tam quy trước, rồi ngũ giới, rồi sau đó thiền định v.v..., mà tại sao với một vị xuất gia, một vị thiền sư có thể nói rằng một người có nhiều năm tu tập mà lại trở về với những quan niệm đó. Thật ra quan niệm của một người mà đã một lần người đó quì xuống và phát nguyện từ đây trở về sau cho đến trọn đời con sẽ sống nương tựa Phật, nương tựa Pháp, nương tựa Tăng, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng đó là quyết định lớn và trong quyết định đó, tâm niệm này hoàn toàn có thể nói rằng trong sạch tịnh tính, và trong cái tâm tịnh tính đó không còn nghi hoặc nữa và vị đó lựa chọn là từ đó trở về sau sự quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng nó trở thành cứ điểm an toàn của mình, hễ khi mình nghĩ đến điều đó thì tâm mình được thuần, tâm mình được trong sạch, tâm mình được ỗn cố, nó không hoài nghi, nó không có những uế nhiễm phức tạp.

Do vậy đối với Ngài Sumedho ba câu Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami, Sangham saranam gacchami  mang lại cả một ý tưởng rất lớn lao,  mang lại cả một vùng trời an toàn, một không gian mà ở trong đó vị đó không bị chi phối bởi những nghi hoặc, những hoài nghi, như vậy là tâm niệm của mỗi người xuất gia, và quan niệm sự tu tập nó khả dĩ cho phép chúng ta có một hậu cứ an ổn và không phải thường xuyên vật lộn đối với những phiền não mà làm chúng ta sống trong tâm trạng hồi hộp, năm ăn năm thua, trái lại tìm được một không khí hết sức ổn định về tinh thần, một cảm giác gọi là an toàn.

Như vậy, chúng ta phải tìm sự tu tập ở thế quân bình giữa giá trị tiền chế và giá trị tự nhiên của một người tu tập. Giá trị tiền chế ở đây là chúng ta phải sống bằng một số khái niệm đã được quy định sẵn. Và giá trị về tự nhiên, là ở trong trách nhiệm, là ghi nhận cái gì xảy ra mới nghe nói như vậy, chúng ta tưởng tượng như hai giá trị giữa cái tự nhiên và tiền chế  có tính cách mâu thuẫn, trái chống với nhau nhưng mà trên thực tế thì không phải như vậy. Một người mà bỏ vào trong rừng thiền sống 5 ngày ba ngày thì người đó cần rất nhiều sự trang bị, những trang bị này khả dĩ giúp cho vị đó đương đầu với nhiều phiền não, cả hai thứ đó  đều cần thiết hết và hỏi rằng những quan niệm này cần được khai triển tới đâu, thì cái khéo đó là cái khéo của mỗi người hành giả, cái khéo đó là cái khéo của mỗi người tu tập.

No comments:

Post a Comment