Tuesday, April 8, 2014

Tại sao phiền não hay là lậu hoặc chúng ta đề cập tại đây là một mấu chốt rất quan trọng?

Hỏi: Tại sao phiền não hay là lậu hoặc chúng ta đề cập tại đây là một mấu chốt rất quan trọng?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 7-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nếu đọc kỹ kinh Phật thì chúng ta thấy rằng cuộc trầm luân này và cả  kiếp nhân sinh này và cả sự hiện hữu của chúng sanh trong cuộc đời đều là tác động bởi giòng luân chuyển mà chúng ta gọi là nghiệp quả và phiền não. Và phiền não hay là lậu hoặc chúng ta đề cập tại đây là một mấu chốt rất quan trọng. 

Nói theo ngôn ngữ của người đời là: một tác phẩm có nghệ thuật cao nó phải đến từ một nghệ nhân tay nghề rất là cao. Một nghệ nhân vụng về hay một người vụng về thì tạo ra tác phẩm thì tác phẩm đó phải là tác phẩm vụng về. Nếu chúng ta là một kết tinh mà nó sản sinh ra từ phiền não thì tự nhiên chúng ta phải chấp nhận cuộc sống là không hoàn hảo. 

Và khi chúng ta nói về điều này, đối với Phật Pháp là một chuyện rất lớn. Một trong những lý do làm cho đời sống chúng ta không có hoàn hảo đó là chúng ta không bao giờ thoả mãn và cái không bao giờ mãn nguyện thoả mãn một cách hoàn toàn, đạo Phật gọi là dukkha là sự trống rỗng, nó không có một ý nghĩa chân thật. Đời sống của chúng ta là đi tìm cái gì đó hoàn hảo nhất, chúng ta truy cầu điều đó. Nhưng mà rồi, tại vì tất cả nó đều là thành quả của phiền não.

 Chúng tôi nhớ có một lần ở chùa Từ Quang nghe pháp sư Thông Kham nói chuyện về một việc mà lúc đó chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi nghe một cách thú vị nhưng khi  lớn lên càng nghĩ càng thấm thía. Pháp Sư nói rằng con người mình có 5 khối, đạo Phật gọi là 5 uẩn, thì mỗi uẩn là một gánh nặng, mỗi uẩn là một cái phiền lụy, rồi mình cộng thêm 5 uẩn nữa, rồi cộng thêm 5 uẩn nữa, thì cái phiền lụy mà cộng thêm nó sẽ tạo thêm phiền lụy thôi, nhưng có nhiều khi mình bị phiền não mình cộng thêm các phiền não khác mình nghĩ rằng mình sẽ có hạnh phúc, đó là giải pháp. Nhưng thật ra từ hệ lụy này mình cộng thêm  hệ lụy khác mà thôi. Đó là điều chúng tôi nghe Pháp Sư giảng ở chùa Từ Quang, lúc đó TT Tuệ Siêu và chúng tôi đang ở chùa Từ Quang để đi học. 

Chúng ta phải nghiền ngẫm lâu ngày thì chúng ta mới hiểu rằng: Tại sao sắc thọ tưởng hành thức, tại sao nhãn nhĩ tỉ thiệt thân, tại sao 12 xứ 18 giới của chúng ta nó từ một cách trực tiếp là sắc tâm tức sắc pháp do tâm tạo, hay là cách dị thục như quả của nghiệp quả dị thục mà tất cả những điều đó đều không có hoàn hảo và khi nó không hoàn hảo nó làm cho chúng ta thất vọng. Chúng tôi biết rằng mỗi chúng ta đều có mơ ướt là tìm cái gì chí thiện, cái gì mà toàn hảo, nhưng phải nói rằng trong suốt cuộc đời từ lúc chúng ta sanh ra cho đến lúc nhắm mắt thì chúng ta luôn luôn nhận thấy rằng có rất nhiều thứ,  và hầu hết ở trong đời sống mà có người họ nói 10 chuyện xảy ra mà 3 chuyện vui là may mắn lắm rồi, chứ thật ra 10 chuyện xảy ra thì hết 9 rưỡi là phiền. 

