Hỏi: Ba điều giúp chúng ta kềm chế sự phẫn nộ.
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 25-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên
TTGiác Đẳng: Thường thường khi đề cập đến sự phẫn nộ thì chúng ta có cảm tưởng như là đang có lửa mà mình chế dầu vào thêm và hầu như mình hoàn toàn bất lực hay mình ít làm gì được với sự phẫn nộ của mình. Riêng đối với cá nhân chúng tôi thì phải nói một điều là chúng tôi có ba cách hầu như dùng nhiều ở trong đời sống hàng ngày liên quan đến chuyện kềm chế cơn giận của mình điều
1. Điều đầu tiên đó là chúng tôi thường làm phước là cái gì làm cho tâm tư của mình được mát mẻ. Điều này hơi lạ, tại vì mình nói phước là làm cho mình giàu có, làm cho mình có trí tuệ, hoặc làm cho mình những điều tốt đẹp. Nhưng, một trong các ảnh hưởng của phước báu là làm cho tâm tư được mát mẻ. Mỗi lần chúng tôi đi về các quốc gia Phật giáo dự những buổi lễ để bát cúng dường Chư Tăng, hay làm lễ trai Tăng, hay chiêm bái các động tâm, lạy Phật thì chúng tôi thường vẫn có tâm nguyện là mong cho phước lành hay là do sự cung kính lễ bái cúng dường làm cho tâm tư được mát mẻ. Lấy ví dụ như là chúng tôi gặp một pho tượng Phật rất đẹp và rất trang nghiêm, chúng tôi đảnh lễ pho tượng và chúng tôi cũng mong rằng hình ảnh rất đẹp rất trang nghiêm sẽ ảnh hưởng đến nội tâm của chính mình. Thật ra thì chúng tôi không nghĩ rằng khi mình nổi cơn giận lên mình có nhiều khả năng kềm chế nhưng chúng tôi rất tin vào phước báu, mình cố gắng làm phước, hễ đời sống hằng ngày mình tạo phước nhiều thì tâm mình mát mẻ hơn. Trong những hoàn cảnh khó khăn hay trong những lúc chúng tôi gặp những chuyện bực bội phiền muộn thì chúng tôi thường học cách của người Phật tử các quốc gia Phật giáo là mình làm phước làm chuyện phước gì đó thì phước đó làm cho tâm tư mình tương đối là nhẹ nhàng mát mẻ.
2. Và điều thứ hai có lẽ ảnh hưởng nhiều trong cuộc sống chúng tôi rất may mắn ở một điểm là một số các bậc Thầy Tổ chúng tôi ở gần thân cận được học trong đó có Ngài Hộ Giác, thì chúng tôi thấy rằng Ngài có một sở trường người khác ít khi có được đó là sự kềm chế tâm sân của Ngài. Không phải vì Ngài là một vị Thánh hoàn toàn không sân hận nhưng Ngài là một người rất mát mẻ và Ngài ít có cơn giận mà thường các vị lớn hay có tức là chuyện gì không như ý thì nổi nóng Ngài có sự chịu đựng sự kham nhẫn rất lớn, và nếu mình có được dịp ở gần những vị đó thì mình thấy giá trị của sự tự chế giá trị đó làm cho mình cảm thấy hoan hỉ. Ví dụ đáng lẽ chuyện đó Ngài giận lắm nhưng Ngài yên lặng, chuyện đó đáng lẽ phải la phải rày thì Ngài yên lặng và cái yên lặng của Ngài có năng lực rất là lớn. Ở trong kinh thường nói rằng nếu mình muốn có chánh niệm thì mình nên gần người có chánh niệm, mình muốn tinh tấn thì mình gần người tinh tấn, mình muốn học sự tự chế sự phẫn nộ thì nếu chúng ta ở gần những người có sự kềm chế tâm sân thì tâm chúng ta điềm đạm hơn sẽ bớt giận hơn.
3. Và một điều thứ ba cũng giúp cho chúng ta rất nhiều, trong Trung Bộ Kinh Đức Phật Ngài có dạy đó là thỉnh thoảng mình gặp những hình ảnh phẫn nộ của người khác và khi mình nhìn hình ảnh đó mình nhìn thật kỹ thật rõ thì nó cũng giúp cho mình rất nhiều khi mình gặp những tình trạng tương tự như vậy. Có những lần chúng tôi nhìn thấy những người nổi cơn phẫn nộ và do sự phẫn nộ họ nói những chuyện không nên nói rồi về sau này thì thật sự chuyện đó qua rồi thì họ cảm thấy rất ân hận.