Tại vì sao vậy? Tại vì đời sống chúng ta là phiền não. Cái phiền não đó nó không phải đơn giản chỉ là sự lầm lỗi của con người. Mà là nó đã tạo ra con người, nó tạo ra chúng sanh, và nó tạo ra con người chúng ta. Thì một nghệ nhân hay người tạo ra một sản phẩm mà người đó vụng về thì họ không thể tạo ra một sản phẩm tốt được. Chúng ta đôi khi rất tự hào bản thân của mình, mình có hình sắc đẹp như vậy, mình thông minh tài trí như vậy v.v... nhưng nhìn lại trong kinh Phật thì chúng ta thấy là bản thân của chúng ta đây là thân, đây là tâm, đây là sở hành, đây là nguyện vọng, đây là mong mỏi, tất cả những điều đó nó đều vướng vào trong dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. 

Dục lậu là mình chạy theo cái gì mình thích, mình dính mắc với cái gì mình thích. 
Hữu lậu là mình muốn mình sẽ là như vậy mình sẽ là như thế kia.
 Vô minh lậu là hành động mà chúng ta không ý thức rõ cái đó như thế nào và chúng ta giống như người mù đi đêm. 

Và nếu chúng ta nghiệm thấy điều này thì dần dà chúng ta sẽ thấm thía là mỗi lần mình nói "không có cái gì trong đời này hoàn hảo hết" chúng ta không phải chỉ một lời là để chắc lưỡi hít hà hay là một câu an ủi mà khi chúng ta nói "không có gì hoàn hảo hết" thì mình hiểu rằng tất cả điều đó là sản phẩm của phiền não, nó vốn là sản phẩm của dục lậu, của hữu lậu, của vô minh lậu. Và bởi vì nó là sản phẩm của phiền não thành ra mình bảo nó hoàn hảo thì nó không bao giờ hoàn hảo được. Và nếu nó không hoàn hảo được thì chúng ta nên có một ý thức tỉnh táo rằng tại sao chúng ta đi tìm hoài mà không thoả mãn. Cho đến một ngày răng long tóc bạc nếu chúng ta sống thọ chúng ta không tìm thấy được một cái giá trị vĩnh hằng ở giữa cuộc đời nó giống như một người mà lột cây chuối lột củ hành hết lớp này đến lớp kia cuối cùng cũng không thấy cái lõi của nó.

 Kể ra thân phận của chúng ta rất đáng thương và nếu chúng ta nghiệm kỹ về điều này thì chúng ta sẽ  thấy rằng có một cái giá trị rất lớn ở trong cuộc sống đó là chấp nhận thực tại và chúng ta không bao giờ ngây thơ nói rằng nếu mà mình được cái đó mình được cái kia thì mình sẽ hoàn toàn thoả mãn. Tại vì ở trong cuộc sống không có chuyện hoàn toàn thoả mãn. Nếu mà thoả mãn hoàn toàn thì không là dukkha. Mình nghèo thì mình muốn giàu vì mình nghĩ rằng giàu thì hạnh phúc. Mình vô danh tiểu tốt mình thấy khổ mình nghĩ nếu mình có chức vụ thì mình hạnh phúc nhưng mà khi có chức vụ thì mình lại không có hạnh phúc. Mình ở chỗ này không hạnh phúc mình nghĩ mình đi chỗ kia thì hạnh phúc nhưng mà đi chỗ kia rồi mình cũng không hạnh phúc và thân 5 uẩn này mình lê lết đến đâu thì nó cũng mang theo cái hệ lụy của nó đến đó.

 Khi mà chúng ta hiểu cuộc trầm luân này là sản phẩm là một thành quả của phiền não thì rất nên đặt lại vấn đề là sự tha thiết của chúng ta nó có đáng hay không, và điều đó không có đơn giản ./.

No comments:

Post a Comment