Và chúng ta cũng hiểu trong trường hợp những người thân của hành khách ở trên chuyến bay Malaysia 370 bị mất tích, họ đang sống với nỗi đau đang sống với nỗi chờ đợi mòn mỏi không biết thân nhân mình đã xảy ra chuyện gì và bây giờ còn sống hay chết nhưng với thái độ trả lời của chính phủ Mã Lai đả làm cho họ nổi giận và đôi khi họ nổi giận thì họ có thái độ này thái độ khác chúng ta nhìn những điều đó và nên nhìn thật kỹ như là những bài học lớn của đời sống. Bây giờ lấy ví dụ như chính phủ Mã Lai chính phủ Mỹ chinh phủ Úc và nhiều quốc gia khác cũng muốn biết nhưng mà họ không biết được và nó trở thành một bí ẩn lớn ở trong lịch sử của nhân loại mà chúng ta chưa biết chuyện đó ra sao thậm chí ngày hôm qua người ta còn nói rằng cũng không chắc là máy bay rơi xuống Ấn Độ Dương, có thể nó rớt trên bờ hay đâu đó. Thì thưa qúi vị, không ai biết chuyện ra sao mà cái chuyện ấm ớ của chính phủ Mã Lai là một điều dể hiểu nhưng thử đặt tâm trạng của chúng ta vào cương vị của những người có thân nhân trên chuyến bay đó thì chúng ta hoàn toàn hiểu được cơn giận. Hàng ngày trong đời sống mình quan sát thấy rằng cơn giận đó thường đưa chúng ta đến những bến bờ vô định "đa ngôn đa quá" càng nói thì càng lỗi. Và nếu mình nhịn được mình nín được im lặng được thì tốt.
Và lâu lâu mình cũng nên tâm niệm một bài học rất lớn về câu chuyện một vị nữ thọ thần ở trên cây, vị tỳ kheo muốn đốn cây đó để lấy gỗ làm cốc, và vị nữ thọ thần đã báo mộng đã năng nỉ vị tỳ kheo nhưng vị đó bất chấp. Con người mình có nhiều khi ngoan cố, người ta nói thì nói mình không quan tâm đến, và vị đó đã đốn cây đó, vị nữ thọ thần rất giận vì nhà của mình mà bị một người phá mà người đó là vị tu sĩ mà mình đã báo cho vị đó biết vị đó vẫn phá vẫn bất chấp thì vị nữ thọ thần đáng lẽ là vặn cổ hay làm chết vị tỳ kheo đó. Nhưng nghĩ đến Đức Phật vị này cũng thương cũng qúi cũng tin Đức Phật do đó vị này tự chế và đã khóc và đi đến gặp Đức Phật. Đức Phật Ngài khen vị nữ thọ thần là như vậy là phải biết tự chế như vậy là phải những ai mà dằn được cơn giận thì thật sự là người đó mới là người điều khiển chiếc xe là người đánh xe còn những kẻ khác chỉ là cầm cương đứng hờ thôi.
Thật ra câu chuyện đó là một câu chuyện xưa câu chuyện đó là câu chuyện trong Luật tạng và cũng có trong kinh Pháp Cú. Nhưng đôi khi chúng tôi vẫn muốn suy ngẫm câu chuyện đó, mình thấy là trong cuộc đời đôi khi mình có những chuyện rất đáng giận, giận lắm. Mình cứ tưởng tượng một vị tỳ kheo đi tu muốn đốn cây mà người ta đến báo mộng là xin đừng đốn cây mà mình vẫn làm mình bất chấp chuyện đó thì thật sự giận dữ đáng lẽ là vặt cổ chết nhưng kềm được và khi gặp Đức Phật thì Đức Phật chỉ ngay điểm quan trọng nhất đó là khả năng tự chế.
Chúng ta sống thường có nhiều người làm phiền chúng ta, có những người họ tạo cho chúng ta những chuyện phiền phức vô cùng, mình không làm gì họ mà họ có thể đụng chạm đến mình mình giận mình nói những lời thoá mạ những lời khó nói khó nghe và mình nói nặng thì mai kia mốt nọ thật ra lời nói nặng nề không dẫn đi về đâu hết mà nó chỉ làm cho tình trạng tệ hại thêm. Nhưng lúc chúng ta giận quá không biết làm cái gì thì chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy "ai mà dằn được cơn giận thì người đó mới thật sự là người đang cầm tay lái là người đánh xe là người thật sự điều khiển chiếc xe, còn người khác chi là hụ hợ thôi người khác chỉ là đứng hờ thôi chứ không phải là người đánh xe".
Có lẽ mình nói tóm tắt như vầy, chính khả năng để mà tự chế, chính khả năng để nói năng một cách chừng mực trong cơn giận, chính khả năng có thể yên lặng được thì mới cho thấy chúng ta là người có cái lực đủ để điều khiển đời sống để làm chủ tình hình để nắm lấy đời sống của chúng ta và như vậy là một điều đáng hoan hỉ.
Chúng tôi xin tóm tắt 3 điều giúp chúng ta dằn cơn phẫn nộ:
1. Điều thứ nhất, khi mình phiền não thì thay vì mình ngồi trách móc thì mình làm phước. Làm phước có nhiều cách, tụng một bài kinh, nghe pháp, làm công quả hay làm bất cứ việc gì trong sự làm phước và mong rằng phước đó làm tâm tư chúng ta được nhẹ nhàng được mát mẻ.
2. Điều thứ hai, chúng ta nên biết thân cận với những người có khả năng tự chế, sự thân cận và hình ảnh của những người đó là một cái gì giúp cho chúng ta rất nhiều trong sự tự chế.
3. Sau cùng, trong việc tiếp xúc, đọc sách chúng ta có thể nhìn thấy quan sát được những người giận mà họ tạo ra những chuyện tệ hại đến mức độ nào và những người giận biết tự chế họ cho chúng ta những hình ảnh đẹp như thế nào thì những điều đó giúp cho chúng ta rất nhiều.
No comments:
Post a Comment